Vai Trò của Người Soạn Ca
Khúc
và Ý Nghĩa của Ca Từ
Trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề ca từ trong một số ca khúc
đương đại Việt Nam đã làm cho khán thính
giả yêu âm nhạc quan tâm khá nhiều.
Trong bài nầy, người
viết không có ý kiến gì về kỹ thuật hòa âm, giai điệu, tiết tấu, mà chỉ đơn
thuần đề cập đến ca từ trong một số ca
khúc Việt Nam đang được thịnh hành.
Như chúng ta đã biết,
ca khúc trong âm nhạc là một bộ môn văn nghệ có sức lôi cuốn mãnh liệt đối với
con người. Ca khúc nói lên cái hay, cái đẹp của con người và thiên nhiên trong
vũ trụ bao la rộng lớn. Bằng hình thức cụ thể hay trừu tượng, ca khúc có thể
miêu tả (musique descriptive ) hay mô phỏng (musique imitative ) một cách
sinh động và hùng hồn những sinh hoạt đời thường xảy ra hàng ngày trong cộng
đồng xã hội. Ngoài ra, ca khúc còn có thể nói lên những ý niệm, những tư tưởng
sâu xa, uyên bác, cho con người những mỹ cảm (emotion esthétique) - thứ
khoái cảm đặc biệt của con người ở trên muôn vật: một chiếc lá vàng rơi rụng
cuối Thu, một ánh sao băng trong bầu trời đêm u tịch, tia ráng chiều rọi xuống đàn mục đồng đang nằm vắt vẻo
trên lưng trâu suốt nẻo đường về; bước chân khập khiễng của bà mẹ già đang lần
tìm mộ con ở nghĩa trang để thắp nén nhang thương nhớ, tiếng suối reo, tiếng
chim hót, tiếng ve râm ran giữa buổi trưa hè … Tất cả những âm thanh và hình
ảnh ấy là những giao ngộ hữu hình hay vô hình của con người với con người và
của con người với thiên nhiên, sự vật. Nó thật sự không thể thiếu trong chúng
ta. Chẳng phải một “Gởi Nắng Cho Em" của NS Phạm Tuyên được ra đời đó sao?
Như thế, ta thấy ca khúc đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh
thần của con người. Vậy người viết ca khúc nên nghĩ gì, làm gì?
Trước khi nói đến vai
trò và sứ mệnh của người viết ca khúc, tưởng cũng nên định nghĩa và phân tích
sơ qua về danh từ ca khúc.
Định nghĩa một cách nôm na, dựa trên hai chữ ca khúc
(pièce chantée), ta thấy rõ danh từ nầy được chia làm hai phần: lời ca và
khúc nhạc. Cũng dựa theo định nghĩa và phân tích trên, ta thấy giá trị một ca
khúc cũng chia làm hai phần: một nửa cho giai điệu tiết tấu và một nửa cho ca
từ. Vậy để có một ca khúc có giá trị đích thực thì người viết ca khúc phải hoàn
thành tác phẩm của mình có đủ cả hai phẩm chất nêu trên. Tuy thế, nếu nghĩ cho
thật sâu, sát thì ảnh hưởng của ca từ đến tinh thần và tư tưởng người nghe
nhiều hơn giai điệu. Một ca khúc có phần hòa âm nghèo nàn, giai điệu tiết tấu
gập ghềnh trắc trở, khi được tấu lên, cùng lắm làm cho người nghe nhàm chán, và
tất nhiên, sau đó họ sẽ quên ngay. Trái lại, phần ca từ dù không hay, nhưng lời
ca có phần tượng hình, không trong sáng, thì không nhiều cũng ít có ảnh hưởng
đến người nghe, nhất là giới trẻ. Trong thực tế cuộc sống, ta thấy cái xấu, cái
dở bao giờ cũng ảnh hưởng đến tuổi trẻ mạnh hơn cái tốt, cái hay. Vậy văn nghệ
sĩ nói chung và người viết ca khúc nói riêng phải làm gì để giúp họ vượt qua
lằn ranh giữa xấu và tốt nầy, để họ chọn được hướng sống đúng? Theo thiển ý
của tôi, người văn nghệ sĩ phải có hướng đi đúng trước đã.
