Thơ viết ngày chưa yêu
Dĩ vãng cuốn trôi tuổi thơ đâu mất
Trút lá chờ xuân cây đứng u hoài
Em trút áo xưa hết vừa xuân nữ
Tóc trút ngoan hiền cho lả hồn ai
Anh về phương em từ thưa đến nhặt
Lối nhớ mòn rêu nhường bước âm thầm
Đuổi cho em vẻ thu buồn hiu hắt
Khuyết trăng nghiêng dấu hỏi ước xa xăm
Hai đứa đày nhau bên lở bên bồi
Sông Tương chảy như suối nguồn lệ ứa
Xa vắng mượn giấc chiêm bao thả nổi
Cầu ái ân bao giờ nối thì vừa?
Thả nắng giăng mưa em dãi dầu anh
Em sợ tình anh chưa là anh thực
- Đời chẳng sợ bao mưu toan tư lợi
Lừa bằng tình khốn nạn lắm, em ơi!
Em trang sức anh thành thần tượng trong đời
Thế mà anh cứ đầu trần chân đất
Anh chỉ như cây mọc miền đá sỏi
Em tưới mưa xuân run rẩy nẩy nên mầm
Ngày bé anh thích mẹ ủ chuối xanh
Chuối chưa chín sốt ruột anh vẫn bẻ
Mến thương em thấm đắng đót tim anh
Anh ủ hồn em bao giờ mới chín!
NGUYễN HOÀN
Nguồn: www.vanchuongviet.org
Dấu tích người vợ bất hạnh của vua Thành Thái bên dòng Ô Lâu
Ký
Quảng Trị có cả một dòng sông tình sử, hay nói một cách khác, có một tình sử buồn thương mang tên một dòng sông quê mẹ dấu yêu, đó là “tình sử Ô Lâu”. Dòng sông Ô Lâu nằm ở cực Nam huyện Hải Lăng xưa là nơi “đưa duyên” cho mối tình giữa chàng thư sinh xứ Nghệ với cô lái đò trên sông này nảy nở nhân một chuyến chàng “qua sông luỵ đò” để vào Kinh ứng thí. Sau khi thi đỗ trạng nguyên xong, chàng về tìm lại bến sông xưa thì mới biết, người yêu đã qua đời trong tương tư mòn mỏi, để lại mối hận tình thảm thiết trong cổ tích và ca dao:
Trăm năm đành lỗi hẹn hò
Cây đa, bến cũ, con đò khác đưa...
Lâu nay, người ta những tưởng đó là “tình sử Ô Lâu” duy nhất. Nào ngờ, bên dòng Ô Lâu còn có một cuộc “lỗi hẹn” trăm năm buồn thảm hơn nữa giữa vua Thành Thái với bà Dương Thị Ngọt ở thôn Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, một người con gái đẹp như thể được sinh ra từ nguồn nước Ô Lâu ngọt mát.
Trong quá trình điền dã để lần theo dấu vết cuộc tình này, một cuộc tình chưa thấy được viết ra trong các sách kể chuyện “thâm cung bí sử” triều Nguyễn, chúng tôi may mắn được ông Dương Quang Diêu ở Hội Kỳ, người cháu họ của bà Ngọt ở đời thứ 3 (nếu tính từ đời bà) cung cấp một số tài liệu xưa và những lời kể “mật truyền” trong gia tộc để ít nhiều dựng lại được cuộc tình này.
Bà Dương Thị Ngọt là con gái của ông Dương Quang Xứng, một vị quan trải qua nhiều đời vua triều Nguyễn. Trong gia phả của gia tộc họ Dương tại nhà ông Dương Quang Diêu, hiện còn cất kèm một tờ sắc của vua Đồng Khánh và một văn bản của Bộ Lại, thời vua Thành Thái ban cấp cho ông Dương Quang Xứng, cho biết ông Xứng từng giữ chức Viên ngoại lang ở Nha thương trường (tức kho lương thực), tiếp đó, vào năm 1885, niên hiệu Đồng Khánh được thăng chức Lang trung, đến năm Thành Thái thứ 6 (1894) được thăng chức Thái bộc tự khanh, rồi đến chức Bố chính tỉnh Khánh Hoà (chức quan trông coi việc tài chính ở tỉnh). Cùng với con đường thăng tiến của ông Xứng, bà Ngọt từ một cô thôn nữ “quê mùa” bỗng trở thành một “bà vua” là chuyện dễ hiểu.
Bà Ngọt được chọn làm bà phi thứ 9 của vua Thành Thái. Bia mộ trong lăng của bà đặt tại thôn Hội Kỳ, Hải Chánh đã ghi rõ điều đó: “Hoàng triều cửu giai tài nhân thuỵ Thục Thuận Dương Thị chi tẩm, Thành Thái thập tam niên bát nguyệt cát nhật tạo”, dịch là: Lăng của bà họ Dương, bà phi của nhà vua được xếp vào bậc “cửu giai tài nhân”, có tên thuỵ (tên đặt cho người có địa vị sau khi chết, dưới thời phong kiến) là Thục Thuận, lăng được dựng vào ngày lành, tháng 8, năm Thành Thái thứ 13 (tức năm 1901). Ta biết rằng, trong nội cung triều Nguyễn, kể từ đời vua Minh Mạng trở về sau, các bà phi được xếp hạng theo 9 bậc thứ tự gồm: nhất giai phi, nhị giai phi, tam giai tần, tứ giai tần, ngũ giai tần, lục giai tiệp dư, thất giai quý nhân, bát giai mỹ nhân và cửu giai tài nhân. Bà Ngọt được xếp vào bậc “cửu giai tài nhân”, bậc 9, được hưởng lương 180 quan tiền và 48 vuông gạo. Bà sinh được một hoàng nam nhưng bị đau chết, khi mới một tuổi. Là một bà vua nhưng bà Ngọt có số phận hết sức bi đát, do bởi bà đã được sinh ra bên dòng sông “tình sử Ô Lâu” định mệnh kia chăng?
