Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, July 16, 2015

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI SOẠN CA KHÚC VÀ Ý NGHĨA CỦA CA TỪ - Tuyền Linh
















Biên Khảo

Vai Trò của Người Soạn Ca Khúc 
và Ý Nghĩa của Ca Từ


      Trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề ca từ trong một số ca khúc đương đại Việt Nam đã làm cho khán thính giả yêu âm nhạc quan tâm khá nhiều.

     Trong bài nầy, người viết không có ý kiến gì về kỹ thuật hòa âm, giai điệu, tiết tấu, mà chỉ đơn thuần đề cập đến ca từ trong một số  ca khúc Việt Nam đang được thịnh hành.

   Như chúng ta đã biết, ca khúc trong âm nhạc là một bộ môn văn nghệ có sức lôi cuốn mãnh liệt đối với con người. Ca khúc nói lên cái hay, cái đẹp của con người và thiên nhiên trong vũ trụ bao la rộng lớn. Bằng hình thức cụ thể hay trừu tượng, ca khúc có thể miêu tả (musique descriptive ) hay mô phỏng (musique imitative ) một cách sinh động và hùng hồn những sinh hoạt đời thường xảy ra hàng ngày trong cộng đồng xã hội. Ngoài ra, ca khúc còn có thể nói lên những ý niệm, những tư tưởng sâu xa, uyên bác, cho con người những mỹ cảm (emotion esthétique) - thứ khoái cảm đặc biệt của con người ở trên muôn vật: một chiếc lá vàng rơi rụng cuối Thu, một ánh sao băng trong bầu trời đêm u tịch, tia ráng chiều rọi xuống đàn mục đồng đang nằm vắt vẻo trên lưng trâu suốt nẻo đường về; bước chân khập khiễng của bà mẹ già đang lần tìm mộ con ở nghĩa trang để thắp nén nhang thương nhớ, tiếng suối reo, tiếng chim hót, tiếng ve râm ran giữa buổi trưa hè … Tất cả những âm thanh và hình ảnh ấy là những giao ngộ hữu hình hay vô hình của con người với con người và của con người với thiên nhiên, sự vật. Nó thật sự không thể thiếu trong chúng ta. Chẳng phải một “Gởi Nắng Cho Em" của NS Phạm Tuyên được ra đời đó sao? Như thế, ta thấy ca khúc đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Vậy người viết ca khúc nên nghĩ gì, làm gì?

   Trước khi nói đến vai trò và sứ mệnh của người viết ca khúc, tưởng cũng nên định nghĩa và phân tích sơ qua về danh từ ca khúc. 

Định nghĩa một cách nôm na, dựa trên hai chữ ca khúc (pièce chantée), ta thấy rõ danh từ nầy được chia làm hai phần: lời ca và khúc nhạc. Cũng dựa theo định nghĩa và phân tích trên, ta thấy giá trị một ca khúc cũng chia làm hai phần: một nửa cho giai điệu tiết tấu và một nửa cho ca từ. Vậy để có một ca khúc có giá trị đích thực thì người viết ca khúc phải hoàn thành tác phẩm của mình có đủ cả hai phẩm chất nêu trên. Tuy thế, nếu nghĩ cho thật sâu, sát thì ảnh hưởng của ca từ đến tinh thần và tư tưởng người nghe nhiều hơn giai điệu. Một ca khúc có phần hòa âm nghèo nàn, giai điệu tiết tấu gập ghềnh trắc trở, khi được tấu lên, cùng lắm làm cho người nghe nhàm chán, và tất nhiên, sau đó họ sẽ quên ngay. Trái lại, phần ca từ dù không hay, nhưng lời ca có phần tượng hình, không trong sáng, thì không nhiều cũng ít có ảnh hưởng đến người nghe, nhất là giới trẻ. Trong thực tế cuộc sống, ta thấy cái xấu, cái dở bao giờ cũng ảnh hưởng đến tuổi trẻ mạnh hơn cái tốt, cái hay. Vậy văn nghệ sĩ nói chung và người viết ca khúc nói riêng phải làm gì để giúp họ vượt qua lằn ranh giữa xấu và tốt nầy, để họ chọn được hướng sống đúng? Theo thiển ý của tôi, người văn nghệ sĩ phải có hướng đi đúng trước đã.

