Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, January 24, 2015

HƯƠNG XƯA CHÙA CŨ - Cao Huy Hóa




Hương xưa chùa cũ


Cuộc đời tôi may mắn được gắn bó với chùa. Thời thơ ấu, cuối tuần tôi theo cha mẹ lên chùa Tỉnh hội ở thị xã Quảng Trị, rồi từ khi bước chân vào trường trung học cho đến nay, tôi được lui tới nhiều ngôi chùa ở Huế. Những dịp đi xa, tôi thích đi thăm cảnh chùa và thiền viện. Nhờ những ngôi chùa đó, đạo Phật thâm nhập vào tôi một cách tự nhiên, và không gian chùa của mình rộng mở, chùa gần cho đến chùa xa.

Dầu sao, chốn quê nhà thời thơ ấu với mái chùa thân thương luôn luôn là kỷ niệm thiêng liêng và trìu mến, nhất là nơi đó là mảnh đất Quảng Trị hứng chịu biết bao tai họa thảm khốc của chiến tranh. Vì thế mỗi lần thăm lại chốn cũ Quảng Trị, tôi xem như một lần hành hương. Mới đây, vào đầu tháng 4-2011, tôi có chuyến hành hương như thế, và lần này không những tôi đã về thăm lại ngôi chùa Tỉnh hội, Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang, mà còn thăm ngôi chùa Linh Quang lịch sử mà tôi chưa biết.

Con đường men theo dòng sông Thạch Hãn đưa chúng tôi đến một vùng quê nghèo: làng Trung Kiên, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Chiến tranh đã hủy diệt nhà cửa, tài sản, công trình của tỉnh Quảng Trị, nhưng không cướp được dòng sông trong xanh êm đềm trôi xuôi giữa đồng bằng với mượt mà lúa, bắp, khoai, sắn. Chỉ có khác là dòng sông ngày nay hình như có hẹp hơn, những cồn cát giữa dòng không thấy xuất hiện, có lẽ là chưa đến mùa, thay vào đó là những độn cát bên bờ do khai thác cát bằng cơ giới, dĩ nhiên làm con sông mất đẹp, chưa nói đến vấn nạn khai thác cát sỏi bừa bãi ảnh hưởng xấu đến hai bên bờ và dòng chảy.

Nắng cháy và gió Lào chưa tới, tôi đứng trước chùa Linh Quang giữa mùa xuân, với đồng rộng và trời mây thoáng đãng. Đất đai không chật, dân cư có vẻ không nhiều, đây đó đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ. Từ đây phóng tầm mắt xuôi theo dòng sông, gần cửa Việt là quê mẹ Bồ Bản của tôi, cũng con sông, bờ tre, với lúa, bắp, khoai, sắn, những con đường đất quanh co, đàn bò gặm cỏ, cũng hồi sinh sau chiến tranh tang thương, cũng giọng nói Quảng Trị như xưa nay vẫn thế, mộc mạc tình quê như khoai to vồng thì tốt cộ[1]… Nhưng chỉ đặc biệt ở đây, một ngôi chùa lịch sử giữa đồng xanh! Nói đúng hơn, ngôi Tổ đình Sắc tứ Linh Quang khai sinh từ đầu thế kỷ 19 thời vua Gia Long đã tiêu tan vì chiến tranh, nay chùa được đại trùng tu, dầu vậy, vẫn còn đó hương xưa chùa cũ. Trước chùa, tượng Đức Quán Thế Âm lồng lộng bên ngoài khuôn viên, tiền đình chánh điện bề thế, mái hai lớp, long lân quy phụng trên nóc, trên hàng cột. Cây xoài cổ thụ xanh tươi rợp mát che một phần bên trái chánh điện.

Chánh điện bên trong uy nghi, trên cao là khám thờ Tam Thế Phật, chính giữa là tượng Đức Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen, ngay trước tượng Phật A Di Đà, hai bên là tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí. Thật là an lạc khi chúng tôi được lạy Phật trong không khí tĩnh lặng, thanh bình, bên cạnh những đạo hữu địa phương thuần thành. Nhìn ngôi chùa khang trang, tôi cứ tưởng quý thầy và chúng điệu đi đâu đó, không ngờ chùa đã vắng bóng Tăng từ lâu, và sau đó cũng vắng bóng vị bán thế xuất gia tạm điều hành chùa vì đã từ trần. Giờ đây, giữ cho ngôi chùa trang nghiêm và thanh tịnh chính là công quả của cư sĩ, của bà con dân làng. Hương hoa trái cúng Phật cũng từ tấm lòng của Phật tử nơi đây, lâu lâu mỗi người cúng vài ba ngàn đồng làm Phật sự. Đặc biệt, 8 cư sĩ thay phiên nhau, cứ nửa tháng trực tại chùa, thỉnh chuông, hương hoa, tiếp khách và lễ nghi ngày rằm, mồng một.

