Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, April 16, 2017

LINH MỤC, NGÀI LÀ AI? - Thơ Xuân Ly Băng


      


Từ xa xưa đến mãi về sau, thiên hạ vẫn không ngừng đặt ra câu hỏi đó. 
Linh mục, ngài là ai? 
Có những lúc người ta thượng tôn ngài như là sứ giả Đức Chúa Trời, là cha phần linh hồn. Vì ngài là Người của Thiên Chúa, là người quản lý và ban phát các mầu nhiệm Nước Trời.
Nhưng cũng đã có thời người ta hốt hàng trăm, hàng ngàn Linh mục dốc xuống sông, biển hoặc đưa lên máy chém.
Thời gian bách hại, người ta săn đuổi Linh mục như săn đuổi dã thú trong rừng sâu. 

LINH MỤC, NGÀI LÀ AI?
(Lắm lúc lẩn thẩn Linh mục cũng chẳng hiểu nổi chính mình) 

Linh mục, ngài là ai? 
Mở được Cửa Trời. 
Và khoá được Cửa Ngục. 
Khiến Thiên Thần Chúa reo mừng. 
Và Quỉ ma khóc lóc. 

Linh mục, ngài là ai? 
Mở được mắt cho người mù. 
Để họ thấy ánh Mặt Trời. 
Mở được tai cho người điếc. 
Để họ nghe Lời hằng sống. 
Ban bánh Trường Sinh cho người lữ thứ.

Linh mục, ngài là ai? 
Mà Giáo hội không thể thiếu vắng ngài? 
Để muối đời cho mặn lại. 
Để giải sáng cho thế giới khỏi tối tăm. 
Để gặt hái về bao nhiêu lúa đồng đang rục chín. 
Để kéo dài Ơn Cứu Độ của Chúa trong thời gian. 

Linh mục, ngài là ai? 
Ngài chỉ là một người tầm thường như mọi người tầm thường khác. 
Cũng yếu đuối mỏng dòn, và bất tất. 
Có lúc ngài nằm bên lòng Chúa trong bữa Tiệc ly. 
Và có lúc ngài hèn nhát trong sân Thượng Tế. 
Có lúc ngài hào phóng như Maria rửa chân Chúa. 
Và có lúc ngài nói như tên phản bội. “các ông cho tôi bao nhiêu…”

Ôi Linh mục, ngài là ai? 
Câu trả lời nằm gọn trong Trái Tim Chúa. 
Xin Chúa thứ tha, gìn giữ và thánh hóa Linh mục mọi nơi và mọi thời 

                                                         GB. Xuân Ly Băng
                                                              02.08.2010

READ MORE - LINH MỤC, NGÀI LÀ AI? - Thơ Xuân Ly Băng

CHÙM THƠ HUY UYÊN





1- Lên Trung-Phước

Núi xa bạt ngàn chân trời
Đèo Le cuối mùa lặng gió
Đỏ phù-sa xuôi biển khơi
Cầm tay em ngang phố chợ .

Ai đi nhớ hoài Trung-Phước
Ngược dòng đò vẳng giọng hò
Môi cười em dồn chân bước
Dằng dằng ở lại hay đi ? 

Đưa người đầu truông Nông-Sơn
Đường làng uốn quanh bóng mát
Bóng ai thấp thoáng trong vườn
Một-đời-trầm-hương lưu lạc !

Vách núi cùng hoàng-hôn tím
Vắng lặng trong tôi bóng chiều
Ngày em tiễn tôi đầu bến
Hòn Ngang trông về xót xa !

Bên nhà Thủ Đản,Cửu Liêu
Gò Lu chăn dê Bùi-Giáng
Thơ tình"Gái lội qua khe"
Theo em chợ chiều chợ sáng .

Bên sông bao đời phố cũ
Hai ta dặn lòng bến Tranh
Nghe chuông đổ hồi giáo-xứ
Trung-Phước,Nông-Sơn chiều buồn .

Tình em mây ngũ trời sương !!!


