Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, August 1, 2014

AI ĐÃ CỨU PHAN CHÂU TRINH KHỎI ÁN CHÉM? - Lê Thí

Tác giả Lê Thí, nguyên giáo viên trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng


            Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng chính Nam triều đã xử tử hình Phan Châu Trinh, nhưng nhờ có sự can thiệp của Liên minh Nhân quyền nên án tử hình mới đổi thành án khổ sai chung thân. Nhưng sự thực không phải như vậy. Những tư liệu mới về Phan Châu Trinh được người cháu ngoại của ông là bà Lê Thị Kinh sưu tầm taị Trung tâm lưu trữ hải ngoại của Pháp (CAOM)  đã làm sáng tỏ việc này và vinh danh hai vị đại thần triều Nguyễn là Lê Trinh và Cao Xuân Dục.


            Năm 1901 Phan Châu Trinh đỗ phó bảng được bổ làm Thừa biện  Bộ Học do Cao Xuân Dục làm Thượng thư. Chỉ một thời gian ngắn ông chuyển sang làm Hành tẩu Bộ Lễ do Lê Trinh làm Thượng thư.

Cao Xuân Dục và Lê Trinh là hai trọng thần của Triều Nguyễn, những người đã đấu tranh để đưa Vĩnh San (Duy Tân) lên làm vua thay vì Bửu Đảo (Khải Định). Khi vua còn nhỏ tuổi, triều đình đã thành lập Phủ Phụ chính để giúp nhà vua quyết định những công việc hệ trọng. Hai ông là những nhân vật hàng đầu của Phủ Phụ chính.


Thượng thư Bộ Lễ Lê Trinh



     Lê Trinh (1850-1909),  sinh tại làng  Bích La Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông thi đỗ Giải nguyên năm 1870, phó bảng năm 1875, làm quan trải qua 6 triều vua từ Tự Đức tới Duy Tân. Ông đã từng trải qua các chức vụ quan trọng ở các bộ như  biện lý Bộ Hộ, Bộ Lại (1884), tham tri Bộ Hình, Bộ Hộ, Bộ Binh (1891-1892), Thượng thư Bộ Lễ, Phụ chính đại thần (1903). Ông còn giữ nhiều trọng trách ở các Viện: Tham biện Viện Cơ mật (1888), Chưởng ấn Viện Đô sát (1888), Cơ mật đại thần (1903). Ông  cũng từng được cử vào đoàn sứ bộ sang Trung Quốc (1882). Trên lĩnh vực giáo dục, ông từng được sung làm giáo đạo dạy các hoàng tử  trong đó có Vĩnh San ( Duy Tân,1884), làm phó chủ khảo trường thi hương Thừa Thiên (1887) rồi chánh chủ khảo trường thi hương Bình Định (1891).

     Cao Xuân Dục (1843-1923),  tự là Tử Phát,  sinh tại xã Cao Xá, huyện Đông Thành,  phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông đỗ cử nhân năm 1876, làm quan trải qua nhiều chức vụ từ Tri huyện cho đến Thượng thư, Cơ Mật đại thần, Phụ Chính đại thần. Là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu quan trọng.

         Chí của Phan Châu Trinh không phải làm quan mà là làm cách mạng cho nên khi làm việc ở Bộ Lễ ông luôn vắng mặt để lo đọc Tân thư và kết giao với những người cùng chí hướng. Chuyện kể, Thượng thư Lê Trinh có lần đã nhận xét rất thú vị về người thuộc cấp gốc Quảng Nam của mình “Ở bộ tôi có anh Thừa biện mà cả năm nay tôi không hề thấy mặt”. Làm việc ở Bộ Lễ chưa ấm ghế, Phan Châu Trinh đã từ chức để xây dựng phong trào Duy tân.

Năm 1904, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp trả xong nợ khoa cử (đỗ tiến sĩ). Thế là “bộ ba Duy tân Quảng Nam Phan-Trần-Huỳnh” được hình thành. Chỉ trong một thời gian ngắn phong trào Duy tân đã đi vào hoạt động với việc xây dựng các trường học, hội thương, hội nông. Đến cuối năm 1906, phong trào đã lớn mạnh nên Pháp tìm mọi cách để triệt hạ:Theo tôi đã thật sự đến lúc phải chấm dứt cuộc tuyên truyền phá rối trị an và phá hoại tất cả quyền lực của chúng ta” (Báo cáo ngày 7/11/1907 của Công sứ Quảng Nam gửi Khâm sứ Trung Kỳ) (1)

Là nhất thiết cần có một cuộc đàn áp cứng rắn, không kiêng dè, sử dụng bộ máy chính quyền nếu cần..” (Báo cáo ngày 1/7/1907 của Đại lí tại Tam Kỳ gửi Khâm sứ Trung Kỳ). (2)

        Cơ hội đã đến, đó là cuộc biểu tình kháng thuế diễn ra vào tháng 3 năm 1908, bắt đầu từ Đại Lộc sau đó lan ra khắp tỉnh rồi khắp Trung Kỳ. Lúc này Phan Châu Trinh đang ở  Hà Nội nên Khâm sứ Trung Kỳ tức tốc điện nhờ Thống sứ Bắc Kỳ bắt Phan Châu Trinh hoả tốc giải về Huế. Phan Châu Trinh bị bắt ngày 31/3/1908, hai ngày sau đã có mặt ở Huế.

          Phan Châu Trinh bị Toà Khâm giao cho Phủ Phụ chính xét xử. Khâm sứ  Trung Kỳ Lévecque cho rằng Phan Châu Trinh đã khích động dân chúng chống lại Chính phủ Pháp nên làm áp lực buộc Nam triều phải áp dụng điều 223 xử án “trảm quyết”(chém ngay). Ngày 10/4/1908, Hội đồng Cơ mật dưới sự chủ trì của Thượng thư Lê Trinh, sau khi luận tội ông “mưu phản nhưng chưa thực hiện”, nên chỉ kết án "Trảm giam hậu, lưu tam thiên lý, ngộ xã bất nguyên” (giam lại chém sau, đày đi xa nghìn dặm, gặp kỳ ân xá cũng không tha) theo điều 224 của Luật Gia Long. Bản án gửi qua Toà Khâm, Lévecque tức giận, lồng lộn lên đòi phải xử lại. Y cho rằng Phủ Phụ chính đã nhầm lẫn trong việc áp dụng pháp luật khi vận dụng điều 224 về “mưu loạn vị hành” (mưu loạn nhưng chưa làm) đối với trường hợp Phan Châu Trinh, vì không thể nói ông “mưu loạn nhưng chưa làm” mà chính ông đã tổ chức “sách động” dân chúng gây ảnh hưởng không chỉ ở Quảng Nam mà cả các tỉnh Trung Kỳ, đã đi từ Nam chí Bắc tổ chức những hội kín, liên lạc thường xuyên với Phan Bội Châu...Y nhắc Phủ Phụ chính “phải áp dụng đúng đắn văn bản pháp luật, không để cho những suy nghĩ khác chi phối”, phải “xem xét lại bản án này”.

     Trong phiên xử lại ngay ngày hôm sau (12/4/1908), Phủ Phụ chính cũng do Thượng thư Lê Trinh chủ trì, có sự hỗ trợ tích cực của Thượng thư Cao Xuân Dục đã thuyết phục sáu vị còn lại giữ vững quan điểm, cương quyết thực hiện điều 224 cho Phan Châu Trinh. Thượng thư Lê Trinh còn nhắc cho Khâm sứ biết là “Cuộc kháng thuế không có vũ trang chỉ đấu tranh bất bạo động và Phan Châu Trinh không trực tiếp tham gia” và “Điều 223 chỉ áp dụng cho Phan Bội Châu mà thôi và giữa Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh tội trạng lại hoàn toàn khác nhau” (vì biết rằng Phan Bội Châu đang ở Nhật, ngoài vòng kiểm soát của Pháp).


Trước sự “cứng đầu” của Phủ Phụ chính nhất là của hai vị Thượng thư Bộ Học và Bộ Lễ, dù rất bực mình nhưng Khâm sứ Pháp Levecque phải ngậm bồ hòn làm ngọt chấp nhận bản án vì không muốn gây thêm căng thẳng. Mặt khác, y rất sợ phản ứng mạnh hơn của Phủ Phụ chính, nhất là trong lúc phong trào kháng thuế đang sôi sục khắp Trung Kỳ. Nhưng y cố vớt vát gỡ thể diện bằng cách buộc phải đày Phan Châu Trinh ra Côn Đảo chứ không phải ra Lao Bảo như bản án của Phủ Phụ chính.

Hai vị Thượng thư ra lệnh đày Phan Châu Trinh ra Côn Đảo ngay vì sợ để lâu Toà Khâm đổi ý có thể ảnh hưởng xấu đến sinh mạng của viên thuộc cấp mà hai vị vốn rất kính nể. Thế là Phan Châu Trinh thoát án chém và ngay ngày 14/4/1908 Phan Châu Trinh lên đường ra Côn Đảo.



Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh tại Đà Nẵng

       Công lao của Phủ Phụ chính, trong đó đứng đầu là Thượng thư Lê Trinh, đã được cụ Phan ghi lại với nhiều cảm kích: “Trong một thời gian ngắn nhiều bản án đã được chính quyền Pháp phê duyệt xử phạt các nhà nho bị bắt, trong đó có tôi, người thì án tử hình, người thì án lưu đày hoặc khổ sai chung thân. Tôi xin nói rõ ở đây, để làm rạng danh họ, rằng một số vị quan Triều đình Huế, mặc dù bị sức ép của Tòa Khâm sứ, đã từ chối ký vào bản án tử hình của tôi vì họ chẳng tìm ra điều gì để buộc tội tôi, ngoài một điều là tôi đã không làm vừa lòng một số quan chức. Nhân đây, tôi xin tỏ lời khen về một chút liêm sỉ còn sót lại trong các bản án man trá chứa đựng biết bao điều tàn bạo” (3)

  Đúng là ông Trinh họ Lê đã cứu ông Trinh họ Phan thoát án chém trong đường tơ kẽ tóc!


  


                                       
(Nguồn:bee.net.vn)                                               
(Ảnh Lê Thí)


                                                                         
(1, 2,3) Lê Thị Kinh,  Phan Châu Trinh qua những tư liệu mới , Nxb Đà Nẵng, năm 2001, trang 258,259).                 


                                                                             LÊ THÍ
lethitp@gmail.com

*****

Trong bài trên, nhiều đoạn và câu trích dẩn được tác gỉả cho in nghiêng. Để giữ nguyên ý của tác giả, VNQT không biên tập mà giữ nguyên format của bản gốc tác giả gởi qua Google nên các dòng chữ gần nhau hơn thường lệ. Mong bạn đọc thông cảm. VNQT
                         

No comments: