HÀNG PHỞ GÁNH
Hồi ký Đinh Trọng Phúc
Xin tặng những ai còn nhớ về Quảng Trị xa xưa
Những ngày xa xứ tôi hay ngồi nhớ
lại chuyện xưa. Người khác thì hay nhớ về quá khứ nào huy hoàng,mỹ lệ, riêng
tôi có lẽ vì một ‘tâm hồn ăn uống’ nên năng nhớ lại cái chuyện “ăn hàng” ngày
xưa ở Quảng Trị chăng? Nhưng dù thế nào đi nữa, thành phố đó chừ đã mịt mờ
khuất hẳn trong vùng ký ức rồi.
Hồi đó ai nói người dân QT mình
không ‘ăn hàng’ hỉ, có chớ! nhưng chuyện ‘ăn hàng’ của dân QT mình đằm thắm và
nhẹ nhàng lắm.
Hồi đó quanh chợ Tỉnh chỉ lèo tèo
vài tiệm ăn nửa Tàu nửa ta như Nhuận ký. Đường ký hay thuần Việt nam như Lưu
khách, NHư Ý... Sau này khi lính tráng đông tôi thấy mọc thêm vài tiệm như
Thanh Thanh, hay ngược lên nhà máy đèn thì có tiệm Phương mai hoặc ra hướng bờ
sông thì có lữ quán Mỹ thủy tiếp đến là dãy quán chè đêm, bún thịt nướng v.v..
bên bờ sông Thạch Hãn .
Nói chung phố Quảng nhỏ và trầm
lặng nên mới ra khỏi trung tâm phố chợ thì khung cảnh đã đìu hiu một vẻ ngoại ô
rồi. Dân mình chiều chiều ăn hàng thì chỉ chờ vài ba gánh bún xáo tức là bún bò
nhưng thịt bò loại rẻ, bánh bèo, bánh nậm. Vài ba O bán nem chả dạo với một cái
giỏ xách gọn một bên tay. Còn ban mai thì có mấy gánh cháo hầm, bánh canh hoặc
bánh mỳ nóng mới ra lò. Mấy o đi bán hàng bao giờ cũng bận áo dài, mặc dầu
chiếc áo đã đổi màu theo năm tháng nhưng phong tục dân mình đã quen, đàn bà ra
đuờng mà không có áo dài là không được !
Mang tiếng là thị xã nhưng thành
phố Qtrị đặc biệt xưa lại mang tên từng thôn như Thôn Đệ Nhất, Đệ Nhị cho đến
Đệ Ngũ. Nhà tôi ở Thôn Đệ Tứ trước Cửa Hậu, Thành Cổ QT. Sau này khi thị xã Quảng Trị được thành lập người ta còn gọi là phường Đệ Nhất, Đệ Nhị.v.v.
Mấy gánh hàng rong phố Quảng chỉ
bán quẩn quanh từ đầu thôn đến cuối thôn là hết, nên mấy O bán hàng chỉ lay
hoay trong thôn mình ở thôi, ít khi mấy O gánh qua thôn khác.
Đó là hàng bữa sáng hay chiều .
Tối đến QT cũng có những thứ hàng ăn đêm nữa chớ. Lần trong trí nhớ tôi cố đi
về sống lại với những hình ảnh và âm thanh của môt thành phố thuở nào mà giờ
đây đã phôi pha chôn vùi theo cát bụi thời gian.
***
Ai nói dân QT mình hồi xưa không
có phở, có chứ ! người QT mình ăn phở từ lâu. Có điều người QT không phân biệt
phở Bắc hay phở Nam gì cả, phở là phở, khác với bún bò, đơn giản thế thôi. Tôi
lại không muốn diễn tả tô phở trong tiệm, nó lủ khủ đủ thứ nào rau ớt chanh
hành hay ngò gai húng quế; mà tôi chỉ kể lại gánh phở của một bác ngày xưa, một
thứ phở khách ăn đêm phải hòa mình trong không khí vắng vẻ và cảm giác se se
lạnh ở góc đường hay cuối kiệt nào đó.
Từ xửa từ xưa không biết ai tạo
ra gánh phở cho bác bán dạo về đêm quanh thành phố QT hỉ. Mỗi khi bầu trời thực
sự tối hẳn thì bác bán phở bắt đầu cuộc hành trình quanh thành phố thân yêu.
Bác luôn mặc quấn đùi và hình như đời bác không biết quần dài là gì nữa. Chiếc
áo ka ki bạc màu, trên hai vai áo thì vá thành nhiều lớp vì cái nghề bán phở
gánh quằn nặng lên vai bác cũng lâu năm rôi.
Nói về gánh phở , nó được tạo lên
từ hai thùng gỗ vuông hình khối chữ nhật đứng, có 4 chân nhỏ. Trên mỗi thùng
được bện bằng hai sợi thừng chắc chắn để móc đòn gánh. Thùng gỗ sau được thiết
kế làm sao để bác đặt gọn được nồi nước súp. Bên dưới nồi súp bác đặt một bếp
củi thật gọn, củi luôn leo lét cháy để giữ nồi súp luôn được nóng. Thùng gỗ
phía trước bác chia ra nhiều tầng, để đủ thứ như tô, đũa, rau hành và thịt,
phía trên bác dành chỗ để làm phở cho khách. Thấy thì đủ thứ, nhưng bác sắp đặt
thật khéo léo nên chẳng thiếu món gì. Đã thế, phía ngoài bác không quên móc
theo cái đèn bão có 4 mặt kính chắn gió. Chiếc nón lá đã sờn rách theo năm
tháng bác không quên móc theo ở thùng gỗ sau để phòng mưa.
Giang sơn của bác là thế đó-
chiếc đòn gánh cong cong quằn nặng trên vai, bác thường tìm một ngả ba đường
hay trước mấy con hẽm lớn :
-PH.. Ơ… Ở….
Bác cất tiếng rao, tiếng ngân
vang sâu vào trong mấy xóm vắng ngoại ô.
Trong Nam, tiếng rao phở ban đêm
được thế bằng tiếng gõ lóc cóc của hai thanh gỗ nhưng tiếng rao của gánh phở
QTrị xưa là tiếng rao lanh lảnh, âm sau cùng cao vút lên hẳn:
-Ph…ơ…Ở……
Ánh điện đường như biết cảm thông
tỏa sáng giúp gánh phở bên góc đường của bác. Có khách, bác ngưng tiếng rao,
trịnh trọng bác đặt cái tô nho nhỏ lên mặt trên chiếc thùng gỗ, sau khi nhúng
lại nắm phở tươi mịn màng óng ả rồi nhẹ nhàng bác cắt thật mỏng từng lát thịt
bò, không quên gia thêm một xíu vị tinh (bột ngọt) hiệu Thái sơn từ cái hộp sắt
Tây luôn đặt gần bên, xong bác quay lưng dở nắp nồi xúp đàng sau. Dưới ánh đèn
đêm tôi thấy rõ nồi xúp đang bốc hơi ngùn ngụt tỏa lên như một làn khói trắng,
về đêm ăn một tô phở bên đường bao giờ cũng ngon
Trời càng khuya con đường ngoại ô
càng trở nên vắng vẻ, nhưng khách ăn đêm cảm thấy tô phở càng ngon hơn và ấm áp
lạ thường. Chẳng đòi hỏi cầu kỳ, khách cứ tự tìm chổ nào thuận tiện bên vệ
đường, ngồi xuống xì- xụp thưởng thức tô phở bình dân đó. Vì là phở gánh nên
phần đông khách của bác chỉ mua phở về nhà bởi vậy bác chẳng lo đến chuyện ghế
ngồi. Sau khi đẩy lại mấy que củi, rảnh tay, bác lại cất tiếng rao mà giọng
nghe không bao giờ thay đổi:
-Ph. Ở….
Có thêm khách rồi đây, ai đó
trong xóm đang tất tả cầm tô chạy ra vì bác đang sửa soạn gánh đi nơi khác.
Cuộc đời lam lủ của bác bán phở
lặng lẽ trôi nhanh. Chiếc đòn gánh cong cong, đen trui trũi mãi kẽo- kẹt đè
nặng lên vai, tuy vậy bước chân của bác vẫn nhịp nhàng đếm bước trên mọi nẻo
phố thân quen ngày xưa Quảng Trị.
Nhưng đời người ai cũng có lúc thay
đổi, bác bán phở QT năm xưa cũng thế. Gánh phở của bác giờ đã được thay bằng
chiếc xe đẩy đàng hoàng. Chiếc xe phở hình khối, phía dưới có 3 bánh cao su nho
nhỏ, ngọn đèn bão giờ đã được thay bằng ngọn đèn đốt bằng khí đá (carbur) hẳn
hoi. Hai bên thành xe bác còn cẩn thận móc thêm hai cái ghế đòn bằng gỗ có chân
cao cho khách ngồi. Giờ đây nồi xúp được làm lớn hơn, chồng tô trên thành xe
trở nên cao hơn. Khách ăn đêm ngồi ăn phở vừa nghe tiếng lì- xì phát ra từ ngọn
đèn carbur đó. Dạo này tiếng rao của bác nghe to lắm, bác chắp tay đằng sau
“oai vệ” hướng mặt vào trong mấy con đường kiệt.
Ph..ở…ơ..
Có ngọn gió nào trong đêm làm
trời khuya trở nên se lạnh. Trong sự tĩnh mịch đó, tôi nghe văng vẳng tiếng con
chim quốc kêu bầy vọng lên từ bờ hồ bao quanh ngôi thành cổ. Hương phở vẫn dịu
dàng tỏa ra bốn phía. Một ông khách đi đâu trên phố về ngang qua, chợt dừng
lại, ông vội dựng chiếc xe đạp qua một bên đường sà vào quán bác ăn một tô cho
ấm bụng trước khi tiếp tục đạp xe về nhà.
Bác tiếp tục đẩy chiếc xe đến
từng đầu con hẽm hay mấy ngả ba đường cho đến khi nồi phở của bác không còn gì
nữa. Thế mà mớ xương xúp còn lại bác cũng bán được cho một ông khách chuyên ưa
men rượu thế là bác chấm dứt một ngày miệt mài lam lủ.
CHÈ GÁNH
Thật tình mà nói người dân quanh
phố chợ thì hay ‘ cựa đóng then gài’ ít có dịp ‘tung tăng thoải mài’ ra ngoài
đường ăn hàng đêm như những người dân sống ở vùng ngoại ô gần thị xã.
Đặc biệt vào những đêm
"trăng thanh gió mát" là những lúc có mấy gánh chè của mấy O từ mấy
xóm lao động ở mấy thôn Thạch hãn, Trí bưu, Hạnh hoa hay mấy xóm nghèo ở dọc
theo mấy con đường Duy Tân, Hồ đắc Hanh đi bán dạo quanh mấy đường phố ngoại ô
bao quanh 4 cổng đường thành.
Thành Cổ QTrị hồi đó có 4 cổng:
- Cổng Cửa Tiền ngó ra đường Lê
Thái Tổ.
- Cổng Cửa Tả ngó ra đường Duy Tân
có ngả 3 đường về thôn Quy Thiện - 2 cổng này bị đóng từ lâu.
- Cổng Cửa Hậu tức cổng Lao xá ngó
ra đường Lê v Duyệt hay đồng ruộng về làng An tiêm.( cổng này bị đóng sau khi
lao xá bị đánh để giải thoát tù chính trị vào năm 1967 cũng là năm tỉnh lỵ đầu
tiên ở miền Nam bị đánh
- Còn lại cổng Cửa Hửu hay còn
gọi là cổng thành Đinh Công Tráng ngó ra trường Nam Cửa Hửu hay đường Phan đình
Phùng. ( cổng này chỉ để Tiểu khu Quảng trị vô ra mà thôi).
- Trong Nam mấy cô bán hàng rong
ra đường không bao giờ quên chiếc áo Bà Ba truyền thống thì mấy O bán hàng rong
QT hay Huế nói chung ra đường cứ vẫn bận chiếc áo dài. Nhớ về những đêm mùa Hạ,
O hay lựa mấy góc đường có ánh đèn điện tỏa sáng, nơi thường có mấy lũ trẻ hay
chơi đá lon hay cút bắt reo đùa ầm ĩ. Thong thả, O đặt gánh hàng xuống vừa nghỉ
mệt vừa đợi khách.
