Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, February 14, 2023

PHÍA TÀ DƯƠNG QUÊ NHÀ – Thơ Tịnh Bình


 
           Nhà thơ Tịnh Bình

 
PHÍA TÀ DƯƠNG QUÊ NHÀ
 
Một bông hoa vừa nở
Trên rào dây thép gai
Hình như trong nắng sớm
Tiếng chim thôi u hoài
 
Hơn thua cùng được mất
Thời gian đôi cánh bay
Còn ai bên ta nữa
Mắt nhòa dư lệ cay
 
Gió về đâu lối gió
Hư ảo đường mây qua
Giấc chiêm bao hư thực
Phía tà dương quê nhà
 
Nhủ lòng thôi an tĩnh
Ngoài kia cơn sóng đời
Lặng yên cùng huyên náo
Chẳng làm buồn hay vui...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)

READ MORE - PHÍA TÀ DƯƠNG QUÊ NHÀ – Thơ Tịnh Bình

TẢN MẠN VỀ RƯỢU NHO (3) - Nguyên Lạc

                                    (Kỳ 3)

 
IV. CÁCH LÀM RƯỢU VANG TRUYỀN THỐNG
 
Cách làm rượu vang là quá trình chuyển hóa nước nho ép thành rượu. Thường cần khoảng từ 1,3-1,5kg nho tươi để thu được 1 lít rượu vang.
 
1. Các giai đoạn chủ yếu
Các giai đoạn chủ yếu trong quá trình sản xuất rượu là:
– tách cuống nho khỏi chùm nho,
– ép nước nho, ủ nho
– lên men.
Tùy theo ý muốn của nhà sản xuất rượu, muốn thu được rượu vang đỏ, hồng hay trắng mà các công đoạn sản xuất sẽ khác nhau. Giống nho làm rượu cũng ảnh hưởng đến loại rượu thu được.
Giai đoạn lên men rượu – giai đoạn chủ yếu của quá trình làm rượu – là một quá trình tự nhiên, trong đó đường có ở nho chuyển hóa thành cồn, do tác động của vi khuẩn và chất lên men có sẵn trong vỏ nho. Rượu trong quá trình lên men sẽ thải ra khí CO2 (Carbon dioxide). Chính loại khí này trong các chai rượu Champagne sẽ làm bật nút chai và làm rượu Champagne sủi bọt trông rất hấp dẫn.
Sau khi ép, nước nho được lọc cặn, cho thêm một lượng nhỏ khí sulfua để diệt khuẩn và được nuôi trong thùng inox hoặc thùng bê tông quét sơn thực phẩm (Epoxy) hay thùng gỗ sồi. Thời gian nuôi trong thùng gỗ do nhà sản xuất tính toán tùy theo tính chất của giống nho. Một thời gian sau, vang được rút ra khỏi thùng, lọc và đóng chai trước khi đem ra bán cho người tiêu dùng.
 
2. Cách làm rượu vang
Như đã biết, rượu vang đỏ chỉ có thể làm từ nho đỏ, trong khi đó rượu vang trắng có thể làm từ nho đỏ hay nho trắng. Rượu vang hồng, làm từ nho đỏ.
2.1. Cách làm rượu vang đỏ
Nho đỏ được hái, đưa về xưởng hoặc nhà máy rồi được ép nhẹ để làm bật hạt nho khỏi quả nho. Sau đó, người ta tăng độ ép để thu được nước nho và bã nho. Nho sau khi được ép sẽ chuyển qua khâu tách cuống nho khỏi chùm nho. Công đoạn này có mục đích tránh cho cuống nho tiếp xúc với nước nho và làm cho rượu có mùi ngai ngái của cỏ ướt. Nước nho và bã nho ngay sau đó được đưa vào các bồn chứa lớn bằng inox hoặc bê tông quét sơn thực phẩm (Epoxy). Rượu trong bồn sẽ lên men từ 4-10 ngày. Trong khoảng thời gian đó, chất màu và chất chát (tanin) sẽ hòa lẫn vào hỗn hợp lỏng gồm nước nho và bã nho. Người ta có thể thu được rượu có màu sắc và độ chát theo ý muốn tùy số lượng thời gian ủ nho trong thùng chứa. Nói chung là các loại rượu vang đỏ danh tiếng thường được ủ lâu hơn các loại rượu khác.
Sau khi nho đã được ủ theo thời gian do nhà sản xuất tính toán, rượu sẽ được rút ra khỏi thùng chứa theo nguyên tắc từ tính: chất lỏng (rượu) sẽ tự tách ra khỏi các thành phần nặng khác như: cuống nho, vỏ nho…
Nước rút lần đầu này được gọi là “vang giọt”. Hỗn hợp còn lại của thùng chứa sẽ được đem ra ép lại để có được “vang ép”: rất đậm màu và giàu chất chát.
Người ta thường trộn lẫn “vang giọt” và “vang ép” trước hoặc sau khi đưa vang vào nuôi trong thùng gỗ. Giai đoạn này được đánh dấu bởi một quá trình lên men lần thứ hai, kết quả là chất chua trong vang sẽ giảm đi.
2.2. Cách làm rượu vang trắng
Rượu vang trắng khác rượu vang đỏ nhờ công đoạn ép nho, theo đó người ta không để cho nước nho ép tiếp xúc với vỏ nho: Sau khi tách hạt nho khỏi quả nho, người ta sẽ ép nho ngay lập tức nhằm tránh không cho nước nho ép tiếp xúc nhiều với vỏ nho.
Tính đặc thù của rượu vang trắng thể hiện qua sự tươi mát, đôi khi gắt dịu, nhờ vào độ axit chua tương đối cao. Cũng vì để giữ cho rượu vang trắng có nhiều axit chua, người ta thường ép nho ở nhiệt độ thấp .
2.3. Cách làm rượu vang hồng
Có thể làm rượu vang hồng từ hai phương thức sau: để cho vỏ nho tiếp xúc với nước nho trong một thời gian ngắn sau khi ép để thu được màu hồng sẫm (Rosé de Saigné) hoặc ép thẳng nho đỏ và tùy theo mức điều chỉnh độ ép mà thu được hỗn hợp phơn phớt hồng (Rosé de Presse)
2.4. Cách làm rượu vang nổ hay rượu vang sủi (sparkling wine)
Vang nổ hay vang sủi (sparkling wine) có thể là loại vang trắng hoặc hồng, có độ ngọt vừa phải, khi rót ra ly có những hạt bọt khí li ti nổi lên phía bề mặt.
Nhiều người có thói quen dùng từ “Champagne” (rượu sâm-panh) để chỉ các loại vang sủi bọt. Cách gọi này không chính xác: Mọi loại Champagne đều là sparkling wine, nhưng không phải tất cả các vang sủi đều là Champagne. Tên Champagne này chỉ độc quyền cho vang sủi được sản xuất ở vùng Champagne (Champagne là tên vùng trồng nho và làm rượu của Pháp). Nếu vang sủi làm tại Ý, nó sẽ được gọi với cái tên Prosecco, và vang sủi Mỹ thì được gọi là Sparkling Wine.
Sparkling wine là một khái niệm không liên quan gì đến nồng độ cồn, mà là tên gọi chung cho các loại rượu vang có sủi bọt hay sủi tăm, thường gọi là vang nổ. Chúng thực chất chính là rượu vang nhưng được lên men hai lần. Lần lên men đầu tiên có quy trình như làm rượu vang bình thường, đó là nước nho ép và lên men. Trong quá trình lên men thứ hai, carbonat đã được bơm thêm vào để tạo ra sủi tăm, trước khi được đóng chai. Nghe có vẻ giống rượu Champagne phải không? Trên thực tế, nếu xét theo quy trình sản xuất thì chúng không có gì khác nhau cả, Champagne chỉ đơn giản là rượu vang nổ được sản xuất và đóng chai tại Pháp mà thôi.
– Cách làm Champagne:
Nho được lựa kỹ và hái bằng tay trước kỳ thu hoạch ít ngày để tránh cho nho không bị chín quá, sau đó được ép ngay để tránh cho vỏ tiếp xúc với nước nho.
Tiếp theo, nho được ủ ở nhiệt độ thấp để giữ tính chất hoa quả tươi mát.
Kết thúc quá trình ủ chua, nho được rút khỏi bình chứa inox, lọc chất cặn bằng cách cho lòng trắng trứng hoặc chất keo cá vào trong rượu, sau đó được pha lẫn nhau tùy theo ý muốn của chuyên gia làm rượu để giữ được vị gia truyền của nhà sản xuất từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Tiếp đó rượu được đưa ra đóng chai, chuyên gia làm rượu cho thêm vào hỗn hợp rượu sirô đường và chất lên men gọi là Liqueur de Tirage. Chai Champagne sẽ được đóng nút rồi để lên những kệ gỗ (pupitre) hoặc sắt (Giropalette), cổ chai quay xuống dưới và được nuôi một thời gian để tạo bọt. Chuyên gia làm rượu mỗi tuần sẽ quay chai 45 độ cho cặn lắng xuống đáy cổ chai. Khi cặn đã xuống hết, chuyên gia làm rượu sẽ nhúng cổ chai vào một chất lỏng đông lạnh để cặn đóng băng, sau đó nhờ sức ép của khí CO 2 đẩy vọt cặn ra ngoài sau khi mở nút chai. Rượu thay thế phần rượu và cặn bị mất được gọi là Liqueur d Expédition, gồm hỗn hợp rượu lâu đời và sirô đường. Chai Champagne được đóng nút lại lần thứ hai và nuôi thêm trong hầm rượu ít lâu trước khi đưa ra dán nhãn và tiêu thụ.
– Vài điều về Champagne:
Trong công chuyện làm ăn, ly rượu Champagne dễ dàng thay thế một tách cà phê, vì nó sẽ làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn. Nó sẽ xoá dần mọi trở ngại và làm cho các quan điểm đối nghịch trở nên gần nhau hơn. Rượu champagne còn là cầu nối của các dân tộc. Nếu như Đô đốc Hải quân Nelson của Anh từng nói phải căm thù người Pháp như căm thù quỷ dữ, ông lại là người vô cùng thích uống rượu Champagne.
Uống rượu Champagne cũng là cách để chứng tỏ cho người khác thấy đẳng cấp xã hội của mình. “Hãy nói cho tôi biết bạn ăn uống gì, tôi sẽ nói bạn thuộc đẳng cấp nào trong xã hội”: câu ngạn ngữ này lúc nào cũng đúng; vì nếu bạn gọi một chai Champagne trong một tiệm ăn thì điều đó chứng tỏ sự thành công trên thương trường hoặc địa vị xã hội của bạn. Đó cũng là một nét rất đặc trưng của văn hóa phương Tây.
 
The best cheap Champagne
..........................
 
@ Vài điều cần biết thêm về rượu vang:
– Khi ủ rượu, người ta ủ riêng từng loại nho, khi đóng chai mới là lúc người ta pha vào nhau, nên khi uống, người sành rượu tìm thấy ở trong ngụm rượu có những vị khác nhau như: mùi vị của các loại dâu chín, các loại bạc hà, mùi trái cây nhiệt đới hay vị ngọt của mocha, của vanilla, v.v.
— Rượu vang đỏ – được làm từ nho đỏ – không phải toàn một màu đỏ đậm mà người Việt mình thường hay gọi là “Màu đỏ Bordeaux”: chỉ nơi xuất xứ rượu nho của Pháp. Rượu vang đỏ có nhiều gam màu khác nhau: đỏ nhạt, đỏ đậm, cam nhạt, cam đậm, nâu nhạt, nâu đậm hay ngả màu tím tro, v. v…
— Rượu được làm từ nho và mỗi loại nho sẽ đem lại một hương vị, màu sắc khác nhau. Điều này đã giúp rượu vang sản xuất ra có nhiều mùi vị khác nhau nên người tiêu dùng đã gọi chung là rượu vang chát, rượu vang ngọt,… Trong đó, rượu vang chát là rượu vang được ưa chuộng nhất và là lựa chọn hàng đầu của những người sành rượu.
Rượu vang chát là rượu vang đỏ có hàm lượng tanin (vị chát) lớn và có nồng độ cồn cao. Có thể hiểu đơn giản dòng rượu vang này là loại rượu vang đỏ có vị chát khi uống. Vang chát sẽ để lại dư vị chát đặc trưng nơi vòm họng.
Đa số rượu vang chát được lên men từ các giống nho có hàm lượng tanin (độ chát) cao và lượng đường thấp như: Tannat, Syrah, Nebiolo, Cabernet Sauvignon, Petit Verdot…
. Tannat: Giống nho sản xuất rượu vang có hàm lượng tanin cao nhất thế giới.
. Sagrantino: Giống nho bản địa quý của Ý với hàm lượng tannin cực cao.
. Syrah: Giống nho tạo nên hương vị mạnh mẽ của vang.
. Nebbiolo: Giống nho cổ điển của Ý, đặc trưng với vị tannin cao và một chút vị đắng nhẹ.
. Cabernet Sauvignon: Giống nho phổ biến nhất trên thế giới, tạo nên phong vị chát đặc trưng trong các chai vang.
. Petit Verdot: Giống nho có tannin êm, thường được sử dụng để pha trộn.
. Mourvèdre: Giống nho tạo nên phong cách vang đậm đà với vị chát đặc trưng.
 
Vị chát của rượu vang thường sẽ xuất hiện nhiều trong các chai rượu vang trẻ, giúp rượu vang có thể lưu trữ lâu năm, vị chát cũng sẽ dịu và tròn đi sau nhiều năm thành trường. Chính vì vậy, để thưởng thức những chai rượu vang trẻ, nên mở nắp khoảng 30 phút để vang oxy hóa, dịu vị gắt (decanting: làm cho rượu thở).
Khi rượu còn trẻ, (đặc biệt rượu vang đỏ, trong một số trường hợp có cả rượu trắng) độ acid rất cao, độ cồn nồng và độ chát còn hăng gắt. Khi đó rượu rất cần oxy kích động để làm cho dịu lại, đồng thời các hương thơm khác của rượu được dậy mùi hơn, nhờ vậy bạn sẽ ngửi các hương thơm của rượu một cách hài hòa và vị rượu sẽ cân bằng trong vòm miệng. (Sẽ nói rõ thêm về decant/ decanter ở phần dưới: Thưởng Thức Rượu Vang)
Rượu vang ngọt được sản xuất từ những trái nho có hàm lượng đường cao, tanin và acid chua thấp như: Moscato, Madeira, Muscat Blanc, Muscat of Alexandria…
Trong rượu vang luôn có một lượng đường nhất định. Tùy vào từng dòng vang mà hàm lượng đường khác nhau, có thể ít hơn 1g đến 220g đường trên 1 lít. Trong đó, vang ngọt (sweet wine) là loại vang có hàm lượng đường cao từ 35g/L hoặc hơn, vị chát ít do lượng tanin thấp.
Trong khi đó, nhiều loại vang trắng và vang đỏ có thể chứa tối đa 10g đường nhưng vẫn thuộc dạng rượu vang không ngọt (dry wine). Bạn có thể tham khảo lượng đường trong các dòng vang như sau:
– Bone Dry Wine: chứa ít hơn 1g đường trong 1 lít rượu vang.
– Dry Wine: chứa lượng đường từ 1-10g/L.
– Off-dry Wine: chứa lượng đường từ 10-35g/L.
– Sweet Wine: chứa lượng đường từ 35-120g/L.
– Very sweet Wine: chứa lượng đường từ 120-220g/L.
 
