Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, December 23, 2020

TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU Ở VIỆT NAM - Đặng Xuân Xuyến

Tam tòa Thánh Mẫu- ba vị Thánh tối linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Hình từ Báo Bắc Giang Điện Tử - baobacgiang.com.vn


TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU Ở VIỆT NAM

 

Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tin tưởng, ngưỡng mộ tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được dân gian cho là có chức năng sáng tạo, bảo trợ và chở che cho sự sống của con người (như trời, đất, sông, nước, núi rừng…); hoặc thờ phụng các vị thái hậu, hoàng hậu, công chúa là những người khi sống tài giỏi, có công với dân với nước, khi mất hiển linh phù trợ cho người an vật thịnh. Các vị nữ thần này được tôn vinh với các chức vị: Thánh Mẫu (Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Chúa xứ Thánh Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu), Quốc Mẫu (Quốc Mẫu Âu Cơ), Vương Mẫu....

 

Tục thờ Mẫu ra đời trên cơ sở tục thờ nữ thần. Các Thánh Mẫu đều là nữ thần, được thờ trong đền, chùa, miếu, điện, phủ. Do ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta đã phát triển và hình thành tín ngưỡng Tam Phủ (Thiên Phủ - miền Trời có Mẫu Cửu Trùng cai quản; Sơn Phủ - miền núi rừng có Mẫu Thượng Ngàn cai quản; Thủy Phủ - miền sông nước có Mẫu Thoải cai quản), Tứ phủ gồm ba phủ trên (tức Tam phủ) và Phủ trần gian, có Mẫu Liễu Hạnh cai quản.

 

Đến thế kỷ XVI, trên cơ sở tín ngưỡng Tam Phủ, Tứ Phủ, với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một tôn giáo bản địa sơ khai được hình thành, đó là đạo Mẫu (còn gọi là đạo Nội).

 

So với tín ngưỡng thờ nữ thần, thờ Mẫu, đạo Mẫu đã có bước phát triển, bước đầu hình thành một hệ thống tương đối nhất quán về điện thần với các phủ, các hàng Điện Thần của Đạo Mẫu có hàng chục vị thần linh nhưng đều quy tụ dưới sự điều chỉnh của Tam Tòa Thánh Mẫu. Trong đó có một vị thần Mẫu cao nhất, mang tư cách là một vị giáo chủ - Thánh Mẫu Liễu Hạnh, được xem như là hoá thân của Mẫu Thượng Thiên. Những nghi lễ của Đạo Mẫu đã bước đầu được chuẩn hoá, trong đó nghi lễ hầu bóng là một điển hình.

 

Điện thờ Mẫu có ở khắp mọi nơi, từ đồng bằng lên miền núi và cả ở trong khu cư trú của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Ở một số nơi, ban thờ Mẫu chỉ là một ban thờ nhỏ khiêm tốn đặt tại một góc trong ngôi chùa,  hoặc một điện thờ nhỏ trong gia đình, nhưng có nơi lại tồn tại như một điện phủ nguy nga. Cho nên, người ta chỉ nhận diện trong từng kiến trúc tổng thể của điện (ban) thờ, nhất là ở sự bày bố điện (ban) thờ và nghi lễ thờ cúng, chứ không căn cứ vào chi tiết cụ thể của tín ngưỡng thờ Mẫu. Chính những nét riêng ấy đã làm nên những đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu khiến cho tín ngưỡng này là một hình thức tín ngưỡng thuần phát đặc biệt của người Việt Nam.

 

Cấu trúc nơi thờ Mẫu:

 

Trong tâm thức dân gian của cư dân nông nghiệp: Dòng sông, con suối, hồ nước... là những nơi có nước mang tính nữ (Âm). Vì vậy hầu hết các điện mẫu thường được xây dựng cạnh sông, suối, hồ, biển (cửa biển)... Và các cửa điện (ban thờ) Mẫu bao giờ cũng được đặt quay về phía nguồn nước - những nơi tụ thuỷ, tụ phúc, hàm chứa những mong ước làm ăn phát đạt. Vì vậy, nếu như không chọn được thế đất lành tự nhiên có sông, hồ ôm bọc thì bao giờ trong khuôn viên dựng điện Mẫu người ta cũng làm hồ, ao, giếng... để dựng lại một không gian cần phải có, ứng với thuật phong thuỷ của người xưa.

