Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, August 29, 2017

VU LAN, MẸ LÀ HƯƠNG TRẦM - Trần Mai Ngân


     


          VU LAN 

        MẸ LÀ HƯƠNG TRẦM

    

  Mẹ là nén nhang trầm vừa tỏa hương vừa rụi tàn !

  *** Khi mang con...

Mẹ ve vuốt, vỗ về con hãy ngoan nào, hãy để nỗi buồn mẹ nguôi dịu, để mẹ quên đi mà chỉ nghĩ đến con. Một hình hài trọn vẹn đang lớn dần theo mẹ từng ngày... từng ngày! 


*** Khi con ra đời...

Mẹ đón con với nụ cười và cả giọt nước mắt khi nghe tiếng con khóc khỏe mạnh vang lớn nhất phòng sanh. Mẹ mỉm cười cảm ơn cuộc đời.


Năm tháng trôi qua từ con ấu thơ đến trưởng thành mẹ chỉ biết sống vui, buồn và thở theo con. Mẹ đã không nghĩ và nhớ đến mình là ai nữa, chẳng cần chi vui buồn... Mọi thứ trên đời như không có gì quan trọng với mẹ hơn là con. Con đã là tất cả. 

Rồi con vu qui, rồi con trai sẽ lấy vợ. Con ra đời làm việc .

Mẹ hạnh phúc vì nhiệm vụ đã hoàn thành. Con của mẹ đã nên người, một người rất đàng hoàng tử tế ! 


*** Góc của Mẹ 

Bây giờ thì mẹ sẽ thu về bóng mình, thu về góc của mẹ.

Làm sao khỏi đến lúc mẹ chậm chạp nhớ, chậm chạp đi đứng, chậm chạp trả lời... Ôi... lúc ấy có lẽ mẹ cần con thương yêu biết chừng nào. 

Con hãy kiên nhẫn đợi mẹ nhớ, đợi mẹ một chút thôi con nhé ! Để mẹ từ từ nhớ... như thuở nhỏ mẹ đợi con cố nhớ tên gọi một đồ vật mà mẹ mới vừa dạy con. Hoặc có lúc mẹ sẽ ngớ ngẫn hỏi mãi một điều nhiều lần... xin con hãy đừng giận dỗi mà hãy nhớ lại ngày xưa mẹ đã dịu dàng trả lời mươi lần hơn chỉ một câu hỏi của con. Và còn nhiều nhiều điều nữa con ạ, kể sao cho hết...


                    

Tà huy nhuộm vàng cuối Thu. Rồi cũng đến lúc mẹ nói lời chia tay con. Bao nhiêu năm tháng mẹ con mình có nhau con nhỉ... Con có nhớ và đã có nhìn kỹ gương mặt của mẹ, màu mắt của mẹ, môi cười tươi hay héo hắt của mẹ... như mẹ đã thuộc từng đường nét trên người của con...

Hãy ngắm nhìn kỹ con nhé, khi còn có thể và hãy nói lời yêu thương nhất khi còn có thể... Chắc chắn rồi tất cả sẽ mất đi, vĩnh viễn không còn quay lại cùng con lần nào nữa. Là một ngày mẹ phải buông tay con ra và bỏ con đi mãi dù lòng mẹ không nguôi yêu thương, không muốn xa lìa...


Vu Lan đến mọi người chúc tụng nhau về MẸ.

Mẹ thì lại muốn chúc con của mẹ luôn mãi hạnh phúc trong cuộc đời này.

Còn mẹ, riêng mẹ... mẹ chỉ xin mãi là nén nhang trầm vừa tỏa hương vừa rụi tàn theo năm thángđã dành hết cho con.


                                                                     Trần Mai Ngân

READ MORE - VU LAN, MẸ LÀ HƯƠNG TRẦM - Trần Mai Ngân

GIẬN... - Thơ Hiệp Kim Áo Tím



                        Hiệp Kim Áo Tím



GIẬN...

Anh giận gió...
sao làm em tóc rối
Anh giận mưa...
làm ướt áo em rồi
Anh giận mây
làm áo em xanh quá
Anh giận anh...
sao tim bỗng bồi hồi...

Anh giận trời..
làm tay em buốt giá
Anh giận cây...
làm lá rơi la đà
Anh giận hoa...
sao hoa cười tươi thế
Anh giận môi ...
sao không hé nụ cười

Anh giận nắng...
chẳng chịu hôn đôi má.
Anh giận sao...
chẳng lấp lánh kiêu sa...
Anh giận anh...
yêu rồi sao không nói
Anh giận đời...
đời bắt ta chia xa...

Anh giận gì...
khi tình ta xa vắng
Anh giận trời...
sao xé nửa vầng trăng
Anh giận mắt..
không chịu nhìn chất ngất
Xa em rồi...
hối tiếc.... em biết chăng

          Hiệp Kim Áo Tím 
         Đà Lạt, 28/8/2016

READ MORE - GIẬN... - Thơ Hiệp Kim Áo Tím

KHÔNG THỂ ĐỔI THAY - Hồi ký của Lâm Bích Thủy



                               Nhà thơ Yến Lan


KHÔNG THỂ ĐỔI THAY

Nguyên nhân lấy đi sức lực của ba tôi là bệnh U-nang tiền liệt tuyến, trĩ, đái rắc, mất ngủ.. Nói tóm lại, dù nhiều chứng bệnh, nhưng ông khổ tâm nhất là bệnh run tay. Run đến nổi không cầm được thứ gì. Có lần bưng chén thuốc chưa kịp uống, tay run làm rơi vỡ tan, tức quá ông khóc ti tỉ như đứa trẻ. Cả nhà nghe ông than:
-Trời ơi! sao giờ tôi bất lực thế này!  
 Sao không bực? cũng chính đôi tay này, mấy chục năm  trước đã gò ra thìa, chén từ chiếc rương nhom để con ăn khỏi vỡ; từng đóng bàn ghế cho con học, từng làm bếp dầu để vợ con đỡ vất vả. Vậy mà giờ, có mỗi chén thuốc bé tẹo cũng bưng không nổi! 
   
  Năm 1990, ba tôi vào chửa bệnh ở Bệnh viện Nguyễn Trãi –TP. HCM. Khi về, sức khỏe ông không cải thiện thêm mà còn tệ hơn. Tôi và Tú Thủy bàn đến việc chuyển ông bà hoặc ra Bắc ở với Lâm Huy Nhuận, hoặc vào Sài Gòn với tôi. Lần này thấy các con quá kiên quyết, ông ngồi nghe con phân tích. Song, ông không sao chịu được việc bọn trẻ sẽ tách mình ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn. Ẩn trong sự im lặng đó là sóng gió, là sự giằng co giữa đi hay ở. Ông cố giữ lập trường; chúng tôi cố kéo phần thắng về phía mình, chẳng bên nào chịu bên nào. 
   Thấy tình hình căng thẳng, ông thuận tình nói “Ba vào Sài Gòn ở với Thủy”. Tin này đến tai các bạn thơ. Nhà thơ Võ Văn Trực gửi thư động viên, khích lệ ông... 
  Sợ cha đổi ý, tôi vội vàng sang căn hộ, tầng 4 lô 1 Cư xá Thanh Đa. Hai vợ chồng tôi ở tầng trệt, lô 4. Nếu vào, ông bà thích ở dưới thì chúng tôi lên trên. Mọi việc coi như ổn. Tôi lo  một mạch từ A đến Z, liên hệ thuê xe cơ quan chuyển đồ đạc. Mấy hôm sau, xe lạnh Cty Animex trên đường từ Hà  Nội vào Sài Gòn, ghé đón ông bà. Đồ đạt đưa lên gần hết, đùng một cái, ông cụ giở chứng: “Các cháu bỏ xuống, bỏ xuống hết, bác không đi nữa!..” Hai cậu tài xế điện vào hỏi, tôi đành xin lỗi “Thôi, cụ không chịu đi mà ép, sau này có gì cụ đổ thừa” Tôi bực, trách “ba chỉ nghĩ đến quê hương mà không nghĩ đến cái khổ của con cái. Ba bảo thủ quá chừng.” 

  Vậy là ông lại thắng thế, ông già cổ hủ say quê như người nghiện rượu Bàu Đá”. Ông lý giải rằng “Ba đã quen mọi thứ ở đây, đã già rồi còn sống được bao năm nữa mà đổi với thay”  Rồi, chứng minh cho các con thấy, quê hương là tất cả đối với ông. Là nơi đã lưu giữ tuổi thơ; nơi sẽ sưởi ấm ông những ngày còn lại.

NHẮN SƯƠNG
Gầy mai héo liễu, rũ trà mi
Như thế, đời ta có khác gì
Xin với làn sương đêm tỏa xuống
Lạnh rồi thêm lạnh nữa làm chi
                           
Cuộc sống ở quê có thay đổi, nhưng những con đường đất bên kia sông Côn vẫn thoáng hiện bóng người mẹ trẻ thân yêu của ông: 

CHIỀU
Ai nhại dùm ta tiếng võng đưa
Của bao người mẹ tự bao giờ 
Những chiều năm xửa, năm xưa ấy
Trong lúc ngoài trời lén đổ mưa
                                   
Những gì thể hiện qua bài thơ Tạ ơn cho thấy tình của nhà  thơ là tình của đứa con chắt chiu trọn đời cho đất mẹ:

TẠ ƠN
(Gửi đất quê An Nhơn )

Còn đây nguyên vẹn yêu tin
Xin dâng tạ góc trời riêng quê nhà
…………………………………….
Rượu tình ai nhấp mình say
Nợ ân tình, mặc ai vay chẳng đòi
Tháng ngày còn hãy ít oi
Sống nguyền giữ sạch tiếng đời ký sinh
Với bao gió nghĩa, trăng tình
Chưa phai phẩm ngọc xin dành lớp sau

Người ta bảo: Trời không lấy hết của ai; cũng không cho ai mãi. Vâng, đúng như thế! Chọn quê để sống những ngày cuối đời, ba tôi nghiệm ra cái ông được nhiều hơn mất: - Một hòn gạch rêu phong, một gốc cây, tiếng chim hót, tiếng gà gáy sớm hay chuông nhà thờ vọng lại hằng đêm. Tất cả là cơ sở để ông gắn bó và sáng tác. Khi bị bệnh, không đi xa được, ông càng muốn làm nhiều hơn. Càng đau ông càng nghĩ, cả khi thiêm thiếp, cũng là lúc ông chìm trong suy tư.  Ông thật sự là người có tinh thần trách nhiệm cao đối với quê hương và công việc; cho dù hoàn cảnh nào ông cũng hướng về đất mẹ. Ông nhìn ra bản chất và mối quan hệ giữa mọi vật và con người là một thực thể xã hội, với muôn vàng quan hệ chồng chéo:
NỢ             
Nhà không vườn, không gác, không sân
Tôi nợ đời rau trái tôi ăn
Nợ hàng xóm trưa hè bóng mát 
Nợ em cài bên cửa một vầng trăng

TRONG XÓM NHỎ         
Xóm nhỏ nhà xưa mấy khóm tre
Đường cong phưng phức nụ hoa chè
Cốm rang trong bếp giòn như pháo
Em đến xua gà chị chẳng nghe
Và nặng lòng với làng xóm:  
Mỗi bận vào đông mở cửa nhìn
Vẫn hơi gió bấc tạt vào hiên
Nửa toan tránh rét nhà quay hướng
Nửa ngại cô đơn bạn láng giềng
                 Tránh rét (10/1991)

Là người sống thủy chung, không vì mới mà quên cũ

Nghe tin gió bấc chuyển vào đông
Tìm hướng nhà xưa rợp cúc hồng
Đâu nỡ trách quê tình giục giã
Chỉ lo con trẻ bỏ bồn không. 
(Nhớ hoa hồng nhà 37 Hàng Quạt Hà Nội)

Khi ông chối từ ra Hà Nội hay vào Sài Gòn sống, chị em tôi giận dỗi lên án: “Ba bảo thủ quá, lúc nào cũng chỉ quê, quê, làm khổ các con!” Song le, những gì trải nghiệm từ thực tế; ngẫm lại, chúng tôi nhận ra, sự lựa chọn của ông không thể khác được, nói một cách chân tình là ứng vào trường hợp của ông. Ông phân bua:
“Đừng trách ba, các con không hiểu hết mọi nhẽ ở đời đâu.”. 
 Vâng, chúng tôi hiểu sao được, cái gọi là “Bọn Nhân văn giai phẩm” lúc đó chưa biết ai sai ai đúng, án phản động vẫn âm thầm bám vào họ. Với một người như ba tôi lại chính quê hương mà ông đã suốt đời tâm huyết cũng vin vào cớ việc ông đã dám đi sau linh cữu cụ Phan Khôi đến nơi an nghĩ cuối cùng, để xét duyệt các quyền lợi cho ông. Bạn xem bài viết của nhà thơ Thanh Thảo thì rõ: 
   - “Tôi nhớ, có một lần Đại hội Văn nghệ tỉnh Nghĩa Bình, khi ấy Yến Lan được bầu là Chủ tịch (danh dự), trong bữa tiệc liên hoan khá xôm tụ so với hồi ấy, tôi thấy Yến Lan ngồi với vẻ bơ vơ. Ông lạc lõng với không khí tiệc tùng như thế này, thậm chí không còn biết ăn nói làm sao cho “vừa” với “không khí quan chức” ở đó. Tôi nhớ, khi Yến Lan “chót nhỡ lời” nói câu gì đó mà ông nghĩ chỉ là vui vui thôi, thì Ngài Chủ tịch tỉnh-cũng đồng hương với ông-đã tỏ ra không hài lòng, và đã nói một câu mà theo tôi là quá đà với một nhà thơ cao tuổi và đáng kính trọng như Yến Lan. Tôi rất buồn vì chi tiết đó, và tôi nghĩ, Yến Lan còn buồn hơn, dù ông vốn quá hiền lành. Phải vào tôi, thì tôi đã “nổ” liền.

  May là “Không ai nắm tay được cả ngày”, mấy năm trở lại đây, vấn đề NVGP đã được lớp trẻ nhìn lại, phân biệt vàng thau rõ ràng. Có nhà nghiên cứu đã viết bài phân tích đúng sai vấn đề này, độc giả đã nhìn ra cái sai của một số cán bộ lãnh đạo giới, hồi đó đã làm thui chột tài năng một số văn nghệ sĩ, làm cho nền văn học của ta lạc hậu hàng chục năm so với thế giới... 
  Trường hợp của ba tôi, thư ký Báo VNCA an ủi: “Xét về nỗi khổ từ việc này, ba chị chỉ là con tép, mấy năm ấy, cụ vẫn được đăng bài trên báo; trong cuốn Thi nhân Việt Nam cụ có những ba bài, Chế Lan Viên - thần đồng văn học cũng chỉ được hai mà thôi.” 
  Nghe thế, tôi muốn biết thế nào là con tép, thế nào là con tôm, và khi xem tư liệu của Nhà nghiên cứu văn học hiện đại Lại Nguyên Ân, thì thấy đúng là nhiều nhà văn, nhạc sĩ tầm cỡ hơn ba tôi phải chịu tù đày, khôn khổ cả về tinh thần lẫn vật chất, rất tội nghiệp đến hàng chục năm trời. Ví dụ trường hợp của ông Nguyễn Hữu Đang - trong Kháng chiến chống Pháp, đã tích cực tuyên truyền cho kháng chiến. Là người được Bác chọn làm Trưởng ban Tổ chức dựng lễ đài để tuyên bố Độc lập vào ngày 2 .9.1945 - Là Thứ trưởng Bộ Thanh niên và nhiều chức vụ quan trọng khác...,- Là Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (năm 1947). Trưởng ban Thanh tra Bình dân học vụ. - Biên tập viên tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn VN. Ông là một trong những người đầu tiên dũng cảm phê phán sai lầm về “Cải cách ruộng đất”
Tháng 4/1958, ông bị bắt cùng với nhiều văn nghệ sĩ, trí thức tham gia-phong trào Nhân văn-Giai phẩm. bị coi là kẻ "phản Đảng", "đầu cơ cách mạng". Ngày 21 tháng 1 năm 1960, bị kết án 15 năm tù và bị đưa lên giam giữ tại Hà Giang vì tội "phá hoại chính trị", "làm gián điệp"                     
- Đến năm 1973 ông được ra tù, bị quản thúc tại quê nhà Thái Bình. Suốt thời gian ở tù, bị cách biệt khiến ông lạc lõng với thế giới bên ngoài, không hay biết có cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau Đại hội Đảng VI năm 1986, ông được minh oan, phục hồi danh dự, được coi là "lão thành cách mạng". Năm 1990, được hưởng lương hưu; năm 1993, được cấp căn hộ tại khu nhà B tập thể Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ông mất vào đầu năm 2007. Vì không có vợ, con; thi hài hỏa táng và an táng tại quê Thái Bình. (Nguồn trên goole)  

