Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, September 9, 2008

Nguyễn Hoàn

Thơ viết ngày chưa yêu




Dĩ vãng cuốn trôi tuổi thơ đâu mất

Trút lá chờ xuân cây đứng u hoài

Em trút áo xưa hết vừa xuân nữ

Tóc trút ngoan hiền cho lả hồn ai



Anh về phương em từ thưa đến nhặt

Lối nhớ mòn rêu nhường bước âm thầm

Đuổi cho em vẻ thu buồn hiu hắt

Khuyết trăng nghiêng dấu hỏi ước xa xăm



Hai đứa đày nhau bên lở bên bồi

Sông Tương chảy như suối nguồn lệ ứa

Xa vắng mượn giấc chiêm bao thả nổi

Cầu ái ân bao giờ nối thì vừa?



Thả nắng giăng mưa em dãi dầu anh

Em sợ tình anh chưa là anh thực

- Đời chẳng sợ bao mưu toan tư lợi

Lừa bằng tình khốn nạn lắm, em ơi!



Em trang sức anh thành thần tượng trong đời

Thế mà anh cứ đầu trần chân đất

Anh chỉ như cây mọc miền đá sỏi

Em tưới mưa xuân run rẩy nẩy nên mầm



Ngày bé anh thích mẹ ủ chuối xanh

Chuối chưa chín sốt ruột anh vẫn bẻ

Mến thương em thấm đắng đót tim anh

Anh ủ hồn em bao giờ mới chín!


NGUYễN HOÀN

Nguồn: www.vanchuongviet.org



Dấu tích người vợ bất hạnh của vua Thành Thái bên dòng Ô Lâu





Quảng Trị có cả một dòng sông tình sử, hay nói một cách khác, có một tình sử buồn thương mang tên một dòng sông quê mẹ dấu yêu, đó là “tình sử Ô Lâu”. Dòng sông Ô Lâu nằm ở cực Nam huyện Hải Lăng xưa là nơi “đưa duyên” cho mối tình giữa chàng thư sinh xứ Nghệ với cô lái đò trên sông này nảy nở nhân một chuyến chàng “qua sông luỵ đò” để vào Kinh ứng thí. Sau khi thi đỗ trạng nguyên xong, chàng về tìm lại bến sông xưa thì mới biết, người yêu đã qua đời trong tương tư mòn mỏi, để lại mối hận tình thảm thiết trong cổ tích và ca dao:


Trăm năm đành lỗi hẹn hò

Cây đa, bến cũ, con đò khác đưa...


Lâu nay, người ta những tưởng đó là “tình sử Ô Lâu” duy nhất. Nào ngờ, bên dòng Ô Lâu còn có một cuộc “lỗi hẹn” trăm năm buồn thảm hơn nữa giữa vua Thành Thái với bà Dương Thị Ngọt ở thôn Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, một người con gái đẹp như thể được sinh ra từ nguồn nước Ô Lâu ngọt mát.


Trong quá trình điền dã để lần theo dấu vết cuộc tình này, một cuộc tình chưa thấy được viết ra trong các sách kể chuyện “thâm cung bí sử” triều Nguyễn, chúng tôi may mắn được ông Dương Quang Diêu ở Hội Kỳ, người cháu họ của bà Ngọt ở đời thứ 3 (nếu tính từ đời bà) cung cấp một số tài liệu xưa và những lời kể “mật truyền” trong gia tộc để ít nhiều dựng lại được cuộc tình này.


Bà Dương Thị Ngọt là con gái của ông Dương Quang Xứng, một vị quan trải qua nhiều đời vua triều Nguyễn. Trong gia phả của gia tộc họ Dương tại nhà ông Dương Quang Diêu, hiện còn cất kèm một tờ sắc của vua Đồng Khánh và một văn bản của Bộ Lại, thời vua Thành Thái ban cấp cho ông Dương Quang Xứng, cho biết ông Xứng từng giữ chức Viên ngoại lang ở Nha thương trường (tức kho lương thực), tiếp đó, vào năm 1885, niên hiệu Đồng Khánh được thăng chức Lang trung, đến năm Thành Thái thứ 6 (1894) được thăng chức Thái bộc tự khanh, rồi đến chức Bố chính tỉnh Khánh Hoà (chức quan trông coi việc tài chính ở tỉnh). Cùng với con đường thăng tiến của ông Xứng, bà Ngọt từ một cô thôn nữ “quê mùa” bỗng trở thành một “bà vua” là chuyện dễ hiểu.


Bà Ngọt được chọn làm bà phi thứ 9 của vua Thành Thái. Bia mộ trong lăng của bà đặt tại thôn Hội Kỳ, Hải Chánh đã ghi rõ điều đó: “Hoàng triều cửu giai tài nhân thuỵ Thục Thuận Dương Thị chi tẩm, Thành Thái thập tam niên bát nguyệt cát nhật tạo”, dịch là: Lăng của bà họ Dương, bà phi của nhà vua được xếp vào bậc “cửu giai tài nhân”, có tên thuỵ (tên đặt cho người có địa vị sau khi chết, dưới thời phong kiến) là Thục Thuận, lăng được dựng vào ngày lành, tháng 8, năm Thành Thái thứ 13 (tức năm 1901). Ta biết rằng, trong nội cung triều Nguyễn, kể từ đời vua Minh Mạng trở về sau, các bà phi được xếp hạng theo 9 bậc thứ tự gồm: nhất giai phi, nhị giai phi, tam giai tần, tứ giai tần, ngũ giai tần, lục giai tiệp dư, thất giai quý nhân, bát giai mỹ nhân và cửu giai tài nhân. Bà Ngọt được xếp vào bậc “cửu giai tài nhân”, bậc 9, được hưởng lương 180 quan tiền và 48 vuông gạo. Bà sinh được một hoàng nam nhưng bị đau chết, khi mới một tuổi. Là một bà vua nhưng bà Ngọt có số phận hết sức bi đát, do bởi bà đã được sinh ra bên dòng sông “tình sử Ô Lâu” định mệnh kia chăng?


Ông Dương Quang Diêu đã 70 tuổi, tuổi “cổ lai hy” mà vẫn còn minh mẫn nhớ như in những lời “mật truyền” trong gia tộc về cái chết oan khốc của bà Ngọt: “Vua Thành Thái không để tóc dài như các vua khác mà đã cắt tóc ngắn. Một hôm, sau khi đã cắt tóc ngắn xong, vua dạo một lượt qua các bà phi, hỏi xem có đẹp không. Bà nào cũng khen đầu vua đẹp. Chỉ riêng bà Ngọt đã không khen lại còn buột miệng bảo: “Trông giống như kẻ cướp ấy”. Vua nổi giận, liền đem bỏ bà Ngọt vào nấu trong vạc dầu”. Lời kể của ông Diêu về tình tiết dẫn đến cái chết của bà Ngọt có thể chưa sát với sự tình (thời nhà Nguyễn không có chuyện dùng vạc dầu để trị người phạm tội) nhưng rõ ràng là bà Ngọt đã phạm tôi khi quân (tội khinh vua), phải chuốc lấy cái chết. Còn nhớ, dười thời vua Minh Mạng, có một bà phi vào chầu vua 5 năm rồi mà chưa được chung chăn gối, một hôm, nhân vua ngủ trưa bèn liều hôn trộm vua một cái, vua còn xử tử ngay, huống nữa là trường hợp của bà Ngọt.



Dù bà Ngọt bị buộc tội chết, vua vẫn lo cho lễ mai táng bà chu đáo, theo đúng nghi thức xứng với một “bà vua”. Chính thế mà khi thuật lại đám tang của bà Ngọt với chúng tôi, ông Diêu đã thoát ra ngoài cái giọng trầm đục vì nặng nỗi bi thương để cất cao giọng pha chút tự mãn: “Đám tang bà Ngọt được đưa từ Huế về Quảng Trị bằng đò theo đường sông Ô Lâu, về cập bến chợ Hôm, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Từ chợ Hôm, người ta gánh bộ quan tài bà Ngọt đi trên chiếu hoa rải cho đến tận thôn Hội Kỳ. Chi phí mai táng, xây dựng lăng tẩm, nhà vua phải chịu. Vua còn cấp cho 4 người từ phu coi lăng, mỗi người được cấp 3 sào ruộng miễn thuế và ngoài ra còn được miễn các thứ sưu dịch”.



Đến đây, có một điều nghi vấn đặt ra: nguyên nhân dẫn đến cái chết thảm khốc của bà Ngọt có liên quan sâu xa gì đến tâm sự u uất của vua Thành Thái không? Ông vua yêu nước Thành Thái đã từng giả điên để che giấu mưu đồ chống Pháp (bởi thế mà ông từng được mệnh danh là “vua điên”). Quyền hành nhà vua bị thực dân Pháp thu hẹp dần, mọi cải cách nhà vua đưa ra đều bị cản trở. Cả đến những cử chỉ “duy tân” của nhà vua như tự lái xe hơi, lái xuồng máy, cắt tóc ngắn...cũng bị khâm sứ Pháp và bọn bồi Tây dò xét, nghi ngại. Thậm chí, chúng còn phao tin nhà vua điên thật để kiếm cớ truất phế. Vậy cái chết của bà Ngọt có liên quan gì đến chuyện “giả điên” của vua Thành Thái không, có liên quan gì đến một khúc quanh của lịch sử không? Mọi uẩn khúc này hy vọng sẽ được thời gian soi xét.


NGUYễN HOÀN



Mẹ Gio Linh - Mẹ Việt Nam





“Gan Mai Xá, đá Hảo Sơn”, danh tiếng làng Mai đã lừng vang trong câu tục ngữ truyền đời ấy của người Quảng Trị. Như thừa hưởng được phong vận, chính khí của trời đất xứ này, cả đến hoa mai của làng Mai không chỉ lừng hương với gió mà còn lừng hương cả trong dòng sử thơm. Cụ Nguyễn Du viết: “Mai cốt cách”. Người làng Mai truyền tụng câu “Mai vàng tụ nghĩa”.



Thuở đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, vua Duy Tân ra Cửa Tùng lấy cớ “nghỉ mát” để che mắt giặc, kỳ thực vua tìm người thân tín họp bàn việc Cần Vương, cứu nước, ở Quảng Trị đã mọc nên sáu vườn đào tụ nghĩa. Đó là vườn đào Tường Vân, Triệu Phong của cụ Lê Thế Vỹ (thân phụ của hai cụ Lê Thế Hiếu, Lê Thế Tiết, hai nhà cách mạng tiền bối tiếng tăm của tỉnh Quảng Trị), vườn đào Cam Lộ của cụ Nguyễn Khoá Bảo, vườn đào Linh Yên, Triệu Phong của cụ đề đốc Nguyễn Thành Đốc, người mang bầu máu nóng “bình Tây, sát tả”, bị giặc Pháp xử trảm ở bãi bồi làng Nhan Biều, Triệu Thượng, Triệu Phong, vườn đào Bồ Bản, Triệu Phong của cụ Ấm Muộn, vườn đào Bích Khê, Triệu Phong của cụ Hoàng giáp Hoàng Hữu Bính và vườn đào Mai Xá, Gio Linh của cụ tú tài Trương Quang Cung. Môn đệ vườn đào Mai Xá họp mặt, khi ở bến đục Hà Trung, Gio Linh, khi ở lòi Mai Xá. Mỗi độ xuân về, lòi Mai Xá cây xanh, cát trắng bỗng thắm vàng trong sắc rừng mai nở, vì thế, vườn đào Mai Xá được gọi tên “Mai vàng tụ nghĩa Cần Vương”. Trong những lần họp mặt, các vị tụ nghĩa Cần Vương đã đọc Hịch Cần Vương với những dòng hiệu triệu thống thiết: “Thế nước như trứng chồng, chỉ có hợp quần sức mạnh mới lên!”. Ở làng Mai Xá bấy giờ có cụ Trương Quang Đông đi lính Cần Vương được hàm bát phẩm. Đêm nào, ở nhà cụ Đông xuất hiện một vị khách giả dạng thầy đồ, hoặc thầy bói, hoặc lính lệ Nam triều đến nhỏ to mưu sự với cụ thì ngay đêm đó, những người phụ nữ phải lo nấu từ hai đến ba nồi bung cơm vắt, từng vắt ở giữa có muối mè, để ra nhiều nống chừng trăm vắt, xong có người đến lấy, gánh ra đình làng phân phát cho những người đợi sẵn. Những người này nhận cơm vắt rồi biến mất tăm. Làng Mai đã nuôi những người đi đánh Tây bằng nắm cơm vắt ấm nồng như thế đó. Ngược dòng lịch sử mới thấy, chính hạt gạo khó nhọc làng Mai đã từng nuôi lớn sức mạnh võ công của những người theo nghĩa khí phong trào Tây Sơn.



