Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, February 17, 2012

THƠ XƯỚNG HỌA - Nguyễn Thanh Xuân và Lê Đăng Mành


Thơ mời hoạ

             CHẠM MIỀN KÝ ỨC
              Lê Đăng Mành

             Ngậm ngùi nuối tiếc tuổi ngây thơ
             Níu gối thời gian bóng hững hờ
             Quân tử bâng khuâng tìm ngõ dại
             Thuyền quyên mộng tưởng gối thềm mơ
             Giai nhân chằm nón nghiêng vành nguyệt
             Măc khách chuốt vần níu sóng thơ
             Mưa bão quê còn chao chác vỗ
             Thì đây ký ức chạm tung bờ./                        
              lamnguyethien        
                 Thương tặng nghề nón quê tôi !
                (Ở Huế bán nón mua chữ để thành người) 


Bài hoạ 1

             THẬT BẤT NGỜ
             Nguyễn Thanh Xuân

             Ở đây có nón…nón bài thơ
             Là chủ nhân hay bạn ngóng hờ ?
             Kìa khóm trúc mai kề “Vọng Nguyệt”
             Đây đôi én bạc liệng “Đồi Mơ”
             Rộn ràng thoả nguyện ngày xuân đẹp
             Ao ước cháy lòng lúc tuổi thơ
             Quà nhỏ tớ làm xin biếu tặng

             …“Ước gì chung nhịp giữa đôi bờ”(1)

             ………………………………

             (1) Nói thầm

  
Bài hoạ 2                  

            VỘI

             Mười sáu tuổi đang là trẻ thơ
             Nôn nao tìm liễu chẳng ơ hờ
             Phơi trần khờ dại trong đời hực
             Dấu kín “khôn ngoan”giữa giấc mơ
             Lấp lánh khuôn trăng tròn những khuyết
             Chông chênh trang sách mộng và thơ
             Thuyền ai chao đảo nghiêng vành nón
             Những muốn đẩy xô cập bến bờ./.


 Bài mời hoạ

             TÌNH YÊU VÔ B
             Lê Đăng Mành

             Gỡ  võ nứt chồi phơi giữa xuân
             Đời quăng oan trái chạm tình nồng
             Valentin tình yêu thần thánh
             Về  hội tâm từ với á  đông./



Bài hoạ

            NÍN CHỊU
            Nguyễn Thanh Xuân

             Đâu rồi ngọn lửa giữa trời xuân
             Càng dập càng sôi lại cháy nồng
             Hạ đến thu về thôi nán lại
             Xin đừng đi tiếp hết ngày đông!
READ MORE - THƠ XƯỚNG HỌA - Nguyễn Thanh Xuân và Lê Đăng Mành

Hồ Sĩ Bình – ĐƯỜNG XƯA ÁO LỤA



Hơn nửa thế kỷ trước, một lần ngắm con đường Lê Lợi trong giờ tan trường, nhà thơ Phan Phụng Thạch đã viết: Khi trở lại con đường xưa áo lụa / Hàng cây sao vẫn đứng đợi em về / Em không về nên cây buồn lá úa / Anh cũng buồn đi giữa nắng chơ vơ.
Nhà thơ gọi đó là “con đường áo lụa” bởi với nhiều thế hệ học trò xứ Huế, con đường ven bờ sông Hương ấy mãi mãi đi vào ký ức những hình ảnh thuộc về thế giới học trò. Từ thời Pháp thuộc, áo tím Đồng Khánh bâng khuâng một màu rất Huế; về sau đổi thành màu trắng. Giờ tan học đường Lê Lợi ngập tràn áo trắng, bồng bềnh như dòng sông… lụa lan toả khắp nơi.



Đường học trò và đường của bốn mùa

 Áo trắng ngược Nam Giao, Bến Ngự, về Vĩ Dạ, qua Tràng Tiền. Áo trắng xuống đò Thừa Phủ qua tả ngạn hướng lên Kim Long, vô thành Nội. Hình ảnh áo lụa thinh không, môi hồng đào ríu rít như đàn chim trong nhạc Trịnh cũng thuộc về nơi này. Những khi ấy con đường như phô diễn hết nét đẹp lộng lẫy mà tinh khiết của màu trắng lụa là tinh khôi học trò giữa cái rạo rực nôn nao của mối âu lo mất còn, chợt rào rạt đến đó rồi tan loãng ra đi.