Thì ra là thế! Thú thật, thời gian đó, tôi ít quan tâm đến chuyện người lớn, không biết ông già nhà tôi cũng có tên trong danh sách NVGP. Thậm chí, vô tình xem bài báo nào nói là Yến Lan tham gia nhóm NVGP, tôi ra sức tìm tác giả, yêu cầu gạch bỏ những chữ đó đi. Bởi tôi sợ nói ba tôi là “phản động”, chẳng phải tôi đã chứng kiến cảnh những người ở cùng căn hộ với cụ Phan Khôi, bảo cụ là người cầm đầu nhóm phản động đã xa lánh cụ rất tội nghiệp đó sao? Tôi không muốn lập lại với người cha của tôi. 
      Hồi đó, người ta lên án dữ dội những người bị liệt vào nhóm NVGP, như Phan Khôi, Lê Đạt, Trần Dần, Thụy An, Văn Cao v.v... Đó là thời kỳ mà người có chút địa vị đã lợi dụng quyền hạn, chức vụ để làm mưa làm gió, thui chột tài năng của nhiều nhà văn, nhà thơ muốn chống lại sự lạc hậu của văn học nước nhà. 

 Trong những năm cực kỳ khốn khó đó, ba tôi vẫn giữ được cái tâm của người cầm bút, không oán hận, chán chường mà vẫn cháy bỏng nhiệt tình cống hiến. Thơ ông càng về già càng thể hiện của một ngòi bút dẻo dai có tìm năng, vị tha, đậm tính nhân văn.. 
   Theo lẽ đời “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, đã về quê, song ông luôn nhớ nghĩa tình của đồng bào Miền Bắc. Nhiều lần ông nhắc để chị em tôi không quên: 
 “Có tập kết ra Bắc mới thấy hết được tấm lòng nhân dân Miền Bắc đối với đồng bào Miền Nam; giữa lúc khó khăn nhất, họ đã nhịn ăn, nhịn mặc, nhường cơm, sẻ áo cho chúng ta ăn no mặc ấm mà không hề so đo tính toán” 

 Hơn 60 năm lao động nghiêm túc, ông được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất và cho đi du lịch sang Đức; cùng đi có nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm v.v… Nhìn thân hình tiều tụy, ốm yếu của cha, tôi sợ ông đi làm vướng bận Đoàn, nhỡ xảy ra rủi ro ở đất khách, quê người, má con tôi ngăn ông đừng đi. Song, ông quyết tâm lắm, bảo cơ hội trăm năm có một, vinh hạnh cả một đời chờ đợi! Tôi nghe theo bạn, mua cho ông một lô xilip, quần bò, để ông qua bên đó bán để có tiền khi về mua quà cho con cháu.
 Sau chuyến đi, tuổi già sức yếu, sức khỏe ông xấu đi. Ông khổ tâm vì tay run; mọi sinh hoạt, viết lách đành đầu hàng. May ông có má tôi tự nguyện làm thư ký không lương, ghi lại những bất chợt ông nghĩ ra.    
  Cuộc sống của ba má tôi và bốn mẹ con cô út khốn khó, nhờ vào đồng lương hưu eo hẹp của hai người cộng lại chỉ có 300.000đ/ tháng và mấy đồng lẻ nhặt được từ việc làm dấm bán. Dù khó khăn, thiếu thốn, ba tôi vẫn giữ được mình, ông không quên dặn vợ: 

DẶN VỢ   
Bà bảy mươi rồi, tôi bảy ba 
Trời còn tặng thọ để xa hoa 
Bấy lâu ky cốp giờ chung giữ 
Giữ chút lương tri để dưỡng già

Với tôi, ngoài tình cha, ông còn là người thầy, người bạn lớn đáng kính, là niềm tự hào của tôi. Mọi lẽ đời ông dạy, tôi ghi vào tâm trí. Đáng tiếc là tôi không truyền đạt được tới con tôi, nó không còn phù hợp với thế hệ hôm nay hay sao ấy!? 
 Tôi càng trân trọng sự dạy giỗ của Người thì tôi càng thất vọng với lũ trẻ con tôi. Tôi muốn truyền lại những gì học được ở cha mẹ tôi, nhưng mới mở miệng “con không nên…” thì bọn trẻ nhà tôi chặn họng bằng phản xạ có điều kiện “má đừng lảm nhảm hoài thứ cổ lổ sỉ đó, vô ích, không ai nghe đâu”. Thật đáng tiếc!!! 
  Mọi hành động của con người đều có cội nguồn. Trẻ được nuôi dưỡng ở môi trường tốt, lớn lên sẽ là người tốt. 
Xưa kia, ba tôi dù rất bận, song ông để tâm đến việc dạy con sống tốt, phân minh yêu ghét rõ ràng, có làm gì cũng phải nghĩ đến hậu qủa. Ông rất tế nhị, ốm yếu nhưng không muốn  phiền vợ con. Bước chân ông ngắn dần, đi lại khó khăn, ông nhấp từng bước, cứng đờ như người máy, ông rất mực thước trong nếp sống: 

GỌN GHẼ 
Vết thương thời trẻ đã liền da
Tập tễnh chân đưa đến tuổi già
May được thói lề bày biện gọn
Khỏi phiền chiếc gậy dẫn vào ra

                                                        Lâm Bích Thủy

READ MORE - KHÔNG THỂ ĐỔI THAY - Hồi ký của Lâm Bích Thủy

NHỮNG DẠNG THƠ VIỆT NAM ĐẶC BIỆT PHẦN III : THƠ NÓI LÁI - La Thụy sưu tầm và biên tập


Sau khi giới thiệu dạng thơ bình thanh, dạng thơ đọc nhiều cách và dạng thơ Việt đệm ngoại ngữ đến quý bạn đọc. Hôm nay, chúng tôi mời quý bạn đọc thưởng thức thêm một dạng thơ Việt Nam đặc biệt nữa, đó là dạng thơ nói lái.

         
                                           La Thụy

                      
NHỮNG DẠNG THƠ VIỆT NAM ĐẶC BIỆT - PHẦN III :
                                  THƠ NÓI LÁI

Những nhà thơ chuyên viết dạng thơ nói lái là nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nhà thơ Bùi Giáng, nhà thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi, nhà thơ Võ Quê.

