Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, September 1, 2021

THANH LƯƠNG TRÊN ĐƯỜNG VỀ CỐ QUẬN – Tâm Nhiên

 
Tâm Nhiên, Thanh Lương, ngồi trước thạch động Hoa Nghiêm, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng (9. 2017)
 

THANH LƯƠNG TRÊN ĐƯỜNG VỀ CỐ QUẬN 
                                                         Tâm Nhiên

Thanh Lương là bút hiệu của Thích Thiện Sáng, một hành giả Thiền tông. Thế danh Trương Thượng Trí, sinh năm 1956, lớn lên trên cù lao Ông Chưởng, bên dòng sông Hậu giữa trời thơ đất mộng An Giang.
 
Bản chất thông minh, mẫn tuệ, có trực giác bén nhạy, ngay từ thời còn bé nhỏ đã có những biểu hiện khác thường như trầm tư, ưa đọc sách đạo lý suốt ngày, thích ăn chay trường, thương súc vật và học hành ở trường lớp thì tinh tấn, luôn luôn dẫn đầu, xuất sắc.
 
Lặng lẽ dụng công, âm thầm trao dồi nội tâm theo đường hướng thượng từ thuở còn thanh xuân. Cho nên, sau biến cố lịch sử năm 1975, đang theo học ngành điện tử ở Đại học Kỹ thuật Phú Thọ, Sài Gòn, Thanh Lương liền vất bỏ hết, ném lại sau lưng những bọt bèo kiến thức, quay về quê nhà ở cù lao Ông Chưởng.
 
Vườn cũ nhà xưa, một mình cần mẫn cất thảo am giữa cánh đồng hoang vu, cô quạnh, cạnh dòng sông xanh lặng im lìm, sớm chiều miệt mài, chú tâm nghiên cứu Phật học và hành thiền miên mật. Thật hy hữu, mới 20 tuổi, còn quá trẻ trung mà biết áp dụng, thực hành thiền định vào đời sống hằng ngày rồi. Ngồi quán chiếu, nhập thất thường xuyên, hết tháng này sang năm nọ…Trải qua nhiều trạng thái vô phân biệt, xuất thần Thoát thể, nhập diệu huyền chân:
 
Chỉ một lần không chủ khách phân
Đủ cho muôn pháp lộ thân trần
Trăng thanh gió mát đều như thị
Đây đó trần trần tự Pháp thân
 
Pháp thân, Phật tánh vốn bất sinh bất diệt, là nguyên lý tối hậu của muôn loài vạn vật, là bản thể của tự tánh cùng khắp không gian, thời gian. Tuy vô hình, vô thanh mà vẫn hiện ảnh vang thanh, vô cùng ứng hiện biến hóa, linh động đầy năng lực thần diệu vẹn toàn, một cách huyền mật.
 
Nhân duyên đầy đủ, chí xuất trần quá mạnh nên đến năm 1981, Thanh Lương quyết định xa lìa thảo am, lên đường đi xuất gia ở chùa Bửu Liên, Cần Thơ. Quy y với Hòa thượng Thích Thiện Tâm, một bậc đạo cao đức trọng, trong hàng thạch trụ tòng lâm. Từ đó, mở ra một phương trời mới lạ, Thức tỉnh rực ngời sáng suốt trong veo:
 
Luân lưu trong các nẻo
Giờ tỉnh lại thanh nhàn
Tu là ăn với mặc
Tỉnh tỉnh dứt lầm than
 
Năm 1981 là thời kỳ đất nước chuyển mình khốc liệt, cả xã hội đều lâm cảnh lầm than, khốn đốn. Trong khi thiên hạ chạy xuôi ngược bươn bã, rất vất vả kiếm tìm kế sinh tồn thì chàng trai trẻ nhẹ nhàng, thản nhiên bước vào chốn không môn. Ngày đêm ngồi lặng lẽ, niệm niệm không rời công án tử sinh.
 
Linh động, mọi sự cứ tùy duyên, vui vẻ rởi Cần Thơ năm 1983 và trên đường du hóa, hành giả dừng chân tạm trú nơi chùa Pháp Vân, Gò Vấp, Sài Gòn. Bắt đầu thuyết giảng Phật pháp, thính chúng theo học khá đông. Trong thời kỳ này cũng dùng pháp phương tiện, tham gia các khóa học ngoại điển trong vài ba năm. Tốt nghiệp, lấy bằng Thủ khoa giảng sư Phật học và Cử nhân Anh văn, một cách dễ dàng.
 
Cưu mang, nung nấu một thời gian dài gần mười năm nghiền ngẫm thâm sâu lý đạo, lẽ đời. Trong mười năm đó, thường hành cước phương xa, lúc thì biệt mù ngoài biển trời mênh mông Phú Quốc, lức thì ngao du trên vùng núi cao nguyên Đức Trọng, Đà Lạt, lúc thì về Cần Thơ, Sài Gòn đô hội…
 
Rồi đến năm 1993, mới thực sự làm cuộc viễn ly triệt để. Biệt từ chốn thành đô hào nhoáng, ồn ào, náo nhiệt phù hoa, hành giả lặng lẽ vất hết mọi nhiêu khê thế sự, buông xuống, bỏ lại dưới phố thị kia mọi thứ hư danh, phù phiếm, để đơn thân độc mã, viễn phương hành lên tận rừng cao rú thẳm tìm một góc núi ngồi tịch nhiên trầm lắng, lấy trăng gió làm Bạn lành:
 