Ông Dương Quang Diêu đã 70 tuổi, tuổi “cổ lai hy” mà vẫn còn minh mẫn nhớ như in những lời “mật truyền” trong gia tộc về cái chết oan khốc của bà Ngọt: “Vua Thành Thái không để tóc dài như các vua khác mà đã cắt tóc ngắn. Một hôm, sau khi đã cắt tóc ngắn xong, vua dạo một lượt qua các bà phi, hỏi xem có đẹp không. Bà nào cũng khen đầu vua đẹp. Chỉ riêng bà Ngọt đã không khen lại còn buột miệng bảo: “Trông giống như kẻ cướp ấy”. Vua nổi giận, liền đem bỏ bà Ngọt vào nấu trong vạc dầu”. Lời kể của ông Diêu về tình tiết dẫn đến cái chết của bà Ngọt có thể chưa sát với sự tình (thời nhà Nguyễn không có chuyện dùng vạc dầu để trị người phạm tội) nhưng rõ ràng là bà Ngọt đã phạm tôi khi quân (tội khinh vua), phải chuốc lấy cái chết. Còn nhớ, dười thời vua Minh Mạng, có một bà phi vào chầu vua 5 năm rồi mà chưa được chung chăn gối, một hôm, nhân vua ngủ trưa bèn liều hôn trộm vua một cái, vua còn xử tử ngay, huống nữa là trường hợp của bà Ngọt.
Dù bà Ngọt bị buộc tội chết, vua vẫn lo cho lễ mai táng bà chu đáo, theo đúng nghi thức xứng với một “bà vua”. Chính thế mà khi thuật lại đám tang của bà Ngọt với chúng tôi, ông Diêu đã thoát ra ngoài cái giọng trầm đục vì nặng nỗi bi thương để cất cao giọng pha chút tự mãn: “Đám tang bà Ngọt được đưa từ Huế về Quảng Trị bằng đò theo đường sông Ô Lâu, về cập bến chợ Hôm, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Từ chợ Hôm, người ta gánh bộ quan tài bà Ngọt đi trên chiếu hoa rải cho đến tận thôn Hội Kỳ. Chi phí mai táng, xây dựng lăng tẩm, nhà vua phải chịu. Vua còn cấp cho 4 người từ phu coi lăng, mỗi người được cấp 3 sào ruộng miễn thuế và ngoài ra còn được miễn các thứ sưu dịch”.
Đến đây, có một điều nghi vấn đặt ra: nguyên nhân dẫn đến cái chết thảm khốc của bà Ngọt có liên quan sâu xa gì đến tâm sự u uất của vua Thành Thái không? Ông vua yêu nước Thành Thái đã từng giả điên để che giấu mưu đồ chống Pháp (bởi thế mà ông từng được mệnh danh là “vua điên”). Quyền hành nhà vua bị thực dân Pháp thu hẹp dần, mọi cải cách nhà vua đưa ra đều bị cản trở. Cả đến những cử chỉ “duy tân” của nhà vua như tự lái xe hơi, lái xuồng máy, cắt tóc ngắn...cũng bị khâm sứ Pháp và bọn bồi Tây dò xét, nghi ngại. Thậm chí, chúng còn phao tin nhà vua điên thật để kiếm cớ truất phế. Vậy cái chết của bà Ngọt có liên quan gì đến chuyện “giả điên” của vua Thành Thái không, có liên quan gì đến một khúc quanh của lịch sử không? Mọi uẩn khúc này hy vọng sẽ được thời gian soi xét.
NGUYễN HOÀN
Mẹ Gio Linh - Mẹ Việt Nam
Ký
“Gan Mai Xá, đá Hảo Sơn”, danh tiếng làng Mai đã lừng vang trong câu tục ngữ truyền đời ấy của người Quảng Trị. Như thừa hưởng được phong vận, chính khí của trời đất xứ này, cả đến hoa mai của làng Mai không chỉ lừng hương với gió mà còn lừng hương cả trong dòng sử thơm. Cụ Nguyễn Du viết: “Mai cốt cách”. Người làng Mai truyền tụng câu “Mai vàng tụ nghĩa”.
Thuở đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, vua Duy Tân ra Cửa Tùng lấy cớ “nghỉ mát” để che mắt giặc, kỳ thực vua tìm người thân tín họp bàn việc Cần Vương, cứu nước, ở Quảng Trị đã mọc nên sáu vườn đào tụ nghĩa. Đó là vườn đào Tường Vân, Triệu Phong của cụ Lê Thế Vỹ (thân phụ của hai cụ Lê Thế Hiếu, Lê Thế Tiết, hai nhà cách mạng tiền bối tiếng tăm của tỉnh Quảng Trị), vườn đào Cam Lộ của cụ Nguyễn Khoá Bảo, vườn đào Linh Yên, Triệu Phong của cụ đề đốc Nguyễn Thành Đốc, người mang bầu máu nóng “bình Tây, sát tả”, bị giặc Pháp xử trảm ở bãi bồi làng Nhan Biều, Triệu Thượng, Triệu Phong, vườn đào Bồ Bản, Triệu Phong của cụ Ấm Muộn, vườn đào Bích Khê, Triệu Phong của cụ Hoàng giáp Hoàng Hữu Bính và vườn đào Mai Xá, Gio Linh của cụ tú tài Trương Quang Cung. Môn đệ vườn đào Mai Xá họp mặt, khi ở bến đục Hà Trung, Gio Linh, khi ở lòi Mai Xá. Mỗi độ xuân về, lòi Mai Xá cây xanh, cát trắng bỗng thắm vàng trong sắc rừng mai nở, vì thế, vườn đào Mai Xá được gọi tên “Mai vàng tụ nghĩa Cần Vương”. Trong những lần họp mặt, các vị tụ nghĩa Cần Vương đã đọc Hịch Cần Vương với những dòng hiệu triệu thống thiết: “Thế nước như trứng chồng, chỉ có hợp quần sức mạnh mới lên!”. Ở làng Mai Xá bấy giờ có cụ Trương Quang Đông đi lính Cần Vương được hàm bát phẩm. Đêm nào, ở nhà cụ Đông xuất hiện một vị khách giả dạng thầy đồ, hoặc thầy bói, hoặc lính lệ Nam triều đến nhỏ to mưu sự với cụ thì ngay đêm đó, những người phụ nữ phải lo nấu từ hai đến ba nồi bung cơm vắt, từng vắt ở giữa có muối mè, để ra nhiều nống chừng trăm vắt, xong có người đến lấy, gánh ra đình làng phân phát cho những người đợi sẵn. Những người này nhận cơm vắt rồi biến mất tăm. Làng Mai đã nuôi những người đi đánh Tây bằng nắm cơm vắt ấm nồng như thế đó. Ngược dòng lịch sử mới thấy, chính hạt gạo khó nhọc làng Mai đã từng nuôi lớn sức mạnh võ công của những người theo nghĩa khí phong trào Tây Sơn.