Đọc thơ HỒ XUÂN HƯƠNG, chúng ta thấy bà nói lái thật dí dỏm:

     Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc,
     Trái gió cho nên phải lộn lèo. 
                          (Kiếp Tu Hành)

     Quán sứ sao mà cảnh vắng teo
     Hỏi thăm Sư cụ đáo nơi neo.
     Chày kình, tiểu để suông không đấm,
     Tràng hạt, vải lần đếm lại đeo. 
                           (Chùa Quán Sứ)

     Đang cơn nắng cực chửa mưa hè,
     Rủ chị em ra tát nước khe. 
                             (Tát nước)

     Thú vui quên cả niềm lo cũ
     Kìa cái diều ai nó lộn lèo. 
                        (Quán Khách)

Nhà thơ trào phúng TÚ MỠ (Hồ Trọng Hiếu, 1900-1976) có bài "Lỡm cô Ngọc Hồ" với hai câu nói lái phong cách Hồ Xuân Hương:

      HỒ tù ngán nỗi con rồng lộn
      NGỌC vết thương tình kẻ cố đeo
      (Nhắn khách Băng Tâm ai đó tá
      Mỹ danh hai chữ, nghĩ buồn teo.)

Nhà thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi (1881 - 1968) là nhà thơ Huế giàu tài năng ông xuất thân nho học, thông thạo chữ Hán, am hiểu tiếng Pháp và chữ quốc ngữ. Ông đã làm những bài thơ nói lái như sau:
     
     Cầu đạo nên chi phải cạo đầu
     Dầu lai dưa muối cũng dài lâu
     Na bường bát tới nương bà vải
     Dầu sãi không tu cũng giải sầu.

     Làng vọng còn hơn cái lọng vàng
     Mang sơ tấm áo, chớ mơ sang
     Nhắn bạn lên non đừng bắn nhạn
     Hang lỗ tìm vào bắt hổ lang

     NHỚ BẠN 
     Nhắc bạn những thương tình nhạn bắc
     Trông đời chỉ thấy cảnh trời đông
     Đêm thâu tiếng dế đâu thêm mãi
     Công khó chờ nhau biết có không 

     ĐÊM ĐI ĐÒ ĐẬP ĐÁ
     Đập cũ đò đưa đủ cặp đời
     Trời cho sức khỏe lắm trò chơi
     Có đôi, khi rảnh lên côi đó
     Cười ngả nghiêng cho mệt cả người
                                             Thảo Am 
           
Hoặc một số bài thơ khác:

    Đời chua, bậu cứ thử đùa chơi
    Chơi ngỗ xong rồi, kiếm chỗ ngơi
    Bến đậu thênh thang, mời bậu đến
    Ngồi đây say tít, ngất ngây đời.

    Mỗi độ xuân sang chả có gì (chỉ có già)
    Giàu sang, keo kiệt để mà chi? (đĩ mà chê?)
    Vui xuân chúc tết cầu gia đạo
    Cạn chén tiêu sầu tiễn người đi.
    Lũ quỷ nay lại về luỹ cũ
    Thầy tu mô Phật cũng thù Tây
                                  Thảo Am 
                                    (1946)

    Trông khống vô phòng thấy trống không
    Chứa chan sầu lệ chán chưa chồng
    Dòng châu lai láng dầu chong đợi
    Bóng nhạn lưng chừng, bạn nhóng trông
    Nhòm ngó đã cùng nơi ngã đó
    Mơ mồng bên cạnh gối mền bông
    Đêm thâu mưa gió đâu thêm mãi,
    Xông lướt đi tìm phải xước lông.

Nhà thơ BÙI GIÁNG, tự gọi mình là Bán Dùi, Bàng Giúi vì ông ưa nói lái. Ông thường dùng những từ như: tồn lưu, lưu tồn, tồn liên, liên tồn, tồn lí tí ngọ, tồn lập tập trung, tồn lập tập họp… trong thơ của ông

      Lọt cồn trận gió đi hoang
      Tồn liên ở lại xin làn dồn ra
                           (Mưa nguồn)

     Cá ở ngoài khe có ít nhiều
     Cồn lau cỏ lách có hoang liêu
     Em về có hỏi răng ri rứa
     Nhắm mắt đưa chân có bận liều.  
                                (Bờ trần gian)

     Quá khứ liên tồn vô ngấn tích
     Sáng tiền minh nguyệt chiếu hoàng mao
     Hai hàng mọc cỏ thu sương ngậm
     Vành vạnh lê hoa chước chước chào… 
      (Sa mạc phát tiết, Quỷ ma đối thoại)

     Không trước tồn lập con mèo,
     Thì trước tập trung con cá 
     Không trước liên tồn cái lá, 
     Thì trước tồn lý lún phún in rêu 
                             (Chấp Trước)

     Có mấy ngón
     Năm ngón
     Mười ngón
     Món người
     Non ngắm
     Nắm ngon
     Hoặc là năm ngón nón ngăm
     Màu đi trên nước cá tăm chuyên cần
     Nón ngăm dặm bóng xoay vần
     Đọng nơi góp tụ và chần chờ đưa.
                          (Trong bàn chân đi)

    Tháng theo ngày dậy rằm xanh nguyệt
    Ba góc càn khôn lộn bốn trời. 
        (Sa mạc phát tiết, Đường cong) 

"Ba góc càn khôn lộn bốn trời" chỉ là ngôn ngữ tượng trưng trong thi ca, nhưng chắc phải quyến rũ lắm, đam mê lắm, nên Bùi Giáng mới ngất ngây giữa thi tứ như rứa…

Nhà thơ Nguyễn Thái Dương cao hứng lên làm một bài thơ lái thật tinh nghịch. 

     Mực ngò, mực ngó, mực ngằn
     Mực, bao nhiêu mực chẳng bằng mực nghi
     Chao ôi bất luận mực gì
     Vẫn thua mực ngút li bì sớm hôm.

Nhà thơ VÕ QUÊ bắt đầu làm một bài thơ nói lái, cảm tác từ trận lụt kinh hoàng năm 1999 ở Huế:

     Trời lụt ca nhi cũng trụt lời
     Trời đong mưa lũ xuống trong đời
     Vái lạy lụt tan lành váy lại
     Đời cho du khách dạo đò chơi.

Bài thơ này được thi hữu truyền tụng ngâm ngợi khi trà dư tửu hậu, tạo đà cho tác giả tiếp tục sự nghiệp "thái lơ" của mình. Ông viết một loạt 50 bài thơ nói lái in trong tập NGƯỢC XUÔI THẾ SỰ, do nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 2011.

      Đầu năm thi tứ nằm đâu?
      Sắc màu nhân thế đượm sầu mắt ai?
      Ngược dòng thế sự láng lai
      Lang thang nhặt lái một vài câu chơi!

Có bài thơ ông nói lái bỡn cợt bông đùa, tung hứng cùng bạn rượu:

      Một chai mai chột, coi chừng!
      Nhị chai nhai chị tưng tưng ngà ngà
      Ba chai là bai nghe cha!
      Bốn chai cẩn thận kẻo mà bái chôn
      Ngũ chai ngai chủ hùng hồn
      Sáu chai sai cháu bếp cồn luộc tôm!

Có khi, bỗng nhiên ông TỰ HỎI:

     Viết câu chi đó?
     Có viết chi đâu!
     Trống rỗng tim, đầu
     Tìm đâu chữ nghĩa...

Rồi bật cười, ông lại TỰ TRÀO:

     Mùa lễ hội thơ hoa lỗi hệ
     Lục bát đành lạc bút từ khuya
     Đợi lâu mới biết đâu có lợi
     Bìa treo đây mai ruột đầy bia?

Những vấn đề thời sự xã hội gieo cho nhà thơ Võ Quê trăn trở:

     Dầu xăng tăng giá dạ giăng sầu
     Đầu tiên trăn trở bạc tiền đâu
     Giật gấu vá vai theo vật giá
     Thâu đêm nhức nhối nghĩ thêm đau!

     ***
     Biến chất điếm đàng đi chiếm đất
     Cánh đồng xoang bởi quán đồng xanh
     Hối mại chức quyền gieo mối hại
     Lanh mưu thoái hóa thật lưu manh!

