Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, September 8, 2014

Thơ Nguyễn Văn Trình: TÌM VỀ XỨ LẠNG, TÌNH YÊU CHẲNG BAO GIỜ CHẾT EM ƠI!, THÀNH PHỐ VÀ EM


 
TÌM VỀ XỨ LẠNG

“Ai lên xứ Lạng cùng anh,
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em...”

                          *

Tôi lên xứ Lạng tìm em 
Tìm trong câu hát, mênh mang nắng chiều 
Đường đèo nên dạ liêu xiêu
Chập chùng non thẳm, mắt nhiều khói sương
                         *

Ra về lòng lại vấn vương
Ngàn thu chân bước, thương thương không rời 
Ra về lại nhớ bời bời
Trăm năm vẫn đợi,một người trăm năm.
                                      
                                   NVT



TÌNH YÊU
CHẲNG BAO GIỜ CHẾT EM ƠI!

Cho dù không phải thế
Đời lận đận, tình yêu sám hối
Em không về dự ngày vui
Gửi hư không,
Một thoáng ngậm ngùi ...
Cho dù không phải thế
Tình yêu, chẳng có hai lần
Đời lận đận,
Tình yêu sám hối…
                    
          *

Tuổi già rồi sẽ đến,
Tình yêu mãi hãy còn ,
Trong anh, trong em
Và trong tất cả mọi người
Vì tình yêu,
Chẳng bao giờ chết em ơi !
                      
                            NVT

                                                                              
THÀNH PHỐ VÀ EM
                             
Tôi yêu thành phố chân thành
Như yêu em người con gái Huế
Suốt một đời dâu bể,
Chẳng bao giờ nguôi quên.
                    *

Ra về tên Huế mang theo
Riêng tên em cứ, lưng đèo chân mây
Tình yêu đến từ mắt em kia đấy
Chứ buổi đầu... có vậy đâu em ?!
Em vẫn đẹp, em vẫn là tất cả
Tình yêu mình,
trong trắng quá, phải không em?!
                     *

Tôi yêu thành phố chân thành
Như yêu em người con gái Huế
Để một đời dâu bể,
Chẳng bao giờ nguôi quên...
                            
                                NVT 
                              
Nguyễn Văn Trình
Giáo viên Văn trường THPT Phan Châu Trinh – TP Đông Hà – Quảng Trị
Hội viên hội văn học nghệ thuật – Tỉnh Quảng Trị
ĐTDĐ : 0914 415 931
Email : nguyenvantrinh58@gmail.com
Địa chỉ: 65B- Chu Mạnh Trinh, Phường 5, TP Đông Hà, Quảng Trị



READ MORE - Thơ Nguyễn Văn Trình: TÌM VỀ XỨ LẠNG, TÌNH YÊU CHẲNG BAO GIỜ CHẾT EM ƠI!, THÀNH PHỐ VÀ EM

TÓC MÂY - thơ Trần Hữu Khả



TÓC MÂY

Cho tôi…
Về giữa tình cờ
Để nghe em hát bên bờ hồn nhiên
Vực hoang trơ đáy lãng quên
Xôn xao nắng chảy qua miền người dưng
Lời ca giọng uốn rưng rưng
Sắc hương lặn lội khóc mừng phù hoa
Chợ tình mấy kẻ lạ xa
Sao em bán hết chiêm bao cho người
Mặc tôi mua lại dại khờ
Nhớ thương ế ẩm ngồi chờ ai đây
Theo sầu ngựa chứng quên bầy
Vó câu biệt tích chiều nay chưa về
Ai qua để kéo trăng lên
Mời cơn gió cũ buông mềm tóc mây
Trâm cài lược dắt tóc mây
Phấn son nhào nặn thơ ngây lững lờ
Gió trăng chết uổng không ngờ
Đau chi câu hát vu vơ tình cờ
Hồn nhiên khuất lấp đôi bờ…


Tác giả: Trần Hữu Khả
Sinh năm: 1961
Địa chỉ: K95/10 Bà Huyện Thanh Quan- Đà Nẵng
Nghề nghiệp: Tự do
Số ĐT: 0903507075



READ MORE - TÓC MÂY - thơ Trần Hữu Khả

NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐI TÌM ẢO ẢNH - truyện ngắn Thúy Ngân



Tác giả THÚY NGÂN


NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐI TÌM ẢO ẢNH                               
     
       Nó là đứa bạn gái thân nhất của tôi.  Tôi biết nó từ khi hai đứa mới học ra trường và cùng xin vào làm tại công ty. Tôi có cảm tình với nó ngay từ đầu, không phải vì nó đẹp, nó xinh mà nhìn dáng vẻ cứ ngu ngu ngơ ngơ, lại thêm cái tên nghe vừa lạ vừa  hay: Nguyễn Thiên Hà Thủy. Sau này hỏi thì được nó trả lời rằng tại Ba nó thích nó như nước dòng  sông Hằng hay còn là giọt nước trên Thiên Đình tinh khiết, mát lành. Đời nó có mát lành không, có tinh khiết không  thì phải kiểm chứng.
          
