Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, November 5, 2013

CHUÔNG CHIỀU - La Thuỵ


 


                     CHUÔNG CHIỀU
           Chuông chiều ngân vọng thiết tha 
     Hốt nhiên tục luỵ ta bà lắng sâu
           Binh boong ... khoan nhặt nhiệm mầu
     Hồi chuông khúc nhạc thanh cao tâm hồn
           Bản thánh ca, tiếng chuông đồng
     Con tim tĩnh lặng sạch không ưu phiền
                                                 La Thuỵ

 
                           HOẠ
 
                           VÔ ĐỀ
 
          Trời chiều vẳng vọng thiết tha 
    Gần xa trầm bổng ngân nga…kinh cầu 
          Lòng thành ghi mãi ân sâu 
    Di Đà cứu khổ…về đâu cội nguồn 
         Trí lành hòa với tiếng chuông 
    Tan đi cay đắng tâm buông muộn phiền 
                                          NgoctuyenCP


READ MORE - CHUÔNG CHIỀU - La Thuỵ

TÔI SẼ VỀ ... TÓC ÚA MÀU MÂY - thơ Hoàng Yên Lynh



Tôi sẽ về tắm mát với  sông quê
Ngóng đò ai buồm căng xuôi Cửa Việt
Tôi sẽ về bao ân tình tha thiết
Bên lở bên bồi ...
Theo suốt cuộc đời tôi.

Tôi sẽ về dịu dàng bên ngôi nhà thơ ấu
Nghe tiếng ru hời, cánh võng chiều đưa
Tôi sẽ về ấm lại những đêm mưa
Bên bếp lửa hồng đêm đông buốt giá.
Quê hương tôi ơi đất cày lên sỏi đá
Hạt gạo vơi đầy trộn lẫn ngô khoai.
Nơi bạn bè tôi ước mơ đời đứt đoạn
Phiêu bạt xứ người ...
Mà đau đáu một trời quê.

Tôi sẽ về lối xưa nơi hò hẹn
Lưng quán gọi buồn nhỏ giọt cà phê đen
Đôi mắt xưa có còn xanh màu biếc
Hay đã xa rồi ...
Cách biệt cả đại dương .
Áo trắng ngày xưa đâu còn trắng sân trường
Tiếng hát ngọt ngào ...
Nay biền biệt chốn ngàn phương.

Tôi sẽ về dấu thời gian dù cạn
Gốc nhỏ phố phường ...
Ray rứt chuyện bể dâu
Bao người xa ...
Bao người nhớ ...
Bóng chim câu ...
Mà tưởng tiếc câu chuyện lòng dang dỡ.

Tôi về vụn nát câu thơ
Sông xưa, bến vắng ngẫn ngơ đò chiều
Ầu ơ câu lý thương yêu
Hỏi người cố quận ... Hắt hiu ngày về
Trời quê ... Chẳng có người quê .


HOÀNG YÊN LYNH
READ MORE - TÔI SẼ VỀ ... TÓC ÚA MÀU MÂY - thơ Hoàng Yên Lynh

GẦN BÙN ... - thơ Trương Nguyễn





       Buổi hồng hoang cỏ hoa mọc sớm
      Giữa đất trời tươi nụ bình minh
      Rồi vô tình bàn chân người đay nghiến
      Để xác xơ cam chịu - cực hình

       Âm thầm sống giữa dòng mưa bão
       Nếm trải nhiều mật ngọt chua cay
       Lòng tĩnh lặng thấm nguồn hương đạo
       Bỗng vụt lên sãi cánh giữa bùn lầy

       Ước thân ta được làm cây cỏ
       Đêm nằm cùng thức với sao khuya
       Tiếng vi vu gió thầm nho nhỏ
       Mãi thương nhau không chút lọc lừa
                            
       Tia nắng sớm sưởi lòng yên lặng
       Nếm ngọt sương tinh khiết ban mai
       Ríu rít gọi nhau ân cần thân ái
       Nô đùa ngây thơ dưới một mặt trời

      Thương biết mấy
                        Bàn tay người nhẹ vuốt
       Nâng niu từng cánh mỏng nguyên trinh
       Lời yêu thương chẳng cần trau chuốt
       Một tình yêu!

