Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, January 24, 2015

HÀNG PHỞ GÁNH - Đinh Trọng Phúc




HÀNG PHỞ GÁNH
Hồi ký Đinh Trọng Phúc 
Xin tặng những ai còn nhớ về Quảng Trị xa xưa

Những ngày xa xứ tôi hay ngồi nhớ lại chuyện xưa. Người khác thì hay nhớ về quá khứ nào huy hoàng,mỹ lệ, riêng tôi có lẽ vì một ‘tâm hồn ăn uống’ nên năng nhớ lại cái chuyện “ăn hàng” ngày xưa ở Quảng Trị chăng? Nhưng dù thế nào đi nữa, thành phố đó chừ đã mịt mờ khuất hẳn trong vùng ký ức rồi.
Hồi đó ai nói người dân QT mình không ‘ăn hàng’ hỉ, có chớ! nhưng chuyện ‘ăn hàng’ của dân QT mình đằm thắm và nhẹ nhàng lắm.
Hồi đó quanh chợ Tỉnh chỉ lèo tèo vài tiệm ăn nửa Tàu nửa ta như Nhuận ký. Đường ký hay thuần Việt nam như Lưu khách, NHư Ý... Sau này khi lính tráng đông tôi thấy mọc thêm vài tiệm như Thanh Thanh, hay ngược lên nhà máy đèn thì có tiệm Phương mai hoặc ra hướng bờ sông thì có lữ quán Mỹ thủy tiếp đến là dãy quán chè đêm, bún thịt nướng v.v.. bên bờ sông Thạch Hãn .
Nói chung phố Quảng nhỏ và trầm lặng nên mới ra khỏi trung tâm phố chợ thì khung cảnh đã đìu hiu một vẻ ngoại ô rồi. Dân mình chiều chiều ăn hàng thì chỉ chờ vài ba gánh bún xáo tức là bún bò nhưng thịt bò loại rẻ, bánh bèo, bánh nậm. Vài ba O bán nem chả dạo với một cái giỏ xách gọn một bên tay. Còn ban mai thì có mấy gánh cháo hầm, bánh canh hoặc bánh mỳ nóng mới ra lò. Mấy o đi bán hàng bao giờ cũng bận áo dài, mặc dầu chiếc áo đã đổi màu theo năm tháng nhưng phong tục dân mình đã quen, đàn bà ra đuờng mà không có áo dài là không được !
Mang tiếng là thị xã nhưng thành phố Qtrị đặc biệt xưa lại mang tên từng thôn như Thôn Đệ Nhất, Đệ Nhị cho đến Đệ Ngũ. Nhà tôi ở Thôn Đệ Tứ trước Cửa Hậu, Thành Cổ QT. Sau này khi thị xã Quảng Trị được thành lập người ta còn gọi là phường Đệ Nhất, Đệ Nhị.v.v.
Mấy gánh hàng rong phố Quảng chỉ bán quẩn quanh từ đầu thôn đến cuối thôn là hết, nên mấy O bán hàng chỉ lay hoay trong thôn mình ở thôi, ít khi mấy O gánh qua thôn khác.
Đó là hàng bữa sáng hay chiều . Tối đến QT cũng có những thứ hàng ăn đêm nữa chớ. Lần trong trí nhớ tôi cố đi về sống lại với những hình ảnh và âm thanh của môt thành phố thuở nào mà giờ đây đã phôi pha chôn vùi theo cát bụi thời gian.

***
Ai nói dân QT mình hồi xưa không có phở, có chứ ! người QT mình ăn phở từ lâu. Có điều người QT không phân biệt phở Bắc hay phở Nam gì cả, phở là phở, khác với bún bò, đơn giản thế thôi. Tôi lại không muốn diễn tả tô phở trong tiệm, nó lủ khủ đủ thứ nào rau ớt chanh hành hay ngò gai húng quế; mà tôi chỉ kể lại gánh phở của một bác ngày xưa, một thứ phở khách ăn đêm phải hòa mình trong không khí vắng vẻ và cảm giác se se lạnh ở góc đường hay cuối kiệt nào đó.
Từ xửa từ xưa không biết ai tạo ra gánh phở cho bác bán dạo về đêm quanh thành phố QT hỉ. Mỗi khi bầu trời thực sự tối hẳn thì bác bán phở bắt đầu cuộc hành trình quanh thành phố thân yêu. Bác luôn mặc quấn đùi và hình như đời bác không biết quần dài là gì nữa. Chiếc áo ka ki bạc màu, trên hai vai áo thì vá thành nhiều lớp vì cái nghề bán phở gánh quằn nặng lên vai bác cũng lâu năm rôi.
Nói về gánh phở , nó được tạo lên từ hai thùng gỗ vuông hình khối chữ nhật đứng, có 4 chân nhỏ. Trên mỗi thùng được bện bằng hai sợi thừng chắc chắn để móc đòn gánh. Thùng gỗ sau được thiết kế làm sao để bác đặt gọn được nồi nước súp. Bên dưới nồi súp bác đặt một bếp củi thật gọn, củi luôn leo lét cháy để giữ nồi súp luôn được nóng. Thùng gỗ phía trước bác chia ra nhiều tầng, để đủ thứ như tô, đũa, rau hành và thịt, phía trên bác dành chỗ để làm phở cho khách. Thấy thì đủ thứ, nhưng bác sắp đặt thật khéo léo nên chẳng thiếu món gì. Đã thế, phía ngoài bác không quên móc theo cái đèn bão có 4 mặt kính chắn gió. Chiếc nón lá đã sờn rách theo năm tháng bác không quên móc theo ở thùng gỗ sau để phòng mưa.
Giang sơn của bác là thế đó- chiếc đòn gánh cong cong quằn nặng trên vai, bác thường tìm một ngả ba đường hay trước mấy con hẽm lớn :
-PH.. Ơ… Ở….
Bác cất tiếng rao, tiếng ngân vang sâu vào trong mấy xóm vắng ngoại ô.
Trong Nam, tiếng rao phở ban đêm được thế bằng tiếng gõ lóc cóc của hai thanh gỗ nhưng tiếng rao của gánh phở QTrị xưa là tiếng rao lanh lảnh, âm sau cùng cao vút lên hẳn:
-Ph…ơ…Ở……
Ánh điện đường như biết cảm thông tỏa sáng giúp gánh phở bên góc đường của bác. Có khách, bác ngưng tiếng rao, trịnh trọng bác đặt cái tô nho nhỏ lên mặt trên chiếc thùng gỗ, sau khi nhúng lại nắm phở tươi mịn màng óng ả rồi nhẹ nhàng bác cắt thật mỏng từng lát thịt bò, không quên gia thêm một xíu vị tinh (bột ngọt) hiệu Thái sơn từ cái hộp sắt Tây luôn đặt gần bên, xong bác quay lưng dở nắp nồi xúp đàng sau. Dưới ánh đèn đêm tôi thấy rõ nồi xúp đang bốc hơi ngùn ngụt tỏa lên như một làn khói trắng, về đêm ăn một tô phở bên đường bao giờ cũng ngon
Trời càng khuya con đường ngoại ô càng trở nên vắng vẻ, nhưng khách ăn đêm cảm thấy tô phở càng ngon hơn và ấm áp lạ thường. Chẳng đòi hỏi cầu kỳ, khách cứ tự tìm chổ nào thuận tiện bên vệ đường, ngồi xuống xì- xụp thưởng thức tô phở bình dân đó. Vì là phở gánh nên phần đông khách của bác chỉ mua phở về nhà bởi vậy bác chẳng lo đến chuyện ghế ngồi. Sau khi đẩy lại mấy que củi, rảnh tay, bác lại cất tiếng rao mà giọng nghe không bao giờ thay đổi:
-Ph. Ở….
Có thêm khách rồi đây, ai đó trong xóm đang tất tả cầm tô chạy ra vì bác đang sửa soạn gánh đi nơi khác.
Cuộc đời lam lủ của bác bán phở lặng lẽ trôi nhanh. Chiếc đòn gánh cong cong, đen trui trũi mãi kẽo- kẹt đè nặng lên vai, tuy vậy bước chân của bác vẫn nhịp nhàng đếm bước trên mọi nẻo phố thân quen ngày xưa Quảng Trị.
Nhưng đời người ai cũng có lúc thay đổi, bác bán phở QT năm xưa cũng thế. Gánh phở của bác giờ đã được thay bằng chiếc xe đẩy đàng hoàng. Chiếc xe phở hình khối, phía dưới có 3 bánh cao su nho nhỏ, ngọn đèn bão giờ đã được thay bằng ngọn đèn đốt bằng khí đá (carbur) hẳn hoi. Hai bên thành xe bác còn cẩn thận móc thêm hai cái ghế đòn bằng gỗ có chân cao cho khách ngồi. Giờ đây nồi xúp được làm lớn hơn, chồng tô trên thành xe trở nên cao hơn. Khách ăn đêm ngồi ăn phở vừa nghe tiếng lì- xì phát ra từ ngọn đèn carbur đó. Dạo này tiếng rao của bác nghe to lắm, bác chắp tay đằng sau “oai vệ” hướng mặt vào trong mấy con đường kiệt.
Ph..ở…ơ..
Có ngọn gió nào trong đêm làm trời khuya trở nên se lạnh. Trong sự tĩnh mịch đó, tôi nghe văng vẳng tiếng con chim quốc kêu bầy vọng lên từ bờ hồ bao quanh ngôi thành cổ. Hương phở vẫn dịu dàng tỏa ra bốn phía. Một ông khách đi đâu trên phố về ngang qua, chợt dừng lại, ông vội dựng chiếc xe đạp qua một bên đường sà vào quán bác ăn một tô cho ấm bụng trước khi tiếp tục đạp xe về nhà.
Bác tiếp tục đẩy chiếc xe đến từng đầu con hẽm hay mấy ngả ba đường cho đến khi nồi phở của bác không còn gì nữa. Thế mà mớ xương xúp còn lại bác cũng bán được cho một ông khách chuyên ưa men rượu thế là bác chấm dứt một ngày miệt mài lam lủ.