2- Ở bến đò Trà-Linh

Sông vắt Thu-Bồn êm nước chảy
Nối nhịp đò em bờ Trà-Linh
Ai lên phố núi tình tôi gởi
Hiệp-Đức trao chi một mối tình .

Hỏi em đợi người đầu thác Lim
Đò từ miền xuôi lên miền ngược
Thương ai cuối hòn-Kẽm-đá-Dừng
Cây trái nhà em mùa tươi tốt .

"Cá chuồn gởi lên mít non gởi xuống"
Có gởi tình em với con tim
Nhớ ngày đưa anh ra mặt trận
Mắt quạnh buồn mà tim rưng rưng .

Em buộc tóc xanh bến Trà-Linh
Môi hôn xa gởi người cùng gió
Mênh mông đò lặng đổ trên sông
Thu-Bồn rừng chiều nghe ai hát .

Mưa cho xanh thêm dòng nổi nhớ
Mây bay qua trắng xóa vườn đồi
Hầm hào nhà em từ thời lửa đạn
Thời gian như nước chảy dòng trôi !

Trà-Linh ở lại đậm tình người
Bao năm xuân không còn bóng giặc
Mai về em có nhớ đến tôi
Lần về Trà-Linh sao lòng muốn khóc .


3- Trở lại Đại-Bường

Bên sông Đại-Bường sum (suê) trái
Cuối năm trở lại Đại-Bường
Thuyền người xa quê từ độ
Hai mùa mưa nắng Nông-Sơn .

Sầu riêng,măng cụt,chè tàu
Ngát xanh vườn ai ngút mắt
Núi Cấm xa phía đồi cao
Chiều em ra sông tắm mát .

Thu-Bồn dòng trong ngọc-bích
Tranh thêu non nước Đại-Bường
Hàng tre làng bao đời uốn
Mây ngang dải lụa vờn quanh .

Tết em về vui lắm không ?
Gánh hát phó Hường(nhịp chèo)tuồng cổ
Mía em đốt ngọt chữ đường
Dâu em sức tằm mấy thuở !

Vườn xanh um ông bảy Tín
Ngó lên hòn Kẽm đá Dừng
Lồ-Ô thắm lòng mát giếng
Thương cha thương mẹ
nhớ người dưng !

Bên em cây trái Đại-Bường
Cùng nhau vui ngày đám cưới
Bốn mùa ngát xanh tình em .
Quê-hương mây trôi gió thổi .
(Ơi anh nghe lời em nói !)

                    Huy Uyên
                     1-4-17

READ MORE - CHÙM THƠ HUY UYÊN

NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG CƠN MÊ CHIỀU - Thơ Nguyễn An Bình





NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG CƠN MÊ CHIỀU

Người đàn bà
Ngồi lặng im trong căn nhà màu tím
Ngăn nắp đến từng ngóc ngách
Lọ hoa hồng trên bàn vừa được thay mới
không gian xung quanh yên ả
Sự sống tồn tại một cách mơ hồ
Nắng vàng rộm ngoài sân
Len lỏi qua từng kẻ lá
Phả nổi nhớ một cách nhẹ nhàng
Lên từng trang thơ viết dở
Gương mặt hiếm hoi nụ cười.

Người đàn bà
Ngồi đợi thời gian đi qua mái tóc
Ông phu vườn vừa tô xong hàng gạch cuối
Nơi trồng xuống hàng cây to vừa vạt ngọn
Mưa thoáng bay trong ánh mắt nâu buồn
Mắt tìm cánh chim xa khuất
Trong cơn mê chiều
Hạnh phúc nào đợi chờ ai
Khi bao kẻ giật giành từng cen ti mét
Khoét sâu vết thương vào tim người khác
Một cách hả hê.

Người đàn bà
Sẽ còn ngồi khi hàng cây đã lên xanh
Bóng mát trùm lên khu vườn bé nhỏ
Chim chóc lại tìm về
Kết tình xây tổ
 Râm ran tiếng hót đầu ngày
Người đàn bà mơ màng bên cửa sổ
Chờ một người
Có lẽ không bao giờ về nữa
Hoa tím hàng rào đã bắt đầu nở
Trái tim người lại đau đáu một niềm đau.