Trăng gió bạn lành mỗi sớm khuya
Đẩy đưa mây vợn chẳng tình chia
Thường cùng chung sống tâm an lặng
Vắng mất lòng riêng đạo thể về
 
Góc núi ấy là Núi Dinh thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Trầm hùng, thung dung, bồng tênh quảy gió mây trời lên cõi miền hoang vắng, tịch liêu, bằng bàn tay đầy hào khí, tự dựng cảnh giới Thanh Lương Am, lập Chí hướng làm ẩn sỹ giữa thâm sơn cùng cốc, thả lòng theo suối chảy rạt rào:
 
Chí hướng về trên đỉnh núi cao
Nghìn năm mây vợn chẳng hề xao
Cho dù bão tố từng đưa đẩy
Có chuyển lay đâu một chút nào
 
Có chuyển lay đâu một chút nào
Tình trần sáu nẻo luống lòng đau
Mong ngày giải gánh cho ba cõi
Đưa chúng sinh qua giấc mộng sầu
 
Phải chăng, đó là chí hướng thượng thừa, đại nguyện thiết tha, khiến cho hành giả xả buông tất cả, sau khi đã từng thấy nghe tận mắt, từng chứng kiến biết bao nhiêu chuyện điêu linh, trầm thống, biết bao vô thường, dâu bể tang thương giữa trăm miền huyễn hóa phù sinh?
 
Nhiệt tâm chiêm nghiệm, lặn sâu vào tận bên trong đáy lòng nguyên sơ, tịch mịch của mình, thình lình một chiều bữa nọ, hoát nhiên bừng ngộ một điều chi vi diệu khi thấy Trời mây vô niệm nhập vào càn khôn vũ trụ, lồng lộng gió trăng phơi cùng Tự tánh chan hòa:
 
Trời mây vô niệm đến cùng ta
Trăng gió từ bi vốn của nhà
Vũ trụ bao la lòng quảng đại
Ngàn năm tánh cũ chẳng hề xa
 
Tánh cũ là Tánh Không, là Tự tánh thanh tịnh vốn sẵn có nơi chính mình. Ai thấy được Tự tánh ấy là sống tự do tự tại, thanh thản an nhiên. Tuyệt cùng hùng tâm tráng khí, thi gan cùng tuế nguyệt suốt bao nhiêu năm trời đằng đẵng trôi qua trên đỉnh núi cô quạnh, thanh trầm.
 
Thấp thoáng vào ra, lên xuống một hình một bóng trong nắng sớm mưa chiều bàng bạc, thoạt trông có vẻ như buồn thiu, hiu hắt lắm, nhưng ai có ngờ đâu, kẻ cô hành độc lữ ấy lại vô cùng thong dong, nhàn nhã. Nhàn nhã phiêu diêu cả một hồn thơ bát ngát, đồng vọng khắp nhân gian giữa mười phương trời đất xanh ngần, ngân lên tiếng hát Cô đơn:
 
Cô đơn lặng lẽ độc hành thân
Tự tại an nhiên bặt dấu trần
Ai sống được tâm không bạn lứa
Khắp trời hiển lộ Pháp vương thân
 
Pháp thân hay Chân tánh, Phật tánh là cảnh giới không sinh diệt, là cố hương vĩnh cửu, là cố quận, quê nhà mà hành giả luôn luôn thao thức, tìm phương cách trở về, muốn quy hồi trên cuộc lữ tư tưởng uyên mặc uyên tư.
 
Từ niềm tin tưởng tuyệt đối đó, làm động lực cho những bước đi kỳ cùng sáng tạo, vô ngần nhẫn nại, kiên trì, dốc hết ý chí bình sinh đầy linh động, để vượt qua và vượt qua những hố hầm ngã chấp, những truông đèo mê vọng tối tăm. Thấy được cái ảo ảnh của phù vân nhân thế:
 
Năm qua qua hết vọng mê
Năm nay hiện tại cũng về huyễn thôi
Nghìn năm khắp nẻo luân hồi
Một trường mộng ảo bời bời tỉnh chưa?
Tỉnh ra mộng chẳng thiếu thừa
Mà nơi huyễn tính thường ưa tu trì
Hỏi rằng ai đó tu chi?
Tu là tu vậy có gì được đâu
Bình an vốn thật thẳm sâu
 
Sâu thẳm trong hun hút lòng mình là cảnh giới an bình, thanh tịnh. Thích chí mà đi, thanh thản mà ngồi, tự mình vui thì chuyển nghiệp, cười thì chuyển hóa tâm thức, làm cho bùng vỡ, tan biến hết mọi ràng buộc, dính mắc vào ngã chấp, vào âm thanh, sắc tướng, những hiện tượng vốn không thật có, chỉ là huyễn hóa mà thôi. Đôi khi cầm lấy Cây gậy rong chơi thư thả:
 
Ta có một cây gậy
Không hình cũng không tướng
Không đầu cũng không đuôi
Đầu ma đến đập nát
Đầu Phật đến cũng tan
 
Tất cả đều quét sạch
Hư không cũng vỡ luôn
Mới biết cây gậy này
Không sinh cũng không diệt
Ai muốn dùng cây gậy
Nó vốn không cán nắm
 
“Đầu ma đến đập nát. Đầu Phật đến cũng tan” Đó là khẩu khí Lâm Tế, một vị Thiền sư dữ dội, thường dùng tiếng hét, cây gậy đánh một hèo để khai thị kẻ nào đến vấn đạo. Có lần một đạo sỹ đến hỏi:
 
“Chân Phật là gì? Chân Pháp là gì? Chân Đạo là gì?”
 
