Khởi hành từ thành phố Hà Giang lúc 5 giờ sáng, xe chạy dọc quốc lộ 4C, qua các cung đường khúc khuỷu, quanh co theo các sườn núi đầy sương mù. Một bên là vách núi, một bên là vực thẳm đầy mạo hiểm, nhưng sự khát khao khám phá đã làm chúng tôi không còn âu lo.
Đến 6h20, đoàn chúng tôi dừng lại ở thị trấn Quản Bạ, thỏa thích ngắm cổng trời Quản Bạ lúc bình minh, ăn điểm tâm và tiếp tục lên đường đến dinh vua Mèo Vương Chính Đức, ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang - một di tích lịch sử, kiến trúc độc đáo, được xây dựng cách đây tròn một thế kỷ, là một điểm du lịch nổi tiếng vùng Tây bắc mà hầu như ai cũng ước ao được một lần đến thăm.
Đến 10 giờ 20, đoàn chúng tôi đã đến cổng dinh. Cảm nhận đầu tiên của tôi khi mới tiếp cận là cái thế phong thủy rất đắc địa và hấp dẫn của dinh vua Mèo. Tọa lạc giữa một thung lủng, bao bọc chung quanh là những dãy núi cao trùng điệp như những bức trường thành thiên nhiên vững chãi muôn đời, dinh nằm trên một khu đất có hình khum khum như mu rùa, lưng dựa vào vách núi, trước mặt là khoảng đất rộng như quảng trường, tạo cho dinh một dáng oai phong, bền vững, dễ khiến người xem liên tưởng đến quyền lực hùng mạnh một thời của các vua Mèo.
Bước lên khoảng trăm bậc thang bằng đá giữa hai hàng cây sa mộc xanh tươi cao vút là lên đến cổng chính của dinh. Hai bên cổng có hai câu đối bằng chữ Hán:
“Gia tích thiện hiền nhân xuất nhập
Môn phong lưu quý khách vãng lai”
(Tạm dịch: nhà tích thiện người hiền vô ra. Cửa phong lưu khách quý lui tới).
Dinh được xây theo lối kiến trúc của vua chúa, quan quyền ngày xưa, gồm 3 phần: tiền dinh, trung dinh, hậu dinh, cao dần từ tiền đến hậu, là những dãy nhà hai tầng, liền kề, làm bằng các loại gỗ tốt nhất, mái lợp ngói âm dương. Tất cả gồm 3 dãy nhà ngang và hai dãy nhà dọc. Khoảng cách giữa các dãy nhà ngang, dọc là các khoảng sân vuông lát đá rộng chừng 100m2. Những hoa văn chạm trổ ở các khung cửa, chân cột, đuôi kèo… có hình quả anh túc (thuốc phiện). Toàn bộ dinh có 64 phòng lớn nhỏ, là những chỗ làm việc, tiếp khách của “vua”; nơi ở và sinh hoạt của các thành viên trong gia đình; một số phòng là kho chứa của cải, vũ khí, thuốc phiện….Trong khu dinh thự còn có một hồ chứa nước mưa khá lớn và hồ bơi, bể tắm sữa dê...
“Nội thành” dinh có diện tích gần 1.500m2, bao bọc 4 phía là các vách tường kiên cố xây bằng đá xanh, cao khoảng 2,5mét và dày gần 1 mét, có các tháp canh bảo vệ.
Nằm hai bên cổng chính ở phía ngoài là một số lăng mộ của gia tộc họ Vương; khu trưng bày giới thiệu sản phẩm vùng Tây Bắc và các nét văn hóa, đời sống lao động sản xuất đặc trưng của đồng bào người H’Mông. Cách dinh chừng 80 mét là khu chợ phiên Tả Phìn. Chợ này mỗi tuần họp một ngày và cứ lùi dần. Nếu tuần này chợ họp ngày thứ bảy thì tuần sau họp thứ sáu và tuần sau nữa họp ngày thứ năm, nên còn gọi là chợ Lùi.
Dinh vua Mèo ngày nay có tên gọi là “Khu nhà Vương”, đã được Nhà nước công nhận là "Di tích Quốc gia” từ năm 1993 và đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, không thể thiếu cho du khách khi đến thăm Hà Giang và Tây Bắc nói chung.
Lê Bá Lư
Đường đến dinh vua Mèo |
Lối vòng xuống thung lủng |
Phía trước dinh vua Mèo
Lối vào cổng chính dinh vua Mèo
Tường vách xây bằng đá xanh kiến cố bao quanh dinh
Cổng chính dinh có hai câu đối nói lên tư tưởng và phong cách của chủ nhân
Chụp hình kỷ niệm trước cổng dinh
Dãy nhà ngang dọc
Dãy nhà dọc ngang
Các dãy nhà |
Vua Mèo cùng gia đình và quân sĩ bảo vệ
Vua Mèo cùng vợ thứ 3 và con trai
Phòng ở của vợ cả
Phòng ở của vợ hai
Phòng ở của vợ ba
Bàn tiếp khách của vua Mèo
Khách hậu sinh đến tham quan
Bếp sưởi chung về mùa đông cho gia đình
Giường ngủ của vợ ba
Phòng nấu ăn
Phòng dệt cửi
Phòng ăn
Kho vũ khí
Vũ khí
Kho thuốc phiện
Mẫu thuốc phiện
Bể tắm sữa dê của các bà vợ vua Mèo
Cô Vương Thị Chở- hướng dẫn viên tham quan là hậu duệ vua Mèo.
Bằng xếp hạng di tích quốc gia |
Mộ ông Vương Chí Thành (Vương Chí Sình), con trai vua Mèo Vương Chính Đức, là đại biểu Quốc hội khóa 1 và 2.
Tác giả đứng trước một ông Vương Chí Thành |
Chợ phiên hay là chợ Lùi Sà Phìn
Tác giả trước chợ Sà Phìn |
No comments:
Post a Comment