Tác giả Hoàng Đằng
CHỈ TẠI MỘT LỜI NÓI
Hoàng Đằng
Tịnh xá nằm khuất giữa một khu vườn rộng rậm rạp cây cối cách thành phố khoảng 3 cây số.
Một bà già thường xuyên vô ra lui tới, đầu cạo nhẵn tóc, thân khoác áo khi thì màu nâu sòng, khi thì màu lam khói. Trông dáng quý phái của bà, khách lạ tưởng bà là ni sư trụ trì tịnh xá; thật ra không phải! Hàng ngày bà tình nguyện đến để làm tạp dịch và nương nhờ cửa Phật.
Hình ảnh bà cầm chổi quét mệt nhọc cái sân rộng cả sào đất đã in sâu vào tâm trí thiện nam tín nữ thường đến tịnh xá và họ biết tên, gọi bà là bà Huế.
Những cây cổ thụ bao quanh sân, tán lá xoè rộng phủ gần hết nửa sân. Đêm nào, gió ít, trên sân, số lượng lá rụng chỉ nằm rải rác; đêm nào, gió nhiều, ôi thôi! mặt sân phủ một lớp lá dày. Bà Huế đẩy cái chổi một hồi, dừng nghỉ, hai đầu gối khép lại kẹp chổi, hai bàn tay đặt vào thắt lưng, mình uốn éo, vặn vẹo, mắt nhìn xa xăm. Những suy nghĩ về thế sự nhân tình trong trí não hình như đang buông theo tầm mắt của bà. Cái chổi quá to, quá nặng so với sức vóc của bà; lại thêm, do tuổi tác cao, cột sống của bà thoái hoá, chùn xuống, thỉnh thoảng đau nhức.
Trước năm 1975, o Huế là gái đẹp nhất ở làng quê nằm bên cạnh tịnh xá bây giờ. Da dẻ trắng hồng, khuôn mặt tươi rói. Thấy o, người làng cứ xầm xì:
- Cái mặt con Huế trông đẹp rứa, vui rứa, chắc nó được thụ thai vào giờ phút ba mạ nó nằm với nhau, vừa “mần chuyện nớ” vừa cười đùa.
Người o dong dỏng cao, dáng đi uốn éo khoan thai không khác chi các siêu mẫu trên sàn diễn bây giờ. Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, ba là công chức, mẹ có quầy hàng tạp hoá ở chợ, o được đi học, hết tiểu học, lên trung học; o có may mắn là không giống với các gái làng cùng lứa phải ở nhà phụ giúp bố mẹ giữ em, xay lúa, giã gạo, hay chăn bò, cắt cỏ ...
Vào những ngày chủ nhật hay ngày nghĩ lễ, nhà o có bạn trai bạn gái cùng học tới chơi. Hàng ổi sát bờ ao sau vườn rộn tiếng reo hò mỗi khi một bạn nào đó tìm được trái chín to, mỗi bạn chìa miệng cắn một miếng. Giàn mướp trước sân nở bông vàng, những chú bướm đủ màu la cà tìm nơi đậu hút mật nhuỵ; những bạn gái có thói quen rình rập bắt bướm, ép vào sách xem như một thú chơi để dành chèn vào thư hồi âm thư tình bạn trai gởi đến; mỗi lần bạn nào bắt được chú bướm xinh đẹp vừa ý, nhiều bạn xúm xít, chiêm ngưỡng, nâng niu. Trai gái làng thấy vậy, ganh tỵ, thèm thuồng; họ nhìn o Huế với cặp mắt không thân thiện.
Đến tuổi lấy chồng được, o không được gia đình nào trong làng đặt vào tầm ngắm chọn vợ cho con họ. Đối với họ, o Huế không những thuộc giai cấp cao xa mà o còn chưa từng trải nghiệm công việc của một phụ nữ nông thôn; o không biết gieo cấy, gặt hái, xay giã, giần sàng ... Ai cũng sợ cưới o về không biết sắp xếp việc chi trong nhà cho o làm.
Trái lại, trai trên thành phố thì lắm người ngấp nghé o; khốn nỗi về nhà o để tỏ tình, họ sợ trai làng. Trai làng này dữ lắm, họ quan niệm rất ích kỷ: “Trâu đồng nào ăn cỏ đồng ấy”, cỏ không ăn thì cứ để đấy cho tốt, mắc mớ chi mà cho trâu làng khác tới ăn. Nhiều vụ đánh lộn từng xẩy ra giữa trai làng và trai khác xứ muốn đến làm rể làng này. Cuối cùng, một sĩ quan quân đội cộng hoà đóng đồn phía trên làng, tình cờ gặp o, bén duyên, lửa tình bùng cháy, thỉnh thoảng lái xe jeep về tán; trai làng thấy sĩ quan thì sợ; sợ cũng phải vì sau lưng sĩ quan, còn nhiều lính, kèm theo súng ống, lựu đạn, đánh nhau không chừng toi mạng!