Hai bên đường là hàng cây long não, cây muối, phượng vĩ và những công viên đầy cây lá, dọc bờ sông những thảm cỏ nối đuôi nhau. Cảnh sắc thiên nhiên, dòng sông bãng lãng và những bến đò ngang giăng mắc đã khắc hoạ cho con đường thêm thơ mộng. Cây cỏ bốn mùa thay đổi. Mùa xuân hoa muối trắng bay rì rào, rực rỡ hoa hoè màu vàng đánh thức những giấc mơ đèn sách trong mùa thi cử. Mùa hè phượng đổ lửa lên trời xanh và… rưng rưng ngày chia tay. Khi cây ngô đồng trong công viên Tứ Tượng bên bờ Hương giang rụng lá báo hiệu mùa thu về. Đông đến, những cây bàng nhuộm màu đỏ thẫm rồi rụng hết để chở những nỗi buồn lê thê của từng cơn mưa xứ Huế.

Lê Lợi còn là con đường lịch sử của đất kinh xưa. Ngôi trường Quốc Học gắn liền với nhiều tên tuổi như Nguyễn Sinh Cung, Trần Phú, Phan Đăng Lưu, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... và nhiều nhà văn hoá lớn, nhà thơ, nhà văn Xuân Diệu, Huy Cận…
Sau này, Lê Lợi lại là con đường của  học đường với sự xuất hiện Đại học Luật khoa, Văn khoa, Khoa học, Đại học Sư phạm, trường trung học Trần Hưng Đạo, trường trung học Kiểu Mẫu… Thư viện đại học Huế được biết đến là một trong vài thư viện hàng đầu của cả nước bởi khối lượng sách và tư liệu đã có mặt từ rất lâu, cũng là những hẹn hò mơ mộng của sinh viên Huế, để rồi khi ra đi đè nặng một nỗi niềm nhiều khi cả đời người tê buốt.

Con đường đã từng chứng kiến những cuộc xuống đường biểu tình, bãi khoá, tuyệt thực, đốt xe Mỹ của sinh viên học sinh Huế. Mỗi gốc cây, góc phố còn giữ mãi ký ức những ngày bão nổi ấy. Con đường đã trở thành một hình ảnh biểu trưng cho tuổi trẻ của cả nước trong những ngày sục sôi đấu tranh, cả những đau thương uất hận. Và thời ấy, Huế đã trở thành một trong hai cái nôi của phong trào đô thị tại miền Nam, nơi tụ hội của những sinh viên khu vực miền Trung.

Lá muối rụng vàng đường lên Thừa Phủ
Nhạt nhoà nước mắt áo mẹ tìm con.
                                                      (Võ Quê)

                     Các anh về từ đâu không ai hay biết
                     Nhưng mỗi tên người thấp thoáng một giòng sông
                                                                      (Đông Trình)


Đường đi như sông Hương về gặp Huế

Sau ngày hoà bình trở lại, đường Lê Lợi vẫn trắng trong màu áo lụa học trò của nữ sinh trường Hai Bà Trưng, trường Quốc Học. Những biền bãi ven sông xanh mướt, luôn tạo những góc nhìn đầy mê hoặc bởi sự đổi sắc không ngừng của sông Hương. Và bên kia sông những đền đài thành quách “bên ni, bên nớ” thắm sâu nét thời gian trong màu gạch u trầm. Như một cuộc trùng phùng đầy thú vị, khi sông Hương về gặp Huế đã trôi chậm kéo hình cánh cung như một dải lụa mềm. Đường Lê Lợi từ ga kéo đến Vĩ Dạ cũng sóng bước chung đôi.

