BỜ SÔNG VẪN GIÓ
Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió
người không thấy về
Xin người hãy trở về quê
Một lần cuối... một lần về cuối thôi
Về thương lại bến sông trôi
Về buồn lại đã một đời tóc xanh
Lệ xin giọt cuối để dành
Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha
Cây cau cũ, giại hiên nhà
Còn nghe gió thổi sông xa một lần
Con xin ngắn lại đường gần
Một lần... rồi mẹ hãy dần dần đi...
Trúc Thông
Đây là bài thơ mà
nhà thơ Trúc Thông khóc mẹ. Mới đọc ngỡ như anh đang đứng trước hương hồn người
mẹ của mình đã khuất nơi chín suối, để trào ra những dòng thơ thương cảm. Nhưng
không, bài thơ này Trúc Thông đã viết vào năm 1983 trong một lần trở về thăm
quê, khi đó người mẹ của anh vẫn đang cùng anh sống ngoài Hà Nội. Một năm sau
đó (1984) mẹ của nhà thơ mới qua đời. Nghĩa là, linh cảm về cái mất của bà mẹ
già yếu đang gấp gáp đến gần, nên lời thơ nghẹn ngào xúc động, thấm đầy lệ.
Đứng bên con sông
Châu chảy qua tỉnh Hà Nam ,
cũng chính là dòng sông chảy qua quê hương của cố nhà văn Nam Cao, đồng tỉnh
với quê hương của nhà thơ. Bên bờ sông ấy nhà thơ than thở:
Lá
ngô lay ở bờ sông
Bờ
sông vẫn gió
người không thấy về
Hình ảnh bờ sông,
bãi ngô rất thân thiết, gần gũi với một làng quê Việt Nam . Đọc câu thơ ta liên tưởng tới
bài thơ nổi tiếng "Đây thôn Vỹ Dạ" của thi nhân Hàn Mặc Tử, có câu
Người đã viết:
Dòng
nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thông qua hình ảnh
"... hoa bắp lay": âm hưởng lay lắt, chuyển động yếu ớt của những
bông hoa bắp như thể hơi thở trút ra mỏng manh, cô quắt đồng hoạ với cảnh
"dòng nước buồn thiu" để diễn tả tâm trạng cô đơn, buồn nản vì thương
nhớ người yêu cách biệt trong mối tình đơn phương của thi nhân.
Nhưng cái từ
"lay" của những lá ngô trong bài thơ Bờ Sông Vẫn Gió của Trúc Thông
thì lại diễn tả tâm trạng xao động, xót thương nghĩ về mẹ chứa chất một cái gì
đó đang dâng lên ở trong lòng. Đồng vọng với tiếng "lay" kia thì
tiếng gió thổi: Bờ sông vẫn gió.../- cũng dào dạt mạnh mẽ, để rồi tác giả hạ nốt nửa vế của câu thơ:
...người không thấy về/- Vậy là, dù cùng một từ "lay" với hình ảnh gió
ven sông nhưng ở hai bài thơ đã diễn tả hai trạng thái tình cảm khác nhau, đều
xúc tích đạt đến hiệu quả của mỗi tình thơ riêng.
Đoạn giữa là khổ
thơ chính của bài, liền mạch tám câu nhưng ý thơ được cấu tứ thành bốn cặp. Cứ
mỗi cặp hai câu nối tiếp nhau đan kết một cách khái quát quanh tình cảm và cuộc
đời người mẹ cùng với quê hương:
Xin
người hãy trở về quê
Một
lần cuối... một lần về cuối thôi
Ta thấy sự gắn bó
giữa quê cha đất tổ, nơi chôn nhau cắt rốn với tình thân mẫu của nhà thơ. Cái
điệp khúc "một lần cuối" hơi thơ dồn dập, bởi nỗi lòng mong mỏi, khắc
khoải của người con, điệp với ý cụm từ "một lần" ở khổ thơ giữa:
Một lần
cuối... một lần về cuối thôi
và:
Còn
nghe gió thổi sông xa một lần
Đến câu kết được
điệp lại một lần nữa, thả dần tình thơ... như việc xây dựng cao trào xong rồi
cởi nút kết thúc một vở kịch vậy:
Một
lần... rồi mẹ hãy dần dần đi...
