Ngô Nguyên Nghiễm
TRÚC THANH TÂM
- TRĂM NĂM NỖI NHỚ ĐI VỀ
Gần 20 năm trước, Châu Đốc đón nhận thêm
một nhà thơ lãng du bước vào địa phận của vùng khí thiêng sông núi Thất Sơn.
Hành trang phiêu bạt chỉ là một túi thơ, gói gọn những ước mơ tuổi trẻ. Trúc
Thanh Tâm có những cái hay như những người làm văn nghệ miền sông nước, là sự
phiêu lãng, an nhiên, không xem danh vọng như một điều tối cần thiết trên bước
đường đi - về. Dù rằng, Trúc Thanh Tâm cũng có một bề dầy quá trình cật lực với
văn nghệ, anh bước đến nghệ thuật thật sớm, vững chãi trên bước thơ đi. Làm thơ
từ lúc còn tuổi thiếu niên, một lớp tuổi học trò 15 - 16 ôm tràn đầy ảo mộng
tình yêu trinh nguyên và trong sáng.
Quê anh từ làng
Long Mỹ tận phương trời mịt mù xa thẳm, ánh sáng văn hóa hầu như chìm lắng
trong những tiếng đạn bom và nghèo khó. Có lần, tôi bước vội vàng qua Long Mỹ
về thăm con kênh Xà No, một vùng đất nhân dáng chằn chịt khói lửa mới hiểu rằng
đất nước còn quá nhiều truân chuyên, phủ chụp xuống hồn người nỗi bất hạnh đầy
tiếng thở than và nước mắt. Chàng trai trẻ Long Mỹ, cũng không thoát khỏi mệnh
số đó, hằng ngày cuộc sống dàn trải đầy rẫy những bi thảm trên góc nhỏ quê nhà.
Thơ Trúc Thanh
Tâm bắt đầu xuất hiện bằng những kỷ niệm phôi thai. Chung quanh những cuộc đất
làm lầy lội trí tuệ non nớt, với hình ảnh trời quê, vòi vọi cánh chim, áng mây
man mác... đã quyện trong hồn Trúc Thanh Tâm một sự rung động mật thiết với quê
hương. Trúc Thanh Tâm đến với thơ, thành công nhiều ở thể loại lục bát, càng
ngày điêu luyện tinh tế hơn, giúp thơ anh có một nỗi niềm, chan đầy niềm tin yêu
thanh khiết. Tôi cảm thông khi đi vào thơ anh, sự mộc mạc chân thành với tình
yêu đầy vẻ ngây dại, và đơn giản khiến thơ Trúc Thanh Tâm ít nhiều làm rung
động hồn người. Trúc Thanh Tâm thành công ở dòng thơ tình đầy phiêu lãng như
một sự chân chất của tâm hồn anh trang trải suốt đường thơ đi.
Thơ Trúc Thanh
Tâm đầy rẩy xung động của tình yêu thanh xuân, trong cuộc sống thường hằng, nên
sự cay đắng khôn cùng vẫn vương vãi trong thơ, như những định kiếp giang hồ mà
ta thường bắt gặp của một kẻ tình si, cùng một trời lận đận.
Năm 1990, Trúc
Thanh Tâm về Châu Đốc nhận trách nhiệm phụ trách tiếp Trịnh Bửu Hoài tờ báo Văn
nghệ Châu Đốc, và Câu Lạc Bộ Thơ Ca, sẵn dịp anh về Sài Gòn gặp gỡ bằng hữu đàm
luận trong những giây phút tâm giao. Tôi, Nguyễn Thành Xuân và Lưu Nhữ Thụy
tiếp Trúc Thanh Tâm, để anh gói kịp thời gian trên đoạn đường quy cố hương.
Tình anh em chan đầy trong bàn tiệc nhỏ gọn bên quán ven đường, Trúc Thanh Tâm
làm một bài thơ tốc hành trao tặng khiến hào khí mọi người hiện diện hừng hực
dâng trào.