Tộc phả họ Bùi làng Mai còn truyền tên tuổi, công trạng của hai vị quan võ thời Tây Sơn. Đó là chánh tiền chỉ huy sứ Bùi Văn Hịch (chỉ huy một doanh 500 người), có công đặc biệt, sau về làng “giữ ngôi tiên chỉ, giàu có vạn tiền, ruộng liền một dải”. Đó là tiền đạo thuỷ binh Bùi Văn Huy với sức khoẻ và võ công cao cường, ngỡ như huyền thoại: “Chỉ huy tiền đạo thuỷ quân đánh vào căn cứ mạnh của địch, sức khoẻ bẻ gãy cây tre, để cối đá trên bụng cho người giã trắng gạo, uống rượu bao nhiêu cũng không hề say”. Mảnh đất từng hun đúc nên nghĩa khí “Mai vàng tụ nghĩa” lúc đất nước đương cơn bĩ cực cũng chính là nơi sớm sản sinh những hạt giống đỏ. Hưởng ứng phong trào Thanh niên cách mạng đồng chí hội những năm 1925-1929, chi hội Thanh niên cách mạng đồng chí hội huyện Gio Linh đã được thành lập, trong đó có ba hạt giống đỏ Mai Xá là Trương Quang Phiên, Trương Khắc Khoan và Trương Quang Côn, lấy đình làng Mai Xá Chánh làm điểm hẹn liên lạc. Sau vụ rải truyền đơn khắp tỉnh đêm 17-6-1929 kêu gọi thành lập Đảng Cộng sản mà tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội của tỉnh có tham gia, bọn địch tức tối lùng sục, dò xét manh mối. Nhiều hội viên Thanh niên đã bị bắt, trong đó có ba hạt giống đỏ Mai Xá.



Bọn thực dân Pháp và Nam triều ở tỉnh Quảng Trị đã kết án 31 hội viên Thanh niên tại phiên toà ngày 13-10-1929, trong đó Trương Khắc Khoan 11 năm tù, Trương Quang Phiên 10 năm tù và Trương Quang Côn 11 tháng tù. Nhưng tù tội chẳng qua là nơi rèn khí tiết, đợi thời cơ. Và rồi thời cơ khởi nghĩa, cướp chính quyền đã đến với khí thế trống giong, cờ mở của mùa thu tháng Tám. Ngày 18-8-1945, tại sân đình làng Mai Xá Chánh, cụ Trương Quang Phiên, hạt giống đỏ “Thanh niên” ngày nào đã chủ trì lãnh đạo việc cướp chính quyền ở địa phương và chuẩn bị ra mắt Uỷ ban khởi nghĩa. Cũng tại sân đình này, đêm 1-9-1945, cụ Trương Quang Côn, Chủ nhiệm Việt Minh xã đã tập hợp, dẫn đầu một đoàn đại biểu dân làng náo nức tiến về thị xã Quảng Trị mừng ngày Quốc khánh 2-9-1945. Nhưng thực dân Pháp không từ bỏ âm mưu cướp nước ta lần nữa. Vì thế, cùng với cả nước, người làng Mai đã tức thì đứng lên kháng Pháp bằng việc gửi con em vào đoàn Nam tiến để chia lửa với chiến trường miền Nam. Cùng với cả huyện, người làng Mai đã góp phần tạo dựng nên “Huyện kháng chiến kiểu mẫu” Gio Linh-danh hiệu được tỉnh công nhận năm 1949-bằng “kiểu mẫu” riêng, bằng cốt cách truyền thống hun đúc và bằng cả những huyền thoại có thật: đau thương mà bi tráng, uất hận mà khí tiết...trong đó mãi lung linh huyền thoại mẹ Gio Linh.



Ký ức người Mai Xá không bao giờ quên ngày uất hận, ngày giặc Pháp ở đồn Nhĩ Hạ bắt được hai anh Nguyễn Đức Kỳ, xã đội trưởng xã Linh Hưng (nay là xã Gio Mai) ở thôn Lâm Xuân, Gio Mai và anh Nguyễn Phi, cán bộ bình dân học vụ ở miếu Đôi ngoài đồng Mai Xá đưa về đồn tra tấn suốt ngày đêm, rồi hành quyết cắt đầu hai anh đem cắm ở chợ trước cổng đình làng Mai Xá Chánh ngày 16-8-1948. Ông Trương Ký Túc, người làng Mai Xá Chánh, nay đã 72 tuổi, lúc đó hãy còn là một chú bé đi chăn bò chứng kiến sự việc bi thương này, nhớ lại: “Sáng đó, lúc 4 giờ tôi đã dậy đi lùa bò. Do bò chạy vào đình làng, tôi phải vào lùa, chợt thấy có hai đầu người bị Tây cắm trên đòn xóc trước đình. Tôi vuốt vào cái đầu người thấy láng mượt, sợ quá, tôi vội quay ra, bị con bò đạp lên chân làm toe móng chân. Chỗ móng chân bị bò đạp vẫn còn “kỷ niệm” mãi đến nay”. Đã làm cái việc dã man trung cổ là bêu đầu, lại còn xức dầu bidăngtin láng mượt lên đầu hai chiến sĩ theo kiểu “hoa lệ” thực dân đểu cáng, giặc Pháp hòng răn đe, làm nhụt ý chí kháng chiến của quân dân Gio Linh. Nhưng chúng đã nhầm to và càng làm mồi thêm ngọn lửa căm thù bốc cao như núi. Trước khi bị hành quyết, hai anh đã dõng dạc gửi lại nghĩa khí cho đời, như trong bài thơ “Mẹ già liệt sĩ làng Mai” của Mai Quang Trí, một tác giả quê ở chính làng Mai Xá Thị, Gio Mai, Gio Linh đã cảm khái và hào sảng viết: “Họ hô to “Độc lập muôn năm”, Họ hô lớn “Việt Nam bất diệt”...



Anh Nguyễn Đức Kỳ quê ở làng Mai Xá Thị, Gio Mai, Gio Linh, là con của ông Nguyễn Xun và bà Lê Thị Cháu (tên thật là Lê Thị Lý), dân làng quen gọi là ông bà Diêu Cháu. Anh Nguyễn Phi quê ở làng Mai Xá Chánh, Gio Mai, Gio Linh, là con của ông Nguyễn Sửu (thường gọi là ông Cửu Đen) và bà Hoàng Thị Sáng. Chính những người mẹ đứt ruột sinh ra những cái đầu gan góc đã quặn lòng nuốt hận mang thúng đi lấy đầu con về. Từ phía đình làng Mai Xá Chánh trong ngày trời đất nhuốm màu tang tóc, có bóng những người phụ nữ cắp thúng mủng giả dạng đi chợ nhưng thực ra là đi lấy đầu liệt sĩ làng Mai, đóï là mẹ Lê Thị Cháu và bà Khương Thị Mén, thím của anh Nguyễn Đức Kỳ (bà Mén là vợ ông Nguyễn Văn Thạng, em ruột ông Nguyễn Xun), mẹ Hoàng Thị Sáng và bà Bùi Thị Con, thím của anh Nguyễn Phi (bà Con là vợ ông Nguyễn Văn Di, em ruột ông Nguyễn Sửu). “Con mang theo dòng máu anh hùng, Sống chiến đấu, chết toàn danh tiết, Con ra đi hình hài tuấn kiệt, Con trở về có chiếc đầu thôi”.



Để tránh Tây lùng sục, các mẹ đã giấu đầu hai anh kín đáo ở trên tra, gần nóc nhà, sau đó nhờ người đóng những chiếc hòm đặc thù hình vuông khâm liệm hai anh rồi đem chôn. Đầu anh Kỳ được chôn tại vùng Dôông, Mai Xá Chánh, đầu anh Phi được chôn tại nghĩa địa Cồn Dài, xóm Kênh, Mai Xá Chánh. Ba đêm sau, tại nhà mẹ Cháu, bộ đội, du kích đã về cùng bà con quây quần làm lễ truy điệu cho các anh sát nách đồn giặc ở Mai Xá. Gương hy sinh bất khuất của hai anh đã có sức hiệu triệu lay động mạnh mẽ lòng người, sức mạnh kỳ diệu đó vang vọng cả trong thơ và trong nhạc: “Đồng đội đến trăm người, trăm hỏi, Anh em đầy đủ mặt bốn bề, Nhìn nhau đi cho dạ tái tê, Cho uất hận trào lên cực độ” (Mai Quang Trí).



Từ đó, huyền thoại mẹ Gio Linh đã kết nên tượng đài đau thương lộng lẫy, bất diệt sừng sững đổ bóng xuống những giai điệu có sức lan toả nhanh rộng thời bấy giờ trong bản nhạc “Bà mẹ Gio Linh” của nhạc sĩ Phạm Duy: “Mẹ già cuốc đất trồng khoai, nuôi con đánh giặc đêm ngày, cho dù áo rách sờn vai, cơm ăn bát vơi bát đầy, hò ơi ơi ới hò...Mẹ già tưới nước trồng rau, nghe tin xóm làng kêu gào, quân thù đã bắt được con, mang ra giữa chợ cắt đầu, hò ơi ơi ới hò, nghẹn ngào không nói một câu, mang khăn gói đi lấy đầu”. Hình ảnh bên mẹ sau cái chết nghĩa khí của con mẹ đã chắp cánh cho Phạm Duy viết nên những nốt nhạc đau thương nhưng không bi luỵ mà bi hùng: “Đoàn người kéo đến nhà chơi, khơi vui bếp lửa tơi bời...Khi trông con nuôi xúm xít dưới túp nhà, mẹ nhìn đàn con thương nhớ đứa con xưa”. Con mẹ đã hy sinh, nhưng mẹ có cả đàn đàn con nuôi là bộ đội về làm ấm lòng mẹ.



Các anh ngã xuống trút nghĩa khí cho chính khí đất trời, còn hình hài đã hoá thân vào đất đai sông núi, không mất đi đâu cả, cho dẫu chết đầu lìa khỏi xác. Hai anh đã được mẹ Gio Linh lấy đầu về chôn cất, nhưng tấm thân còn vùi khuất đâu đó bên đồn Pháp dã man Nhĩ Hạ. Mãi mấy năm sau, khoảng năm 1952-1953, lúc thế giặc nao núng, gia đình mới đi lấy được thân xác hai anh về. Ông Nguyễn Sửu, bố anh Nguyễn Phi đã đi lấy thân xác anh, cùng đi có đứa cháu ngoại mới 9 tuổi lon ton theo, đó là chú bé Trần Thành Huế, cháu gọi anh Nguyễn Phi bằng cậu ruột. Tôi đã hỏi chuyện giáo sư tiến sĩ Trần Thành Huế, Chủ nhiệm khoa Hoá, Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, tức là chú bé thuở ấy về ký ức xưa đau đớn, ngậm ngùi. Trải qua tháng năm dằng dặc, ký ức thuở còn bé trong ông vẫn giữ vẹn nguyên đến từng chi tiết về hình dáng người cậu oanh liệt: “Khi đào hố lên, ở hố chôn tập thể, tôi thấy có tóc của những người phụ nữ rất xanh. Những người đã chôn xác cậu tôi và ông Kỳ họ rất có ý thức, họ chôn riêng ra một góc, nên ông ngoại tôi tìm ra được. Cậu tôi có một chân bị tật vòng kiềng, xương ống chân bị cong. Nhờ dấu hiệu đó, ông ngoại tôi nhận ra ngay hình hài cậu tôi”. Thi hài các anh vậy là đã được gắn kết trọn vẹn. Mộ anh Kỳ hiện được đặt trong khu lăng mộ phái Nguyễn Đức tại Cồn Go, Mai Xá Thị, mộ anh Phi đặt trong khu lăng mộ gia đình tại Cồn Dài, xóm Kênh, Mai Xá Chánh.



