Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, May 11, 2013

MỘT BÀI LỤC BÁT HAY: BỜ SÔNG VẪN GIÓ - Phạm Ngọc Thái bình thơ Trúc Thông


BỜ SÔNG VẪN GIÓ

Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió
                           người không thấy về

Xin người hãy trở về quê
Một lần cuối... một lần về cuối thôi
Về thương lại bến sông trôi
Về buồn lại đã một đời tóc xanh
Lệ xin giọt cuối để dành
Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha
Cây cau cũ, giại hiên nhà
Còn nghe gió thổi sông xa một lần

Con xin ngắn lại đường gần
Một lần... rồi mẹ hãy dần dần đi...

                              Trúc Thông
            
     Đây là bài thơ mà nhà thơ Trúc Thông khóc mẹ. Mới đọc ngỡ như anh đang đứng trước hương hồn người mẹ của mình đã khuất nơi chín suối, để trào ra những dòng thơ thương cảm. Nhưng không, bài thơ này Trúc Thông đã viết vào năm 1983 trong một lần trở về thăm quê, khi đó người mẹ của anh vẫn đang cùng anh sống ngoài Hà Nội. Một năm sau đó (1984) mẹ của nhà thơ mới qua đời. Nghĩa là, linh cảm về cái mất của bà mẹ già yếu đang gấp gáp đến gần, nên lời thơ nghẹn ngào xúc động, thấm đầy lệ.

   Đứng bên con sông Châu chảy qua tỉnh Hà Nam, cũng chính là dòng sông chảy qua quê hương của cố nhà văn Nam Cao, đồng tỉnh với quê hương của nhà thơ. Bên bờ sông ấy nhà thơ than thở:

                  Lá ngô lay ở bờ sông
                  Bờ sông vẫn gió
                                          người không thấy về

    Hình ảnh bờ sông, bãi ngô rất thân thiết, gần gũi với một làng quê Việt Nam. Đọc câu thơ ta liên tưởng tới bài thơ nổi tiếng "Đây thôn Vỹ Dạ" của thi nhân Hàn Mặc Tử, có câu Người đã viết:

                  Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

    Thông qua hình ảnh "... hoa bắp lay": âm hưởng lay lắt, chuyển động yếu ớt của những bông hoa bắp như thể hơi thở trút ra mỏng manh, cô quắt đồng hoạ với cảnh "dòng nước buồn thiu" để diễn tả tâm trạng cô đơn, buồn nản vì thương nhớ người yêu cách biệt trong mối tình đơn phương của thi nhân.

    Nhưng cái từ "lay" của những lá ngô trong bài thơ Bờ Sông Vẫn Gió của Trúc Thông thì lại diễn tả tâm trạng xao động, xót thương nghĩ về mẹ chứa chất một cái gì đó đang dâng lên ở trong lòng. Đồng vọng với tiếng "lay" kia thì tiếng gió thổi: Bờ sông vẫn gió.../- cũng dào dạt mạnh mẽ,  để rồi tác giả hạ nốt nửa vế của câu thơ: ...người không thấy về/- Vậy là, dù cùng một từ "lay" với hình ảnh gió ven sông nhưng ở hai bài thơ đã diễn tả hai trạng thái tình cảm khác nhau, đều xúc tích đạt đến hiệu quả của mỗi tình thơ riêng.

   Đoạn giữa là khổ thơ chính của bài, liền mạch tám câu nhưng ý thơ được cấu tứ thành bốn cặp. Cứ mỗi cặp hai câu nối tiếp nhau đan kết một cách khái quát quanh tình cảm và cuộc đời người mẹ cùng với quê hương:

                 Xin người hãy trở về quê
                 Một lần cuối... một lần về cuối thôi

   Ta thấy sự gắn bó giữa quê cha đất tổ, nơi chôn nhau cắt rốn với tình thân mẫu của nhà thơ. Cái điệp khúc "một lần cuối" hơi thơ dồn dập, bởi nỗi lòng mong mỏi, khắc khoải của người con, điệp với ý cụm từ "một lần" ở khổ thơ giữa:

                Một lần cuối... một lần về cuối thôi

    và:

                Còn nghe gió thổi sông xa một lần

    Đến câu kết được điệp lại một lần nữa, thả dần tình thơ... như việc xây dựng cao trào xong rồi cởi nút kết thúc một vở kịch vậy:

                  Một lần... rồi mẹ hãy dần dần đi...