Những công viên dọc dài bên sông đã xuất hiện những vườn tượng điêu khắc quốc tế, nơi gặp gỡ của những nền văn hóa nghệ thuật điêu khắc Đông Tây hội tụ góp phần đưa Huế hội nhập văn hóa và nghệ thuật điêu khắc sâu hơn với bên ngoài bằng những hình ảnh hiện thực. Và con đường này còn tồn tại những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc hài hòa với không gian trầm mặc của xứ Huế. Đây là những di sản kiến trúc mà giá trị đã được thừa nhận, cùng với lăng tẩm đền đài sông nước thiên nhiên tạo cho Huế trở thành một bài thơ kiến trúc đô thị.

Đi trên con đường này, khách nhàn du luôn có cơ hội để nhìn ngắm sông Hương một cách trọn vẹn. Chỉ cần vài bước, lữ khách có thể rong chơi trên thuyền, cảm nhận nền văn hoá dân gian đầy “mô, tê, chi rứa”, rồi tê tái bâng khuâng bước chân người lãng du trong tâm trạng Lòng quê dờn dợn vời con nước, Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà (Huy Cận).'

Những đêm sâu hay bình minh, tiếng chuông chùa Linh Mụ bên kia sông vọng về loang xa trên mặt nước làm cho tâm hồn trải qua những phút giây tĩnh tại trước xô bồ cuộc sống. Bởi vậy có người đã gọi sông Hương là con sông thiền, con sông vô ưu giữa bao đổi thay thế sự vẫn an nhiên đi qua bao hưng phế phù du, cho dẫu con người luôn nhìn sông bằng tâm cảm của riêng mình.

Những đêm sâu đi về một mình trên con đường đầy bóng cây u thẩm đến rợn người, tôi chợt nhận ra, thế giới không còn thuộc về chúng ta mà chỉ còn thuộc về cây lá, những thời khắc mà con người chợt cảm thấy cô đơn đến tận cùng nếu như không có tiếng vọng chuông chùa bên kia sông làm tỉnh giấc bởi nỗi sợ hãi trước vô cùng.

Mỗi góc phố, mỗi vườn cây, mỗi ngôi nhà đều vấn vương ghi dấu những sự kiện gắn liền  không thể phai mờ trên từng dòng sử ký của hơn 100 năm đầy những thăng trầm dâu bể. Bởi thế, đến Huế chỉ cần lang thang trên đường Lê Lợi là đủ thấm cái hồn xưa cũ của đất cố đô.

Hồ Sĩ Bình
READ MORE - Hồ Sĩ Bình – ĐƯỜNG XƯA ÁO LỤA

MÁI CHUÀ NỖI NHỚ – Hạnh Phương


Tác giả HẠNH PHƯƠNG tên thật : Hoàng Kim Bính. Sinh ngày : 20.5.1947. Người làng Gia Độ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Hiện sinh sống ở ấp Suối Cát 1, xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. 
ĐT: 0985 734 265.
Email: hkbhanhphuong@yahoo.com.vn.



Có những người sinh ra là hành nhân cuộc lữ. Hoặc vì tác động ngoại cảnh gọi mời, hoặc vì khát vọng lý tưởng nội tâm… đành giã biệt quê nhà mà đi.

Giã từ quê nhà, nơi chôn nhau cắt rốn, khách ly canh cánh bên lòng biết bao hình ảnh thân thương: cha mẹ, bà con thân thuộc; lũy tre hàng chuối, bến sông giếng nước đầu làng. Và chẳng hay tự bao giờ, hình ảnh mái chùa đã hòa quyện làm một với quê hương làng nước. Thế nên, với ly khách, hình ảnh ngôi chùa là hình ảnh tác động sâu lắng nhất, đậm nét nhất trong tâm thức.

Ai đã từng đọc thơ Nguyễn Bính:

    Quê tôi có gió bốn mùa
    Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm
    Sương hôm gió sớm trăng rằm
    Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi
    Mai nầy tôi bỏ quê tôi
    Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi bỏ chùa!