Mỗi lần về Gio Mai, Gio Linh, tôi thường tần ngần đến viếng đình làng Mai Xá Chánh để được sống trọn vẹn với niềm cảm khái trào dâng về nghĩa khí “gan Mai Xá” và cốt cách “mai vàng tụ nghĩa”. Cái thế vững như bàn thạch của đất này đã được diễn tả qua câu đối tạc trên cổng đình Mai Xá Chánh: “Thượng hạ cửu xã phường, giang sơn ngật để trụ, Tây Đông giáp Tiên Việt, môn địa tráng trường thành”, tạm dịch: trên dưới chín xã, phường (đất Mai Xá ngày trước rất rộng gồm xã Mai Xá Chánh và 8 phường: Xuân Lộc, Đào Xuyên, Quảng Xá, Nam Đông, Nam Tây, Bái Sơn, Phú Phụng, Phú An, gọi là bát phường Mai Xá thuộc tổng Bái Trời), giang sơn cao gốc vững, Tây Đông giáp Cồn Tiên, Cửa Việt, cửa đất rộng thành dài. Phát huy truyền thống “kháng chiến kiểu mẫu” thời chống Pháp, tạo thế tấn vững vàng trên “dãi trường thành” này,



Anh Trương Quang Tùng, một “nhà khuyến học” của làng Mai, một người say sưa sưu tầm những tư liệu lịch sử về làng Mai đã nhiệt tình dẫn tôi ngược chuyến tàu thời gian trở về với quá khứ làng Mai oanh liệt. Anh tất tả ngược xuôi dẫn tôi đi thăm thú nết đất, nét người Gio Mai. Một buổi chiều vàng trong gian nhà nhỏ ấm cúng của mình, anh mở chiếc máy cát xét cũ kỹ cho tôi nghe đoạn băng ghi âm cũng đã rất cũ, ghi lại buổi phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Thái Thanh về bài hát “Bà mẹ Gio Linh” do đài Pháp RFI thực hiện năm 2001. Đoạn băng nghe tiếng được, tiếng mất nhưng vẫn nổi rõ tiếng lòng thổn thức của Phạm Duy và Thái Thanh về bà mẹ Gio Linh. Phạm Duy cho biết ông sáng tác “Bà mẹ Gio Linh” trong có một đêm, lúc nằm trên giường tre ở chiến khu. Ông nghẹn ngào kể: “Tôi làm xong tôi khóc. Tôi nhớ hoài, tôi khóc như một đứa con nít”. Giọng Thái Thanh chùng xuống, vẻ thấm thía: “Một bà mẹ bình thường con cái đã là một gánh nặng lớn của mẹ rồi, huống chi lại còn trong thời chiến tranh nữa. Cái bi kịch này nó ghê gớm quá. Lần nào hát “Bà mẹ Gio Linh” tôi cũng khóc”. Anh Tùng và tôi đặc biệt cùng để ý đến đoạn bình luận của đài Pháp: “Những giây phút sáng tạo như thế không đến nhiều lần trong đời nghệ sĩ...Từ niềm đau cá nhân của một bà mẹ đã thăng hoa thành niềm đau chung của một dân tộc và của loài người”. Đài Pháp quả đã công nhận cái “thần hứng” mà bà mẹ Gio Linh đã mang lại cho người nghệ sĩ. Nội dung buổi phỏng vấn này tôi đã nghe rõ hơn qua đĩa CD do nhạc sĩ Phạm Duy mở cho nghe, trong lần tôi gặp nhạc sĩ đang ở tại Khách sạn Saigon Star. Sau khi được Nhà nước cho phép hồi hương, nhạc sĩ đã bộc bạch trên báo chí rằng chặng đời ba mươi năm qua ở hải ngoại của mình như một giấc ngủ dài, tỉnh dậy thấy trời sáng. Khi giai điệu dân ca bi hùng của “Bà mẹ Gio Linh” được tấu lên qua đĩa CD, người nhạc sĩ già 85 tuổi làm lại cuộc đời, người nhạc sĩ già viết đơn xin Mẹ Việt Nam “cho đi lại từ đầu”, như lời trong ca khúc “Kỷ niệm” (ca khúc này, cùng với “Bà mẹ Gio Linh” nằm trong số 19 ca khúc của Phạm Duy đã được Bộ Văn hoá cho phép phổ biến), người nhạc sĩ trắng xoá cả mái đầu vì ôm mối sầu xa cố xứ này đã lặng người đi. “Người Việt Nam vốn theo dòng mẫu hệ, tình mẹ nặng lắm-nhạc sĩ Phạm Duy xúc động tâm sự- Một đất nước có một nhân vật như bà mẹ Gio Linh đáng quý lắm”. Hồi ấy, năm 1948, trong chuyến công tác vào chiến trường Bình Trị Thiên, Phạm Duy đã đến làng Mai, được nghe và được gặp hình ảnh bà mẹ Gio Linh với câu chuyện đau thương “chấn động” lẫy lừng. Mẹ Diêu Cháu với gương mặt đã mang nhiều nếp nhăn nheo của thời gian nhưng đối với Phạm Duy, “mẹ đẹp như một vị thánh” (chữ dùng của Phạm Duy), khiến cho Phạm Duy bị xâm chiếm cả cõi lòng, trở nên lúng túng không biết nói năng gì với mẹ, đành nhờ người đưa đường nói hộ.



Mẹ dẫn Phạm Duy đi qua một rặng tre để ra tới chợ làng Mai, nơi ngày nào mẹ đến lấy đầu con “tay nâng nâng lên, rưng rức nước mắt đầy”. Từ đó, mẹ Gio Linh đã thành một ám ảnh nghệ thuật và ám ảnh cuộc đời đeo đẳng, “không buông tha” Phạm Duy cả nhiều năm về sau này. Năm 1951, khi trót bước chân qua Phát Diệm để rời xa cuộc kháng chiến chống Pháp, Phạm Duy đã khóc vì tiếc thương cho những năm đem hết tâm trí ra phục vụ cách mạng và kháng chiến. Nước mắt Phạm Duy lúc rơm rớm, lúc trào rơi vì bao hồi ức nhưng bỗng đã tuôn ào ào khi nghĩ đến chuyện bi hùng của bà mẹ Gio Linh. Năm 2003, Phạm Duy đã về thăm lại chỗ nhà cũ của mẹ Diêu Cháu. Năm 2005, nhạc sĩ được hồi hương, “lá rụng về cội” và bài hát “Bà mẹ Gio Linh” được phép phổ biến. Ôi! Mẹ Gio Linh, Mẹ Việt Nam đôn hậu và bao dung nhường nào, bởi mẹ biết năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài, nhưng ngắn dài đều trên một bàn tay. Trong một thư mail cho nhạc sĩ Phạm Duy, tôi có nhắc một ý của nhà thơ lớn Tố Hữu nói sau ngày đất nước giải phóng năm 1975 rằng, Phạm Duy hãy cứ ở lại đất nước, đừng đi đâu cả và tiếp tục sáng tác, để khúc giữa qua một bên, lấy khúc đầu (kháng chiến) và khúc đuôi (hoà bình). Gửi mail lại cho tôi, nhạc sĩ Phạm Duy hứng khởi viết: “Hãy sống với một Việt Nam hôm nay và ngày mai, rạng rỡ huy hoàng”.



“Xuân làng Mai đã trổ màu”, câu thơ của nhóm Bích Khê Hoàng gia thi phái (nhóm thơ họ Hoàng làng Bích Khê, Triệu Long, Triệu Phong) gửi báo “Xuân làng Mai”, tờ báo viết tay của người làng Mai ra đời thời tiền khởi nghĩa quả đã ứng vận với hôm nay. Đình Mai Xá Chánh đang được trùng tu lại và đề nghị công nhận di tích lịch sử của tỉnh. Cả đến con rùa trong đình này cũng có một số phận hy hữu lạ thường. Năm 1968, lính Mỹ đưa xe về húc tan đình làng và lấy đi con rùa trong đình, con rùa quý, trên thân mạ sắc vàng và có hai con hạc đứng. Năm 1995, chính người lính Mỹ lấy rùa đình làng Mai Xá Chánh đã mang rùa sang trả lại cho làng. Người Mỹ cũng đã biết lỗi trước văn hoá làng Mai vậy.



Người làng Mai không những đánh giặc dũng khí có thừa mà còn chuộng tài hoa văn chương, học vấn hết mực. Một sớm, anh Tùng dẫn tôi băng vào một vùng cây cối nguyên sinh rậm rạp, đó là lòi Mai Xá Chánh, nơi người làng Mai đã dựng nên Văn Thánh vào năm 1910 nhằm tôn vinh những người học hành đỗ đạt. Ngày trước, cạnh Văn Thánh có một cây trầm nguyên sinh to lớn, mình chảy nhựa đầy. Làng làm lễ “khuyến học” tại Văn Thánh trong hương nhựa trầm xông ngào ngạt. Anh Tùng và tôi bâng khuâng bước trên nền Văn Thánh, lần tìm những viên gạch cũ, bóc gỡ lớp rêu phong của thời gian vẫn thấy hiện nguyên sắc nâu hồng được nung đúc từ bầu máu nóng của ông cha. Năm 1980, nhà khảo cổ học Trần Quốc Vượng đã đến đây để khảo sát, cho đào hố khai quật. Ông đề nghị cho rào lại khu vực Văn Thánh để bảo vệ, trong khi chưa phục chế. Thời chiến dùng võ công. Thái bình dùng văn trị. Hương mai, hương trầm làng Mai thêm ngát lừng.



NGUYễN HOÀN




Phác thảo sử ký rượu quý Kim Long





Nếu vào đời Hán bên Trung Quốc, tại tỉnh Cam Túc có một quận mà nguồn nước chảy qua đấy mang hơi vị như rượu nên quận này thành danh là quận Tửu Tuyền (suối rượu), để cho tài thơ của vị tiên tửu Lý Bạch cảm khái luận rằng: “Địa nhược bất ái tửu, địa ưng vô Tửu Tuyền” (Nếu đất không thích rượu, thì đất đã không có quận Tửu Tuyền), thì ở Quảng Trị từ xa xưa rồi đã có một làng trứ danh nhờ có nguồn nước quý chiết xuất ra được rượu ngon, đó là làng Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng.