                       Trên hằng triệu mối tình

                                Trương Nguyễn
READ MORE - GẦN BÙN ... - thơ Trương Nguyễn

LÀM THƠ - LÀM THINH - Trương Đình Đăng


(Tưởng nhớ cố thi sỹ họ Trần)



“Làm thơ là để làm thinh!” *
Vui buồn yêu ghét có nhìn mới hay
Tâm tư ấm lạnh giải bày
Tiếng lòng ngân vọng trả vay nghĩa  đời.


Làm thinh thơ vẫn khóc cười
Nước non dâu bể, lòng người cạn sâu…
Sá gì đàn gãy tai trâu
Mưa tuôn đầu vịt, miếng trầu nhạt vôi.


Làm thơ để làm thinh thôi
Muốn cho răng ấm thì môi ngậm cười
Tố Như đã trút lệ đời
Cho Kiều than khóc đầu mười ngón tay


Trăng xưa tròn sáng rằm này
Người thơ xưa đã bao ngày làm thinh
Một chiều hồn phách hiển linh
Hồ Tây Lã Vọng trở mình thơ bay


Ích gì khóc mướng thương vay
Cứ “LỜI MẸ DẶN” thẳng ngay lẽ đời.


Chớm Đông 2013
Trương Đình Đăng


*Thơ của cố thi sỹ Trần  Đình Hường
READ MORE - LÀM THƠ - LÀM THINH - Trương Đình Đăng

NƠI TA ĐỨNG - Phan Minh Châu



Nơi Đất Đứng cũng là nơi ta đứng
Đất trăm hoa nên đất nở muôn màu
Ta yêu đất nên ta tìm tới đất
Dẫu đất này vời …vợi lắm trăng sao
Đất cần mẫn ươm vườn cây cần mẫn
Những bông hoa tươi tắn trĩu sai cành
Hoa đang độ mùa hoa thời con gái
Áo thu vàng ôm lấy tuổi mơ xanh
Ta đang đứng nơi mảnh vườn hương sắc
Sắc với hương trộn lẫn biết bao chiều
Nét chấm phá trong khu vườn văn học
Để cho đời thơm mãi cánh hoa yêu
Hoa từ độ biết uốn cong ngòi bút
Viết nên thơ và vẽ lại đời mình
Những trang báo cứ dày thêm lớp tuổi
Tưởng lụi tàn bỗng đó hóa vầng trăng
Những trang sách bật lên từng con chữ
Nằm khoan thai chờ nhẫm lại đời mình
Đất bỗng hóa những tâm hồn bất tử
Đứng bên đời ôm khát vọng bình minh
Ta thương đất nên tìm về với đất
Hạt mầm gieo đang độ tuổi xuân thì
Đứng trên lớp đất mềm ta tự hỏi
Đất đã xanh hồn và ta đã xanh chưa .

   PHAN MINH CHÂU
READ MORE - NƠI TA ĐỨNG - Phan Minh Châu

VỊNH CON RÙA - Kha Tiệm Ly





VỊNH CON RÙA

Dưới nước, tung hoành chỗ cạn sâu
Trên bờ, đồng thấp tới đồi cao
Thân mang giáp trụ uy phong lắm
Hà cớ quanh năm mãi rụt đầu?

                                    Kha Tiệm Ly
READ MORE - VỊNH CON RÙA - Kha Tiệm Ly

Châu Thạch - Đọc “CÓ CÒN MÙA THU” thơ Đan Thụy

                               
Đan Thụy

                        

CÓ CÒN MÙA THU ...?  
                          Đan Thuỵ

Thu phương anh có vàng hoa cúc ?
Thu chốn đây hương cốm vờ quên
Nửa đời người
Nửa cuộc tình dâu bể
Tim chạm nhau rồi
Sao tình cứ chênh vênh?

Sợi nắng Thu
Vò tơ miền nhớ

Cái nhớ mong manh
Cái nhớ bộn bề
Đêm chóng vánh ...
Se hồn trăng vỡ
Lối mơ xưa  ...
Lá nhớ đợi ai về?


Em muốn cùng anh
Xanh mãi cuộc tình
Để níu giữ...
Thu vàng trăng buổi ấy…!