Ông Nguyễn bảo quê ông có gió bốn mùa, trăng giữa tháng… nhưng chùa thì có cả quanh năm. Phải chăng cái “có” ấy như là cái có tất yếu, cái có thường trực, cái có bất khả phân ly với quê hương. Và hình như cái có ấy lấn trùm lên mọi quê hương làng mạc Việt Nam, từng thấm đẫm nề nếp văn hóa làng mạc, văn hóa Phật giáo Việt Nam…

Bỏ trăng, bỏ gió có thể bỏ dễ dàng nhưng khi phải bỏ cả chùa thì thi nhân Nguyễn Bính có cảm giác rợn người như đang vấp phải nỗi đau đứt ruột, nên mới thốt lên hai âm tiết thần tự giữa câu thơ lục bát: “chao ôi”!

Nỗi đau lớn nhất trong tâm thức ly khách là phải bỏ ngôi chùa thân thương mà đi, bỏ lại tiếng chuông sớm tiếng mõ chiều đầm ấm quen thuộc mà đi… Vì vậy, trên vạn dặm đường đời, trên dặm trường cát bụi, nỗi nhớ quê nhà man mác, bao giờ hình ảnh ngôi chùa vẫn là hình ảnh đặc thù, sâu đậm được nhớ về, nhớ lại nhiều nhất, bâng khuâng, da diết nhất…





Hãy cùng lắng nghe thi sĩ Huyền Không nhớ chùa:

    Tự thuở ra đi vắng bóng chùa
    Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua
    Trong tôi bừng dậy niềm chua xót
    Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa

Hệt như nhà thơ Nguyễn Bính, cất bước ra đi là canh cánh bên lòng nỗi nhớ. Nỗi nhớ chùa. Ra đi mà hanh thông yên ả thì có thể nỗi nhớ chùa nhẹ nhàng hơn tí chút. Ra đi mà vấp phải lao nhọc vì chuyện hơn thua trên đường đời thì nỗi nhớ chùa càng xuyến xao da diết bội phần.

Mà nhớ chùa thì đâu phải chỉ nhớ nhung duy nhất hình ảnh mái chùa. Nhớ chùa là nỗi nhớ mênh mang trùm cả cảnh chùa. Mà cảnh của chùa không chỉ là cảnh riêng của mái chùa kia. Cảnh của chùa chính là toàn cảnh của quê hương làng nước, toàn cảnh của cả một vùng miền văn hóa đình chùa miếu vũ khắng khít với tổng thể ngàn năm văn hiến Việt Nam:

    Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng
    Có con đường đỏ chạy lang thang
    Có hàng tre gợi hồn sông núi
    Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng.

Đường đất đỏ, hàng tre xanh… hồn sông núi đó quyện với cảnh của chùa, hồn của chùa:

    Có những cây mai sống trọn đời
    Bên hàng tùng bách mãi xanh tươi
    Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa
    Đức Phật từ bi mỉm miệng cười.

Những cây mai, cây tùng, cây bách sống trọn đời là bao nhiêu tuổi? là những mấy trăm năm? Từ ngữ trọn đời khiến người đọc liên tưởng đến độ lâu độ bền, độ không tính đếm được… Đã bao nhiêu năm tháng rồi nơi điện thờ trầm lặng ấy vẫn phảng phất khói hương trầm. Và nụ cười mỉm từ bi vô lượng của đức Phật vẫn cứ mãi mãi như là nguồn ân phước ban phát cho muôn loại quần sinh. Ngôn ngữ bình dị mộc mạc, chân chất, trong sáng của câu thơ “đức Phật từ bi miệng mỉm cười” khiến bạn đọc cảm xúc đến rưng rưng nước mắt. Hình ảnh đức Phật sao mà gần gũi thân thương với chúng ta, với dân làng xóm thôn đến vậy?





Khi đã giới thiệu với người đọc nỗi nhớ một tổng thể bối cảnh thanh bình, an lạc của ngôi chùa với quê hương xứ sở với làng mạc xóm thôn nơi chôn nhau cắt rốn, thiền sư thi sĩ Huyền Không người làng Phương Lang còn nói thêm cho chúng ta nghe nếp sinh hoạt thiền vị nhẹ nhàng thanh thoát, bản sắc truyền thống hàng trăm năm, trú dạ lục thời, bốn mùa tám tiết nơi ngôi chùa đó:

    Tôi nhớ làm sao những buổi chiều
    Lời kinh giải thoát vọng cao siêu
    Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi
    Cầu nguyện dân làng sống mến yêu.