***

    Nó với tôi ngấp nghé tuổi nhau, cái tuổi  đẹp nhất của thời con gái, tuổi mà người ta gọi  hừng hực xuân thì. Cả hai đứa chưa có mảnh tình nào cả nên lãnh lương tháng nào tụi tôi cũng xài xả láng. Nó có hai thú vui bất di bất dịch. 1– Đọc sách, 2 -  ra biển ngắm hoàng hôn.

    Thú đọc sách của nó không giống tôi, nó mua có chọn lựa, nó thích những tác phẩm văn học nước ngoài,  những tác phẩm nổi tiếng như: Nếu Còn Có Ngày Mai, Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai, Bầu Trời …v..v… Có sách mới là nó đọc mê mải, đọc quên ăn, quên … cả đi chơi với tôi, trong giỏ xách của nó lúc nào cũng có một quyển, cần là có cái đọc ngay.

     Thú ngắm hoàng hôn của nó thì cũng lạ đời. Tôi ghét, nhưng vẫn phải chiều nó. Nó nhìn mặt trời xuống núi, đổ ánh nắng xót lại trong ngày lên mặt biển cứ  như là chỉ có trong truyện thần thoại vậy.
-   Này bà – bà có thấy mặt biển như vừa được dát vàng sóng sánh, lúc đỏ au, lúc vàng rực không, ngộ heng ? 
    Nó mơ màng. Nó cứ nhìn miên man  như ma ám, nhiều lúc tức qua tôi nạt nó:
-  Mày có mở miệng nói không hay để tao về cho mày tha hồ mà mơ với mộng. Cứ mơ mộng hoài rồi khổ dài dài nha con! Nó quay qua tôi nói ậm ờh:
- Uh ha – mà mày nói gì khổ với không khổ ?
- Thì cứ ngu ngơ như mày thì đời sẽ khổ chứ sao ? Tôi gắt nó.
- Thật không ? Mày biết số tao sẽ khổ há. Nó hỏi lại. Nói rồi nó nhìn xa xăm ánh mắt buồn vời vợi. Tôi  chợt thấy nao lòng.

- Thì tao nói chơi vậy thôi, chứ hiền như mày ai nỡ mà ăn hiếp. Tôi  giả lả … Nó như không nghe thấy tôi nói, nó hỏi tôi bằng một câu hỏi khác.
 - Mày tin trên đời có duyên tiền định không?  Hôm nay tao ngửi trong gió như có vị chua chát của người đàn bà  bị phụ tình, biển cũng đang nổi sóng ngầm đấy?
 - Mày nói cứ như thầy bói ra ma vậy –  Tôi trả lời –  tao chẳng thấy gì ngoài đám con nít cởi truồng với mấy bà già học đòi, già rồi còn đẹp đâu mà mặc áo tắm hai mảnh, thịt da rệu rã lòi hết ra nhìn ớn chết đi được – Tôi bồi thêm. Thật tình thì biển cũng đẹp, gió làm cho tôi thấy sảng khoái, thảnh thơi hơn…

    Mặt trời tắt nắng, phố xá cũng lên đèn, không khí dịu hẳn xuống, hai bên đường quán ăn, quán café bắt đầu nhộn nhịp. Quê tôi có bãi biển đẹp, các ngành du lịch, dịch vụ phát triển mạnh, nhưng đằng sau cũng có nhiều vấn nạn cần dẹp bỏ như:  Chợ búa mọc tùm lum, nạn cò cưa níu kéo, giá cả tự biên tự diễn không sao quản ký được.  Mà phải công nhận là từ khi lên cấp thành phố, quê tôi  đẹp hẳn ra, rộng rãi khang trang hơn, con người cũng được mang danh dân thành phố đầy tự hào.

    Đi làm được mấy năm tôi lập gia đình. Tôi bận bịu với gia đình nhỏ của mình, ít đi chơi với nó. Thật ra nó cũng có bạn trai, chàng này làm ở cơ quan kề bên, tướng tá thư sinh cao ráo, tôi rất có cảm tình với cậu ấy. Chàng ta sống chân thành, luôn giúp đỡ mọi người. Điểm đặc biệt cậu ấy có mái tóc bồng bềnh và cặp môi trái anh đào rất ga lăng. Ngày nó báo tin lấy chồng tôi mừng cho nó, mừng đến nỗi muốn khóc luôn đó. Nó báo cơ quan, đoàn thanh niên đứng ra tổ chức lễ thành hôn cho hai đứa. Tiệc cưới đơn sơ chỉ với bánh ngọt, keo, trà đá, thuốc lá không cần bao đổ ra dĩa,  vài bài văn nghệ góp vui. Nhưng có một điều làm tôi lo sợ thật sự, phải chăng đây là điềm chẳng lành. Ai đời đám cưới thường người ta cắm hoa lay ơn, hoa hồng, thì đám cưới nó trên bàn lễ lại có bình huệ trắng. Lạ thật -  Ai mà đi mua hoa kỳ ghê –  tôi thắc mắc. Không phải riêng tôi mà có một số người cũng nhận điều bất thường này. Sau đám cưới ít ngày tôi hỏi nó:
-  Hôm đám cưới, mày phân công ai mua hoa?
-  Tao chẳng biết, tất cả bên đoàn thanh niên lo. Nó trả lời.
-  Mà có chuyện gì? Nó hỏi. Tôi định đem chuyện hoa hòe nói lại cho nó nghe, nghĩ sao lại thôi, phần sợ nó buồn. Thật sự tôi bất an trong lòng từ dạo đó.

