Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, August 1, 2014

AI ĐÃ CỨU PHAN CHÂU TRINH KHỎI ÁN CHÉM? - Lê Thí

Tác giả Lê Thí, nguyên giáo viên trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng


            Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng chính Nam triều đã xử tử hình Phan Châu Trinh, nhưng nhờ có sự can thiệp của Liên minh Nhân quyền nên án tử hình mới đổi thành án khổ sai chung thân. Nhưng sự thực không phải như vậy. Những tư liệu mới về Phan Châu Trinh được người cháu ngoại của ông là bà Lê Thị Kinh sưu tầm taị Trung tâm lưu trữ hải ngoại của Pháp (CAOM)  đã làm sáng tỏ việc này và vinh danh hai vị đại thần triều Nguyễn là Lê Trinh và Cao Xuân Dục.


            Năm 1901 Phan Châu Trinh đỗ phó bảng được bổ làm Thừa biện  Bộ Học do Cao Xuân Dục làm Thượng thư. Chỉ một thời gian ngắn ông chuyển sang làm Hành tẩu Bộ Lễ do Lê Trinh làm Thượng thư.

Cao Xuân Dục và Lê Trinh là hai trọng thần của Triều Nguyễn, những người đã đấu tranh để đưa Vĩnh San (Duy Tân) lên làm vua thay vì Bửu Đảo (Khải Định). Khi vua còn nhỏ tuổi, triều đình đã thành lập Phủ Phụ chính để giúp nhà vua quyết định những công việc hệ trọng. Hai ông là những nhân vật hàng đầu của Phủ Phụ chính.


Thượng thư Bộ Lễ Lê Trinh



     Lê Trinh (1850-1909),  sinh tại làng  Bích La Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông thi đỗ Giải nguyên năm 1870, phó bảng năm 1875, làm quan trải qua 6 triều vua từ Tự Đức tới Duy Tân. Ông đã từng trải qua các chức vụ quan trọng ở các bộ như  biện lý Bộ Hộ, Bộ Lại (1884), tham tri Bộ Hình, Bộ Hộ, Bộ Binh (1891-1892), Thượng thư Bộ Lễ, Phụ chính đại thần (1903). Ông còn giữ nhiều trọng trách ở các Viện: Tham biện Viện Cơ mật (1888), Chưởng ấn Viện Đô sát (1888), Cơ mật đại thần (1903). Ông  cũng từng được cử vào đoàn sứ bộ sang Trung Quốc (1882). Trên lĩnh vực giáo dục, ông từng được sung làm giáo đạo dạy các hoàng tử  trong đó có Vĩnh San ( Duy Tân,1884), làm phó chủ khảo trường thi hương Thừa Thiên (1887) rồi chánh chủ khảo trường thi hương Bình Định (1891).

     Cao Xuân Dục (1843-1923),  tự là Tử Phát,  sinh tại xã Cao Xá, huyện Đông Thành,  phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông đỗ cử nhân năm 1876, làm quan trải qua nhiều chức vụ từ Tri huyện cho đến Thượng thư, Cơ Mật đại thần, Phụ Chính đại thần. Là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu quan trọng.

         Chí của Phan Châu Trinh không phải làm quan mà là làm cách mạng cho nên khi làm việc ở Bộ Lễ ông luôn vắng mặt để lo đọc Tân thư và kết giao với những người cùng chí hướng. Chuyện kể, Thượng thư Lê Trinh có lần đã nhận xét rất thú vị về người thuộc cấp gốc Quảng Nam của mình “Ở bộ tôi có anh Thừa biện mà cả năm nay tôi không hề thấy mặt”. Làm việc ở Bộ Lễ chưa ấm ghế, Phan Châu Trinh đã từ chức để xây dựng phong trào Duy tân.