Thiền sư Lâm Tế đáp:
 
“Phật thật là sự thanh tịnh của tâm mình, Pháp thật là ánh sáng của thân mình, Đạo thật là ánh sáng thanh tịnh chiếu soi khắp chốn. Ba cái vốn là một, đều là giả danh, không thật có. Người học đạo chân chính thì phải biết duy trì chánh niệm về ba đối tượng ấy một cách miên mật.
 
Nếu quý vị đạt tới tính Vô sinh của vạn pháp, biết rằng tâm là huyễn hóa, thật ra không có một đối tượng nào, một hiện tượng nào là có thật. Bất cứ đâu cũng là thanh tịnh thì đó là Phật rồi.
 
Này chư vị! Người hành giả đích thực thì tuyệt nhiên không nắm bắt Phật, không nắm bắt Bồ tát, không nắm bắt những cái gì gọi là tốt đẹp nhất trong ba cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Người ấy một mình thong dong, không bị bất cứ sự vật nào câu thúc, ràng buộc.
 
Dù trái đất có đảo ngược, tôi cũng không bị một chút nghi hoặc nào làm cho ngăn ngại. Dù cho chư Phật mười phương có xuất hiện ngay trước mắt thì tôi cũng không quỳ lạy, không khởi một niệm vui mừng. Dù cho địa ngục và ba đường dữ xuất hiện liền trước mắt thì tôi cũng không nao núng, không khởi một niệm sợ hãi. Bởi vì tôi đã thấy rõ tường tận tướng Không của vạn pháp.
 
Khi biểu hiện gọi là có, lúc không biểu hiện gọi là không. Ba cõi đều do tâm, vạn pháp đều do thức. Cũng vì vậy, cho nên tất cả vạn pháp hữu vi đều là mộng huyễn, đều là hoa đốm giữa hư không. Tại sao ta phải chạy tìm kiếm, nắm bắt chi nữa cho thêm mệt nhọc?”
 
Với cây tuệ kiếm Kim Cang, hành giả vung lên một nhát mạnh mẽ, chặt đứt những sợi dây mê vọng cột trói vào hình danh sắc tướng, nhổ đinh tháo chốt, giam nhốt tâm thức chúng ta trong những thành trì bản ngã qua tên gọi, danh từ, khái niệm, chủ nghĩa, tôn giáo đầy tà kiến ngay lập tức, làm vụt hiện bừng lên nụ cười tinh anh, thanh thoát, hân hoan, chan chứa yêu thương.
 
Một nguồn thương yêu diệu kỳ, trí tuệ đi về trang trải đại bi tâm, trổ bừng ra đóa hoa Yêu ngát hương đời như thị và như thị:
 
Chỉ một lần thôi nếu biết yêu
Trần gian hết cảnh ngược xuôi chiều
Tìm đâu chẳng phải người yêu ấy
Vạn nẻo đường đời khổ hết chiêu
 
Yêu được một thôi yêu cả trời
Yêu không tùy thuộc ở chốn nơi
Yêu vô năng sở yêu nhiều lắm
Yêu thế đâu riêng chỉ một người
 
Yêu bởi hết vương tình ý lẻ
Yêu vì thông đạt tánh thường vui
Yêu vô duyên mới yêu chân thật
Yêu được một thôi yêu cả đời
 
Phải chăng, đó là phép lạ của tình yêu mà Krishnamurti, Osho, Tagore, Beethoven, Van Gogh, Bùi Giáng, Hàn Mặc Tử… hay nói đến và Thích Ca cũng thường hay nói lời Yêu thật:
 
Trần thế khó lường ý thật yêu
Yêu người mà chẳng bị người xiêu
Tình yêu chân thật vô năng sở
Yêu thế mới yêu tuyệt mỹ miều
 
Mỹ miều yêu thế để nên hòa
Mới tỏ tình yêu đạo Thích Ca
Vốn phát ra từ tâm nhất thể
Thì đâu có kẻ khổ đời sa
 
Quá cùng tuyệt đẹp là tình yêu như thế, một thứ tình yêu vô điều kiện như Krishnamurti: “Có thể yêu thương, nhưng không mắc vướng vào một người nào, vào bất cứ gì. Đó là mức chí thiện của đời sống tình cảm. Phải tách lìa tất cả nhưng cũng vẫn thương yêu tất cả, vì tình thương là sự bừng nở của cuộc sống.”
 
Không còn chi tuyệt diệu hơn một tình yêu như vậy. Một thứ tình yêu thương linh ứng, thần cảm làm hồi sinh sức mạnh mãnh liệt nội tâm, có thể vượt qua cả sống chết vì có đạo tâm trùm khắp cả đất trời:
 
“Người có tình thương mới thật là tâm đạo, vì đạo chân chính không dựng trên tín ngưỡng, giáo điều. Người có tình thương mới thật có đạo tâm, dẫu thương một người hay thương nhiều người. Tình thương là cái hiện tiền, cái tột cùng, cái tất cả, cái không thể đo lường được.”
 
 Trên tinh thần Krishnamurti vi diệu yêu thương đó, mở ra thái độ vô chấp, khoan dung, độ lượng. Bước đi của hành giả thêm nhịp nhàng, hoan hỷ, tùy duyên, tùy thuận chúng sinh và ra vào niêm hoa vi tiếu theo phong thái tiêu dao Vô ngại:
 
Trời đâu ngăn ngại gió cùng mây
Đất chẳng quản chi chở vạn loài
Trời đất tùy duyên nào ý lẻ
Bốn mùa thời tiết mặc tình xoay
 
Mặc tình xoay chuyển theo thời tiết nắng mưa, nóng lạnh, bốn mùa xuân hạ thu đông hay mặc cho nhân tình thế thái mãi thay đổi vô thường, buồn vui sướng khổ mà tâm vẫn thường luôn Hướng đạo:
 
Xả buông hết cả tìm chơn đạo
Khơi mở trí tâm mới thật mầu
Thấu suốt bản lai đầy đủ báu
Đạo hằng lưu chuyển hết lo âu
 
Âu lo, sợ hãi rơi rụng, lùng bùng ngột ngat tan theo. Một khi biết bản lai diện mục là viên ngọc như ý vốn có sẵn trong lòng mình rồi thì còn sợ hãi, âu lo chi nữa? Mọi thứ phiền não, tự nhiên cũng rụi tàn theo mưa ngàn, gió nắng giữa rừng cao lấp lánh, long lanh.
 
Thanh Lương Am quanh năm lãng đãng, bàng bạc mây trắng lẫn sương mù, là nơi chốn ẩn cư của một tâm hồn vừa thâm trầm vừa sâu thẳm như đáy nước trùng dương, người đã nếm được hương vị cô liêu của cuộc sống giữa tâm cảnh hoàn toàn vắng Lặng rỗng rang:
 
Vạn sự thanh nhàn có với không
Can chi huyễn mộng chỉ hoài công
Tùy duyên mây nổi theo chiều gió
Nào có chi riêng một tấc lòng
 
Một tấc lòng sinh lắm đảo điên
Theo chiều suy thịnh khổ triền miên
Hãy xem cho rõ hư không tính
Một niệm dừng sinh giải thoát liền
 
Giải thoát từ đâu có biết chăng
Từ xa xưa ấy vốn tâm hằng
Chỉ vì không có duyên đưa đẩy
Huệ nhật vô cùng bị cách ngăn
 
Khi thấy rõ Không Tánh, nhận diện được Tánh Không thì lồng lộng như mây ngàn bát ngát, mông mênh, chẳng còn chỗ đi, chẳng còn chốn đến mà ngay đây là đương xứ tức chân, hân hoan cất lên tiếng hát đại hòa điệu chơi, trên cung bậc Bất nhị, Như như:
 
Mọi sự đều như an
Lưu chuyển rất thanh nhàn
Chỉ cần không thắc mắc
Vui thú sẽ vô vàn
 
Mọi sự đều yêu nhau
Thác đổ tiếng ào ào
Mưa rơi liền ướt tóc
Chẳng hề hỏi vì sao
 
Mọi sự đều Như như
Ban rải tính bi từ
Chỉ lòng không riêng có
Hòa sự sự Như như
 
Như như, như thị, như nhiên, như vậy, như vầy, như thế… Hành giả Thanh Lương trên đường quy hồi cố quận đã từng băng qua nhiều sa mạc, hư vô quằn quại, nhiều địa ngục lùng bùng, giam nhốt sân si, nhiều cảnh đời tuyệt lộ, khô khan trong cơn túy sinh mộng tử.
 
Tử sinh thống thiết, băng qua cõi ta bà khủng khiếp, rùng rợn đang đắm chìm trong bóng tối vô minh. Cuộc hành trình đơn thân độc mã, một mình đã vượt lên trên tuyệt đỉnh cô phong, đứng chơ vơ giữa ngút ngàn mây trắng. Rồi thăng hoa, ngờm ngợp trước huy hoàng, càn khôn vũ trụ mênh mông. Rỗng rang cười nghe chim suối, hoa ngàn hợp tấu bản vô sự ca trong xúc động, bồi hồi:
 
Bao năm lặng lẽ trôi
Trên đỉnh núi xa bặt dấu trần
Với mây trời quang đãng
Với gió mát trăng trong
Với núi đồi rừng bụi
Lòng quên đi các duyên sự
Lòng quên đi lòng không nương gá
Có không nào quản
Theo ngày tháng nào biết đâu đầu cuối
Chỉ sáng ra trời mọc
Chiều lại lặn về tây
Chim hót ngọt ngào gió lùa mát rượi
Bỗng mọi sự không còn sai biệt chốn vô tâm
Sự sự vật vật tuôn trào dòng pháp nhũ
Linh diệu thay!
Huyền nhiệm thay!
Ai hay không có đêm ngày luân lưu
 
 Đó là bài thơ Trên đỉnh núi hay là bản nhạc, hòa khúc cung cầm, nhập hoan hỷ địa của một người đã uống được ngụm nước đầu nguồn của mạch sống xanh trong. Thong dong là niềm vui đích thực của con người vô sự, Vô cầu:
 
Mong cầu Phật quả Phật mê tâm
Khấp khởi lòng tu dạ tối tăm
Hãy dứt châu lưu dừng kiếm đạo
Mới hay Chơn thể khó truy tầm
 
Vọng trừ thêm vọng ích chi công
Vọng vốn tùy duyên tánh tướng không
Lặng lẽ quên lòng chơn vọng hết
Khỏi cần ra sức đạo liền thông
 
Khi hết mong cầu, dút niệm, vọng chơn vắng lặng, không chạy tìm kiếm Chơn thể, Chơn đạo gì gì nữa thì liền thông suốt đạo mầu, thấu đáo lẽ Vô tâm:
 
Vô tâm vạn việc rất thanh nhàn
Vô trước vô cầu xuất thế gian
Diệu dụng hằng sa từ tánh khởi
Tùy duyên trần thế vẫn bình an
 
An bình, tỉnh thức trong từng động tác thân khẩu ý, đi đứng nằm ngồi đều quang minh, chính đại trong trạng thái sáng tạo, vô cùng thoải mái thong dong. Lòng xanh bát ngát như đại dương, bước đi tự do, tự tại với một nụ cười vô sự, như Thiền sư Lâm Tế:
 
“Con người vô sự là người đã dừng lại, không còn dính mắc vào một lý thuyết, một giáo pháp, một đường lối nào nữa hết. Con người vô sự có tự do, có khả năng sống hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại, không bị bất cứ một cái gì có thể kéo đi, kể cả lý tưởng độ sinh cứu đời.
 
 Bởi vì lý tưởng độ sinh cứu đời cũng có thể bắt mình chạy đi tìm cầu, bỏ mất giây phút hiện tiền, bỏ mất cái tâm sáng chói và sáu đạo thần quang đang có mặt, vốn là nguồn gốc của tất cả chư Phật.”
 
Thật là dễ hiểu phải không? Khi nụ cười vô sự bừng trổ thì tiêu dao là điệu thở Nhất như. Từ đây, ý niệm thời gian và không gian vong bặt, năng sở cũng vắng lặng, vô vi. Chỉ còn nghe văng vẳng cung đàn vô thanh, vọng vang giữa ngày tháng ngát vàng hoa ngõ hạnh…
 
Thanh Lương vốn là một hành giả nhưng cũng có tâm hồn thi sỹ. Tuy cảm hứng làm thơ là bất chợt thôi, nhưng hồn thơ là tiếng lòng chơn chất, mộc mạc, thỉnh thoảng ngân lên cùng hòa âm thâm thiết với nhân sinh không ngần ngại.
 
Ngoài việc viết lách, mần thơ, Thanh Lương cũng là một dịch giả, chuyên dịch những tác phẩm của Krishnamurti, vì tâm đắc với vị Thiền sư kỳ vĩ này. Krishnamurti người Ấn Độ, một triết gia không triết thuyết, một đạo sư không tông phái, không môn đệ, tuyệt nhiên không truyền thừa, hay lưu lại bất cứ điều chi hết.
 
Đến và đi như mây trời, như cánh đại bàng giữa thiên thanh lồng lộng. Ông nói: “Chân lý là mảnh đất không có đường vào, không thể nào tổ chức được” nên đã dứt khoát, giải tán các tổ chức khổng lồ mà người ta dựng lên, nhân danh ông. Thẳng tay phá vỡ, gạt bỏ hết mọi nhãn hiệu, hình tướng, mọi tôn vinh cao quý như đấng giáo chủ, bậc đạo sư này nọ mà thiên hạ gán cho ông.
 
Krishnamurti chỉ nhận mình là một con người bình thường, như đại văn hào Henry Miller phát biểu:
 
“Người ta thường gọi ông là bậc đạo sư của thế gian. Nếu có người nào xứng đáng với danh hiệu như thế, thì người ấy chính là Krishnamurti. Đối với tôi, điều quan trọng nhất trong thái độ tâm linh của Krishnamurti là ông không bao giờ muốn chúng ta coi ông như một bậc đạo sư, như một bậc thầy, mà ông chỉ muốn là một con người, với tất cả ý nghĩa đơn giản, thông thường của hiện thể.”
 
Điều đó, thể hiện một con người chứng ngộ. Kẻ đạt đạo, bao giờ cũng sống rất đơn sơ, giản dị, Krishnamurti một mình, một bóng, hơn 50 năm trời qua, đã bước đi lang thang, cô độc trên khắp mọi nẻo đường trên thế giới, nói lên những đều mình thực chứng về cuộc nhân sinh.
 
Thắp lên ánh lửa rực ngời tuệ giác, khai mở, khơi dậy suối nguồn yêu thương vô tận giữa dòng đời vô lượng, vô biên. Khiến cho con người biết tự tri, tự biết mình, tỉnh giác hoàn toàn trong mọi hoàn cảnh với một sức mạnh nội tâm thâm hậu vốn sẵn có trong tất cả mọi người rồi.
 
Những tác phẩm của Krishnamurti, do Thanh Lương dịch thuật và được Phương Đông xuất bản: Đường vào hiện sinh, Tâm thiền, Lửa Thiền, Tham thiền vẻ đẹp của tình yêu, Đường bay chim đại bàng, Buổi nói chuyện tại thủ đô Washington Hoa Kỳ 1985.
 
