Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, October 24, 2021

GỬI MÙA HEO MAY – Thơ Tịnh Bình

 
 
               Nhà thơ Tịnh Bình


GỬI MÙA HEO MAY
 
Neo chiếc lá chờ thu về lại
Bến heo may trơ bóng con đò
Mờ trăng cũ lạnh lòng sông vắng
Rụng vào khuya lệ vỡ sương nhòa
 
Mùa im tiếng lòng ta chực khóc
Đỉnh hoang vu thèm một tiếng cười
Bàn tay nắm mùa đi khô khốc
Lối rêu thôi đợi bước chân người
 
Chợt lảnh lót hiên ngoài ban sớm
Ấm lòng ta quen thuộc lời chim
Trong gió mỏng mùa về gọi cửa
Thoáng heo may se sắt đi tìm
 
Khung cửa khép chiêm bao vừa thức
Nụ hoàng hoa trao ước hẹn thề
Trên lá cũ bước mùa đang tới
Gửi heo may trầm mặc thu về...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)
 
READ MORE - GỬI MÙA HEO MAY – Thơ Tịnh Bình

HỘI AN, HỒI SINH, HỘI NGỘ SAU CÙNG, HỠI NHỮNG TÌNH NHÂN CỦA LÃNG QUÊN - Thơ Lê Văn Trung


 


HỘI AN
 
Phố xưa Người bỏ về đâu
Viễn Lai Kiều Nỗi biển dâu Vẫn chờ
Tôi Người khách Cũ Nghìn xưa
Bước chân hụt giữa hai bờ Hoài giang.
 
 
HỒI SINH
 
Em uống đi! Ly rượu ái tình
Uống đi! Trời đất sẽ hồi sinh
Tôi về thắp lại vành trăng cũ
Nở trắng tinh khôi một đóa quỳnh.
   
 
HỘI NGỘ SAU CÙNG
 
1.
Tôi lăn xuống dốc tôi ngồi
Cười vui như thể đất trời đang vui
Trăm năm tôi gặp tôi rồi
Còn nguyên tôi một con người trần gian
Ma cùng quỷ cũng ca vang
Thánh thần nhảy múa tàng tàng tỉnh say
Tôi lăn lông lốc lăn quay
Đường muôn vạn dặm tôi xoay tít mù
Rồi đây cuối dốc tôi ngồi
Nhìn tôi em có ngậm ngùi không em?
 
2.
Tôi lăn xuống dốc im lìm
Như hòn đá nhỏ tôi chìm trong tôi
Tiếng lăn như tiếng rã rời
Lăn trầm như thể tôi rơi bóng chiều
Lạnh buồn một tiếng chim kêu
Tôi lăn xuống nỗi đìu hiu đời mình
Em ngồi trong cõi vô minh
Thấy chăng tôi mãi rơi nhanh xuống đồi
 
3.
Để rồi tôi gặp được tôi
Giọt sương hoạn nạn thở dài buồn tênh
Tôi lăn qua thác qua ghềnh
Vết thương muôn kiếp đau tình nhân gian
Em xưa đứng tận non ngàn
Nhìn tôi cuối dốc - tôi đang trở về
Đường muôn ngàn dặm lê thê
Người xa người giữa u mê chợ chiều
Tôi lăn xuống nỗi đìu hiu
Tiếng lăn như thể tiếng kêu đoạn trường
 
4.
Tôi lăn qua cõi vô thường
Chút tro bụi nhẹ rơi buồn về đâu
Có người mãi tận nghìn sau
Vết thương tê buốt thương đau cội nguồn
Càn khôn nhật nguyệt vuông tròn
Chốn nào hội ngộ sau cùng, chờ nhau
Tôi lăn xuống vực ghềnh sâu
Đời đời kiếp kiếp rơi vào cõi không.
 
(Tạp chí Khởi Hành, Mỹ, 2006)
 
 
HỠI NHỮNG TÌNH NHÂN CỦA LÃNG QUÊN
 
Rồi mai hay mốt không biết chừng
Em về nghe gió thổi rưng rưng
Thấy tôi trong nắng bay cùng gió
Và nắng vàng rơi mấy giọt buồn
Thấy con bướm của mùa thu trước
Về đậu lên thơ trắng lụa ngần
Xác bướm còn thơm hương mật ngọt
Đã hút từ hoa nở dưới trăng
Rồi mai mốt, rồi em bỏ đi
Theo em ngày tháng cũng không về
Có đóa hoa xưa vừa nở vội
Nhớ người tỏa nhẹ chút hương phai
Rồi mai hay mốt tôi thầm hỏi
Đâu những tình nhân của lãng quên
Trên dấu chân rêu còn đọng lại
Xin ướm vào rêu một chút tình.
 
Lê Văn Trung
 
READ MORE - HỘI AN, HỒI SINH, HỘI NGỘ SAU CÙNG, HỠI NHỮNG TÌNH NHÂN CỦA LÃNG QUÊN - Thơ Lê Văn Trung

VẪN CÒN ĐÓ... – Thơ Đan Thuỵ

 
 


VẪN CÒN ĐÓ...
 
Vẫn còn đó
lời nhẹ nhàng dấu kín
Thoảng đưa hương e ấp đóa đợi chờ
Ngày hôm qua còn đây đầy dấu ấn
Đã xa rồi... một thoáng nhớ mong manh 
 
 
Vẫn còn đó
trái tim gầy rung động
Nhịp lênh lang in dấu ngại ngùng
Chưa hẹn thề thăm thẳm lắng sâu
Như hoa nắng rơi rơi chiều nghiêng ngã
 
Vẫn còn đó
ánh mắt ngày... xưa ấy
Chạm vô tình sao bối rối... in sâu
Dõi trùng khơi hiên trời mây trắng quá
Khúc êm đềm chao cánh én mùa xuân
 
Ta còn đây
người nơi cuối ngả
Con dốc tháng năm chuyện cũ vui buồn
Bóng thời gian phũ phàng trong mắt nhớ
Ghềnh đá mòn con sóng bạc đẩy đưa
 
Sắp đi hết cuối đường khôn lớn
Mới nhận ra không thể xoá một người
Mỗi bước chân nối nhau con đường cũ
Bóng ai về nốt nhớ lại rung vang
 
Đan Thụy
 
.....
 
Tên thật: Đàm Thị Hải
Hiện đang sống và làm việc tại
Công ty Tây Ninh SinCoCo
KM27, QL22B, Long Thành Nam
Hoà Thành - Tây Ninh
Điện thoại : 0918266282
Email : damhaitn@gmail.com
 
READ MORE - VẪN CÒN ĐÓ... – Thơ Đan Thuỵ

PHIẾM LUẬN “TIẾNG RAO HÀNG RONG XƯA” - Kha Tiệm Ly

(Bài nầy chỉ nói trong phạm vi Thành Phố Mỹ Tho xưa, nhưng có lẽ những nơi khác cũng không khác mấy).

 


Cái tựa có vẻ hơi dư chữ “hàng rong”, vì nếu hàng không bán rong thì không ai rao cả. Lại dư chữ “xưa”, bởi nếu bán hàng rong là phải rao, không xưa, nay gì hết! Hi hi! Nó “dư” cũng như tiếng rao của người bán hàng rong: Nó “có kinh có kệ”, có bổng có trầm vậy thôi: Thay vì nói: “Chè đây! Chè đây!”, thì người bán rao trong veo, lanh lảnh có bài bản như vầy: “Ai… ăn chè… đậu đen, bột khoai, nước dừa , đường cát ho…ô…ng?”
 
Hàng rong là mặt hàng có thể là thức ăn, có thể là vật dùng trong nhà mà người bán phải mang nó đi khắp phố cùng ngõ cụt với mọi phương tiện sẵn có của người bán: gồng gánh, xe đẩy, xe đạp, đi bộ… và gần như liên tục rao lên cho người ta biết.
 