Tộc phả họ Bùi làng Mai còn truyền tên tuổi, công trạng của hai vị quan võ thời Tây Sơn. Đó là chánh tiền chỉ huy sứ Bùi Văn Hịch (chỉ huy một doanh 500 người), có công đặc biệt, sau về làng “giữ ngôi tiên chỉ, giàu có vạn tiền, ruộng liền một dải”. Đó là tiền đạo thuỷ binh Bùi Văn Huy với sức khoẻ và võ công cao cường, ngỡ như huyền thoại: “Chỉ huy tiền đạo thuỷ quân đánh vào căn cứ mạnh của địch, sức khoẻ bẻ gãy cây tre, để cối đá trên bụng cho người giã trắng gạo, uống rượu bao nhiêu cũng không hề say”. Mảnh đất từng hun đúc nên nghĩa khí “Mai vàng tụ nghĩa” lúc đất nước đương cơn bĩ cực cũng chính là nơi sớm sản sinh những hạt giống đỏ. Hưởng ứng phong trào Thanh niên cách mạng đồng chí hội những năm 1925-1929, chi hội Thanh niên cách mạng đồng chí hội huyện Gio Linh đã được thành lập, trong đó có ba hạt giống đỏ Mai Xá là Trương Quang Phiên, Trương Khắc Khoan và Trương Quang Côn, lấy đình làng Mai Xá Chánh làm điểm hẹn liên lạc. Sau vụ rải truyền đơn khắp tỉnh đêm 17-6-1929 kêu gọi thành lập Đảng Cộng sản mà tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội của tỉnh có tham gia, bọn địch tức tối lùng sục, dò xét manh mối. Nhiều hội viên Thanh niên đã bị bắt, trong đó có ba hạt giống đỏ Mai Xá.
Bọn thực dân Pháp và Nam triều ở tỉnh Quảng Trị đã kết án 31 hội viên Thanh niên tại phiên toà ngày 13-10-1929, trong đó Trương Khắc Khoan 11 năm tù, Trương Quang Phiên 10 năm tù và Trương Quang Côn 11 tháng tù. Nhưng tù tội chẳng qua là nơi rèn khí tiết, đợi thời cơ. Và rồi thời cơ khởi nghĩa, cướp chính quyền đã đến với khí thế trống giong, cờ mở của mùa thu tháng Tám. Ngày 18-8-1945, tại sân đình làng Mai Xá Chánh, cụ Trương Quang Phiên, hạt giống đỏ “Thanh niên” ngày nào đã chủ trì lãnh đạo việc cướp chính quyền ở địa phương và chuẩn bị ra mắt Uỷ ban khởi nghĩa. Cũng tại sân đình này, đêm 1-9-1945, cụ Trương Quang Côn, Chủ nhiệm Việt Minh xã đã tập hợp, dẫn đầu một đoàn đại biểu dân làng náo nức tiến về thị xã Quảng Trị mừng ngày Quốc khánh 2-9-1945. Nhưng thực dân Pháp không từ bỏ âm mưu cướp nước ta lần nữa. Vì thế, cùng với cả nước, người làng Mai đã tức thì đứng lên kháng Pháp bằng việc gửi con em vào đoàn Nam tiến để chia lửa với chiến trường miền Nam. Cùng với cả huyện, người làng Mai đã góp phần tạo dựng nên “Huyện kháng chiến kiểu mẫu” Gio Linh-danh hiệu được tỉnh công nhận năm 1949-bằng “kiểu mẫu” riêng, bằng cốt cách truyền thống hun đúc và bằng cả những huyền thoại có thật: đau thương mà bi tráng, uất hận mà khí tiết...trong đó mãi lung linh huyền thoại mẹ Gio Linh.