Ngoài ra cũng dịch thuật những tác phẩm ưa thích, nói về cảnh giới Hoa Nghiêm, do Tôn Giáo xuất bản:
 
Thomas Cleary. Nhập bất khả tư nghì cảnh giới
Francis H. Cook. Lưới trời Đế thích
Minoru Kiyota. Thiền Đại thừa, Lý thuyết và thực hành
Steve Odin. Siêu hình học tiến trình và triết học Phật giáo Hoa Nghiêm tông
Garma C. C. Chang. Triết học Phật giáo Hoa Nghiêm tông
Nhiều tác giả. Pháp môn Thiền quán theo Hoa Nghiêm tông
Nhiều tác giả. Nghiên cứu Thiền và Hoa Nghiêm tông
 
Đặc biệt, duy nhất một tác phẩm Tham thiền tự cảnh sách văn là của Thanh Lương viết, trong suốt thời kỳ du tăng, lặng thầm nhập thất đó đây, từ năm 1976 đến 1996, qua những vùng biển núi xa xôi ở khắp mọi xứ miền: Núi Sập, Long Xuyên, Phú Quốc, Cần Thơ, Sài Gòn, Đồng Nai, Vũng Tàu, Long Hải, Đại Tòng Lâm, Đại Ninh, Đà Lạt…
 
Tác phẩm này như một tâm bút, bút ký, ghi lại những ý nghĩ thâm trầm, những trải nghiệm sâu thẳm, những kinh nghiệm vi tế, những trạng thái nhập diệu, xuất thần trong quá trình dụng công, công phu hàm dưỡng thường hằng.
 
Lặng lẽ một nếp sống đạm bạc, thanh bần, làm ẩn sỹ trên núi rừng hoang liêu cô quạnh, chỉ biết chuyện trò với gió sương, mưa nắng, trăng sao, hít thở khí trời thiên nhiên giữa sớm chiều phiêu dật ngắm mây trôi.
 
Rồi đôi lúc, cũng thực hiện một cuộc chơi rong xuống núi, làm một chuyến phiêu bồng, thõng tay vào phố chợ Sài Gòn, bay ra Đà Nẵng hay có khi cũng tung cánh qua bên kia đại dương, ngao du xứ lạ Hoa Kỳ, theo lời mời của những bằng hữu thâm tình. Vài dịp thuận duyên, đã bước đi khoan thai ở Thái Lan, qua tham dự, thảo luận về tư tưởng Krishnamurti cùng Hiệp hội Krishnamurti, hằng năm thường tổ chức họp mặt bên đó.
 
Có thể nói, Thanh Lương là người đã lãnh hội Krishnamurti và Hoa Nghiêm một cách thâm sâu, thấu thị, khi trả lời phóng viên nhà báo về vấn đề này:
 
“Giáo lý Krishnamurti và Triết học Hoa Nghiêm có điểm giống nhau trên phương diện ứng dụng là sự tự tri, tự giác, quan sát và quán chiếu thực chất hay thực tướng của cuộc đời. Đặc biệt là đời sống tâm thức ta để thấy bản ngã là không thật, như huyễn, để sống trong cuộc sống thực tiễn đầy bất trắc, đau thương mà vẫn được hạnh phúc, thương yêu.”
 
Quy hồi cố quận, trên con đường phong quang, ngút ngàn mây trắng bao la, thấp thoáng đóa hoa Đức Phật đưa lên trên tuyệt đỉnh Linh Sơn và Ma Ha Ca Diếp mỉm cười. Nụ cười thiên thu bất diệt ấy, bây giờ lại hốt nhiên bừng nở trên tuyệt đỉnh Núi Dinh, để hành giả Tán Linh Sơn hội một cách nhiệm mầu:
 
Linh Sơn họp mặt dễ gì đâu
Núi dựng rừng cao hố thẳm sâu
Qua đỉnh ngã nhân liền kiến Phật
Tuyệt thay! Pháp pháp tại tâm đầu
 
Tâm đầu tựu đức mới thành viên
Cảnh cảnh tùy tâm tại mục tiền
Ngăn nắp tùng Không đều chẳng ngại
Viên dung sự lý Tánh hằng viên
 
Viên mà chưa phát khởi gì viên
Không có tùy duyên chẳng pháp riêng
Tán tụng Linh Sơn sao hết được
Mong rằng pháp hội vẫn trường miên
 
Miên trường pháp hội Linh Sơn vẫn thường xuyên diễn ra trên các đỉnh núi cao, dưới những thung lũng, bình nguyên thấp và khắp mọi nơi chốn làng mạc, thị thành vẫn vọng vang bất tuyệt pháp âm vi diệu ngữ.
 
Vi diệu ngữ là lời lời vô thanh nên nghe không phải bằng lỗ tai mà bằng tâm cảm: “Tuyệt thay! Pháp pháp tại tâm đầu.” Tất cả đều do tâm tạo ra, cho nên, khi lý sự viên dung rồi thì thi ca, hội họa, âm nhạc, văn chương hay toàn thể sinh hoạt cuộc đời, toàn thể pháp giới mười phương đều dung thông vô ngại.
 
Vô quái ngại trên từng bước đi phóng khoáng giữa muôn chiều diệu dụng thương yêu: “Từ nhãn thị chúng sinh.” Mắt thương nhìn cuộc đời như vầng trăng sáng ngời, vằng vặc trên đỉnh ngàn cô tịch Thanh Lương Am.
 
Cảm nhận một điều chi ân cần, mật thiết, vì cũng hơn 30 năm rồi, du sỹ với hành giả là chỗ giao tình đồng điệu, cùng tương ứng trên bước đi thi ca và tư tưởng nhịp nhàng tiêu sái. Hài hòa một tình bạn cố tri, Thanh Lương đã có lần ra tận ngoài hải đảo Lại Sơn, Kiên Giang, ngút ngàn ngoài ven trời vạn dặm thăm du sỹ và kẻ lang thang này cũng thường về Thanh Lương Am, viếng thăm mấy bận nhiều lần.
 
