Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, March 7, 2021

Ca khúc DẠ SẦU - Sáng tác: Nguyễn Tâm Hàn - Trình bày: Nguyên Giải Tú Lệ


Lời bài hát: Dạ Sầu

Sáng Tác: Nguyễn Tâm Hàn

Chép từ nhaccuatui.com

 

Lặng nghe tiếng ...gió khua ngoài song

Vời theo ánh trăng lan trời mơ

Thuyền trăng lẻ loi lơ lững trong sương

 

Vườn khuya lắng ... dế khơi niềm riêng

Vàng nỗi nhớ ... nhớ khung trời xưa

Chợt nghe giá băng se sắt tâm hồn

 

Từng ngày tháng ... ý sầu dâng...

Hạc đã xa vời xa ... Lầu yêu vẫn chất ngất hương tình cũ

Đời ... lang thang cánh chim hải âu

Tình... đan theo sóng cho lòng mãi luyến nhớ

Buồn

 

Sầu lữ thứ ... trái tim quặn đau

Vời dĩ vãng ... cố nhân tìm đâu

Lầu trăng hắt hiu hoen úa đêm mơ

 

Ngày xanh đã bóng câu thời gian

Niềm thương nhớ sóng loang dòng Tương

Hồn vương thức mây ... đàn phím tơ chùng

 

Nguyễn Tâm Hàn


From: tamhan44@yahoo.com
READ MORE - Ca khúc DẠ SẦU - Sáng tác: Nguyễn Tâm Hàn - Trình bày: Nguyên Giải Tú Lệ

MẸ QUÊ HƯƠNG - Thơ Phạm Ngọc Thái

 

Thân mẫu nhà thơ Phạm Ngọc Thái



            MẸ QUÊ HƯƠNG

            Kỷ niệm 8/3: Tưởng nhớ về mẹ yêu thương

                       (Bài thơ viết trong chiến tranh.)
                                                          *

Gió đưa cánh võng lưng đèo
Thoảng như tiếng mẹ buông vào canh sâu...
"Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng"


Mẹ ru Kiều giữa đêm giông
Cho con say giấc mơ nồng tuổi xanh
Mẹ ru Kiều giữa năm canh
Nuôi con trong mái nhà gianh phố nghèo


Con qua trăm núi trăm đèo
Còn nghe tiếng mẹ chiều chiều vẫn ru
Đường dài theo nhịp võng đưa
Trăng mơ bóng núi con mơ bóng chiều


Con ăn một búp măng vầu
Đã quen như lá rau bầu quê hương
Những ngày lạt muối, đói cơm
Con lùi thêm khúc sắn thơm lửa hồng.


Mẹ ơi! Trời rộng vô cùng
Thương con mẹ nhớ đừng buồn, mẹ nghe!
Sương rơi ướt vạt cỏ khuya
Chỉ lo mẹ ở miền quê thức hoài


Mẹ giờ tóc đã hoa mai
Sáu mươi đời mẹ hai vai nước, nhà...
Một thân mẹ sống trọn già
Tiễn chồng rồi (lại) tiễn con ra chiến trường


Mẹ hiền muôn nỗi nhớ thương
Đêm nay con trẻ tìm đường thăm quê
Mẹ đừng khóc nhé, mẹ nghe!
Chín năm xa một lần về trọn vui.

Ngẩn ngơ nên gió bồi hồi
Nhìn trăng bóng đã ngả dài núi xa...
 

         Phạm Ngọc Thái

READ MORE - MẸ QUÊ HƯƠNG - Thơ Phạm Ngọc Thái

NGÀY 8/3 ĐỌC “RÉT BÂN NHỚ MẸ”, THƠ HẠT CÁT DIỆU SINH – Đặng Xuân Xuyến

  

Nhà thơ Hạt Cát Diệu Sinh Bùi Cửu Trường

                       

RÉT BÂN NHỚ MẸ

 

Rét Bân vương má con hạt mưa

Kiểu mưa Bân này dễ ho, mẹ ạ

Mẹ đủ ấm không / khi trời lạnh giá?

Mẹ đủ không / khi đất buốt tê?

 

Mẹ ơi!

Từ hồi Mẹ đi

quanh con hơ hoác trống.

 

Mưa Bân chắt lọc

từ li ti hương xuân rất trong

Tình mẹ ấm nồng

gom nhặt từ tháng ngày vất vả

tháng ngày ngược xuôi tất tả

lần hồi mẹ áo nâu sờn...

 

Mưa Bân rất tròn

mỏng dầy xếp giọt

Trời thương Nàng Bân, Trời ban rét ngọt

Con xin Trời cho con nắng tươi

cho con thấy nụ cười

nhóng nhánh hạt na đen của mẹ.

 

Rét Bân rất nhẹ

Đủ lùa thông thống tháng ba.

Đủ cuốn tuổi đông con

về Mẹ chốn bao la

Tìm hơi ấm Mẹ.

 

Hà Nội, 08 tháng 03.2019

Bùi Cửu Trường

 

*

 

NGÀY 8/3 ĐỌC “RÉT BÂN NHỚ MẸ”, 

THƠ HẠT CÁT DIỆU SINH

                                                            Đặng Xuân Xuyến                           

  

Sáng ngày 8 tháng 3, tôi được đọc một bài thơ tự sự, viết về MẸ của nhà thơ, bác sĩ Bùi Cửu Trường.

Bài thơ có tựa đề: RÉT BÂN NHỚ MẸ.

 

Tôi ấn tượng với bài thơ ở ngay những câu đầu:

 

"Rét Bân vương tay con hạt mưa

Kiểu mưa Bân này dễ ho mẹ ạ

Mẹ đủ ấm không / khi trời lạnh giá?

Mẹ đủ ấm không / khi đất buốt tê?"

 

Những câu thơ tự sự giản dị, mộc mạc, trĩu nặng nỗi niềm, từ hạt mưa vương vào tay, gợi nên nỗi lo dịu dàng thường trực: "Kiểu mưa Bân này dễ ho mẹ ạ", rồi đột nhiên thay đổi tâm trạng, từ dàn trải tâm sự sang dồn nén những lo lắng:

 

"Mẹ đủ ấm không/ khi trời lạnh giá?

Mẹ đủ ấm không/ khi đất buốt tê?"

 

Khiến người đọc sững lại, rồi trầm lặng khá lâu trước sức ám ảnh của những hình ảnh xuất hiện trong những thước phim rất ngắn. Đến đây, người đọc mới vừa thốt lên lời đồng cảm cùng tâm trạng xót thương của người con hiếu đễ với người Mẹ đã khuất, thì lại vỡ òa cảm xúc bằng những câu tự sự lắng đầy nước mắt. Sự nhớ thương trong đau xót, cút côi được dồn nén đến tận cùng bởi những câu thơ ngấn lệ, trầm buồn:

 

“Mẹ ơi

Từ hồi Mẹ đi

quanh con hơ hoác trống.”

 

3 chữ “hơ hoác trống” đã diễn tả tất cả sự nhớ thương - mất mát - cút côi của người con khi mất Mẹ.

 

Tôi thích 4 câu thơ:

 

"Rét Bân vương tay con hạt mưa

Kiểu mưa Bân này dễ ho mẹ ạ

Mẹ đủ ấm không / khi trời lạnh giá?

Mẹ đủ ấm không / khi đất buốt tê?"

 

được viết ban đầu hơn so với 4 câu đã được nhà thơ chỉnh sửa.

Bởi theo cảm nhận của riêng tôi thì 4 câu chưa chỉnh sửa rất gợi cảm xúc với người đọc. Câu “Rét Bân vương tay con hạt mưa” gợi tâm trạng chông chênh, chới với của người con giữa trời mưa rét khi cô đơn, vắng (mất) Mẹ. Sự lặp lại cụm từ 4 chữ: "Mẹ đủ ấm không" ở 2 câu cuối khổ thơ: “Mẹ đủ ấm không / khi trời lạnh giá?” - “Mẹ đủ ấm không / khi đất buốt tê?” nghe chân chất, mộc mạc, như tự nhiên bật ra trong tâm thức nhà thơ trước cái lạnh giá của tiết trời và chính sự lặp lại cụm từ 4 chữ ấy đã làm câu thơ thêm day dứt, xót xa. Câu thơ lấy nước mắt người đọc bởi sự tự nhiên, chân chất ấy. Nhưng với 2 câu thơ đã chỉnh sửa: “Chân mẹ ấm không / rét Đài sương giá?” - “Tay mẹ cóng không / rét Lộc buốt tê?” thì sự cẩn thận về kiến thức, sự cầu toàn về ý thức tay nghề đã lấy đi nét mộc mạc, dung dị, khiến câu thơ trở nên thiếu nhựa. Sự rành mạch "rét Đài" - "rét Lộc" - “rét Bân” vì sự cầu toàn... ở 2 câu thơ trên là không cần thiết, bởi theo thiển nghĩ của người viết, sự rành rẽ câu chữ như thế khiến bạn đọc khó "phiêu" cùng bài thơ để khám phá và cảm thụ bài thơ, cũng vì thế mà làm bài thơ bớt hay.