“Rượu Kim Long, Hải Lăng ngon hơn, có thuế”, sách “Đại Nam nhất thống chí”, quyển thứ 8, mục “Thổ sản” đã trang trọng đưa đẩy tiếng thơm và vị trí vang bóng của rượu Kim Long dưới thời phong kiến như thế đó. Nhưng sự đời, hoa sen nào không phải nở trong bùn, vinh quang nào không đồng hành cùng khổ luỵ, danh thơm nào không nhuốm phong trần, rượu Kim Long cùng những chủ nhân của nó đã phải “lại tìm những lối đoạn trường mà đi” dưới thời thực dân Pháp xâm lược. Ký ức tủi hận của những ông già Kim Long từng chống chèo qua thời đau thương ấy hẳn còn chưa quên những tình huống thực dân bắt rượu hiểm nghèo xảy ra, khi mà bọn tay sai đi sục sạo các nhà thường giả vờ mặc quần trái để lấy cớ xin vào buồng lộn lại quần nhằm dễ bề rúc tìm nơi giấu rượu. Thảm cảnh Pháp bắt rượu được nhắc lại ngậm ngùi trong một bài vè tương truyền ở Kim Long:



Làng ngồi đang nhóm, đang lo

Công ty về bắt, bung lò dẹp đi

Trong làng có cái chi chi

Làng không lo liệu vậy thì làm răng

Thế gian khẩu thuyết vô bằng
Không mà nói có, làm răng đặng chừ

...Thảm thương ba chú đi buôn

Trong lu hết rượu, ngoài chuồng hết heo



Sau khi “bình định” xong cảnh nấu “rượu lậu” của dân Kim Long, bọn chủ Pháp rảnh tay để lập lên hãng rượu Xi-ka độc quyền ở đó. Hãng này nằm án ngữ trong một khu vực rộng áng chừng 2 héc-ta. Trước cửa lầu hãng rượu có cây keo cao to đến mức ba người ôm không xuể, nơi con rắn có mồng về cư ngụ đem theo bao huyền bí và cũng chính là nơi dân làng thường đến khấn vái khi có người đau ốm. Thế là ngẫu nhiên, “thần quyền” đã gặp gỡ thế quyền trước những phận đời sống nhờ vào từng giọt rượu Kim Long nồng xót chảy. Bác Nguyễn Khiếu hồi ấy từng gánh rượu thuê cho hãng xuống sông Vĩnh Định chuyên chở bằng đường thuyền, cứ 1 lu rượu 2 người gánh thì được trả 3,5 giác đã hoài niệm với tôi về cái thuở ngậm ngùi: “Hồi ấy, ông Tây bà đầm về có xe điện, nó bắt ta xây hồ, làm rượu khổ lắm. Rượu nấu dưới nồi đồng, trên đất. 15 người nhồi, 10 người nấu cơm. Rượu được bỏ vào chum rồi thả xuống hồ để làm lạnh. Chum rượu to bằng cái phi bây giờ, trên mỗi chum rượu sắp xuất xưởng đều được dán nhãn “Kim Long mỹ tửu”. Công việc vất vả thế nhưng bọn Pháp lại bóc lột ta tàn tệ bằng cách không trả công bằng tiền mà trả bằng hèm lấy về để nuôi heo”. Thế rồi cái thời xót xa rốt cuộc chấm dứt vào năm 1946, năm mà dân làng nổi lên đập phá tan tành hãng rượu Xi-ka để giành lại tự do cho dòng rượu chảy.



Giữ vẹn danh tiếng “mỹ tửu” từng đăng quang từ xưa, rượu Kim Long ngày nay hành trình huy hoàng vào những bữa ăn dân dã hàng ngày lẫn các bữa tiệc tùng sang trọng. Yếu tố nào, bí quyết nào, phép màu nào đưa rượu Kim Long chiếm lĩnh ngôi báu trong thế giới ẩm thực xưa nay? Thực ra, kỹ thuật nấu rượu ở đây có tân kỳ gì đâu, vẫn chỉ dùng một chiếc lao bằng gỗ theo kiểu cũ chứ không “chạy theo” dụng cụ nấu hiện đại như bây giờ, vẫn chỉ bỏ ít mun để kỵ gió, ít mảnh lá chuối để kỵ ngâu vọc trước khi nấu mà thôi, nhưng sao rượu nức danh? Phải chăng do người Kim Long sớm biết làm men rượu theo một công thức riêng tự tìm kiếm được gồm có gạo cộng với gừng và các lâm sản quý khác như đinh, quế, hồi? Phải chăng do nguồn nước đặc trưng ở Kim Long sinh ra rượu ngon? Phải chăng do người Kim Long sớm biết phát hiện ra rằng dùng gạo địa phương, gạo chiêm sẽ nấu được rượu ngon hơn và nhiều rượu hơn việc dùng gạo xuân hoặc gạo giống mới? Có lẽ, cái ngon ở rượu Kim Long là sự hợp thành của tất cả những yếu tố ấy. Rượu ngon, thảo nào đốt con mực khô làm mồi nhậu lên đó cũng thấy lửa rượu cháy ăn lan rất đỗi điệu đàng chứ không cháy bốc như loại rượu pha cồn hoặc pha trộn hổ lốn khác.

Người có công “chắp cánh” cho thương hiệu rượu Kim Long truyền thống lan toả mạnh trong thời “hiện đại”, đó là anh Trần Hữu Bằng, giám đốc Công ty TNHH Xika, một công ty chuyên sản xuất, chế biến rượu Kim Long ở Hải Lăng. Hai chữ “Xika”, tên hãng rượu Kim Long của Pháp thuở trước đã được anh Trần Hữu Bằng dùng lại để gọi tên cho thương hiệu rượu của mình, cái tên đã chứng tỏ tiếng vang vượt ra ngoài biên giới của rượu Kim Long ngay từ thuở dân ta còn trong vòng nô lệ. Anh Bằng bắt đầu sản xuất rượu Xika Kim Long từ năm 1996 trở đi. Sản phẩm rượu làm ra khá phong phú với 20 loại rượu, thuộc 3 dòng chính: dòng rượu gạo nhằm thay thế dần rượu gạo trôi nổi trên thị trường, dòng rượu màu và rượu bổ nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng. Rượu bổ có nhiều loại như rượu sâm, rượu rắn, bìm bịp, tắc kè...trong đó, có những loại sử dụng nguồn nguyên liệu quý “sưu tầm” từ phương xa, chẳng hạn như với rượu rắn, nguồn nguyên liệu rắn được anh đặt mua từ làng nghề nuôi rắn hẳn hoi tận miền Bắc, đó là làng Vĩnh Tường, xã Vĩnh Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhờ đa dạng hoá sản phẩm, hàng năm, Công ty của anh đã tiêu thụ khoảng 150 ngàn lít rượu cho dân làng Kim Long, ngoài chế biến để bán trong nước ra còn xuất khẩu sang Lào, Thái Lan (lượng xuất khẩu chiếm 20% tổng sản phẩm). Gần sát nền cũ hãng rượu Xika của Pháp trước đây, anh Bằng đã đầu tư 200 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, kho tàng dự trữ nguyên liệu (lúa, gạo) cung cấp cho dân làm rượu và làm nơi bao tiêu sản phẩm cho dân. Hàng trăm hộ ở Kim Long được anh đầu tư men, gạo, kỹ thuật nấu rượu và bao tiêu sản phẩm. Ngắm nhìn các loại sản phẩm rượu do Công ty TNHH Xika sản xuất được đóng chai, đóng hộp, được in tên thương hiệu sang trọng, thương hiệu mà Công ty đã dày công xây dựng và có được trên cơ sở anh Bằng đã ra Hà Nội làm việc với Cục sở hữu trí tuệ, ai cũng nghĩ các sản phẩm đó khác nào sản phẩm rượu công nghiệp. Nhưng không, nếu sản xuất trên nền rượu công nghiệp, sử dụng cồn pha chế, sẽ chẳng bao giờ có lấy nổi một giọt rượu Kim Long ngọt nồng. Dẫn tôi vào góc nhà, mở nắp một hầm tối là nơi trữ rượu ra, trong hơi rượu phả thơm nồng, anh Bằng say sưa nói về cách thức tạo rượu ngon, tạo ra “thế giới nghiêng”: “Để giảm bớt an-đê-hyt và độc tố tồn dư trong rượu, phải chôn rượu trong lu, trong hầm, lắng lọc và tinh trong. Rượu để lâu càng ngon, vì với thời gian, các phân tử rượu tự “giải thoát” độc tố cho nhau. Nhưng rượu muốn để lâu phải đúng nồng độ, chất lượng, nếu không sẽ bị chua. Tiêu chuẩn phải là rượu mạnh 40 độ trở lên, rượu Kim Long là 45 đến 60 độ.



Rượu Kim Long không nấu thấp độ được, nấu thấp là nước đục như nước mã, không thơm, không ngọt. Rượu Kim Long phải nấu ở Kim Long để lấy nguồn nước đặc trưng ở đấy, để rượu được “tiếp đất” ở đấy chứ không thể nấu ở nơi khác. Chất lượng rượu ngon ngoài do nước ra còn phụ thuộc vào gạo, men và cách đun, nấu nữa. Nếu dùng ga hoặc than để nấu, rượu sẽ không ổn định, không đồng đều. Phải dùng củi dương để nấu, vì nó cháy đều và từ từ, mình sẽ kiểm soát được độ nấu. Mà củi dương thì vùng biển, vùng cát Quảng Trị rất phong phú”. Để đưa “Kim Long mỹ tửu” đủ sức mở rộng không gian “thế giới nghiêng” hơn nữa, anh Bằng đã đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng Nhà máy rượu và nước Xika tại cụm công nghiệp làng nghề Hải Lăng với công suất sản xuất 1 triệu lít rượu các loại mỗi năm.



Chẳng ngoa ngoắt gì đâu, khi bảo rằng rượu Kim Long đã thành “một mảnh hồn làng” (Tế Hanh) của người Kim Long. Bây giờ, ở Kim Long có đến hơn một nửa số hộ trong làng nấu rượu. Bình quân cả làng sản xuất khoảng 40 ngàn lít rượu/tháng. Đặc biệt, cứ đến cuối thu hằng năm là bà con ở đây đã nấu rượu dự trữ kịp bán trước dịp Tết đủ cho khắp các nơi nườm nượp kéo về như thoi đưa. Tuồng như là chỉ khi xáp mặt với dư vị nồng cay ngọt đậm duy chỉ rượu Kim Long mới mang đến được, người ta mới chịu nhận cái lẽ đời nhiệm màu không dễ gì nghiệm được bằng lý trí tỉnh queo mà Lý Bạch đã đem lại cho nhân thế là phải:



Đang đại bất lạc ẩm

Hư danh an dụng tai?

Giải ngao tức kim dịch
Tao khâu thị Bồng Lai

(Người đời không thích rượu

Danh hão hơn gì ai?

Có cua cùng rượu ngọt

Gò rượu là Bồng Lai)


NGUYễN HOÀN

Nguồn : www.vanchuongviet.org/






Đọc thêm :
Sáng tác của Nguyễn Hoàn trên vanchuongviet.org

THƯỢNG THƯ BỘ LỄ LÊ TRINH
READ MORE - Nguyễn Hoàn

Ngụy Ngữ

Con thú tật nguyền

Qua khỏi cánh đồng, đường nhựa dần vươn cao nổi lên cây cầu sắt gẫy, xe rẽ xuống một con đường đất đỏ đã vữa ra lầy lội trong mưa, chạy chúi xuống bờ sông vào cầu phà. Những khớp sắt giữa lòng cầu rên lên dưới bánh xe đinh đõi. Mặt nước sông trắng bạc căng cao. Vài ba người lính trùm kín pông-sô đứng trên lề cầu ngó lên xe, nhưng đôi mắt sáng xa khuất rơi lại phía sau. Xe chạy chậm, tiếng động cơ lừ khừ mỏi mệt, khó khăn vượt qua quãng đường lầy nối đầu múi cầu rồi qua con đường cao trải đá cuội lam nham chạy dọc vào khu phố. Thi ngồi trước ca bin ngoái cổ lại hỏi gì đó sau tấm vải nhựa, tôi gật đầu nhiều lần. Con đường dàn rộng ra giữa hai hàng cây sầu đông nối dài. Khe phố dựng chênh cao trên bờ sông. Những mái ngói mái tôn đục ngầu san sát tiếp vào nhau, những cánh cửa khép lại trong giấc ngủ mỏi mệt lẩn trốn. Mưa dăng chùng khuất phía trước. Xe lê lết gập ghềnh. Trên xe không có vải bạt che, nước mưa đổ xuống chảy lõng bõng quanh quan tài Bình. Trên nắp quan tài, những cây nến đã cháy hết. Nhiều cây đổ xuống lăn lóc qua lại. Chị Nga vẫn ngồi im lặng như lúc mới lên xe. Chiếc nón rộng chụp xuống, thân thể giấu kín sau lớp vải dầu xanh úa. Bàn tay ôm vào góc áo quan. Tôi vẫn đứng bám hai cánh tay vào sườn xe lạnh buốt nhìn xuống chung quanh, quần áo ướt đầm đìa. Nước mưa từ tóc, trán, chảy xối vào mặt vào miệng. Chốc chốc tôi đưa tay vuốt ngang qua, kéo tóc lại đằng sau ngửa mặt lên cao. Khung trời trắng đục nhòe nhoẹt. Ở đâu đó đang có một mặt trời. Đâu đó, ngày Bình trở về. Đứa con hận thù trở về. Tôi kéo cổ áo vén tay áo lên cao. Bắp thịt trần rám nắng ngả xám ngoét hàng chữ chạm bằng mực: Ra đi vì đời. Bình ra đi. Một cành cây sầu đông không lá quất ngang vào mặt tôi. Tôi yên lặng, nhắm mắt lại, gục đầu xuống. Vết roi như đánh thức dậy những cảm giác đê mê dồn trong thịt da. Tôi cắn chặt hàm răng, mím môi lại. Chị Nga vẫn ngồi im lìm bấu vào áo quan tài. Thi hỏi gì đó. Tôi đứng trở lại, nhìn xuống đường. Xe đã đến cuối phố. Tôi đấm mạnh trên vải bạt che ca bin; xe ngừng trước một chiếc quán nằm bên bến đá dốc cao. Cánh cửa quán được chống hững lên. Vài ba người khách co ro ngó ra. Tôi chậm chạp cúi xuống. Chị Nga vẫn im lặng như không hay biết gì. Tôi gọi:

Chị Nga, chị Nga. Tiếng gọi dính vào lớp nước miếng sánh đặc, không thoát ra ngoài được. Tôi vỗ vào vai chị, cố gọi lớn hơn. Chị, chị Nga, đến rồi này.

Chị Nga ngẩng lên, nhích người tựa vào thành xe. Đôi mắt ngơ ngác như một người ngủ mê vừa được đánh thức dậy. Khuôn mặt tái mét, mái tóc rã rượi đổ xuống. Đôi mắt bất động vắng vẻ, môi khẽ mấp máy, tiếng gọi thoát ra hờ hững. Bình, Bình, rồi tiếng khóc nối theo, dâng lên đột ngột, lâu dài. Bình ơi, Bình à à à. Đầu chị đổ gập xuống, bàn tay bấu chặt lớp gỗ, vai rung rung dưới lớp vải áo mưa. Tôi xốc tay vào nách nâng chị dậy. Khối thịt nặng nề mềm nhũn. Mày có thể ngủ với nó một đêm, nhưng đừng về kể với tao, tao ghét đàn bà... Nước mưa từ chót tóc chấm vào mắt cay xè. Tôi đưa cánh tay trần quệt nhanh qua. Chị Nga. Khối thịt gục xuống. Tôi lại cố nâng lên. Những bắp thịt trên cánh tay hiện rõ, hàng chữ chìm sau lớp da, tiếng khóc trên cánh tay. Ra đi vì đời. Vì đời, vì cái gì? Tôi không đủ sức để nhớ nữa. Vì, không vì cái gì cả. Bình đi, Bình à. Cánh tay chuyển rung rung theo khối thịt. Tiếng khóc văng vẳng như từ một nơi xa xôi nào đưa về, tiếng gọi lê thê đánh thức khu phố dậy. Một cánh tay tôi bám vào sườn xe, một tay giữ lấy chị Nga. Khu phố chạy dài vài ba cánh cửa mở. Vài ba người khoác áo tơi chậm chạp đi đến. Rồi những cánh cửa khác, những người khác tụ lại. Con trai, con gái, đàn ông, đàn bà, những màu áo lạnh. Những khuôn mặt ngửa ra, những đôi mắt ngước lên trong cơn mưa cuối mùa se sắt lạnh buốt. Mái tóc chị Nga bết nước phủ trùm cả mặt. Bình ơi... Bình... Có ai tên Bình giữa đám người vây quanh đó không. Bình, Bình, ai đâu đó đang mang tên Bình. Ra đi vì đời. Một cơn gió kéo mưa từ đầu phố hắt lại. Những khuôn mặt nghiêng xuống, né tránh. Nước mưa trộn với bùn đất chạy trên xe. Cánh tay tôi tê cứng giữ lấy chị Nga. Cánh tay chị Nga với thấp xuống níu vào nắp quan tài. Bình ơi, Bình ơi. Không còn ai tên Bình nữa trong đời sống này. Bình sứt, Bình vôi, Bình trà, Bình ơi, Bình à... Không có một Bình nào cả. Cánh tay lẻ loi nằm trên miệng hố đất, hàng chữ chạm nguệch ngoạc, cái đầu cháy đen, từng khoảng da tróc bày sọ trắng, chút cuống họng đủ dính vào phía dưới. Cuối cùng đời thằng Bình chỉ còn lại chừng đó chờ ngày tôi đưa hắn về. Thằng Bình thù hằn khạc nhổ bỏ đi năm nào, trở về quê cũ, thằng Bình mái tóc ngắn lởm chởm, tay áo xắn cao, đưa qua đưa lại chiếc ly không, tiếng nói nồng nặc men rượu: Mẹ, để rồi mày xem, tao đã nói rồi mà, tao không trở về nữa đâu, tao chết mày bỏ mìn vào bụng bấm cho tung bét cả đi. Và mày đã nổ tung ra, mày biết thế không Bình? Mày tan nát và tao cúi xuống nhặt nhạnh bỏ vào áo quan mang về nơi mày đã nguyền rủa bỏ đi, nơi chôn nhau cắt rốn của mày, của tao, của con Năm, thằng Vân, thằng Ý. Chị Nga đang theo về đang khóc gọi mày đó. Khu phố đang chụm lại đón mày đó, chúng đang ngửa mặt lên, đang nghe chị Nga gọi. Rồi một khoảng đất cho mày như đã cho những người khác, rồi quên lãng như người ta đã quên lãng, những người đời sống khác đang nối dài, mẹ, thế đó Bình. Thi mở cửa sau sàn xe bước lên giúp tôi dìu chị Nga xuống. Đi tránh qua một bên, chị Nga lại rời khỏi tay tôi té chụp vật ôm lấy quan tài, ba bốn cây nến còn đứng theo nhau gãy tắt lăn lóc rơi xuống sàn xe. Mặt gỗ áo quan trống trơn, những vệt sáp cháy cách khoảng. Bình ơi, Bình à... Tôi lại cố gắng nâng chị dậy, cánh tay lồng qua ngực hai chiếc vú lớn mềm nhũn, cánh tay mần sâu vào. Vốn liếng cuối cùng, gia tài thê thảm của chị còn lại đây. Thằng Vân làm cán bộ xã đã bấu mười ngón tay thèm khát vào đây rồi đi mách ồn ào, con nhỏ chịu chơi ác. Thằng Ý chủ tịch xã đã ôm lấy thân thể này trên chiếc chõng tre, và thằng Tân giáo sư dạy giờ trên trường trung học. Những vết tích nào còn lại trong vùng da thịt u ám này và tiếng khóc vang âm âm rời rã, tiếng gọi tức tưởi mù lòa. Hai bàn chân chị Nga chậm chạp đưa tới theo cánh tay tôi và Thi dìu đi. Đám người đứng giãn ra. Những đôi mắt chăm chú. Chị Nga đây. Con Nga làm đĩ, chị của thằng Bình sứt đây, có ai biết không, có còn ai nhớ không. Có ai quấn quít ôm lấy khối thịt này. Con Nga làm đĩ bỏ xứ đi ba năm mang theo xác em hắn về đây. Chị Nga vẫn cúi gập người xuống khóc gọi thảm thiết. Chị khóc cho ai bây giờ. Khóc cho thằng em ngang ngược tàn bạo đã nắm tay đấm vào mặt chị tím bầm nước mắt, khóc cho cái chết đã có sẵn từ lâu trong đời sống, khóc cho tháng ngày đã qua, cho tháng ngày còn lại, cho chị, cho tôi. Tôi nắm vai chị kéo lên, cố gắng nói:

-Thôi chị, thôi đừng khóc nữa, dầu sao chị cũng...

Tiếng nói nghẽn lại trong cổ họng. Mí mắt tôi đầy cứng bụi đất với nước mưa trên trán rửa xuống. Tôi đưa cánh tay trần quệt ngang qua. Sao tao không khóc được ngày mang mày về. Chúng ta đang mang nhau về đây. Phải trở về lại vùng đất này, dù muốn, dù không. Tất cả đã hết rồi. Chúng ta là những con thú tật nguyền khốn đốn mang vết thương về, lặng lẽ liếm vết máu mình, nằm chết. Tôi nuốt nước bọt nhắc lại câu nói và dìu chị Nga đi, đặt chị ngồi trên phần chiếc ghế dài từ trong kê thò ra ngoài mái quán ướt đầm. Những đôi mắt vây quanh xúm lại. Tôi đứng lên. Những đôi mắt tản mác bay đi, rồi lại sát vào nhau, càng lâu càng dày kín. Tôi làm sao biết được sau từng đôi mắt đó, những linh hồn ẩn náu bí mật, nhớ quên, còn mất. Đôi mắt như đá lở, như mờ tối trên những khuôn mặt chập chờn đong đưa. Đôi mắt mở ra trâng trân trên khoảng thịt da nhăn nhúm cháy đen, tóc sủi bù lại từng mảng trên lớp xương sọ phơi trắng, đôi mắt hoang vu lạ lùng treo trên cuộn thép gai trông qua bên kia sông, trông lên dãy núi đã mất tích trong mưa. Tôi đặt bàn tay vuốt xuống. Hai mí mắt đã thun lại không thể kéo cho tròng mắt. Đôi mắt còn mở ra sau lớp gò ướt đó. Cửa ngõ linh hồn, thằng Bình sứt cũng có một linh hồn, một linh hồn bưng bít hận thù. Hồn có tìm về đây không? Mày có mang về đó không Bình? Thôi, dầu sao thì sự cũng rồi. Chết là hết, nếu có còn thì quên đi mày, sức đâu nữa, yên ngủ sao cho xong. Những đôi mắt nổi quanh quất. Tiếng nói, tiếng khóc, tiếng gọi lao xao vấn vít. Tôi lồng bàn tay lạnh buốt vào ngực mình và nghe một cảm giác kỳ lạ lan khắp thân thể. Ba bốn người lính trong quán đi ra phụ với mấy người đàn ông đến sẵn, bưng chiếc quan tài xuống. Một người đứng bên cạnh hỏi lớn, ai đấy? Tôi quay qua nhìn hắn, khuôn mặt mét mét, hàng ria lún phún ngả bạc, da khô héo dán chùng vào họng thoi thóp động đậy. Tôi nói cộc lốc:

-Bình, thằng Bình.

-Bình nào kia? Hắn nhíu mặt lại một lúc. À, thằng Bình con thím Quảng phải không?

Tôi gật đầu, quay lại tìm chị Nga, chị đang ngồi gục bên trụ xi măng đầu bến. Ai đó vừa đưa đến một ly đựng gạo cắm hương, thắp hai cây nến trắng mới. Một người hỏi phía đầu xe: Thằng Bình này tôi nghe đi lính rồi mà. Thi nói vâng, lính mới đi GMC, mới chết chứ, dân thì sức mấy. Lính sao không có cờ. Cờ gì? Cờ quốc kỳ mà. Thi không trả lời, cho xe nổ máy tiến về phía trước một đoạn. Tôi tìm thuốc ướt nhàu, sợi thuốc chảy ra vừa nhàu trong túi. Tôi bóp nát ném xuống đất. Người đàn ông trở lại hỏi tôi:

_Lính sao không có cờ chú? Đây an ninh quá mà, chôn đây chớ chôn đâu. Chú Bình là người ở đây.

-Vâng, nhưng nó không có.

-Sao thế?

-Nó không thích.