                                   Nguyễn An Bình

*Phác thảo viết ở Long An tháng 12/2016

READ MORE - NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG CƠN MÊ CHIỀU - Thơ Nguyễn An Bình

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN VỀ "TÔ VŨ CHĂN DÊ"



Nhà thơ Chu Vương Miện


TÔ VŨ MỤC DƯƠNG

nhìn hoài bức tranh cổ
mất một phần phía đầu
Tô Vũ quanh bầy thú
trên mặt toàn những râu
thảo nguyên mùa đông giá
đứng mãi ngoài tuyết sầu
dê từng bầy núp rét
bằng hữu tận mãi đâu ?
mười năm ngoài quan ngoại
bỗng chốc đã bạc đầu
lông dê thì vẫn trắng
bầy dê ngày đông thêm
chăn dê để lấy sữa
cõi lòng như đã mềm
sống một mình trơ trụi
bơ vơ ngó ưu phiền
sáng chiều cây gậy trúc
nón rách đội hàng niên
dê không tình không nghĩa
cỏ xanh vàng trăm miền
dê ăn xong cỏ mọc
càng nhìn càng phát điên
không một mảnh thư nhà
không biết ai còn mất
đường ải thì quá xa
ở hang thì quá chật
yêu nước cũ đứng nhìn
nhìn làm sao mà thấy
quanh quẩn toàn những dê
ngược xuôi rừng lau sậy
thương dân tro cảnh khổ
thương người sống lất lây
thương ta ngoài biên giới
tuyết phủ tấm thân gầy
quê hương biết phía nào ?
chập chờn dăm dã thú
ngồi chơi mới mươi năm
tình thân một con chó
chó buồn chó sủa ma
ta buồn tay bỏ ngỏ
đói thì ăn tái lê
khát thì uống sữa dê
nói năng cùng bạn chó
đâu biết năm nào về ?


CẢM THƯƠNG ĐỜI TÔ VŨ

mỹ nhân trung thổ nhiều quá xá 
cớ chi ? lại lấy vượn thế này ?
Tô Vũ tướng quân thời Hán đế
để buồn cho đến tận ngày nay 
giai nhân tự cổ như bươm bướm 
sứ thần nước yếu vạ mang lây
chăn dê mà toàn là dê đực ?
một phương ải bắc chốn lưu đầy 
Chán quá không buồn nhìn nhân thế ?
Tri âm tri kỷ với vượn đây !
Đáng tiếc tấm thân hảo nam tử
Hoa hồng toàn những loại hồng gai ?
lỡ trót sinh ra thời đại loạn
thì người với vượn cũng thế thôi !


TÔ VŨ

Tô Định làm thái thú
ở quận Giao chỉ phương nam
cũng họ Tô tên Vũ
chăn dê cỏ bạt ngàn 
cả một trời lạnh lẽo 
sương mùa thu đã sang !
thân phận tướng quân cả
nghĩ làm chi ? nát lòng
tổ tiên xưa vợ đẹp
đẻ bao đứa con khôn
bạc tiền vung thả cửa
ngựa xe hàng nối hàng !
giờ bầy dê đực cái
mỗi mùa lại thay lông
nhìn một trời hồng nhạn
mà nản kiếp anh hùng
sinh lầm vào nước yếu
cái chết nhẹ như không !
muốn chết đâu có được ?
khom mãi mỏi cả lưng
xưa mỹ nhân mỹ nữ
nào tri kỷ tri âm ?
giờ một con vợ vượn
không cười không nói năng !
thân tù ngoài đại mạc
trái sống cùng sữa dê
nhìn hướng nam mỏi mắt
biết đâu đến ngày về ?
ngày xưa người lấy người
bây giờ người lấy vật
đêm đêm nằm ôm nhau
lông lá che kín mặt
nghĩ quê hương mà buồn !
cỏ thảo nguyên ngan ngát
muốn nói chả người nghe
một trời đông xám ngoét
thân danh đại tướng quân 
đời tàn trên sa mạc !


SỐNG NHỤC

nước nhỏ dân nghèo mù chữ nữa
thân bương theo gió phận nương Hồ
giặc mạnh đè đầu nơi phương bắc
Khiết Đan, Hồi Hột, đến Hung Nô

trăn trở mang Chiêu Quân đi nộp
yên thân qua trót lọt mấy mùa
nay sai Tô Vũ dâng quà biếu
cứ lệ 5 năm phải nộp đồ

vàng ròng bạc nén trầm hương quế
quân nhục, dân nhục, nhục luôn vua
Thuyền Vu bắt Tô Vũ ở lại
qui hàng luôn ở đó không về

bất phục đày lên miền cực bắc
lúa rồi sống một kiếp phàm phu
danh thượng tướng quân chăn dê đực
tù không án lệ tù mút mùa

lấy vợ vớ phải ngay con vượn
nó cào nó cấu bấm bụng thua
làm tướng mạt thời nơi địch quốc
im re sống nhục sống như thừa

ta đây đọc sử càng thêm thẹn
Tô Vũ à ! còn mấy trăng khuya


KHỔ

làm pho sách cũng khổ
nhốt bao bài thơ tình
trong tủ ngang dẫy dọc
trong thư viện trống không 
kẻ bàng quang hờ hững
lật lật đọc mươi giòng !
trả pho sách chỗ cũ
vòng về chốn dửng dưng
ta lạc chân nơi đó
vừa bước vừa ngập ngừng ?

CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN VỀ "TÔ VŨ CHĂN DÊ"

CHÙM THƠ THỦY ĐIỀN

 
       Tác giả Thủy Điền


CỐ QUỐC

Đi trên cỏ, nghe nỉ non của gió
Người đi xa sao chẳng thấy quay về
Chân bước đi mà sao dạ tái tê
Cỏ, gió nói lòng ôi não ruột

Chạy trên sông theo dòng trôi trên nước
Hoa lục bình cũng than trách về ta
Mấy mươi năm xa quốc, lại cách nhà
Hồn lẫn xác cả hai đều không thấy

Dọc theo đê hai bên bờ lau sậy
Cũng giận hờn trước gió đứng im ru
Chẳng thèm chào, cũng chẳng hỏi một câu
Trông tủi phận kẻ ly hương cổ quốc

Qua lối nhỏ, đi theo con đường đất
Ngắm mái nhà lụp xụp ngõ lôi thôi
Người quen xưa giờ đã mất hết rồi
Chỉ gương lạ đứng nhìn không thiện cảm.

Thủy Điền
14-04-2017

KIẾP CẦM CA

Đêm tàn còn một mình
Ta- Chủ Quán
Ly Cà phê chưa cạn
Bốn mắt nhìn khô khan

Đêm về đi lang thang
Ta- Phố vắng
Tiết trời gieo căm căm
Gác nhỏ còn xa tít

Đêm buồn nằm khúc khích
Ta- Màn đêm
Dâng bao nỗi cô đơn
Khi màn nhung buông thả

Cuộc Đời như sân Ga
Lắm kẻ đến, rồi xa
Chỉ riêng sân Ga già
Suốt bốn mùa lặng lẽ.
  
Thủy Điền
15-04-2017

READ MORE - CHÙM THƠ THỦY ĐIỀN

CẢM HƯỞNG “TIM ĐAU” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Bình thơ của Nguyễn Đăng Hành


           


      CẢM HƯỞNG “TIM ĐAU” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

TIM ĐAU
Chẳng biết nữa
Con tim đã bao lần chắp vá
Thêm một lần đau nữa
Có sao đâu.
Hắt hiu chiều
Xao xác gió vu vơ
Lời hẹn ước ném chềnh hềnh đầu ngõ.
Ta dẫu biết trăng lúc mờ lúc tỏ
Vẫn không quen lời yêu chóng hao gầy
Ta sẽ cố để không ai thấy
Héo hắt chiều
Sưng tấy trái tim yêu.
*.
Hà Nội, chiều 03 tháng 05 năm 2014
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
LỜI BÌNH:
Bài thơ Tim Đau của Đặng Xuân Xuyến là một bài thơ có nỗi lòng, có tâm trạng, có ma lực ám ảnh, gây xúc cảm cụ thể mà phiêu diêu, ngôn ngữ thẳng tưng mà vẫn mênh mang ý tứ, cấu từ chữ nghĩa đời thường, không cầu kỳ trau chuốt mà thu hút...
Thú thật, thoạt lướt qua bài thơ cảm tưởng nhịp thơ tuần tự, đều đều như khúc hành ca mốt hai mốt sẽ tẻ nhạt... nhưng “bập” vào thấy khẩu khí, tốc độ chữ nghĩa kết tinh chuyển động tự nhiên, hồn vía bâng lâng, bảng lảng... Chỉ tiếc ở ngay câu đầu nhà thơ đã điềm đạm quá, tỉnh quá mà điềm tĩnh tung ngay tố từ: “Chẳng biết nữa”, làm giảm sức gợi mở và khí tiết bài thơ. Cứ đi thẳng, tạo cấu tứ ngay từ “Con tim đã bao lần chắp vá”, không có “Chẳng biết nữa” làm cánh cửa mở hờ hững, khem khép như thế thì câu thơ chân thành, trung thực, tự nhiên sẽ làm ảo ảnh rầm rầm chuyển động...
Câu tiếp sau: “Thêm một lần đau nữa/ Có sao đâu.”, tiếp ứng câu trước, khí liền mạch tạo dựng tứ thơ. Đọc đến đây chẳng ai lại cho đấy là cơn đau tim của bệnh lý, của cơn đau xác thịt mà là cơn đau của tâm sinh lý, của biểu hiện con tim hồn đang run rẩy, đau đớn trước những trắc ẩn, “chắp vá”, được mất của tình chồng vợ - lứa đôi. Tác giả thật khéo léo và thông minh khi viết Tim Đau (chứ không phải là Đau Tim), để nhấn nỗi đau tinh thần, nỗi đau tình cảm trong duyên nghĩa vợ chồng - đôi lứa. Phải kiên cường, cao đạo lắm thì mới vượt qua được những cơn đau, những lần “chắp vá của trái tim yêu, để lòng thánh thiện tự vấn tự thán: “Con tim đã bao lần chắp vá/ Thêm một lần đau nữa/ Có sao đâu”. Riêng đoạn này, khổ này có thể đã là một bài thơ. Nhưng không, nhà thơ vẫn tiếp: “Hắt hiu chiều/ Xao xác gió vu vơ”. Lại thêm hai chữ “vu vơ”, nhà thơ lại mắc vào tính cẩn thận không cần thiết. Chữ “vu vơ” đã làm giảm nhịp điệu thơ, ì ạch tốc độ và nhòe mờ tâm ảnh thơ. Theo tôi, nhà thơ nên bỏ chữ “vu vơ” cho chiều thêm “hiu hắt”, gió thêm “xao xác” mông lung, câu thơ sẽ khắc họa bóng dáng tâm khảm bâng lâng, buồn buồn mà thanh cao thi vị, để thấy “lời hẹn ước ném chềnh hềnh đầu ngõ”, thấy cái tình đời mờ tỏ thực hư: “Ta dẫu biết trăng lúc mờ lúc tỏ” mà “vẫn không quen lời yêu chóng hao gầy”, để mà đắc đạo, chịu chấp nhận âm thầm đơn độc trong cuộc tình đôi lứa, để “không ai thấy”... “Héo hắt chiều/ Sưng tấy trái tim yêu.”.
Ôi buồn quá! Cái buổi chiều bảng lảng hoàng hôn như kiếp con người cuối thu sương khói. Nhưng thật vui sướng thay, sau bao lần “chắp vá”, vẫn thấy trái tim còn nguyên vẹn. Nếu trái tim đã vỡ nát thì làm sao “sưng tấy” được “trái tim yêu”?! Hình ảnh “Trái tim yêu sưng tấy thật độc đáo, mới lạ, thật cảm động, hạnh phúc, đã thánh thót ngân lên khúc ca: Được yêu, được đau, được chắp vá để được trái tim yêu trọn vẹn!
TIM ĐAU là bài thơ ngắn gọn, súc tích, dễ đọc, dễ cảm nhưng thật khó bình. Chắc nhà thơ cũng phải trăn trở quằn quại lắm, phải trung thành và trung thực trở lại với chính mình, với chính trái tim thổn thức của mình mà đối ngẫu, đối cảm, phát tiết xúc cảm buồn mà cao sang, đau mà ngọt ngào thi vị...
*
Hà Nội, ngày 17.04.2016
NGUYỄN ĐĂNG HÀNH
Địa chỉ: Thôn Đa Tốn, xã Khoan Tế
huyện Gia Lâm, tỉnh Hà Nội.
Điện thoại: 0166.467.78.26 