Tất nhiên, mỗi mặt hàng thì có lời rao riêng cho mặt hàng mình, và giọng rao của mỗi chủ nhân đều có sức thuyết phục riêng như lời rao bán chè ở trên, hay: “Ai… ăn sương sa hột lựu, nước dừa đường cát ho…ô..ng?”. Tiếng “ăn” thường bị lướt qua đã làm lời rao càng có âm điệu hơn! Người miền Nam thật thà như đếm: Trong nồi chè đậu đen, hay trong ly sương sa có gì, họ kể ra không sót một món!
 

Nói vậy chớ có nhiều chị cũng đơn giản hóa: “Cháo cá ho…ô…ng?”. Nếu chị bán cháo cá mà rao bài bản như hai chị chè đậu đen và sương sa thì chắc phải như vầy: “Ai… ăn cháo cá, gạo thơm, bún, hành, ngò, bột ngọt, tiêu, ớt, nước mắm ho…ô…ng?”. Hihi…
 
Có những giọng rao “oanh vàng” như thế, thì cũng có những giọng rao cộc lốc như dùi đục chấm nước mắm: “Mía hấp! Mía hấp!”“Khô bò! Khô bò!”; và chủ nhân của nó luôn là mấy chú, mấy anh!
 
Có lẽ rao hoài liên tục từ sáng tới chiều cũng mệt nên người ta sáng chế ra một âm thanh riêng để thay thế cho lời rao của mình: Nghe tiếng chuông leng keng thì con nít chạy ra gọi “Cà rem! Cà rem!”; Nghe tiếng xấp kéo là biết khô bò! Tiếng “cốc cốc cốc! ...” là biết hủ tiếu gõ.

 

Nói vậy không phải thứ hàng rong nào cũng nhờ âm thanh đại diện cho lời rao của mình được; chẳng hạng tiếng rao: “Tầu phộng dang, hột pí lây” của thím xẩm đêm nào cũng túc trực khu Vườn Hoa Lạc Hồng mấy mươi năm; hay tiếng rao “Mía hấp! Mía hấp!” đã truyền ba đời cũng không hề thay đổi!
 
“Chí mà phủ…ủ”. Đó là lời rao duy nhất bằng ngôn ngữ Tàu của thím xẩm bán chè mè đen ở khu vựa chợ Mỹ Tho.
 
Vào những năm 60, chỗ ngã ba Trung Lương, xe đò từ miền Tây thường nghỉ chân nơi đây năm mười phút, thì hàng mấy chục thức ăn thức uống rao mời liên tục, inh ỏi suốt cả thời gian xe dừng lại: “Mận Trung Lương đây!”“Mía ghim đây!” “Mãng cầu đây!”….
 


Lại có những hàng rong không hề rao bằng miệng, mà nhờ âm thanh rao giùm: Đó là hai miếng tre gõ lên nhau “cốc ốc, cốc! Cốc cốc, cốc!” mỗi đêm len vào hẻm, làm người ta liên tưởng đén những tô hủ tiếu bốc khói thơm lừng!
 
Nếu hiểu dễ dãi một chút thì “hàng rong” không chỉ bao gồm những thức ăn, thức uống; mà còn hàng bán, và “hàng” làm mướn nữa!
 
Một âm thanh là lùng khó diễn tả bằng chữ viết đó là hàng chục  miếng sắt (thường là bản lề) được xỏ xâu vào nhau bằng một sợi dây chì. Chủ nhân nắm phần trên, xốc liên tục: “Rổn rổn! Rổn rổn, rổn!...”, xen kẽ với tiếng rao: “Đấm bóp! Đấm bóp!”
 