Chuyện o Huế được sĩ quan cộng hoà về “cua” (faire la cour) chưa đến đâu thì đất nước sang trang; ông sĩ quan vốn gốc người Nam theo đoàn quân rã ngũ tháo chạy không biết còn hay mất, chả có tin tức gì.
Sau năm 1975, dưới chế độ mới, gia đình o gặp nhiều khó khăn. Cha o phải đi học tập cải tạo dài ngày; cửa hàng tạp hoá của mẹ o cũng không còn; nhà nước chủ trương xoá bỏ buôn bán cá thể; sống với làng xóm, cả nhà o phải vô hợp tác xã nông nghiệp xem như kế mưu sinh.
Về đường hôn nhân, o Huế không được ai ngó mắt tới. Đương nhiên thôi! Bọn thanh niên ai cũng mơ tương lai tốt đẹp; mà để được thế, vấn đề lý lịch góp phần lớn; lấy vợ từ một gia đình nguỵ quyền coi như một cản trở lớn trên con đường tiến thân.
O Huế bước qua tuổi hâm, hàng ngày phải theo đội, theo đoàn lao động. Làm ruộng nước không được, o xin vào đội trồng rau. Ở đội trồng rau, tuy tránh khỏi lội bùn ruộng, khỏi sợ những con đỉa bơi ngo ngoe trong nước tìm chân người bám hút máu, o phải đảm đương những công việc không nhẹ nhàng gì. O gánh gồng chưa quen vai, không thể bố trí o vào tổ gánh rau nhập cửa hàng mậu dịch nhà nước, ông đội trưởng đưa o vào tổ xử lý phân. Phân bò, phân trâu, phân lợn do xã viên chở ra nộp đổ thành đống, tổ xử lý phân dùng cuốc, dùng cào san ra trộn phân hoá học và vôi vào, đảo lui đảo tới như mấy o phụ hồ trộn vữa, rồi vun lại, kiếm cỏ khô đậy vài ngày cho phân hoai mục trước khi đem dùng trồng rau. Gặp những ngày xử lý phân Bắc – phân người, O Huế vừa làm vừa chảy nước mắt; phân bốc mùi hôi thối nồng nặc; từng đàn từng lũ giòi bò lổm ngổm, trông quá tởm! Buổi đầu, tổ xử lý phân chưa quen với cảnh ấy, tay thì đẩy cái xẻng, cái cào vào đống phân, mắt thì xoay nhìn ra ngoài, Dần dần, ai chịu được mùi thối, nhìn giòi không rùng mình, làm giỏi, năng suất lao động cao, thì từng quý được ban thi đua khen thưởng của hợp tác xã phong cho danh hiệu “kiện tướng phân bắc”; người mang danh hiệu này được vinh dự trong các đại hội hợp tác xã được xếp ngồi hàng trên, có cơ hội bắt tay các đại biểu cấp trên về chỉ đạo hội nghị.
Sau mấy năm lao động trong tổ, hầu hết các tổ viên, người trước kẻ sau, đều được phong “kiện tướng”, riêng o Huế thì không. Vốn là nữ sinh, o không thể nào nhanh nhẹn, dẻo dai về tay chân như các tổ viên là nông dân gia truyền, với lại, dù có quá trình xử lý phân lâu ngày, do máu không thích nghi, o vẫn nôn oẹ.
Thời gian cứ trôi, tuổi tác cứ thêm, nhan sắc tàn phai; sự tàn phai nhanh hơn khi môi trường sống thay đổi ngoài sức tưởng tượng. O Huế đến tuổi 30. Bà con thúc giục o nên kiếm chồng để có tương lai. Đêm nằm, không ngủ, o nghĩ không biết kiếm ai bây giờ; nam giới ngang tuổi hoặc lớn hơn o vài tuổi ai cũng yên bề gia thất, những lứa nhỏ tuổi hơn thì ít ai muốn lấy vợ nhiều tuổi hơn mình, có lý lịch “xấu”; vả lại, bây giờ, da dẻ o đen điu, mặt mày đầy vết nhăn, công việc bống lếu, mức thu nhập một ngày công chỉ vài lạng thóc; nơi o không còn gì để hấp dẫn nam giới. Tuy nhiên, đã là phụ nữ, nếu không phải xuất gia tu hành, ai cũng có những lúc rạo rực thèm muốn tình dục, khát khao được người khác giới vuốt ve, sờ mó, ôm nựng. Trong tâm trạng ấy, cơ duyên đã đến với o.