     ***
     Dân mình hiến đất xây trường
     Quan tham lấn đất trầy xương thầy trò
     Học đường lắm nỗi sầu lo
     Quan tham thì vẫn trùm sò dài lâu.

Ngoài nhà thơ Thảo Am, nhà thơ Bùi Giáng, nhà thơ Võ Quê còn có các nhà thơ Bùi Tiến, Tường Linh, Y Nguyên… cũng sáng tác thơ nói lái.
   
   LOẠN
   Loạn thật đau thương, đời thật loạn
   Đông Tây muôn kiếp vẫn Tây Đông
   Trái ngang ai kẻ phân ngang trái
   Không thấy thanh bình, ai thấy không ?
                                               Bùi Tiến

    LỠ THÌ BÁT PHỐ
    Ngày tối mơ màng một mối tơ
    Mơ chồng nên luống nhũng mong chờ
    Có người phơi phới vui cười ngó
    Riêng tớ êm rơ tiếng khóc hờ
                               Y Nguyên

Có cuộc xướng họa thơ nói lái của các nhà thơ Bùi Tiến, Y Nguyên, Lão Dương, Tùng Linh thật vui nhộn như sau:

    VÒI VĨNH VỢ, VỢ... VỜ VĨNH
    Chồng yêu mà vợ chẳng chiều ông
    Lại tống lầm đi một tấm lòng
    Biết vậy thà ngồi mà viết bậy
    Bế bồng khăng khít cũng bằng không !
                                            Lưỡng Dao

Bùi Tiến trả lời thay Lão Dương (nói lái của Lưỡng Dao) phu nhân:

    CÓ NÊN CHIỀU ÔNG CHỒNG YÊU ?
    Không ông đâu được phải không ông
    Nghe lóng rồi ra cũng rối lòng
    Táo bạo, xưng ông, chà táo bạo
    Chồng khiêu khích vậy, đáng chiều không ?
                                                       Bùi Tiến

Lão Dương phu nhân bổ túc Bùi đại nhân :

    CHỒNG CHÍ CHÓE
    Lòng thòng em quá, chẳng thèm ông
    Long tong lờ lửng sợi tơ lòng
    Lài rài mấy chén xong rầy mãi
    Lốc thốc khinh đời rứa thích không ?
                    Lão Dương đại phu nhân

Đến lượt Nhị phu nhân lên tiếng:

    VỢ VẪN VẤN VƯƠNG
    Chồng ơ thờ mấy cũng chờ ông
    Lêu lỗng tầm đâu được tấm lòng
    Cậy chàng yên vị, ông càng chạy
    Công khó chờ ông biết có không ? * 
                Lão Dương nhị phu nhân
  * Trộm phép đạo thơ cụ Thảo Am

Tam phu nhân cũng cất lời :

    MÈO NÀO CẮN MĨU NÀO
    Chồng ôm thủ thỉ bám chồm ông
    Long đầu hai vị chớ đau lòng
    Tắc tíc gia truyền môn tíc tắc
    Khởi công khe hở khẽ cởi... không !
                         Thay mặt Tam Muội
                                 Tùng Linh

Nhị nương và Tứ nương chỉnh Tam nương :

    LỬA TAM MUỘI – QUẠT BA TIÊU
    Đã bốc ăn rồi lại bắt ông
    Buông lỏng, lừa nhau cướp lửa lòng
    Quạt Ba Tiêu bạt qua Tam Muội
    Lộc bổng kho đầy lại bỏ không !
                  Nhị nương và tứ muội

Bùi Tiến đại nhân nhắn nhủ :

    GỬI CÁC PHU NHÂN BÉ
    Bồng, A! ba bốn cũng Bà Ông
    Lừa lọc đuờng đời, cốt được lòng
    Cát Lũy cố ganh phần Quý Lạt
    Công không yên phận kẻ công không
           Thay mặt Lão Dương phu nhân
                              Bùi Tiến

Quý phu nhân không những xổ nho cùng điển tích mà còn xổ tiếng Tây, tiếng U (Ah Bon – Bồng, A) ra nữa, chắc chắc Lão Dương mệt hung rồi đây! Nhưng, nghe các bà om sòm ỏm tỏi, Lão Dương chẳng những không đòi dưỡng lao mà còn dọa sẽ nổi dóa bốc đồng lên :

    BỊT MỒM BỐN MỤ
    Mọi phòng yên hết ! Chớ phiền ông 
    Cả rống làm ông rối rắm lòng ! 
    Xáo, xào không học, lo xào xáo 
    Ông bốc, khiêng bà nữa, biết không !
                                          Lão Dương

"Hốt văn sư tử Hà Đông hống" như rứa mà Lão Dương còn cương mãnh, trị được bệnh xào xáo của bốn bà, oai phong thiệt! Người sưu tầm THƠ NÓI LÁI này xin bái phục!

Nhà thơ Thái Quốc Mưu cùng thi hữu trong lúc trà dư tửu hậu, cũng vui xướng họa thơ nói lái.

    CẢNH THU
    (Hay bài thơ “lạc vận mà không lạc” )
    Thu đội lá vàng ta đội thu
    Tranh thu rồng lộn giữa mây mù
    Trên cành đổ lá con công ngủ
    Chiếc võng nghiêng đầu dáng mẹ ru
    Góc đá chàng trai ngồi lặt cỏ
    Ven song mấy ả đứng rờ hoa
    Trong thuyền cô gái chôn lời vội
    Chàng trẻ khom lưng bít lỗ lù      
                        Thái Quốc Mưu

   THU ĐẬM SẮC MÀU
   Thu đệm nhạc buồn đậm sắc thu
   Thu ca lời hát đẫm sương mù
   Thu cong mặt lá vàng phiên khúc
   Thu cỡi đài hoa tím điệu ru
   Thu Vũ đại ca tay lắc cọ (1 )
   Thu huynh Thái Quốc trí tìm mưu (2 )
   Thu nhiều cảm xúc hồn lơ láo
   Thu cũ trong ta hiện lú lù                       
        Thiết Bình Nương Tử

   (1) Anh Vũ Hối chỉ với cây cọ long mà viết như vẽ tranh 
   (2) Anh Thái Quốc Mưu

Anh Nguyễn Văn Quang cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị (1967 - 1970), có những câu thơ nói lái vui như sau:

    Bố nghi bí ngô báo đi bí đao,
    Can ông công an đi ông đông y!
    Nhà lợp tồn lo nắng cực!
    Tập thể giục tập thể tập thể dục tập thể
                                 Nguyễn Văn Quang

Chúng tôi giới thiệu thêm một số câu thơ nói lái truyền khẩu của nhiều tác giả khuyết danh khác
                            
     "Chú phỉnh" tôi rồi "chính phủ" ơi,
     "Chiến khu" đong lúa "chú khiên" rồi
     "Thi đua" sao cứ "thua đi" mãi
     "Kháng chiến" lâu rồi "khiến chán" thôi !!!

     ***
     Phấn lau chưa dứt nghe pháo lân 
     Tân niên rót rượu mời Tiên nâng 
     Cô dâu hứa đải ăn dưa hấu 
     Chú rể tinh thần tựa tình thân 
     Có ông phó đảo châm pháo đỏ 
     Chú lính xuân qua muốn xa quân 
     Mang vài chậu kiểng mai vàng rộ 
     Xin tuần nghỉ phép thoả tình xuân 

    ***
    Về thường thăm lại vườn thề 
    Buồn lo trăm mối não nề bò luôn 
    Cuộn cho dùi mập cọ chuông 
    Người giàu sâu hiểm, chớ buồn dầu sao 
    Đau lòng lên tận Đông Lào 
    Thầy tăng ra đón, vẩy chào thằng tây 
    Tây đà vốn biết ta đầy 
    Bầy gà tre gạ đổi ngay ghe trà 
    Chả thằng nào bảo chẳng thà 
    Đổi trao như vậy chắc là đảo trôi 
    Vội ta mắc phải vạ tôi 
    Đành thôi vác chiếu về ngồi đồi thanh 
    Bánh ong* để dưới bóng anh . . . (bánh tổ ong) 
    Ăn rồi chợt nghỉ lanh quanh : Ôi rằng 
    Bắn trong khung vẻ bóng trăng 
    Làng thâm u quá cũng bằng lầm than 
    Ngang vài cung gấm ngai vàng 
    Khổ lòng ngắm thử y chang khổng lồ 
    Cố ra tìm bắt cá rô 
    Kho chi một tộ khi cho họ mừng... 

    *****
    Ban ngày lặt cỏ tối công phu
    Đậu ủ lâu ngày hóa đậu lu
    Ngày ta địa chủ, đêm tu đạo
    Đạo chi lạ rứa: "Đạo ù ù".

    *****
    Thầy giáo tháo giầy, tháo giáo án dán áo
    Nhà trường nhường trà, nhường cả hoa, nhòa cả hương
    Làm giáo chức, phải giứt cháo
    Thảo chương, rồi để được... thưởng chao
    Nhường luôn hết cả nhà xe, nhè luôn hết cả xương
    Nhường luôn miếng đất, nhất luôn cả miếng đường
    Nhường tới tận rau, nhàu luôn tới tận xương
    Nhường tới cái túi, nhúi... tới cái tường
    Lấy lương hưu, để lưu hương

    ***
    Chiều ba mươi, thầy giáo tháo giày ra chợ bán 
    Sáng mùng một, giáo chức dứt cháo đón xuân sang. 

     ****
    Thương em, muôn kiếp còn thương mãi, 
    Em nỡ đem tình anh thảy mương. 
    Đêm ngủ anh nằm thê thảm khóc, 
    Câu thề năm cũ quẳng ra đường...
                                              A Lin.
    *****
    Qua hố lội gặp thằng hối lộ
    Câu đầu tiên nó hỏi tiền đâu?
    Xin chữ ký? anh nghe kỹ chứ?
    Một đấu vàng? Ôi, thật váng đầu!

    *****                                             
    Má đưa con đi trong mưa đá
    Má đặt con lên mặt đá bằng
    Má đi vào xem mi đá bóng
    Má đang mang đá tới lót nền
    Má lột một lá dính vào phên
    Má lấy bên hè đi mấy lá
    Má lòn mòn lá cửa ngoài hiên
    Má cần mần cá để kho liền
    Má cắt con mắt cá đầu tiên
    Má cũng mua đầy hai mủng cá
    Má can con ăn mang cá kình.

    *****
    Con cá đối nằm trên cối đá
    Cô dâu hứa đi mua dưa hấu
    Cô láng giềng tắm bên giếng làng
   Thằng bé mồm to lặn lội mò tôm

    *****
    Gái Củ Chi, chỉ cu hỏi củ chi
    Thầy tu tâm lại rất thù Tây
    Thằng Tây cũng rất ghét thầy tăng
    Bức tranh lộng kiếng đem liệng cống
    Điều kiện đầu tiên là... tiền đâu ?
    Thầy giáo tháo giầy đi chân đất
    Tiền thân mình có phải thần tiên ?
    Kỹ sư giàu vẫn hơn cư sĩ nghèo
    Uống trà Thái Đức đêm thường thức đái
    Sống ở Thủ Đức năm canh thức đủ  
                                 
NÓI LÁI Ở NGÔN NGỮ KHÁC

Cách nói này cũng được nhiều  quốc gia khác sử dụng.

 Thí dụ trong tiếng Anh: "The Lord is a shoving leopard"  (thay vì "The Lord is a loving shepherd") - gọi là Spoonerism.

 Thí dụ trong tiếng Đức: "Auf der Liebesreise // sprach der Leibesriese: // "Reib es, Liese!" // Und sie rieb es leise." - gọi là "Wortdreher" hay "Buchstabend  reher", cách làm thơ có vần như thế gọi là Schüttelreim.

Văn hào VOLTAIRE của Pháp (1694-1778), tên thật là François Marie AROUET, lấy tên thành phố quê hương là Airvault (thuộc vùng Deux Sèvres) nói lái là Vault – Air để có bút danh Voltaire đó mà!

                                             La Thụy sưu tầm và biên tập

READ MORE - NHỮNG DẠNG THƠ VIỆT NAM ĐẶC BIỆT PHẦN III : THƠ NÓI LÁI - La Thụy sưu tầm và biên tập

THẦY ĐÁNH BA ROI - Hồi ký của Andy Nguyen

Kính chia sẻ chuyện buồn vui đời học sinh với Thầy Lê Hữu Thăng. Một Giạ́o sư dạy khác Trường Trung học Thánh Tâm ở Quảng Trị. Nhưng tôi hằng quý mến và kính trọng. 




THẦY ĐÁNH BA ROI 

"Khi Thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi ...
Có hạt bụi nào, rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào rơi trên tóc Thầy..."
Lời bài hát xa đưa, để bao thế hệ học sinh nghĩ về Thầy cô với bao nghĩa tình Tri Ân. Đã đưa tôi về lại Trường Trung Học Thánh Tâm Quảng Trị, thuở còn Trường, còn tên...