    Nỗi thơ thêm quặn thắt, tạo thành tụ điểm của tình cảm, tư tưởng nhà thơ. Nhưng nhà thơ mong mỏi người mẹ của mình kịp về quê một lần nữa để làm gì?

                  Về thương lại bến sông trôi
                  Về buồn lại đã một đời tóc xanh

    "Bến sông" nghĩa là quê hương. Còn "bến sông trôi..." - Chữ "trôi" ở đây để nói về năm tháng chìm nổi của mẹ đã trải cả "một đời tóc xanh...". Hai câu thơ không chỉ nói về nghĩa gian truân, mà còn hàm ý sâu sắc sự gắn bó máu thịt giữa quê hương với cuộc đời của mẹ. Hai chữ "thương""buồn" dùng thật đắt. Nó không phải chỉ để gợi lại nỗi sầu khổ của cuộc đời, mà nếu có thì cũng quyện trong những tình cảm thân thương da diết, làm cho tình thơ cảm kích một cách lạ thường.

    Thực ra khi tác giả viết:

                  Lệ xin giọt cuối để dành

    Chỉ là cách nói trào ra do cảm xúc thơ, chứ còn cả bài thơ đã đầy lệ rồi! Cái giọt lệ cuối ấy để đến khi:

                  Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha

    Câu thơ này Trúc Thông đã đề cập đến mối quan hệ, tình cảm phu thê gắn bó không thể tách rời trong cuộc đời của mẹ. Trong thời hiện đại chúng ta ngày nay, nền giáo lý bị xàm xỡ quá nhiều. Nghĩa phu thê nhiều lúc, nhiều nơi bị phá vỡ từng mảng. Đạo vợ chồng cũng không còn giữ được một quan hệ đạo đức cần thiết. Chồng thì thiếu sự mực thước, vợ lại quá trớn không có được đức tính tốt đẹp của người phụ nữ. Có lẽ do tác động của cả bề mặt xã hội làm cho lòng tác giả nhức nhối. Nhưng căn bản chính đạo nghĩa sâu sắc của cha mẹ đã in sâu trong ý thức, trái tim nhà thơ để anh khắc họa lên.

    Thành thử bài thơ tuy viết khái quát mà vẫn đa diện: gia đình và xã hội, tình cảm, đạo đức gắn bó với tình yêu quê hương tha thiết. Trong thơ những hình ảnh cụ thể nhưng lại có ý nghĩa biểu tượng như "cây cau cũ", "cái giại" ở hiên nhà (là tấm bình phong đan bằng tre thường thấy ở một số làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ), được tác giả đưa vào trong thơ. Nó gắn bó cả cuộc đời của mẹ và gia đình anh.

    Bờ sông vẫn gió của Trúc Thông là một bài thơ lục bát đạt đến độ chuẩn mực, kết hợp với lối gieo thơ theo cảm xúc phóng khoáng của thơ hiện đại. Hình tượng ngôn ngữ giầu chất dân gian, phong thái thanh tao, âm hưởng nhẹ nhàng thường thấy ở dòng thơ cổ phương Đông. Nhịp điệu khi thì đều đều theo nhịp hai, như:

                  Lá ngô/
                               lay ở/
                                         bờ sông...

    Khi thì dồn nén, hối hấp theo sự thôi thúc của tình cảm, chuyển sang nhịp bốn ở câu sau:

                  Bờ sông vẫn gió/
                                             người không thấy về

    Hoặc là chuyển thành nhịp ba ở câu bốn:

                  Một lần cuối/
                                       một lần về/
                                                          cuối thôi...