 

Cũng để tạo tính âm, nhiều điện mẫu ở vùng cao thường được dựng trong các hang động hoặc xây dựng theo các hòn non bộ với những ngọn đá mọc lên từ đất hoặc dầm chân trong nước.

 

Cấu trúc không gian trong điện thờ Mẫu:

 

Vị trí chư vị Thánh được sắp xếp theo 3 tầng: Tầng trên không, tầng ngành trên ban, bệ thờ và tầng trệt.

 

Ở tầng không là sự hiện diện của đôi mãng xà (còn gọi là ông Lốt), tượng trưng cho quan lớn Tuần Tranh. Một con màu trắng, một con màu sẫm quấn trên sà ngang phía trái bên trên bàn thờ.

 

Ở tầng ngang bên trên ban (bệ) thờ có khi chỉ có một bàn, có khi là một dãy bàn từ ngoài vào cao dần (tùy từng nơi), là nơi ngự của các thánh Mẫu (cũng có khi chỉ là một tượng Mẫu) và các chư vị Thánh.

 

Ở hạ ban (tầng trệt) bao giờ cũng thờ ông Năm Dinh hay Ngũ Hổ tướng quân, với biểu trưng là tượng hoặc bức tranh hổ; phía trước tượng hoặc tranh, đặt một bát hương.

 

Trước ban thờ Mẫu bao giờ cũng treo tầng lớp những đồ vàng mã, nhưng phổ biến và không thể thiếu là nón, hài, thuyền rồng, đèn lồng đủ màu, với nhiều kích cỡ khác nhau. Sở dĩ có treo những đồ vật ấy vì trong đạo thờ Mẫu, từ Thánh Mẫu tới hàng quan, hàng chầu, ông Hoàng, các Cô, các Cậu đều gồm các vị thần linh có gốc gác từ chốn rừng núi cao, nơi ven biển xa xôi, ở mọi miền của đất nước.

 

Tam Tòa Thanh Mẫu:

 

Trong các điện thờ, người ta thờ cúng rất nhiều thần linh, nhưng đều quy tụ dưới sự điều chỉnh của Tam Toà thánh Mẫu. Vì vậy, nơi điện thờ chính thường có ba pho tượng thờ, mà tín ngưỡng gọi tôn kính là Tam Tòa Thánh Mẫu.

 

- Tượng Mẫu Đệ Nhất, mặc áo đỏ, trùm khăn đỏ tức Thánh Mẫu Liễu Hạnh được đặt ở giữa.

 

- Bên trái là mẫu Đệ Nhị (mẫu Thượng Ngàn), bà chúa của Sơn Lâm, mặc áo xanh, khăn xanh.

 

- Bên phải là mẫu Đệ Tam, tức mẫu Thoải, mặc áo trắng, trùm khăn trắng.

 

Văn khấn lễ Tam Tòa Thánh Mẫu:

 

Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)

 

- Con kính lạy Đức Hiệu Thiên chí tôn kim quyết Ngọc Hoàng Huyền cung cao Thượng đế.

 

- Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

 

- Con xin kính Cửu trùng Thanh Vân lục cung công chúa.

 

- Con kính lạy Đức thiên tiên Quỳnh Hoa Liễu Hạnh Mã Hoàng Công chúa, sắc phong Chế Thắng Hoà Diệu đại vương, gia phong Tiên Hương Thánh Mấu.

 

- Con kính lạy Đức đệ nhị đỉnh thượng cao sơn triều mường Sơn tinh công chúa Lê Mại Đại Vương.

 

- Con kính lạy Đức đệ tứ khâm sai Thánh Mẫu, tứ vi chầu bà, năm tòa quan lớn, mười dinh các quan, mười hai Tiên cô, mười hai Thánh cậu, ngũ hổ Đại tướng, Thanh Hoàng Bạch xà đại tướng.

 

Hôm nay là ngày:   tháng:   năm:  Đệ tử con là:  Ngụ tại:

 

Đến nơi Điện (Phủ, Đền) ......... chắp tay kính lễ khấu đầu vọng bái, lòng con thành khẩn, thiết tha, kính dâng lễ vật, cúi xin các Ngài xót thương phù hộ độ trì cho gia chung chúng con sức khỏe dồi dào, phúc thọ khang ninh, đắc tài, đắc lộc, vạn sự hanh thông, gặp nhiều may mắn.

 

Đệ tử con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

 

Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)

 Đặng Xuân Xuyến

baothang_xuanxuyen@yahoo.com.vn

(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT,

Đặng Xuân Xuyến; Văn Hóa Thông Tin; 2006)

 




READ MORE - TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU Ở VIỆT NAM - Đặng Xuân Xuyến

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC QUA MẤY BÀI VIẾT TÔI ĐÃ ĐỌC - Đặng Xuân Xuyến

 


NGUYỄN HOÀNG ĐỨC 

QUA MẤY BÀI VIẾT TÔI ĐÃ ĐỌC

 

1. 

Trên blog Trang Đặng Xuân Xuyến giới thiệu 2 bài viết về "chân dung": nhà Thơ, nhà Văn, nhà Triết học "số 1 châu Á",... Nguyễn Hoàng Đức. Đó là bài "Nguyễn Hoàng Đức: Kẻ mộng du giữa đời thường" của nhà văn Sương Nguyệt Minh và bài "Anh hề triết học, chàng Đông Ki Sốt văn chương" của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn. Có lẽ, trong nhìn nhận của Đỗ Minh Tuấn và Sương Nguyệt Minh thì Nguyễn Hoàng Đức chỉ là một "cậu bé" to xác nhưng rất "ngây thơ", rất "đáng yêu" và cũng rất “tội nghiệp” nên 2 nhà văn đều chọn cách viết hài hước để kẻ vẽ diện mạo, bồi đắp chân dung cho thật rõ nhân diện "nhà Triết học (tự xưng) số 1 châu Á" Nguyễn Hoàng Đức.

 

Đọc "Nguyễn Hoàng Đức: Kẻ mộng du giữa đời thường" thấy sự lém lỉnh pha chút khinh khỉnh của Sương Nguyệt Minh sau những nụ cười thân mến thân với "chàng" triết gia tự phong là số 1 châu Á.

 

Đọc "Anh hề triết học, chàng Đông Ki Sốt văn chương" thấy nụ cười mỉm của Đỗ Minh Tuấn trong những trang viết dí dỏm, hài hước nhưng vẫn đậm chất văn chương và tính triết luận của nhà đạo diễn tài hoa về những bi kịch cuộc đời của Paul Nguyễn Hoàng Đức căn nguyên từ ý thức tự tôn giáo hóa bản thân: Bi kịch về số phận, bi kịch về đam mê, bi kịch về nhận thức... thì ít hay nhiều, vẫn ấm cái tình người, cái chân, cái thiện của Đỗ Minh Tuấn trong bài viết.

 

Tôi có đọc Nguyễn Hoàng Đức nhưng chỉ đọc lướt ít bài vì thế không để lại chút ấn tượng nào về văn chương của ông cả. Nhưng thật oái oăm, những bài viết về Nguyễn Hoàng Đức thì tôi lại nhớ rất lâu, có lẽ vì cách viết của các tác giả, vì chân dung của ông được các tác giả tạc khéo quá, ấn tượng quá. Ví như nhà văn Sương Nguyệt Minh viết về ông cứ như vừa xoa tai búng mũi Nguyễn Hoàng Đức, vừa bông đùa trêu chọc Nguyễn Hoàng Đức nhưng nhà văn vẫn rất ngạo nghễ ý thức buông giọng ngôi trên. Đọc "Nguyễn Hoàng Đức: Kẻ mộng du giữa đời thường" tôi cứ tủm tỉm hình dung cảnh Sương Nguyệt Minh thi thoảng thơm trán Nguyễn Hoàng Đức âu yếm nhẹ một cái rồi thuận tay đét hai, ba cái rõ mạnh vào mông Nguyễn Hoàng Đức và chỉ chờ thế là cả Nguyễn Hoàng Đức, cả Sương Nguyệt Minh cùng ngửa cổ cười ngặt nghẽo.

 

Đọc Sương Nguyệt Minh vẽ Nguyễn Hoàng Đức mà thấy thương, thấy yêu, thấy tội tội Nguyễn Hoàng Đức. Chữ danh làm con người ta đẹp lên, sang lên, thơm lên và chữ danh cũng làm con người ta xấu đi, hèn mọn đi, nhơ bẩn đi. Nhưng với Nguyễn Hoàng Đức thì lại khác, chữ danh khiến ông ngây thơ như một đứa trẻ, đạo mạo như một quý bà...

 

Trong số những bài viết về Nguyễn Hoàng Đức tôi đã đọc, có lẽ bài viết của nhà văn Sương Nguyệt Minh là hay nhất - Hay không phải vì Sương Nguyệt Minh viết kỹ, viết sâu... về Nguyễn Hoàng Đức mà là khoảng lặng "Nguyễn Hoàng Đức: Kẻ mộng du giữa đời thường" để lại trong lòng bạn đọc là khoảng lặng day dứt về chữ TÌNH. 

 

2. 

Tôi cũng đã theo dõi Nguyễn Hoàng Đức một quãng thời gian khá dài trên facebook để hiểu thêm những gì mà đạo diễn Nguyễn Minh Tuấn và nhà văn Sương Nguyệt Minh chưa viết nhưng tôi không tìm thêm được vì hai ông quá giỏi, đã kẻ vẽ Nguyễn Hoàng Đức vừa đủ, không thừa, không thiếu những gì (cơ bản) thuộc về Nguyễn Hoàng Đức.

 

Ngoài 2 bài viết về chân dung Nguyễn Hoàng Đức đã điểm qua ở trên thì trong số các bài viết của nhà giáo Chu Mộng Long, nhà văn Nguyễn Thế Duyên.... phản bác lại bài viết: "Thơ Và Truyện Kiều Phát Sinh Trong Giới Mù Chữ Và Ít Học" của Paul Nguyễn Hoàng Đức (nhà giáo Chu Mộng Long hài hước gọi là Phao Lồ Nguyễn Hoàng Đức) thì bài viết "Lại Phải Vài Lời Trao Đổi Với Anh Nguyễn Hoàng Đức...”, của nhà văn Nguyễn Thế Duyên gây nhiều ấn tượng với tôi.

 

Với bài viết “Lại Phải Vài Lời Trao Đổi Với Anh Nguyễn Hoàng Đức...”, nhà văn Nguyễn Thế Duyên hừng hực nhảy vào cuộc bút chiến bằng tâm thế "bất chấp", lôi cả chuyện đời tư của Nguyễn Hoàng Đức: “già yếu, ốm đau, không gia đình, không có nguồn thu nhập ổn định, chỉ còn mỗi một niềm vui là lên mạng tự sướng” để ăn thua, để hả hê... với Nguyễn Hoàng Đức - Người đã được giới chữ nghĩa mặc định là “anh hề Triết học”, là “kẻ mộng du giữa đời thường.”.

 

Nửa phần trên của bài viết, có lẽ còn sung sức, vốn chữ còn nhiều, tâm trí vẫn ổn nên nhà văn Nguyễn Thế Duyên có những luận cứ hợp lý, thuyết phục khi ông dẫn luận về truyện Kiều của Nguyễn Du để phản bác “những lập luận vô cùng xằng bậy” và “bịa đặt trắng trợn” của Nguyễn Hoàng Đức “muốn lật đổ truyện Kiều, một trong những áng văn thơ đỉnh cao hiếm hoi của nền văn chương trung đại của dân tộc Việt” nhưng đến nửa phần sau bài viết thì hình như sức ông đã đuối nên loạng choạng, có chút lảm nhảm, lôi cả số like, số comment ra để làm vũ khí.... Thật tiếc, hành động này chứng tỏ tâm - tầm của ông chưa thể là "đối thủ ngang cơ” với Nguyễn Hoàng Đức. Nói kiểu “tưng tửng góp vui” thì với hành động đếm like, đếm comment làm vũ khí để hạ gục “đối thủ”, nhà văn Nguyễn Thế Duyên đã vô tình vào vai anh hề để tôn "anh hề" Nguyễn Hoàng Đức cao thêm vài bậc hoang tưởng.