Người đàn ông tỏ ý không bằng lòng, vừa thụt lùi vừa lẩm bẩm, hừ, bậy nè. Một người lính địa phương đứng bên cạnh giải thích.

-Lính Mỹ đó, Prou mà làm chi có cờ.

-Thì mình mua đắp lên cho nó dễ coi chứ.

-Dễ với khó gì, chết rồi thôi, như nhau hết.

Tôi vào quán cà phê. Con Sáu, em con Năm, đang chuyện trò cười nói gì đó với hai người lính, thấy tôi hắn đứng lên. Tôi hỏi nhanh:

-Đây có bán cờ không?

-Có, nhưng làm gì có cờ lớn phủ quan tài.

-Nhỏ cũng được.

Con Sáu quay lại kệ hàng, kéo ra một cuộn cờ vàng sọc đỏ rút đưa cho tôi một tấm lớn bằng quyển vở. Tôi cười cầm ra trải lên mặt gỗ, lấy ly hương dằn lên. Hai cây nến quằn quại cháy.

Bình sứt đã về đó, tất cả mọi ngọn lá đều rụng về cội, tất cả mọi ngọn lá đều có cội. Không có ngọn nào dưới lỗ nẻ đục lên cả. Phải không Bình, tao đã nói với mày bao nhiêu lần như thế. Bây giờ thì còn gì mà nói. Tất cả là một câu chuyện kể nửa chừng, mẹ mày bỏ dở trên chiếc chõng tre kê sau cánh cửa sổ chống lên mỗi ngày có nắng mới, bà ôm ngực ho nhìn ra vườn mỉm cười. Bà đã chết rũ rượi trên chiếc chõng tre đó. Chị Nga đã ôm thằng Ý thằng Vân quằn quại trên chiếc chõng tre đó, mày đã giẵm nát chiếc chõng, đốt lửa vào căn nhà, nhỏ máu lên vùng đất này, ra đi. Ra đi vì đời. Có phải cuộc đời đang vây quanh đây không, những khuôn mặt già yếu co quắp, giá lạnh, đốt nến thắp hương, đòi hỏi lá cờ. Người đàn ông cắm thêm nén hương mới, hỏi tôi:

-Giờ cậu tính sao đây?

Tôi cúi đầu mệt mỏi:

-Dạ, chẳng biết sao bây giờ.

-Hừ, hay chưa, sao cũng phải lo cho cậu ấy một chỗ nằm chứ không lẽ phơi mưa như thế này à?

-Giờ chắc tôi phải nhờ mấy bác chứ biết tính sao.

Chị Nga cũng chẳng hơn gì chỉ biết khóc.

Người đàn bà vồn vã hỏi:

-Đâu? Con Nga đâu?

Tôi chỉ về trụ đá nói nhỏ:

-Đó, chỉ ngồi đó kìa.

Người đàn bà đi đến, ngồi xuống bên cạnh chị. Người đàn ông nhìn tôi một lúc lâu, gật gù:

-Thôi cậu yên tâm, người dưng khác nước kia còn chưa gì huống đây cậu Bình cũng là con dân cả mà. Cậu để đó có chúng tôi, khuôn hội lo.

Người đàn ông quay lại kêu người thanh niên đứng gần đó bảo đi thuê đò, rồi sai một người khác đi báo tin cho sư cụ trên chùa biết. Tôi yên lặng trở vào quán. Con Sáu nhìn tôi hỏi Bình chết bao giờ. Tôi thờ thẫn nói hôm qua và ngồi xuống ghế đặt sát bên cửa sổ nhìn xuống dòng sông lộng gió. Tôi hỏi thuốc "Pôm-môn", con Sáu bảo có và đi lấy mang lại, đứng tựa vào cột nhà, vén tóc hất lên cao, cổ áo rộng lộ một vùng da thịt trắng lạnh. Tôi chợt hỏi:

-Dạo này chị Năm có hay về nhà không?

-Không, năm ngoái chỉ có về một lần, đường sá lúc này mà.

-Ở đâu? Năm ở đâu?

-Sàigòn.

-Sàigòn. Tôi rút điếu thuốc gắn lên miệng quẹt diêm hút.

Con Sáu vẫn chăm chăm nhìn ra ngoài. Ở đâu đó con Năm bây giờ không còn nữa ngọn tóc hoe nắng cột túm lại sau, mỗi đêm rằm đến kêu chị Nga đi chùa, đứng chuyện trò cười nói với Bình sứt trước hiên nhà. Bình sứt đã về đó, con Năm đang ở Sàigòn, con Sáu đang nhìn ra đường, tôi đang hút thuốc và chùa đang sửa soạn chôn dấu quan tài. Thế đó Bình. Tuồng cải lương đã đến hồi buồn thảm nhất, giọng người đàn ông kể lè nhè trong nắng trưa, mày ngồi nghêu ngao hát theo trước trụ sở xã. Còn gì bây giờ. Tao cũng mệt đuối sức rồi. Tôi đứng dậy trả tiền đi ra. Chị Nga vẫn cúi thấp xuống khóc gọi bên trụ đá. Bình ơi Bình à... Tiếng gọi sâu vào lòng đất trơ sần. Thằng Bình sứt đang ở một nơi nào đó trong lòng đất đang nghe chị gọi, đang quay mặt sấp lưng hằn học chửi thề, đang cảm động nước mắt lưng tròng, cúi mặt tìm về đứng im nhìn chị khóc, nhìn đám đông vây quanh, nhìn lá cờ. Bình sứt cũng có Tổ quốc, có xóm làng, có người da thịt thân yêu như ngày nào rủ tôi vào dân vệ xã, đứng đọc hàng chữ trên tường hông trụ sở. Bạn muốn làm gì cho nước, hãy vào dân vệ xã. Xa quá rồi. Có lẽ ngày mai không còn ai, kể cả tôi đủ sức để nhớ dai dẳng về một thằng Bình sứt đã vác súng trường lầm lũi đi trong phố, ngồi nhậu suốt buổi ở quán con Năm phi-dê, rồi về nhà đánh chị Nga ngất xỉu cầm tay kéo lết ra đường, ném xuống mặt sỏi la lối, gì đó, đ. mẹ bây giờ thằng nào muốn ngủ với nó thì ngủ, kéo đi chỗ khác mà nằm, nhà tao không phải nhà thổ, đ. mẹ, tao giết hết. Bình sứt không giết ai nhưng đã đánh gãy tay thăèng Ý, cầm súng rượt theo thằng Vân chạy quanh làng, về nhà lại xách chị Nga ra đánh, xé nát quần áo, chị lõa lồ nằm ôm lấy cột nhà kêu cứu. Hắn kéo ra, chị níu chặt lại, Bình sứt la hét như một con thú điên. đ. mẹ mày đĩ mà cũng trẽn à, mày có ra không. Chị Nga vẫn khóc níu chặt lấy giằng co với hắn, hắn đi lấy dầu hỏa dội lên chị, rồi mồi lửa đốt. Chị Nga hoảng hốt vùng chạy. Bình rượt theo và ném mồi lửa vào mái nhà. Lửa bốc cháy, ngọn vươn cao làm náo động cả khu phố. Dân vệ xã kéo đến tìm bắt. Bình ngồi trên chiếc ghế nhỏ ghìm súng thách đố. Tôi bước vào hắn quay súng la lớn, một bước nữa tao bắn, không tin bước thử xem, đ. mẹ cả bọn bay. Tiếng nói gầm gừ, khuôn mặt đầy mụn đỏ, đôi mắt chằm chằm sáng ngời man dã. Không ai dám đến gần nữa. Hôm sau hắn vào trả súng, bị bắt dẫn ra quận giam giữ, sau đó hơn ba tuần hắn lại trở về rồi lặng lẽ bỏ đi, ở lính đâu trên núi trên non không ai thấy mặt. Nửa năm sau có tin hắn bị đâm chết trong một quán rượu ở Sàigòn, nhưng rồi có tin hắn đang sống, đang ở lính biệt kích. Chị Nga cũng bỏ đi, theo viên thiếu úy, rồi góa bụa, lãnh tiền tử, theo một người khác vào làm sở Mỹ bị hiếp đáp, sau đó chị về Q.T, tìm Bình. Tôi đã bỏ làm dân vệ, tình cờ gặp Bình hắn rủ vào lính Prou. Hai đứa trở lại những thân yêu gần gũi cũ. Bình chạm lên tay tôi một hàng chữ như ở cánh tay hắn: Ra đi vì đời. Một hôm chị Nga đến căn cứ tìm, chị mặc áo đỏ tóc rũ dài, cười tươi. Bình đi ra nạt nộ xua đuổi rồi quày quả trở vào. Chị Nga đứng khóc kể lể với tôi. Hai chị em đi loanh quanh trong phố, chị dắt tôi về nhà chị trọ, hết chuyện này sang chuyện khác, chị nhắc đến thằng Vân trúng mìn chôn trong trụ sở, thằng Ý bị Việt Cộng về giết, thằng Tân bị bắn và mấy người chồng của chị, viên trung sĩ, viên thiếu úy. Tất cả được kể lại dửng dưng như người kể chuyện phim. Khi tôi về, Bình ngồi yên lặng trên lô cốt, tôi đến bên hắn trách móc thái độ hắn đối với chị Nga, hắn quay lại dằn giọng, tao mà chị em à, mày muốn ngủ với nó trả tiền mà ngủ đừng đặt thêm điều, tao không có chị em gì hết. Im lặng một lúc, giọng hắn trở nên rên rỉ, đay nghiến: tao dưới lỗ nẻ đục lên mà, không cha không mẹ, không có chi hết. Chị Nga đến tìm thêm hai ba lần nữa. Bình vẫn dửng dưng như không quen biết, không nhìn không hỏi. Rồi hắn bị thương, chị Nga vào bệnh viện thăm, hắn vùng dậy la hét, xua đuổi làm vết thương đã băng bó lại bung máu ra. Lần sau chị Nga vào, người ta cản đường lại sợ làm rộn bệnh nhân. Ở nhà thương ra Bình sứt được làm thường vụ đại đội ở lại căn cứ. Tôi vẫn đi đi về về, hết chuyện này đến chuyện kia. Hôm qua về ném súng vào kho, lãnh giấy phép đi ngủ ngoài, đêm Việt Cộng công đồn, Bình chết một mình trước pháo đài, thân thể nát bét, chân tay đứt ra vung vãi trộn với những tay chân khác. Năm thằng tìm được sáu cánh tay. Buổi sáng tôi vào nhặt nhạnh thu góp, xếp vào quan tài. Chị Nga nghe tin chạy đến điên dại la gọi. Tôi đứng giữ lấy nắp áo quan tài không cho chị lật ra. Không còn gì hết. Con vật nguy hiểm chui lên từ một lỗ nẻ nào đó đã chết. Nhân loại bớt một kẻ thù. Thằng Bình sứt đã rụng về cội, đã bình yên trên bốn viên đá xi măng, dưới lá cờ khổ nhỏ, ướt sũng. Bình sứt đã chết vì nước như ngày nào. Ba năm rồi Bình ơi. Mẹ mày đã nằm xuống giữa lòng cồn bãi đó với cha mày. Thằng Ý, thằng Vân, thằng Tân đã ở đó, tất cả êm đềm. Thôi quên hết đi mày, quên đi cái trần gian khốn nạn này. Chết là hết. Tôi bụm tay vuốt nước mưa trên mặt, đi vòng quanh quan tài rồi trở lại quán. Đám đông đã tản mác dần. Chị Nga ngồi bất động, hai tay ôm lấy trụ đá, nước mưa đổ thành dòng trên áo tơi. Tôi ngồi vào ghế hỏi cà phê nóng, con sáu cười gật đầu đi pha mang lại. Tôi cho một muỗng đường và quay nhanh chiếc muỗng. Một người con trai mặc áo quần xanh đi vào, kéo ghế ngồi xuống trông ra ngoài, hỏi đứa con gái mặc áo đen vàng đi vào sau:

-Người này hả?