Năm 1904, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp trả xong nợ khoa cử (đỗ tiến sĩ). Thế là “bộ ba Duy tân Quảng Nam Phan-Trần-Huỳnh” được hình thành. Chỉ trong một thời gian ngắn phong trào Duy tân đã đi vào hoạt động với việc xây dựng các trường học, hội thương, hội nông. Đến cuối năm 1906, phong trào đã lớn mạnh nên Pháp tìm mọi cách để triệt hạ:Theo tôi đã thật sự đến lúc phải chấm dứt cuộc tuyên truyền phá rối trị an và phá hoại tất cả quyền lực của chúng ta” (Báo cáo ngày 7/11/1907 của Công sứ Quảng Nam gửi Khâm sứ Trung Kỳ) (1)

Là nhất thiết cần có một cuộc đàn áp cứng rắn, không kiêng dè, sử dụng bộ máy chính quyền nếu cần..” (Báo cáo ngày 1/7/1907 của Đại lí tại Tam Kỳ gửi Khâm sứ Trung Kỳ). (2)

        Cơ hội đã đến, đó là cuộc biểu tình kháng thuế diễn ra vào tháng 3 năm 1908, bắt đầu từ Đại Lộc sau đó lan ra khắp tỉnh rồi khắp Trung Kỳ. Lúc này Phan Châu Trinh đang ở  Hà Nội nên Khâm sứ Trung Kỳ tức tốc điện nhờ Thống sứ Bắc Kỳ bắt Phan Châu Trinh hoả tốc giải về Huế. Phan Châu Trinh bị bắt ngày 31/3/1908, hai ngày sau đã có mặt ở Huế.

          Phan Châu Trinh bị Toà Khâm giao cho Phủ Phụ chính xét xử. Khâm sứ  Trung Kỳ Lévecque cho rằng Phan Châu Trinh đã khích động dân chúng chống lại Chính phủ Pháp nên làm áp lực buộc Nam triều phải áp dụng điều 223 xử án “trảm quyết”(chém ngay). Ngày 10/4/1908, Hội đồng Cơ mật dưới sự chủ trì của Thượng thư Lê Trinh, sau khi luận tội ông “mưu phản nhưng chưa thực hiện”, nên chỉ kết án "Trảm giam hậu, lưu tam thiên lý, ngộ xã bất nguyên” (giam lại chém sau, đày đi xa nghìn dặm, gặp kỳ ân xá cũng không tha) theo điều 224 của Luật Gia Long. Bản án gửi qua Toà Khâm, Lévecque tức giận, lồng lộn lên đòi phải xử lại. Y cho rằng Phủ Phụ chính đã nhầm lẫn trong việc áp dụng pháp luật khi vận dụng điều 224 về “mưu loạn vị hành” (mưu loạn nhưng chưa làm) đối với trường hợp Phan Châu Trinh, vì không thể nói ông “mưu loạn nhưng chưa làm” mà chính ông đã tổ chức “sách động” dân chúng gây ảnh hưởng không chỉ ở Quảng Nam mà cả các tỉnh Trung Kỳ, đã đi từ Nam chí Bắc tổ chức những hội kín, liên lạc thường xuyên với Phan Bội Châu...Y nhắc Phủ Phụ chính “phải áp dụng đúng đắn văn bản pháp luật, không để cho những suy nghĩ khác chi phối”, phải “xem xét lại bản án này”.

     Trong phiên xử lại ngay ngày hôm sau (12/4/1908), Phủ Phụ chính cũng do Thượng thư Lê Trinh chủ trì, có sự hỗ trợ tích cực của Thượng thư Cao Xuân Dục đã thuyết phục sáu vị còn lại giữ vững quan điểm, cương quyết thực hiện điều 224 cho Phan Châu Trinh. Thượng thư Lê Trinh còn nhắc cho Khâm sứ biết là “Cuộc kháng thuế không có vũ trang chỉ đấu tranh bất bạo động và Phan Châu Trinh không trực tiếp tham gia” và “Điều 223 chỉ áp dụng cho Phan Bội Châu mà thôi và giữa Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh tội trạng lại hoàn toàn khác nhau” (vì biết rằng Phan Bội Châu đang ở Nhật, ngoài vòng kiểm soát của Pháp).


Trước sự “cứng đầu” của Phủ Phụ chính nhất là của hai vị Thượng thư Bộ Học và Bộ Lễ, dù rất bực mình nhưng Khâm sứ Pháp Levecque phải ngậm bồ hòn làm ngọt chấp nhận bản án vì không muốn gây thêm căng thẳng. Mặt khác, y rất sợ phản ứng mạnh hơn của Phủ Phụ chính, nhất là trong lúc phong trào kháng thuế đang sôi sục khắp Trung Kỳ. Nhưng y cố vớt vát gỡ thể diện bằng cách buộc phải đày Phan Châu Trinh ra Côn Đảo chứ không phải ra Lao Bảo như bản án của Phủ Phụ chính.