    Tạo thành mạch liên hoàn từ đầu đến cuối.  Những câu chữ, hình ảnh được lựa chọn khá tinh tế, gần gũi, chân thực với đời sống mà ý tứ vẫn sâu sắc. Giọng thơ trong tiếng nhạc lòng trầm, buồn... nhưng thơ vẫn mới, vẫn tươi. Bờ sông vẫn gió là bài thơ hay nhất của nhà thơ Trúc Thông - Theo như Ông nói: Ông viết thể nghiệm và đã thành công khi sáng tác bài thơ lục bát này.

  Phạm Ngọc Thái
  ngocthai1948@gmail.com

READ MORE - MỘT BÀI LỤC BÁT HAY: BỜ SÔNG VẪN GIÓ - Phạm Ngọc Thái bình thơ Trúc Thông

Trúc Thanh Tâm - NGƯỜI CON GÁI QUẢNG TRỊ - NGÀY VỀ ĐẤT MŨI - GỞI HỒN TA TRONG NẮNG ẤM GÒ CÔNG

Nữ sinh Quảng Trị - 1972

NGƯỜI CON GÁI QUẢNG TRỊ

Chiều phố quận ta nghe mùa chuyển dạ
Mắt tiểu thư còn gợn chút u hoài
Con ve lạc, mùa hè ran tiếng khóc
Nắng rát lòng thắp lửa đỏ trên cây !

Mù khói chiến, cổ thành sầu lặng lẽ
Ta phương trời cứ ùa tiếp chiêm bao
Nhớ Quảng Trị lòng ta như dao cứa
Nên dỗ dành xin hẹn lại em sau !

Gió lật lá, khép mùa xưa vỡ kín
Ta đành lòng, không dám nói yêu ai
Dòng Thạch Hãn chở tình vào kỷ niệm
Xin một lần nhỏ lệ xuống tương lai !



Nữ sinh Cà Mau - 2012


 NGÀY VỀ ĐẤT MŨI

 Thời gian kéo lại nỗi buồn
 Biển xa mời gọi, nắng dồn bước chân
 Hương rừng, Đất Mũi tình thân
 Cà Mau ơi, những thăng trầm, đắng cay

 Ở đâu cũng gặp áo dài
 Ở đâu cũng có nụ cười hồn nhiên
 Tuyệt vời nhìn tóc bay nghiêng
 Hương người, hương đất còn triền miên yêu !

       


GỞI HỒN TA
TRONG NẮNG ẤM GÒ CÔNG


Hạnh phúc nhô lên thành chồi xanh biếc
Mây cứ trôi - Ai nhốt được mây trời
Ta bắt gặp nắng vờn qua mái tóc
Gởi hồn ta, nắng ấm Gò Công ơi !

Rất xa lạ từ nhịp chân ta bước
Ta có quen - Em có hẹn bao giờ
Nhưng sao cứ lòng ta hồi hộp lạ
Mây trên trời bay quyện cũng thiết tha !

Người có yêu - Sao tình hoài giấu mặt
Trời Gò Công rực rỡ giục lòng ta
Những đắm đuối thời gian trôi rất khẽ
Nức lòng ta, chiu chắt một hồn thơ !

Mai xa lắm, Gò Công quên hay nhớ
Gởi tình ta ăm ắp một Cần Thơ
Em cứ nhận giùm ta mùa hạnh phúc
Sóng lòng ta, em nổi gió hẹn hò !

Những dáng dấp của một thời con gái
Ta say mê, khao khát một tình đầu
Những nháy mắt, những cười duyên bẽn lẽn
Thôi cứ dành tất cả để cho nhau !

TRÚC THANH TÂM
READ MORE - Trúc Thanh Tâm - NGƯỜI CON GÁI QUẢNG TRỊ - NGÀY VỀ ĐẤT MŨI - GỞI HỒN TA TRONG NẮNG ẤM GÒ CÔNG

NHỮNG DÒNG SÔNG CÁI - thơ Nguyễn An Bình

Chợ nổi trên sông Cái Răng

Lâu lắm không về thăm Cái Nai
Bờ xa con nước chảy đêm ngày
Ô rô mọc nhánh đời hoang dại
Ta thấy phù sa đọng gót ai?

Lâu lắm không về thăm Cái Sâu
Quê thằng bạn học thuở xanh đầu
Nước ngược ghe chèo quanh quẩn mãi
Ngọn nguồn cũng mấy dòng sông sâu.

Lâu lắm không về thăm Cái Răng
Cầu tre mấy nhịp nhớ âm thầm
Ta nhớ bần xanh cùng khế chín
Thèm ăn nem nướng lúc dừng chân.

Lâu lắm chưa về thăm Cái Da
Mái dầm xanh ngắt ánh trăng già
Đất mỡ đóng phèn tà áo trắng
Gái vườn quê…cũng đẹp kiêu sa.

Lâu lắm không về thăm Cái Côn
Hàng cau tươi mát cả con thôn
Đất đỏ đường quê sao vương vấn
Lục bình tím ngát cả dòng sông.

Lâu lắm không về thăm Cái Trâm
Mùa xuân ở đó rộ mai vàng
Có cô thôn nữ cười e ấp
Nắng lóa trên tàn bông bí xanh.

Lâu lắm không về thăm Cái Dầu
Người xa quê nhỏ biết về đâu?
Khói sương che lắp bờ lau sậy
Mõi mắt trông ai đến bạc đầu.

NGUYỄN AN BÌNH
luongmanh2106@gmail.com
READ MORE - NHỮNG DÒNG SÔNG CÁI - thơ Nguyễn An Bình

VẪN ĐI TÌM - thơ: Ngọc Tình - họa: Hồ Trọng Trí, Lê Văn Thanh

NGỌC TÌNH

VẪN ĐI TÌM

Anh vẫn đi tìm hương cũ đây 
Dù mưa hay nắng dẫu bao ngày 
Thương thầm thuở ấy thơ ngây lắm 
Hôn vụng buổi nào ngan ngát say 
Hoa bưởi nàng trao vương vấn mãi 
Bến sông ta đợi luyến lưu hoài 
Mất nhau đau đớn cùng năm tháng 
Anh vẫn đi tìm hương cũ đây.

TN 11-5-2013
Ngọc Tình
nguyentinhtn@yahoo.com.vn





Bài họa 1:

MÃI NHỚ TÌNH EM

Tình em như hiện diện quanh đây.
Dẫu đã xa nhau tự bấy ngày.
Nhớ lắm nụ hôn trao vụng dại.
Thương sao kỷ niệm ngất ngây say          
Khăn tay em tặng thơm hương mãi.
Bến nước anh mong quyến luyến hoài.
Ấp ủ trong tim hình ảnh ấy!
Tình em như ẩn hiện quanh đây...
                                          
Hồ Trọng Trí
Kim Long, BRVT
trongtri42@gmail.com

                                 Bài họa 2:


                                 HƯƠNG TÌNH CŨ

                   Hương tình như phảng phất đâu đây
                   Dù bụi thời gian xóa dấu ngày
                   Hàng dậu thân thương hồi hộp đợi
                   Ánh trăng đồng lõa nhớ nhung hoài
                   Ái ân vụng dại ngu ngơ lắm
                   Cảm xúc dâng trào ngây ngất say
                   Mái tóc sương pha còn luyến tưởng
                   Hương tình như phảng phất đâu đây

                                     Lê Văn Thanh
                                     vanthanh44@gmail.com
READ MORE - VẪN ĐI TÌM - thơ: Ngọc Tình - họa: Hồ Trọng Trí, Lê Văn Thanh

Ký sự Tây Bắc của Lê bá Lư - Kỳ 2: THĂM DINH VUA MÈO Ở HÀ GIANG

    Khởi hành từ thành phố Hà Giang lúc 5 giờ sáng, xe chạy dọc quốc lộ 4C, qua các cung đường  khúc khuỷu, quanh co theo các sườn núi đầy sương mù. Một bên là vách núi, một bên là vực thẳm đầy mạo hiểm, nhưng sự khát khao khám phá đã làm chúng tôi không còn âu lo. 


   Đến 6h20, đoàn chúng tôi dừng lại ở thị trấn Quản Bạ, thỏa thích ngắm cổng trời Quản Bạ lúc bình minh, ăn điểm tâm và tiếp tục lên đường đến dinh vua Mèo Vương Chính Đức, ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang -  một di tích lịch sử, kiến trúc độc đáo, được xây dựng cách đây tròn một thế kỷ, là một điểm du lịch nổi tiếng vùng Tây bắc mà hầu như ai cũng ước ao được một lần đến thăm.

    Đến 10 giờ 20, đoàn chúng tôi đã đến cổng dinh. Cảm nhận đầu tiên của tôi khi mới tiếp cận là cái thế phong thủy rất đắc địa và hấp dẫn của dinh vua Mèo. Tọa lạc giữa một thung lủng, bao bọc chung quanh là những dãy núi cao trùng điệp như những bức trường thành thiên nhiên vững chãi muôn đời, dinh nằm trên một khu đất có hình khum khum như mu rùa, lưng  dựa vào vách núi, trước mặt là khoảng đất rộng như quảng trường, tạo cho dinh một dáng oai phong, bền vững, dễ khiến người xem  liên tưởng đến quyền lực hùng mạnh một thời của các vua Mèo.
  
     Bước lên khoảng trăm bậc thang bằng đá  giữa hai hàng cây sa mộc xanh tươi cao vút là lên đến cổng chính của dinh. Hai bên cổng có hai câu đối bằng chữ Hán:
    “Gia tích thiện hiền nhân xuất nhập
     Môn phong lưu quý khách vãng lai”
(Tạm dịch: nhà tích thiện người hiền vô ra. Cửa phong lưu khách quý lui tới).

     Dinh  được xây  theo lối kiến trúc của vua chúa, quan quyền ngày xưa, gồm 3 phần: tiền dinh, trung dinh, hậu dinh, cao dần từ tiền đến hậu, là những dãy nhà hai tầng, liền kề, làm bằng các loại gỗ tốt nhất, mái lợp ngói âm dương. Tất cả gồm 3 dãy nhà ngang và hai dãy nhà dọc. Khoảng cách giữa các dãy nhà ngang, dọc là các khoảng sân vuông lát đá rộng chừng 100m2. Những hoa văn chạm trổ ở các khung cửa, chân cột, đuôi kèo… có hình quả anh túc (thuốc phiện). Toàn bộ dinh có 64 phòng lớn nhỏ, là những chỗ làm việc, tiếp khách của “vua”; nơi ở và sinh hoạt của các thành viên trong gia đình; một số phòng là kho chứa của cải,  vũ khí, thuốc phiện….Trong khu dinh thự còn có một hồ chứa nước mưa khá lớn và hồ bơi, bể tắm sữa dê...

     “Nội thành” dinh có diện tích gần 1.500m2, bao bọc 4 phía là các vách tường kiên cố xây bằng đá xanh, cao khoảng 2,5mét và dày gần 1 mét, có các tháp canh bảo vệ.

     Nằm hai bên cổng chính ở phía ngoài là một số lăng mộ của gia tộc họ Vương; khu trưng bày giới thiệu sản phẩm vùng Tây Bắc và các nét văn hóa, đời sống lao động sản xuất đặc trưng của đồng bào người H’Mông. Cách dinh chừng 80 mét là khu chợ phiên Tả Phìn. Chợ này mỗi tuần họp một ngày và cứ lùi dần. Nếu tuần này chợ họp ngày thứ bảy thì tuần sau họp thứ sáu và tuần sau nữa họp ngày thứ năm, nên còn gọi là chợ Lùi.

     Dinh vua Mèo ngày nay có tên gọi là “Khu nhà Vương”, đã được Nhà nước công nhận là "Di tích Quốc gia” từ năm 1993 và  đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, không thể thiếu cho du khách khi đến thăm Hà Giang và Tây Bắc nói chung.