Dân làng và Phật tử quý trọng ngôi chùa không chỉ là nơi thờ Phật, mà ngôi chùa này mang nặng chiều sâu lịch sử đạo pháp và hình ảnh những Bồ tát hiện thân. Vào năm Gia Long nguyên niên (1802), Hòa thượng Đạo Minh Phổ Tịnh, trụ trì kế tổ Tổ đình Báo Quốc (Huế) kiến lập Sắc tứ Linh Quang tự ở quê nhà, làng Trung Kiên, tỉnh Quảng Trị. Hiện nay, dầu trải qua bao nhiêu tang thương của chiến tranh, chùa sụp đổ nhưng dân làng vẫn còn lưu giữ hồng chung do Hòa thượng Phổ Tịnh chú tạo năm 1802, và đang thờ tại chùa. Nhu cầu Phật sự và tâm linh không thể thiếu tiếng chuông chùa hôm sớm, vang vọng giữa thinh không, thức tỉnh lòng người về bến giác. Từ năm 1988, chùa đã thỉnh được một đại hồng chung, và thật bất ngờ, tôi đọc được những dòng trên đại hồng chung này, như lại được diện kiến Ôn, cố Đại lão Hòa thượng Thích Hưng Dụng, nguyên trú trì chùa Kim Tiên (Huế) và là thầy bổn sư của tôi từ thời tôi còn thơ ấu ở chùa Tỉnh hội Quảng Trị:

Đại hồng chung cũ do Hòa thượng hiệu Phổ Tịnh chú tạo năm 1802 nay đã mất âm thanh. Để từ âm được tiếp nối ở chốn Tổ nơi quê nhà chúng tôi phát nguyện cúng hồng chung này làm pháp khí tổ đình.
Nguyện cầu quốc thái dân an pháp luân thường chuyển.
Phật lịch 2531 ngày 27 tháng 04 năm 1988
Hòa thượng Thích Hưng Dụng
(Đào Lương Bật)
Phụng cúng
Nếu Ôn Kim Tiên cúng đại hồng chung cho chùa năm 1988 thì trước đó, chùa đã được đại trùng tu. Tôi lại hân hoan bất ngờ được đọc những dòng công đức về Ôn Già Lam, cố Hòa thượng Thích Trí Thủ.

THÀNH KÍNH TƯỞNG NIỆM

Hòa thượng Thích Trí Thủ húy Tâm Như tự Đạo Giám họ Nguyễn. Nguyên quán thôn Trung Kiên xã Triệu Thượng, Triệu Phong, Quảng Trị. Ngài xuất gia tu học với Hòa thượng Thích Viên Thành chùa Trà Am thuộc pháp phái Tổ đình Từ Hiếu. Thời gian chiến tranh vừa qua Tổ đình sắc tứ Linh Quang này sập đổ hoàn toàn. Hòa thượng đứng ra tái thiết, lễ khánh thành được cử hành vào ngày 22 tháng 6 năm Quý Hợi (1983). Nhưng chưa đầy một năm sau Hòa thượng đã viên tịch vĩnh viễn giã biệt ngôi chùa thân yêu nơi quê cũ. Ngài viên tịch tại tu viện Quảng Hương Già Lam thành phố Hồ Chí Minh thọ 76 tuổi (1908-1984).

Ngưỡng vọng liệt vị tiền nhân tổ đức: Vị Tổ khai sinh Tổ đình Từ Hiếu, cùng họ Nguyễn quê quán thôn Trung Kiên. Nhân ngày chung thất của Hòa thượng Thích Trí Thủ toàn thể pháp pháp Tổ đình Từ Hiếu thành kính ghi tạc những dòng này để tưởng niệm công đức của Hòa thượng.