Đứa con gái ngồi quay lưng lại phía tôi:

-Ừ, chú đó bỏ đi có ba bốn năm chi rồi đó.

Người con trai xoay xoay ly cà phê vừa được mang tới hỏi đứa con gái:

-Hiền uống gì? Rồi rút thuốc lá ra hút nhìn sang tôi.

Hiền nói nhỏ:

-Thôi gần ăn cơm rồi, uống gì nữa.

-Đêm qua thế là đánh có bốn, năm nơi kia, ồn ào quá.

Tôi uống xong gọi con Sáu đến trả tiền. Hiền quay lại hỏi:

-Nghe lính Prou chết nhiều lắm hả chú?

Tôi lắc đầu đẩy chiếc ly không về phía trước:

-Có đâu, chưa tới mười lăm mạng, khéo ồn.

Thi đi vào hỏi tôi ra hay ở lại. Tôi nói ở lại, hắn quay đi, tôi gọi theo. Thi nhảy lên ca-bin cho xe nổ máy, trở đầu lại, chạy lên cầu phà. Cơn mưa đã ngớt hẳn, số người còn lại đứng vây quanh quan tài bàn tán về những trận đêm qua, một vài đôi mắt lơ đãng ngó theo chiếc xe. Hai cây nến vật vã cháy. Người con trai nói với Hiền gì đó rồi chụm đầu lại cười. Tôi chưa hề thấy mặt hắn, có lẽ dân đâu mới tới, giọng hắn ấm vui. Hiền xoa xoa bàn tay xuống bàn cười ngặt nghẽo. Có phải đời sống này được kiến trúc trên một sắp đặt vô hình nào đó phải không. Có người sinh ra để hạnh phúc, để trò chuyện thầm thì, để ngặt nghẽo cười, và có kẻ sinh ra để la hét, chửi thề. Bình với hình ảnh người cha què cụt từ chiến tranh kháng Pháp còn lại, chống nạng lê lết tới lui rồi một ngày té xuống ao nằm chết, không rõ cố ý hay vô tình, và người mẹ ốm đau dai dẳng cho đến ngày khạc ra từng búng máu tươi, xuôi rũ tay chân. Cũng như Bình sứt, tôi không có gì cả. Cho đến ngày hôm nay tôi mới nhận thế sao? Bây giờ thì không còn mày. Tao một mình về đây. Tao mệt quá rồi. Không lẽ đợi đến một ngày chết tan nát để được mang về hoặc không được mang về đây. Mà có ai để mang tao về. Tôi đuối sức rồi. Tôi muốn yên nghỉ. Tôi muốn trở về kiến nhật lại từ đầu. Bắt đầu lại đời mình, lặng lẽ, riêng tư. Không còn mày nữa Bình. Người con trai chỉ ra quan tài hỏi:

-Anh ở một đơn vị với anh đó à?

Người con trai và Hiền cười. Tự dưng câu nói trở thành thứ khôi hài nhạt nhẽo đến trơ trẽn làm tôi bàng hoàng. Không, tôi nói lại thằng Bình trước làm đội trưởng của tôi, sau này về chết ở căn cứ. Người con trai hỏi tiếp và Hiền cười cầm chừng. Tôi càng nói càng thấy ngột ngạt chán nản và một nỗi lo sợ bâng quơ như kẻ bị lạc vào thế giới mới xa lạ, đầy dẫy những công thức ghẻ lạnh. Tôi xót xa nhớ lại đôi mắt đỏ ngầu hơi men của Bình đấm tay xuống cát la lớn: Đ. mẹ cuộc đời này. Cuộc đời mà Bình chửi, đó có phải là một đứa con trai và một đứa con gái uống cà phê, hút thuốc chuyện trò cười ngặt nghẽo, áo quần đúng mốt, tiếng nói thì thầm. Cuộc đời mà chúng ta không thể nào tham dự vào được phải không Bình. Chị Nga đã chạy theo, bị loại ngay từ vòng thứ nhất đầu ngày con gái và chúng tôi không biết làm gì hơn là chọn một thứ kẻ thù, bất lực, tàn bạo rồi lao đầu vào chiến tranh, bị đánh đổ xuống, đôi mắt trợn trừng trút xuống họng lắt lưởng. Tôi không muốn nữa. Cho tôi trở về, Bình. Tao khốn đốn quá rồi. Tôi nói nhỏ và tự dưng muốn khóc. Tao thua mày Bình ạ.

Chiếc đò đã được thuê đến. Đám đông vây tụ lại. Người đàn ông kiếm tôi và gọi chị Nga dậy. Tiếng khóc lại trỗi lên khoảng bến sông lấm bùn, những bậc tam cấp thoai thoải nghiêng xuống. Mặt nước vàng đục, bào rác táp vào bờ bập bềnh. Tôi chợt muốn nói với chị Nga một câu gì đó thật ngọt ngào nhưng chẳng biết nói thế nào. Chiếc thuyền hơi chòng chành khi quan tài được bưng xuống. Bãi cát phía dưới xa nhoi lên trên mặt nước lớn. Những cây sầu đông khô chơ vơ như ngóng đợi. Ngày Bình về. Tôi khom bước vào thuyền tay vẫn dìu chị Nga. Tôi đang trở về. Chúng ta đã ra đi từ nơi này, và giờ đang mang nhau về, phải không Bình. Chúng ta đi hết mệnh kiếp của mình. Phận sự đã hết, nhiệm vụ đã rồi. Tao còn lại một mình, một mình với ngày mai không toan liệu. Người đàn ông bước đến đổi nến, cắm thêm hương và ngồi vào mạn thuyền bắt đầu lần tràng hạt, miệng thì thầm, đôi mắt đăm đăm nhìn vào lớp gỗ ẩm nước. Xâu chuỗi láng bóng trên bàn tay khô héo run run. Một dụng cụ cho những người chết, cho cái chết? Hai chú tiểu thay mặt sư cụ đến. Tiếng cầu kinh bắt đầu trỗi lên và con thuyền tách bến xuôi theo dòng nước, táp bờ cây vắng vẻ. Nguyền vãn sinh Tây phương... Chị Nga nói trên cánh tay tôi, giọng thì thầm khàn thấp.

-Giờ chị làm sao đây nhỉ? Chắc chết thôi.

-Chị cầu kinh đi, chị còn nhớ kinh chứ.

-Thế em?

-Em à. Em ở lại đây... không đi nữa.

Chị Nga ngửng lên. Đôi mắt đỏ ngầu khuất sau làn tóc lòa xòa ướt rối và tiếng khóc như cơn mê đứt quãng, như một khúc hát lê thê trôi theo lời kinh trên dòng sông nước lớn.

NGỤY NGỮ
READ MORE - Ngụy Ngữ

Hồ Chư



Tiểu sử
- Dân tộc Vân Kiều. Sinh 1949.
- Quê quán: Quảng Trị.
- Tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Sư phạm Việt Bắc, 1974.
Đã xuất bản các tập thơ: Hoa trên đá (NXB Văn hoá Dân tộc, 1999); Dòng mưa muộn màng (NXB Văn hoá dân tộc, 2003); Theo dòng Krong Klang (NXB Hội Nhà văn, 2007).


Gửi lại em


Em như con nai lạc giữa Trường Sơn
Lạc giữa cỏ cây hoa lá
Lạc giữa bộn bề nắng mưa vất vả
Lạc giữa si mê tạo hoá con người
Em như ánh sao trời
Thăm thẳm quá
Và xa vời vợi
Gần tấc gang mà không sao đi tới
Một tầm nhìn mà như thể biển khơi.
Em như một làn gió thảnh thơi
Thoáng qua đời anh phút chốc
Em như một nhánh cỏ mềm
Mà buộc trái tim anh rất chặt.
Em như ngọn lửa hồng không tắt
Cháy mãi trong tim anh nồng nàn
Tiếng nói em như thể tiếng đàn
Ngân nga mãi một tình yêu cháy bỏng.



Theo dòng Krông Klang


Krông Klang huyền thoại
Của tình yêu lứa đôi
Dòng sông hay dòng lệ
Từ những thuở xa xôi?
Cánh đại bàng không mỏi
Bay theo dọc thời gian
Câu chuyện tình huyền thoại
Thành dòng nước Krông Klang.
Dòng sông chảy mênh mang
Xanh xanh bao triền núi
Cuộc đời ta thay đổi
Hương mật lên tươi non.
Tiếng chim chiều véo von
Bàng bạc mây về núi
Lao xao tiếng gió thổi
Rừng lay động ngàn xa.
Ta hát khúc tình ca
Dòng Krông Klang tươi mới
Con đường ta đi tới
Sáng một cõi Trường Sơn!

Hồ Chư

Lao Động Cuối tuần số 39 Ngày 07/10/2007

Bài viết có liên quan đến Hồ Chư.


Khèn Amam tắt dần trên đỉnh núi
13/06/2005

Lâu nay, khi nói đến việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, bạn tôi cứ cười khẩy, rằng đó là việc của thiên hạ, của những chốn phồn hoa đô thị nhạy cảm với nhiều luồng văn hóa, còn đối với những bản làng nghèo khổ như đất rẫy bạc màu, mỗi nơi dăm bảy nóc nhà sàn nằm rải rác dưới chân dãy Trường Sơn, tiền xu chưa đủ kết thành chuỗi cườm trang sức thì “vốn liếng” văn hóa của họ đi đâu mà mất...

Già làng Vỗ Hôm và khèn Amam

Già làng Vỗ Hôm đã sống qua bảy mươi mùa rẫy, vóc người đậm đà, da cháy sạm như đồng hun. Bản Kợp của xã Húc Nghì huyện Đakrông được coi là “tiền trạm” trên con đường Trường Sơn huyền thoại chạy vào Tà Rụt, một xã vùng biên của tỉnh Quảng Trị, trước khi đi qua A Lưới của Thừa Thiên-Huế để vào miền Nam. Già làng Vỗ Hôm tự hào chính đáng về bản Kợp của mình bởi hết thời kỳ đánh Pháp đến thời kỳ chống Mỹ, người dân của bản làng luôn sống chung, sẻ chia từng hạt muối với bộ đội Cụ Hồ.

Đường Trường Sơn năm xưa trong trí nhớ của già làng là một kho chuyện dài bất tận tưởng như không có điểm dừng và đâu đâu cũng sặc sụa mùi khói súng. Bao giờ cũng thế, mỗi lần kể, tay Già làng lại chỉ ra phía trước sân nhà sàn, nơi có cây bằng lăng cổ thụ gồ ghề đầy vết sẹo.

Thân cây nghiêng hẳn về một phía, nghiêng lớp lá già nua về phía con đường Trường Sơn đi qua trước ngõ như mặc niệm một thời quá vãng. Già làng Vỗ Hôm đếm được cả thảy mười bốn mảnh bom lớn trên thân cây bằng lăng, chưa kể một cành bị gãy hồi chiến tranh, vết sẹo chỗ đó xếp lớp chảy xuống dưới trông như một giọt nước mắt lớn chực nhỏ về phía gốc cây bằng lăng.

Mấy chục năm rồi, giọt nước mắt ấy vẫn không chịu rơi. Nó đã khô thành sẹo. Già làng Vỗ Hôm nói “cây không sợ bom, con đường không sợ bom và người dân bản Kợp cũng không sợ bom”. Con đường Trường Sơn bây giờ được trải thảm nhựa phẳng lì, mất hút ở một khúc ngoặt. Già làng ước ao được một lần đi hết con đường đó, mặt nhựa đen bóng thật êm cái chân trước khi đi lên rẫy. Bản Kợp thì vẫn nghèo.

Trên vách nhà sàn của già làng treo đầy các loại nhạc cụ và một bộ nhạc khí (trống, cồng, chiêng) của người Vân Kiều. Cái gì cũng cũ kỹ, mòn vẹt, vương vãi đầy bồ hóng. Khèn Amam nằm mất hút ở trong dãy nhạc cụ, treo chỗ gần bếp nhà sàn nhất. Nó được làm bằng ống giang nhỏ, chiều dài áng chừng hai gang tay, trên thân có ba lỗ nhỏ điều tiết khí. Thời gian đã làm cho nó chuyển hẳn qua màu hổ phách.