“Tung tung tung tung tung! Tung tung tung tung!...” đó là âm thanh của cái trống hai mặt; nó thay cho lời rao của người nhuộn quần áo mướn khi ông mệt mỏi, không còn đủ sức để: “Nhuộm hơ…ơ! Nhuộm hơ..ơ!” Nghề nhuộm quần áo dạo ngày nay đã tuyệt chủng bởi đời sống người dân khá cao nên quần áo phai màu không còn ai nhuộm lại.
 
Thêm một nghè làm công dạo nữa là hót tóc: “Hớt tóc hô..ông? Hớt tóc hô..ông?”
 

Tầng lớp sau nầy chắc ít ai nghe được “tiếng sáo Trương Lương”“Tú ti tú ti tú ti….” của những chú thiến heo! Nói là sáo, nhưng thực tế là tiêu; bởi nó được thổi từ đầu ống trúc. Chân đạp chầm chậm, một tay cầm ghi đông xe, tay kia cầm sáo, miệng thổi, các ngón bấm lỗ âm ba, mặt hơi hếch lên, “tù ti tú ti tú ti…”. Phong cách nghệ sĩ chán!
 
Tiếng tiêu nầy đã một thời làm trẻ em khiếp vía, bởi người lớn hù: “Ổng bắt con nít đem thiến!”
 
“Mài kéo, mài dao! Mài kéo, mài dao!”. Đó là giọng rao đặc biệt vì lơ lớ giọng của chú Tiều. Vai vác “con ngựa” mà trên đó đồ nghề là cục đá mài dao, một cái nùi lau và tòn teng cái sô nhỏ đựng nước. Chú vô nghề từ khi còn trai tráng cho đến lúc già nua.


Không phải người bán mới rao mà người mua cũng rao; có điều giọng rao mua nó dứt khoát, không ẻo lả, ngọt ngào như giọng rao bán: “Ve chai lông vịt, bán hông?”. Hồi xưa lông vịt, miểng chai cũng được thu mua (lông gà không mua, ve chai phải màu trắng, màu khác không mua).
 
“Chổi lông gà! Chổi lông gà!”“Chiếu hô…ông! Chiếu hô…ông!” là những tiếng rao bán quen thuộc.
 
Có giọng rao… cà giựt nghe phát ghét: “Đồng hồ cũ, quạt máy cũ, mô tưa cũ, âm li cũ. Bán mua!”“Bán mua!” có nghĩa là “ai bán, tui mua”. Mất cảm tình thiệt chớ!
 
Hàng rong đa dạng nên tiếng rao cũng đa dạng. Có những tiếng rao “để đời”: Đã qua sáu mươi năm, mà lúc trà dư tửu hậu các chú bác, giờ đã qua tuổi tám mươi, vẫn còn nhắc nhở, như giọng rao  bán chè và sương sa hột lựu mà phần đầu bài đã nói. Mấy chú bác cũng không quên nhắc giọng rao “tức cười muốn chết” của cô bán bánh hỏi: “Ai ăn bánh hẻ ..ẻ…o…ho..ô…ng?”. Vì “nó giống “bánh hẻm” thấy mồ!”
 
Đã có người hỏi: “Tại sao cà rem lai nhờ cái chuông “reng reng” rao giùm? Tai sao hủ tiếu gõ lại chọn hai miếng tre gõ vào “cốc! cốc!”? Tại sao người nhuộm mướn lại dùng trống hai mặt “tung, tung tung tung”? ….  mà không dùng âm thanh khác? Quý vị nào biết trả lời giùm!
 

Ngày nay có nhiều hàng rong không rao bằng miệng mà rao bằng máy ghi âm, loa phát ra liên tục, vừa lớn tiếng, vừa không… mỏi miệng! Nhưng những người hoài cổ lại không thích bằng giọng rao “truyền thống” xa xưa!
 
Ôi!
 
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
(Vũ Đình Liên)
                                                          KHA TIỆM LY

READ MORE - PHIẾM LUẬN “TIẾNG RAO HÀNG RONG XƯA” - Kha Tiệm Ly