     Vợ chồng nó yêu thương quấn quýt nhau như sam,  rồi hai đứa trẻ ra đời ngoan ngoãn tôi mừng cho bạn  và cũng quên luôn cái điềm gở ấy. Chúng tôi không còn thời gian dành cho nhau nhiều như thời còn độc thân, vì ai cũng phải lo cơm áo gạo tiền. Trong lòng tôi luôn cầu nguyện cho vợ chồng nó sống hạnh phúc mãi mãi. Có lẽ lời cầu nguyện của tôi chưa thành tâm nên khi nhận được tin chồng nó bệnh nặng chuyển viện và đột ngột qua đời. Tôi bay sang nhà nó, nhìn nó tôi không tin vào mắt mình, nó như cái xác không hồn, vô định. Nó phó thác chuyện ma chay cho người nhà. Nó ngồi đó nhìn chồng trân trối, không một giọt nước mắt, không một lời. Tôi hiểu nỗi đau tận cùng của nó, tiếng khóc không thể bật ra  được.

     Ngày đưa chồng nó về nơi an nghỉ trời tự dưng đổ mưa tầm tã,  mưa không ngớt, cứ như ông trời cũng xót thương cho người vợ trẻ sớm gọa bụa hay là khóc tiễn một linh hồn sớm về cõi niết bàn. Nhìn nó dắt hai đứa con bước thấp bước cao men bờ ruộng theo đoàn người đưa tiễn. Tiếng trống điểm biệt ly, tiếng khóc nức nở của người thân nghe sao tái tê ruột gan, tôi cũng khóc hết nước mắt …

    Sau cái chết của chồng nó ốm liệt giường, không ăn uống. Người nhà càng sợ nó bệnh rồi đi theo chồng luôn, bỏ hai đứa trẻ thì càng khổ thêm. Ba nó túc trực bên nó từng giờ, ôm ấp, vỗ về nó, kể chuyện ngày xưa cho nó nghe cứ như nó là đứa trẻ mói lên ba vậy. Thương Bác quá, tôi nói Bác trai về nghỉ ngơi ít ngày để nó tôi trông coi. Có lẽ Bác cũng mệt nên đồng ý và dắt luôn hai đứa trẻ để tôi khỏi bận bịu. Chỉ còn tôi và nó trong ngôi nhà trống trải, vắng tiếng người. Bất chợt nhìn lên ảnh chồng nó tôi cũng thấy sờ sợ.
- Mày dậy ăn miếng cháo đi, nằm hoài sao?  Tôi dỗ dành.
- Ừ để đó tao - nó nói – tao chẳng thiết sống nữa –  nó tiếp.
- Mày điên à, mày phải sống vì con mày chứ, ai nuôi nó, mày muốn nó mồ côi cả cha lẫn mẹ sao ?  Mày không nghe người ta nói:  “Mồ côi tội lắm ai ơi, đói cơm khát nước biết người nào lo”.  Mày muốn con mày như vậy hả ? – Tôi gầm gừ nói một hơi.
- Ừ ha - Nó buông lời vô thưởng vô phạt.
- Ừ ha, ừ ha, lúc nào cũng ừ ha -  Nói rồi tôi bồi thêm cho nó một phát thật đau vào vai.  Tỉnh đi con –  Tôi dằn tiếp. Nó chẳng nói gì và cũng không nghe nó than đau.
- Tao chẳng có cảm giác gì cả, hay mày đánh tao đau hơn để tao biết mình còn sống. Nó đề nghị. Trời ơi!  đến nước này phải có cách khác thôi, nói không hiệu quả rồi.  Tôi lấy hết can đảm tát nó một cái trời giáng.  Cái tát mạnh đến nỗi năm dấu tay của tôi in trên má nó. Đau lắm đấy – Tôi nhủ thầm. Nó ôm mặt nước mắt rơi lã chã. Thương nó qua tôi ôm nó vào lòng rối rít xin lỗi.  Hai đứa ôm nhau khóc nức nở, nước mắt hòa vào nhau mặn chát. Tôi mừng là nó đã khóc được.Tôi cứ ôm nó mãi … Trời về khuya lúc nào không hay.
- Có còn gì ăn không mày,  tao đói quá –  tự dưng nó đòi ăn.
- Có, có – Tôi quýnh quáng thả nó ra. Mày rửa mặt đi tao dọn nhanh thôi. Tôi hối hả nói.
- Ừ - Nó nói, rồi vin thành giường đứng dậy. Nó gầy đi trông thấy, xác xơ, tôi chạy lại đỡ nhưng nó gạt ra.
- Khỏi cần – Tao phải tự đi bằng đôi chân của chính mình chứ không thể dựa mãi vào người khác.  Trước kia còn ảnh nên tao ỉ lại, bây giờ chỉ còn mỗi mình tao. Tao cảm ơn mày  Hiền à, cảm ơn đời đã cho tao người bạn tốt – Nó nói luôn một hơi.
- Thế là  mày tỉnh rồi Thủy ơi, Thủy ơi!   Tôi mừng rỡ.