Năm học lớp Đệ Ngũ, niên khóa 1968 -1969.
Lớp học của tôi gần bốn chục nam sinh, trong đó có những đứa bạn đã học chung với nhau từ hồi còn ở Trường Tiểu học Maria Trí Bưu như tụi thằng Phồn, thằng Hóa, Thằng Huỳnh, thằng Thường. Giờ gặp lại tụi hắn tại Trường Trung Học Thánh Tâm Quảng Trị, một ngôi trường tư thục do các Thầy dòng Thánh Tâm đảm trách, và đây là một trong những ngôi trường lớn ở Quảng Trị vào thập niên 1970.
Cuộc đời học sinh, không ai lại không có những kỷ niệm vui buồn, những kỷ niệm vẫn mãi theo ta trong hành trang cuộc đời, mỗi khi có dịp nhớ về khung trời thân ái ngày xưa.
Một buổi sáng đang trong giờ học Anh văn của Thầy Ấu Tin.
Cả lớp ngồi im lặng chăm chú lắng nghe Thầy giảng bài. Chợt phía gần cuối lớp, một tiếng vang nhỏ phát ra từ một người bạn trong lớp, âm thanh không lớn, nhưng cũng đủ đi vào tai người nghe. Chắc trước khi đi học, ông thần nầy ăn phải hột mít sượng ? Vì ngồi gần đó, tôi và hai bạn khác phá lên cười. Thầy Ấu Tin ngưng giảng bài, đưa mắt nhìn về cuối lớp, để xem chuyện gì xảy ra ?
Kết cuộc: Tôi, Nguyễn Hợp, nhà ở Cầu lòn La Vang, và Nguyễn Đình Bửu, nhà ở chợ Sãi, quận Triệu Phong (mấy năm sau tôi gặp lại hắn cùng chung khóa ở Trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt ). Cả ba đứa bị Thầy đuổi ra khỏi lớp, vì tội làm mất trật tự, cười nghịch trong giờ Thầy đang giảng bài. Dù Thầy Ấu Tin là một trong những người Thầy vui tính, hiền lành nhất.
Học sinh mà, ăn chưa no, lo chưa tới, dù đây là hình phạt sẽ mất điểm hạnh kiễm tốt, và bị phê trong Học Bạ cuối năm. Nhưng khổ nỗi, không nghịch ngợm, không phải là học sinh.
Cả ba thằng chung hội, chung thuyền rủ nhau qua nhà thờ Thạch Hãn gần đó, ngồi lên những bậc tam cấp bên ngoài Thánh đường, đưa mắt nhìn xe cộ, thiên hạ trên đường Quang Trung, chờ qua đi hai giờ Anh Văn của Thầy Ấu Tin, sẽ trở lại Trường, vào môn học Việt văn kế tiếp.
Ngồi buồn ngó nhau, rảnh rỗi sinh nông nỗi. Tôi bàn với hai bạn sang Trường nữ Phước Môn chơi, dù không có mục đích nào cả. Đây cũng là một ngôi Trường tư thục dành riêng cho các Nữ Sinh , do các Nữ tu dòng Mến Thánh Giá phụ trách. Vì còn đang trong giờ học, nên sân Trường vắng hoe, cả ba thằng bước lang thang trong sân trường, tò mò đưa mắt nhìn vào các lớp học dưới lầu, bên trong thấp thoáng bóng các nữ sinh áo trắng đang ngồi chăm chú học hành.
Chợt một Chị nữ tu, trong áo choàng đen đang từ xa đi lại phía chúng tôi. Tôi nhận ra đó là Chị Vãng. Sau nầy tôi mới biết chị đang là Giám thị của Trường, có lẽ vì trách nhiệm, Chị muốn biết sao giờ nầy trong giờ học, lại có Nam sinh vào Trường Nữ với ý định gì ?
Chị chưa kịp lên tiếng hỏi, thì tôi đã nhanh chân co giò bỏ chạy ra cổng, hai thằng bạn kia chưa hiểu chuyện gì, cũng nối gót vội vã chạy theo.
Cũng cần nhắc lại, tôi có học với Chị Vãng năm lớp Nhất ở Trường Tiểu học Maria Trí Bưu Quảng Trị trước đây, khi chị dạy thay cho Chị Trọn, phụ trách dạy lớp Nhất bị bệnh phải nghỉ một thời gian. Chị Vãng là người rất khó tính, nghiêm khắc, nhiều lần đã phạt tụi tôi quỳ ngay trong lớp vì nghịch ngợm và không thuộc bài. Có lẽ Chị Vãng nhớ rõ tôi : "Học thì dở, giỡn phá thì hay". Và đây cũng là nguyên nhân đưa đến sự suy nghĩ của Chị, khi phát hiện ra tôi là một trong ba đứa vừa bỏ chạy ra cổng vừa rồi.
Đúng là người gian mắc nạn, oan gia từ thời Tiểu Học.
Ba đứa tôi sau đó trở lại khuôn viên nhà thờ Thạch Hãn, và mừng là không đứa nào bị Chị Vãng bắt lại.
Một lúc sau bên ngoài đường. Lần nầy, tôi nhận ra chị Vãng, đang trên đường qua Trường Thánh Tâm, vì hai Trường rất gần nhau một đoạn ngắn và cùng nằm trên đường Quang Trung. Chắc sẽ có chuyện không hay, nhưng không biết như thế nào? Hơn nữa, nghĩ lại, tụi tôi cũng không quậy phá gì khi vào trong Trường Phước Môn nên cũng yên tâm.
Giờ học kế tiếp, là giờ Việt Văn của Thầy Hiền Lân, và Thầy cũng là người phụ trách lớp Đệ Ngũ 1 của chúng tôi. Hồi đó, mỗi lớp đều có Thầy phụ trách để theo sát sự học hành, hạnh kiểm của học sinh trong suốt Niên học. Đây cũng là một ưu điểm nổi bật của Trường thánh Tâm, để phụ huynh học sinh an tâm tin tưởng, khi nhìn thấy thành quả đạt được của con em mình, dù tiền học phí cũng là vấn đề nan giải cho một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn như tôi.
Sau khi cho cả lớp ngồi xuống. Thầy Hiền Lân lặng lẽ bỏ ra ngoài, một lúc sau Thầy trở lại, trên tay cầm theo ba cây roi mây, mỗi cây dài hơn mét. Hình ảnh người Thầy, Cô hồi đó với cây roi trên tay, là một điềm báo chuyện không vui cho học trò. Tôi linh cảm có chuyện xấu sẽ xảy ra, và đưa ánh mắt đầy lo âu nhìn sang hai đứa kia cũng với khuôn mặt đang hồi căng thẳng. Còn các bạn trong lớp, vẫn chưa hiểu chuyện gì ?
Chợt Thầy lên tiếng phá tan bầu không khí yên lặng, mọi con mắt đều hướng về Thầy. Trước tiên, Thầy gọi tôi đứng lên và hỏi : Ai đã đi với tôi sang Trường Phước Môn sáng nay ? Tôi không thể không khai với Thầy là tôi và hai bạn Bữu, Hợp vì bị đuổi ra khỏi lớp học trong giờ Anh Văn của Thầy Ấu Tin, sau đó có sang Trường Phước Môn, nhưng không làm gì cả.
Thầy lặng lẽ lấy phấn ghi tên tôi lên bảng đen, kế tiếp là tên hai đứa kia nằm phía dưới. Sau nầy tôi mới biết, chị Vãng đã qua báo cho Thầy Minh Thiên, đang làm Giám thị Trường Thánh Tâm hồi đó, là tôi và hai bạn khác chị không biết tên, có sang Trường Phước Môn định quậy phá, thấy Chị liền bỏ chạy, và Chị đã cho Thầy biết một cách chính xác, trong đó có tôi.
Do đó, Thầy Minh Thiên và Thầy Hiền Lân phụ trách lớp Đệ Ngũ 1 cùng chung suy nghĩ tôi là kẻ cầm đầu câu chuyện nầy. Đúng là nỗi oan "Thị Mầu" nầy biết tỏ cùng ai ?
Khi nghe Thầy Hiền Lân luận tội 3 đứa trước lớp học, và tuyên bố sẽ đánh hai bạn Bữu và Hợp, mỗi đứa năm roi, vì tội cười đùa giỡn làm mất trật tự trong lớp học Anh Văn sáng nay, và tội sang Trường Phước Môn quậy phá. Còn tôi, Thầy chưa đá động gì tới, nhưng theo danh sách Thầy ghi lên bảng vừa rồi với tên tôi đầu tiên, chắc tôi sẽ bị số roi Thầy đánh gấp đôi, tôi nghĩ nhanh trong đầu như vậy. Nhưng sao Thầy lại cần có ba cái roi mây, đặt ngay ngắn trên bàn Thầy ? Một bí ẩn mà tôi chưa nhận ra.
Thầy ra lệnh cho 3 đứa ngồi đầu bàn dời ra phía sau, để dành bàn trống cho Hợp và Bữu lần lượt lên bàn nằm cho Thầy đánh. Thấy tụi nó quằn quại dưới năm roi của Thầy vụt xuống, tôi đã tái mặt. Răng mà xui rứa ? Nguyên nhân xa từ một thằng chột dạ, kéo theo mấy thằng khác phải chịu đòn đau.
Sau khi Thầy đánh hai đứa xong.
Thầy đưa mắt nhìn xuống tôi, mặt Thầy đanh lại, biểu lộ thái độ hết sức giận dữ. Thầy chậm rãi tuyên bố một câu xanh rờn, mãi bây giờ, 44 năm sau tôi và có lẽ các bạn khác như Phồn (Việt Nam), Thọ, Dũng ( USA ) còn nhớ.
- Trò An ! Tôi sẽ đánh không chỉ năm roi, mà đánh cho đến khi không còn ba cây roi mây nầy nữa.
Trời ơi ! Lỗ tai tôi có nghe lộn lời Thầy Hiền Lân vừa nói không ? Tôi thật sự sững sờ với "mức án" Thầy vừa ra. Tôi nhìn thẳng vào mặt Thầy, giọng van lơn :
- Dạ thưa Thầy, tụi em có qua đó chơi, nhưng không làm gì cả ?
Thầy Hiền Lân không trả lời, chỉ tuyên bố ngắn gọn :
- Lên bàn nằm ! Tôi không muốn nghe trò nói gì nữa cả.
Tôi líu ríu, sợ hãi leo lên bàn nằm.
Thầy Hiền Lân bắt đầu vụt xuống người tôi, những roi đầu tiên lên phần đất mềm mại, nơi trời cho tôi có cái để ngồi, tôi nghiêng bên nầy, rồi bên kia, và ước chi quần tôi đang mặc, vải dày thêm một chút, hy vọng sẽ đỡ đau hơn. Đôi lúc quá đau, tôi định vùng lên bỏ chạy ra khỏi lớp, rồi sau đó ra sao thì ra, nhưng cuối cùng như một ma lực bắt tôi phải nằm lại trên chiếc bàn dài chịu trận.
Thầy đánh tôi lần lượt roi nầy tua ra không còn dùng được, Thầy vói tay lấy cây roi khác, tiếng la vì đau đớn của tôi vang lên trong lớp học, có lẽ cũng vang xa đến các lớp khác kế cận, cũng không động lòng từ bi trắc ẩn của Thầy. Tôi lạy lục xin Thầy tha với những lời hứa hẹn xin chừa, nhưng Thầy vẫn tiếp tục. Tiếng roi của Thầy vút đi trong không khí, âm thanh nghe rợn người, nước mắt tôi ràn rụa trong nỗi đau thân xác, vì roi nầy vừa hằn lên da thịt, cái roi khác lại chồng lên lằn roi trước, cứ thế lập lại tê tái…
Càng về sau, những cái vụt xuống của Thầy cũng giảm đi cường độ, so với những phút ban đầu, có lẽ Thầy cũng đã thấm mệt, mặt Thầy lấm tấm mồ hôi, nhưng tay Thầy vẫn tiếp tục vung lên, hạ xuống, cho tới khi tả tơi cây roi mây còn lại cuối cùng…Trước bao con mắt của các bạn cùng lớp.
Còn tôi, đã chết lịm đi trong cái cảm giác quá đớn đau, có lẽ đây là trận đòn lớn nhất mà tôi gánh chịu và không bao giờ quên trong đời học sinh.
Sau trận đòn đó, tôi không còn xử dụng phần mông để ngồi một thời gian lâu dài. Hồi đó không có thuốc, ngoài thuốc đỏ, và Mẹ tôi có lẽ cũng phải dùng hơn một gánh muối để xát hằng ngày cho đứa con, với bài ca con cá : " Ai vẽ, không chịu lo học mà nghịch phá làm chi... Cho trừa ! "
Cho trừa. Nhưng trừa cái tội chi để ăn ba cây roi mây, thì tôi hoàn toàn không nhận ra. Có chăng cái tội thấy Chị Vãng bỏ chạy. " Tẩu vi thượng sách" mà nặng như rứa sao ?
Năm 1971.
Ba năm sau. Trong một lần về phép thăm gia đình Mẹ tôi ở Quảng Trị, tôi có dịp trở lại thăm ngôi trường Trung Học Thánh Tâm, nhằm ngày Trường đang khai giảng năm học mới, và hình như đây cũng là lần đầu tiên, trường Thánh Tâm thâu nhận Nữ sinh.
Tôi tìm lại thăm quý Thầy ngày xưa dạy dỗ.
Đang đứng trò chuyện với Thầy Lễ Khoa, một người Thầy dạy cũ, bên ngoài hành lang, trên dãy lầu phía sau của Trường Thánh Tâm. Nhìn xuống bên dưới, các học sinh Nam, Nữ đang xôn xao, vui vẻ chuẩn bị sắp hàng theo lớp, mở đầu cho năm học mới diễn ra trên sân bóng rổ bên trong Trường, quen thuộc ngày nào.
Tình cờ, tôi nhận ra Thầy Hiền Lân, vẫn trong bộ áo dòng đen, với mái tóc chải ngược về phía sau như ngày nào, Thầy đang đi lại phía tôi. Tôi nhìn Thầy và gật đầu lên tiếng chào, và Thầy rất vui khi nhận ra tôi, đứa học trò của Thầy giờ đây đã chững chạc trong bộ quân phục của người lính nhỏ Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu.
Thầy ân cần lên tiếng hỏi :
- An có còn giận Thầy không ?
Câu hỏi của Thầy, bao hàm bao ý nghĩa, chứa chan tình nghĩa Thầy, Trò, khiến tôi lặng đi trong vô vàn cảm xúc... Làm sao tôi có thể giận hờn, khi tuổi học trò đã bị xếp hạng thứ ba sau Quỷ và Ma ?
Và tôi đã nhận ra rằng. Không có một người Thầy nào lại không muốn học trò của mình nên người. Những hình phạt tuy có khắt khe theo một lối Giáo dục còn vương tư tưởng "Quân, Sư, Phụ" trong xã hội đương thời. Nhưng cứu cánh của những người Thầy, Cô là mong muốn học trò sẽ nên người hữu dụng cho mai sau.
Tôi chợt nghĩ trong niềm tri ân : Nếu không có những người Thầy, Cô ngày xưa đó đã trang bị cho mình kiến thức vào đời ?
Giờ đây đang sống lưu lạc ở xứ người, nghe tin Thầy Hiền Lân cũng đang ở một nước Canada láng giềng bên cạnh. Tôi ao ước có một lần nào đó được gặp lại Thầy, để được hỏi thăm sức khỏe và cũng nói lên sự nhớ ơn.
Với riêng Thầy Hiền Lân ! 
Mỗi khi nghĩ đến Trường Thánh Tâm Quảng Trị, với những tháng ngày Thầy đã miệt mài dạy dỗ học trò bên bụi phấn, bảng đen. Không biết có lần nào, Thầy nhớ lại đứa học trò, đã bị thầy đánh tan nát Ba cây roi mây không ?
Tôi chạnh nhớ đến những câu thơ, trong bài thơ Quê hương, thật dễ thương của Thi sĩ Giang Nam :
Những ngày trốn học 
Đuổi bướm cầu ao 
Mẹ bắt được…
Chưa đánh roi nào đã khóc.
Còn tôi ! Ba cây roi mây của Thầy Hiền Lân đã hằn lên da thịt học trò như một kỷ niệm. Liệu nhà Thơ Giang Nam có cho phép tôi được đổi lại lời thơ của Ông, cho một chút niềm riêng tuổi học trò của tôi không ?
Một lần bị đuổi học 
Sang quậy phá Trường bên 
Thầy biết được…
Đã đánh roi nào , cũng đau.