Nỗi thơ thêm quặn
thắt, tạo thành tụ điểm của tình cảm, tư tưởng nhà thơ. Nhưng nhà thơ mong mỏi
người mẹ của mình kịp về quê một lần nữa để làm gì?
Về
thương lại bến sông trôi
Về
buồn lại đã một đời tóc xanh
"Bến
sông" nghĩa là quê hương. Còn "bến sông trôi..." - Chữ
"trôi" ở đây để nói về năm tháng chìm nổi của mẹ đã trải cả "một
đời tóc xanh...". Hai câu thơ không chỉ nói về nghĩa gian truân, mà còn
hàm ý sâu sắc sự gắn bó máu thịt giữa quê hương với cuộc đời của mẹ. Hai chữ
"thương" và "buồn" dùng thật đắt. Nó không phải chỉ để gợi
lại nỗi sầu khổ của cuộc đời, mà nếu có thì cũng quyện trong những tình cảm
thân thương da diết, làm cho tình thơ cảm kích một cách lạ thường.
Thực ra khi tác
giả viết:
Lệ
xin giọt cuối để dành
Chỉ là cách nói
trào ra do cảm xúc thơ, chứ còn cả bài thơ đã đầy lệ rồi! Cái giọt lệ cuối ấy
để đến khi:
Trên
phần mộ mẹ nương hình bóng cha
Câu thơ này Trúc
Thông đã đề cập đến mối quan hệ, tình cảm phu thê gắn bó không thể tách rời
trong cuộc đời của mẹ. Trong thời hiện đại chúng ta ngày nay, nền giáo lý bị
xàm xỡ quá nhiều. Nghĩa phu thê nhiều lúc, nhiều nơi bị phá vỡ từng mảng. Đạo
vợ chồng cũng không còn giữ được một quan hệ đạo đức cần thiết. Chồng thì thiếu
sự mực thước, vợ lại quá trớn không có được đức tính tốt đẹp của người phụ nữ.
Có lẽ do tác động của cả bề mặt xã hội làm cho lòng tác giả nhức nhối. Nhưng
căn bản chính đạo nghĩa sâu sắc của cha mẹ đã in sâu trong ý thức, trái tim nhà
thơ để anh khắc họa lên.
Thành thử bài thơ
tuy viết khái quát mà vẫn đa diện: gia đình và xã hội, tình cảm, đạo đức gắn bó
với tình yêu quê hương tha thiết. Trong thơ những hình ảnh cụ thể nhưng lại có
ý nghĩa biểu tượng như "cây cau cũ", "cái giại" ở hiên nhà
(là tấm bình phong đan bằng tre thường thấy ở một số làng quê vùng đồng bằng
Bắc Bộ), được tác giả đưa vào trong thơ. Nó gắn bó cả cuộc đời của mẹ và gia
đình anh.
Bờ sông vẫn
gió của Trúc Thông là một bài thơ lục bát đạt đến độ chuẩn mực, kết hợp
với lối gieo thơ theo cảm xúc phóng
khoáng của thơ hiện đại. Hình tượng ngôn ngữ giầu chất dân gian, phong thái
thanh tao, âm hưởng nhẹ nhàng thường thấy ở dòng thơ cổ phương Đông. Nhịp điệu
khi thì đều đều theo nhịp hai, như:
Lá
ngô/
lay ở/
bờ sông...
Khi thì dồn nén,
hối hấp theo sự thôi thúc của tình cảm, chuyển sang nhịp bốn ở câu sau:
Bờ
sông vẫn gió/
người không thấy về
Hoặc là chuyển
thành nhịp ba ở câu bốn:
Một
lần cuối/
một
lần về/
cuối thôi...
Tạo thành mạch
liên hoàn từ đầu đến cuối. Những câu
chữ, hình ảnh được lựa chọn khá tinh tế, gần gũi, chân thực với đời sống mà ý
tứ vẫn sâu sắc. Giọng thơ trong tiếng nhạc lòng trầm, buồn... nhưng thơ vẫn
mới, vẫn tươi. Bờ sông vẫn gió là bài thơ hay nhất của nhà thơ Trúc
Thông - Theo như Ông nói: Ông viết thể nghiệm và đã thành công khi sáng tác bài
thơ lục bát này.
Phạm Ngọc Thái
ngocthai1948@gmail.com
No comments:
Post a Comment