CHÈ GÁNH
Thật tình mà nói người dân quanh phố chợ thì hay ‘ cựa đóng then gài’ ít có dịp ‘tung tăng thoải mài’ ra ngoài đường ăn hàng đêm như những người dân sống ở vùng ngoại ô gần thị xã.
Đặc biệt vào những đêm "trăng thanh gió mát" là những lúc có mấy gánh chè của mấy O từ mấy xóm lao động ở mấy thôn Thạch hãn, Trí bưu, Hạnh hoa hay mấy xóm nghèo ở dọc theo mấy con đường Duy Tân, Hồ đắc Hanh đi bán dạo quanh mấy đường phố ngoại ô bao quanh 4 cổng đường thành.
Thành Cổ QTrị hồi đó có 4 cổng:
- Cổng Cửa Tiền ngó ra đường Lê Thái Tổ.
- Cổng Cửa Tả ngó ra đường Duy Tân có ngả 3 đường về thôn Quy Thiện - 2 cổng này bị đóng từ lâu.
- Cổng Cửa Hậu tức cổng Lao xá ngó ra đường Lê v Duyệt hay đồng ruộng về làng An tiêm.( cổng này bị đóng sau khi lao xá bị đánh để giải thoát tù chính trị vào năm 1967 cũng là năm tỉnh lỵ đầu tiên ở miền Nam bị đánh
- Còn lại cổng Cửa Hửu hay còn gọi là cổng thành Đinh Công Tráng ngó ra trường Nam Cửa Hửu hay đường Phan đình Phùng. ( cổng này chỉ để Tiểu khu Quảng trị vô ra mà thôi).
- Trong Nam mấy cô bán hàng rong ra đường không bao giờ quên chiếc áo Bà Ba truyền thống thì mấy O bán hàng rong QT hay Huế nói chung ra đường cứ vẫn bận chiếc áo dài. Nhớ về những đêm mùa Hạ, O hay lựa mấy góc đường có ánh đèn điện tỏa sáng, nơi thường có mấy lũ trẻ hay chơi đá lon hay cút bắt reo đùa ầm ĩ. Thong thả, O đặt gánh hàng xuống vừa nghỉ mệt vừa đợi khách.
Nói đến mấy gánh chè của mấy O tôi phải nhớ đến mấy xong nhôm đựng chè nho nhỏ, sáng bóng. Chè của mấy O có đủ loại: nào đậu xanh, đậu huyết, đậu ván đặc hay bột lọc bọc đậu phụng… Mấy O nấu sao ngon lạ ngon lùng, mỗi loại chè có một vị ngon khác nhau, đặc biệt loại chè nào cũng ăn nóng. Lại thêm mấy chiếc chén đựng chè thì bé nhỏ xinh xinh ăn xong tôi lại muốn ăn thêm chén nữa. Hạt đậu phụng thơm giòn nằm gọn trong lớp bột lọc dẽo dai, hòa lẫn trong vị ngọt dịu thơm lẫn mùi gừng Quảng trị. Hạt đậu ván O nấu bùi bùi, chen lẫn trong làn bột dẻo vừa thơm và đặc sánh cùng nước đường trong vắt. Những hạt đậu xanh, đậu huyết hầm mềm nhưng không bao giờ nát để làm vẩn đục nước đường đậm ngọt. Cả gia tài của O hình như nằm hẳn trong gánh chè này, hương thơm vị ngọt của mấy nồi chè đó là tài nội trợ khéo léo, giỏi giang của bao nhiêu người chị người mẹ QT quê mình.
Khách ăn xong, O rửa lại mấy cái chén bằng song nước đem theo ở một đầu gánh, xong O tiếp tục gánh bán dọc theo mấy con đường nhựa quanh Thành Cổ.
Vầng trăng mùa thu đã lên cao, tôi nhìn theo dáng O bán chè lúp xúp nhịp nhàng bước theo chiếc đòn gánh mềm mại, vẫy nhịp. O vừa đi vừa cất tiếng rao dưới ánh trăng đang nhạt nhòa đi bởi ánh đèn đường:
- Ai ăn chè đậu xanh, đậu huyết, bột lọc đậu ván kh.. ôn….

TRỨNG LỘN
Những năm sau này vào nam tôi mới có dịp nghe từ ‘hột vịt lôn’, thực ra người QT mình hồi đó cứ kêu là trứng lộn thế thôi vì không ai làm nghề bán trứng gà lộn cả.
Hồi đó nghề ấp trứng lộn tại QT chỉ làm theo kiểu thủ công, gia đình. Làc đác đâu đó tôi mới thấy vài bầy vịt nuôi rong trên mấy cánh đồng giáp giới Trí bưu, Quy thiện gần cầu Ba bến. Trong Diên sanh thì có mấy bầy ở đồng Cu Hoan hay gần cua Hà lộc giáp giới Mỹ chánh. Đất ruộng QT hiếm hoi làm sao bì được trong nam nơi ruộng đồng cò bay thẳng cánh, bởi vậy vịt bầy ở QT hiếm hoi là phải.
Bù lại thì trứng lộn QT mình ấp thật là ngon. Có lẽ vì làm thủ công ít ỏi nên người ta chăm sóc từng cái trứng một nên trứng lộn QT mới ngon như thế. Tôi lại nghĩ rằng con vịt QT cho ăn kham khổ hơn nên trứng và thịt nó mới thật đậm đà . Một điều quan trọng người ta dấu nghề ấp trừng dữ lắm, chỉ ‘cha truyền con nối’ mà thôi.
Đồ nghề O bán trứng lộn gọn gàng hơn O bán chè nhiều lắm. Trứng luộc xong, O bỏ hết vào trong một cái thúng có đựng trấu (vỏ lúa) để giữ cho trứng được nóng lâu, lại thêm một cái ‘trẹt’ (mẹt) nhỏ đậy vừa vặn chiếc thúng. Trên cái ‘trẹt’ đó, O dùng cái chai không thuốc bắc dùng rồi để đựng muối tiêu, thêm vài ba cái dĩa đất nhỏ cùng một mớ rau răm được vình trong lá chuối. Màn đêm buông xuống, O bán trứng lộn một bên nách thúng còn tay kia cầm chiếc đèn dầu, O từ trong xóm Hạnh hoa hay Trí bưu, Thạch hãn hướng về mấy con đường phố quanh Cổ Thành.
-Ai… trứng lộ..n…
Có khách, O ngồi xuống một bên đường.
-Trớn mấy một cấy ri.. O…?
-Ba cấy mười đồng.
(trứng bao nhiêu một cái đây cô?- ba cái mười đồng)
Khách ăn trứng lộn cũng ngồi xuống bên lề đường. Cái trẹt nhỏ bây giờ trở thành cái mâm, O nhẹ nhàng đặt 3 quả trứng xuống cái dĩa nhỏ, một dĩa kia o đặt môt nhúm rau răm và tiêu muối.
Ông khách chưa vội ăn ngay, một tay cầm cái trứng, tay kia ông che che nheo mắt soi cái trứng lên ngọn đèn điện đường.
- Răng trớn ..tra ri o?
-Trớn rứa mà eng chê tra tề..
(Sao trứng già thế cô? Trứng thế mà anh còn chê già hả ..)
Nói thế, chứ O cũng chiều lòng khách, O săm soi, lựa sâu trong lớp trấu cho đến khi có được cái trứng nào vừa ý khách mới thôi.
Vô Nam rồi tôi mới thấy cách ăn trứng lộn cuả dân mình khác hẳn: trong Nam người ta mỗi khi ăn trứng họ đặt lên cái tách nhỏ cho khỏi nóng tay, xong họ dùng cái muỗng nhỏ từ từ múc trứng ra ăn. Đó là chưa kể nào bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh kèm theo: nào rau nào đồ chua nào ớt tỏi. QT thì khác hơn: sau khi húp hết nước của cái trứng, ông khách chỉ bóp một cái là cả cái trứng tuôn vào miệng chỉ còn lại cái vỏ đã bẹp dí trên tay. Ông khách vừa nhai nhồm- nhoàm lại ghém thêm một nhúm rau răm cùng một tí muối tiêu vào miệng, thế là xong. Tôi là một thằng bé đứng gần đó thán phục tài ăn của ông khách lắm vì tôi thì ăn vài lần mới hết cái trứng. Cứ nhớ mãi có khi tôi bắt chước cách ăn của ông -bóp một lần- rủi thay! miệng tôi thì nhỏ, trứng bên trong còn nóng hổi, nhổ ra thì tiếc của,báo hại thân tôi nước mắt ràn rụa vì nóng phỏng cả miệng.
Mỗi khi có khách mua trứng về nhà, o kèm muối tiêu gói sẵn trong mấy gói giấy nhỏ xíu, còn nhúm rau răm thì được đựng trong một miếng lá chuối, thế thôi đơn giản lắm.
Công bằng mà nói, trong mấy thứ hàng rong ban đêm, thúng trứng lộn của O xem thế mà thuộc loại đắt tiền khi so với đời sống của người dân lao động, lính tráng hoặc công chức nhỏ, hay so với giá trị đồng bạc cùng thời.