Ký ức người Mai Xá không bao giờ quên ngày uất hận, ngày giặc Pháp ở đồn Nhĩ Hạ bắt được hai anh Nguyễn Đức Kỳ, xã đội trưởng xã Linh Hưng (nay là xã Gio Mai) ở thôn Lâm Xuân, Gio Mai và anh Nguyễn Phi, cán bộ bình dân học vụ ở miếu Đôi ngoài đồng Mai Xá đưa về đồn tra tấn suốt ngày đêm, rồi hành quyết cắt đầu hai anh đem cắm ở chợ trước cổng đình làng Mai Xá Chánh ngày 16-8-1948. Ông Trương Ký Túc, người làng Mai Xá Chánh, nay đã 72 tuổi, lúc đó hãy còn là một chú bé đi chăn bò chứng kiến sự việc bi thương này, nhớ lại: “Sáng đó, lúc 4 giờ tôi đã dậy đi lùa bò. Do bò chạy vào đình làng, tôi phải vào lùa, chợt thấy có hai đầu người bị Tây cắm trên đòn xóc trước đình. Tôi vuốt vào cái đầu người thấy láng mượt, sợ quá, tôi vội quay ra, bị con bò đạp lên chân làm toe móng chân. Chỗ móng chân bị bò đạp vẫn còn “kỷ niệm” mãi đến nay”. Đã làm cái việc dã man trung cổ là bêu đầu, lại còn xức dầu bidăngtin láng mượt lên đầu hai chiến sĩ theo kiểu “hoa lệ” thực dân đểu cáng, giặc Pháp hòng răn đe, làm nhụt ý chí kháng chiến của quân dân Gio Linh. Nhưng chúng đã nhầm to và càng làm mồi thêm ngọn lửa căm thù bốc cao như núi. Trước khi bị hành quyết, hai anh đã dõng dạc gửi lại nghĩa khí cho đời, như trong bài thơ “Mẹ già liệt sĩ làng Mai” của Mai Quang Trí, một tác giả quê ở chính làng Mai Xá Thị, Gio Mai, Gio Linh đã cảm khái và hào sảng viết: “Họ hô to “Độc lập muôn năm”, Họ hô lớn “Việt Nam bất diệt”...
Anh Nguyễn Đức Kỳ quê ở làng Mai Xá Thị, Gio Mai, Gio Linh, là con của ông Nguyễn Xun và bà Lê Thị Cháu (tên thật là Lê Thị Lý), dân làng quen gọi là ông bà Diêu Cháu. Anh Nguyễn Phi quê ở làng Mai Xá Chánh, Gio Mai, Gio Linh, là con của ông Nguyễn Sửu (thường gọi là ông Cửu Đen) và bà Hoàng Thị Sáng. Chính những người mẹ đứt ruột sinh ra những cái đầu gan góc đã quặn lòng nuốt hận mang thúng đi lấy đầu con về. Từ phía đình làng Mai Xá Chánh trong ngày trời đất nhuốm màu tang tóc, có bóng những người phụ nữ cắp thúng mủng giả dạng đi chợ nhưng thực ra là đi lấy đầu liệt sĩ làng Mai, đóï là mẹ Lê Thị Cháu và bà Khương Thị Mén, thím của anh Nguyễn Đức Kỳ (bà Mén là vợ ông Nguyễn Văn Thạng, em ruột ông Nguyễn Xun), mẹ Hoàng Thị Sáng và bà Bùi Thị Con, thím của anh Nguyễn Phi (bà Con là vợ ông Nguyễn Văn Di, em ruột ông Nguyễn Sửu). “Con mang theo dòng máu anh hùng, Sống chiến đấu, chết toàn danh tiết, Con ra đi hình hài tuấn kiệt, Con trở về có chiếc đầu thôi”.
Để tránh Tây lùng sục, các mẹ đã giấu đầu hai anh kín đáo ở trên tra, gần nóc nhà, sau đó nhờ người đóng những chiếc hòm đặc thù hình vuông khâm liệm hai anh rồi đem chôn. Đầu anh Kỳ được chôn tại vùng Dôông, Mai Xá Chánh, đầu anh Phi được chôn tại nghĩa địa Cồn Dài, xóm Kênh, Mai Xá Chánh. Ba đêm sau, tại nhà mẹ Cháu, bộ đội, du kích đã về cùng bà con quây quần làm lễ truy điệu cho các anh sát nách đồn giặc ở Mai Xá. Gương hy sinh bất khuất của hai anh đã có sức hiệu triệu lay động mạnh mẽ lòng người, sức mạnh kỳ diệu đó vang vọng cả trong thơ và trong nhạc: “Đồng đội đến trăm người, trăm hỏi, Anh em đầy đủ mặt bốn bề, Nhìn nhau đi cho dạ tái tê, Cho uất hận trào lên cực độ” (Mai Quang Trí).
Từ đó, huyền thoại mẹ Gio Linh đã kết nên tượng đài đau thương lộng lẫy, bất diệt sừng sững đổ bóng xuống những giai điệu có sức lan toả nhanh rộng thời bấy giờ trong bản nhạc “Bà mẹ Gio Linh” của nhạc sĩ Phạm Duy: “Mẹ già cuốc đất trồng khoai, nuôi con đánh giặc đêm ngày, cho dù áo rách sờn vai, cơm ăn bát vơi bát đầy, hò ơi ơi ới hò...Mẹ già tưới nước trồng rau, nghe tin xóm làng kêu gào, quân thù đã bắt được con, mang ra giữa chợ cắt đầu, hò ơi ơi ới hò, nghẹn ngào không nói một câu, mang khăn gói đi lấy đầu”. Hình ảnh bên mẹ sau cái chết nghĩa khí của con mẹ đã chắp cánh cho Phạm Duy viết nên những nốt nhạc đau thương nhưng không bi luỵ mà bi hùng: “Đoàn người kéo đến nhà chơi, khơi vui bếp lửa tơi bời...Khi trông con nuôi xúm xít dưới túp nhà, mẹ nhìn đàn con thương nhớ đứa con xưa”. Con mẹ đã hy sinh, nhưng mẹ có cả đàn đàn con nuôi là bộ đội về làm ấm lòng mẹ.