    Thế là sau đó nó cứng cáp thật sự, nó đi làm trở lại và đón hai đứa trẻ về. Ba mẹ con sống đầm ấm bên nhau. Hai đứa trẻ thật ngoan. Chắc có lẽ ông trời thương hay là Ba nó phù hộ mà chẳng thấy hai đứa nhỏ ốm đau gì, chúng lớn lên như hương đồng gió nội. Vậy mà thấm thoát đã mười mấy năm trôi qua.
  
 ***

    Thời gian cứ như gáo nước hắt ngoài sân nắng, thoắt cái đã khô dòn tan biến, đôi khi làm ta chưa kịp thấy nó hiện diện. Lại có lúc nó lê thê, nhõa nhẹt như vừa qua đợt mưa dầm, những lúc như vậy hồn ta cứ chơi vơi, chơi vơi. Nếu là ban ngày - ngủ thì chẳng được, làm việc gì đó cũng không ra hồn. Nhằm vào đêm thì còn khổ hơn, một đêm đầy trăn trở. Với bao nhiêu hoài niệm, bao nhiêu thực tại diễn ra tròn, méo đủ dạng, sắc màu nham nhở. Đời người cũng chẳng khác gì, không nương là đứt bất tử.  Bởi vậy - Người thì thướt tha lụa là, thừa mứa, người thì bươn chải kiếm sống đến gù cả lưng. Ngoài cái ăn, cái mặc còn bao thứ phải tìm kiếm. May mắn thì cười hớn hở, còn không …?  Cái tìm được  không ưng ý  bỏ đi, cái thì cố chịu đựng, chịu đựng đến thiệt thòi.

       Có lẽ ai cũng yêu một hoặc hai lần, hay còn nhiều cuộc tình không đếm hết, không nhớ hết tên người ta đã quen, thậm chí không nhớ nổi người đó ta đã gặp ở đâu, trường hợp nào. Những tay đào hoa này tôi ghét cay, ghét đắng. Nhưng phải công nhận mấy cha ấy đều có điểm rất thu hút ngừơi khác giới, nhất là vẻ bề ngoài sạch sẽ, ga lăng, ăn nói từ tốn, ngọt ngào đến giả tạo. Đàn bà con gái nếu không tỉnh táo dễ sa vào lưới tình của mấy lão họ Sở.  Với thời buổi mọi người đổ xô ra đường làm kinh tế. Thương trường là chiến trường cả tình trường cũng là bãi chiến trường luôn ngổn ngang chiến tích. Họ lợi dụng mọi thời cơ tìm kiếm bi hài.  Chuyện này trong xã hội diễn ra như tuồng ví như vụ làm ăn thua lỗ bạc tỷ rồi kiện cáo, kéo nhau ra tòa, nhà mất, con cái hư hỏng, tình  người mấtluôn, cái mất lớn nhất là lương tâm … Rồi lại còn mấy vụ hùn hạp Tiền cộng Tình cũng thua ráo trọi thế là  “Bùm". Nghe, nhìn vừa đáng thương, vừa đáng trách.

      Mấy hôm nay nắng gay gắt, mong cơn mưa đến cho giảm nhiệt, nhưng ông trời cứ đổ chảo lửa xuống rang cháy mọi thứ. Mọi người đổ ra biển tắm, hóng gió.  Vợ chồng tôi cũng đùm đề con cái ra đây tránh nắng. Biển đông nghet như bầy kiến đủ màu,  xanh, đỏ, lam chàm, tím… đủ các kích cỡ, màu da. Chồng tôi dắt con ra mép nước tắm, cha con vui vẻ tạt nước đùa nhau, tiếng cười, nói ran cả một vùng. Tôi thả hồn theo gió và chợt nhớ đến cô bạn thân. Mở điện thoại gọi về nhà nó. Máy đổ chuông mấy bận không ai cầm, lòng nghĩ chắc là mẹ con nó đi làm chưa về. Lát sau gọi lại … chuông vẫn đổ, lạ thật ?  Bình thường giờ này nó đã về nhà. Đã bao nhiêu lần tôi nói nó mua chiếc điện thoại đi động cho tiện,  nhưng nó cứ nói chưa cần thiết , lúc thì nói có bạn đâu mà gọi mua chi tốn tiền. Như lúc này muốn gọi mà không thể được. Tự nhiên tôi thấy lo lo. Tôi đành gọi cho con gái nó thì mới hay nó đang nằm viện.