Nói đến mấy gánh chè của mấy O
tôi phải nhớ đến mấy xong nhôm đựng chè nho nhỏ, sáng bóng. Chè của mấy O có đủ
loại: nào đậu xanh, đậu huyết, đậu ván đặc hay bột lọc bọc đậu phụng… Mấy O nấu
sao ngon lạ ngon lùng, mỗi loại chè có một vị ngon khác nhau, đặc biệt loại chè
nào cũng ăn nóng. Lại thêm mấy chiếc chén đựng chè thì bé nhỏ xinh xinh ăn xong
tôi lại muốn ăn thêm chén nữa. Hạt đậu phụng thơm giòn nằm gọn trong lớp bột
lọc dẽo dai, hòa lẫn trong vị ngọt dịu thơm lẫn mùi gừng Quảng trị. Hạt đậu ván
O nấu bùi bùi, chen lẫn trong làn bột dẻo vừa thơm và đặc sánh cùng nước đường
trong vắt. Những hạt đậu xanh, đậu huyết hầm mềm nhưng không bao giờ nát để làm
vẩn đục nước đường đậm ngọt. Cả gia tài của O hình như nằm hẳn trong gánh chè
này, hương thơm vị ngọt của mấy nồi chè đó là tài nội trợ khéo léo, giỏi giang
của bao nhiêu người chị người mẹ QT quê mình.
Khách ăn xong, O rửa lại mấy cái
chén bằng song nước đem theo ở một đầu gánh, xong O tiếp tục gánh bán dọc theo
mấy con đường nhựa quanh Thành Cổ.
Vầng trăng mùa thu đã lên cao,
tôi nhìn theo dáng O bán chè lúp xúp nhịp nhàng bước theo chiếc đòn gánh mềm
mại, vẫy nhịp. O vừa đi vừa cất tiếng rao dưới ánh trăng đang nhạt nhòa đi bởi
ánh đèn đường:
- Ai ăn chè đậu xanh, đậu huyết,
bột lọc đậu ván kh.. ôn….
TRỨNG LỘN
Những năm sau này vào nam tôi mới
có dịp nghe từ ‘hột vịt lôn’, thực ra người QT mình hồi đó cứ kêu là trứng lộn
thế thôi vì không ai làm nghề bán trứng gà lộn cả.
Hồi đó nghề ấp trứng lộn tại QT
chỉ làm theo kiểu thủ công, gia đình. Làc đác đâu đó tôi mới thấy vài bầy vịt
nuôi rong trên mấy cánh đồng giáp giới Trí bưu, Quy thiện gần cầu Ba bến. Trong
Diên sanh thì có mấy bầy ở đồng Cu Hoan hay gần cua Hà lộc giáp giới Mỹ chánh.
Đất ruộng QT hiếm hoi làm sao bì được trong nam nơi ruộng đồng cò bay thẳng
cánh, bởi vậy vịt bầy ở QT hiếm hoi là phải.
Bù lại thì trứng lộn QT mình ấp
thật là ngon. Có lẽ vì làm thủ công ít ỏi nên người ta chăm sóc từng cái trứng
một nên trứng lộn QT mới ngon như thế. Tôi lại nghĩ rằng con vịt QT cho ăn kham
khổ hơn nên trứng và thịt nó mới thật đậm đà . Một điều quan trọng người ta dấu
nghề ấp trừng dữ lắm, chỉ ‘cha truyền con nối’ mà thôi.
Đồ nghề O bán trứng lộn gọn gàng
hơn O bán chè nhiều lắm. Trứng luộc xong, O bỏ hết vào trong một cái thúng có
đựng trấu (vỏ lúa) để giữ cho trứng được nóng lâu, lại thêm một cái ‘trẹt’
(mẹt) nhỏ đậy vừa vặn chiếc thúng. Trên cái ‘trẹt’ đó, O dùng cái chai không
thuốc bắc dùng rồi để đựng muối tiêu, thêm vài ba cái dĩa đất nhỏ cùng một mớ
rau răm được vình trong lá chuối. Màn đêm buông xuống, O bán trứng lộn một bên
nách thúng còn tay kia cầm chiếc đèn dầu, O từ trong xóm Hạnh hoa hay Trí bưu,
Thạch hãn hướng về mấy con đường phố quanh Cổ Thành.
-Ai… trứng lộ..n…
Có khách, O ngồi xuống một bên
đường.
-Trớn mấy một cấy ri.. O…?
-Ba cấy mười đồng.
(trứng bao nhiêu một cái đây cô?-
ba cái mười đồng)
Khách ăn trứng lộn cũng ngồi
xuống bên lề đường. Cái trẹt nhỏ bây giờ trở thành cái mâm, O nhẹ nhàng đặt 3
quả trứng xuống cái dĩa nhỏ, một dĩa kia o đặt môt nhúm rau răm và tiêu muối.
Ông khách chưa vội ăn ngay, một
tay cầm cái trứng, tay kia ông che che nheo mắt soi cái trứng lên ngọn đèn điện
đường.
- Răng trớn ..tra ri o?
-Trớn rứa mà eng chê tra tề..
(Sao trứng già thế cô? Trứng thế
mà anh còn chê già hả ..)
Nói thế, chứ O cũng chiều lòng
khách, O săm soi, lựa sâu trong lớp trấu cho đến khi có được cái trứng nào vừa
ý khách mới thôi.
Vô Nam rồi tôi mới thấy cách ăn
trứng lộn cuả dân mình khác hẳn: trong Nam người ta mỗi khi ăn trứng họ đặt lên
cái tách nhỏ cho khỏi nóng tay, xong họ dùng cái muỗng nhỏ từ từ múc trứng ra
ăn. Đó là chưa kể nào bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh kèm theo: nào rau nào đồ chua nào
ớt tỏi. QT thì khác hơn: sau khi húp hết nước của cái trứng, ông khách chỉ
bóp một cái là cả cái trứng tuôn vào miệng chỉ còn lại cái vỏ đã bẹp dí trên
tay. Ông khách vừa nhai nhồm- nhoàm lại ghém thêm một nhúm rau răm cùng một tí
muối tiêu vào miệng, thế là xong. Tôi là một thằng bé đứng gần đó thán phục tài
ăn của ông khách lắm vì tôi thì ăn vài lần mới hết cái trứng. Cứ nhớ mãi có khi
tôi bắt chước cách ăn của ông -bóp một lần- rủi thay! miệng tôi thì nhỏ, trứng
bên trong còn nóng hổi, nhổ ra thì tiếc của,báo hại thân tôi nước mắt ràn rụa
vì nóng phỏng cả miệng.
Mỗi khi có khách mua trứng về
nhà, o kèm muối tiêu gói sẵn trong mấy gói giấy nhỏ xíu, còn nhúm rau răm thì
được đựng trong một miếng lá chuối, thế thôi đơn giản lắm.
Công bằng mà nói, trong mấy thứ
hàng rong ban đêm, thúng trứng lộn của O xem thế mà thuộc loại đắt tiền khi so
với đời sống của người dân lao động, lính tráng hoặc công chức nhỏ, hay so với
giá trị đồng bạc cùng thời.
MỲ XÍU
Khoảng mười giờ đêm thì rạp xi nê
Đại chúng [sau này đổi tên là rạp Kim Châu do bà Fatima người Ấn làm chủ) đã
tan khách, mọi người ra về túa ra đủ mọi ngả đường. Phần tôi thì hay thả bộ men
theo con đường Lê thái Tổ lên đến phố, rồi từ đó tôi sẽ theo con đường chính
Trần hưng Đạo xuôi về trại quân dịch để về nhà.
Giờ này quanh chợ Tỉnh cửa sắt
trước những cửa tiệm đều đã đóng kín mít, quanh mấy góc phố chỉ còn thấy mấy
chiếc xe ‘mỳ xiu’ thôi. Nhắc đến tiếng ‘mỳ xíu’ hồi đó tôi hay thắc mắc phải
chăng tiếng này phát xuất từ tiếng Tàu là bánh mỳ ‘xà xíu’ hay ‘xíu mại’ gì đó
rồi người QT mình đơn giản đi gọi là ‘mỳ xíu’ cho gọn chăng? Tôi hay ghé mấy xe
mỳ xíu này mỗi khi đi xem phim trên phố về. Trên con đường phố khuya, tôi có
một cái thú vừa đi tôi vừa 'gặm' ổ bánh mỳ nóng dòn, thơm phứt.