   Đất nước ta đã trải qua bao nhiêu năm chiến tranh, tuy hiện tại sống trong cảnh thái bình nhưng chưa phải là một nước giàu mạnh. Đất nước còn cần đến biết bao chất xám để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn lên. Như thế, ta thấy trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật, người viết ca khúc đóng một vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng đất nước. Vì lẽ ấy, ta không nên áp dụng triệt để quá khẩu hiệu “nghệ thuật vị nghệ thuật"  mà quên đi nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta. Đành rằng sáng tác ca khúc là một việc làm cá nhân của người nhạc sĩ, nhưng người viết ca khúc chân chính cũng không nên độc lập với đời, ngồi trong tháp ngà mà sáng tác; nên thực tiễn cuộc sống để viết lên những ca khúc hay cho đời đơm hoa kết trái. Hãy gần gũi với khẩu hiệu “nghệ thuật vị nhân sinh" để chia sẻ với người, với đời. Âm nhạc cho con người nghe để phát sinh hứng thú, để được nhìn xa hiểu rộng, để cảm thông tư tưởng và kết liên. Người viết ca khúc đừng nên mải mê với rung cảm cá nhân mà quên bẵng đi thực tại xã hội, cộng đồng. Chúng ta đừng quên rằng cá nhân là một thực tại của xã hội, liên quan mật thiết đến xã hội. Chẳng thể nào tách mình ra ngoài xã hội được. Dù muốn hay không muốn cũng tương quan ảnh hưởng lẫn nhau. Ca khúc là một tác phẩm văn nghệ và cũng là con đẻ của xã hội, văn nghệ lạc hướng thì xã hội băng hoại. Văn nghệ sĩ nói chung và nhạc sĩ nói riêng nên lãnh một sứ mệnh trong công tác giáo dục xã hội, vạch hướng đi trong sáng cho xã hội, xây dựng xã hội, bởi văn nghệ ảnh hưởng rất sâu xa đến xã hội. Một nhạc sĩ sáng tác nên cần có sự cọ xát thực tiễn, có thế mới xúc động tâm tình để sáng tác. Sáng tác một ca khúc không chỉ giải bày tâm tư cho riêng mình mà còn có nhiệm vụ giải bày tâm tư của người khác trong cộng đồng xã hội nữa. Ca khúc chính là gạch nối gắn liền giữa nhạc sĩ với đời, vì nhạc sĩ chẳng những là kỹ sư âm thanh mà còn là kỹ sư tâm hồn của mình và của cả quần chúng. Người nhạc sỹ dùng kỹ thuật âm thanh cùng ý nghĩa lời ca để giúp đời nhìn rõ đường lối chân chính trong cuộc sống. Một ca khúc hay là một ca khúc kết tinh được tình ý sâu sắc, chẳng những nói lên được vẻ đẹp cá nhân mà còn cho người thưởng thức thấy được cái thật, cái đẹp của xã hội nữa. Nghệ thuật thơ văn hay âm nhạc bao giờ cũng nói lên được cái thật, cái đẹp (thật ngoài vũ trụ, thật trong khoa học khách quan, và nhất là trong tâm lý) hợp với đạo lý, mong làm đẹp cho tâm tính con người. Cái thật, cái đẹp vào đời nào, thời nào cũng được tôn vinh cả. Tiếc thay, ý thức được cái đẹp và cái thật lại bị hạn chế trong con người. Từ sự hạn chế nầy đã đưa đẩy đến sự nhận định sai lầm về giá trị cái đẹp, cái thật của một số người làm văn nghệ khiến họ lai căng, lạc hướng. Thậm chí có ca sĩ đã thành danh vững vàng, tuổi cũng đã gần lão bà mà còn ăn mặc hở rốn, hở đùi lên sân khấu nhún nhảy, lắc lư trông thật tội nghiệp. Tiếc quá! Tiếc quá!!! Xin đừng lẫn lộn cái thật, cái đẹp của một bức tranh khỏa thân với cái thật của một ca sĩ hở rốn, hở đùi trên sân khấu. Nhãn quan tự nó đã có sự phân tích, lý luận, đam mê lẫn cám dỗ riêng của nó.

   Trở lại vấn đề sáng tác ca khúc, những năm gần đây một số nhạc sĩ trẻ vẫn đam mê "nghệ thuật vị nghệ thuật", có khuynh hướng cá nhân trong các đề tài sáng tác. Gặp thời buổi công nghệ điện tử phát triển, họ ngồi trước màn hình internet để: “chiều chiều lang thang internet, em thì đi vào một trang web buồn…” hay “triệu thông tin vẫn nghe lạc loài, cố quên hết căn phòng trống tin anh, chờ e-mail lãng du một mình…” Còn nhiều… nhiều những ca từ đại loại như thế nầy nằm trong các ca khúc trẻ đang được phổ biến trên thị trường Âm Nhạc ở nước ta.

   Chẳng ai phản đối việc ca tụng tình yêu đôi lứa. Tình yêu đôi lứa là một đề tài rất đẹp trong âm nhạc, nó có sức hút mãnh liệt đến tâm tư tình cảm con người, bởi máu còn chảy thì trái tim vẫn còn réo gọi. Đẹp và lãng mạn biết bao một “Gởi Nắng Cho Em" của Phạm Tuyên, một “Hương Xưa" của Cung Tiến, một “Thu Hát Cho Người" của Vũ Đức Sao Biển, và còn biết bao ca khúc hay nói về tình yêu đôi lứa không thể kể hết được.

   Thật ra thì cũng có rất nhiều nhạc sĩ trẻ tài năng, nhưng hình như cũng chưa thoát ra được vòng quay quá mạnh của nền kinh tế thị trường nên chưa định được cho mình một hướng đi riêng, có ý nghĩa làm đẹp đời. Tiếc quá ! ! ! Biết bao là đề tài sinh động trong đời sống thực tiễn và trong thiên nhiên muôn màu muôn vẻ để khai thác: giặc đói, giặc nghèo, trẻ em mồ côi khuyết tật, tệ nạn xã hội….Nghệ thuật chính là địa hạt của rung cảm trong cảm thông và chia sẻ, nhất là lãnh vực âm nhạc.

Tôi còn nhớ một nhà văn Tây phương nào đó đã nói: "Nếu con người không còn biết đau khổ thì nghệ thuật sẽ hết thức ăn và sẽ chết. Nước mắt của nhân loại chính là thứ sương lộ mầu nhiệm tưới cho cõi trần thế lầm than nầy mọc lên những bông hoa hương sắc diệu kỳ. Đó chính là những tác phẩm nghệ thuật." Vậy tại sao ta cứ ngồi một chỗ, chôn mình trong các phòng trà ngập tràn bia rượu và khói thuốc, không ra ngoài nhìn trời cao bể rộng, nhìn cánh đồng lúa chín ngập tràn nước lũ, nhìn những cánh rừng bị chặt phá một cách thảm thương, nhìn tận mắt các em nhiễm chất độc da cam để cảm thông, chia sẻ ? Tình người, tình đời ở đó, tình yêu đôi lứa cũng phát sinh từ đó. Chẳng phải nhạc phẩm "Tiếng Sông Hương" của Phạm Đình Chương đã ra đời đó sao, rồi “Về Đâu? Hỡi Em Yêu” của Thanh Hà-Xuân Quỳ, "Đứa Trẻ Lang Thang” của Chu Hoàng Thông, và “Em Không Biết" của Thế Hiển v.v…

     Người soạn ca khúc đóng một vai trò rất quan trọng trong việc chuyển tải tư tưởng và cảnh tình đến thính giả mà ca từ là phần cốt lõi. Dù ca khúc được viết với tiết tấu đương đại cách mấy đi nữa cũng không thể nằm ngoài quy luật nầy. Có thế giá trị đích thực của ca khúc mới vượt qua không gian và thời gian để sống mãi trong lòng người nghe. Có những nhạc phẩm ca từ không cao siêu, nhưng lời ca giản dị, mộc mạc dễ hiểu cũng được người nghe đón nhận một cách hoan hỉ, chân tình. Là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với con người, nhưng không phải người nào cũng đòi hỏi phải được ăn cao lương mỹ vị. Con người vốn thích nghi với hoàn cảnh, một dĩa rau muống luộc chấm với mắm nêm cũng cho được một bữa cơm ngon miệng với gia đình nghèo khó. Còn gì mộc mạc và lãng mạng bằng một “Nắng Chiều" của Lê Trọng Nguyễn, một “Tiếng Lòng" của Hoàng Trọng, một “Bài Thơ Hoa Đào" của Hoàng Nguyên… Một ca khúc hay không bắt buộc phải có ca từ cao xa, siêu thực mà cần có nội dung rõ ràng để người nghe cảm nhận được tình, ý của tác giả muốn nói gì, gởi gắm gì trong tác phẩm của mình. Món ăn không cần cao lương mỹ vị, nhưng phải lành, sạch, hợp với khẩu vị thì ăn vào hẳn là ngon miệng, dễ tiêu hóa. Ngược lại, dù cao lương mỹ vị mà trộn lẫn nhiều thứ chua, cay, mặn, ngọt quá thì ăn vào ắt phải khó tiêu, mà đã không tiêu hóa được thì sinh ra đầy hơi, thương thực.

   Gần đây, không hiểu vô tình hay cố ý mà một số nhạc sĩ trẻ sáng tác ca khúc có khuynh hướng nặng về phần tiết tấu hơn ca từ. Chẳng hiểu sự việc đáng tiếc nầy xảy ra do chủ quan hay khách quan (?) Dẫu vì lý do nào đi nữa, cũng mong những ai có tâm huyết hãy xem lại vấn đề để các tài năng trẻ có hướng đi đúng hơn trong việc soạn ca khúc.

Tuyền Linh


READ MORE - VAI TRÒ CỦA NGƯỜI SOẠN CA KHÚC VÀ Ý NGHĨA CỦA CA TỪ - Tuyền Linh

NỖI NHỚ KHÔNG TÊN - thơ Huy Cận Đông Hà



Nỗi Nhớ Không Tên

Chao nghiêng nỗi nhớ không tên
Bỗng nghe hiu quạnh chênh vênh phận người
Tình ơi sao mãi chơi vơi
Người trong giấc mộng lả lơi phương nào

Tim câm điếc đếm xanh xao
Để cho nỗi nhớ chênh chao luân hồi
Hồn lơ lửng một đơn côi
Ta cất đắm đuối, chờ môi nhân tình

Thân trần mòn mỏi một mình
Đêm dài ướt đẫm dáng hình người thương
Nhớ ôi nhớ một làn hương
Bâng khuâng khắc khoải tơ vương trang đài

Ta thao thức suốt đêm dài
Nghe tình trống vắng phôi phai bên đời
Nữa hồn lên đỉnh sầu... rơi
Người xưa mù mịt, rã rời ... hoang vu ...



                  Huy Cận Đông Hà
READ MORE - NỖI NHỚ KHÔNG TÊN - thơ Huy Cận Đông Hà

THÁNG BẢY - thơ Phạm Hòa Việt


















THÁNG BẢY

Tháng bảy ươm  hồng giọt nắng mai
Gió vờn tóc rối nụ hôn dài
Mây chưa che nửa vầng dương sáng
Một khoảng chân trời lộ dáng ai…

Tháng bảy sương mai ướt áo ngoài
Mà lòng vẫn ấm lúc kề vai
Bên nhau cho trọn tình ấp ủ
Cho sợi mưa ngâu khỏi lạc loài….

Tháng bảy cà phê ly trong hơn
Bên em rót mật quậy thay đường
Quán chưa thêm khách em nhàn rỗi
Đậm  nét hồng nhan khỏi tủi hờn…

Tháng bảy em say festival
Biển Nha Trang thấp thoáng hoa vàng
Em hòa vũ điệu trong vòng ái
Trong cả trời cao mây lang thang…

Tháng bảy lá rơi vườn địa đàng
Em tìm chi khi nắng đi hoang
Khi tình đã đọng trong tim ấm
Ôm  ấp men đời lửa chứa chan…

PHẠM HÒA VIỆT


READ MORE - THÁNG BẢY - thơ Phạm Hòa Việt

SỰ CẦN THIẾT - thơ Trúc Thanh Tâm


Tác giả Trúc Thanh Tâm










SỰ CẦN THIẾT

Hãy mạnh dạn thả ra
Những cái đúng từ lâu ràng buộc

Hãy mạnh dạn nhốt lại
Dù đó là lương tâm
Nhưng đã cỗi già, bệnh hoạn

Hãy mạnh dạn thả ra
Những con người thực chất
Bởi trong họ những niềm tin sáng rực
Ôm trong lòng hoài bão của nhân dân

Hãy mạnh dạn nhốt lại
Dù đó là thời trang
Dù đó là quan điểm
Dù đó là quý hiếm
Nhưng không còn thiết thực với quê hương!

 Châu Đốc, 1990

TRÚC THANH TÂM
READ MORE - SỰ CẦN THIẾT - thơ Trúc Thanh Tâm

GỬI TUỔI 20 - thơ Nguyễn Đỗ Thùy Dương


Ảnh do tác giả cung cấp.


GỬI TUỔI 20

Gửi những chàng trai tuổi 20
Những bông hoa mào gà giản dị
Những bông hoa chứa chan tình đất Mẹ
Nở hoa thơm ngát dâng đời
81 ngày đêm lửa đạn tơi bời
81 ngày đêm đã xa rời – ký ức
Vẫn trẻ mãi những trái tim trong ngực
"Đò ơi, khe khẽ xuôi dòng"…
Bè hoa trôi gửi nỗi khát mong
Nếu có thể dưới đáy sông nằm thay bạn

Những dòng lệ tháng năm không cạn
Hòa vào dòng trôi Thạch Hãn ngậm ngùi
Hãy về đây đồng đội của tôi ơi
Khói hương nhòe trong ánh chiều chấp chới
Mẹ lưng còng tháng năm mòn mỏi
Em thẫn thờ trước dòng nước đau thương
Xin hãy về đây cho những phút nhớ mong
Được bão hòa bao tháng ngày ngóng đợi
Được vỡ òa bao nhiêu buồn tủi
Dòng sông chảy mãi – rưng rưng dòng đời! 
        
Ucraina, 24/6/2015.
Nguyễn Đỗ Thùy Dương


READ MORE - GỬI TUỔI 20 - thơ Nguyễn Đỗ Thùy Dương

TRÔI... - Thơ Trần Mai Ngân



                              Tác giả Trần Mai Ngân



TRÔI...

Tôi trôi theo con nước lớn ròng 
Có khi con nước mồ côi đứng yên
Đám Lục Bình bềnh bồng ngạc nhiên
Đời đôi lứa triền miên...


Tôi trôi theo khóc cười vô định 
Ở nơi kia câu chuyện não lòng
Có giọt nước mắt chảy ngược vào trong
Tôi không hay mình khóc !


Tôi trôi theo đám đông đùa giỡn 
Những câu khôi hài bi ai cuộc sống 
Cũng có lời yêu vụng về lóng ngóng
Tôi cười - không thật với tôi !


Tôi trôi theo anh - trôi theo con
Những buồn vui đôi lúc mỏi mòn 
Cho tôi xin một lần đứng lại
Thật an bình về thuở khai sinh !

                          Trần Mai Ngân
                            28 - 8 - 2011

READ MORE - TRÔI... - Thơ Trần Mai Ngân

TRẬN RƯỢU NHỚ ĐỜI - Truyện vui của Đặng Xuân Xuyến



    Tác giả Đặng Xuân Xuyến



               TRẬN RƯỢU NHỚ ĐỜI

                         Truyện vui của Đặng Xuân Xuyến


Một bận, không biết “cú” chuyện gì, Thắng xuống nhà “gạ” LÃO lên Triệu Việt Vương “nếm” rượu. LÃO là thằng thích rượu, khi uống, cứ tì tì chén 1 chén 1; đã uống là phải uống cho đã, phải “tưng tửng” say mới chịu rời bàn. Còn Thắng, thuộc thành phần thêm người cụng chén cho rôm rả nên LÃO lấy điện thoại, định gọi thêm chiến hữu thì Thắng cản: - “Hôm nay em có chuyện muốn nói với anh. Chỉ anh em mình ngồi với nhau.”. Thấy lạ, nhưng nghĩ chắc cu em muốn tâm sự chuyện gia đình, chuyện học hành, hoặc chuyện yêu đương... nên LÃO gật đầu.


Hết ly thứ 2, Thắng hít hơi dài, vẻ nghiêm chỉnh, thấp giọng: - Em hỏi, anh nói thật nhé! Anh thấy em thế nào?


LÃO cười, nâng ly rượu lên định ực cái thì Thắng giữ lại, khẩn khoản: - Em hỏi nghiêm túc đấy. Anh trả lời đi.


Nhìn thái độ của Thắng, LÃO thấy ngộ ngộ nên phì cười, bắn tung tóe ngụm rượu ra bàn. Thắng cau mày, gọi ly khác, rồi giao hẹn: - Anh trả lời em đã rồi anh em mình 100% chén này.


LÃO trố mắt nhìn Thắng. LÃO ngạc nhiên vì Thắng chưa từng thế trong bàn nhậu. Đặt ly rượu xuống, LÃO hỏi: - Chú muốn hỏi anh về vấn đề gì? Cứ chung chung thế, anh biết trả lời sao?


Thắng ngập ngừng: - Thì... Anh nhận xét thật vô tư... Em có thông minh không?


Uầy... Cái thằng này! LÃO phì cười, trả lời: - Không dưng lại hỏi anh câu đó? Anh em chơi bời, cơ bản gặp nhau nơi quán xá, biết sao mà nói? Nhưng thật lòng, anh thấy chú là người sáng dạ, lanh lợi và chân thật!


Thắng đứng dậy, oang oang giọng: - Bắt tay anh cái! Em đoán thế nào anh cũng nói vậy!


Cụng ly 100% xong. Thắng gọi tiếp 2 ly, lại hỏi: - Thế anh thấy anh Hoa thế nào?


LÃO thật lòng: - Cử chỉ của Hoa dịu dàng, mềm mại. Giọng của Hoa hơi thím, hơi mợ. Nhưng Hoa là người trực tính, tốt tính! Chơi được!


Thắng gặng: - Anh thấy anh Hoa có “bị ái” không?


LÃO thoáng lăn tăn: - “Thằng này hôm nay sao vậy? Toàn chuyện ba láp ba xạo!” nhưng vẫn nhẹ nhàng: - Gặp Hoa có 2 lần, anh sao biết Hoa “bị ái” hay không? Sách tướng nói, đàn ông mà trông mặt như con gái, thường là đĩ lắm, chuyện “trai trên gái dưới” thuộc bậc thầy. Nhìn eo ẻo nhưng chắc gì đã “ái”, có khi còn “hay” gái hơn mấy ông ngời ngời nam tính.


Thắng vỗ đùi đét cái, giọng hỉ hả: - Đúng! Đúng! Lớp em gọi anh ấy là Hoa mái nhưng sát gái lắm anh ạ! Bắt tay anh. 100%  vì nhận xét của anh!


Ực cái hết ly rượu. Thắng gọi tiếp 2 ly nữa.


Thái độ khác thường, rất lạ của Thắng làm LÃO dè dặt: - Chú sao thế? Hôm nay chú uống hơn mọi khi rồi đấy.


Thắng ấn ly rượu vào tay LÃO, giọng nghe chừng đã ngấm chút mềm ướt, trơn trượt của chất cay: - Anh an tâm! Em sẽ đèo anh an toàn về tận nhà. Giờ em hỏi tiếp một câu, anh phải trả lời thật đấy.
LÃO chột dạ, thầm nghĩ: - “Thằng em dại này cay cú chuyện gì đây? Chắc định mượn rượu để khai thác mình? Dại lắm cu em. Lẽ ra, đợi anh tì tì thêm vài chén, rồi hãy túc tắc 100 % thì anh sẽ “đứt cước”. Được! Chú định “chơi” anh thì anh cho chú gục, mà trận gục này anh sẽ cho chú nhớ đời!”


LÃO cầm ly lên, xoay người, khinh khỉnh: - Uống được nữa không? Uống xong ly này, chú ngủ luôn tại bàn, sớm mai anh lên đón nhỉ?
Thắng bật cười, quơ tay chém gió rất mạnh: - Anh coi thường thằng em quá.


Rồi ực cái hết ly rượu.


Khoát tay gọi tiếp 2 ly nữa. Giọng Thắng bắt đầu có độ deo dẻo, nhừa nhựa: - Nói thật, lẽ ra em đếch chơi với anh đâu. Nhưng anh biết tại sao em lại xin làm chỗ anh không? Anh nói đi... Anh có biết tại sao không? Nói thật nhé. Anh làm sao trả lời ngay được... Phải động não mười mấy ngày nữa, may ra anh mới đoán được...


LÃO vừa bực, vừa buồn cười. Thầm nghĩ: -“Thằng em dại này, đúng là ngựa non háu đá! Hôm nay, anh sẽ cho chú trận nhớ đời, để chú rút kinh nghiệm.”


Vân vê ly rượu, xoay xoay vài vòng, rồi nâng lên, khẽ chạm môi, LÃO hít hà cái thật sâu, giọng cà tửng, cà tửng: - Sao anh biết được! Chú giấu kín trong lòng, thánh cũng chả biết, nói gì anh! Nào! 100% chén này để anh đoán thử xem có trúng không?
Thắng cười cười, tay khoắng gió: - Uống thì uống, chứ anh làm sao mà đoán được... Nào! 100% thì 100%!


Ực! Ực! Thế là xong ly rượu.


Thắng lại khoát tay: - Ê, phục vụ! Cho 2 ly nữa... 2 ly nữa... Nhanh!
LÃO cười thầm: - “Thằng em dại! Rượu bắt đầu nhảy múa rồi. 


Chuẩn bị tinh thần, anh cho mày đứt....”. Rồi  giơ tay đón 2 ly rượu từ cậu phục vụ, LÃO cũng líu nhíu: - Ơ... Cái cậu này... 2 ly... 2 ly là...là 4 ly... sao chỉ có 2 ly?. Cậu... coi thường anh Thắng quá.

Gườm gườm nhìn cậu phục vụ, Thắng nhấc ly rượu, ngửa cổ ực cái, rồi khoát tay: - 2 ly... 2 ly là 4 ly.... Mày coi thường anh Thắng mày quá. Mang 2 ly... 2...ly nữa ra đây...


LÃO tủm tỉm cười rồi lại líu nhíu phụ họa: - Ơ... Cái cậu này... Nhanh...nhanh lên... 2 ly...tiếp 2 ly nữa để các anh còn tâm sự...


Thắng khục khục đầu, giọng cố tỉnh: - Hỏi thật nhé. Thế... từ nãy, anh đã nghĩ ra chưa?


LÃO nhìn Thắng, lắc đầu. Thắng vỗ đùi đét cái, cười đắc thắng: - Biết ngay mà! Anh làm sao mà nghĩ ra được... Anh biết tại sao không? Vì nhìn anh rất ngứa mắt! Anh có biết vì sao nhìn anh ngứa mắt không? Vì anh rất kiểu cách, rất kiêu ngạo.... Nói chung là ngứa mắt, rất ngứa mắt... Chỉ muốn đấm một cái, không, phải vài cái thật mạnh vào mặt anh mới đỡ ngứa mắt...


LÃO nóng mặt. LÃO muốn thọi quả đấm vào mặt thằng em cho hả giận. Nhưng nhìn dáng ngồi xiêu vẹo, ánh mắt chuyển dần sang lờ đờ của nó, LÃO chùng lòng, LÃO thấy mình có lỗi. LÃO thả lỏng hai bàn tay, hít hơi thật sâu, rồi bảo: - Ừ. Thế giờ chú còn muốn đấm anh vài phát cho hết ngứa mắt không?


Thắng rướn mắt, rè giọng: - Anh hỏi ngu thế? Giờ là anh em, sao lại ngứa mắt?


Biết Thắng đã ngấm rượu, không làm chủ được mình, LÃO dừng cuộc nhâu, dìu Thắng ra xe.


Bước ra cửa, Thắng ghé tai LÃO, cằn nhằn: - “Anh kéo thế này, làm em bẽ mặt với mọi người. Có tí rượu, đã say sao được.”. Rồi xoay người, đối diện với LÃO, Thắng gật gù, gật gù: - “Em nói thật... em... em...”. Rồi: - “Ợ...Ợ...Ợ...”. Một mớ “sản phẩm” của bữa nhậu từ miệng Thắng thốc tháo xối vào người LÃO..

.
Ôm chặt LÃO, Thắng lẩm bẩm: - Em xin lỗi! Em say rồi anh ơi....
Xoay người, dìu Thắng ra xe, LÃO nhăn mặt, thấy một vệt thẫm bên ống quần của Thắng đang loang dần, loang dần, chảy dài xuống đất...


                                                 Đặng Xuân Xuyến


READ MORE - TRẬN RƯỢU NHỚ ĐỜI - Truyện vui của Đặng Xuân Xuyến