 

Là kẻ lười đọc thơ nhưng tôi lại thích đọc thơ Bùi Cửu Trường, có lẽ vì cách dùng từ ngữ của bà khá độc đáo, sáng tạo nhưng vẫn giữ được chất dân dã, chân quê. Những câu: “Từ ngày mẹ đi/ quanh con hơ hoắc trống”, "lần hồi mẹ áo nâu sờn .."/ "Nhóng nhánh hạt na đen của Mẹ." hay: "Rét Bân rất nhẹ/ đủ lùa thông thống tháng ba/ đủ cuốn tuổi Đông con" trong RÉT BÂN NHỚ MẸ, tuy chưa phải là những câu thơ thật hay, những câu thơ tài hoa nhưng những câu thơ đậm dấu ấn rất riêng của Bùi Cửu Trường như thế thì không phải dễ làm, không phải cứ muốn là viết được.

 

                                                         Hà Nội, chiều 08 tháng 03.2019

                                                               ĐẶNG XUÂN XUYẾN



READ MORE - NGÀY 8/3 ĐỌC “RÉT BÂN NHỚ MẸ”, THƠ HẠT CÁT DIỆU SINH – Đặng Xuân Xuyến

GÁI LỠ THÌ - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

 



GÁI LỠ THÌ

Truyện ngắn

LÊ HỨA HUYỀN TRÂN


                Năm bốn mươi tuổi chị vẫn chưa lấy chồng. Sinh ra trong gia đình nghèo lại là chị cả trong nhà, chị chưa bao giờ nghĩ bất cứ điều gì cho bản thân: Khi thanh xuân vừa đến chưa kịp bắt đầu yêu thì ba mất, trụ cột trong nhà ra đi, người mẹ già yếu và đàn em thơ khiến chị dường như chỉ biết sống với nỗi niềm tận lực cố gắng làm tất cả để lo cho gia đình. Chẳng mấy chốc nhờ tính chịu thương chịu khó chị xin được vào làm ở một công ty lớn. Tính chất của công ty khiến mỗi ngày đi làm đều là một cuộc đấu tranh nhưng nó lại khiến chị hào hứng. Phần vì tuổi trẻ háo thắng, phần vì thực lực được công nhận, cứ thế chị dần quên đi thanh xuân của mình chưa một lần lỗi nhịp vì ai.

            Được ít lâu mẹ chị qua đời, chị trở thành người nuôi những bốn đứa em. Từng giây của cuộc đời chị là một cuộc chạy đua không mệt mỏi và chưa bao giờ dừng lại. Đến khi chúng dần lớn lên, chị dựng vợ gả chồng cho từng đứa thì cũng là lúc chị chợt nhận ra ngôi nhà nhỏ chỉ còn bóng hình của một phụ nữ nửa chừng xuân.

             -Chị này, hay cứ thử tìm hiểu một ai đó xem. Em nghe phòng bên có anh Đình nghe đâu được lắm, cũng trạc tuổi chị. Thử thôi có chết ai.    

         Nhỏ em đồng nghiệp “mồi chài” chị. Ban đầu chị không thích, đã quá lâu chị chưa bước ra khỏi vỏ bọc của mình, cũng chưa hiểu phải đối xử với một người khác giới là như thế nào. Chị cuồng công việc, về đến nhà chỉ lo cho gia đình, dù công việc chị thăng tiến đến đâu thì trong giao tiếp với đàn ông, tất cả chỉ là số 0 tròn trĩnh. Nhờ sự tác động của đứa em, chị bắt đầu có những cuộc hẹn đầu tiên với người đàn ông tên Đình ấy, là người của tổ nhân sự, theo như cách anh ta giới thiệu là vẫn còn độc thân. Hai người bắt đầu điện thoại qua lại, tâm sự hàng đêm, có lẽ vì đều bước vào tuổi “ băm” và cũng vì đều quá cuồng công việc nên hai người cũng có khá nhiều điểm chung để nói.

            “Chị là ai”

            “Ai vậy?”

            “Tôi thấy chị và anh Đình hay nhắn tin cho nhau, điện thoại nữa. Chị dừng lại đi, đừng phá vỡ hạnh phúc gia đình tôi. Tôi là vợ của anh ấy.”