Thân thiết xiết bao, cứ mỗi năm vào dịp cuối hạ hay đầu xuân là du sỹ thường một mình, có khi cùng vài người bạn văn nghệ như Huỳnh Lộc, Vũ Anh Sương, Đoàn Sỹ Toàn, Lê Giao Văn, Nguyễn Ngọc Tiến…rủ nhau kéo lên thăm lại Núi Dinh cùng rong chơi với trời xanh, mây trắng, lắng nghe hành giả nói chuyện, đọc thơ sang sảng dưới trăng ngàn giữa núi đồi hoang liêu, trầm tịch Thanh Lương Am.
 
Đàm luận, trà đạo bên suối chảy rạt rào suốt cả ngày, rồi ở lại qua đêm, thưởng thức cái đang là giữa rừng khuya tĩnh mịch dưới ngàn sương, trăng gió núi lung linh. Để rồi sớm mai hồng, tinh sương hôm sau xuống núi, không quên lưu lại bài thơ Thanh Lương Am, như thay lời cảm tạ một tâm hồn thanh thản quá đẹp, một vẻ đẹp vô cùng đơn sơ, bình dị:
 
Xanh cây lá rừng cao trầm hùng vĩ
Chập chùng lên ghềnh đá tảng đồi hoang
Ẩn hiện triền non ven sườn dốc
Thanh Lương Am thấp thoáng giữa sương ngàn
 
Bay nghi ngút hòa đất trời hợp tấu
Bản Hoa Nghiêm pháp giới khởi trùng trùng
Trùng trùng duyên khởi do tâm tạo
Vô biên tình vô lượng nghĩa viên dung
 
Đã đi khắp cõi Đông Tây tư tưởng
Về nơi đây lặng lẽ thấy sâu xa
Bỗng nghe Krishnamurti gầm sấm sét
Chợt bừng ra vi diệu cái đang là
 
Hào khí thay! Một mình trên đỉnh núi
Uống sương sa và thở khói u huyền
Trời mây vô niệm niềm tự tại
Tự do cười mọi sự cứ như nhiên
 
                                                            Tâm Nhiên
 
Thơ Thanh Lương, trích trong tác phẩm Tham thiền tự cảnh sách văn. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2007
 
READ MORE - THANH LƯƠNG TRÊN ĐƯỜNG VỀ CỐ QUẬN – Tâm Nhiên

MẶN MÀ HUẾ THƯƠNG | DÒNG SÔNG THI CA DÒNG SÔNG LỊCH SỬ - Thơ Nguyễn Văn Trình

 


 

Mặn mà Huế thương

                Nguyễn Văn Trình

 

Huế đây phong cảnh nên thơ

Sông Hương Núi Ngự, ngẫn ngơ hoàng thành

dòng Hương chầm chậm trong xanh

biểu tượng vẻ đẹp hoàng thành Huế xưa

lưa thưa rặng liễu ven bờ

trưa hè soi bóng, nước nguồn Trường Sơn

nước trong thơm mát, mùi hương đại ngàn (1)

nhịp cầu uốn lượn bắc ngang

Hương Giang xuôi ngược, con đò nặng mang

mái chèo khua nước nhịp nhàng

lướt trên mặt sóng, bồng bềnh thuyền trôi

đôi bờ phong cảnh, ôi sao hữu tình

ngắm nhìn thành phố, lung linh sắc màu…

 

 

Núi Ngự Bình trước, sau đều đẹp (2)

dân gian quen gọi, núi này Bài Thơ (3)

sững sờ dáng núi đồi cây

Ngự Bình tọa lạc nơi này Cựu An (4)

Đồi Vọng Cảnh, ngàn ngàn du khách

từ đây ngắm cảnh hoàng thành

dòng Hương uốn lượn

ôm quanh phố phường…

 

Cổng Ngọ Môn đường vào Đại Nội (5)

điện Càn Nguyên ngồi vọng trên cao

hai bên ra vào tả hữu Đoan Môn

hồn tướng sĩ còn phơi tượng đá

hai hàng nghiêm đứng, giữa sân Đại Triều (6)

điện Thái Hòa, vàng ngai vua Nguyễn

nơi uy nghi quyền quý, mấy trăm năm

thăm Thế Miếu thờ vua quá cố

để hiểu thêm sự nghiệp cơ đồ

các vua Nguyễn dày công mở cõi

dấu còn lưu trên Cửu Đỉnh lư đồng

đặt nghiêm trang, trước phòng Hiềm Lâm Các

Sao nghe mang mác, một thời vàng son…

 

Ứng lăng Khải Định, Châu Chữ chon von (7)

núi thiêng án ngữ ở nơi Thủy Bằng

Trường Tiền thầm lặng, nối bờ Sông Hương

cầu dài sáu nhịp thân thương

cây cầu biểu tượng Huế xưa kinh thành

chứng kiến bao cảnh phân tranh

thăng trầm lịch sử, anh hùng vang danh…

 

Chùa Thiên mụ trầm tư cổ kính

lặng mình soi bóng, nước dòng Hương Giang

Kim Long uốn lượn, đường lên vãn chùa

Hà Khê linh địa chuông chùa vang danh. (8)

tần ngần thăm biển Lăng Cô

mệnh danh người đẹp làng chài cố đô

dọc theo quốc lộ, bên Đèo Hải Vân

nơi đây xứ sở thần tiên

bãi cát trắng mịn lung linh dịu hiền…

 

Thăm nhà vườn cổ An Hiên (9)