MỲ XÍU
Khoảng mười giờ đêm thì rạp xi nê Đại chúng [sau này đổi tên là rạp Kim Châu do bà Fatima người Ấn làm chủ) đã tan khách, mọi người ra về túa ra đủ mọi ngả đường. Phần tôi thì hay thả bộ men theo con đường Lê thái Tổ lên đến phố, rồi từ đó tôi sẽ theo con đường chính Trần hưng Đạo xuôi về trại quân dịch để về nhà.
Giờ này quanh chợ Tỉnh cửa sắt trước những cửa tiệm đều đã đóng kín mít, quanh mấy góc phố chỉ còn thấy mấy chiếc xe ‘mỳ xiu’ thôi. Nhắc đến tiếng ‘mỳ xíu’ hồi đó tôi hay thắc mắc phải chăng tiếng này phát xuất từ tiếng Tàu là bánh mỳ ‘xà xíu’ hay ‘xíu mại’ gì đó rồi người QT mình đơn giản đi gọi là ‘mỳ xíu’ cho gọn chăng? Tôi hay ghé mấy xe mỳ xíu này mỗi khi đi xem phim trên phố về. Trên con đường phố khuya, tôi có một cái thú vừa đi tôi vừa 'gặm' ổ bánh mỳ nóng dòn, thơm phứt.
Đặc biệt mấy xe bánh mỳ đêm ít khi đi xa tận mấy xóm ngoại ô, mấy chú chỉ loay hoay quanh phố chợ Tỉnh mà thôi. - Dạo đó có hai lò mỳ lớn là Đắc lập gấn nhà máy đèn và Vạn Hoa gần miếu Ông Voi đường Quang Trung cạnh chợ, sau này còn có thêm một lò mỳ và kem gần trường trung học Nguyễn Hoàng- Chiếc xe bán mỳ xíu trông nhẹ nhàng hơn chiếc xe phở nhiều lắm. Ba bánh xe làm từ bánh xe đạp, trong thùng xe chú không đựng củi mà lại là lò than nho nhỏ khi nào cũng để sẵn vài ba ổ mỳ cho nóng sẵn. Phía trên thùng xe có chắn 3 mặt kính hẳn hoi trong đó có những lớp bánh mỳ sắp ngay ngắn màu vàng hươm. Tầng trên chú cón chưng một ít phó mát - (fromage) loại đắt tiền của Pháp như ‘ La Vache Qui Rit’ , hay một tảng phó mát hình khối tam giác màu vàng chóe bình dân và rẽ tiền hơn, thế mà hinh như khách của chú đa số chỉ ưa hương vị mỳ xíu tự tay chú làm hơn. Tôi cũng vậy, tôi chỉ thích loại mỳ xíu của chú bán mà thôi. Nói là tiếng mỳ xíu chứ thật ra không mang một chút hơi hám gì của Tàu cả mà ‘xíu’ ở đây hoàn toàn Việt nam hay nói đúng hơn là hoàn toàn Quảng trị. Nhìn mớ xíu của chú kho từ thịt heo, lẫn một ít chả cắt mỏng, ngoài ra không có thêm thứ gì cầu kỳ cả, thế mà khi chú bỏ vào trong ổ mỳ nóng dòn tôi cảm thấy một hương vị rất riêng, rất thấm thía ngon hơn hẳn bánh mỳ thịt nguội trong nam nhiều lắm. Đó là những lúc tôi còn đủ tiền, nếu ít tiền tôi mua một ổ mỳ không chú không hẹp hòi gì, sẻ mỳ, chú chan thêm cho 'một xí' nước xíu nữa là xong.
Một điều lạ, chú bán bánh mỳ xe không bao giờ cất tiếng rao cả. Chú lần lượt đẩy qua từng góc phố đứng chờ khách. Thỉnh thoảng chú lại sửa sang lại lò than trong thùng xe, rồi lại ngước mắt nhìn năm ba người bộ hành qua lại trên hai vĩa hè của con đường vắng như mời mọc, đón chào.
Phố càng khuya càng vắng khách dần, thật lâu mới có một chiếc xe tuần nhà binh chạy qua hay một chiếc Honda đi đâu chạy vội v ề nhà. Có lúc chú yên lặng đứng nghe tiếng đại bác từ hướng Gio linh hay Đông hà vọng đến lúc này trên mặt chú hình như thoáng buồn.