     Tôi lại tất tả vào viện thăm. Nó gầy hơn, nét mặt buồn vời vợi, chắc chắn nó  vừa qua đợt mất ngủ dài.
-  Mày vào đây bao lâu, thấy trong người thế nào ? Tôi hỏi.
-  Được hơn mười hôm gì đó, đỡ rồi –  Nó trả lời. Còn mày với mấy đứa nhỏ khỏe không ? Anh Thắng vẫn đi làm chứ ?  Nó hỏi lại.
-  Uh, cả nhà bình thường, hôm nay cả nhà  ra biển chơi cho mát, sẵn cho mấy đứa tắm cho hết sảy cắn luôn. Tao gọi mày không được, phải gọi qua con bé mới mày bệnh. Tôi kể, phần như thanh minh.
-  Mày ăn gì tao mua cho, mà ông Chín Gió đâu sao tao không thấy? Nó lảng tránh ánh mắt tôi quay nhìn nơi khác, linh tính mách bảo. Tôi gặng hỏi lần nữa nó đành trả lời.
- Tao với lão ta chia tay rồi. Hiện lão ta đang sống với người đàn bà khác đáng tuổi con trai lão ấy. Tao chỉ không thể lý giải nổi tại sao chuyện lại như vậy. Lòng người sao khó lường quá đi. Nó nói chưa hết câu tôi chen ngang:
- Thế là sao? Mày biết chính xác chứ, rồi mày để anh ta đi khơi khơi vậy đó hả. Mày nói anh ta đang sống ở đâu, nói đi, tao sẽ cho anh biết tay. Tao nói rồi mà mày không nghe.  Nhìn bản mặt anh ta tao không tin tưởng rồi.  Đồ đàn ông  lợi dụng hèn hạ. Tức mình tôi chửi đổng.
- Thôi mày –  Thế là còn may cho tao là chưa lấy anh ta chính thức, chứ lấy rồi thì còn đau khổ hơn. Nó trả lời,  rồi tiếp luôn: Con người anh ta không xứng đáng để nhận tình yêu, anh ta gây cho tao đau khổ một, thì anh sẽ nhận lại mười. Đời luôn có luật nhân quả. Mày cũng biết anh ta chẳng còn trẻ trung gì. Thôi cứ để anh ta sống vui ngày nào hay ngày ấy. Rồi có lúc anh ta cũng vắt tay lên trán suy nghĩ lại những gì đã làm… Nó thở hắt.  Nghe nó nói tôi biết nó đã suy nghĩ rất nhiều mới có quyết định như vậy.  Nó yêu anh ta quá nhiều hay anh ta chẳng là gì nữa… !?  Một quyết định đúng đắn và đầy tình người.  Nhưng với tôi vẫn tức anh ách.  Chuyện chẳng là: Lão ta theo đuổi nó một thời gian, vợ chồng lão ly dị, con cái theo mẹ sống ở thành phố khác. Lão sống với người mẹ già hơn tám mươi. Gia cảnh hai người có phần giống nhau nên cũng có chạy qua lại giúp đỡ  cái này cái nọ. Nó thương bà già như mẹ nó. Những ngày Bà ốm đau cho đến lúc cuối đời, nó lo toan mọi chuyện  như một người con. Tưởng rằng bao nhiêu ân tình đó, lão ấy sẽ bù đắp lại cho nó.  Ai dè – Lão phủi tay nhẹ hỗng. Phải là tôi – Tôi thoi cho lão ta vài cái cho bõ tức.

     Nó là thế, lúc nào nó cũng nghĩ cho người khác, lo cho người khác một cách chu đáo mà quên bản thân mình. Cuộc đời nó giống như nước một dòng sông đỏ quạch, nặng nề. Dù biết mọi giọt nước đều bắt nguồn từ THIÊN ĐÌNH, rồi hòa vào các con sông, tất cả đổ ra biển lớn. Mang mọi nỗi đau  tan ra nhẹ nhõm và vẫn còn nhiều giọt nước đọng lại trên nhánh lá lúc sớm mai long lanh, tinh khiết. THIÊN HÀ THỦY.
   

                                                                  Thúy Ngân
READ MORE - NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐI TÌM ẢO ẢNH - truyện ngắn Thúy Ngân

Đình Hy - “DẤU CHÂN LÁ CỎ” HAY NHỮNG DẤU ẤN MẢNH ĐẤT TÌNH NGƯỜI TRONG THƠ KIM KHÊ

            
Bìa 1 tập thơ Dấu Chân Lá Cỏ của Kim Khê
           

“DẤU CHÂN LÁ CỎ” HAY NHỮNG DẤU ẤN
MẢNH ĐẤT TÌNH NGƯỜI TRONG THƠ KIM KHÊ
(Đọc tập thơ “Dấu chân lá cỏ” của Kim Khê,
Hội VHNT Ninh Thuận xuất bản năm 2012)



Tác giả Đình Hy

Cách đây khoảng trên mười lăm năm, thi thoảng ở thị xã Phan Rang, ngành Văn hóa, hoặc Hội Văn học Nghệ thuật tổ chức sinh hoạt diễn thơ, đọc thơ về đêm nhân xuân về, tết đến, nhân ngày lễ kỷ niệm…, người ta luôn thấy một lão trung niên, rặt nông dân, giọng nói rặt Trị Thiên (*) miền Trung, đi một chiếc xe đạp cà tàng, mang một túi xách đến tham dự.
Hỏi mới biết ông tên là Nguyễn Hậu, gửi thơ cho Văn hóa, Văn nghệ lấy bút danh là Vân Khê, lại ở tận huyện miền núi Ninh Sơn, đạp xe 40 cây số xuống Phan Rang nghe thơ, nếu được chiếu cố thì ngâm một hai bài thơ của bạn thơ nào đó với tinh thần và giọng ngâm rất lửa. Sau đó… đạp xe về nhà ở trên núi. Hỏi thêm mới biết ông làm bưu tá ở Bưu điện xã Quảng Sơn. Chỉ thế thôi.
Đúng như tâm sự trong một bài thơ của ông:
Bao nhiêu đó – Đã là xuân
Hạnh phúc nhờ có tình thân bạn bè
…Quên mưa nắng, lối xưa về
Dư âm vọng tiếng trăm bề hoài mong.
Coi thường tuổi hạc bên song
Giọng ngâm vẫn đến giữa lòng thơ ca.
                          (Tiếng thơ xuân)
Thế mà dằng dặc thời gian, ông âm thầm đi đó đây, nhiều nhất vẫn là lên Bác Ái, thu vào tầm mắt những gì ông cho là đẹp, là hay của một miền sơn cước với những con người hồn hậu, chân chất; và rồi miệt mài làm thơ, chăm chỉ gửi đến Tạp chí Văn nghệ Ninh Thuận.
Trong trang thơ Tạp chí Văn nghệ Ninh Thuận, người đọc thường gặp những câu thơ rất đỗi mộc mạc, rất đỗi thật lòng như chính bản chất của ông vậy, chẳng hạn ngày xuân lên thăm bà con Raglai trên núi, ông viết: Lên thăm đã thấy mê rồi, Cùng vui chén rượu giữa trời sang xuân.
Và bất ngờ. Và ngạc nhiên. Tháng 10 năm nay, một tập thơ của ông ra đời trong sự đón chào và chia vui của bạn bè gần xa. Mọi người chia vui bởi tập thơ của một tác giả mà ai ai cũng mến yêu, khoan nói thơ hay cỡ nào/mức nào, chỉ nghe tên tác giả Kim Khê là đã vui rồi, (mấy năm nay ông đổi bút danh từ Vân Khê thành Kim Khê).
Với 52 bài thơ, chia 2 phần, phần I: Miền sơn cước, phần II: Khúc tự tình, Kim Khê đã đưa người đọc vào thế giới nghệ thuật thơ của ông một cách nhẹ nhàng, đằm thắm. Phần I nghiêng hẳn về quê hương miền sơn cước Ninh Thuận, một miền đất mà trong tác giả luôn đầy ắp tình cảm yêu thương. Đó là cảnh của huyện miền núi Bác Ái, huyện Ninh Sơn, và người thiểu số Raglai quanh năm hiền hòa. Người đọc rất ngạc nhiên khi những vần thơ viết về đồng bào Raglai của tác giả. Ở đó không có gì là chủ thể nhà thơ, khách thể được biểu đạt. Trong thơ ông, ông và người Raglai như là một:
Cho anh nhảy với… lấy hên
Xuân đang hé nụ tự nhiên mỉm cười
Nhanh lên, vào cuộc vui chơi
Giữa lòng quê mẹ, rợp trời cờ hoa.
                       (Theo sau điệu múa)
Một cuộc hẹn hò hay là sự hóa thân của tác giả vào trong lòng Bác Ái khi chúng ta đọc những câu thơ sau:
Hẹn lên xứ núi ngâm thơ
Bất ngờ mưa đổ bất ngờ lạ chưa
Nếu như Bác Ái còn mưa
Hóa thân chú bé ngày xưa trốn tìm.
                                           (Lỡ hẹn)
Ông cảm nhận đất và người ở miền núi rất tinh tế và độc đáo, khác với những khắc họa của nhiều nhà thơ khác. Cảnh mẹ con ở núi chẳng giống chút nào đồng bằng, sẽ không có “thuở nằm nôi”, ru nôi mà chỉ có hình ảnh rất đáng nhớ:
Lưng chừng giữa núi chon von
Nghìn năm gánh chịu vuông tròn tử sinh
Bám trên lưng mẹ mầm sinh
Mai sau vun xới quê mình nghe con.
                      (Hành trình về Bác Ái)
“Bám trên lưng mẹ mầm sinh”. Đúng thế, chỉ có sự quan sát tinh tế khác lạ, với một tình cảm sâu đậm, tác giả mới tả được hình ảnh mẹ đi làm rẫy, con bám trên lưng một cách tuyệt vời như vậy.
Cuộc sống trên quê hương Bác Ái đã đổi thay nhiều, dù chưa sung túc, nhưng đời đã có những niềm vui. Qua rồi thời thiếu đói giáp vụ mùa rẫy, qua rồi thời ánh đèn dầu leo lắt trong đêm, thay vào đó là ruộng nước, rẫy nương xanh ngút ngàn, là ánh điện lung linh, là bao công trình phục vụ dân sinh. Với hồ thủy lợi Sông Sắt, ông viết:
Làng buôn hào hứng xuýt xoa
Mừng vui quá
Đón hương hoa quanh hồ
Sông Sắt quyến rũ từng giờ
Nước về! Xanh biếc bốn bề rẫy nương…
                                  (Cảm tác Sông Sắt)
Ngày xưa do tập quán du canh du cư, bà con Raglai không có điều kiện đi học, đa phần mù chữ. Thời chiến tranh, một số thanh niên thoát ly kháng chiến, được cán bộ tổ chức dạy chữ, bổ túc văn hóa. Bây giờ, các xã, các làng đã có trường học, có thầy cô, có học sinh. Ai cũng biết điều đó, riêng Kim Khê biết điều này bằng một bài thơ cảm động:
Em lên xứ núi bao giờ?
Để thơ thờ thẫn, trăng chờ, suối mơ
Rằng thưa: cõng chữ mệt khờ
Xuyên rừng lội suối kịp giờ hôm sau
Giữa bao nhịp sống muôn màu
Tình yêu nghề giáo, dạt dào tim em.
                           (Cô giáo vùng cao)
Ông chỉ nói về cô giáo thôi, nhưng qua đó thấy được sự nghiệp giáo dục ở vùng núi này đang đi lên. Cô giáo “cõng chữ mệt khờ, xuyên rừng lội suối” mà.
Một trận đánh, một vị chỉ huy sau này được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang, đó là trận đánh bằng bẫy đá tại xã Phước Bình do Pinăng Tắc, người Raglai chỉ huy, đã đánh bại quân địch càn quét vào chiến khu năm 1961. Từ đó đến nay có biết bao bài viết, bài thơ viết về vị anh hùng và trận đánh ngoạn mục này. Với Kim Khê, ông chỉ viết:
Một thời nổi tiếng sơn khê
Giặc thù bỏ mạng ngoài khe, xó rừng
Xứng danh bẫy đá lừng vang
Cuối năm trước mộ nén nhang tỏ bày
Nghìn sau trên mảnh đất này
Làng buôn Bác Ái đêm ngày nhớ thương.
              (Thăm mộ Pinăng Tắc cuối năm)
Biết bao lần nhắc đến Raglai, Bác Ái trong tập thơ của Kim Khê. Có lẽ ở ông, trong thơ ông, Bác Ái và tộc người Raglai, chiếm phần lớn tâm hồn ông.
Và theo tôi dưới đây là câu thơ hay trong những câu thơ hay của Kim Khê nói về Bác Ái, vùng đất có bề dày văn hóa tộc người Raglai nhiều đời truyền nối, vùng lắm chiến công, lắm oai hùng trong quá khứ chống ngoại xâm, “Nhanh lên, vào cuộc vui chơi, Giữa lòng quê mẹ, rợp trời cờ hoa”:
Yêu thương đón tết quê nhà
Ơi nghìn năm cũ hiện ra giữa rừng.
                       (Theo sau điệu múa)
Nếu phần I về quê hương miền, thì phần II: Khúc tự tình, tác giả đã đưa người đọc vào một trạng thái man mác, nhẹ nhàng về cõi người, tình đời, lẽ sống… Trước hết, tác giả thẩm thấu được luật đời của Tạo hóa, thời gian, sinh hóa – hóa sinh, triết luận đơn sơ và cảm nhận được tư tưởng lớn của Mãn Giác Thiền Sư xưa, để lạc quan, để lăn vào cuộc chơi không hề tính toán, mặc cả, không biết mệt mỏi, đó là thơ ca:
Thế rồi Mãn Giác bâng khuâng
Đêm qua thiền tự, nụ vàng ngân nga
Đừng lo! Giữa cõi ta bà
Xuân xưa lại đến, quanh nhà én bay.
                          (Nụ cười Mãn Giác)
Với Kim Khê, thơ là cuộc sống, sáng tác thơ là thượng tôn.
Nhưng thơ ông ở đâu, về đâu? Phần trên chúng ta đã đi qua miền sơn cước Bác Ái với bao dòng thơ dạt dào, thấm đẫm tình yêu của ông. Đã rõ nguồn cơn, động lực làm thơ. Còn phần này thơ ông đang ở đâu?
Mồ hôi rồi lại mồ hôi
Theo bờ ruộng, dưới vai người diêm dân
Hạnh phúc xuyên suốt đường trần
Ăn ngon miệng
Biết bao lần: Muối ơi!
                                           (Muối Cà Ná)
Thơ ông chỉ ở sự mặn mà của muối, sự nhọc nhằn của con người, không hề hình thức, không giả tạo,… Nó khác với các loại thơ siêu thực, tân hình thức, hậu hiện đại ở đó đây, thơ ông chỉ có hai chữ: thật lòng.
Cuộc đời ông cũng lắm gian truân, buồn nhiều hơn vui. Và hình như thế nên ông thường xúc cảm những nghịch cảnh ở đời:
Không quên làm đẹp một thời
Năm năm yên phận nửa đời làm thơ…
Bây giờ dứt sạch đường tơ
Núi rừng lặng lẽ xa bờ bến xưa…
Bất ngờ thăm chị chiều mưa
Mới hay cớ sự… sớm trưa một mình
Chớ trách rượu đã vô tình!.
                                             (Dư âm)
Đó là những cảm, những sẻ chia khi đọc mà chạnh lòng cho “chị” “sớm trưa một mình”, rồi chạnh lòng cho tác giả đa mang.
Qua thơ, ta thấy một Kim Khê nặng lòng với bè bạn, người thân thuộc, với cõi người, với thiên nhiên, quê hương. Ở thơ hiện ra một tâm hồn đôn hậu, chân thật như đất đai, cỏ cây, hoa trái mọi mùa… Và có lẽ thế: tập thơ của Kim Khê mang tên “Dấu chân lá cỏ”.