Sài Gòn, tôi về nắng trưa
Cầu
chữ Y, nỗi buồn gió táp
Cái đầu tiên mà tôi bắt gặp
Là sự nhỏ nhoi, nỗi khổ riêng mình
Sài Gòn, đèn ngọn đỏ, ngọn xanh
Đâu đủ sáng cho mình mơ ước
Mưa là cái khôn tắm mát
Nhưng con người, đôi lúc lại sợ mưa
Mắt, bị che chiếc lá sái mùa
Đường thẳng cứ lờ mờ quanh quẩn
Tôi thấy bước chân mình khá nặng
Mang trên vai một túi nghiệp văn
chương
Bạn bè, ly rượu tứ phương
Ở quán cóc, góc vỉa hè tận hưởng
Là sự thật, là tận cùng ham muốn
Là trái tim còn nét thực con người ...
Cả một đời bước
nhẹ dưới ánh nắng của thi ca, Trúc Thanh Tâm sáng tác cũng khá nhiều, mà những
đứa con tinh thần lúc nào cũng chao đảo trong cơn hoài vọng của tình yêu, tình
bằng hữu, gia đình, quê hương ... Cuộc sống Trúc Thanh Tâm trôi nổi như cụm lục
bình lang thang trên nẻo vắng sông hồ. Không hiểu đến nay, ở tại thị xã Châu
Đốc đang là lúc Trúc Thanh Tâm đã bước qua tuổi lục tuần, mặc dù anh vẫn làm
thơ, vẫn âm thầm trôi chảy theo dòng đời, nhưng sự im lặng của Trúc Thanh Tâm
với văn nghệ trong khoảng vắng hơn 10 năm nay, có làm thơ anh cùng khổ hơn
không? Mà, để có lúc Trúc Thanh Tâm như ngơ ngác, cô đơn trong góc nhỏ đêm
dài, để rồi Ta xin chút nắng thắp hồn cho nhau hay Nghìn thu giấc mộng không về
/ Nước chia bến lạ não nề phận sông!
Thời gian sau
nầy tôi ít về Thất Sơn, năm thì mười thuở mới ghé tạt về nhìn lại hồn núi, rồi
cũng loáng thoáng bước vội quay đi, vì nhiều công việc đang bỏ sót lại bên
lưng. Cho nên gần như hơn 10 năm nay, tôi không gặp gỡ Trúc Thanh Tâm, mặc dù
thỉnh thoảng cũng có nhờ di động trao đổi vài câu, thăm hỏi. Mỗi lần tiếp xúc,
tôi cảm nhận nét buồn của Trúc Thanh Tâm vương vấn giữa không gian, len lén
vươn vào đường điện thoại, chứa chan đầy tình cảm bâng khuâng như thi tập Thâm
Tình mà Trúc Thanh Tâm dự định xuất bản, vẫn chưa thoát khỏi sự hoài thai.
... Vậy mà, người vẫn chưa trở lại
Mười năm thềm cũ ánh
trăng vơi
Chiếc lá xa cành bay tản mạn
Để mất đời nhau nửa nụ cười
Ta thương ta lắm đêm viễn xứ
Mười năm cay đắng một chút đời
Mười năm nước mắt thành rêu vỡ
Ôm đời ấm lạnh trước gương soi !
Tất cả như ảo
ảnh, cái thoắt hiện thoắt tan là lẽ thường hằng, Trúc Thanh Tâm vẫn còn một hồn
thơ bát ngát đong đầy trong trời đất, nét tinh khôi mà hơn 40 năm qua sinh tử
với thi ca, anh như một trong những con chim họa mi của đồng bằng, đang hót
giữa ngút ngàn sương gió, phiêu bạt tuyệt cùng trên vùng trời cương thổ quê
hương...
Viết tại Thư trang Quang Hạnh
Ngày
20/06/2006
NNN