điển hình kiến trúc nhà rường Huế xưa

vườn cây tỏa bóng, che trưa nắng nhiều

cạnh bờ sông đẹp yêu kiều

con đường Phúc Nguyễn, chúa Nguyên lối vào (10)

có Sen hồng thắm mời chào

bên hàng phượng vỹ lao xao gió hè

quỳnh hoa khoe sắc, thoảng hương

đượm mùi hoa sứ, còn vương nội thành

mai vàng, sáng cả trời xanh

còn đây dáng liễu, rũ mành xuyến xao …

 

Huế đây đẹp nhất vàng sao

cột cờ Đại Nội, xốn xao trong lòng

bản sắc xứ Huế, chẳng nơi nào bằng

nét riêng, riêng có hay rằng

hiền ngoan giữ trọn lời thề thủy chung

phu thê đẹp dạ, vừa lòng

trang đài nghiêng nón, bóng hồng thơ ngây

dịu dàng dáng lụa ngất ngây

chỉ nghe tiếng Dạ, mặn mà Huế thương …

 

                                                    NVT

                                                 Huế 2019

 

(1) Sông Hương nước có mùi thơm của cỏ cây hoa lá từ đại ngàn Trường Sơn chảy ra .

  (2) Có câu ca: “ Núi Ngự Bình trước tròn sau méo / Sông An Cựu nắng đục mưa trong”

(3)Núi Ngự Bình còn có tên gọi khác là: Nú Bài Thơ

(4) Núi Ngự Bình nằm ở phường An Cựu Huế

(5) Cổng Ngọ Môn cửa ra vào Đại Nội, ở trên cổng có Điện Càn Nguyên, ở hai bên có Tả Đoan Môn và Hữu Đoan Môn.

(6) Sân Đại Triều Nghi nơi tổ chức các buổi triều nghi trọng đại của triều đình Huế

(7) Lăng Khải Định còn có tên gọi Ứng lăng, nằm trên núi Châu Chữ thuộc xã Thủy Bằng.

(8)Chùa Thiên Mụ nằm trên đồi Hà Khê, cạnh con đường Kim Long, sát bờ sông Hương.

(9) Biển Lăng Cô được mệnh danh là : Người đẹp làng chài

(10) Nhà Vườn cổ An Hiên nằm trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, cạnh bờ sông Hương.

 

 


Dòng sông thi ca

dòng sông lịch sử

         Nguyễn Văn Trình

 

Sông Hương bắt nguồn

từ sự hợp thành của hai dòng sông

Tả Trạch và Hữu Trạch

dòng chính Tả Trạch dài khoảng

sáu mươi bảy ki - lô - mét

dòng Hữu Trạch dài khoảng

sáu mươi ki - lô - mét

hai dòng sông gặp nhau

tại ngã ba Bằng Lăng

tạo thành dòng Hương Giang thơ mộng

trước khi chính thức mang tên Hương Giang

dòng sông mang nhiều tên gọi khác nhau

qua từng thời kỳ lịch sử

đầy biến động của vùng đất kinh kỳ

sông Linh Giang, sông Lô Dung

sồng Hương Trà, sông Thiên Trà Đại Dương

và sông Yên Lục…

 

Sông Hương mang vẻ đẹp riêng

vẻ đẹp của dòng sông thi ca

và dòng sông lịch sử

ban ngày Sông Hương đẹp bình yên, tĩnh lặng

với màu nước xanh ngọc bích quý phái

nước trong veo soi tỏ từng đàn cá lội

mặt sông dưới ánh mặt trời

đẹp tựa ngàn sao lấp lánh

dòng sông uốn mình mềm mại

như một dải lụa, giữa lòng cố đô trầm mặc, cổ kính…

khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống

Sông Hương như khoác lên mình

một chiếc áo màu vàng cam vương giả

của cái thời vàng son triều Nguyễn

cảnh vật lắng động

chìm đắm trong một màu tím Huế thủy chung…

khi màn đêm buông xuống

bao phủ cả một dòng sông

mặt nước lại phản chiếu

ánh trăng tròn vành vạnh

tựa trăng ca dao cổ tích

trong màn đêm huyền hoặc

những chiếc thuyền rồng xuôi ngược trên sông

nghe vang vọng điệu hò xứ sở

lúc này

cầu Trường Tiền cũng đã lên đèn

tỏa ánh sáng

đủ sắc màu lung linh, quyến rũ…

 

Sông Hương là biểu tượng

là niềm tự hào của người dân xứ Huế

biết bao thế hệ các văn nghệ sĩ

khi về với cố đô

khi ngồi trên du thuyền ngắm cảnh

dòng Hương Giang lãng mạn

lắng nghe những điệu nhạc cung đình

những điệu dân ca xứ Huế…

tầm hồn chìm đắm mê say

tìm thấy cho mình nguồn cảm hứng dào dạt, bất tận

viết nên những áng thơ văn bất hủ

ngợi ca vẻ đẹp diệu kỳ của dòng Hương Giang

vẻ đẹp của dòng sông thi ca

vẻ đẹp của dòng sông lịch sử

đến với Huế

chiêm ngưỡng những vẻ đẹp hiếm có

của dòng Hương Giang thơ mộng, trữ tình…

 

                                       Huế, 2020

                                          NVT

 

 

 

                                                   

 

 

 

READ MORE - MẶN MÀ HUẾ THƯƠNG | DÒNG SÔNG THI CA DÒNG SÔNG LỊCH SỬ - Thơ Nguyễn Văn Trình