Đất nước ta đã trải qua
bao nhiêu năm chiến tranh, tuy hiện tại sống trong cảnh thái bình nhưng chưa
phải là một nước giàu mạnh. Đất nước còn cần đến biết bao chất xám để góp phần
xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn lên. Như thế, ta thấy trong lãnh vực
văn hóa nghệ thuật, người viết ca khúc đóng một vai trò rất quan trọng trong
việc xây dựng đất nước. Vì lẽ ấy, ta không nên áp dụng triệt để quá khẩu hiệu “nghệ thuật vị nghệ thuật" mà quên đi
nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta. Đành rằng sáng tác ca khúc là một việc làm
cá nhân của người nhạc sĩ, nhưng người viết ca khúc chân chính cũng không nên
độc lập với đời, ngồi trong tháp ngà mà sáng tác; nên thực tiễn cuộc sống để
viết lên những ca khúc hay cho đời đơm hoa kết trái. Hãy gần gũi với khẩu hiệu
“nghệ thuật vị nhân sinh" để chia sẻ với người, với đời. Âm nhạc cho con
người nghe để phát sinh hứng thú, để được nhìn xa hiểu rộng, để cảm thông tư
tưởng và kết liên. Người viết ca khúc đừng nên mải mê với rung cảm cá nhân mà
quên bẵng đi thực tại xã hội, cộng đồng. Chúng ta đừng quên rằng cá nhân là một
thực tại của xã hội, liên quan mật thiết đến xã hội. Chẳng thể nào tách mình ra
ngoài xã hội được. Dù muốn hay không muốn cũng tương quan ảnh hưởng lẫn nhau.
Ca khúc là một tác phẩm văn nghệ và cũng là con đẻ của xã hội, văn nghệ lạc
hướng thì xã hội băng hoại. Văn nghệ sĩ nói chung và nhạc sĩ nói riêng nên lãnh
một sứ mệnh trong công tác giáo dục xã hội, vạch hướng đi trong sáng cho xã
hội, xây dựng xã hội, bởi văn nghệ ảnh hưởng rất sâu xa đến xã hội. Một nhạc sĩ
sáng tác nên cần có sự cọ xát thực tiễn, có thế mới xúc động tâm tình để sáng
tác. Sáng tác một ca khúc không chỉ giải bày tâm tư cho riêng mình mà còn có
nhiệm vụ giải bày tâm tư của người khác trong cộng đồng xã hội nữa. Ca khúc
chính là gạch nối gắn liền giữa nhạc sĩ với đời, vì nhạc sĩ chẳng những là kỹ
sư âm thanh mà còn là kỹ sư tâm hồn của mình và của cả quần chúng. Người nhạc
sỹ dùng kỹ thuật âm thanh cùng ý nghĩa lời ca để giúp đời nhìn rõ đường lối
chân chính trong cuộc sống. Một ca khúc hay là một ca khúc kết tinh được tình ý
sâu sắc, chẳng những nói lên được vẻ đẹp cá nhân mà còn cho người thưởng thức
thấy được cái thật, cái đẹp của xã hội nữa. Nghệ thuật thơ văn hay âm nhạc bao
giờ cũng nói lên được cái thật, cái đẹp (thật ngoài vũ trụ, thật trong khoa học
khách quan, và nhất là trong tâm lý) hợp với đạo lý, mong làm đẹp cho tâm tính
con người. Cái thật, cái đẹp vào đời nào, thời nào cũng được tôn vinh cả. Tiếc
thay, ý thức được cái đẹp và cái thật lại bị hạn chế trong con người. Từ sự hạn
chế nầy đã đưa đẩy đến sự nhận định sai lầm về giá trị cái đẹp, cái thật của
một số người làm văn nghệ khiến họ lai căng, lạc hướng. Thậm chí có ca sĩ đã
thành danh vững vàng, tuổi cũng đã gần lão bà mà còn ăn mặc hở rốn, hở đùi lên
sân khấu nhún nhảy, lắc lư trông thật tội nghiệp. Tiếc quá! Tiếc quá!!! Xin
đừng lẫn lộn cái thật, cái đẹp của một bức tranh khỏa thân với cái thật của một
ca sĩ hở rốn, hở đùi trên sân khấu. Nhãn quan tự nó đã có sự phân tích, lý
luận, đam mê lẫn cám dỗ riêng của nó.
Trở lại vấn đề sáng tác
ca khúc, những năm gần đây một số nhạc sĩ trẻ vẫn đam mê "nghệ thuật vị nghệ
thuật", có khuynh hướng cá nhân trong các đề tài sáng tác. Gặp thời buổi công
nghệ điện tử phát triển, họ ngồi trước màn hình internet để: “chiều chiều lang thang internet, em thì đi vào một trang web
buồn…” hay “triệu thông tin vẫn nghe lạc loài, cố quên hết căn phòng trống tin
anh, chờ e-mail lãng du một mình…” Còn nhiều… nhiều những ca từ đại loại như
thế nầy nằm trong các ca khúc trẻ đang được phổ biến trên thị trường Âm Nhạc ở
nước ta.
Chẳng ai phản đối việc
ca tụng tình yêu đôi lứa. Tình yêu đôi lứa là một đề tài rất đẹp trong âm nhạc,
nó có sức hút mãnh liệt đến tâm tư tình cảm con người, bởi máu còn chảy thì
trái tim vẫn còn réo gọi. Đẹp và lãng mạn biết bao một “Gởi Nắng Cho Em" của Phạm Tuyên, một “Hương Xưa" của Cung Tiến, một “Thu Hát Cho Người" của Vũ Đức Sao Biển, và còn biết bao ca khúc hay nói về tình yêu đôi lứa
không thể kể hết được.