                                                       ĐÌNH HY

(*) Tác giả Kim Khê: tên thật là Nguyễn Hậu, sinh năm 1940 tại Quảng Trị, hiện nay ở tại thôn La Vang 2, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Hội viên Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Ninh Thuận.
Xã Quảng Sơn từ năm 1972 có tên là Quảng Thuận: Quảng Trị + Ninh Thuận, do năm 1972 đồng bào Quảng Trị vào lập nghiệp và ghép tên để nhớ Quảng Trị quê mình.

***
Hình minh họa do tác giả cung cấp






READ MORE - Đình Hy - “DẤU CHÂN LÁ CỎ” HAY NHỮNG DẤU ẤN MẢNH ĐẤT TÌNH NGƯỜI TRONG THƠ KIM KHÊ

TUỔI GIÀ AI CŨNG THẾ THÔI! - thơ Nguyễn Hồng Trân




TUỔI GIÀ AI CŨNG THẾ THÔI!

Tuổi già ai cũng thế thôi,
Mắt mờ, tai điếc, răng thời lung lay.
Tháng ngày nhức mỏi chân tay,
Đêm nằm trăn trở, sáng ngày ngẩn ngơ.
Đi đứng lững chững, vật vờ,
Buồn vui đột ngột, mập mờ hay quên.
Đầu óc cứ nghĩ liên miên:
Tình nghĩa con cháu thảo hiền đến đâu?
Thôi đừng nghĩ ngợi thêm sầu,
SINH-LÃO-BỆNH-TỬ là câu luật trời.
Yên tâm thanh thản cuộc đời,
Khi Tổ tiên gọi kịp thời ra đi.
Không còn ân hận điều chi,
Nghĩa tình trọn vẹn không gì băn khoăn...
                   
        Nguyễn Hồng Trân 
       (Cựu GV Đại học Huế)

***
Hình minh họa do tác giả cung cấp.
READ MORE - TUỔI GIÀ AI CŨNG THẾ THÔI! - thơ Nguyễn Hồng Trân

ĐÔNG VỀ - thơ Hoàng Ngọc Xuân




ĐÔNG VỀ

Hình như đông đã sang rồi
Hạt sương lạnh nhè nhẹ rơi trước thềm
Nụ hôn lẫn cả vào đêm
Nên hương cau cứ say mềm lòng ai
Sang canh chuông đổ hồi dài
Có ai vẫn ngóng tìm ai thẫn thờ

Hoàng Ngọc Xuân
TX.Thuận An, T.Bình Dương
Đ.T   01687 025 979
Email: hoangngoc.binh@yahoo.com.vn


READ MORE - ĐÔNG VỀ - thơ Hoàng Ngọc Xuân

THIỀN ƠI…HỠI THIỀN! - Hoài Huyền Thanh




THIỀN ƠI… HỠI THIỀN!

          Kính gửi Châu huynh.

Tửu sĩ đòi THIỀN nghe cũng lạ
“Lẵng lơ” gì chọn chốn thiền môn
Làm ơn cho em tìm chút đạo
Hành thiền còn có chốn nương thân

Anh muốn một tràng kinh tụng niệm
Em sẵn sàng cầu Phật ban ân
Dẫu có về niết bàn, địa ngục
Cũng xin mang tửu sĩ theo cùng.
             
            Hoài Huyền Thanh


              
READ MORE - THIỀN ƠI…HỠI THIỀN! - Hoài Huyền Thanh

NẮM LẤY TAY EM - thơ Thúy Ngân



NẮM LẤY TAY EM

Em không phải nàng thơ bé nhỏ ...
Cũng chẳng là nụ hồng mới hé đâu anh !
Chắc chắn - em người đàn bà mong manh
Với bao ước mơ đời bình dị ...

Em hoài niệm những gì cũ kỹ
Mỏi mòn chờ dĩ vãng ngủ yên
Khi lại muốn bức phá cuồng vọng - hồn điên!
Tim buốt nhói nửa tình hoang dã...!

Em biết tim mình không sỏi đá
Chạm bờ yêu rồi cũng rã rượi như nhau
Nước mắt chỉ làm ta thêm đau !
Thân có phân nào lấp đầy khoảng trống?

Đừng trách thời gian đã hững hờ hương phấn!
Đừng so sánh chi giữa hai bờ Vô - Ưu!
Đừng hỏi tại sao giòng đời luôn nghiệt ngã!
Bởi mãi tìm - Tình ngọc đá mà thôi !

Em yêu anh - tình yêu ngọc bội!
Nào cần rượu nồng với sắc áo phù vân
Đã yêu nhau, hãy đến thật gần...
Hãy nắm chặt tay dìu về miền hoàn vũ.


                  Thúy Ngân
READ MORE - NẮM LẤY TAY EM - thơ Thúy Ngân