Đ.T  

Cảm nghĩ: Châu Thạch

Tôi đã  đọc nhiều bài thơ của Đan Thụy. Tuy tôi muốn lắm nhưng chưa viết được bài cảm nghĩ nào về thơ tác giả. Chưa viết được là vì thơ Đan Thụy dễ đọc mà khó viết. Dễ đọc vì thơ Đan Thụy thường ngắn, lời đơn sơ bình dị. Khó viết vì trong những lời thơ ngắn, đơn sơ và bình dị đó lại xúc tích, bàng bạc những ý thơ tiềm ẩn khiến cho tôi thưởng thức được cái hay trong đó nhưng lại khó phân định được vì sao mà nó hay như thế. Hôm nay tôi thử viết một vài cảm nghĩ về bài thơ “Có còn mùa thu?” của Đan Thụy để giải tỏa cho tôi những chất chứa về sự mến mộ trong lòng chưa có cơ hội được nói ra. Đọc “Có còn mùa thu?’” lần đầu  thấy đã hay, đọc lần thứ hai thấy hay thêm và đọc nhiều lần thì thấy sự nhẹ nhàng thanh thoát của thơ vỗ về tâm hồn ta càng thêm êm ái.

Đan Thụy vào đề với hai câu thơ đậm đà nhiều ý nghĩa:             
  
Thu phương anh có vàng hoa cúc?                             

Thu chốn  đây hương cốm vờ quên 

Ai cũng biết mùa thu là mùa của hoa cúc và của hương cốm. Hoa là ngôn ngữ chân thành của tình yêu. Hoa bộc lộ nỗi niềm thầm kín và  hoa cúc thường khiến người ta nghĩ đến mùa thu. Vào mùa thu hầu hết các loài hoa khác rụi tàn thì ngược lại hoa cúc bắt đầu khoe sắc. Thu vốn mang một ấn tượng buồn, cúc đua nở trong mùa thu đã đem lại một bầu trời tươi đẹp. Hoa cúc khi héo tàn chẳng lìa thân của nó là biểu tượng cho sự thanh tao, trung trinh của một tâm hồn chung thủy. Hoa cúc là hình ảnh của sự khoáng đạt, sự chung tình. Trong các loài hoa cúc, hoa cúc vàng tượng trưng cho lòng kính yêu, quý mến, hân hoan. Vì thế người ta ví hoa cúc vàng là chúa của mùa thu.  

Cốm từ  nếp non làm ra. Vào mùa thu, khi vụ nếp mùa trổ đòng, ngậm sữa. tạo hạt thì những hạt nếp non vừa căng vỏ tỏa hương thơm ngào ngạt, được dùng để làm cốm.Vì thế cốm được đem bán nhiều vào thời điểm mùa thu và cốm thường được dùng trong các dịp cưới hỏi.  Hương cốm thơm ngon biểu hiện cho tình quê hương đậm đà và tình yêu nam nữ mộc mạc, chân thành, thắm thiết và thanh cao.

Với hai câu thơ mở đầu, Đan Thụy đã khôn khéo dùng lời nói ví von như ca dao để thăm hỏi người tình và bày tỏ lòng ta. Câu thứ nhất Đan Thụy dùng chữ “vàng hoa cúc” để hỏi người mình yêu rằng anh có vui trong mùa thu?, anh có tình yêu trong mùa thu?, anh có chung tình trong mùa thu ? và anh có những tính cách mà loài hoa kia làm biểu tượng hay không?. Nghĩa là hỏi tất cả những gì mà tác giả lo lắng, băn khoắn về người mình yêu chỉ trong ba chữ “vàng hoa cúc?”

Qua câu thứ  hai tác giả dùng hương thơm của cốm để bày tỏ về mình. Tác giả cho biết rằng: Chốn  đây hương cốm vờ quên. Vờ quên không có  nghĩa rằng chốn đây hương cốm không có, nhưng “vờ quên" có nghĩa là tác giả  làm ngơ với nó. Hương cốm trong thơ biểu hiện cho hương vị tình yêu. Hương vị tình yêu còn đó nhưng tác giả vờ quên vì lý do gì? Rỏ ràng là vì “Phương anh”“chốn đây” là hai nơi xa cách nên tình thì còn mà đành ngoảnh mặt, dằn lòng để cố quên đi. Câu hai của bài thơ bày tỏ được tất cả tấm lòng thủy chung, lưu luyến, khắc khoải, dằn vặt trong lòng tác giả chỉ bằng hai chữ “vờ quên”.

Hai câu thơ  kế tiếp của vế đầu bổ nghĩa thêm, nhấn mạnh cho người đọc hiểu thời gian chia lìa không phải tính theo ngày tháng mà bằng cả nửa đời người:


Nửa đời người                                                 

Nửa cuộc tình dâu bể
  
Rồi hai câu thơ tiếp nữa tác giả giải bày hoàn cảnh chia ly, lý do để mùa thu nửa đời người tình yêu kia phân cách:

Tim chạm nhau rồi                                                 

Sao tình cứ  chênh vênh? 
  
À ra vì tình cứ mãi chênh vênh! Khi đọc câu thơ  “Tim chạm nhau rồi” tự nhiên tôi cứ nhớ đến câu thơ mà Nguyễn Du diễn tả  Kim Trọng và Thúy Kiều gặp nhau lần đầu bên mộ Đạm Tiên: “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Tôi xin mạn phép đặt hai câu thơ của Nguyễn Du và của Đan Thụy tá khách nhau để chúng ta cùng đọc thử:                                 

“Tình trong như đã mặt ngoài còn e                                   

Thì ra tim chạm nhau rồi”

Tôi không dám so sánh Đan Thụy với Nguyễn Du nhưng có  thể nói hai câu thơ nầy cùng giải thích một hiện tượng khó diễn đạt của tâm hồn một cách thần kỳ bằng lời thơ vô cùng bình dị.

Bước qua vế hai của bài thơ, tác giả diễn tả toàn bộ nỗi nhớ bằng những từ  thanh thoát nhưng lại biểu hiện được sự vùi dập, tan tác như những hình ảnh diễn ra trong cơn mơ, dày vò người đang gối mộng: 

Sợi nắng thu                                 

Vò tơ miền nhớ                                     

Cái nhớ mong manh                                    

Cái nhớ bộn bề                                     

Đêm chóng vánh…                                     

Se hồn trăng vỡ                                     

Lối mơ xưa…                                      

Lá nhớ đợi ai về? 


Người ta thường dùng chữ “ánh nắng thu”,  ít ai dùng chữ “sợi nắng thu”. Ở  đây tác giả dùng chữ “sợi ”  không cốt để tả trời mùa thu mà cốt để nói về “sợi thương, sợi nhớ” diễn ra trong lòng. Người ta cũng không nói “Tơ miền nhớ” vì miền nhớ là hư không. Ở đây tác giả viết “Sợi nắng thu/ Vò tơ miền nhớ” như nắng có sợi và nhớ có tơ. Hình ảnh nầy chỉ cốt diễn tả sự quyện vào nhau, sự dày vò giữa tình yêu và nỗi nhớ trong lòng, làm cho người đọc thấy niềm đau quặn thắt vẫn có nhưng cũng cảm nhận được cái thi vị trong tình trường, như đã cảm  nhận vẻ đẹp của hoa cúc và hương thơm của cốm dầu tình yêu đang lúc phân ly được tỏ bày ở vế thơ trên. Tác giả dùng tiếp hai câu thơ “cái nhớ mong manh/ cái nhớ bộn bề” để nói lên sự đầy ắp nỗi nhớ trong lòng. Tác giả dùng từ “mong manh” không phải để diễn tả cái nhớ mau phôi pha, cái nhớ mau tan biến mà hình ảnh của sự mong manh như một màn sương mỏng giá lạnh phủ lên tâm hồn. Màn sương mỏng đó cũng chính là nỗi đau trong thương nhớ đợi chờ khiến cho đêm chóng qua mà tác giả thốt lên: Đêm chóng vánh/ Se hồn trăng vỡ. “Chóng vánh” vì thời gian tâm lý trôi qua mau. “Se hồn trăng vỡ” vì bầu trời tâm lý cũng tan hoang như sự tan tác trong lòng.

Rồi thì cái nỗi nhớ được diễn tả vừa mong manh vừa bộn bề ấy lại được hiện thân trong lá khi từng chiếc lá của “Lối mơ xưa” trở nên có linh hồn để  “lá nhớ đợi ai về?”. Mỗi chiếc lá  nhớ chính là cái nhớ mong manh, nhiều chiếc lá nhớ chính là cái nhớ bộn bề. Sự mong manh và sự bộn bề ấy chính là biểu lộ mọi nỗi niềm diễn ra trong tâm hồn vừa yêu vừa đợi chờ, vừa thấy thú vị trong tình yêu, vừa thấy đau khổ trong ly cách, khiến cho tâm hồn hòa cùng thiên nhiên biến thành tơ, thành sợi ngân lên trong trăng và trong lá. 

Sự ước mơ trong vế chót bài thơ có tác dụng sưởi ấm lại tâm hồn, làm le lói một niềm hy vọng xa vời: 

Em muốn cùng anh                                 

Xanh mãi cuộc tình                                  

Để níu giữ…                                 

Thu vàng trăng buổi ấy…! 


Đã “Nửa đời người/ Nửa cuộc tình dâu bể”  thì sự muốn “Xanh mãi cuộc tình”  nếu không nói là vu vơ cũng là điều khó đạt. Hình như ở đây tác giả muốn cuộc tình “xanh” nghĩa là đơn phương tự giữ cho cuộc tình ấy còn mãi mãi trong lòng.  Đan Thụy là một nhà thơ nữ nên muốn để cho cuộc tình luôn luôn có hậu. Chính cái có hậu của vế thơ cuối bày tỏ cái nhân cách của người đang yêu, cái bằng chứng về sự hy sinh cao thượng trong tình trường, cái lớn của tâm hồn và cái thiết tha, nhu mì. hiền thục và lãng mạn một cách thanh tao trong toàn bộ bài thơ.  

 “Có còn mùa thu?” là một trong những bài thơ hay của Đan THụy, nó đem tình yêu vào lòng người như cái se lạnh của bầu trời mùa thu, cái se lạnh thú vị là nguồn thơ của biết bao người từ ngàn xưa cho đến ngày nay.                                                                         
                                                                      Châu Thạch


READ MORE - Châu Thạch - Đọc “CÓ CÒN MÙA THU” thơ Đan Thụy

NGUYỆT GẦY TƯƠNG TƯ - thơ Ngưng Thu



Tháng năm rụng xuống kiếp người
Giấc mơ trừu tượng trêu ngươi giữa ngày
Ngập ngừng bước tới cơn say
U mê …tôi đoạn tình này nứt đôi.

Khôn ngoan em chọn chỗ ngồi
Ngu ngơ tôi thả hồn trôi lạc đường
Thì đành một thoáng mây vương
Em đi …Tôi chạnh lòng thương tôi chờ.

Đông qua xuân có hững hờ ?
Mà sao mắt biếc bây giờ nơi đâu ?
Vườn sau trinh nữ tím màu
Em không về lại tìm nhau xuân này …

Mưa xuân hạt lất phất bay
Chờ em héo úa nguyệt gầy tương tư…

Ngưng Thu


READ MORE - NGUYỆT GẦY TƯƠNG TƯ - thơ Ngưng Thu

GẶP LẠI ĐỨA EM XA QUÊ Ở BẾN NINH KIỀU - thơ Huy Uyên

  


Gặp đứa em
xa quê chừng ấy năm
ngồi cạnh nhau Ninh-kiều mưa lạnh
hai mắt em đậm buồn
có lẻ giận đời trai thương hồ tám hướng .

Chiều Bắc-Cần-thơ trời trở gió
nổi sầu nào theo em xuôi Nam
đèn trên bến khi mờ khi tỏ
biệt tình chi ơi Quảng-trị
thương nhớ ai mà lệ khóc thầm .

Cầm tù nổi trôi con nước Hậu-giang
theo đám lục-bình đi xa vạn nẻo
hỏi đứa em đã cạn lòng
sông xưa bến cũ
sao không kịp về để tội người đợi mong .

Đêm trôi và đò đổ một mình
ai đưa tay vẫy cho nổi sầu mọc cánh
xa rồi tấc lòng với cái Răng
Bình-thủy thức đợi người
từ đầu hôm cho tới sáng .

Hỏi đứa em có mỏi mắt
trông về quê mẹ đêm ngày ruột thắt
chín chiều
làm con trai một đời bỏ xứ
bên bến tàu cùng sông trôi liêu xiêu .

Gặp đứa em rượu khan Ninh-kiều
uống cạn hết đoạn-trường cay xót
quán bên sông cùng nước chảy về đâu
dạt trôi đưa những cánh bèo
mà sao phù-sa cũng chưa về đây hết .

Trời đất phương Nam có nặng gánh tình
bỏ lại đứa em quên về
mà đoạn đành ở lại
sông nước Cần-thơ dầu dãi
miền Tây ai đi
để trọn đời nhớ mãi .

Vườn người bò đầy dây hoa cà hoa bí
dấu tình xưa nào có hề phai
bỏ lại quê cháy ân tình cũ
quá thương đứa em thương-bạc giang-hồ
nơi bến Ninh-kiều đắng cay phận người xa xứ .


Huy-Uyên
READ MORE - GẶP LẠI ĐỨA EM XA QUÊ Ở BẾN NINH KIỀU - thơ Huy Uyên