READ MORE - CẢM HƯỞNG “TIM ĐAU” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Bình thơ của Nguyễn Đăng Hành

THƠ LỤC DU - Nguyễn Ngọc Kiên dịch



                        Nguyễn Ngọc Kiên


THƠ LỤC DU
                          

灌園 
少攜一劍行天下, 
晚落空村學灌園。 
交舊雕零身老病, 
輪囷肝膽與誰論?

Phiên âm:
QUÁN VIÊN
Thiếu huề nhất kiếm hành thiên hạ, 
Vãn lạc không thôn học quán viên. 
Giao cựu điêu linh thân lão bệnh, 
Luân khuân can đảm dữ thuỳ luân (luận)?

Dịch nghĩa: 
TƯỚI VƯỜN
Lúc trẻ đeo gươm đi khắp thiên hạ 
Khi có tuổi về xóm vắng học tưới vườn 
Bạn cũ tàn rụng thân mình già yếu 
Tâm sự uẩn khúc biết bàn cùng ai

Dịch thơ:
TƯỚI VƯỜN
Lúc trẻ đeo gươm khắp bốn trời
Già về xóm học tưới vườn thôi
Bạn xưa tàn rụng, thân già yếu
Nỗi lòng u uẩn tỏ cùng ai.

孤雲 
四十年來住此山, 
入朝無補又東還。 
倚闌莫怪多時立, 
為愛孤雲盡日閑。

CÔ VÂN
Tứ thập niên lai trụ thử san, 
Nhập triều vô bổ hựu đông hoàn. 
Ỷ lan mạc quái đa thì lập, 
Vị ái cô vân tận nhật nhàn.

Dịch nghĩa: 
Bốn chục năm nay về ở núi này 
Vào triều không bổ ích gì, lại trở về phía đông 
Đứng tựa câu lơn giờ lâu, đừng cho là lạ 
Vì yêu áng mây lơ lửng, nhàn suốt ngày

Dịch thơ: 
Bốn chục năm  ở chốn non côi
Vào triều vô bổ lại Đông thôi
Bao lơn đứng tựa xin đừng lạ
Yêu áng mây nhàn lơ lửng trôi.
春日雜興 
夜夜燃薪煖絮衾, 
禺中一飯值千金。 
身為野老已無責, 
路有流民終動心。

XUÂN NHẬT TẠP HỨNG
Dạ dạ nhiên tân noãn nhứ khâm, 
Ngung trung nhất phạn trị thiên câm (kim)! 
Thân vi dã lão dĩ vô trách, 
Lộ hữu lưu dân, chung động tâm!

Dịch nghĩa: 
Vài cảm hứng trong ngày xuân
Đêm đêm đốt củi sưởi ấm chiếc mền bông, 
Bữa cơm non trưa đáng giá nghìn vàng! 
Đã làm ông lão nhà quê, thân mình không còn trách nhiệm gì, 
Nhưng thấy ngoài đường có dân xiêu, lòng ta vẫn thổn thức.

Dịch thơ:
Vài cảm hứng trong ngày xuân
Đêm đêm đốt củi sưởi mền bông, 
Một bữa cơm trưa giá vạn đồng. 
Thành lão nhà quê không trách nhiệm., 
Thấy dân cùng quẫn, chẳng an lòng.

小雨极凉舟中熟
舟中一雨扫飞蝇,
半脱纶巾卧翠藤。
清梦初回窗日晚,
数声柔橹下巴陵。

Phiên âm:
Tiểu vũ, cực lương, chu trung thục thụy chí tịch
Chu trung nhất vũ tảo phi dăng
Bán thoát luân cân ngọa thúy đằng
Thanh mộng sơ hồi song nhật vãn
Sổ thanh nhu lỗ hạ Ba Lăng.

Dịch nghĩa:
Trận mưa làm ruồi nhặng bay hết khỏi lòng thuyền
Trật nửa khăn lụa quấn đầu, nằm duỗi trên giường mây.
Vừa tỉnh mộng, mặt trời đã xế ngoài song cửa
Mái chèo nhẹ nhàng đưa thuyền về phía Ba Lăng.

Dịch thơ: 
Mưa nhỏ, trời mát, ngủ say trong thuyền đến tận chiều
Trong thuyền mưa đuổi hết ruồi bay
Khăn đầu trật nửa, duỗi giường mây
Mộng tan, bóng xế ngoài song cửa
Chèo lướt Ba Lăng nhẹ như bay.

花時遍遊諸家園
為愛名花抵死狂 ,
只愁風日損紅芳 ;
六章夜奏通明殿 ,
乞借春陰護海棠。

Phiên âm:
HOA THÌ BIẾN DU CHƯ GIA VIÊN
Vị ái danh hoa để tử cuồng
Chỉ sâu phong nhật tổn hồng phương
Lục chương dạ tấu Thông Minh điện
Khất tá xuân âm hộ Hải Đường

Dịch nghĩa:
MÙA XUÂN CHƠI VƯỜN MỌI NHÀ
Yêu mê hoa đẹp đến chết cuồng.
Chỉ e nắng gió làm phai sắc hồng và làm giảm hương thơm.
Đêm viết sớ “Lục chương” (sớ 6 chương) tâu lên điện Thông Minh.
Xin cho bóng xuân che chở cho Hải Đường.

Dịch thơ:
MÙA XUÂN CHƠI VƯỜN MỌI NHÀ
Yêu say hoa đẹp đến chết cuồng
Chi e nắng gió nhạt sắc hương
Đêm làm sớ tâu  Thông Minh điện
Xin bóng Xuân che khóm Hải Đường

                                                 Nguyễn Ngọc Kiên dịch thơ

READ MORE - THƠ LỤC DU - Nguyễn Ngọc Kiên dịch

Cảm nhận của Châu Thạch về ca khúc SAO CHƯA GẶP LẠI TRƯỜNG XƯA


Nhạc phẩm “Sao chưa gặp lại trường xưa”(*) của Nguyễn Khắc Phước: Một bản nhạc, một bài thơ, một dòng lệ

                                                 
  Châu Thạch


Nếu bạn là cựu học sinh của bất kỳ một ngôi trường nào, khi nghe bài hát nầy bạn cũng đã thấy buồn. Nhưng nếu bạn là cựu học sinh của ngôi trường Nguyễn Hoàng, một ngôi trường xưa của cổ thành Quảng Trị  nay đã mất tên trường thì bạn dễ dàng rơi lệ. Nếu bạn từng học Nguyễn Hoàng, nay nghe bài ca nầy mà bạn rơi lệ được thì đó là điều tốt cho bạn, vì nỗi buồn sẽ vơi đi theo dòng nước mắt. Còn nếu bạn không rơi lệ được, thì lệ ấy sẽ ở trong lòng bạn như một cơn gió lạnh, như một dòng sông băng, sẽ làm bạn đau lòng hơn nữa. Chắc chắn không mấy ai mà không thấy cảm xúc ngay từ khổ đầu của bài hát khi ca từ được cất lên mang hình ảnh một cựu sinh quay về  cô đơn nơi trường cũ:

Mênh mang nắng đổ hè trưa
Bâng khuâng đứng nhìn ngẩn ngơ
Tôi tìm trường xưa bên thành cổ vắng
Trường xưa đó nay đâu rồi
Tà áo trắng xưa đâu rồi
Và thầy cô xưa nay về đâu?

Đã có nhiều văn thơ rất cảm động viết về người học trò quay lại thăm trường, thấy lại chiếc bàn mình ngồi, gặp lại ông giáo già hay bất kỳ một ngóc ngách kỷ niệm nào còn lưu lại bao năm. Nhưng có lẽ không có trường hợp nào đau đớn giống như một cựu sinh Nguyễn Hoàng quay lại thăm trường cũ của mình, vì: “Trường xưa đó nay đâu rồi, tà áo trắng xưa đâu rồi, và thầy cô xưa nay về đâu?”. Không còn gì cả! Trường mà không còn thì tà áo trắng, thầy cô xưa làm sao còn được!

Đoạn hai của bài ca có âm thanh như nhịp chảy của dòng sông, vang lên một âm điệu vui nhưng cũng tìm ẩn một nỗi buồn mênh mang như nỗi buồn khi đứng trước dòng nước lặng lờ, nơi tiếp giáp của sông và biển:

Quên sao những giọt mồ hôi
Quên sao những ngày sục sôi
Có người rời xa nẽo đường muôn lối
Đàn em bé vẫn yêu đời
Thầy cô vẫn cất cao lời
Từ dòng sông em ra biển đời.

Biển đời của học sinh Nguyễn Hoàng Quảng Trị không phải là đại dương bình lặng. Mỗi cựu sinh Nguyễn Hoàng đều phải cởi trên sóng to gió lớn của một thời ly loạn và không biết bao nhiêu người đã chìm đi trong cơn ba đào ấy. Những người vào được bờ cũng phải mang một linh hồn bạc thếch phong sương.

Bước qua phần ba và bốn của bài ca là tiếng kêu thương buồn não nuột, tiếng kêu gọi đàn của bầy chim tan tác:

Nguyễn Hoàng ơi!
Bao năm lưu lạc đường xa
Mang theo giấc mộng tuổi hoa
Mang theo lời dặn của thầy cô

Nguyễn Hoàng ơi!
Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa
Bao nhiêu bè bạn trang lứa
Sao chưa về đây với trường

Đây là tiếng kêu mà các tập san “Chân dung  kỷ niệm Nguyễn Hoàng”, “Hương quê Nhà” và nhiều tập san trong ngoài nước của cựu học sinh Nguyễn Hoàng khắp nơi đã cố gắng bơi ngược dòng sông ký ức để mời nhau trở về đoàn tụ cùng nhau.

Thật ra thì biết bao người đã vượt ngàn dặm xa xôi để quay về với mảnh đất trường xưa, nhưng, chưa có ai trở về với niềm vui trọn vẹn, vì: “Trường theo khói hương lên trời” như một câu trong đoạn cuối bài ca. Trường đâu còn nữa, trường mất cả tên rồi:

Mong sao đếm ngược thời gian
Cho viên phấn còn dở dang
Kể về trường xưa bên thành cổ vắng

Trường theo khói hương lên trời
Trường gieo nắng cho xanh đời
Trường vẫn còn đây trong tim mọi người.

Lời hát ở vế chót thâm thúy và như một bản bi hùng ca, nó mang âm hưởng của nỗi lòng cựu sinh Nguyễn Hoàng Quảng Trị, muốn quay về để viên phấn kể lại trường xưa. “Mong sao đếm ngược thời gian, cho viên phấn còn dở dang, kể về trường xưa bên thành cổ vắng”: Trí tưởng tượng tuyệt vời và ca từ đầy tính chất thơ, đầy hương vị.

Với tôi, “Sao chưa gặp lại trường xưa” không những là một bài ca mà còn là một bài thơ bi hùng và là một dòng lệ thương nhớ trường xưa chứa đầy cảm xúc.   
                                                                
Châu Thạch 
truongvantran@hotmail.com


(*)
: Bấm vào liên kết này để nghe bài hát.





READ MORE - Cảm nhận của Châu Thạch về ca khúc SAO CHƯA GẶP LẠI TRƯỜNG XƯA