Hai vị Thượng thư ra lệnh đày Phan Châu Trinh ra Côn Đảo ngay vì sợ để lâu Toà Khâm đổi ý có thể ảnh hưởng xấu đến sinh mạng của viên thuộc cấp mà hai vị vốn rất kính nể. Thế là Phan Châu Trinh thoát án chém và ngay ngày 14/4/1908 Phan Châu Trinh lên đường ra Côn Đảo.



Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh tại Đà Nẵng

       Công lao của Phủ Phụ chính, trong đó đứng đầu là Thượng thư Lê Trinh, đã được cụ Phan ghi lại với nhiều cảm kích: “Trong một thời gian ngắn nhiều bản án đã được chính quyền Pháp phê duyệt xử phạt các nhà nho bị bắt, trong đó có tôi, người thì án tử hình, người thì án lưu đày hoặc khổ sai chung thân. Tôi xin nói rõ ở đây, để làm rạng danh họ, rằng một số vị quan Triều đình Huế, mặc dù bị sức ép của Tòa Khâm sứ, đã từ chối ký vào bản án tử hình của tôi vì họ chẳng tìm ra điều gì để buộc tội tôi, ngoài một điều là tôi đã không làm vừa lòng một số quan chức. Nhân đây, tôi xin tỏ lời khen về một chút liêm sỉ còn sót lại trong các bản án man trá chứa đựng biết bao điều tàn bạo” (3)

  Đúng là ông Trinh họ Lê đã cứu ông Trinh họ Phan thoát án chém trong đường tơ kẽ tóc!


  


                                       
(Nguồn:bee.net.vn)                                               
(Ảnh Lê Thí)


                                                                         
(1, 2,3) Lê Thị Kinh,  Phan Châu Trinh qua những tư liệu mới , Nxb Đà Nẵng, năm 2001, trang 258,259).                 


                                                                             LÊ THÍ
lethitp@gmail.com

*****

Trong bài trên, nhiều đoạn và câu trích dẩn được tác gỉả cho in nghiêng. Để giữ nguyên ý của tác giả, VNQT không biên tập mà giữ nguyên format của bản gốc tác giả gởi qua Google nên các dòng chữ gần nhau hơn thường lệ. Mong bạn đọc thông cảm. VNQT
                         

READ MORE - AI ĐÃ CỨU PHAN CHÂU TRINH KHỎI ÁN CHÉM? - Lê Thí

GIAO CẢM TRONG THƠ HỒNG BĂNG và TỬU SĨ - Lê Liên

Tác giả Lê Liên



THẤY EM CÚI NHẶT ĐÓA TRÀ HOA THƠM
                              
Rằng thưa bất khả tư nghì
Càn khôn mọc rụng từ khi nhớ người
Lặng nghe tịch tĩnh không lời
Có vì sao xé khung trời. Rụng sa

Phất phơ giữa cõi ta bà
Thấy em cúi nhặt đóa trà hoa thơm.
              
                              Hồng Băng


Thú thật tôi không có điều kiện thời gian để thưởng thức thơ ca, cho nên kiến thi rất kém. Bạn thơ của tôi không có nhiều. Nhưng thật may, tôi đã hân hạnh được nhà thơ biết Hồng Băng qua những bài thơ, tùy bút mới đây của anh.

Thơ của anh chất chứa nhiều trắc ẩn từ cuộc sống này
và luôn làm cho người ta phải suy tư, mang mang như lạc vào cõi vừa xa xăm, vừa như thật gần.

Đọc thơ anh tôi thấy mình như trôi bềnh bồng trong vô định và cảm nhận thân phận con người thật mỏng dòn, li ti, li ti trong cõi phù du.

