CẢM HƯỞNG “TIM ĐAU” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
TIM ĐAU
Chẳng biết nữa
Con tim đã bao lần chắp vá
Thêm một lần đau nữa
Có sao đâu.
Hắt hiu chiều
Xao xác gió vu vơ
Lời hẹn ước ném chềnh hềnh đầu ngõ.
Ta dẫu biết trăng lúc mờ lúc tỏ
Vẫn không quen lời yêu chóng hao gầy
Ta sẽ cố để không ai thấy
Héo hắt chiều
Sưng tấy trái tim yêu.
*.
Hà Nội, chiều 03 tháng 05 năm 2014
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
LỜI BÌNH:
Bài thơ Tim Đau của Đặng Xuân Xuyến là một bài thơ có nỗi lòng, có tâm trạng, có ma lực ám ảnh, gây xúc cảm cụ thể mà phiêu diêu, ngôn ngữ thẳng tưng mà vẫn mênh mang ý tứ, cấu từ chữ nghĩa đời thường, không cầu kỳ trau chuốt mà thu hút...
Thú thật, thoạt lướt qua bài thơ cảm tưởng nhịp thơ tuần tự, đều đều như khúc hành ca mốt hai mốt sẽ tẻ nhạt... nhưng “bập” vào thấy khẩu khí, tốc độ chữ nghĩa kết tinh chuyển động tự nhiên, hồn vía bâng lâng, bảng lảng... Chỉ tiếc ở ngay câu đầu nhà thơ đã điềm đạm quá, tỉnh quá mà điềm tĩnh tung ngay tố từ: “Chẳng biết nữa”, làm giảm sức gợi mở và khí tiết bài thơ. Cứ đi thẳng, tạo cấu tứ ngay từ “Con tim đã bao lần chắp vá”, không có “Chẳng biết nữa” làm cánh cửa mở hờ hững, khem khép như thế thì câu thơ chân thành, trung thực, tự nhiên sẽ làm ảo ảnh rầm rầm chuyển động...
Câu tiếp sau: “Thêm một lần đau nữa/ Có sao đâu.”, tiếp ứng câu trước, khí liền mạch tạo dựng tứ thơ. Đọc đến đây chẳng ai lại cho đấy là cơn đau tim của bệnh lý, của cơn đau xác thịt mà là cơn đau của tâm sinh lý, của biểu hiện con tim hồn đang run rẩy, đau đớn trước những trắc ẩn, “chắp vá”, được mất của tình chồng vợ - lứa đôi. Tác giả thật khéo léo và thông minh khi viết Tim Đau (chứ không phải là Đau Tim), để nhấn nỗi đau tinh thần, nỗi đau tình cảm trong duyên nghĩa vợ chồng - đôi lứa. Phải kiên cường, cao đạo lắm thì mới vượt qua được những cơn đau, những lần “chắp vá” của trái tim yêu, để lòng thánh thiện tự vấn tự thán: “Con tim đã bao lần chắp vá/ Thêm một lần đau nữa/ Có sao đâu”. Riêng đoạn này, khổ này có thể đã là một bài thơ. Nhưng không, nhà thơ vẫn tiếp: “Hắt hiu chiều/ Xao xác gió vu vơ”. Lại thêm hai chữ “vu vơ”, nhà thơ lại mắc vào tính cẩn thận không cần thiết. Chữ “vu vơ” đã làm giảm nhịp điệu thơ, ì ạch tốc độ và nhòe mờ tâm ảnh thơ. Theo tôi, nhà thơ nên bỏ chữ “vu vơ” cho chiều thêm “hiu hắt”, gió thêm “xao xác” mông lung, câu thơ sẽ khắc họa bóng dáng tâm khảm bâng lâng, buồn buồn mà thanh cao thi vị, để thấy “lời hẹn ước ném chềnh hềnh đầu ngõ”, thấy cái tình đời mờ tỏ thực hư: “Ta dẫu biết trăng lúc mờ lúc tỏ” mà “vẫn không quen lời yêu chóng hao gầy”, để mà đắc đạo, chịu chấp nhận âm thầm đơn độc trong cuộc tình đôi lứa, để “không ai thấy”... “Héo hắt chiều/ Sưng tấy trái tim yêu.”.
Ôi buồn quá! Cái buổi chiều bảng lảng hoàng hôn như kiếp con người cuối thu sương khói. Nhưng thật vui sướng thay, sau bao lần “chắp vá”, vẫn thấy trái tim còn nguyên vẹn. Nếu trái tim đã vỡ nát thì làm sao “sưng tấy” được “trái tim yêu”?! Hình ảnh “Trái tim yêu sưng tấy” thật độc đáo, mới lạ, thật cảm động, hạnh phúc, đã thánh thót ngân lên khúc ca: Được yêu, được đau, được chắp vá để được trái tim yêu trọn vẹn!
TIM ĐAU là bài thơ ngắn gọn, súc tích, dễ đọc, dễ cảm nhưng thật khó bình. Chắc nhà thơ cũng phải trăn trở quằn quại lắm, phải trung thành và trung thực trở lại với chính mình, với chính trái tim thổn thức của mình mà đối ngẫu, đối cảm, phát tiết xúc cảm buồn mà cao sang, đau mà ngọt ngào thi vị...
*
Hà Nội, ngày 17.04.2016
NGUYỄN ĐĂNG HÀNH
Địa chỉ: Thôn Đa Tốn, xã Khoan Tế
huyện Gia Lâm, tỉnh Hà Nội.
Điện thoại: 0166.467.78.26
No comments:
Post a Comment