            Mối tình đầu của chị tan vỡ đơn giản chỉ vì sự nói dối của một người đàn ông. Nhưng khi mọi việc bắt đầu lộ ra, mọi người nhìn chị bằng những con mắt khác: Có người nói làm sao chị không biết người kia đã có gia đình được, chị phá vỡ gia đình người ta; Có người dè bỉu chị đã lỡ thì, bỗng nhiên tuổi tác cũng trở thành một vấn đề để khinh rẻ; chỉ một số ít mới thấy chị đáng thương khi bị lừa dối.

            Người đàn ông thứ hai đến với chị là một đối tác giao tiếp làm việc với chị từ lâu. Câu đầu tiên anh ta nói với chị là: "Mình hãy thử tìm hiểu nhau đi” nhưng câu thứ hai đã là: "Đã ế quá rồi, sale thôi chứ cần gì tính toán.” Có thể là lời nói đùa mà thôi nhưng nó vô tình làm chị cảm thấy bị tổn thương. Người phụ nữ khi đã quá tuổi dường như chỉ được xem như một món hàng giảm giá, không có sự lựa chọn, là ai cũng được.

              -Anh ta giàu, mình cũng quá lứa rồi. Thôi cứ ưng thuận về làm vợ tới đâu thì tới. Tuổi này rồi làm gì có quyền lựa chọn ai.   

            Ngay cả những người quen của chị cũng khuyên như thế, chị chợt nhận ra phận người phụ nữ bi đát quá. Dù thế, chị vẫn mong dành thời gian để nói chuyện tìm hiểu, chị không muốn sự lựa chọn của cả một đời người là sai lầm.

            -Tôi nói rõ luôn với em là tôi không có thời gian cho việc tìm hiểu. Một là cưới, hai là thôi. Nam nữ sinh ra chỉ có cho việc này mà thôi.  

             Không hiểu “ việc này” mà anh nói là gì nhưng chị lại kết thúc một mối tình thoáng qua mau chóng.

            -Chị uống nước đường đỏ, hình như chị lại đau bụng. Anh nhẹ nhàng đặt trước mặt chị, từ mấy năm trước trong một lần vô ý biết ngày tới tháng của chị và chị đau bụng như thế nào, anh vẫn hay để ý nấu loại nước này – Chị không cần cố gắng để kiếm tìm một người đàn ông hợp với mình rồi miễn cưỡng. Bất quá thì cứ như tôi này, độc thân và chơi với nhau từ bấy.

            Câu nói của người đàn ông trẻ hơn chị non hai tuổi và đã là đồng nghiệp kể cũng hơn chục năm từ những ngày mới vào làm khiến chị bật cười. Chị và anh quá thân với nhau và luôn là một tổ hợp nổi bật “nghiện công việc” trong công ty đến độ chị không nhận ra khi chị trải qua những khó khăn nhất trong cuộc đời chị đều có anh. Cả khi chuyện với người ngoại tình kia xảy ra, khi mọi người dè bỉu chị cũng chỉ có mình anh nói với tất cả:

             -Mọi người đều đã là đồng nghiệp lâu năm, đều hiểu rõ chị nhưng cuối cùng lại chỉ vì một đề tài trò chuyện mà nỡ bán đứng chị sao? Ai lo cho mấy người khi vừa vào công ty, chỉ bảo tận tình? Ai đưa ra lời khuyên? Ai gánh tội khi mọi người bị cấp trên quở trách? Chị phá vỡ gia đình người ta? Bản thân các người đều biết rõ câu trả lời nhưng các người đều trốn tránh, việc xâu bao giờ cũng dễ buôn chuyện hơn.

           -Cũng chỉ mình anh mỗi tối sau khi tan ca đều để lại nơi bàn chị một hộp sữa hoặc khi những việc không hay xảy ra cũng chỉ mình anh tối nào cũng tới nhà chị chở chị đi ăn cho kì được do sợ chị bỏ bữa. Chị đánh vào vai anh cái bộp: "Bạn thân” rồi tự sốc lại tinh thần mình làm việc tiếp. Tiếng một người nói nhỏ vào tai anh: "Hơn thập kỉ rồi đấy, đến khi nào mới nói với chị ấy, chỉ là lí do cậu vào công ty này?”  Anh phì cười: "Không sao đâu anh, em đã đợi chị ấy cả từng ấy năm, đến giờ em vẫn còn đợi được.”

           

Tác giả : Lê Hứa Huyền Trân

Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định

 Phongtruongtu201@gmail.com


 

READ MORE - GÁI LỠ THÌ - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân