Tôi có thói quen từ thuở nhỏ là phải tìm cách tập thể
dục hằng ngày để có sức khỏe. Lúc ấy còn ở Huế, tuổi tiểu học, tôi thích chạy bộ.
Lên trung học, tôi thích nhiều bộ môn hơn, nào bơi lội trên sông Hương, bơi từ
bến nhà tôi qua bên Cồn hái trộm vài quả bắp, vài trái ớt (gởi lời xin lỗi những
vườn cây năm xưa đã từng bị tôi và các bạn hái trộm) rồi bơi về cười đùa ầm ĩ
trên sông rất khoái chí. Mặc dù tôi không giỏi bơi lội, phải bơi bằng phao ruột
xe hơi cho an toàn. Có khi là chèo thuyền lên tới chùa Thiên Mụ rồi chèo về, mỗi
thuyền hai đứa, một đứa chèo đi, một đứa chèo về. Nếu bữa nào có tiền thì ghé
khu vườn cạnh chùa Thiên Mụ ăn bánh bèo rồi mới chèo về.
Lúc đã là sinh viên, có học bổng, có tiền đóng niên
phí để chèo thuyền ở Câu lạc bộ Thể thao thường xuyên hơn. Sáng chủ nhật một tốp
bạn cùng nhau đua xe đạp ở sân vận động lòng chảo, (ở Huế có sân vận động có
lòng chảo) hoặc leo dây. Có khi là đua xe đạp ra tận Quảng Trị cách xa Huế chừng
50km, vào chợ Quảng Trị ăn bánh bèo, chè bắp rồi về, bạn nào đạp xe chậm nhất
phải bỏ tiền ra đãi.
Cũng có khi là leo núi, lên tận đỉnh Ngự Bình, ngồi ca
hát nghêu ngao một chặp rồi về, có lẽ nhờ những cuộc thể dục thể thao đơn giản ấy
mà đứa nào cũng khỏe khoắn vui tươi, học hành dễ dàng hơn.
Lúc ra trường, đi dạy ở một thành phố biển miền Trung
(Tuy Hòa) bãi biển này sóng dữ nên tôi không dám bơi, chỉ tập thể dục trên bãi
cát hoặc “nhúng nước” gần bờ thôi.
Sau đó tôi về Sài Gòn cho mãi đến giờ, tôi vẫn tìm cách giữ thói quen thể dục
như xưa, dù đã thay đổi qua nhiều địa chỉ.
Khi tuổi đã cao, tôi vẫn cố gắng giữ thói quen ấy, vì
biết rằng thể dục giúp người già chống lại bệnh tật. Nhà ở xa công viên, lại
không chạy xe được, tôi rút gọn lại làm bài tập thể dục buổi sáng gồm 6 động
tác: thở, vận động tay chân, lưng, gối để chống lại những bệnh thông thường. Biết
rằng tập thể dục và đi bộ là rất ích lợi cho người cao tuổi, song tuổi già lại thường
mắc cái bệnh bất trị là lười, chán và dễ mệt mỏi, có khi bỏ giữa chừng bài tập.
Bỗng một hôm tôi khám phá ra một buổi tập rất thú vị.
Số là tôi thường tập trước ngõ nhà tôi trong hẻm. Đang tập thì một bầy chim sẻ
từ đâu sà xuống gần đấy lượm nhặt những thức ăn chút đỉnh còn rơi rớt. Tôi chợt
nghĩ sao ta không cho bầy chim bé nhỏ này một nắm gạo, chắc là chúng sẽ thích lắm.
Tôi dừng tập chạy vào nhà vốc một nắm gạo ra vãi cho chim ăn. Ban đầu, lũ chim
sợ bỏ bay lên mái nhà cả, đậu trên mái nhà, trên đường dây điện, nhưng chúng vẫn
ngó nghiêng xuống nơi vãi gạo một cách thèm thuồng và cảnh giác, sau đó chúng lần
xuống ăn, thấy an toàn, cả bầy gọi nhau ríu rít sà xuống mổ lia lịa trông thật
vui mắt và rất dễ thương.
Buổi tập hôm đó nhờ nhìn ngắm bầy chim xuống ăn gạo
tôi thấy rất vui và không hề thấy mệt, thấy chán. Vậy là từ đó, sáng nào trước
khi ra ngõ tập thể dục, tôi cũng vốc một nắm gạo vãi ra xa xa cho bầy chim “ăn điểm tâm miễn phí”, còn tôi thì hưởng
cái thú vừa tập vừa ngắm bầy chim vô tư, ríu rít, lách chách gọi nhau vừa vui
tai, vui mắt và bài tập thể dục qua mau mà không mệt nhọc chút nào, tập xong thấy
khỏe và rất sảng khoái, niềm vui có thể kéo dài cả ngày.
Nhưng không phải là không có trở ngại khi tôi vãi gạo
cho chim ăn. Một nhà hàng xóm không bằng lòng vì “cho chim ăn rồi chim ị trước cửa nhà tôi”. Tôi đổi chiến lược, vãi
gạo về phía khác, lại một nhà hàng xóm có ý kiến “vãi gạo rồi xe cộ dắt trong nhà ra dẫm lên gạo” (mặc dù chim chỉ
đua nhau ăn một chốc là hết sạch không còn hột gạo nào). Thế là tôi lại phải
tìm cách khác vãi ra chỗ sát mé tường không ai có ý kiến ý cò gì, và phải xa xa
chỗ tôi tập thể dục khoảng 5m thì lũ chim mới thấy an toàn sà xuống ăn mà không
sợ. Tôi rất vui mỗi buổi sáng vừa tập thể dục vừa ngắm bày chim ríu rít, vô tư
mổ từng hạt gạo. Thật vui và rất thư giãn.
Thỉnh thoảng cũng có buổi sáng trời mưa to, bầy chim
trốn trong mái nhà, còn tôi phải tập trong nhà, những buổi ấy tôi thấy nhơ nhớ
lũ chim thế nào ấy. Chờ tạnh mưa là tôi lại vãi cho chúng một nắm gạo. Ôi, có
gì to tát đâu, chỉ một vốc gạo nhỏ, chỉ một bầy chim nhỏ thôi mà chúng đã cho
tôi một niềm vui tràn ngập tâm hồn. Tôi thầm cám ơn bầy chim sẻ.
Chỉ có một điều… đôi khi làm tôi nghèn nghẹn, là tôi đã ở cái tuổi U80 rồi, không bao lâu nữa tôi sẽ về cõi Phật, dù biết sinh lão bệnh tử là chuyện thường tình. Nhưng tôi sẽ bỏ lại bầy chim, không biết đến lúc đó xóm tôi còn ai thương lũ chim nhỏ bé, cho chúng những bữa “điểm tâm miễn phí” như tôi không?
Hoàng Hương Trang