........
 
Chữ “dry” của tiếng Anh: “Dry” có nghĩa là khô. Người Tây phương đều dùng cái ý niệm “dry” để đối chọi với ý niệm “sweet (ngọt) khi mô tả rượu. Chỉ cần nói ly rượu này “dry”, hay “sec” hay “seco” là người ta hiểu ngay rằng vị của nó không ngọt.
 
. Những đặc trưng của rượu vang ngọt:
Vang ngọt được làm từ quả nho chín kỹ. Nho dùng trong sản xuất vang ngọt được thu hoạch muộn để đảm bảo tất cả các quả nho được chín kỹ. Người trồng nho sẽ tính toán kỹ lưỡng thời điểm thu hoạch cũng như tuyển chọn những quả nho đạt chuẩn. Quả nho chín kỹ trên cây sẽ có độ ngọt đậm và chứa lượng đường cao hơn rất nhiều so với nho vừa chín tới.
Quá trình lên men sẽ làm biến đổi 1 phần đường tự nhiên trong nho thành cồn, phần còn lại sẽ làm nên vị ngọt đặc trưng cho rượu. Hoặc trong trường hợp làm từ nho thông thường thì quá trình lên men sẽ bổ sung thêm đường để tạo thành vang ngọt.
Vang ngọt có nồng độ cồn thấp hơn so với các loại vang thông thường, thường trong khoảng 9 – 10 độ. Một số chai vang có thể có nồng độ cao hơn, nhưng đa số là ở nồng độ này để đảm bảo vị ngọt của rượu.
Vang ngọt có nồng độ thấp và lượng đường nhiều hơn, do vậy khi thưởng thức, bạn có thể dễ dàng cảm nhận được hương vị ngọt ngào, đằm thắm và dư vị nhẹ nhàng trong vòm họng. Đây cũng là cách nhận biết rượu vang ngọt đơn giản nhất. Cùng với vị ngọt là một chút vị chua xen kẽ, tạo sự thanh mát, chiều lòng vị giác cũng như giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Với đặc trưng hương vị này, vang ngọt là dòng rượu lý tưởng để dùng tráng miệng. Và nó cũng dễ dàng phù hợp với tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ hay người có “tửu lượng” thấp. Vang ngọt mang đến hương vị ngọt ngào, đằm thắm
 
. Phương pháp sản xuất rượu vang ngọt:
Rượu vang ngọt được sản xuất theo nhiều phương pháp khác nhau, điển hình nhất là 4 phương pháp dưới đây:
.. Lên men trái nho chín kỹ
Phổ biến nhất là phương pháp lên men trái nho chín kỹ. Nho được thu hoạch muộn, tại thời điểm quả nho tích tụ lượng đường cao nhất. Sau đó nho được ép lấy nước và cho vào thùng ủ để bắt đầu quá trình lên men.
.. Lên men trái nho đóng băng (Ice wine)
Thêm một phương pháp sản xuất vang ngọt khác là sử dụng trái nho thu hoạch vào cuối mùa đông và được để đóng băng tự nhiên. Khi đó lượng nước trong quả nho sẽ ít hơn và hàm lượng đường cao hơn, tạo ra rượu vang có vị ngọt và thoảng hương vị mật ong.
.. Sử dụng con nấm Botrytis
Đây là một loại nấm quý có khả năng làm trái nho khô lại. Lượng đường trong quả nho sẽ được cô đặc, tạo ra hương vị vô cùng đậm đà, phong phú và phức tạp. Điển hình nhất cho phương pháp làm vang ngọt sử dụng con nấm Botrytis chính là dòng vang ngọt đến từ vùng Sauternes.
.. Phương pháp cường hóa
Vang ngọt còn được sản xuất bằng phương pháp cường hóa, tức là thêm rượu mạnh (brandy) vào rượu vang nền trước quá trình lên men. Mục đích là để làm chậm lại sự lên men của rượu vang, tạo ra dòng vang ngọt với lượng đường và nồng độ cồn khá cao, có thể lên đến 19%.
 
Đặc điểm rượu vang chát và ngọt:
– Vang chát có hàm lượng đường ít hơn và nồng đồ cồn cao nên khi thưởng thức, bạn sẽ không thấy vị ngọt mà rất nhiều vị khác nhau. Còn đối với rượu vang ngọt, nó có hàm lượng đường cao nên khi uống, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được vị ngọt dịu từ loại vang này.
– Vang chát có nồng độ cồn cao để làm nổi bật vị chát (tanin). Nồng độ cồn thường vào khoảng 12 – 17 độ, nên với những người sành rượu thì đây là loại rượu vang dễ uống và thơm ngon. Còn đối với vang ngọt, nồng độ chỉ ở mức khoảng 9 đến 10 độ, vì nếu cao quá sẽ làm mất vị ngọt cần phải có của rượu.
– Rượu vang ngọt có thời gian lên men nhanh hơn nhiều so với vang chát, vì nếu càng ủ lâu, nồng độ cồn sẽ càng cao, làm mất vị ngọt của rượu. Thời gian lên men của vang chát lại rất lâu, vì như vậy thì độ chát của vang này mới được đậm đà.
 
..........
 
@ Brut có nghĩa là gì? Vài điều căn bản về rượu Champagne và các loại vang sủi bọt khác.
Ta thường thấy từ “Brut” trên nhãn chai rượu Champagne và các loại vang sủi bọt, vang nổ khác, nó có ý nghĩa gì?. Dưới đây là một vài hướng dẫn đơn giản về các loại rượu vang sủi bọt, dựa trên độ ngọt của vang (Độ ngọt trong rượu vang là do đường: Đường trong nho lên men thành rượu; vì nhiều lý do, đường không thể chuyển hóa hết thành rượu, nên trong rượu vang vẫn còn đường, gọi là dư lượng đường (residual sugar – RS). Rượu còn rất ít đường gọi là vang khô (dry wine), nếu còn nhiều đường gọi vang ngọt (sweet wine).
– Ultra Brut/ Extra Brut được quảng cáo là “Champagne ăn kiêng” vì nó chứa rất ít đường, chỉ khoảng 0-6 gram / lít dư lượng đường – residual sugar (RS)
– Brut: không cho cảm giác ngọt. Đây là chủng loại phổ biến nhất của rượu sâm banh (champagne), chứa lượng đường từ 6-12 grams / lít (RS)
– Extra Dry / Extra Sec: vị ngọt nhẹ, chứa lượng đường 12-17 grams / lít (RS)
– Sec: khá ngọt, có chứa lượng đường 17-32 gram / lít (RS)
– Demi-Sec: ngọt ngào, có chứa lượng đường 32-50 grams / lít (RS)
– Doux: vị ngọt ngào, chứa hơn 50 grams đường / lít (RS)
 
(Còn tiếp nhiều kỳ)
 
                                                           Nguyên Lạc

READ MORE - TẢN MẠN VỀ RƯỢU NHO (3) - Nguyên Lạc

PHÓ TỔNG THỐNG JOE BIDEN CŨNG LẨY KIỀU – Phạm Đức Nhì


Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì

 
Lời Nói Đầu
 
Bài viết Tổng Thống Mỹ Bill Clinton Lẩy Kiều gởi đến trang web Câu Lạc Bộ Văn Chương (HNVVN) không lâu thì tôi nhận được một bình luận thẳng thắn của bác Vũ Nho (chủ trang web). Nhận thấy bình luận của bác chỉ ra mấy điểm rất hữu ích trong việc Lẩy Kiều nên tôi đã dựa vào đó để thêm thắt vài điều trong bài viết mới này.
Cũng xin nói thêm, tên tôi là Phạm Đức Nhì chứ không phải Phạm Đức Nhị.
Xin chân thành cảm ơn bác Vũ Nho
 
BÌNH LUẬN CỦA BÁC VŨ NHO
 
Đây là quan điểm cá nhân của anh Phạm Đức Nhị. Về nguyên tắc "lẩy Kiều", người ta chọn câu thơ phù hợp với hoàn cảnh đang nói đến ở trong tác phẩm Truyện Kiều rồi LẨY ra. Không cần chú ý đến câu ấy trong đoạn thơ ra sao. Anh Nhị vạch lá tìm sâu, không hiểu nguyên tắc đó, nên chê tổng thống Hoa Kì và các quân sư! Tôi không đồng ý với anh, nhưng cứ đưa lên để rộng đường dư luận! Kính báo!
 
Những Điểm Hữu Ích
 
Bác Vũ Nho cho rằng:
 
1/ Về nguyên tắc “lẩy Kiều”, người ta chọn câu thơ phù hợp với hoàn cảnh đang nói đến ở trong tác phẩm Truyện Kiều rồi “lẩy” ra.
Tôi đồng ý với bác Vũ Nho nhưng viết gọn lại như sau:
“Lẩy Kiều” là thấy câu thơ nào trong Truyện Kiều phù hợp với hoàn cảnh thì “lẩy” ra.
 
2/ Không cần chú ý đến câu ấy trong đoạn thơ ra sao.
Tôi không đồng ý với bác Vũ Nho ở điểm này.
 
3/ Anh Nhị (Nhì) vạch lá tìm sâu, không hiểu nguyên tắc đó, nên chê Tổng Thống Hoa Kỳ và các quân sư.
Điểm này tôi xin nhường sự phán xét cho độc giả...
 
Tôi sẽ đưa hai điểm 1 và 2 vào bài viết dưới đây.

“Lẩy” Kiều, “Đọc” Kiều Hay “Trích” Kiều?
 
1/
Em gái nói với anh:
Ngoài kia trời nắng đẹp quá mà sao anh cứ ngồi ủ rũ thế?
 
Anh “lẩy Kiều”:
 
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
 
2/
Nói với vợ bạn:
“Sao bà quản lý nó chặt thế? Bạn bè lâu lâu gặp gỡ, bù khú một tý mà chẳng lần nào thấy mặt mũi nó cả.”
 
Vợ bạn trả lời: “Tại chồng tôi đào hoa quá, các anh ơi.”
Rồi “đọc Kiều”:
 
Rằng tôi chút phận đàn bà
Ghen tương thì cũng người ta thường tình
 
3/
Bác Cả mới trúng hai “quả” nhà đất được mấy tỉ mà vợ chồng đã bỏ nhau rồi hả?
 
Người đối diện trả lời: Có gì lạ đâu!
Và “trích Kiều”:
 
Trong tay đã sẵn đồng tiền
Dù lòng đổi trắng thay đen khó gì.
 
Dù biết vẫn có người không đồng ý, ở đây tôi cũng xin phép giữ chữ “lẩy” để “ăn khớp” với nhiều bài viết về đề tài “Các Tổng Thống (và Phó Tổng Thống) Mỹ ‘Lẩy Kiều’ ”.
 
Dùng nhóm chữ “lẩy Kiều” kiểu này chỉ có nghĩa là “thấy câu thơ nào trong Truyện Kiều phù hợp với hoàn cảnh thì ‘lẩy’ ra.”
 
Dĩ nhiên, còn nhiều “kiểu” khác trong các “trò chơi Kiều”; xin nhường cho các vị có những sở thích khác đó.
 
Tại Sao Dân Việt Thích “Lẩy” Kiều?
 
Khi gặp một “cảnh đời” nào đó, muốn biểu lộ thái độ, tâm trạng của mình thì “lẩy Kiều” là một cách ứng xử tao nhã, thanh cao.
 
Dưới đây là vài ý do:
 
1/ Được tiếp cận với một tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao của nước mình, của dân tộc mình.
 
2/ Trong Truyện Kiều có rất nhiều câu nét đẹp văn chương siêu đẳng mà đa phần người Việt có chút hiểu biết về thơ ca, trong hoàn cảnh riêng nào đó, cũng có thể thấy hợp với tâm trạng của mình một cách sâu sắc.
 
3/ Thỏa mãn lòng yêu thích và có cơ hội nâng tầm thưởng thức thơ ca, văn chương.
 
4/ Có cơ hội tiếp xúc với bạn bè và những người “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.”
 
5/ Được những người nghe (trong hoàn cảnh đó) có chút nể trọng nếu câu “lẩy Kiều” của mình hay, xuất sắc.
 
Thế Nào Là “Lẩy Kiều” Hay?
 
Có mấy điểm cần lưu ý:
 
1/ Chọn được câu Kiều có nét đẹp văn chương “cao cấp”
     a/ Ngôn ngữ đẹp, cao sang; chữ, nhóm chữ nối kết ăn ý, nhịp nhàng, hợp lý.
     b/ Câu gọn chắc.
     c/ Ý sâu sắc, thâm thúy, ý nhị.
2/ Hợp cảnh
3/ Hợp tình
4/ Nét đẹp văn hóa dân tộc: Không có cũng không sao, nhưng có thi câu lẩy Kiều được đánh giá cao hơn.
 
Bàn Lại Hai Câu Lẩy Kiều Của Tổng Thống Bill Clinton
 
Đó là hai câu:
 
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân
 
1/ Nét đẹp văn chương
 
Ở đoạn Kim Trọng Nhớ Thương Kiều (câu 245- 260) (1) cụ Nguyễn Du có hai câu thật tuyệt vời:
 
Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê
                           (Câu 247-248)
 
Đây là hai câu đầy tính nhân văn, phổ cập rộng rãi, không chỉ đúng với Kim Trọng mà còn có thể áp dụng cho rất nhiều người hiểu biết và thích thơ ca (không chỉ riêng ở Việt Nam) trong hoàn cảnh tương tự nào đó.
 
Còn hai câu:
 
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân
                                  (Câu 1795-1796)
 
thì nhóm chữ “Sầu dài, ngày ngắn” (Sầu đầy mà thời gian ngắn) có ý hoàn toàn trái ngược nên đã có mấy khuyết điểm sau:
     a/ Dung lượng nỗi sầu và cảm nhận về độ dài thời gian không đúng với quy luật thường tình như hai câu (Sầu đong – dài ghê), bắt tội cụ Lê Văn Hòe phải vất vả quanh co chú giải (2)
     b/ Các nhóm chữ trong hai câu không nối kết ăn ý, nhịp nhàng, hợp lý.
Như vậy, chỉ riêng khía cạnh văn chương, hai câu trên đã mắc phải hai lỗi khá nặng làm giảm nét đẹp của thơ.
 
2/ Không hợp cảnh, không hợp tình
 
Nếu đọc cả đoạn thơ
 
Lâm Truy từ thuở uyên bay,
Buồng không, thương kẻ tháng ngày chiếc thân
Mày ai, trăng mới in ngần
Phấn thừa, hương cũ, bội phần xót xa
Sen tàn, cúc lại nở hoa
Sầu dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân
Tìm đâu cho thấy cố nhân?
Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương
                                      (Câu 1791-1798)

sẽ thấy hai câu (Sen tàn – sang xuân) nằm giữa một khung cảnh, một tâm trạng đau buồn đến mức tột cùng thê thảm (của Thúc Sinh) chứ không phải “hết đông u ám là đến xuân tươi sáng” theo quy luật vận động tất yếu của tự nhiên như Tổng Thống Bill Clinton muốn diễn tả.
 
3/ Gởi lầm thông điệp
 
Hậu quả là tương lai của mối quan hệ Mỹ-Việt, nếu hiểu đúng nghĩa hai câu Kiều trên, sẽ chỉ là một đoạn đường đen tối, không có cả chút ánh sáng cuối đường hầm.

Dĩ nhiên Tổng Thống Bill Clinton không có ý xấu nhưng vì nghe lời quân sư “chưa hiểu Kiều thấu đáo” nên đã phạm một sai lầm ngoại giao quan trọng - vừa ê mặt mình và nước Mỹ của mình lại vừa xúc phạm đến đất nước Việt Nam nữa.
 
Đến đây hy vọng độc giả đã thông cảm phần đối thoại của tôi với bác Vũ Nho: “Lẩy Kiều”, nếu không “vạch lá tìm sâu”,  “không cần chú ý đến câu ấy trong đoạn thơ ra sao” sẽ có khi không hiểu đúng ý câu Kiều rồi “lẩy” sai, gởi lầm thông điệp, làm trò cười cho thiên hạ.
  
HAI CÂU “LẨY KIỀU” CỦA PHÓ TỔNG THỐNG JOE BIDEN
 
 Trong diễn văn đón tiếp Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng  ngày 08 tháng 07 năm 2015 Phó Tổng Mỹ Joe Biden đã “lẩy” hai câu Kiều:
 
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời
                                 (Câu 3121-3122)
 
Hai câu này nếu đứng riêng thì có nghĩa là những ngày u ám, đen tối cũ đã qua đi, vận hội mới tốt đẹp đã tới  – rất hợp với cái nhìn lạc quan về quan hệ Mỹ - Việt, làm vui lòng giới lãnh đạo và cả nhân dân Việt Nam nữa. Nhưng đây là lời Kim Trọng khuyên Kiều quên những ngày tháng đau buồn để nối lại tình xưa với mình.
 
Ở hoàn cảnh của Kiều, nàng có suy nghĩ  khác - rất chua xót và tủi nhục:
 
Thiếp từ ngộ biến đến giờ
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa
Bấy chầy gió táp mưa sa
Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn
Còn chi là cái hồng nhan
Đã xong thân thế còn toan nỗi nào?
Nghĩ mình chẳng hổ mình sao?
                     (Câu 3097-3103)
 
Để thông cảm tâm trạng nàng Kiều hơn mời độc giả cùng tôi đọc một đoạn thơ:
 
Tôi có quen
mấy cô bán bar cho Mỹ
hết chiến tranh
trở lại cuộc sống thiện lương
lấy chồng đẻ con
vợ hiền dâu thảo
bán buôn tần tảo
nuôi con nên người
 
Con trai
có nghề nghiệp hẳn hoi
con gái
quyết không để đi vào vết xe mình đã đổ
 
Với chòm xóm
biết phận mình
khi gặp gỡ
nói năng khiêm tốn
cư xử nhún nhường
cô bác đều thương
không ai nỡ nhắc đến quãng đời xưa cũ
 
Nhưng cái quá khứ làm đĩ đó như một vết nứt trong tim mới tạm khép lại, chỉ đụng nhẹ là máu cũng có thể chảy lênh láng.
 
Bởi vì:
 
Làm đĩ như Con Tư Gò Vấp
mỗi lần đi khách
được chia tiền chỉ vừa đủ tô bún riêu
làm đĩ như Thúy Kiều
“Đĩ có tàn, có tán
đĩ có hương án thờ vua.” (3)
dù bỏ nghề
cũng đều mang tiếng là đã từng làm đĩ
 
Cho nên cái tiếng “đã từng làm đĩ” không dễ quên tí nào.(4)
 
Bởi vậy, khi cụ Nguyễn Du “mớm” vào mồm Kim Trọng 4 câu:
 
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa
                              (Câu 3121-3124)
 
trong đó hai câu sau (Hoa tàn … rằm xưa) đặc biệt để khen nàng Kiều – người vừa trải qua 15 năm lăn lộn trong chốn thanh lâu - thì đúng là một lời khen đểu, và dĩ nhiên, vô cùng cay độc.
 
Những người thích Kiều, lẩy Kiều thường thuộc Kiều. Đọc hai câu trên là họ đã liên tưởng ngay đến hai câu dưới để ý nghĩa hòa quyện lấy nhau, để thấy cái đẹp của bức tranh tổng thể. Thế mà “luật chơi” lại bảo “Không cần chú ý đến câu ấy trong đoạn thơ ra sao” thì còn gì là giá trị văn chương đích thực của câu thơ ấy nữa.
 
Chàng phiên dịch Anh Phạm (5) đã “gợi ý” để ngài Phó TổngThống Joe Biden đưa hai câu này vào bài diễn văn của mình ca ngợi những ngày tươi sáng sắp đến của mối quan hệ Mỹ - Việt thì thật là quá vô tình.
 
So với hai câu Kiều trong diễn văn của Tổng Thống Bill Clinton thì hai câu của Phó Tổng Thống Joe Biden đỡ tệ hơn:
 
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời
 
1/ Nét đẹp văn chương khá hơn. (Có điệp ngữ Trời.. trời nhưng chỉ là lỗi nhẹ, không đáng kể.)
2/ Hợp cảnh
3/ Không hợp tình
4/ Thông điệp có kèm lời khen đểu
 
Trong cuộc chơi “lẩy Kiều” này phía Mỹ chỉ mang tiếng là ngây ngô - hiểu hời hợt về Văn Hóa Việt Nam -  đưa ra hai câu Kiều thoạt nhìn thì có vẻ hợp cảnh nhưng không hợp tình. Còn phía Việt Nam thì ôi thôi - bẽ bàng, ê mặt.
 
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
 
CHÚ THÍCH:
 
1/
Chàng Kim từ lại thư song
Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây
Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê
Mây Tần khóa kín song the
Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao
Tuần trăng khuyết đĩa dầu hao
Mặt mơ tưởng mặt lòng ngao ngán lòng
                                        (Câu 247-252)
 
2/
 
Truyện Kiều Chú Giải, Lê Văn Hòe, trang 440, câu 1510-1511
truyen-kieu-chu-giai.pdf (tusachtiengviet.com)
 
3/
 
Đĩ Cầu Nôm của Nguyễn Khuyến
“Đĩ mà có tàn có tán, có hương án, có bàn độc”
 
Sau được dân gian đổi thành:
 
“Đĩ có tàn có tán
Có hương án thờ vua”
 
Có lẽ để êm tai hơn.
 
4/
 
Các cô gái “bán bar” thường làm việc xa nhà, xa quê (tỉnh khác, vùng khác) để không phải gặp mặt người quen biết. Nếu vạn bất đắc dĩ không đi làm việc xa được sau này thường bỏ quê, bỏ xứ ra đi.

5/

https://zingnews.vn/phien-dich-obama-thua-nhan-goi-y-cau-kieu-cho-tong-thong-my-post653372.html
 
READ MORE - PHÓ TỔNG THỐNG JOE BIDEN CŨNG LẨY KIỀU – Phạm Đức Nhì

TIẾNG CHIM, THƠ XƯA, TỈNH VÀ ĐIÊN – Thơ Chu Vương Miện


 


TIẾNG CHIM
 
chim nó theo chim
quạ nói theo quạ
nói theo tiếng người
nghĩa theo một đàng
nói đi một nẻo
thường là nói láo
con yểng con nhồng
thường là loạn xạ
nước lã cầm hơi
nói là ăn cháo
ngày chỉ ăn khoai
nói là khoai mài?
đôi khi nhịn đói
nói ăn lai rai?
con cá bơi qua
con cá bơi lại
con thằng chài đậu
trên cành sung thoáng
một cái đớp mất
tiêu con cá xong?
thu lá tên cành
mùa thu lá bay?
suốt cả đêm ngày
thi sĩ ngồi trên
bờ sông với chó
chả có gì trôi?
chó và thi sĩ
rách nát cả lòng
buổi sáng họp chợ
buổi chiều chợ tàn
không có ăn xin
không có khảy đàn
 
 
THƠ XƯA
 
thời tiền chiến có thi hào làm
thơ ban đêm gánh bán cho trời
đọc trời đọc thét rồi phát khóc
bây giờ có điện thoại cầm tay
thẻ ông địa trời dùng để gọi
về Việt Nam? để làm cái gì?
không rõ đa số thi nhân thời
bây giờ (tức là thời hại điện)
đều có túc trái tiền duyên với
nhà Phật nên tuyệt đại đa số
viết Chùa viết cho chư Thiên chư
Phật chư Bồ Tát Chư La Hán
sư Cụ sư Bà sư Ông sư
Cô chú Tiểu Sa Di đọc cùng
thưởng thức thơ có nirvana
có dukkha có thần thánh và địa ngục
 
 
TỈNH VÀ ĐIÊN
 
còn tiền thời tỉnh
cạn tiền thời điên?
lý đương nhiên
 
thằng điên cởi truồng chả ma nào coi
con tỉnh cởi chuồng
múa sexy phải mua vé chợ trời
chợ đen
 
thời và thế
thế và thời
ngồi lỳ giống con gà toi?
 
quan làm chủ
dân làm đầy tớ
năm nào cũng bị lũ
 
con chim đậu
con chim bay
con trên bầu tròi
con trên nhành cây
 
con bò kéo xe
con bò xe kéo
mệt quá chết queo?
 
con mèo đực
con mèo cái
đang đêm leo lên nóc nhà
chọc phá cắn nhau
kêu oai oái
 
trẻ chết
già chết
chả có ai sống mãi
trừ rắn lột?
 
Chu Vương Miện

READ MORE - TIẾNG CHIM, THƠ XƯA, TỈNH VÀ ĐIÊN – Thơ Chu Vương Miện