Đọc thơ anh làm tôi phải :
“Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời
   ….
  Ta nghiêng vai soi lại tình người …”
                                (Trầm Tử Thiêng)

Rồi tôi lại nghe văng vẵng đâu đó:
“Đôi khi ta lắng nghe ta
nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá
hồn ta gió cát phù du bay về…”
                                 (Trịnh Công Sơn)

Vâng. Giữa lúc tôi đang còn lan man trong thế giới thi ca của Hồng Băng thì Tửu Sĩ vụt tới, mang đến tin vui, với luồng sinh khí (bằng cảm tác):

Không suy không nghĩ không bàn
Vô vi, cõi Phật, thiên đàng cũng không
Chỉ em và đoá trà bông
Ta bà bỗng hoá thiên bồng chốn đây.
Bài thơ như bóng nhạn bay
Sáu câu vút cánh trong mây sáu hình
Cánh bồng khai ngộ vô thinh
Xem thơ hóa áng mây tình cùng bay 
                                      Tửu Sĩ

Có lẽ các bạn thơ đang thắc mắc Tửu Sĩ là ai ? Ngay cả nhà thơ Hồng Băng cũng ngờ ngợ, không biết có phải là bằng hữu của mình không?

Thú thật, khi tôi đọc comment đầu tiên mà Tửu sĩ viết cho bài thơ Thiên Cổ của Hồng Băng, thì tôi nhận ra đó là bút pháp độc đáo của thi huynh khả kính, trong nhóm Hoàng Gia của tôi rồi! 

Tửu Sĩ là một tiền bối trong làng văn học. Ngoài sáng tác thơ, Tửu Sĩ hay có những comment sâu sắc, dí dỏm, và là tác giả đã bình hàng trăm bài thơ rất hay! Tới đây, chắc hẳn các bạn thơ biết ngay đó chính là nhà thơ Châu Thạch rồi.

Quay trở lại bài thơ của Hồng Băng và cảm tác của Lão Ngoan Đồng Tửu Sĩ (mà sau đây tôi sẽ  lồng vào nhau), để cho giai điệu của chúng đồng ngân lên, cùng chung một cung bật cảm xúc.

Thật vậy. Không có gì để bàn luận cả khi Đất Trời, vạn vật luôn vận hành theo một chu kỳ tự nhiên mà tạo hóa đã an bài nên Hồng Băng thốt lên:

Rằng thưa bất khả tư nghì
Càn Khôn mọc rụng từ khi nhớ người (Hồng Băng)

Không suy, không nghĩ, không bàn
Vô vi, cõi Phật, thiên đàng cũng không (Tửu Sĩ)

Vô vi trong Đạo Giáo được Lão Tử viết đầy đủ “vi vô vi nhi vô bất vi” (Không làm gì mà không việc gì thì không làm). Bởi vì, tất cả mọi sự đều diễn biến theo tuần hoàn tự nhiên, không cần đến tác động khác, dù chỉ là yếu tố nhỏ, (cũng khiến mọi sự bị đảo lộn trật tự của nó), cho nên không cần thiết phài làm...

Vô vi trong Phật Giáo là không phụ thuộc, không bị ảnh hưởng, tất cả theo vận hành tự nhiên..

Cho nên: khi Hồng Băng thưa “bất khả tư nghì”, thì Tửu Sĩ đã đáp “ Không suy, không nghĩ, không bàn/ Vô vi, cõi Phật, Thiên Đàng cũng không” quả là “Đồng thanh tương ứng” ! Chừng như hai nhà thơ đã thẩm thấu một quy luật chung của tạo hóa.

 “Càn khôn mọc rụng từ khi nhớ người”

“Nhớ” là mầm vô thỉ chứa trong A-Lại-Da thức.
Ta trộm nghĩ “…. Từ khi “nhớ người”, nhà thơ muốn nhắc tới một kiều nữ mà ông đã vô tình để lạc dấu, khiến nỗi- ám- ảnh- không- rời- ấy- luôn - vây- bủa - ông trong từng khoảnh khắc tĩnh lặng của tâm hồn chăng?

Hay “nhớ người” ở đây không ai khác hơn, mà cứ khư khư hướng về chính mình, cái bản ngã u mê của mình?.

Hoặc giả “nhớ người”  ở đây chính hướng về vô ngã?

Trong vũ trụ bao la này, cái gì có sinh tự có diệt theo lẽ vô thường. Vô hhường vốn là khổ. Cái gì khổ mà biến đổi theo duyên sinh (không tùy thuộc vào chính nó) thì chính là vô ngã.

Nếu thấu đáo được vô ngã rồi thì phá chấp thôi! Phá chấp là lộ trình dẫn đến cảnh giới an lạc của tu trì.