Lời kinh giải thoát cùng tiếng mõ cốc, tiếng chuông ngân… vang vọng cao siêu đến chín tầng trời, ngân nga trầm tích đến bảy tầng địa ngục… ấy chính là pháp âm mầu nhiệm vỗ về hôm sớm cho dân làng ngày hai buổi, sớm đến tối, ngày rồi đêm, sống mà biết mến yêu nhau, đùm bọc che chở lẫn nhau, tối đèn tắt lửa có nhau.

Vì vậy đâu cần phải có cao lương mỹ vị, chẳng vòi vĩnh gì nem công chả phượng, bánh tôm Hồ Tây, chả cá Lã Vọng… chỉ sắn khoai gạo bắp, chỉ với ánh trăng thanh, với ngọn gió lành, với tiếng chuông chùa ngân xa lan xa… thứ lương dược, thiền duyệt thực ấy đủ để nuôi sống dân ta, sống cuộc đời thanh cao, sống cuộc đời bình dị, thanh thản giữa quê hương làng nước thanh bình…

    Tôi nhớ làm sao những buổi chiều
    Lời kinh giải thoát vọng cao siêu
    Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi
    Cầu nguyện dân làng sống mến yêu.
    Vì vậy làng tôi sống thái bình
    Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh
    Sắn khoai gạo bắp nuôi dân xóm
    Xây dựng tương lai xứ sở mình.
    Mỗi tối dân quê đón gió lành
    Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh
    Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi
    An ủi dân lành mọi mái tranh.
    Trầm đốt hương thơm bay ngạt ngào
    Thôn trên xóm dưới dạ nao nao
    Dân làng tắm gội lên chùa lễ
    Mười bốn ba mươi mỗi tối nào.

Nếp sinh hoạt mang tính thời khóa biểu nhà trường giữa trường đời đó của dân làng đã trở thành nỗi nhớ thường trực trong tâm khảm khách tha hương. Dù xa ngàn dặm không biết ở phương sở nào, từng ngày từng tháng từng năm, thì nhà thơ vẫn cảm thấy mình cũng như đang hòa mình làm một với nếp sinh hoạt nề nếp muôn đời đó.

Ôi! Cha ông chúng ta hiền lành chất phác dung dị, một nắng hai sương, chân lấm tay bùn… mồ hôi mồ kê dầu dãi, nhưng cứ mười bốn ba mươi… cứ tắm gội sạch sẽ rồi thì lên chùa lễ Phật.


Nề nếp sinh hoạt, nhu cầu văn hóa tín ngưỡng ấy gắn bó hữu cơ với tâm thức với máu thịt mình. Và khi chưa có được điều kiện thuận thường đặt những bước chân quy hồi cố quận… nhà thơ vẫn cứ bâng khuâng dằng dặc: gởi nhớ nhung về. Và dù có bao nhiêu tang thương dâu bể đổi thay nhà thơ vẫn canh cánh tâm thành cầu nguyện cho chùa khỏi tái tê.

    Biết đến bao giờ trở lại quê
    Phân vân lòng gởi nhớ nhung về
    Tang thương dù có bao nhiêu nữa
    Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê

Bài thơ Nhớ Chùa, thi sĩ Huyền Không viết ở Sài Gòn năm 1956, thuở ông còn rất trẻ, giã từ chùa Thiên Minh ở Huế vào hành đạo ở chốn đô thành. Sau này ông cho in lại vào tập Mây Trắng Thong Dong. Ở đó, bạn đọc thấy tác giả bộc bạch rõ hơn tâm tư tình cảm của mình: “Tôi muốn dành tất cả thơ tôi cho những ngôi chùa suốt đời chung thủy với quê hương, cho làng Phương Lang và những thôn làng mộc mạc đang chia nỗi điêu linh cùng đất nước, cho mọi tấm lòng Phật tử sắt son hộ đạo dựng đời, cho những tâm hồn biết sống gắn bó với thơ”*. Thiền sư viết dòng này ở Los Angeles cuối thu Quý Dậu (1993) nghĩa là hơn 37 năm sau.