Huế, ngày 20 tháng 4 năm Giáp Tý

Pháp phái Tổ đình Từ Hiếu

Hành trạng của Hòa thượng Thích Trí Thủ gắn liền với công cuộc phục hưng của Phật giáo Việt Nam, cũng như những thử thách cam go của Đạo pháp trước sóng gió thời đại. Hòa thượng đã đảm nhận nhiều trọng trách trên các lãnh vực hoằng pháp, đào tạo Tăng tài tại Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, cũng như lãnh đạo Giáo hội trước năm 1975, mở đầu hệ thống trường Bồ Đề, đại trùng tu Tổ đình Báo Quốc (Huế), khai sơn tu viện Quảng Hương Già Lam (Sài Gòn). Dù bề bộn Phật sự, Hòa thượng vẫn dành thời gian biên soạn sách về kinh và luật. Cuối đời, Hòa thượng vẫn phải hy sinh đứng ra gánh vác trọng trách Chủ tịch HĐTS T.Ư GHPGVN trong thời kỳ lịch sử vô cùng khó khăn cho Đạo pháp sau năm 1975.

Thật khó nói hết cuộc đời vì Đạo pháp và Dân tộc của Hòa thượng trong giai đoạn lịch sử đầy phong ba bão táp của thế sự. May mắn thay hôm nay, đứng trước ngôi chùa này, tôi tưởng nhớ hình ảnh cao đẹp mà gần gũi của Hòa thượng như một người dân Trung Kiên nhớ quê nhà yêu dấu, nhớ con sông, bờ tre soi bóng nước, vồng rau, luống cải, hương sen thoảng trong gió. Nhớ quê nghèo nhưng đậm tình nghĩa, buồn vui, no đói san sẻ cùng nhau, rộn rã tiếng cười và câu hát dân ca, sớm hôm tiếng chuông chùa đi vào lòng người. Bình yên, thanh thản giữa biển rộng trời cao… Bài thơ “Nhớ làng” của Hòa thượng - được khắc ghi trước tiền đình - thật là êm đềm, dịu dàng mà tha thiết khiến người đọc bùi ngùi xúc động, đồng thời cảm nhận tình đời, tình quê và tình đạo hòa quyện vào nhau như là nét văn hóa tâm linh căn bản của người dân quê miền Trung.

Nhớ làng

Tôi nhớ làng tôi sống cực nghèo,
Lũy tre soi bóng nước trong veo.
Quanh năm phẳng lặng dòng sông Hãn,
Đùm bọc thương yêu tấm nhiễu điều

Làng tôi xa lánh cảnh phồn hoa,
Sớm tối chuông ngân khắp mọi nhà.
Luống cải, vồng rau sinh hoạt thú,
Tiếng cười xen lẫn tiếng dân ca.

Làng tôi cát mịn nước hồ trong,
Gió mát sen thơm dân một lòng.
Chạp giỗ sum vầy tình nội ngoại,
Buồn vui san sẻ đói no chung.

Làng tôi khó tả hết tình yêu,
Dẫu nói bao nhiêu chẳng thấy nhiều.
Biển rộng trời cao tôi thấy nhỏ,
Trung Kiên đất tổ ngập tình yêu…
Tình yêu đó đã truyền lại cho người dân Trung Kiên để hôm nay chúng tôi được lạy Phật giữa đất trời thanh bình, cũng như được tôn kính Tổ khai sinh chùa và chư vị Đại lão Hòa thượng dày công đức đối với Phật giáo Việt Nam.

Điều mong mỏi lớn nhất của Phật tử nơi đây là chùa sớm đón được vị xuất gia đạo hạnh để giáo pháp từ bi và trí tuệ của Đức Phật ăn sâu và lan tỏa tại nơi quê hương hiền hòa này, cũng như hoạt động lễ nghi và hoằng pháp có nền nếp, đúng theo Chánh pháp. Không chóng thì chầy, tôi tin rằng chùa sẽ mang đầy đủ ý nghĩa của ngôi Tam bảo, truyền lại từ ngôi Sắc tứ Linh Quang tự lịch sử, giữa chốn quê nghèo mà chan chứa tình đạo và tình người.

Cao Huy Hóa (tháng 5-2011)

Ghi chú :
[1] Khoai to vồng thì tốt củ


Ảnh : Chùa Linh Quang

No comments: