CHUYỆN
CỦA CHỊ LINH GIÒ CHẢ
Hôm trước, lâu rồi, chả hiểu duyên cớ gì, chị Linh giò
chả tự dưng “bắt chuyện”:
- Em vất vả nên trông già hơn chị gái anh chứ thực ra
tuổi tác thì em còn kém chị gái anh đến mấy tháng đấy.
Nghe buồn cười nhưng lão cố nhịn, nhỏ nhẹ:
- Đã biết chị bằng tuổi chị gái của em sao lại xưng em
với em thế?
Chị gãi gãi đầu, hềnh hệch cười, phân trần:
- Em quen xưng hô với khách hàng thế rồi anh ạ. Biết
là dở hơi nhưng khó sửa quá.
Tưởng chị hết chuyện nên lão quay bước, chị vội kéo lại,
hồn nhiên “khoe”:
- Em còn biết cả tuổi của anh nữa đấy. Anh nhiều hơn
thằng con lớn nhà em mấy tuổi.
Nghe xong câu chị nói, lão đứng chết trân, cứng hàm
không cười nổi, há hốc mồm nhìn chị đang quay sang thanh minh với chị Mơ hàng mắm:
- Không phải tớ đĩ mà lấy chồng sớm đâu. Thời ấy, cả
khu phố nhà tớ chả hiểu thế nào mà con gái cứ 15, 16 tuổi đã sồn sồn đòi lấy chồng
rồi. Có đứa mới 14 tuổi đã làm mẹ. Tớ thuộc diện hoa khôi của phố mà 17 tuổi mới
đẻ thằng lớn là thuộc diện đứng đắn, con gái nhà lành lắm đấy...
Chị Mơ nghe chuyện cứ luôn mồm thế á, thế á, rồi tủm
tỉm cười...
* *
*
Hôm nọ, nhưng cũng lâu lâu rồi, thấy một “ông cụ” khá
hom hem ngồi sắp xếp giò chả ở quầy hàng của chị, lão phân vân vì nhớ có lần chị
kể ngày bố chồng chị mất mưa to gió lớn lắm nên bụng bảo dạ: Chắc ông cụ là bố
đẻ của chị Linh... Nhưng mà sao không thấy “ông cụ” có nét nào giống chị?
Thấy lão cứ đứng nhìn, chị chạy ra, vồn vã:
- Anh vào mua hàng đi. Chồng em đấy. Chắc anh tưởng là
bố chồng em chứ gì. Đồng trang lứa với em nhưng trông rầu rĩ thê lương thế anh ạ.
Nghe chị nói, lão tròn mắt hỏi:
- Anh bằng tuổi chị?
Chị xoa tay, cười cười:
- Vâng! Em với lão ấy cùng là giống lợn. Đồng trang lứa
lợn với nhau đấy anh ạ.
Lão lẩm bẩm:
- Cùng sinh năm Kỷ Hợi sao già thế nhỉ?
Chị hô hố cười, lốp chốp:
- Đâu mà cùng Kỷ Hợi hả anh. Chỉ mình em là Kỷ Hợi còn
lão chồng em là Đinh Hợi. Em là Kỷ lợn, còn lão là Đinh lợn...
Lão vỡ lẽ, gật gù:
- À... Chồng chị lớn hơn một giáp. Thảo nào...
Chị giãy nảy lên:
- Không phải một con giáp đâu anh. Lão chồng em nhiều
hơn em 12 tuổi.
* *
*
Sáng hôm kia, đang đứng ở hàng thịt bò, chị đi ngang
qua, véo mông lão, rõ đau, bả lả:
- Sao anh này không lấy vợ nữa đi? Bị hỏng hẳn cái khoản
kia rồi à?
Chưa kịp trả lời, chị đã bô lô bô la:
- Thằng lớn nhà em cũng thế. Mới bốn mươi tuổi mà đã xịt
hẳn rồi. Con dâu nhà em cứ cằn nhằn suốt ý. Chán nhỉ? Đời người có mỗi cái khoản
ấy là khoái nhất lại bị hỏng thì phí quá.
Lão đỏ mặt, ngại sự bỗ bã của chị. Định rảo bước thì
chị véo tiếp vào mông lão, nháy mắt:
- Em bảo này. Hôm nào anh đến nhà em, nhờ lão chồng em
nó bày cách cho. Trông lão hom hem như con chó ghẻ thế thôi nhưng cái khoản ấy
thì lão chồng em xứng đáng là tổ sư của bọn dê cụ. Ác chiến lắm anh ạ...
Chị Thịnh thịt bò chau mày:
- Con mụ Linh này ăn nói bỗ bã thế. Sao không về bảo
chồng phổ biến kinh nghiệm cho con giai để con dâu đỡ cằn nhằn. Chú ấy khiến gì
mụ bày vẽ. Rõ là đồ lắm chuyện.
Chị Linh đi được một đoạn mới ngoảnh lại, dài giọng:
-
Thằng lớn nhà em bị tiểu đường gần chục năm rồi. Nặng lắm. Có thánh cũng chả chữa
được... Kệ mẹ chúng nó. Sướng chúng nó chứ sướng đếch gì mình. Mà sướng chúng
nó rồi lại khổ mình. Chả dại.
* *
*
Chiều qua, đi ngang quầy giò chả của chị, lại bị chị
vô cớ giữ chân “tâm sự”:
- Anh này... Em hỏi thật nhé. Anh bị xịt như thế có thấy
tiếc không? Trông phong độ thế này mà trên bảo dưới không nghe thì nẫu ruột nhỉ?
Mà anh bị bệnh thật không? Bị lâu chưa? Sao anh không chữa chạy đi? Để như thế
không thấy ái ngại à? Đời người, có mỗi khoản ấy là khoái nhất, lời nhất mà
không được hưởng thì đời cũng vô vị, quá chán...
Chị Mơ hàng mắm bặm môi cười cười, đây đẩy lão, rồi
toang toác:
- Cái nhà chú này đến lạ. Bị mụ ấy chọc ghẹo như thế
mà cứ thộn mặt ra nghe, chẳng đốp chát vài câu cho mụ ấy hết thói ngứa mồm. Còn
mụ này nữa. Thấy chú ý hiền, cứ ngứa mồm ăn khoai môn là sao. Phải người khác,
người ta đấm cho mụ vỡ mặt rồi.
Chị Linh bĩu môi:
- Ngứa mồm ăn khoai môn? Bà thì biết cái gì. Tôi thật
lòng muốn tốt cho anh ấy mới góp ý. Bà nhìn đi. Cái mặt anh ấy hiền hiền, đần đần
như thế kia, phải chỉ bảo cụ thể thì anh ấy mới biết được. Chứ cứ xa xôi, ý tứ
thì xin lỗi, cái mặt ấy còn lâu mới hiểu...
Quay sang lão, chị gật gù:
- Anh nhỉ? Em muốn tốt cho anh mới tham gia, góp ý. Chẳng
cám ơn em thì thôi, lại trách em thì dở hơi à, anh nhỉ?
Xéo chị Mơ một cái nữa, thật sắc, chị Linh lại trề
môi, dài giọng:
- Này. Thằng con lớn nhà tôi nó bảo, Những ngữ như nó
với anh này, nhìn người khác làm chuyện vợ chồng thèm lắm, rỏ dãi ra nhưng đếch
làm gì được. Ức nhưng phải chịu vì cũng như ông cụ 90 tuổi, rụng hết răng, còn
trơ lại mỗi lợi thì gặm đùi gà thế đếch nào được...
Vỗ tay đét cái rồi cười khùng khục, tự thưởng cho câu
nói rặt chất “triết lý” của mình, chị quay sang lão, nheo nheo mắt, ra chừng hỉ
hả lắm:
- Anh nhỉ? Em nói quá chuẩn, anh nhỉ?
Chị Thịnh, thịt bò, phủi ghế, thủng thẳng:
- Cũng lạ cho nhà chú này. Người đâu mà lành đến thế...
Chị Linh trề môi, cướp lời:
- Người đâu mà lành thế? Xin lỗi bà Thịnh nhé. Cái mặt
anh ấy mà lành á? Chẳng qua tôi nói trúng tim đen nên mới chịu trận, không cãi.
Tôi nói sai xem nào? Anh ấy liệu có để cho tôi yên không? Nói phải củ cải cũng
phải nghe, chị ạ.
Chị Thịnh nhẹ nhàng:
- Chẳng qua chú ấy coi thường Linh, không thèm chấp
nhưng Linh lại không biết, cứ tưởng thế là hay. Người chứ có phải thánh đâu mà
hoàn hảo. Nếu có ai lôi chuyện chân khèo, răng vẩu của Linh ra chọc cười thì
Linh nghĩ sao? Hoặc đem chuyện phòng the của Linh ra bỡn cợt thì Linh nghĩ thế
nào? Sao Linh cứ thích chạm vào điều tế nhị, không muốn nói của người khác thế?
Chị Linh đỏ mặt:
- Chuyện phòng the của tôi thì làm sao? Chẳng có gì để
bỡn cợt cả.
Chị Thịnh vẫn nhẹ nhàng:
- Ừ. Linh để Thịnh nói hết đã. Già rồi mà đêm nào cũng
hành chồng vài bận, hơn cả vắt chanh, làm chồng kiệt sức, sợ quá phải chạy sang
nhà con trai lánh nạn, mới ngã ngửa ra con trai bị bất lực cả chục năm rồi nên
mãi không có cháu bồng. Không thương con, không xót chuyện của con lại lôi chuyện
của con ra làm trò đùa, mua vui với thiên hạ. Linh không nghĩ như thế là ác với
con, ác với chồng, ác với cả chính Linh à? Ngọc còn có vết rạn, huống hồ con
người. Sao lại lấy nỗi đau của người khác làm niềm vui cho mình? Như thế là ác
lắm. Tệ lắm, Linh ạ.
Tái mặt. Chị Linh chống chế:
- Ờ ... thì đùa anh ấy cho vui chứ tôi có ác ý gì đâu
mà bà mắng mỏ tôi ghê thế.
Giọng vẫn đều đều, chị Thịnh nhẹ nhàng tiếp:
- Mình chưa hoàn hảo. Gia đình mình cũng chưa hoàn hảo
sao lại cười cợt sự chưa được tròn trĩnh của người khác, gia đình người khác
như thế. Thật là buồn cười!
Chị Linh cúi xuống, tay cứ mân mê mãi mấy cọng lạt gói
giò. Chừng như chị ngại lắm thì phải.
Hà
Nội, ngày 06 tháng 05 năm 2016
ĐẶNG XUÂN XUYẾN