Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, November 21, 2013

LỐI VỀ VÁCH ĐÁ HÀ GIANG - Huy Uyên





Hà-giang chạy quanh cơn gió đầu mùa
vội vàng mang về sương lạnh
hoa-cúc-dại bên đường cuối thu
đợi đông cho rừng đồi, chiều chầm chậm đến.

Những con đường bò quanh dốc núi
thăm thẳm rộn ràng lá xanh
màu chen hoa cam vàng ai lòng bối rối
để đợi một ngày tôi về cùng em.

Những con ngựa thồ bên kia suối theo sang
lối về núi đá tai mèo cao vút
vợ làng e ấp đi chân sáo cạnh chồng
biên-giới gần rồi sao nắng chiều chưa xuống hết.

Em khăn phiêu lên nương lên rẫy
lòng vàng chín hoa-cúc-vạn-thọ
một ngày đứng bên nhau nơi địa đầu
biên-ải chập chùng sương mây cùng gió.

Hà-giang đợi nắng xuống với hoa
Tháo-phìn-tũng lung linh cúc dại
Sũng-là em đã chiều về
sững nhớ ai đi bỏ lại tình Lũng-cú.

Săm-pun đội mây cao vời vợi
hoang-hoải hoa tam-giác-mạch lên trời
mùa lúa ruộng-bậc-thang kề tới
Phàn-theng trắng lòng đọng mãi tình tôi.

Đêm chợ tình lắng đọng Khâu-vai
tiếng khèn nhà ai réo rắt
bổng đau cùng rừng em nhớ thương ai
tiếng hát gọi bạn tình ơi sao đắng ngọt .

Đồi xa núi Cô-tiên trùng-điệp
tôi bên em thật đổi dịu dàng
Quản-bạ dặm về tưởng tiếc
ai đi mà không bỏ nhớ Hà-giang.

Vàng nắng cuối trời Phố-cáo
những ngôi nhà cổ nằm lặng thinh
em Mông-trắng đang chờ ai mà đứng đó
hẹn gặp người về với chợ phiên.

Đứng cầm tay em giữa đường
gởi vào môi em nụ hôn bỏng cháy
Hà-giang ngày ấy
đọng lại trong tôi nỗi buồn ...

Huy Uyên


READ MORE - LỐI VỀ VÁCH ĐÁ HÀ GIANG - Huy Uyên

DẤU VẾT TÀN PHAI - Chùm thơ Thu Vân

   
Thu Vân


   Dấu vết tàn phai 

Lá úa bay bay
    Giọt nắng vờn theo u hoài
    Hạt mưa rơi rơi
    Gió lạnh hồn đau tê tái
    Làn mây êm trôi
    Xua nổi phiền nơi xa vời
    Người yêu tôi ơi!
    Hay chăng nỗi sầu chơi vơi?
   
    Chiều đã dần phai
    Chiếc bóng xô nghiêng ngã dài
    Màu tím sầu lên
    Con đường quạnh vắng buồn tênh
    Nhịp chân lang thang
    Xua nỗi niềm riêng lỡ làng
    Người tôi yêu ơi!
    Nghe lòng thổn thức khôn nguôi?

    Thời gian trôi qua
    Lời hứa còn vương chưa nhòa
    Rồi qua  phong ba
    Nắng vàng hồng lên đôi má
    Ngày vui bên nhau
    Mái tóc xanh xưa phai màu
    Đời mang hư hao
    Dấu vết tan vào…..chiêm bao  

                                                   


Chân tình của em

Một tình thiếp giữ lời thề
Hai tình chờ đợi đêm khuya lạnh lùng
Ba tình gánh cát bể Đông
Bốn tình nối sợi chỉ hồng kết se
Năm tình vẹn nghĩa phu thê
Sáu tình quyết chí xẻ chia ấm nồng
Bảy tình bia tạc chữ đồng
Tám tình kết nghĩa vợ chồng chàng ơi
Chín tình nhớ mãi không nguôi
Mười tình đầy ắp chẳng vơi chút tình
Ta còn vương nợ ba sinh
Dù ai có gỡ, tình càng buộc nhau
Mặc tình gió trở lập Đông
Áo tình ấm áp cuộn trong tháng ngày
Tay trong tay, má cận kề
Chân tình, ta bước đi về sớm trưa
Nón tình chung nắng cùng mưa
Chén tình ta cạn, khéo lừa Nguyệt Tơ

                                           


Cho cuộc tình xưa

Xa nhau rồi, mi đổ lệ rơi
Từ nay ngăn cách, lạnh lẽo hỡi người!
Đâu ánh mắt long lanh dỗi hờn
Vực sâu chôn dấu ảnh hình xa xôi

Ngày qua, Con tạo xoay dần
Mơ trong tiếng nấc, lệ nồng còn vương
Thương thầm một đóa phù dung
Sương đêm nhòa nhạt, lạnh lùng bơ vơ

Tình xưa nay đã ơ - hờ
Tim yêu vụn vỡ bẽ bàng cung tơ
Khát khao ngày nhớ, đêm mơ
Xót xa thầm lặng cuộc tình đầu dỡ dang

Tay nâng phím lỗi nhịp đàn
Tương tư mấy nỗi ngập tràn đắng cay
Thân ai tàn tạ hao gầy
Sầu lên ánh mắt, lệ tràn thiên thu

Thu Vân


Lê Hoàng gởi đăng





READ MORE - DẤU VẾT TÀN PHAI - Chùm thơ Thu Vân

DẤU XƯA - thơ Trương Nguyễn





Tay đưa chổi
Quét ngày vời vợi
Ngổn ngang quá khứ phôi phai
Rêu phong in dấu chân người
Tái hiện nỗi buồn xưa cũ

Nỗi buồn òa vỡ
Xót xa cuồn cuộn lòng sông
Tay vụn về thắp lửa
Mây trời tối ám hư không

Hú gọi nhau…!
Thảng thốt rừng
Giữa bạt ngàn chỉ mình cô độc
Ngày qua
                        Giọt chiều còn đọng
Đã trót yêu người

Sương ướt đầu môi
Mặn đắng khát vọng
                        Sâu thẳm và cháy bỏng
Vút lên sắc màu

Gửi nụ hôn gió
Vào nước mắt
Vào dòng sông
Vào thăm thẳm lòng
Câu thơ nói hộ

Trương Nguyễn


READ MORE - DẤU XƯA - thơ Trương Nguyễn

TRẢ EM RỪNG NÚI TA VỀ - thơ Trúc Thanh Tâm




  Một mảnh trăng non treo lơ lửng
  Rừng núi quanh ta bỗng chợt già
  Thoang thoảng hương đưa từ góc khuất
  Ta ngồi đếm lại chặng đường xa !

  Rượu cạn bầu, bạn ta say ngủ
  Sống, chết treo hờ phía vực sâu
  Bể dâu dời đổi như thay áo
  Đừng nói yêu nhau đến bạc đầu !

  Cây muốn yên gió chưa ngừng thổi
  Mọi thứ trên đời dễ bán mua
  Chuyện xưa mưa nắng mà không cũ
  Nghĩ chuyện nay còn lắm trò đùa !

  Mai kia mốt nọ quên tiếng suối
  Quên một người ánh mắt trông theo
  Ta về quê cũ chiều mưa đổ
  Nhớ bước chân ai vội xuống đèo !

  Thôi cứ xem như chưa gặp gỡ
  Và, một hôm trúng gió nỗi buồn
  Giữ mãi màu lan trong mắt ướt
  Xa rồi còn đọng chút mưa thơm !

  TRÚC THANH TÂM

     ( Châu Đốc )
READ MORE - TRẢ EM RỪNG NÚI TA VỀ - thơ Trúc Thanh Tâm

CON TRÂU VỚI NHÀ NÔNG - Tản văn của Hoàng Kim Liên

   

Ngày xưa, khoa học chưa phát triển, nông nghiệp chưa có cơ giới phụ giúp, người dân quê nông thôn sản xuất lúa gạo rất khổ cực, phụ thuộc vào thiên nhiên, phụ thuộc vào phương tiện. May mắn được mùa thì đỡ, rủi mất mùa thì rất vất xả, khốn khó. Nông thôn chỉ độc một nghề làm ruộng; những nghề nghiệp khác là phụ, không đáng kể.

     Sản xuất lương thực, lúa gạo ở nông thôn, phương tiện chủ yếu là con trâu. Đến vụ cày cấy hay thu hoạch đều rất bận rộn. Tất cả công việc đều phải đúng tiến độ, sớm quá hay muộn quá có thể sẽ không đem lại kết quả như ý. Công việc nào cũng có sự khó khan vất vả riêng  của nó. Có vất vả cực nhọc mới thấy được giá trị của sức lao động và quý sản phẩm do tự tay mình làm ra. Nhà nông sản xuất ra lương thực chủ yếu nuôi sống con người, nhưng thực tế trên thị trương giá cả lúa gạo còn thấp so với những mặt hàng khác không thể bù với sự cực nhọc của họ. Có một điều xót xa hơn, người nông dân lên tỉnh thành lại bị xem thường bỡi hình thức bên ngoài của họ. Chỉ có trâu là con vật cận kề, chia sẻ, đồng cảm với nhà nông mà thôi. Trâu là người bạn chí thân, chung thủy, gắn bó suốt đời với nông dân không nữa lời oán than trách móc, cúi đầu làn việc theo sự sai bảo của chủ, suốt từ sáng tinh mơ đến chiều tối; trên đồng cạn, dưới đồng sâu, trong mưa, ngoài nắng, thậm chí cả về đêm nữa (khi nông vụ tấn thời).

