Chuyện học hành, thi cử có từ xưa đến
nay. Thi cử là chọn người hiền tài cho đất nước. Thi cử nghiêm túc là việc rất
quan trọng và cần thiết.
Ngày xưa chỉ có con cái vua chúa, quan lại, con nhà
giàu mới được học hành đến nơi đến chốn; Con nhà nghèo nếu thật hiếu học, có
chí lắm thì tự mày mò, kiên trì, chịu khó tầm sư học đạo để trở thành nhân tài
của đất nước. Ngày nay, từ cấp học Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, Cao đẳng, Đại
học và cao hơn nữa… đều trải qua các kỳ kiểm tra, thi cử - Một cuộc sát hạch
“cá chép vượt vũ môn”, chuyện thường tình của sỹ tử ngày xưa. Qua cải cách giáo
dục đã bỏ bớt thi cử tốt nghiệp ở một số cấp dưới với quy mô chung toàn quốc,
toàn tỉnh mà chỉ là kỳ kiểm định cuối cấp cộng với xét học bạ để công nhận tốt
nghiệp. Hiện nay vẫn còn hai kỳ thi quốc gia gây nặng nề về tâm lý và tốt kém
về kinh tế với bao nhiêu ý kiến bàn bạc, đóng góp trên các diễn đàn, công luận,
song vẫn chưa ngã ngũ bề nào cả. Đó là kỳ thi THPT và kỳ thi vào các trường Cao
đẳng, Đại học diễn ra trong tháng 6, tháng 7 hàng năm.
Có ý kiến
nên bỏ kỳ tốt nghiệp THPT, chỉ giữ lại kỳ thi vào Đại học, Cao đẳng. Có ý kiến
thì ngược lại, xét vào Đại học, Cao đẳng dựa trên kết quả tốt nghiệp THPT
cộng với học bạ cấp học đó.
Nhớ lại,
nhìn lại cách đây hơn 10 năm có chủ trương ưu tiên xét thẳng vào Đại học với
các em học sinh THPT đạt loại giỏi xếp loại văn hoá và thi tốt nghiệp
cuối khoá loại giỏi. Thử xem đã thực chất, xứng đáng chưa? Dân gian thường nói
“Dân gian, quan tham” quả đúng. Về mặt điểm số học bạ được học sinh, phụ huynh
chạy thầy, chạy trường từ trước (bởi có nhưng rất ít học sinh học giỏi toàn
diện tất cả các môn, các em thường học lệch theo môn khối). Thế là khâu học bạ
long lanh. Đến khi thi tốt nghiệp, khi chấm thi lại nhờ người quen, người có
chức quyền để gửi gắm. Thế là tốt nghiệp lại đạt loại giỏi long lanh. Có năm
vào học đại học, các trường kiểm định đầu năm số sinh viên được tuyển thẳng
nhưng kết quả không đúng với thực chất lắm với sự ưu ái của đầu vào.
Bản thân
tôi làm nghề dạy học suốt đời cho đến nay đã nghỉ hưu, trải qua nhiều lần cải
cách giáo dục, sửa đổi thi cử; tôi ủng hộ luồng ý kiến thứ nhất là nên bỏ kỳ
thi tốt nghiệp THPT ở quy mô toàn quốc, chỉ giữ lại một kỳ thi duy nhất trong
năm là thi vào Đại học, Cao đẳng mà thôi.
Học sinh sau 12
năm đèn sách đã nắm vững những kiến thức cơ bản, đại cương về tự nhiên cũng như
xã hội để từ đó có thể ứng dụng, xử lý trong cuộc sống thường ngày đạt hiệu quả
tốt nhất. Vì thế, cuối khoá học nhà trường xin Sở Giáo dục và Đào tạo bộ đề một
số môn cần thi trong ngân hàng đề để tổ chức kiểm tra, kiểm định nghiêm túc,
khách quan; lấy kết quả cộng với học bạ 3 năm học, nhất là năm lớp 12 để xét
cấp “Chứng chỉ hoàn thành chương trình cấp THPT”. Với chứng chỉ đó thì các em
xin thi vào Đại học, Cao đẳng hoặc xin đi học nghề là đủ. Giảm được một kỳ thi
quy mô toàn quốc như thế đỡ tốt kém cho xã hội, đất nước hàng trăm, hàng ngàn
tỷ đồng; giảm thiểu tiêu cực thi cử cũng như tai nạn giao thông năm nào cũng
xẩy ra.
Chỉ
giữ lại một kỳ thi Đại học, Cao đẳng là để chọn người học hành chắc chắn, có ý
chí phấn đấu vươn lên. Kỳ thi Đại học, Cao đẳng là sự cạnh tranh giữa các thí
sinh nên ít lo hơn về việc đại thí, gà bài cho bạn khác. Một phần học sinh do
học lực yếu hoặc do hoàn cảnh gia đình, bản thân sẽ không dự thi Đại học, Cao
đẳng mà xin xét tuyển vào các trường dạy nghề là vừa sức. Người ta thường “biết
người, biết ta” mà.
Tôi
thiết nghĩ, nếu nhà nước nói chung, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói riêng mạnh dạn
bớt đi một kỳ thi như tôi và nhiều người đề xuất thì có lợi cho đất nước nhiều
lắm, được nhiều cái lắm. Cải cách thủ tục hành chính; cải cách giáo dục và đào
tạo xem đây là một điểm nóng cần bàn, cần làm ngay./.
Trường Hải Lê Văn Đông
Lê Văn Đông, bút danh Trường
Hải, sinh 1953, quê gốc Thanh Chương, Nghệ An, đi dạy THPT từ 1976, nay đã nghỉ
hưu. Hiện nay định cư tại thôn 3 xã Đỉnh Sơn, Anh Sơn, Nghệ An. Qua trang VNQT, tôi muốn giao lưu với các bạn thơ văn khắp cả nước.
Đt: 0946734715. Email: ledong6853@gmail.com.