     Lê Bá Lư


  
Đường đến dinh vua Mèo
                

Lối vòng xuống thung lủng
   

 
      Phía trước dinh vua Mèo

     Lối vào cổng chính dinh vua Mèo


       Tường vách xây bằng đá xanh kiến cố bao quanh dinh


      Cổng chính dinh có hai câu đối nói lên tư tưởng và phong cách của chủ nhân


   Chụp hình kỷ niệm trước cổng dinh


    Dãy nhà ngang dọc


   Dãy nhà dọc ngang


Các dãy nhà

   Vua Mèo cùng gia đình và quân sĩ bảo vệ


   Vua Mèo cùng vợ thứ 3 và con trai


   Phòng ở của vợ cả


Phòng ở của vợ hai


   Phòng ở của vợ ba


      Bàn tiếp khách của vua Mèo

   Khách hậu sinh đến tham quan


   Bếp sưởi chung  về mùa đông cho gia đình


   Giường ngủ của vợ ba


     Phòng nấu ăn


    Phòng dệt cửi


    Phòng ăn


    Kho vũ khí


    Vũ khí


   Kho thuốc phiện


  Mẫu thuốc phiện


    Bể tắm sữa dê của các bà vợ vua Mèo


    Cô Vương Thị Chở- hướng dẫn viên tham quan là hậu duệ vua Mèo.



Bằng xếp hạng di tích quốc gia

 Mộ ông Vương Chí Thành (Vương Chí Sình), con trai vua Mèo Vương Chính Đức, là đại biểu Quốc hội khóa 1 và 2.


Tác giả đứng trước một ông Vương Chí Thành


   Chợ phiên hay là chợ Lùi Sà Phìn


Tác giả trước chợ Sà Phìn


READ MORE - Ký sự Tây Bắc của Lê bá Lư - Kỳ 2: THĂM DINH VUA MÈO Ở HÀ GIANG

ĐÊM HUẾ - thơ Huy Uyên



Là đêm đi bên sông
thoáng nghe giọng ca Huế buồn đâu đó
là hai bờ cách trở
chia tay cho đến bây giờ.

Thả hồn theo những chuyến đò
hỏi nước xao buồn mấy thuở
chỉ màu mây thôi vắt ngang sóng vỗ
đủ cho người níu lại phút giây
ngờ bên thành thoáng tóc ai bay
che kín Huế sắc màu lụa tím.

Là những đêm thơ thẩn
nhớ đớn đau về một mối tình
người đi lâu rồi sao không quay lại.

(Em có biết là tôi hoài chờ đợi
một chút gì tuyệt vọng một chút mong
tội cho tôi và tội cả dòng sông
rêu đã phủ dưới chân người buổi trước).

Còn lại Huế với đêm mộ khúc
bước theo người từng đoạn sông trôi
trong vườn xưa hoa lá cũng buồn thôi
hát tiếng yêu người
và ngậm ngùi cùng Huế

Huy Uyên
READ MORE - ĐÊM HUẾ - thơ Huy Uyên

NGHIÊNG - thơ Trần Thị Quỳnh Hoa


     NGHIÊNG (1)
     Nắng nghiêng trên má em hồng
     Mây nghiêng trên tóc bềnh bồng hương yêu
     Mưa nghiêng cho phố đìu hiu
     Hoàng hôn nghiêng nhuộm tím chiều thêm duyên
     Vai nghiêng cho nhẹ ưu phiền
     Lòng nghiêng tìm đến bình yên những ngày
     Mắt nghiêng tìm bóng hình ai
     Đầu nghiêng tìm một bờ vai ân tình
     Môi nghiêng tìm nét môi xinh
     Đêm nghiêng chút nhớ… linh đinh phận người

     01/8/2012
     TT.Quỳnh Hoa




    NGHIÊNG (2)

Một mình ngồi giữa mênh mông
Trời nghiêng chút tím cho lòng chơi vơi
Mây nghiêng về phía chiều rơi
Chiều nghiêng nghiêng bóng ru đời xanh xao
Gió nghiêng về tận phương nào
Tình xưa thôi đã nghiêng vào hư không
Nghiêng lòng tìm phút thong dong
Xin em nghiêng chút tình hồng cho ta
Đường xưa nghiêng... bước em qua
Hồn anh nghiêng nhớ dáng ngà mi ngoan
Mắt nghiêng theo cánh chim ngàn
Lá thu nghiêng đổ… đâu làn hương yêu !
Tình nghiêng nghiêng…
Đời liêu xiêu.

9/5/2013
TT.Quỳnh Hoa
READ MORE - NGHIÊNG - thơ Trần Thị Quỳnh Hoa