                                                          Rockford , Illinois USA 
                                                                    An Nguyen

Một thời gian sau.
Khi tôi viết về kỷ niệm của một thời ở Trường Trung Học THÁNH TÂM Quảng Trị.
Qua bạn bè, tôi được biết Thầy Hiền Lân dạy Việt Văn năm Đệ Ngũ của tôi không còn nữa. Thầy đã khởi về với cội nguồn từ xứ lạnh tình nồng Canada.
Vậy là tôi không còn có cơ hội gặp lại Thầy Tuy là hai đất nước ở xứ người. Nhưng có thể chỉ cần 13 giờ lái xe, là tôi có thể gặp lại Thầy. Có bao điều muốn nói giữa Thầy, trò. Nhất là lời Tri Ân .
Thầy ơi !
Ngày xưa em đã khóc, quằn quại trong đau đớn dưới Ba cây roi Thầy dạy dỗ. Có lẽ, đây là trận đòn có một không hai đời học sinh. 
Hôm nay... Nhớ về Thầy, dù không có ai đánh roi nào. Nhưng nước mắt đứa học trò nghịch ngợm của Thầy ngày xưa cứ như chực trào ra.
Làm sao để có cơ hội nói cho Thầy nghe một lời Chúc của đứa học trò trong ngày Nhà Giáo ?
Giờ đây, em chỉ biết: Cầu xin Thiên Chúa đón bước chân Thầy.

                                                                                       An Nguyen

READ MORE - THẦY ĐÁNH BA ROI - Hồi ký của Andy Nguyen