Các anh ngã xuống trút nghĩa khí cho chính khí đất trời, còn hình hài đã hoá thân vào đất đai sông núi, không mất đi đâu cả, cho dẫu chết đầu lìa khỏi xác. Hai anh đã được mẹ Gio Linh lấy đầu về chôn cất, nhưng tấm thân còn vùi khuất đâu đó bên đồn Pháp dã man Nhĩ Hạ. Mãi mấy năm sau, khoảng năm 1952-1953, lúc thế giặc nao núng, gia đình mới đi lấy được thân xác hai anh về. Ông Nguyễn Sửu, bố anh Nguyễn Phi đã đi lấy thân xác anh, cùng đi có đứa cháu ngoại mới 9 tuổi lon ton theo, đó là chú bé Trần Thành Huế, cháu gọi anh Nguyễn Phi bằng cậu ruột. Tôi đã hỏi chuyện giáo sư tiến sĩ Trần Thành Huế, Chủ nhiệm khoa Hoá, Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, tức là chú bé thuở ấy về ký ức xưa đau đớn, ngậm ngùi. Trải qua tháng năm dằng dặc, ký ức thuở còn bé trong ông vẫn giữ vẹn nguyên đến từng chi tiết về hình dáng người cậu oanh liệt: “Khi đào hố lên, ở hố chôn tập thể, tôi thấy có tóc của những người phụ nữ rất xanh. Những người đã chôn xác cậu tôi và ông Kỳ họ rất có ý thức, họ chôn riêng ra một góc, nên ông ngoại tôi tìm ra được. Cậu tôi có một chân bị tật vòng kiềng, xương ống chân bị cong. Nhờ dấu hiệu đó, ông ngoại tôi nhận ra ngay hình hài cậu tôi”. Thi hài các anh vậy là đã được gắn kết trọn vẹn. Mộ anh Kỳ hiện được đặt trong khu lăng mộ phái Nguyễn Đức tại Cồn Go, Mai Xá Thị, mộ anh Phi đặt trong khu lăng mộ gia đình tại Cồn Dài, xóm Kênh, Mai Xá Chánh.
Mỗi lần về Gio Mai, Gio Linh, tôi thường tần ngần đến viếng đình làng Mai Xá Chánh để được sống trọn vẹn với niềm cảm khái trào dâng về nghĩa khí “gan Mai Xá” và cốt cách “mai vàng tụ nghĩa”. Cái thế vững như bàn thạch của đất này đã được diễn tả qua câu đối tạc trên cổng đình Mai Xá Chánh: “Thượng hạ cửu xã phường, giang sơn ngật để trụ, Tây Đông giáp Tiên Việt, môn địa tráng trường thành”, tạm dịch: trên dưới chín xã, phường (đất Mai Xá ngày trước rất rộng gồm xã Mai Xá Chánh và 8 phường: Xuân Lộc, Đào Xuyên, Quảng Xá, Nam Đông, Nam Tây, Bái Sơn, Phú Phụng, Phú An, gọi là bát phường Mai Xá thuộc tổng Bái Trời), giang sơn cao gốc vững, Tây Đông giáp Cồn Tiên, Cửa Việt, cửa đất rộng thành dài. Phát huy truyền thống “kháng chiến kiểu mẫu” thời chống Pháp, tạo thế tấn vững vàng trên “dãi trường thành” này,
Anh Trương Quang Tùng, một “nhà khuyến học” của làng Mai, một người say sưa sưu tầm những tư liệu lịch sử về làng Mai đã nhiệt tình dẫn tôi ngược chuyến tàu thời gian trở về với quá khứ làng Mai oanh liệt. Anh tất tả ngược xuôi dẫn tôi đi thăm thú nết đất, nét người Gio Mai. Một buổi chiều vàng trong gian nhà nhỏ ấm cúng của mình, anh mở chiếc máy cát xét cũ kỹ cho tôi nghe đoạn băng ghi âm cũng đã rất cũ, ghi lại buổi phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Thái Thanh về bài hát “Bà mẹ Gio Linh” do đài Pháp RFI thực hiện năm 2001. Đoạn băng nghe tiếng được, tiếng mất nhưng vẫn nổi rõ tiếng lòng thổn thức của Phạm Duy và Thái Thanh về bà mẹ Gio Linh. Phạm Duy cho biết ông sáng tác “Bà mẹ Gio Linh” trong có một đêm, lúc nằm trên giường tre ở chiến khu. Ông nghẹn ngào kể: “Tôi làm xong tôi khóc. Tôi nhớ hoài, tôi khóc như một đứa con nít”. Giọng Thái Thanh chùng xuống, vẻ thấm thía: “Một bà mẹ bình thường con cái đã là một gánh nặng lớn của mẹ rồi, huống chi lại còn trong thời chiến tranh nữa. Cái bi kịch này nó ghê gớm quá. Lần nào hát “Bà mẹ Gio Linh” tôi cũng khóc”. Anh Tùng và tôi đặc biệt cùng để ý đến đoạn bình luận của đài Pháp: “Những giây phút sáng tạo như thế không đến nhiều lần trong đời nghệ sĩ...Từ niềm đau cá nhân của một bà mẹ đã thăng hoa thành niềm đau chung của một dân tộc và của loài người”. Đài Pháp quả đã công nhận cái “thần hứng” mà bà mẹ Gio Linh đã mang lại cho người nghệ sĩ. Nội dung buổi phỏng vấn này tôi đã nghe rõ hơn qua đĩa CD do nhạc sĩ Phạm Duy mở cho nghe, trong lần tôi gặp nhạc sĩ đang ở tại Khách sạn Saigon Star. Sau khi được Nhà nước cho phép hồi hương, nhạc sĩ đã bộc bạch trên báo chí rằng chặng đời ba mươi năm qua ở hải ngoại của mình như một giấc ngủ dài, tỉnh dậy thấy trời sáng. Khi giai điệu dân ca bi hùng của “Bà mẹ Gio Linh” được tấu lên qua đĩa CD, người nhạc sĩ già 85 tuổi làm lại cuộc đời, người nhạc sĩ già viết đơn xin Mẹ Việt Nam “cho đi lại từ đầu”, như lời trong ca khúc “Kỷ niệm” (ca khúc này, cùng với “Bà mẹ Gio Linh” nằm trong số 19 ca khúc của Phạm Duy đã được Bộ Văn hoá cho phép phổ biến), người nhạc sĩ trắng xoá cả mái đầu vì ôm mối sầu xa cố xứ này đã lặng người đi. “Người Việt Nam vốn theo dòng mẫu hệ, tình mẹ nặng lắm-nhạc sĩ Phạm Duy xúc động tâm sự- Một đất nước có một nhân vật như bà mẹ Gio Linh đáng quý lắm”. Hồi ấy, năm 1948, trong chuyến công tác vào chiến trường Bình Trị Thiên, Phạm Duy đã đến làng Mai, được nghe và được gặp hình ảnh bà mẹ Gio Linh với câu chuyện đau thương “chấn động” lẫy lừng. Mẹ Diêu Cháu với gương mặt đã mang nhiều nếp nhăn nheo của thời gian nhưng đối với Phạm Duy, “mẹ đẹp như một vị thánh” (chữ dùng của Phạm Duy), khiến cho Phạm Duy bị xâm chiếm cả cõi lòng, trở nên lúng túng không biết nói năng gì với mẹ, đành nhờ người đưa đường nói hộ.
Mẹ dẫn Phạm Duy đi qua một rặng tre để ra tới chợ làng Mai, nơi ngày nào mẹ đến lấy đầu con “tay nâng nâng lên, rưng rức nước mắt đầy”. Từ đó, mẹ Gio Linh đã thành một ám ảnh nghệ thuật và ám ảnh cuộc đời đeo đẳng, “không buông tha” Phạm Duy cả nhiều năm về sau này. Năm 1951, khi trót bước chân qua Phát Diệm để rời xa cuộc kháng chiến chống Pháp, Phạm Duy đã khóc vì tiếc thương cho những năm đem hết tâm trí ra phục vụ cách mạng và kháng chiến. Nước mắt Phạm Duy lúc rơm rớm, lúc trào rơi vì bao hồi ức nhưng bỗng đã tuôn ào ào khi nghĩ đến chuyện bi hùng của bà mẹ Gio Linh. Năm 2003, Phạm Duy đã về thăm lại chỗ nhà cũ của mẹ Diêu Cháu. Năm 2005, nhạc sĩ được hồi hương, “lá rụng về cội” và bài hát “Bà mẹ Gio Linh” được phép phổ biến. Ôi! Mẹ Gio Linh, Mẹ Việt Nam đôn hậu và bao dung nhường nào, bởi mẹ biết năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài, nhưng ngắn dài đều trên một bàn tay. Trong một thư mail cho nhạc sĩ Phạm Duy, tôi có nhắc một ý của nhà thơ lớn Tố Hữu nói sau ngày đất nước giải phóng năm 1975 rằng, Phạm Duy hãy cứ ở lại đất nước, đừng đi đâu cả và tiếp tục sáng tác, để khúc giữa qua một bên, lấy khúc đầu (kháng chiến) và khúc đuôi (hoà bình). Gửi mail lại cho tôi, nhạc sĩ Phạm Duy hứng khởi viết: “Hãy sống với một Việt Nam hôm nay và ngày mai, rạng rỡ huy hoàng”.
“Xuân làng Mai đã trổ màu”, câu thơ của nhóm Bích Khê Hoàng gia thi phái (nhóm thơ họ Hoàng làng Bích Khê, Triệu Long, Triệu Phong) gửi báo “Xuân làng Mai”, tờ báo viết tay của người làng Mai ra đời thời tiền khởi nghĩa quả đã ứng vận với hôm nay. Đình Mai Xá Chánh đang được trùng tu lại và đề nghị công nhận di tích lịch sử của tỉnh. Cả đến con rùa trong đình này cũng có một số phận hy hữu lạ thường. Năm 1968, lính Mỹ đưa xe về húc tan đình làng và lấy đi con rùa trong đình, con rùa quý, trên thân mạ sắc vàng và có hai con hạc đứng. Năm 1995, chính người lính Mỹ lấy rùa đình làng Mai Xá Chánh đã mang rùa sang trả lại cho làng. Người Mỹ cũng đã biết lỗi trước văn hoá làng Mai vậy.
Người làng Mai không những đánh giặc dũng khí có thừa mà còn chuộng tài hoa văn chương, học vấn hết mực. Một sớm, anh Tùng dẫn tôi băng vào một vùng cây cối nguyên sinh rậm rạp, đó là lòi Mai Xá Chánh, nơi người làng Mai đã dựng nên Văn Thánh vào năm 1910 nhằm tôn vinh những người học hành đỗ đạt. Ngày trước, cạnh Văn Thánh có một cây trầm nguyên sinh to lớn, mình chảy nhựa đầy. Làng làm lễ “khuyến học” tại Văn Thánh trong hương nhựa trầm xông ngào ngạt. Anh Tùng và tôi bâng khuâng bước trên nền Văn Thánh, lần tìm những viên gạch cũ, bóc gỡ lớp rêu phong của thời gian vẫn thấy hiện nguyên sắc nâu hồng được nung đúc từ bầu máu nóng của ông cha. Năm 1980, nhà khảo cổ học Trần Quốc Vượng đã đến đây để khảo sát, cho đào hố khai quật. Ông đề nghị cho rào lại khu vực Văn Thánh để bảo vệ, trong khi chưa phục chế. Thời chiến dùng võ công. Thái bình dùng văn trị. Hương mai, hương trầm làng Mai thêm ngát lừng.
NGUYễN HOÀN
Phác thảo sử ký rượu quý Kim Long
Ký
Nếu vào đời Hán bên Trung Quốc, tại tỉnh Cam Túc có một quận mà nguồn nước chảy qua đấy mang hơi vị như rượu nên quận này thành danh là quận Tửu Tuyền (suối rượu), để cho tài thơ của vị tiên tửu Lý Bạch cảm khái luận rằng: “Địa nhược bất ái tửu, địa ưng vô Tửu Tuyền” (Nếu đất không thích rượu, thì đất đã không có quận Tửu Tuyền), thì ở Quảng Trị từ xa xưa rồi đã có một làng trứ danh nhờ có nguồn nước quý chiết xuất ra được rượu ngon, đó là làng Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng.