Đặc biệt mấy xe bánh mỳ đêm ít
khi đi xa tận mấy xóm ngoại ô, mấy chú chỉ loay hoay quanh phố chợ Tỉnh mà
thôi. - Dạo đó có hai lò mỳ lớn là Đắc lập gấn nhà máy đèn và Vạn Hoa gần miếu
Ông Voi đường Quang Trung cạnh chợ, sau này còn có thêm một lò mỳ và kem gần
trường trung học Nguyễn Hoàng- Chiếc xe bán mỳ xíu trông nhẹ nhàng hơn chiếc xe
phở nhiều lắm. Ba bánh xe làm từ bánh xe đạp, trong thùng xe chú không đựng củi
mà lại là lò than nho nhỏ khi nào cũng để sẵn vài ba ổ mỳ cho nóng sẵn. Phía
trên thùng xe có chắn 3 mặt kính hẳn hoi trong đó có những lớp bánh mỳ sắp ngay
ngắn màu vàng hươm. Tầng trên chú cón chưng một ít phó mát - (fromage) loại đắt
tiền của Pháp như ‘ La Vache Qui Rit’ , hay một tảng phó mát hình khối tam giác
màu vàng chóe bình dân và rẽ tiền hơn, thế mà hinh như khách của chú đa số chỉ
ưa hương vị mỳ xíu tự tay chú làm hơn. Tôi cũng vậy, tôi chỉ thích loại mỳ xíu
của chú bán mà thôi. Nói là tiếng mỳ xíu chứ thật ra không mang một chút hơi
hám gì của Tàu cả mà ‘xíu’ ở đây hoàn toàn Việt nam hay nói đúng hơn là hoàn
toàn Quảng trị. Nhìn mớ xíu của chú kho từ thịt heo, lẫn một ít chả cắt mỏng,
ngoài ra không có thêm thứ gì cầu kỳ cả, thế mà khi chú bỏ vào trong ổ mỳ nóng
dòn tôi cảm thấy một hương vị rất riêng, rất thấm thía ngon hơn hẳn bánh mỳ
thịt nguội trong nam nhiều lắm. Đó là những lúc tôi còn đủ tiền, nếu ít tiền
tôi mua một ổ mỳ không chú không hẹp hòi gì, sẻ mỳ, chú chan thêm cho 'một xí'
nước xíu nữa là xong.
Một điều lạ, chú bán bánh mỳ xe
không bao giờ cất tiếng rao cả. Chú lần lượt đẩy qua từng góc phố đứng chờ
khách. Thỉnh thoảng chú lại sửa sang lại lò than trong thùng xe, rồi lại ngước
mắt nhìn năm ba người bộ hành qua lại trên hai vĩa hè của con đường vắng như
mời mọc, đón chào.
Phố càng khuya càng vắng khách
dần, thật lâu mới có một chiếc xe tuần nhà binh chạy qua hay một chiếc Honda đi
đâu chạy vội v ề nhà. Có lúc chú yên lặng đứng nghe tiếng đại bác từ hướng Gio
linh hay Đông hà vọng đến lúc này trên mặt chú hình như thoáng buồn.
KẾT
Chiến tranh càng ngày càng tăng
cường độ, người dân phố Quảng mất dần đi những ngày tháng êm đềm. Rồi những
gánh hàng đêm thưa dần,ít hẳn đi .
Thời gian lạnh lùng trôi nhanh:
thập niên này tiếp đến thập niên khác, lớp người của thành phố nhỏ bé ngày xưa
đó giờ tóc đã ngã màu sương tuyết hay có người đã về với những người ‘ muôn năm
cũ’. Ôi thời gian! một chất mầu làm tăng thêm nỗi niềm nhung nhớ khôn nguôi.
Những tiếng rao hay TIẾNG XƯA của phố nhỏ thân thương đó giờ không còn nữa ,
nhưng hồn xưa vẫn sống mãi trong lòng. Rồi khi thu qua đông đến, nhìn lá vàng
rơi tôi chợt trào dâng nỗi niềm hoài cổ. Nhưng dù cho ai có đi xa tận chân trời
góc biển người Quảng trị vẫn mang nặng trong tim nỗi buồn viễn xứ cùng tình
hoài hương không bao giờ phai nhạt.
Đinh Trọng Phúc
No comments:
Post a Comment