“ Lặng nghe tịch tĩnh không lời”

Đã ở trong u tịch, im lìm tuyệt đối, thì trong mênh mông diệu vợi ấy thì có gì đâu, có gi đâu để mà nghe ? Thế nhưng Hồng Băng lại lắng nghe tiếng lòng mình vọng lại, thì quả thật sự thinh lặng đó dìm người ta đến tận cùng của sự hoang vu cô độc. Hoặc đạt đến tuyệt đỉnh của sự thanh tịnh! Nó thách thức ý chí khám phá đỉnh cao của trí huệ biết bao!

Lặng nghe tịch tĩnh không lời
Có vì sao xé khung trời. Rụng sa (HB)

Động từ “Xé” cho chúng ta có cảm giác nhức nhối, buốt đau đến bất ngờ.

Muốn vươn thành cây cao trong không gian bao la, ngập tràn nắng ấm thì hạt mầm không thể ủ mình trong lòng đất ẩm, tăm tối mà phải mạo hiểm xé vỏ, để chui lên! Muốn nhìn ngắm bảy sắc cầu vòng thì phải trải nghiệm một cơn mưa. Muốn thoát ra thì phải xé bỏ lớp vỏ bọc.

Còn “khung trời” ở đây không đơn giản là không gian riêng tư, mà mang cả khát vọng.

Và thật lạ, với ngữ cảnh trong câu: “Có vì sao xé khung trời. Rụng sa” khiến động từ “xé” giàu hình ảnh ấy, đã òa vỡ một âm ba kỳ diệu! Nó như tiếng thét Thiền tông đưa tâm về nơi an trú.

“ Rụng sa” thoảng qua, nghe sao mà chua chát thế!? Bởi: Rụng cho ta khái niệm của trái quá chín, hoặc  trái không còn nhựa sống mới lìa cuống mà bất khả rơi xuống! “Sa” lại cũng đồng nghĩa với rụng, rơi!

Cố nhạc sỹ Phạm Duy từng ngẩn ngơ khi nhận ra  tâm hồn mình đã chín qua mấy mùa buồn đau, khiến trái sầu rụng rơi ấy…  từ trong bài thơ Ngậm Ngùi của Huy Cận đã bay bổng qua nốt nhạc tài hoa, vượt thời gian của ông!

Thế nhưng trái sầu của Huy Cận - Phạm Duy cũng không sánh được với trái sầu của Hồng Băng. Bởi trong trái sầu cô tịch kia đã thai nghén nỗi nhớ luân hồi.


Phải, từ trong sâu thẳm của ký ức, khởi đi từ niệm (nhớ) của Hồng Băng đã chế ngự, lên ngôi, rồi bão hòa. Khiến Tửu Sĩ phải khẳng định:

“Chỉ em và đoá trà bông
Ta bà bỗng hoá thiên bồng chốn đây” ( TS)

 Phất phơ giữa cõi ta bà
Thấy em cúi nhặt đóa trà hoa thơm.(HB)

“Cúi nhặt” từ ngữ mang hình tượng đẹp, bộc lộ lòng khiêm cung. Với ngữ cảnh này,  ta bỗng hiểu tác giả ngộ ra mình từng lạc lõng giữa chốn mông lung của cõi ta bà này, tất cả chỉ là giả tạm…  sao mãi mê bôn ba tìm kiếm, vọng tưởng mà chi? Hãy nhận lại giá trị nguyên sơ vốn dĩ sẵn có của mình!

Ta bà trong Phạn Ngữ có nghĩa là chịu đựng. Đức Phật dạy: Ta bà ví như nhiều cõi giả tạm,  quán trọ… Phải chăng Hồng Băng đã mang nặng nỗi nhớ (cũng chính là bản ngã) vào cõi ta bà như một hành trang bất khả ly thân, rồi bỗng giác ngộ chân lý, tìm thấy chính mình và thoát ra từ chốn vô minh. Cho nên, chẳng lạ gì khi Lão Ngoan Đồng Tửu sĩ tấm tắc:

“Chỉ em và đóa trà bông
Ta bà bỗng hóa thiên bồng chốn đây
Bài thơ như bóng nhạn bay
Sáu câu vút cánh trong mây sáu hình” (TS)


Thật tuyệt! Chỉ gói ghém tâm tư của mình trong sáu câu thơ thôi, mà Hồng Băng đã cho chúng ta hiểu cuộc đời này vốn dĩ vô thường, tất cả chỉ là phù sinh, ta cứ để cho nó diễn biến thuận theo tự nhiên.

Còn Tửu Sĩ thật tinh tế khí ví :

“Bài thơ như bóng nhạn bay
Sáu câu vút cánh trong mây sáu hình
Cánh bồng khai ngộ vô thinh
Xem thơ hoá áng mây tình cùng bay”
                                            (Tửu Sĩ)

Chừng như Tửu sĩ sinh ra đã mang sứ mạng khai sáng thi ca vậy! Lão Ngoan Đồng viết cảm tác rất tự nhiên! Khổ thơ trên như một giai điệu mượt mà, giàu hình ảnh. Bởi, mây luôn biến thể, đời này là cõi phù vân. Thế nhưng khi ta trở về trong tĩnh lặng của tâm thức, thì chân lý mở ra bờ giác ngộ.

“Bóng Nhạn vút cánh /Xem thơ hóa áng mây tình cùng bay” cứ như là vector định hướng thật đẹp đẽ và đầy trách nhiệm.

Từ “vút cánh” cho ta liên tưởng đến trục tung (dọc). Từ “cánh bồng” cho ta liên tưởng đến trục hoành (ngang) trong chân trời toán học. Dọc - ngang trong trường đời cho ta khái niệm người có sĩ khí nhân nghĩa.

Tôi yêu bốn câu thơ kết của Tửu Sĩ biết bao! Bởi trong đó có tinh vật lý, toán lý, đạo lý, mang thông điệp bình an đến cho mọi người. Ôi cái duy lý ấy không khô cứng, mà rất uyển chuyển, mềm mại, nhẹ nhàng đi vào lòng người.

Cũng như tôi yêu câu thơ cuối của Hồng Băng: “Thấy em cúi nhặt đóa trà hoa thơm”. Còn gì quý hơn khi ta tìm thấy chính giá trị bản thân mình. Bởi vì, nó chính là nền tảng giúp cho ta định hướng được cuộc đời mình.

Nếu bài thơ "Thấy Em Cúi Nhặt Đóa Trà Hoa Thơm" được nhìn dưới góc độ đời thường, thì đây là áng thơ tình lãng mạn, ngạt ngào hương thơm, được ông Tơ bà Nguyệt định sẵn.

Nhưng nếu cảm nhận bài thơ "Thấy Em Cúi Nhặt Đóa Trà Hoa Thơm" theo phương hướng tâm linh, thì đây là cánh cửa Thiền, mở toang khung trời chân lý.

Nếu có lời kết đẹp, tôi muốn gởi đến các bạn thơ của tôi câu nói bất hủ của Đạt Ma Sư Tổ: “TRỰC CHỈ CHÂN TÂM, KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT”. Bởi khi liên kết hai bài thơ của Hông Băng và Tửu Sĩ trong tôi đã ngời sáng chân lý đó! Hai nhà Thơ ở hai miền xa lạ từ khoảng cách địa lý, đến đời sống tâm linh, nhưng bằng ngôn ngữ thi ca, bỗng nhiên họ trở thành tri âm dù chưa một lần giáp mặt.


Xin phép nhà thơ Hồng Băng cho tôi được mượn tâm ý của anh, để vẽ thành nét son "Thấy NHAU cúi nhặt đóa trà hoa thơm” để tất cả chúng ta cùng hạnh ngộ trong vườn thơ hoan ca, an lạc. Cảm ơn nhà thơ Hồng Băng và Lão Ngoan Đồng Tửu Sĩ rất nhiều.
READ MORE - GIAO CẢM TRONG THƠ HỒNG BĂNG và TỬU SĨ - Lê Liên

Ô LÂU GIÓ THOẢNG HƯƠNG XƯA - Tranh-thư pháp Minh Đạo

                                   
    Hình nền" Trên sông Ô Lâu "của Mai Lĩnh (Phạm Đình Quát)


          Ô Lâu gió thoảng hương xưa
        Mênh mang mái đẩy còn lưa câu hò
        
Minh Đạo
                                                        
READ MORE - Ô LÂU GIÓ THOẢNG HƯƠNG XƯA - Tranh-thư pháp Minh Đạo