Thật ra thì cũng có rất
nhiều nhạc sĩ trẻ tài năng, nhưng hình như cũng chưa thoát ra được vòng quay
quá mạnh của nền kinh tế thị trường nên chưa định được cho mình một hướng đi
riêng, có ý nghĩa làm đẹp đời. Tiếc quá ! ! ! Biết bao là đề tài sinh động
trong đời sống thực tiễn và trong thiên nhiên muôn màu muôn vẻ để khai thác:
giặc đói, giặc nghèo, trẻ em mồ côi khuyết tật, tệ nạn xã hội….Nghệ thuật chính
là địa hạt của rung cảm trong cảm thông và chia sẻ, nhất là lãnh vực âm nhạc.
Tôi còn nhớ một nhà văn Tây phương nào đó đã nói: "Nếu con người
không còn biết đau khổ thì nghệ thuật sẽ hết thức ăn và sẽ chết. Nước mắt của
nhân loại chính là thứ sương lộ mầu nhiệm tưới cho cõi trần thế lầm than nầy
mọc lên những bông hoa hương sắc diệu kỳ. Đó chính là những tác phẩm nghệ thuật." Vậy tại sao ta cứ ngồi một chỗ, chôn mình trong các phòng trà ngập tràn bia
rượu và khói thuốc, không ra ngoài nhìn trời cao bể rộng, nhìn cánh đồng lúa
chín ngập tràn nước lũ, nhìn những cánh rừng bị chặt phá một cách thảm thương,
nhìn tận mắt các em nhiễm chất độc da cam để cảm thông, chia sẻ ? Tình người,
tình đời ở đó, tình yêu đôi lứa cũng phát sinh từ đó. Chẳng phải nhạc phẩm "Tiếng Sông Hương" của Phạm Đình Chương đã ra đời đó sao, rồi “Về Đâu? Hỡi Em Yêu” của Thanh Hà-Xuân Quỳ, "Đứa Trẻ Lang Thang” của Chu Hoàng Thông,
và “Em Không Biết" của Thế Hiển v.v…
Người soạn ca khúc
đóng một vai trò rất quan trọng trong việc chuyển tải tư tưởng và cảnh tình đến
thính giả mà ca từ là phần cốt lõi. Dù ca khúc được viết với tiết tấu đương đại
cách mấy đi nữa cũng không thể nằm ngoài quy luật nầy. Có thế giá trị đích thực
của ca khúc mới vượt qua không gian và thời gian để sống mãi trong lòng người
nghe. Có những nhạc phẩm ca từ không cao siêu, nhưng lời ca giản dị, mộc mạc dễ
hiểu cũng được người nghe đón nhận một cách hoan hỉ, chân tình. Là món ăn tinh
thần không thể thiếu đối với con người, nhưng không phải người nào cũng đòi hỏi
phải được ăn cao lương mỹ vị. Con người vốn thích nghi với hoàn cảnh, một dĩa
rau muống luộc chấm với mắm nêm cũng cho được một bữa cơm ngon miệng với gia
đình nghèo khó. Còn gì mộc mạc và lãng mạng bằng một “Nắng Chiều" của Lê
Trọng Nguyễn, một “Tiếng Lòng" của Hoàng Trọng, một “Bài Thơ Hoa Đào" của Hoàng Nguyên… Một ca khúc hay không bắt buộc phải có ca từ cao xa, siêu
thực mà cần có nội dung rõ ràng để người nghe cảm nhận được tình, ý của tác giả
muốn nói gì, gởi gắm gì trong tác phẩm của mình. Món ăn không cần cao lương mỹ
vị, nhưng phải lành, sạch, hợp với khẩu vị thì ăn vào hẳn là ngon miệng, dễ
tiêu hóa. Ngược lại, dù cao lương mỹ vị mà trộn lẫn nhiều thứ chua, cay, mặn,
ngọt quá thì ăn vào ắt phải khó tiêu, mà đã không tiêu hóa được thì sinh ra đầy
hơi, thương thực.
Gần đây, không hiểu vô
tình hay cố ý mà một số nhạc sĩ trẻ sáng tác ca khúc có khuynh hướng nặng về phần
tiết tấu hơn ca từ. Chẳng hiểu sự việc đáng tiếc nầy xảy ra do chủ quan hay
khách quan (?) Dẫu vì lý do nào đi nữa, cũng mong những ai có tâm huyết hãy xem
lại vấn đề để các tài năng trẻ có hướng đi đúng hơn trong việc soạn ca khúc.
Tuyền Linh
No comments:
Post a Comment