Sắt son gắn bó đời mình với thơ, với mái chùa thân thương, nhà thơ Trụ Vũ từng phát biểu:

    Mỗi khi nhìn thấy bóng ngôi chùa
    Tôi lại thấy quê hương mình hiển hiện

    …

    Mây phương đông vẫn lên hường
    Ngôi chùa còn đó quê hương vẫn còn
    (Trụ Vũ - Quê Hương)

Cứ nhìn thấy bóng ngôi chùa là lập tức thấy bóng hình quê hương mình hiển hiện. Và hiển hiện là hiển hiện giữa một vòm khí hậu huy hoàng rực rỡ: mây hồng phương Đông, phương trời tâm linh của Trời Phương Ngoại.

Đối mặt với chế độ cường quyền độc tài, các thế lực vô minh bạo ngược, toan tiêu diệt bóp chết tín ngưỡng của 80% dân số miền Nam Việt Nam, thi sĩ Vũ Hoàng Chương dõng dạc tuyên ngôn:

    Dân tộc ta không thể nào thua!
    Đạo pháp ta đời đời xán lạn
    Dầu trải qua mấy phân ly tán,
    Bị áp bức, phao vu, bội phản
    Nhưng vẫn còn núi, còn sông,
    Còn chót vót mãi Ngôi Chùa

    (Vũ Hoàng Chương - Nối lửa từ bi)

Sở dĩ chúng tôi trích dẫn thêm thơ của nhà thơ Trụ Vũ, Vũ Hoàng Chương là để người đọc thấy rõ hơn tính nhất quán hữu cơ, gắn bó máu thịt hình ảnh ngôi chùa Phật giáo Việt Nam với chiều dài văn hóa lịch sử Việt Nam. Cả ba nhà thơ lớn, trụ cột thi ca Phật giáo Việt Nam đều cùng chung một cái nhìn, triệt để một nhận thức: Ngôi chùa Việt Nam tự bao giờ đã trở thành biểu tượng cho quê hương Việt Nam.

Và cũng để bạn đọc khỏi ngỡ ngàng khi đọc thấy Thiền Sư Thích Mãn Giác, chính là Thi sĩ Huyền Không, tác giả bài thơ Nhớ Chùa, từng minh định:

“Với lối kiến trúc đặc biệt, những ngôi chùa bao giờ cũng ẩn giấu sau lũy tre xanh, dưới gốc cây đa, ở một nơi thanh tịnh như bản chất khiêm cung, mộc mạc hồn nhiên, thích ứng và hòa hợp của Phật giáo, mái chùa còn chất chứa một sức mạnh vạn năng của đời sống tâm linh và tư tưởng Việt:

    Mái chùa che chở hồn dân tộc
    Nếp sống muôn đời của tổ tông.

Lấy nền tảng tư tưởng đạo Phật làm nền tảng lý tưởng đời mình, trọn đời hiến thân xứng bậc sứ giả Như Lai, hoằng dương Phật pháp… nhà thơ đã dắt dẫn bạn đọc từng bước từng bước thấy hình ảnh ngôi chùa chan hòa làm một với quê hương làng nước Việt Nam, gắn bó thủy chung trước sau như nhất với văn hóa, với dân tộc Việt Nam. Tác giả sống trọn đời mình với tâm thức ấy, nên dù cho đi bất cứ nơi đâu, dù xa ngàn dặm, bất cứ thời điểm nào, có thể hàng vài ba mươi thập niên… chỉ nghe thấy tiếng chuông chùa vang lên văng vẳng đâu đó là tác giả nhớ ngay đến ngôi chùa, không chỉ ngôi chùa làng Phương Lang, mà còn biết bao nhiêu ngôi chùa thân thương khác nữa. Vì tất cả mọi ngôi chùa đều là những mái chùa chung. Do đó nhà thơ đã khép lại bài thơ của mình bằng một chân lý bất di bất dịch:

    Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng
    Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
    Mái chùa che chở hồn dân tộc
    Nếp sống muôn đời của tổ tông.

Hạnh Phương
READ MORE - MÁI CHUÀ NỖI NHỚ – Hạnh Phương