Vợ chồng Già làng Vỗ Hôm đãi chúng tôi một khúc tấu khèn Amam ngay dưới tán cây bằng lăng. Hai người ngồi đối diện với nhau, miệng nối miệng bởi khèn Amam. Cụ bà ngượng, tay lóng ngóng bám vào một phía. Khi thanh âm đầu tiên dè dặt thoảng qua đầu môi như bị hẫng, bà cụ bỗng giật mình, hai ngón trỏ bất chợt sực tỉnh ấn nhẹ xuống thân kèn... Mấy giây trôi qua, gương mặt cả hai người trở nên nhẹ tênh và dường như họ đã lãng quên xung quanh để sống với khúc cổ nhạc.

Tôi vốn ít nhiều đã nghe qua một số điệu khèn, đa phần lại ở những nơi diễn xướng cộng đồng chỗ đông người nên lần này mới thấy trách mình, tự thấy mình sơ sót, ít ra là với già làng Vỗ Hôm, người một đời nặng nợ với nhạc, đau lòng trước cảnh những bộ nhạc khí bị xé lẻ, bị đem bán và rồi lo khèn Amam sau này biến mất. Dưới gốc cây bằng lăng, hai con người vẫn chụm đầu lại với nhau. Họ đang tấu điệu khèn dạm hỏi chăng? Tiếng khèn nghe da diết, xa xôi quá.

Hai người nên vợ nên chồng cũng đã nhờ Amam!

Tiếng khèn tắt dần trên đỉnh núi

Amam là một nhạc cụ độc đáo của đồng bào Vân Kiều miền Tây Quảng Trị. Nó độc đáo bởi tính cổ xưa, tính độc nhất vô nhị trong nhiều loại nhạc cụ hiện có của người Vân Kiều, Pa Kô cũng như của đồng bào các dân tộc nói chung. Amam là “khèn đôi” của người Vân Kiều.

Các loại khèn của người Pa Kô hoặc người Dao vùng Tây Bắc, người Êđê ở Tây Nguyên chỉ một người thổi, còn Amam lại dùng cho hai người thổi. Hai người, một nam, một nữ, có tình ý với nhau, ưa nhau nhưng đang ở giai đoạn tìm hiểu nhau tìm hiểu thông qua khèn Amam. Sức cuốn hút, âm hưởng từ luồng hơi của người thổi (thể hiện sức khỏe, ý chí, khả năng) là những thông điệp mà người bên kia (cô gái) có thể cảm nhận được.

Rốt cuộc, họ lấy được nhau hay không, chính xác là cô gái có chấp nhận tình yêu của bạn tình hay không là nhờ những lần giao duyên như thế. Già làng Vỗ Hôm ví “nó là nụ hôn đầu tiên của tổ tiên, của núi rừng”. Nụ hôn ấy có cầu nối hẳn hoi, cũng ý tứ “thụ thụ bất thân” nghiêm chỉnh lắm, ngầm ý rằng tôi đến với anh thật bụng, thật lòng, nhưng không dễ dãi, buông tuồng; anh chỉ có thể lấy khèn làm điểm chung và lấy tiếng khèn để ướm hỏi, dạm hỏi bạn tình! Thế thôi.

Những cuộc tỏ tình, ướm hỏi đó đã đưa hai người lại với nhau, tự nguyện, đồng điệu, đồng cảm giữa hai tâm hồn và đó là “con đường hôn nhân” cổ sơ nhằm duy trì, bảo toàn nòi giống của một tộc người. Nói khác đi, về bản chất, Amam đã gắn kết cộng đồng người Vân Kiều qua các thế hệ.

Ngày nay, kiểu giao duyên, tìm hiểu bạn tình theo cách thức Amam bị mai một dần. Ông Hồ Chư, nhà nghiên cứu văn hóa Bru-Vân Kiều thổ lộ với vẻ đầy tâm sự: “Tục đi sim (một kiểu tỏ tình qua âm nhạc) theo lối hiện đại với sự xâm nhập của video, karaoke... đã làm cho thanh niên dân tộc hiện nay quên hẳn Amam và thực tế, nó đang bị thất truyền”. Cũng theo ông Hồ Chư, hiện tại trên địa bàn huyện Đakrông chỉ còn hai nghệ nhân thổi được khèn Amam. Già làng Vỗ Hôm ở trong số đó.

Hai nghệ nhân đó, với riêng khèn Amam, xem như bằng chứng sống, là những đại diện cuối cùng của một tập tục, một nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc miền Tây Quảng Trị còn sót lại.

Lễ hội văn hóa các dân tộc lần thứ nhất tổ chức tại Đakrông vừa qua có Già làng Vỗ Hôm biểu diễn, nhưng không phải biểu diễn khèn Amam. Vỗ Hôm trong đoàn nghệ nhân Bru-Vân Kiều biểu diễn vũ khúc Rayuak, khèn bè và làn điệu Tauaiq-một làn điệu trữ tình trong sinh hoạt văn hóa sim-langơp. Các loại khèn của người Pa Kô hoặc người Dao vùng Tây Bắc, người Êđê ở Tây Nguyên chỉ một người thổi, còn Amam lại dùng cho hai người thổi. Hai người, một nam, một nữ, có tình ý với nhau, ưa nhau nhưng đang ở giai đoạn tìm hiểu nhau tìm hiểu thông qua khèn Amam. Sức cuốn hút, âm hưởng từ luồng hơi của người thổi (thể hiện sức khỏe, ý chí, khả năng) là những thông điệp mà người bên kia (cô gái) có thể cảm nhận được.

Rốt cuộc, họ lấy được nhau hay không, chính xác là cô gái có chấp nhận tình yêu của bạn tình hay không là nhờ những lần giao duyên như thế. Già làng Vỗ Hôm ví “nó là nụ hôn đầu tiên của tổ tiên, của núi rừng”. Nụ hôn ấy có cầu nối hẳn hoi, cũng ý tứ “thụ thụ bất thân” nghiêm chỉnh lắm, ngầm ý rằng tôi đến với anh thật bụng, thật lòng, nhưng không dễ dãi, buông tuồng; anh chỉ có thể lấy khèn làm điểm chung và lấy tiếng khèn để ướm hỏi, dạm hỏi bạn tình! Thế thôi.

Những cuộc tỏ tình, ướm hỏi đó đã đưa hai người lại với nhau, tự nguyện, đồng điệu, đồng cảm giữa hai tâm hồn và đó là “con đường hôn nhân” cổ sơ nhằm duy trì, bảo toàn nòi giống của một tộc người. Nói khác đi, về bản chất, Amam đã gắn kết cộng đồng người Vân Kiều qua các thế hệ.

Ngày nay, kiểu giao duyên, tìm hiểu bạn tình theo cách thức Amam bị mai một dần. Ông Hồ Chư, nhà nghiên cứu văn hóa Bru-Vân Kiều thổ lộ với vẻ đầy tâm sự: “Tục đi sim (một kiểu tỏ tình qua âm nhạc) theo lối hiện đại với sự xâm nhập của video, karaoke... đã làm cho thanh niên dân tộc hiện nay quên hẳn Amam và thực tế, nó đang bị thất truyền”. Cũng theo ông Hồ Chư, hiện tại trên địa bàn huyện Đakrông chỉ còn hai nghệ nhân thổi được khèn Amam. Già làng Vỗ Hôm ở trong số đó.

Hai nghệ nhân đó, với riêng khèn Amam, xem như bằng chứng sống, là những đại diện cuối cùng của một tập tục, một nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc miền Tây Quảng Trị còn sót lại.

Lễ hội văn hóa các dân tộc lần thứ nhất tổ chức tại Đakrông vừa qua có Già làng Vỗ Hôm biểu diễn, nhưng không phải biểu diễn khèn Amam. Vỗ Hôm trong đoàn nghệ nhân Bru-Vân Kiều biểu diễn vũ khúc Rayuak, khèn bè và làn điệu Tauaiq-một làn điệu trữ tình trong sinh hoạt văn hóa sim-langơp. Các loại khèn của người Pa Kô hoặc người Dao vùng Tây Bắc, người Êđê ở Tây Nguyên chỉ một người thổi, còn Amam lại dùng cho hai người thổi. Hai người, một nam, một nữ, có tình ý với nhau, ưa nhau nhưng đang ở giai đoạn tìm hiểu nhau tìm hiểu thông qua khèn Amam. Sức cuốn hút, âm hưởng từ luồng hơi của người thổi (thể hiện sức khỏe, ý chí, khả năng) là những thông điệp mà người bên kia (cô gái) có thể cảm nhận được.

Rốt cuộc, họ lấy được nhau hay không, chính xác là cô gái có chấp nhận tình yêu của bạn tình hay không là nhờ những lần giao duyên như thế. Già làng Vỗ Hôm ví “nó là nụ hôn đầu tiên của tổ tiên, của núi rừng”. Nụ hôn ấy có cầu nối hẳn hoi, cũng ý tứ “thụ thụ bất thân” nghiêm chỉnh lắm, ngầm ý rằng tôi đến với anh thật bụng, thật lòng, nhưng không dễ dãi, buông tuồng; anh chỉ có thể lấy khèn làm điểm chung và lấy tiếng khèn để ướm hỏi, dạm hỏi bạn tình! Thế thôi.

Những cuộc tỏ tình, ướm hỏi đó đã đưa hai người lại với nhau, tự nguyện, đồng điệu, đồng cảm giữa hai tâm hồn và đó là “con đường hôn nhân” cổ sơ nhằm duy trì, bảo toàn nòi giống của một tộc người. Nói khác đi, về bản chất, Amam đã gắn kết cộng đồng người Vân Kiều qua các thế hệ.

Ngày nay, kiểu giao duyên, tìm hiểu bạn tình theo cách thức Amam bị mai một dần. Ông Hồ Chư, nhà nghiên cứu văn hóa Bru-Vân Kiều thổ lộ với vẻ đầy tâm sự: “Tục đi sim (một kiểu tỏ tình qua âm nhạc) theo lối hiện đại với sự xâm nhập của video, karaoke... đã làm cho thanh niên dân tộc hiện nay quên hẳn Amam và thực tế, nó đang bị thất truyền”. Cũng theo ông Hồ Chư, hiện tại trên địa bàn huyện Đakrông chỉ còn hai nghệ nhân thổi được khèn Amam. Già làng Vỗ Hôm ở trong số đó.

Hai nghệ nhân đó, với riêng khèn Amam, xem như bằng chứng sống, là những đại diện cuối cùng của một tập tục, một nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc miền Tây Quảng Trị còn sót lại.

Lễ hội văn hóa các dân tộc lần thứ nhất tổ chức tại Đakrông vừa qua có Già làng Vỗ Hôm biểu diễn, nhưng không phải biểu diễn khèn Amam. Vỗ Hôm trong đoàn nghệ nhân Bru-Vân Kiều biểu diễn vũ khúc Rayuak, khèn bè và làn điệu Tauaiq-một làn điệu trữ tình trong sinh hoạt văn hóa sim-langơp.

Thiếu Amam nhưng trong đêm khai mạc lễ hội, già làng Vỗ Hôm vẫn vui không tả xiết. Trong mắt ông dường như có một đốm sáng vừa được nhóm lên, hoặc đồ như ngọn lửa thiêng ngàn đời của Trường Sơn đã sống lại. Bất giác, tôi trộm nghĩ, rồi mai đây, trong các lễ hội lần sau, lần sau nữa, sau khèn Amam, trong số hàng chục loại nhạc cụ và bộ nhạc khí của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô hiện có, đến lượt nhạc cụ nào sẽ thiếu vắng? Lúc đó, không biết già làng Vỗ Hôm có còn vui...?

(SGGP)
Nguồn : http://www.mientrung.com/content/view/3763/113/
READ MORE - Hồ Chư




READ MORE -