“Rượu Kim Long, Hải Lăng ngon hơn, có thuế”, sách “Đại Nam nhất thống chí”, quyển thứ 8, mục “Thổ sản” đã trang trọng đưa đẩy tiếng thơm và vị trí vang bóng của rượu Kim Long dưới thời phong kiến như thế đó. Nhưng sự đời, hoa sen nào không phải nở trong bùn, vinh quang nào không đồng hành cùng khổ luỵ, danh thơm nào không nhuốm phong trần, rượu Kim Long cùng những chủ nhân của nó đã phải “lại tìm những lối đoạn trường mà đi” dưới thời thực dân Pháp xâm lược. Ký ức tủi hận của những ông già Kim Long từng chống chèo qua thời đau thương ấy hẳn còn chưa quên những tình huống thực dân bắt rượu hiểm nghèo xảy ra, khi mà bọn tay sai đi sục sạo các nhà thường giả vờ mặc quần trái để lấy cớ xin vào buồng lộn lại quần nhằm dễ bề rúc tìm nơi giấu rượu. Thảm cảnh Pháp bắt rượu được nhắc lại ngậm ngùi trong một bài vè tương truyền ở Kim Long:
Làng ngồi đang nhóm, đang lo
Công ty về bắt, bung lò dẹp đi
Trong làng có cái chi chi
Làng không lo liệu vậy thì làm răng
Thế gian khẩu thuyết vô bằng
Không mà nói có, làm răng đặng chừ
...Thảm thương ba chú đi buôn
Trong lu hết rượu, ngoài chuồng hết heo
Sau khi “bình định” xong cảnh nấu “rượu lậu” của dân Kim Long, bọn chủ Pháp rảnh tay để lập lên hãng rượu Xi-ka độc quyền ở đó. Hãng này nằm án ngữ trong một khu vực rộng áng chừng 2 héc-ta. Trước cửa lầu hãng rượu có cây keo cao to đến mức ba người ôm không xuể, nơi con rắn có mồng về cư ngụ đem theo bao huyền bí và cũng chính là nơi dân làng thường đến khấn vái khi có người đau ốm. Thế là ngẫu nhiên, “thần quyền” đã gặp gỡ thế quyền trước những phận đời sống nhờ vào từng giọt rượu Kim Long nồng xót chảy. Bác Nguyễn Khiếu hồi ấy từng gánh rượu thuê cho hãng xuống sông Vĩnh Định chuyên chở bằng đường thuyền, cứ 1 lu rượu 2 người gánh thì được trả 3,5 giác đã hoài niệm với tôi về cái thuở ngậm ngùi: “Hồi ấy, ông Tây bà đầm về có xe điện, nó bắt ta xây hồ, làm rượu khổ lắm. Rượu nấu dưới nồi đồng, trên đất. 15 người nhồi, 10 người nấu cơm. Rượu được bỏ vào chum rồi thả xuống hồ để làm lạnh. Chum rượu to bằng cái phi bây giờ, trên mỗi chum rượu sắp xuất xưởng đều được dán nhãn “Kim Long mỹ tửu”. Công việc vất vả thế nhưng bọn Pháp lại bóc lột ta tàn tệ bằng cách không trả công bằng tiền mà trả bằng hèm lấy về để nuôi heo”. Thế rồi cái thời xót xa rốt cuộc chấm dứt vào năm 1946, năm mà dân làng nổi lên đập phá tan tành hãng rượu Xi-ka để giành lại tự do cho dòng rượu chảy.
Giữ vẹn danh tiếng “mỹ tửu” từng đăng quang từ xưa, rượu Kim Long ngày nay hành trình huy hoàng vào những bữa ăn dân dã hàng ngày lẫn các bữa tiệc tùng sang trọng. Yếu tố nào, bí quyết nào, phép màu nào đưa rượu Kim Long chiếm lĩnh ngôi báu trong thế giới ẩm thực xưa nay? Thực ra, kỹ thuật nấu rượu ở đây có tân kỳ gì đâu, vẫn chỉ dùng một chiếc lao bằng gỗ theo kiểu cũ chứ không “chạy theo” dụng cụ nấu hiện đại như bây giờ, vẫn chỉ bỏ ít mun để kỵ gió, ít mảnh lá chuối để kỵ ngâu vọc trước khi nấu mà thôi, nhưng sao rượu nức danh? Phải chăng do người Kim Long sớm biết làm men rượu theo một công thức riêng tự tìm kiếm được gồm có gạo cộng với gừng và các lâm sản quý khác như đinh, quế, hồi? Phải chăng do nguồn nước đặc trưng ở Kim Long sinh ra rượu ngon? Phải chăng do người Kim Long sớm biết phát hiện ra rằng dùng gạo địa phương, gạo chiêm sẽ nấu được rượu ngon hơn và nhiều rượu hơn việc dùng gạo xuân hoặc gạo giống mới? Có lẽ, cái ngon ở rượu Kim Long là sự hợp thành của tất cả những yếu tố ấy. Rượu ngon, thảo nào đốt con mực khô làm mồi nhậu lên đó cũng thấy lửa rượu cháy ăn lan rất đỗi điệu đàng chứ không cháy bốc như loại rượu pha cồn hoặc pha trộn hổ lốn khác.
Người có công “chắp cánh” cho thương hiệu rượu Kim Long truyền thống lan toả mạnh trong thời “hiện đại”, đó là anh Trần Hữu Bằng, giám đốc Công ty TNHH Xika, một công ty chuyên sản xuất, chế biến rượu Kim Long ở Hải Lăng. Hai chữ “Xika”, tên hãng rượu Kim Long của Pháp thuở trước đã được anh Trần Hữu Bằng dùng lại để gọi tên cho thương hiệu rượu của mình, cái tên đã chứng tỏ tiếng vang vượt ra ngoài biên giới của rượu Kim Long ngay từ thuở dân ta còn trong vòng nô lệ. Anh Bằng bắt đầu sản xuất rượu Xika Kim Long từ năm 1996 trở đi. Sản phẩm rượu làm ra khá phong phú với 20 loại rượu, thuộc 3 dòng chính: dòng rượu gạo nhằm thay thế dần rượu gạo trôi nổi trên thị trường, dòng rượu màu và rượu bổ nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng. Rượu bổ có nhiều loại như rượu sâm, rượu rắn, bìm bịp, tắc kè...trong đó, có những loại sử dụng nguồn nguyên liệu quý “sưu tầm” từ phương xa, chẳng hạn như với rượu rắn, nguồn nguyên liệu rắn được anh đặt mua từ làng nghề nuôi rắn hẳn hoi tận miền Bắc, đó là làng Vĩnh Tường, xã Vĩnh Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhờ đa dạng hoá sản phẩm, hàng năm, Công ty của anh đã tiêu thụ khoảng 150 ngàn lít rượu cho dân làng Kim Long, ngoài chế biến để bán trong nước ra còn xuất khẩu sang Lào, Thái Lan (lượng xuất khẩu chiếm 20% tổng sản phẩm). Gần sát nền cũ hãng rượu Xika của Pháp trước đây, anh Bằng đã đầu tư 200 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, kho tàng dự trữ nguyên liệu (lúa, gạo) cung cấp cho dân làm rượu và làm nơi bao tiêu sản phẩm cho dân. Hàng trăm hộ ở Kim Long được anh đầu tư men, gạo, kỹ thuật nấu rượu và bao tiêu sản phẩm. Ngắm nhìn các loại sản phẩm rượu do Công ty TNHH Xika sản xuất được đóng chai, đóng hộp, được in tên thương hiệu sang trọng, thương hiệu mà Công ty đã dày công xây dựng và có được trên cơ sở anh Bằng đã ra Hà Nội làm việc với Cục sở hữu trí tuệ, ai cũng nghĩ các sản phẩm đó khác nào sản phẩm rượu công nghiệp. Nhưng không, nếu sản xuất trên nền rượu công nghiệp, sử dụng cồn pha chế, sẽ chẳng bao giờ có lấy nổi một giọt rượu Kim Long ngọt nồng. Dẫn tôi vào góc nhà, mở nắp một hầm tối là nơi trữ rượu ra, trong hơi rượu phả thơm nồng, anh Bằng say sưa nói về cách thức tạo rượu ngon, tạo ra “thế giới nghiêng”: “Để giảm bớt an-đê-hyt và độc tố tồn dư trong rượu, phải chôn rượu trong lu, trong hầm, lắng lọc và tinh trong. Rượu để lâu càng ngon, vì với thời gian, các phân tử rượu tự “giải thoát” độc tố cho nhau. Nhưng rượu muốn để lâu phải đúng nồng độ, chất lượng, nếu không sẽ bị chua. Tiêu chuẩn phải là rượu mạnh 40 độ trở lên, rượu Kim Long là 45 đến 60 độ.
Rượu Kim Long không nấu thấp độ được, nấu thấp là nước đục như nước mã, không thơm, không ngọt. Rượu Kim Long phải nấu ở Kim Long để lấy nguồn nước đặc trưng ở đấy, để rượu được “tiếp đất” ở đấy chứ không thể nấu ở nơi khác. Chất lượng rượu ngon ngoài do nước ra còn phụ thuộc vào gạo, men và cách đun, nấu nữa. Nếu dùng ga hoặc than để nấu, rượu sẽ không ổn định, không đồng đều. Phải dùng củi dương để nấu, vì nó cháy đều và từ từ, mình sẽ kiểm soát được độ nấu. Mà củi dương thì vùng biển, vùng cát Quảng Trị rất phong phú”. Để đưa “Kim Long mỹ tửu” đủ sức mở rộng không gian “thế giới nghiêng” hơn nữa, anh Bằng đã đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng Nhà máy rượu và nước Xika tại cụm công nghiệp làng nghề Hải Lăng với công suất sản xuất 1 triệu lít rượu các loại mỗi năm.
Chẳng ngoa ngoắt gì đâu, khi bảo rằng rượu Kim Long đã thành “một mảnh hồn làng” (Tế Hanh) của người Kim Long. Bây giờ, ở Kim Long có đến hơn một nửa số hộ trong làng nấu rượu. Bình quân cả làng sản xuất khoảng 40 ngàn lít rượu/tháng. Đặc biệt, cứ đến cuối thu hằng năm là bà con ở đây đã nấu rượu dự trữ kịp bán trước dịp Tết đủ cho khắp các nơi nườm nượp kéo về như thoi đưa. Tuồng như là chỉ khi xáp mặt với dư vị nồng cay ngọt đậm duy chỉ rượu Kim Long mới mang đến được, người ta mới chịu nhận cái lẽ đời nhiệm màu không dễ gì nghiệm được bằng lý trí tỉnh queo mà Lý Bạch đã đem lại cho nhân thế là phải:
Đang đại bất lạc ẩm
Hư danh an dụng tai?
Giải ngao tức kim dịch
Tao khâu thị Bồng Lai
(Người đời không thích rượu
Danh hão hơn gì ai?
Có cua cùng rượu ngọt
Gò rượu là Bồng Lai)
NGUYễN HOÀN
Nguồn : www.vanchuongviet.org/
Đọc thêm :
Sáng tác của Nguyễn Hoàn trên vanchuongviet.org
THƯỢNG THƯ BỘ LỄ LÊ TRINH
No comments:
Post a Comment