KẾT
Chiến tranh càng ngày càng tăng cường độ, người dân phố Quảng mất dần đi những ngày tháng êm đềm. Rồi những gánh hàng đêm thưa dần,ít hẳn đi .
Thời gian lạnh lùng trôi nhanh: thập niên này tiếp đến thập niên khác, lớp người của thành phố nhỏ bé ngày xưa đó giờ tóc đã ngã màu sương tuyết hay có người đã về với những người ‘ muôn năm cũ’. Ôi thời gian! một chất mầu làm tăng thêm nỗi niềm nhung nhớ khôn nguôi. Những tiếng rao hay TIẾNG XƯA của phố nhỏ thân thương đó giờ không còn nữa , nhưng hồn xưa vẫn sống mãi trong lòng. Rồi khi thu qua đông đến, nhìn lá vàng rơi tôi chợt trào dâng nỗi niềm hoài cổ. Nhưng dù cho ai có đi xa tận chân trời góc biển người Quảng trị vẫn mang nặng trong tim nỗi buồn viễn xứ cùng tình hoài hương không bao giờ phai nhạt.


Đinh Trọng Phúc
READ MORE - HÀNG PHỞ GÁNH - Đinh Trọng Phúc

BỒ BẢN QUÊ TÔI - thơ Lê Đình Khởi



Bồ-Bản Quê tôi

Sông nũng nịu chảy xuôi bờ lau lách,
Đường quanh co thanh thoát bóng tre xanh,
Nhà lơ thơ mươi nóc ngói và tranh,
Rừng một cụm đầy hoa thơm trái đẹp.
Ngang dòng suối, dưới nhịp cầu nhỏ hẹp,
Nước trong xanh róc rách bảo thì thầm :
Những mạch đời tiếp nối cuộc trăm năm…
Làng tôi đó, mảnh mai và bé nhỏ,
Sáu mươi dân – mười mấy mẫu ruộng vườn,
Đủ suối rừng, mờ tỏ dưới sông sương,
Đủ gió mát bóng râm và cát trắng.
Có những chiều – khi trời vừa tắt nắng,
Bước thong dong đi dạo khắp con đường,
Bên hồ sen thoang thoảng gió đưa hương,
Dưới hồ lặng trăng vàng thường tắm bóng.
Đây giòng sông nước không buồn gợn sóng,
Trôi ngập ngừng như mến tiếc bờ xưa.
Ngôi Chùa làng - văng vẳng tiếng chuông khua,
Hàng cổ thụ buông lá cành ủ rủ..
Đây giếng ngọc – vầng trăng thường về ngủ,
Sợ sương đêm ướt lạnh chẳng về trời,
Những con đường sủng ướt bóng sao rơi,
Hương lúa chín quyện tiếng người hò hát.
Ngôi miếu cổ đón bao luồng gió mát,
Nơi gặp nhau trao đổi nén nhang trầm,
Nghĩa trang buồn là cồn cỏ mây hoang,
Ẩn dưới đó những linh-hồn dưới mộ.
Không xa-mã giàu sang : Làng tôi đó,
Số ruộng vườn không đủ để nuôi dân,
Nhưng tôi yêu vì tất cả người thân,
Đều gởi nắm xương tàn nơi đất tổ.
Bao thế-hệ : cha ông từ muôn thưở,
Dựng xây làng trong thiếu thốn chua cay,
Và nơi đây tôi đã sống (trong) những ngày,
Êm ả quá mặc dầu là ngắn ngủi.
Đã bao lần - Lòng buồn và gối mỏi,
Tôi tìm về nghe lại tiếng tre reo,
Đợi trăng lên theo ngọn nước thủy triều
Bên bờ sen, hương thơm hòa quyện gió
Làng tôi đó – khi tôi còn bé nhỏ
Thuộc nằm lòng từng tảng đá gốc cây,
Chính nơi đây chúng tôi thường cởi áo,
Bơi qua sông, tay nối lại đôi bờ.
Có những đêm dưới trăng sáng lờ mờ
Đoàn thôn nữ xuống mò cua bắt cá
Bao vẻ đẹp lung linh và êm ả
Cùng thi nhau tản mác biến về đâu.
Giòng thời gian con nước chảy qua cầu
Còn đọng lại bức tranh trong ký ức
Đẹp muôn đời giữa trái tim thổn thức
Vẫn nguyên lành những nhịp đập yêu thương
Mấy chục năm trời xa cách quê hương
Bao hình ảnh lắng chìm trong tiềm thức
Bổng trổi dậy giữa lòng bao day dứt
Giữa phồn hoa đô-thị mấy dặm đường.
Giữa thăng trầm dâu biển với tang thương
Làng tôi đó, lòng vẫn hằng tưởng nhớ,
Làng tôi đó, một ngôi làng bé nhỏ,
Nhưng tôi yêu, vì chính đó… làng tôi…

Bồ-Bản ơi ! nói sao được cạn lời,
Tuổi già đất khách ngập trời nhớ nhung…
Đơn sơ chỉ có vài giòng
Xin dâng tông tổ tấm lòng thiết tha
Bút nghiên lưu nét chữ nhòa,
Gợi cho con cháu làm quà mai sau.
Người đi đâu, người về đâu
Cũng xin lưu giữ, sắc màu quê xưa !

Bồ-Giang – Hải-Sa

Lê-Đình Khởi
READ MORE - BỒ BẢN QUÊ TÔI - thơ Lê Đình Khởi

HƯƠNG XƯA CHÙA CŨ - Cao Huy Hóa




Hương xưa chùa cũ


Cuộc đời tôi may mắn được gắn bó với chùa. Thời thơ ấu, cuối tuần tôi theo cha mẹ lên chùa Tỉnh hội ở thị xã Quảng Trị, rồi từ khi bước chân vào trường trung học cho đến nay, tôi được lui tới nhiều ngôi chùa ở Huế. Những dịp đi xa, tôi thích đi thăm cảnh chùa và thiền viện. Nhờ những ngôi chùa đó, đạo Phật thâm nhập vào tôi một cách tự nhiên, và không gian chùa của mình rộng mở, chùa gần cho đến chùa xa.

Dầu sao, chốn quê nhà thời thơ ấu với mái chùa thân thương luôn luôn là kỷ niệm thiêng liêng và trìu mến, nhất là nơi đó là mảnh đất Quảng Trị hứng chịu biết bao tai họa thảm khốc của chiến tranh. Vì thế mỗi lần thăm lại chốn cũ Quảng Trị, tôi xem như một lần hành hương. Mới đây, vào đầu tháng 4-2011, tôi có chuyến hành hương như thế, và lần này không những tôi đã về thăm lại ngôi chùa Tỉnh hội, Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang, mà còn thăm ngôi chùa Linh Quang lịch sử mà tôi chưa biết.

Con đường men theo dòng sông Thạch Hãn đưa chúng tôi đến một vùng quê nghèo: làng Trung Kiên, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Chiến tranh đã hủy diệt nhà cửa, tài sản, công trình của tỉnh Quảng Trị, nhưng không cướp được dòng sông trong xanh êm đềm trôi xuôi giữa đồng bằng với mượt mà lúa, bắp, khoai, sắn. Chỉ có khác là dòng sông ngày nay hình như có hẹp hơn, những cồn cát giữa dòng không thấy xuất hiện, có lẽ là chưa đến mùa, thay vào đó là những độn cát bên bờ do khai thác cát bằng cơ giới, dĩ nhiên làm con sông mất đẹp, chưa nói đến vấn nạn khai thác cát sỏi bừa bãi ảnh hưởng xấu đến hai bên bờ và dòng chảy.

Nắng cháy và gió Lào chưa tới, tôi đứng trước chùa Linh Quang giữa mùa xuân, với đồng rộng và trời mây thoáng đãng. Đất đai không chật, dân cư có vẻ không nhiều, đây đó đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ. Từ đây phóng tầm mắt xuôi theo dòng sông, gần cửa Việt là quê mẹ Bồ Bản của tôi, cũng con sông, bờ tre, với lúa, bắp, khoai, sắn, những con đường đất quanh co, đàn bò gặm cỏ, cũng hồi sinh sau chiến tranh tang thương, cũng giọng nói Quảng Trị như xưa nay vẫn thế, mộc mạc tình quê như khoai to vồng thì tốt cộ[1]… Nhưng chỉ đặc biệt ở đây, một ngôi chùa lịch sử giữa đồng xanh! Nói đúng hơn, ngôi Tổ đình Sắc tứ Linh Quang khai sinh từ đầu thế kỷ 19 thời vua Gia Long đã tiêu tan vì chiến tranh, nay chùa được đại trùng tu, dầu vậy, vẫn còn đó hương xưa chùa cũ. Trước chùa, tượng Đức Quán Thế Âm lồng lộng bên ngoài khuôn viên, tiền đình chánh điện bề thế, mái hai lớp, long lân quy phụng trên nóc, trên hàng cột. Cây xoài cổ thụ xanh tươi rợp mát che một phần bên trái chánh điện.

Chánh điện bên trong uy nghi, trên cao là khám thờ Tam Thế Phật, chính giữa là tượng Đức Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen, ngay trước tượng Phật A Di Đà, hai bên là tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí. Thật là an lạc khi chúng tôi được lạy Phật trong không khí tĩnh lặng, thanh bình, bên cạnh những đạo hữu địa phương thuần thành. Nhìn ngôi chùa khang trang, tôi cứ tưởng quý thầy và chúng điệu đi đâu đó, không ngờ chùa đã vắng bóng Tăng từ lâu, và sau đó cũng vắng bóng vị bán thế xuất gia tạm điều hành chùa vì đã từ trần. Giờ đây, giữ cho ngôi chùa trang nghiêm và thanh tịnh chính là công quả của cư sĩ, của bà con dân làng. Hương hoa trái cúng Phật cũng từ tấm lòng của Phật tử nơi đây, lâu lâu mỗi người cúng vài ba ngàn đồng làm Phật sự. Đặc biệt, 8 cư sĩ thay phiên nhau, cứ nửa tháng trực tại chùa, thỉnh chuông, hương hoa, tiếp khách và lễ nghi ngày rằm, mồng một.

Dân làng và Phật tử quý trọng ngôi chùa không chỉ là nơi thờ Phật, mà ngôi chùa này mang nặng chiều sâu lịch sử đạo pháp và hình ảnh những Bồ tát hiện thân. Vào năm Gia Long nguyên niên (1802), Hòa thượng Đạo Minh Phổ Tịnh, trụ trì kế tổ Tổ đình Báo Quốc (Huế) kiến lập Sắc tứ Linh Quang tự ở quê nhà, làng Trung Kiên, tỉnh Quảng Trị. Hiện nay, dầu trải qua bao nhiêu tang thương của chiến tranh, chùa sụp đổ nhưng dân làng vẫn còn lưu giữ hồng chung do Hòa thượng Phổ Tịnh chú tạo năm 1802, và đang thờ tại chùa. Nhu cầu Phật sự và tâm linh không thể thiếu tiếng chuông chùa hôm sớm, vang vọng giữa thinh không, thức tỉnh lòng người về bến giác. Từ năm 1988, chùa đã thỉnh được một đại hồng chung, và thật bất ngờ, tôi đọc được những dòng trên đại hồng chung này, như lại được diện kiến Ôn, cố Đại lão Hòa thượng Thích Hưng Dụng, nguyên trú trì chùa Kim Tiên (Huế) và là thầy bổn sư của tôi từ thời tôi còn thơ ấu ở chùa Tỉnh hội Quảng Trị:

Đại hồng chung cũ do Hòa thượng hiệu Phổ Tịnh chú tạo năm 1802 nay đã mất âm thanh. Để từ âm được tiếp nối ở chốn Tổ nơi quê nhà chúng tôi phát nguyện cúng hồng chung này làm pháp khí tổ đình.
Nguyện cầu quốc thái dân an pháp luân thường chuyển.
Phật lịch 2531 ngày 27 tháng 04 năm 1988
Hòa thượng Thích Hưng Dụng
(Đào Lương Bật)
Phụng cúng
Nếu Ôn Kim Tiên cúng đại hồng chung cho chùa năm 1988 thì trước đó, chùa đã được đại trùng tu. Tôi lại hân hoan bất ngờ được đọc những dòng công đức về Ôn Già Lam, cố Hòa thượng Thích Trí Thủ.

THÀNH KÍNH TƯỞNG NIỆM

Hòa thượng Thích Trí Thủ húy Tâm Như tự Đạo Giám họ Nguyễn. Nguyên quán thôn Trung Kiên xã Triệu Thượng, Triệu Phong, Quảng Trị. Ngài xuất gia tu học với Hòa thượng Thích Viên Thành chùa Trà Am thuộc pháp phái Tổ đình Từ Hiếu. Thời gian chiến tranh vừa qua Tổ đình sắc tứ Linh Quang này sập đổ hoàn toàn. Hòa thượng đứng ra tái thiết, lễ khánh thành được cử hành vào ngày 22 tháng 6 năm Quý Hợi (1983). Nhưng chưa đầy một năm sau Hòa thượng đã viên tịch vĩnh viễn giã biệt ngôi chùa thân yêu nơi quê cũ. Ngài viên tịch tại tu viện Quảng Hương Già Lam thành phố Hồ Chí Minh thọ 76 tuổi (1908-1984).

Ngưỡng vọng liệt vị tiền nhân tổ đức: Vị Tổ khai sinh Tổ đình Từ Hiếu, cùng họ Nguyễn quê quán thôn Trung Kiên. Nhân ngày chung thất của Hòa thượng Thích Trí Thủ toàn thể pháp pháp Tổ đình Từ Hiếu thành kính ghi tạc những dòng này để tưởng niệm công đức của Hòa thượng.

Huế, ngày 20 tháng 4 năm Giáp Tý

Pháp phái Tổ đình Từ Hiếu

Hành trạng của Hòa thượng Thích Trí Thủ gắn liền với công cuộc phục hưng của Phật giáo Việt Nam, cũng như những thử thách cam go của Đạo pháp trước sóng gió thời đại. Hòa thượng đã đảm nhận nhiều trọng trách trên các lãnh vực hoằng pháp, đào tạo Tăng tài tại Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, cũng như lãnh đạo Giáo hội trước năm 1975, mở đầu hệ thống trường Bồ Đề, đại trùng tu Tổ đình Báo Quốc (Huế), khai sơn tu viện Quảng Hương Già Lam (Sài Gòn). Dù bề bộn Phật sự, Hòa thượng vẫn dành thời gian biên soạn sách về kinh và luật. Cuối đời, Hòa thượng vẫn phải hy sinh đứng ra gánh vác trọng trách Chủ tịch HĐTS T.Ư GHPGVN trong thời kỳ lịch sử vô cùng khó khăn cho Đạo pháp sau năm 1975.

Thật khó nói hết cuộc đời vì Đạo pháp và Dân tộc của Hòa thượng trong giai đoạn lịch sử đầy phong ba bão táp của thế sự. May mắn thay hôm nay, đứng trước ngôi chùa này, tôi tưởng nhớ hình ảnh cao đẹp mà gần gũi của Hòa thượng như một người dân Trung Kiên nhớ quê nhà yêu dấu, nhớ con sông, bờ tre soi bóng nước, vồng rau, luống cải, hương sen thoảng trong gió. Nhớ quê nghèo nhưng đậm tình nghĩa, buồn vui, no đói san sẻ cùng nhau, rộn rã tiếng cười và câu hát dân ca, sớm hôm tiếng chuông chùa đi vào lòng người. Bình yên, thanh thản giữa biển rộng trời cao… Bài thơ “Nhớ làng” của Hòa thượng - được khắc ghi trước tiền đình - thật là êm đềm, dịu dàng mà tha thiết khiến người đọc bùi ngùi xúc động, đồng thời cảm nhận tình đời, tình quê và tình đạo hòa quyện vào nhau như là nét văn hóa tâm linh căn bản của người dân quê miền Trung.

