Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, October 1, 2011

PHẠM XUÂN HÙNG - NGÔI NHÀ DƯỚI LÙM DƯỚI DẠI


Buổi chiều.

Từ bến xe thị trấn đi bộ đến hết con đường cái quan vừa đúng 1 tiếng đồng hồ. Chỗ ngã rẽ bắt đầu con đường mòn này về làng cũng mất gần 2 tiếng có khi hơn.

Phía tây thị trấn là những quả đồi bát úp dày đặc sim mua. Con đường mòn nhỏ len lỏi, bé như sợi chỉ găm đầy cỏ may và gai xấu hổ. Hoàng cố nhận ra hướng của ngôi làng mà anh đã sống hết thời thơ ấu nhưng không tài nào nhận ra. Ngày bé, cũng trên lối mòn này Hoàng cùng lũ chăn trâu chơi trò giặc giã, lấy ống tre nhỏ làm súng bắn đùng đoàng. Những viên đạn làm bằng hạt trơng thơm cay vị tiêu rừng như vẫn còn trong ký ức…

Học hết cấp II, Hoàng gần như từ giã miền thơ ấu. Thị trấn nơi Hoàng trọ học không có sim mua, luôn réo rắt tiếng nhạc bôlêrô buồn thảm, những cô gái mắt xanh mỏ đỏ bên ly cà phê đá đập nước đọng thành vũng trên bàn. Ba năm cấp III thi thoảng Hoàng cũng trở về, mỗi dịp như thế ngôi làng dường như thu nhỏ lại, gây cho Hoàng cảm giác một ngày nào đó sẽ biến mất khỏi thế gian mà không để lại một dấu vết. Rồi cổng trường đại học mở ra nuốt chững gã nhà quê sim mua thuở nào. Hoàng tốt nghiệp, trở thành công chức, lấy vợ sinh con, lương cơ quan nhà tập thể và nghiễm nhiên trở thành thị dân, thứ thị dân đời ép một. Cũng đôi lần nhớ quê, muốn về thăm làng nhưng rồi Hoàng cứ ngại ngần. Cha mẹ khuất bóng lúc Hoàng còn học cấp III, bà con xa thì đã quên bẵng Hoàng từ lâu. Duy còn Nguyệt đôi lúc làm tim Hoàng quặn thắt. Người chị họ nhưng cùng tuổi, xinh đẹp dịu dàng, người đã từng cho Hoàng thử cảm giác thế nào là đôi môi  thiếu nữ. Hoàng đá vào búi cỏ lòa xòa cạnh lối mòn, nhớ lại một đêm trăng xa lắc. “Sau này lớn lên, Hoàng mần chi?” “Tôi đi làm Nhà nước, ở ri cực quá”. “Ừ, Hoàng học giỏi, gắng mà bon chen” “Còn chị?...” Vừa thốt lên Hoàng đã biết mình lỡ lời. “Tui thì mần chi, con gái con lứa, nhỏ thì giữ trâu cắt cỏ, lớn thì lấy chồng đẻ con…” Nguyệt cúi xuống bứt một cọng xấu hổ có chùm hoa tim tím, bé xíu. Mắt lá từ từ khép lại, gió thổi qua triền đồi những tiếng u u, u u. “Ước chi tui lấy được một người như Hoàng…” Tiếng Nguyệt nhỏ dần, Hoàng nghe như tan lẫn vào tiếng gió và sau đó không còn nhận ra tiếng khóc hay tiếng côn trùng. Những giọt ấm nóng thấm dần qua vai áo…

Chợt ân hận vì từ lúc xuống xe không kịp hỏi ai đường về làng. Mà hỏi để làm gì bởi Hoàng muốn đôi chân anh lần theo lối cũ, con đường vòng từ xóm Củi sang xóm Bàu nơi ngày xưa anh vẫn thường ví bò về chuồng mỗi buổi chiều. Ngày ấy dù đã 13, 14 tuổi Hoàng vẫn còn là thằng nhóc tóc khét lẹt vì cháy nắng, đôi cẳng chân chằng chịt những vết cào móc của gai mâm xôi, mãng lồ. Vậy mà thằng nhỏ tóc cháy nắng ấy lúc nào ngủ cũng nằm mơ thấy Nguyệt. Nguyệt cầm liềm bứt tranh giữa đồi nắng, má chín lựng màu sim vừa trở bói, Nguyệt bơi giữa sông vú chũm cau đùa với sóng nước… Bao nhiêu là hình ảnh mà khi thức dậy thật lâu Hoàng vẫn còn ngơ ngẩn. Lại nhớ có lần hai người chọc nhau. “Đáng ra Hoàng phải gọi Nguyệt bằng chị”. “Thèm đó, chị chi bằng tuổi người ta, mà này, tui nghe nói bà con xa thì cũng như người dưng, cũng… được mà, thiệt mà”. Hoàng nói như khóc. “Mai mốt về thị trấn học, làm ông này bà nọ, nhớ chi ai hè”. “Thôi, biết răng mà nói, chừ thì thương đã”. Con đường bỗng dưng hẹp lại, chân Hoàng đá phải một bãi phân trâu đã khô, ít bụi phân bay lên ngay trước mũi giày rồi lập tức tan lẫn vào đám cỏ rối. Trời đất, vậy mà bao nhiêu năm rồi Hoàng không nhớ nổi, thời gian thì tính được nhưng có những điều như gai nhọn đâm vào tay thành chai, khi nào đụng đến là đau, biết chi ngày tháng.

Hoàng chợt sững người. Từ trên đỉnh đồi nhìn xuống làng thấy rõ một sợi khói mỏng manh bay lên trong buổi chiều chạng vạng. Cây cối um tùm nhưng Hoàng vẫn nhận ra hình như chỉ có một nóc nhà thì phải. Làng xưa ít nhà, dân tứ xứ đi kinh tế mới thì bạ đâu đó là làng. Nhưng chí ít cũng có gần hai chục gia đình sao giờ bỗng quá hiu quạnh.Chân Hoàng bỗng bước nhanh gấp gáp.

“Hoàng mô hè, răng tui không nhớ”. Người đàn ông gầy guộc, da tái xanh như người sốt rét kinh niên nhắc đi nhắc lại. Hoàng cũng không nhớ nổi người đứng trước mặt anh là ai. “Tui là Chiến, Chiến con ông Nậu thợ cội đó”. Hoàng kinh ngạc, tưởng chừng đất sụt dưới chân. Trí nhớ vận hành như tia chớp của anh nhớ lại một điều khủng khiếp. “Lâu quá tôi quên…tôi quên mất rồi. Nhưng mà, tôi nhớ hình như Chiến con bác Nậu cùng tuổi với tôi là cái anh đi rà sắt gặp hầm lựu đạn nổ, chết banh xác”. “Rứa là chú nhớ lộn rồi, đó là thằng Tranh em tui”. Hoàng chớp chớp mắt, quả thật người đàn ông này lớn hơn anh nhiều tuổi, có thể đó là Chiến. Còn cái người cùng tuổi với anh, chết vì lựu đạn có thể là Tranh mà lâu rồi anh không nhớ ra nổi. “Thôi được, chi thì chi, chú cứ tắm rửa rồi nghỉ ngơi, nói chuyện sau”.

Căn nhà nhỏ, tối tăm. Buổi chiều sắp tắt nắng khiến căn nhà chỉ còn vài vệt sáng mờ ảo. Rửa mặt xong, đầu óc tỉnh táo Hoàng mới nhận ra một bầy con nít đều săm sắp, mũi dãi lòng thòng đang láo liêng nhìn anh. Giống như bầy chuột con, Hoàng nghĩ thầm. Bầy chuột xao động khi anh lấy ra đùm bánh lọc gói lá chuối mua lúc vừa xuống bến xe thị trấn. Vài cái chớp mắt bầy chuột biến đâu mất, để lại trên nền nhà ẩm thấp những mảnh lá vương vãi.

Hoàng nhai trệu trạo miếng cơm độn sắn. Bao nhiêu năm rồi mà người dân ở đây vẫn còn ăn thứ cơm ngày xưa anh cố lèn chặt dạ vào mỗi buổi sáng chân thấp chân cao đến trường. Chai rượu trắng nút vỏ mỳ tôm cuộn xoắn vơi dần. Hai người ngồi đối diện, chiếc đèn dầu hỏa tỏa ra thứ ánh sáng mờ đục, gió tạt khiến hai chiếc bóng sấp ngửa, chực bổ vào nhau.

Trong lặng im là chính, đôi lúc Hoàng hỏi giọng nhát gừng như người mơ ngủ.  Người đàn ông hầu chuyện Hoàng trả lời lại bằng thứ giọng đặc sệt thổ âm, ngắt quãng, nhiều chỗ yếu ớt đến nỗi Hoàng tự hỏi, không biết anh ta còn ngồi đó hay không. Chắp nhặt câu chuyện không đầu không cuối Hoàng hình dung những biến cố xảy ra với ngôi làng bé nhỏ ngày xưa của tuổi thơ anh.

Những năm khi Hoàng còn là sinh viên, làng rộ lên nghề đào bới phế liệu. Cái nghề bạc bẽo và sinh tử này đã cướp đi không biết bao nhiêu mạng người. Nhà mụ Cả Điền, thằng con cưa trái 105 ly nổ tan tành, xương cốt cả nhà lượm lại chưa đầy một nồi đất. Nhà ông Hợi Tàng (có đứa con tàng tàng), cả nhà chết vì tháo bom lân tinh, xương thịt vãi ra người ta phải dùng đũa để gắp, gắp rồi bỏ vào thau nhôm vẫn còn cháy khét lẹt. Nhà này, nhà kia… Hoàng cảm thấy tức ngực. “Sao không kiếm nghề khác mà làm?” “Nghề chi? Chú thấy xung quanh làng 3 mặt rừng rú, một mặt là sông. Đi cội thì kiểm lâm bắt, sông thì không có cá tôm. Ruộng đất canh tác được nhỏ như lỗ mũi, có làm cũng không đủ ăn..”.

“Vậy làng chỉ còn mỗi nhà anh ở đây thôi à?”. Ngọn đèn hao dầu, bấc cứ lụi dần. Im lặng tưởng như vô tận. “Thì còn ai nữa. Cả làng chưa đến 20 nóc nhà.  Có mấy hộ dắt díu nhau vô miền Nam, Tây Nguyên chi đó tui không biết, còn lại rồi cũng bỏ đi, người thì qua Lào làm thợ nề, kẻ thì lang bạt dọc các bãi vàng. Theo nhau đi hết, còn lại mình tui”. Hoàng bất giác nghĩ tới bầy chuột con. “Chừ có mình tui với bầy con, ngày hai buổi vô rú chặt củi. Khi nào đủ chuyến xe thì gánh ra đường lộ, lái buôn từ thị trấn lên chở. Họ đem mắm muối, gạo cơm lên, có chút tiền thì dành để may áo quần”

Có tiếng sương rơi trên tàu lá chuối và tiếng gió u u len qua khe cửa. Trời tối sẫm, không cả một vì sao nhỏ. Thứ rượu cất bằng sắn tươi pha quá nhiều cồn đã đánh gục Hoàng. Tựa lưng vào chiếc cột ám khói, Hoàng như đi vào một thế giới khác, như là cõi nào ở âm ty, địa ngục. Tiếng người đàn ông ngắt quãng, đều đều. Theo lời kể, Hoàng lúc lúc giật mình, lúc lại muốn hét lên, chồm tới tát vào mặt người đàn ông để nói rằng đó là câu chuyện láo lếu. Nhưng Hoàng say quá hoặc yếu quá, tấm thân mềm nhũn, bất động. Hoàng không thể tin được, rằng trong câu chuyện Nguyệt đã từng là vợ anh ta, là mẹ của bầy chuột con đang chui rúc mê mệt đâu đó trong ngôi nhà ẩm thấp này. “Nguyệt không muốn đi đâu cả, muốn ở đây suốt đời. Cô ấy với tui có 5 mặt con, bầy con nít chú thấy lúc chiều” Tiếng khóc ti tỉ nghe như tiếng mọt trên xà nhà. “Cô ấy mới bỏ tui đây. Năm ngoái Nguyệt đi đốt than, xui quá, bếp nằm ngay trên ổ bom bi. Rứa là cả người không còn chỗ mô nguyên vẹn…” Tiếng khóc ti tỉ bỗng vỡ ra nhưng không át được tiếng gió về khuya đang rít lên từng hồi. Đầu óc Hoàng trở nên mụ mị. Hoàng nhìn thấy Nguyệt đang đứng ngay trước mặt, thân mình không một mảnh áo, máu bết lại từng mảng. Chỉ có đôi mắt, đôi mắt trong sáng, quá đỗi buồn. Nguyệt nhìn anh như van lơn, day dứt điều gì. “Nguyệt đợi Hoàng lâu quá, đợi suốt cuộc đời rồi Hoàng nghe. Chỉ tại Nguyệt khổ quá, không bước chân ra được khỏi làng, để đi với Hoàng. Mà làng cũng còn đâu nữa Hoàng ơi…” Vừa nói, thân hình tơi tả của Nguyệt cứ chập chờn rồi mất hút dần. Hoàng nghe thấy tiếng hét của mình rồi sau đó chỉ toàn là bóng tối.

Những giọt sương buổi sớm khiến Hoàng tỉnh giấc lúc mờ sáng. Im lặng tuyệt đối. Hoàng nghe như có tiếng chân người rất khẽ đâu đó nhưng nhìn quanh chẳng thấy ai. Ngôi nhà ẩm thấp đêm qua đã biến mất, mình Hoàng nằm lọt giữa lùm dưới dại, bốn phía mọc đầy cây xấu hổ. Cố trấn tĩnh nỗi sợ hãi, Hoàng vạch lùm cây bước ra. Xung quanh chỗ Hoàng đứng chẳng có dấu vết gì của ngôi làng tuổi thơ, cả ngôi nhà đêm qua, cả người đàn ông tên Chiến cùng lũ trẻ. Đột nhiên Hoàng rùng mình, trên tay anh đang nắm chặt không biết tự bao giờ, là một lọn tóc dài, xanh mướt. Và trước mặt Hoàng, trên lùm dưới dại, một bầy chuột con đang vắt vẻo,chúng nhìn anh trân trối…

Mất hơn 3 giờ đồng hồ, Hoàng mới về đến bến xe thị trấn. Trước khi trở lại thành phố, Hoàng dò hỏi mãi mà chẳng ai hay biết gì về ngôi làng nằm ở phía tây thị trấn. Có người nói không chắc chắn rằng, cách đây vài năm ở đó chỉ có ngôi nhà của đôi vợ chồng trẻ và đàn con. Rồi sau đó, trong một lần lên rừng đốt than, bom bi đã nổ tung giết chết cả gia đình họ…

Đà Nẵng 17.6.2006


 Phạm Xuân Hùng


Nguồn: vanchuongviet.org

READ MORE - PHẠM XUÂN HÙNG - NGÔI NHÀ DƯỚI LÙM DƯỚI DẠI

ĐÌNH THU - MÙI THIẾU VẮNG


                                 


Sự va đập rất tình cờ
Vỡ nguyên cả miền hạnh phúc
Quay  ngược hướng những con tàu
Ta đi về phía không nhau

Sẽ trần trụi mùi thiếu vắng
Sẽ cô đơn cuối con đường
Những chấm nhỏ giữa cuộc đời
Hiện ra bên bờ vực thẳm

Hư ảo … chỉ là hư ảo
Nấp sau khoảnh khắc tư duy
Giấc mơ luôn là không thể
Níu lưng gọi nhau quay về

Mọi chuyện trên đời có thể
Nhớ quên là lẽ thường thôi
Biết đâu mình gặp bất chợt
Qua rồi… ngoảnh lại nhìn nhau

Coi như ban đầu trở lại
Ta chưa gặp nhau trên đời
Giả sử vô tình va đập
Nghe mùi xưa lại nhớ nhau


Đ.T
READ MORE - ĐÌNH THU - MÙI THIẾU VẮNG