    Nhìn con trâu, cổ mang dù – éc (nông cụ cài lên cổ trâu, nối với dụng cụ kéo cày) oằn mình kéo cày xới đất hay kéo bừa (trên bừa một người đứng lên để trâu kéo cho tan nhuyển đất). Trong mưa gió rét buốt của tháng 11, run run đếm từng bước theo luống cày, thân chẳng có một chút gì che, hay cái nắng chang chang của tháng năm, tháng sáu miền Trung, kéo cày thè lưỡi thở hồng hộc, nước dải rơi ra hai bên mép miệng. Thấy cảnh tảm thương như vậy, không ai mà khỏi động lòng cho kiếp làm trâu, đôi lúc vì quá sốt ruột cho kịp thợ cấy, họ lại nhẫn tâm quất lên lưng trâu mấy roi. Thật là tội nghiệp. Nghĩ vài chục phút để ăn trưa, nghỉ ngơi, trâu cũng chỉ được một giỏ rơm trộm với ngón (đoạn cắt bớt trên ngọn của bó mạ) lót dạ rồi tiếp tục kéo cày buổi chiều. Chưa hết, từ việc sáng sớm đi ra ruộng, cũng tận dụng móc xe vào cổ trâu để kéo phân, cày, cuốc … cho đỡ sức người. Khi thu hoạch thì kéo lúa bó về nhà; lúa bó trải chất ra sân dẫn trâu lên dẫm đạp cho lúa rụng. Tính ra hàng năm, trâu nghỉ ngơi chẳng được bao nhiêu ngày. Thậm chí, trẻ giữ trâu cũng nhác đi về, leo lên ngồi trên  lưng cho trâu chở. Cho nên giữ trâu không khổ như người ta tưởng:                                                                                                      
     “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ. Ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau, và miệng hat nghêu ngao”. 

    Ngoài việc kéo cày, kéo lúa, kéo phân, đạp lúa, lúc nông nhàn. Nông dân lại đưa trâu đi kéo củi về để dành chụm bếp; kéo gỗ, kéo đất làm nhà.

    Trâu chịu thương, chịu khó với nhà nông, vui vẻ làm viêc chẳng kể công lao     

    “Trâu ơi, ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta. Cấy cày là nghiệp nông gia, trâu đây ta đấy ai mà quản công…”

      Với sức mạnh của con trâu, hơn con người hàng chục lần, nếu như trâu quay lại chống đối, liệu con người có địch nổi không? Nhưng không. Trâu không bao giờ làm thế, vì trâu có tình, có nghĩa, nhớ ơn người đã cưu mang chăm sóc nuôi dưỡng khi còn nhỏ. Đã trót sinh ra kiếp làm trâu nên phải chấp nhận sự đọa đày sai khiến.

      Chả ai nói tốt cho trâu một lời, mà tất cả những thói xấu trên đời đều đổ lên đầu trâu cả, như: nhảy như trâu, ăn như trâu, ngủ như trâu, phá như trâu, v.v và v.v…Thật ra cũng có vài người khen như : con trâu tôi cày hay, con trâu tôi mạnh, con trâu tôi đẻ tốt, nhưng  càng hay, càng mạnh, càng đẻ tốt lại càng khổ hơn thôi.

     Chắc chắn các bạn cũng đồng ý và chấp nhận rằng con trâu không những có công với nông dân và là có công với tất cả mọi người – công lớn là đàng khác. Thế mà con người lại dững dung trước sự khổ đau của trâu. Trâu chẳng bao giờ đòi hỏi một sự ghi công, trả công hay đền đáp nào, trâu chỉ muốn làm tròn công việc của nó; muốn yên ổn để sống hết kiếp trâu; muốn yên thân để làm người đồng hành, người bạn thân thiết của nhà nông , nhưng nào có được. Những trò chơi xem ra không có tính nhân bản, phản đạo đức mà  trâu là nạn nhân khốn khổ - nhưng lại tôn vinh là trò chơi văn hóa truyền thống nhân gian cần được duy trì : “Lễ hội đâm trâu” nhìn thấy mà rợn người; trò chơi “chọi trâu” làm trò vui cho con người, con nào chọi thắng thì giết ăn thịt.

     Với người phương Tây, con vật nhỏ như con sâu con bướm, người ta còn bảo vệ, chưa nói đến những động vật hoang dã, người ta còn tôn trọng sự sống của nó huống chi đây (con trâu) là con vật cận kề, người bạn cùng khổ, thân thiết với nhà nông, mà vong ân bội nghĩa, sát hại một cách man rợ chẳng chút động lòng. Nếu khuất mắt thì chẳng nói làm gì, đàng này lại cổ vũ cho mọi người xem.Thật đáng buồn thay.
Cũng có thể bây giờ, khoa học phát triển, nghề nông cũng đã thay đổi nhờ những ứng dụng của khoa học kỹ thuật để thay đổi cuộc sống, đỡ vất vả, đỡ tốn sức lao động của con người mà năng suất lại cao, nhưng cũng có thể kéo theo một chuổi sự nghiệt ngã khác. Cũng có thể vì thế mà người bạn cùng chung khổ cực, vất vả, chịu thương, chịu khó ngày xưa bị ruồng bỏ chăng? Hay là : “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Nghĩ đến trò đời mà buồn.

 Quê hương, 10 tháng 7 năm 2011





READ MORE - CON TRÂU VỚI NHÀ NÔNG - Tản văn của Hoàng Kim Liên