Nhớ làng

Tôi nhớ làng tôi sống cực nghèo,
Lũy tre soi bóng nước trong veo.
Quanh năm phẳng lặng dòng sông Hãn,
Đùm bọc thương yêu tấm nhiễu điều

Làng tôi xa lánh cảnh phồn hoa,
Sớm tối chuông ngân khắp mọi nhà.
Luống cải, vồng rau sinh hoạt thú,
Tiếng cười xen lẫn tiếng dân ca.

Làng tôi cát mịn nước hồ trong,
Gió mát sen thơm dân một lòng.
Chạp giỗ sum vầy tình nội ngoại,
Buồn vui san sẻ đói no chung.

Làng tôi khó tả hết tình yêu,
Dẫu nói bao nhiêu chẳng thấy nhiều.
Biển rộng trời cao tôi thấy nhỏ,
Trung Kiên đất tổ ngập tình yêu…
Tình yêu đó đã truyền lại cho người dân Trung Kiên để hôm nay chúng tôi được lạy Phật giữa đất trời thanh bình, cũng như được tôn kính Tổ khai sinh chùa và chư vị Đại lão Hòa thượng dày công đức đối với Phật giáo Việt Nam.

Điều mong mỏi lớn nhất của Phật tử nơi đây là chùa sớm đón được vị xuất gia đạo hạnh để giáo pháp từ bi và trí tuệ của Đức Phật ăn sâu và lan tỏa tại nơi quê hương hiền hòa này, cũng như hoạt động lễ nghi và hoằng pháp có nền nếp, đúng theo Chánh pháp. Không chóng thì chầy, tôi tin rằng chùa sẽ mang đầy đủ ý nghĩa của ngôi Tam bảo, truyền lại từ ngôi Sắc tứ Linh Quang tự lịch sử, giữa chốn quê nghèo mà chan chứa tình đạo và tình người.

Cao Huy Hóa (tháng 5-2011)

Ghi chú :
[1] Khoai to vồng thì tốt củ


Ảnh : Chùa Linh Quang
READ MORE - HƯƠNG XƯA CHÙA CŨ - Cao Huy Hóa

CHÙM THƠ TRẦN MAI NGÂN






    CHÌM ...

    Nhất quán là thôi, áo một màu

    Bước lên bờ giác bỏ xôn xao 

    Ta bà còn sót đuôi con mắt ...

    Chìm hết lời kinh - tiếng mõ chuông 





    CHIỀU XUÂN

    Chiều xuân

    Thuyền về bến

    Tôi neo lòng xa xôi ...





    CHIỀU RƠI

    Tóc thôi nay đã bạc màu

    Như tiền kiếp cũ ta vào thuỵ du

    Một lần như thể thiên thu

    Ngày mai xa lắc, khuất mù dáng hoa 

    Em về bỏ lại mình ta 

    Chân đi nằng nặng - nhạt nhoà chiều rơi ...

                                           Trần Mai Ngân



READ MORE - CHÙM THƠ TRẦN MAI NGÂN

CHÙM THƠ LINH THY





QUÀ TẾT GỬI TRƯỜNG SA

Gửi anh chút nắng Bến Tre
Lá dừa xào xạc nón che nghiêng đầu
Gửi anh chút gió hương cau
Làm quà tri ngộ nhớ nhau buổi về

Gửi anh chút muối Ba Tri
Những cơn sóng bạc ngay đi xa trường
Sầu riêng, cam, bưởi ..dâng hương
Mít, thơm Chợ Lách, mận soài ..Thạnh An

Rộn ràng mai đã trổ vàng
Mấy sàng bánh tét, mấy tràng chôm chôm
Gửi thêm bánh tráng Giồng Trôm
Gói vào chiếc gối chút hương để dành

Những đêm gió mát trăng thanh
Trường Sa biển đảo cuối gành đứng trông
Thương anh gửi trọn tấm lòng
Gửi theo anh…cả cánh đồng ..quê hương..!!!

NỒNG NÀN SÓNG

Em ra thăm đảo- thăm mình
Ô hay! Biển cũng thắm tình như em
Lúc ồn ào , lúc dịu êm
Lúc nồng nàn cháy những đêm trăng vàng

Xô bờ sóng nước miên man
Tình anh lính biển nồng nàn...biển ơi.!
Xa xa đợt sóng song đôi
Vờn lên cát trắng , mềm môi hôn bờ...

Đêm nay dưới ánh trăng mờ
Vẫn thuyền vờn sóng như  cuối trời
Yêu thương gửi gió đôi lời
Yên tâm anh nhé ! Trọn đời chờ nhau../


NHỚ MÃI THUỞ HÀO HÙNG

Một thời áo trắng phượng hồng
Một thời bím tóc bềnh bồng vô tư

Xa lâu vẫn nhớ đến chừ
Một thời: áo lính xanh như hoà bình

Trường Sơn như bóng với hình
Đã từng gian khó chúng mình dọc ngang

Gái trai bảo vệ giang san
Nay về ca khúc khải hoàn Việt Nam.../


 ĐOM ĐÓM XANH

Ngày xưa đom đóm bỏ ve
Anh đem giấu ở sau hè nhà em
Chiều hoang lần giở ra xem
Ngỡ như anh vẫn….nên đem để dành
Giờ thì xa ngái không anh
Em còn giữ mãi màu xanh tuổi hồng….                         

                                         Linh Thy                        
                                 Xuân Ất Mùi 2015

..........................................................

Đ/C:  6B.Đinh Bộ Lĩnh-P.Phú Cường - TP.TD -Bình Dương
DĐ: 01262890760

READ MORE - CHÙM THƠ LINH THY