Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, March 19, 2022

CHÙM THƠ CỦA TÁC GIẢ HOÀNG CHẨM - QUẢNG TRỊ


 

          Nhà thơ Hoàng Chẩm



GIẤU NHAU MỘT CÕI RIÊNG
 
Em giấu hạt mưa trong mắt
Mong manh lòng nhớ hương xưa
Người xa... Bao lần hiu hắt
Buồn ơi biết mấy cho vừa
 
Em giấu chiều vàng trong áo
Sớm chiều sóng lụa thênh thang
Tóc chưa phai hồn dã thảo
Yêu thương ngày đã muộn màng
 
Giấu ngày xưa vào chốn cũ
Thời yêu nung nấu giấc mơ
Em qua từng mùa lá đổ
Tương tư về tới... ngẩn ngơ
 
Giấu giọt đông về qua ngõ
Bình yên nghe tiếng tình ru
Lời thương thơm lừng hương cỏ
Dường như em biết ngơ ngu.
 
 
NẮNG CÓ NHƯ XUÂN
 
Thèm nắng cho đong đầy mắt nhớ
Phố lạnh vai gầy em như mơ
Góp nhặt yêu người về bỡ ngỡ
Kêu thầm tên một chút đợi chờ
 
Nắng có mềm nỗi buồn xuống thấp
Ơi em xưa dâu bể phận đời
Xuân đã chạm lòng ai khuất lấp
Cách mấy mùa xa vẫn trùng khơi
 
Hỏi thử nắng sao về quá muộn
Em ru mình những giọt đông phai
Thuở mộng đầu cơ hồ sóng cuộn
Để bây chừ con nước chia hai
 
Nắng vẫn còn xuân bay áo lụa
Lối cũ ta về lắm nẻo thương
Em có còn thơm lây bậu cửa
Nắng cho hồng tóc gió tơ vương.
 
 
MÙA XUÂN GỌI
 
Hồn thơ như mùa xuân gọi
Ta nghe chùng nhớ miên man
Đó đây hoa lá chứa chan
Tình em về như rất vội...
 
Phố đã xanh rêu nguồn cội
Cuối đường lồng lộng dáng ai
Buồn dâng tràn đôi mắt nai
Bước chân trải chiều Thành Nội
 
Nghe như lời xuân tắm gội
Tóc bay một phía hương nồng
Lay hồn giữa thoáng mênh mông
Tương tư... lòng thôi chật chội.
 
Hoàng Chẩm
 
READ MORE - CHÙM THƠ CỦA TÁC GIẢ HOÀNG CHẨM - QUẢNG TRỊ

“ĐÊM UKRAINE” TUYỂN TẬP CỦA NHÀ VĂN MARCI SHORE - Nguyễn Đức Tùng dịch và giới thiệu



Lời giới thiệu của dịch giả:
 
Đêm Ukraine là tuyển tập của nhà văn  viết về cuộc cách mạng Ukraine tháng Hai, 2014, còn gọi là cuộc cách mạng Maidan. Sự kiện này đã lật đổ tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych, dẫn đến sự can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine, cuộc chiếm đóng Crimea và sự hình thành hai vùng tự trị Donetsk và Luhansk.
Tám năm sau, tháng Hai năm 2022, lịch sử lặp lại trên quy mô thảm khốc hơn.
Dưới ngòi bút của Marci Shore, đó không phải chỉ là một cuộc cách mạng, một cuộc chiến tranh, không chỉ là những sự kiện, mặc dù chúng được mô tả chi tiết, kết quả của một quá trình điều tra tường tận, mà chính yếu là câu chuyện của những cá nhân, cuộc chiến đấu của họ, số phận riêng tư, tình yêu và cái chết của họ.
Shore sinh năm 1972, giảng dạy ở trường đại học Yale, Hoa Kỳ. Bà nghiên cứu về lịch sử văn học, khía cạnh chính trị của văn chương, hiện tượng học và chủ nghĩa Mác. Shore bám sát các vấn đề thời sự của Đông Âu, Ba Lan, Ukraine, và các nước lân cận. Nhà văn gốc Do Thái này còn là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng khác, như Mùi vị của tro tàn (The taste of ashes).
Cám ơn nhà văn Đinh Từ Bích Thúy và nhà văn Đặng Thơ Thơ đã giới thiệu văn chương Ukraine và văn chương viết về Ukraine cho tôi. Trong những ngày nóng bỏng của cuộc chiến tranh xâm lược do Putin gây ra, 2022, mời bạn đọc bốn truyện ngắn hay bút ký sau đây, để hiểu thêm phần nào một dân tộc anh hùng và đau khổ, một vùng đất xinh đẹp đang chìm trong lửa đạn, và tất nhiên, những con người tự do rất đáng yêu.
Tôi nghĩ, văn học không làm thay đổi được lịch sử, nhưng có lẽ nó giúp cho người đọc hiểu hơn những gì đã xảy ra, đang xảy ra, và giúp họ trong các chọn lựa riêng tư, khó khăn, của mình.
                                                                              
Nguyễn Đức Tùng                                                                                 
3. 2022
 
1. ĐẤT CỦA GOGOL
 
Vào tối thứ Tư, ngày 19 tháng 2 năm 2014, nhà nghiên cứu chính trị và trí thức nổi tiếng người Ukraine Mykola Riabchuk thuyết trình trước một căn phòng đông đúc ở Vienna. Mykola nói một cách bình tĩnh, trầm tư. Dù không lạc quan nhưng ông vẫn hy vọng. Ông hoàn toàn tin rằng cuộc chiến giành tự do ở Ukraine sẽ tiếp tục. Có lẽ lần này cuộc chiến sẽ không thành công; nhưng Mykola chắc chắn rằng, nếu không phải là lúc này, thì một ngày nào đó nó sẽ thành công.
Ông trả lời tất cả các câu hỏi một cách cởi mở. Ông không hề nói gì với khán giả, rằng vợ ông và đứa con trai hai mươi sáu tuổi của họ, đang ở Kiev, và đứa con trai Yuri, đã trở về nhà lúc 4 giờ sáng hôm ấy và bây giờ lại có mặt trên Maidan, một lần nữa, rằng Mykola không biết liệu Yuri có bị sát hại vào đêm hôm ấy hay không, hay có lẽ bây giờ chàng trai ấy đang đứng nói chuyện trong thư viện của Viện Khoa học Nhân văn.
(Cha mẹ của anh không bao giờ yêu cầu anh ở nhà, Yuri nói với tôi khi chúng tôi gặp lại nhau sau đó ở Kiev. “Bạn vượt qua ranh giới…,” anh nói thế.
“Bạn có nghĩ rằng bạn có thể bị giết hại?” Tôi hỏi anh.
“Vâng, tôi đã sợ thế.”)
“Chúng ta có thể làm gì?” một phụ nữ Ba Lan trẻ tuổi trong số khán giả lên tiếng hỏi.
Đáp lại, Mykola mô tả một cảnh trong vở kịch của Nikolai Gogol, vở Quan thanh tra. Vào cuối vở kịch, một người chủ nông trại tên Piotr Ivanovich Bobchinsky tiến lại gần quan thanh tra đến từ thủ đô Saint Petersburg với một lời “yêu cầu khiêm tốn,” anh ấy cầu xin vị quan của mình một cách hết sức cung kính, khi ông ta trở lại Saint Petersburg, xin làm ơn nói với sa hoàng rằng có một người đàn ông tên là Piotr Ivanovich Bobchinsky đang sống ở thị trấn này.
Chỉ thế thôi, đơn giản xin nhớ rằng có một người đàn ông tên là Piotr Ivanovich Bobchinsky, thế thôi.
“Chỉ cần nhớ,” Mykola trả lời người phụ nữ trẻ, rằng “Có một đất nước tên là Ukraine.”
 
(Nguyên tác: The Land of Gogol, The Ukrainian Night)
 
2. BẦU ĐỜI ĐEN KỊT VÌ KHÓI
 
Gần nửa đêm Thứ Ba, ngày 18 tháng 2 năm 2014, chàng trai Misha Martynenko hai mươi mốt tuổi, sặc sụa vì khói, quay trở lại căn hộ ở Kiev, nơi anh ở chung với mẹ anh, bà của anh, và em gái mười tuổi. Anh đeo chuỗi cườm trắng với cây thánh giá vòng qua cổ. Khuôn mặt của mẹ anh, Misha chợt thấy già đi vài năm kể từ khi họ chia tay sáng hôm đó. Anh nhìn vào gương: khuôn mặt anh có màu than xám. Mắt anh lồi ra. Anh bắt đầu khóc.
Gần mười giờ sau Misha tỉnh dậy vẫn trong bộ quần áo phủ đầy bồ hóng và đất cát. Thành phố có cùng một màu: hôm ấy bầu trời Kiev trở nên đen kịt vì khói mịt mù. Trên đường phố bao quanh quảng trường trung tâm được gọi là Maidan, hàng ngàn người dân đang đào gạch và đá lót đường để dựng các chướng ngại vật. Họ đốt quần áo, lốp xe và bất cứ thứ gì khác có thể cháy. Họ tìm cách tự vệ trước Berkutovtsy, đội cảnh sát chống bạo động của chính phủ Ukraine, những cảnh sát mang mặt nạ chống hơi cay không nhìn thấy cặp mắt. Những tấm khiên bạc che mặt và thân mình, tạo ra một boong-ke di động mà các quả bom xăng tự chế tạo Molotov không xuyên phá được.
Trên xa những chướng ngại rực lửa, từ trên sân thượng của khách sạn Ukraina cao tầng, các tay súng bắn tỉa xả súng xuống đám đông, và các thân người đổ xuống giữa làn khói đen ngòm.
Một trong những người bị bắn vào cổ bởi một tay súng bắn tỉa là nữ nhân viên cứu thương tên Olesia Zhukovska, cô mặc đồng phục trắng có thêu chữ thập đỏ. Cô đúng bằng tuổi của Misha. Trong khi một dòng máu phun ra từ cổ họng, cô còn kịp gõ lên điện thoại của mình một tin nhắn Twitter: “Tôi sắp chết.”
 
(Nguyên tác: The Sky Tuns Black from Smoke, The Ukainian Night)
 
3. KHÔNG CÓ GÌ TUYỆT ĐỐI
 
“Vấn đề là trong cuộc chiến này không có gì tuyệt đối,” Yevhenii bảo tôi. “Tôi đã chứng kiến cuộc chiến tranh này, và theo một nghĩa nào đó, tôi đã vượt qua nó, và tôi vẫn không thể giải thích. Hơn thế nữa, tôi không muốn giải thích, bởi vì những khoảnh khắc man rợ mà người ta đơn giản là đi qua. ”
Mùa thu năm 2014 Yaroslav Hrytsak và sinh viên tốt nghiệp của anh, Mykola Balaban, bạn của Bohdan Solchanyk, đã sắp xếp cho Yevhenii rời khỏi thành phố Luhansk do quân ly khai chiếm đóng, và chuyển đến Đại học Công giáo Ukraina ở Lviv. Ở đó Yevhenii đã gặp Misha Martynenko, cũng mới vừa đến từ Kiev. Những trải nghiệm về “khoảnh khắc man rợ” đã mang họ đến với nhau.
Đối với cả hai người, đó là thời gian đánh giá lại. Misha, một người Thiên Chúa giáo cả đời, không còn chắc chắn về niềm tin của mình nữa. Những bạo lực mà anh đã trải qua vào tháng 2 năm 2014 “không góp phần vào việc củng cố đức tin nơi Thiên Chúa.” Anh vẫn còn mang dây cườm thập giá, nhưng giờ đây như một kỷ vật của những ngày ở Maidan.
Yevhenii tin rằng bạo lực mà anh đã trải qua giúp anh hiểu rõ về lịch sử mà anh có thể không bao giờ hiểu được nếu không can dự. Khi nhìn lại, anh cảm thấy thời gian mình bị giam cầm như một lần sinh nở thứ hai, một thời gian đi vào “ý thức tuyệt đối thuần khiết.” Anh vượt lên với cảm nhận “Tôi chỉ tồn tại trong lịch sử và không ở đâu khác.”
Đối với cả Yevhenii và Misha, đó là khoảng thời gian của những cuộc gặp gỡ mới. Bạn cùng lớp của Misha, Igor, kẻ chống Do Thái đến từ Svoboda, đã tiếp tục chiến đấu ở Maidan ngay cả sau khi nhiều người trong binh đoàn của anh ta bỏ chạy. Trong những ngày tháng Hai, chân của Igor bị thương do đạn cao su; trong nhiều tháng anh ta đi lại rất khó khăn. Dù vậy, Igor đã tham gia một tiểu đoàn tình nguyện và tiếp tục chiến đấu ở Donbas như một xạ thủ súng cối. Anh ta rời Svoboda, từ bỏ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, và trở thành một người bảo thủ chừng mực. Và anh trở nên thân thiết với Misha, kẻ thù cũ của mình, người mà bây giờ Igor xem là một chàng trai trẻ đã liều mạng sống để mang một người lạ bị thương đến với các thầy thuốc, vượt qua chướng ngại vật. Trong hai năm qua, vào ngày kỷ niệm vụ thảm sát, Misha và Igor đã cùng nhau đến Maidan để tỏ lòng tôn kính đối với người chết.
Misha không còn nhớ khuôn mặt của chàng trai bị thương, người mà anh và người bạn Anton của anh đã cưu mang.
Sau tháng 2 năm 2014, Misha gặp vấn đề về sức khỏe: chấn động não do một quả lựu đạn phát nổ, đau đầu, gặp ác mộng, sợ hãi giấc ngủ, sợ cô đơn. Trong nhiều tháng, anh đã mơ về cuộc phong tỏa, thấy những cảnh sát với súng chĩa vào mình. Anh bắt đầu uống rượu nhiều. Mẹ anh hối hận vì đã lựa chọn cuộc chiến đấu, nhưng Misha thì không. Anh đã không ở đó, anh đã không vấp phải những vấn đề này, nhưng anh lại có những vấn đề khác: có cảm giác có lỗi. Anh cảm thấy mình không còn vô tội, dù là mở một hành lang cho xe cứu thương, trong niềm ao ước được cứu càng nhiều người càng tốt, ngay cả thế, Misha cũng đã tham gia vào quá trình bạo lực. Và anh đã trải qua cảm giác muốn được nhìn thấy kẻ thù của mình chết. Về sau, anh hiểu: vào lúc anh mong muốn điều này, cũng là lúc anh chết.
Hơn hai năm sau, Misha, người có đôi mắt nâu thật đẹp, lóng lánh như lớp màng mỏng của lúa mì vàng, tiếp tục hút nhiều thuốc lá mỗi ngày. Anh giữ điếu thuốc của mình không phải giữa hai ngón tay, mà là trong bàn tay khum lại, như anh đã làm ở Maidan, cố che đi ánh sáng và khói.
 
(Nguyên tác: There Is No Absolute, The Ukrainian Night)
 
4. BÀI HỌC TRƯỢT BĂNG
 
Giống như Slava Vakarchuk, nhà lãnh đạo đối lập Nga tự do Boris Nemtsov được đào tạo như một nhà vật lý. Trong suốt mùa đông năm 2014–2015 Nemtsov đã dành hết sức mình để điều tra vai trò của Putin trong cuộc chiến ở Donbas, ghi lại sự hiện diện của những người lính Nga ở đó, điều mà Putin phủ nhận. Nemtsov là một trong những người tổ chức cuộc mít tinh vì hòa bình của Nga chống lại sự xâm lược của Putin và cuộc chiến ở Ukraine, dự định vào ngày 1 tháng 3, 2015. Hai ngày trước cuộc biểu tình, gần nửa đêm, khi đang đi bộ về nhà với bạn gái qua một cây cầu ngay bên ngoài Quảng trường Đỏ, điện Kremlin ở phía chân trời, Boris Nemtsov bị bắn chết.
Vài tuần sau, Slava đến Yale. Anh đang trên đường trở về Kiev từ Hoa Kỳ, sau chuyến lưu diễn kỷ niệm 20 năm của ban Okean Elzy, và anh đề nghị được nói chuyện với các sinh viên của tôi. Anh là người thành thật, tính nồng nhiệt trong các bài hát cũng phản ảnh trong phong thái của anh trong thư viện đại học.
Boris Nemtsov đã dạy anh cách trượt băng, Slava bảo tôi sau đó. Đó là một mùa đông, họ ở vùng quê không xa Mạc Tư Khoa, Boris đang trượt băng trên một cái ao đóng băng, và Slava thú thiệt rằng anh chưa bao giờ học trượt băng cả. Vì vậy hôm ấy Boris dạy anh cách trượt băng. Slava gặp anh lần cuối vào mùa hè năm 2014, khi khoảng 50 nghìn người đã đến sân vận động Odessa dự buổi hòa nhạc của Okean Elzy. Boris Nemstov mặc một chiếc áo sơ mi thêu truyền thống của Ukraina, gọi là vyshyvanka.
Slava biết tin về cái chết của Boris Nemstov chỉ một giờ trước giờ anh phải trình diễn ở New York. Hàng nghìn người đã chờ đợi anh trong phòng dạ vũ Hammerstein, khi Slava bước lên sân khấu, mất hết vẻ nhanh nhẹn cố hữu. Đây là New York, và Slava nói tiếng Anh lưu loát, nhưng tối hôm ấy anh nói tiếng Ukraine. Anh muốn bắt đầu, như truyền thống của Okean Elzy, với một bài hát tràn đầy năng lượng hoang dã. Nhưng tối nay anh không làm được. Anh biết có nhiều người Ukraine ở trong phòng, những người yêu nước Ukraine, và anh hy vọng họ sẽ ủng hộ anh. Sau đó, anh nói tiếng Nga – có lẽ cũng có những người bạn đến từ Nga trong khán giả? anh hỏi. Anh chơi thân với Boris, anh nói bằng tiếng Nga, và họ ở bên nhau thật lâu, giờ đây anh thật sầu muộn. Anh không muốn nói về chính trị, không có nghĩa lý gì; anh chỉ muốn cái chết làm cho con người xích lại gần nhau. Và bây giờ anh sẽ bắt đầu bằng một bài hát dành riêng cho Boris. Anh hy vọng người nghe sẽ hiểu rằng anh không thể bắt đầu một cách nào khác.
 
Nochi i dni
Zalyshyly svii slid v moikh ochakh
Skazhy meni
Kudy nas zavede tsei dovhyi shliakh
Tsei dovhyi shliakh
 
Đêm và ngày
Đã để lại vết chân sâu trong mắt tôi
Hãy nói với tôi bạn ơi
Nó sẽ dẫn chúng ta về đâu, con đường này
Con đường quá dài này
 
Slava không hài lòng về buổi hòa nhạc đó.
“Tôi rất buồn, tôi không thể hát được,” anh tâm sự với tôi sau đó. Hôm ấy anh không ngớt nghĩ về Boris.
 
(Nguyên tác: Ice Skating Lessons, The Ukrainian Night)
                                                
Nguyễn Đức Tùng dịch và giới thiệu

READ MORE - “ĐÊM UKRAINE” TUYỂN TẬP CỦA NHÀ VĂN MARCI SHORE - Nguyễn Đức Tùng dịch và giới thiệu