 

Chắc nhà văn Nguyễn Thế Duyên cũng đã quá rõ ma mãnh trong tranh luận của Paul Nguyễn Hoàng Đức là đánh vào niềm tin của người nghe, người đọc ở những con số cụ thể, mà những con số cụ thể đó lại không có nguồn trích dẫn cụ thể, nó được "anh hề" bất chợt nghĩ ra để "anh hề" "chơi" kế sách "cả vú lấp miệng em", ví như "anh hề" nói 60% nhà thơ miền Nam là đạo thơ hay dân miền Trung thích thơ nhất vì nghèo đói. "Anh hề" cứ nói hú họa bừa như thế mà "nhồi nhét vào đầu những người lười suy nghĩ và ít chịu đọc những lập luận vô cùng xằng bậy" (Nguyễn Thế Duyên). Lạ là cũng không ít người lại hùa theo ý thức tự tôn giáo hóa bản thân của Nguyễn Hoàng Đức, rồi tán thưởng, tụng ca Nguyễn Hoàng Đức lên ngang với thánh thần, coi Nguyễn Hoàng Đức như một tượng đài bất khả xâm phạm. Tôi nghĩ, nếu nhà văn Nguyễn Thế Duyên xoáy sâu một chút về đặc trưng "chất Chí Phèo" trong "phương pháp tranh luận" của Nguyễn Hoàng Đức: Không giống Chí Phèo chỉ khi say bí tỉ, khi thiếu tỉnh táo để làm chủ nhận thức mới chửi bất cứ ai, bất cứ thứ gì Chí Phèo bất chợt nghĩ đến, còn “anh hề Triết học” - “kẻ mộng du giữa đời thường” Nguyễn Hoàng Đức chả cần thế, cứ không vừa ý là "anh hề Triết học" ỏm tỏi chửi, chửi bất kỳ ai dù vô tình chạm vào sợi dây thần kinh tự ái của “kẻ mộng du giữa đời thường” theo kiểu “chửi bất chấp” không cần lĩnh vực đấy “anh hề” có biết hay không, cũng chẳng cần chứng cứ mà “anh hề” chỉ cần lấy chửi để thắng người,.... mà “lựa chiêu ra đòn” thì bài viết “Lại Phải Vài Lời Trao Đổi Với Anh Nguyễn Hoàng Đức...” của ông rất đáng đọc.

 

-------------

 

Hà Nội, ngày 17 tháng 12-2020

 

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

 


READ MORE - NGUYỄN HOÀNG ĐỨC QUA MẤY BÀI VIẾT TÔI ĐÃ ĐỌC - Đặng Xuân Xuyến

QUẢNG TRỊ ĐÔNG VỀ - Thơ Lê Văn Tiến

 


Quảng Trị Đông Về


Ánh dương dần khuất phía chân mây
Bầy nhạn bay về chốn nào đây?
Đông đến bâng khuâng miền gió lạnh
Tìm em ta nhớ lúc sum vầy
Thuở đó em anh một mái trường
Đông qua xuân đến vẫn yêu thương
Trò chơi thuở nhỏ sao quên được
Em làm cô dâu má ửng hồng
Anh là chú rễ nghe là lạ
Hai đứa cùng mơ một mái nhà
Thế rồi chinh chiến ngập quê hương
Anh theo binh lữa chốn sa trường
Em làm cô giáo phương trời cũ
Cách biệ̣t nhưng mà vẫn nhớ thương
Quảng Trị bây giờ mưa vẫn bay
Nhớ em ta rót chén rượu say
Lại nhớ đêm nào nghe mưa đổ
Hai đứa cùng nhau một vòng tay
Quảng Trị đông về lại nhớ em
Nhớ bờ tóc xỏa ngát hương đêm
Vai gầy ánh mắt vòng eo nhỏ
Hồn ta có phải quyện vào em?
Bây giờ Quảng Trị dấu hồn thơ
Ánh đèn phố thị choán trăng mờ
Hồn ta sao vẫn còn lạnh lẽo
Nhìn phố bâng khuâng, phố hửng hờ

Lê Văn Tiến
Mùa đông 2020
 





READ MORE - QUẢNG TRỊ ĐÔNG VỀ - Thơ Lê Văn Tiến