Người anh họ o đang làm công nhân một nông trường, cách nhà khoảng 20 cây số. Ở nông trường, một người bạn của anh ấy cũng là công nhân ngoài 30 tuổi chết vợ vừa mãn tang. Người anh họ muốn làm mối mai đưa hai người lại với nhau. Ông anh họ dẫn người bạn goá vợ về chơi làm quen. O Huế được báo trước, o hồi hộp, ngóng chờ cuộc gặp mặt, o nghĩ nên nấu nướng gì đó để đãi khách và tạo cơ hội ngồi gần nhau, nhìn người sắp thuộc về mình như thế nào. Thời buổi khó khăn, tiền không có trong túi, lo tiệc mặn rượu thịt thì trong nhà không sẵn gà, sẵn vịt, lo tiệc chay xôi chè thì trong hũ không sẵn nếp, sẵn đường; tính lui tính tới, o nãy ra sáng kiến, ra vườn nhổ mấy bụi sắn mì nè – loại sắn dẻo thơm – vô nấu, chờ khách tới, dọn ra mời. O đinh ninh món này ăn bữa lỡ, bữa chiều cũng tạm được.
Khách tới, o chào, dáng hơi e thẹn. O mời khách ngồi xuống cái ghế băng – đòn bào, rồi vội vàng lựa cái dĩa lớn đẹp nhất – cái dĩa có in hình 2 bông hồng tươi ở giữa chung quanh viền dây lá trang trí. O sắp sắn còn nóng hổi, bốc khói thành 2 chồng, bưng lên, đặt ngay giữa bàn, miệng đon đả mời khách:
- Mời anh dùng sắn với em cho vui. Sắn ni do em chọn giống, em trồng, em chăm bón, em thu hoạch, em nấu. Ăn đi anh! Sắn ngon em mới đãi anh đó!
Anh khách ăn liền mấy khúc, vừa ăn vừa nhìn o Huế, cái nhìn xăm soi khiến o “dị”, cứ cúi mặt, không chịu ngẩng lên. Khi vị giác đã thấm, anh khách thật bụng nhận xét:
- Sắn dẻo, thơm đây, nhưng ăn nhiều có cảm giác hơi “dẩn dẩn” (đăng đắng).
Nghe đến đó, o Huế dựng phắt đầu dậy, mặt nhìn chằm chằm vào anh khách, hình như o nghe nhầm hai từ “dẩn dẩn” thành “danh dảnh”, o giận lộn ruột, nói như mắng:
- Tưởng thấy răng, chứ thấy “danh dảnh” (1) thì đừng lui tới nữa.
Anh khách lạnh xương sống, mặt đờ đẫn, tim tái, đứng dậy, ra về, chỉ ngoái lại nói được mấy tiếng:
- Thôi, tui về nghen!
Và anh một đi không bao giờ trở lại.
*
* *
Cha mẹ mất dần, anh chị em ruột đi kinh tế mới vào vùng Tây Nguyên, chỉ còn đứa em trai út ở lại trong nhà cha mẹ; o ở chung với gia đình nó. Ở chung, gặp nhiều chuyện xung khắc, không ưa ý, mất tự do, o dựng túp lều ngay trong vườn, sống một mình. Dù vậy, o vẫn hy vọng lúc già yếu có nó hay con cháu của nó qua lại chăm sóc, lúc chết đi, có nó đứng ra lo việc chôn cất.
Hàng ngày, O hay qua nhà hàng xóm chuyện trò những lúc rảnh rỗi cho vơi nỗi buồn cô đơn. Gần đây, nhà này có bà mẹ già liệt giường; không được con cháu lo vệ sinh đàng hoàng, người bà bốc mùi hôi khó ngửi. Để người ngoài khỏi chê trách, con bà di chuyển cái giường bà ra nằm sát chuồng lợn để mùi hôi của lợn át mùi hôi của mẹ. Thấy vậy, o Huế nghĩ cho thân phận mình. Mẹ mà người ta còn đối xử như thế huống gì chị. O quyết định ra tịnh xá trình bày với ni sư phát nguyện làm công quả để mong cậy nhờ nhà chùa lo việc hậu sự .
Thời gian này, dưới bóng Phật đài, o trông trắng trẻo, đẹp lão ra.
Hoàng Đằng
01/12/2016 (03/11/Bính Thân
------------------------------------------------------------
(1) "Dẩn dẩn" và “danh dảnh” là phương ngữ vùng Quảng Trị; "danh dảnh" chắc do từ kép “ranh mảnh” biến âm thành, mang thêm một ý nghĩa nữa là “chanh chua”