|
Ký họa của Phạm Hoan |
ĐÊM BA MƯƠI
Chùm thơ Lê Thiên Minh Khoa
LỜI BÌNH của Vũ Xuân Hương
ĐÊM
BA MƯƠI
Đêm
ba mươi ngồi đếm lại đời mình
khách tha phương cắn môi
thời gian day dứt
Đêm ba mươi rượu đến mềm môi
lùng bùng mắt
đôi chân nằm nghe đôi tay đi hoang
Đêm ba mươi nhớ những đêm ba mươi
bạn hát gì tôi không nhớ nổi
dừng lại hỏi: rêu có bò lên tuổi
tôi nghe tóc dài già nua
nghe chuyện cũ ba chục năm dồn lại
ngày sau là ngày xưa đẩy tới
Đêm ba mươi con thạch sùng tắc lưỡi
chuột gặm mái nhà quá tuổi
cô gái ba mươi thút thít phòng bên
thời gian lên men
không gian nứt ra mà chưa vỡ được
Và, đất trời ôm chặt lấy nhân gian...
LTMK
TỰ
HỌA ĐÊM BA MƯƠI
Bỏ
lại sau lưng đêm ba mươi
Bỏ
lại sau lưng tháng ngày phiền muộn
Tôi
lững thững quay về bến vắng
Để
tìm tôi.
LTMK
TỰ
THÚ ĐÊM BA MƯƠI
(Thơ văn xuôi)
Phút giao thừa này anh lỡ ngủ quên. Như bỏ
quên một cơ hội. Như cuộc đời anh nhiều lầm
lỗi. Như bao cái lắc đầu, gật đầu không đúng
lúc của anh.
Anh tỉnh dậy khi chuông giao thừa ngừng đổ. Khi
em buồn phiền mệt mỏi. Khi nhân gian đang
giấc ngủ say nồng. Và em cũng sắp ngủ. Còn
lại một mình anh...
_
Giờ còn lại mình anh với buổi sớm đầu tiên
không khí trong lành. Đứng ở đầu năm nhìn tới
cuối năm, thấy rõ cuộc đời như đếm. Đời như
con tàu sẽ vào ga đã định. Rồi lại đi. Đến một
ga kế cận. Lại đi...
Và một lời tự thú cùng em: Anh là người nhiều
đam mê và hay chán nản. Được gì cho em với
người trí thức dở Tây, dở ta, nửa Âu, nửa Á.
Sống trong buổi giao thời quá độ. Lại mang
trong mình ba phần tư cái cũ. Và một phần tư
cái mới. Anh chỉ lo bảo vệ riêng mình. Không
thể lo được ngôi nhà che nắng che mưa.
Không kiếm được miếng đất trắng rau trồng
cà. Ngại ngùng không thể giúp em mua chiếc
chiếu từ chợ mang về (Bảo: anh chàng ngại
nhưng người ta chưa quen nhìn). Biết bao nỗi
khổ em mang, hình như anh chưa hề một lần
an ủi. Và không hề ghé vai cùng em. Để bây
giờ anh thú tội trước em.
_
Còn bây giờ anh lại viết cho Thơ. Thơ sống
cùng anh như người bạn đời thân thiết. Đến
với Thơ phải hồn nhiên chân chất. Thế mà giờ
anh hối lỗi cùng Thơ ...
Cảm ơn Thơ chơ anh thêm một cuộc đời!
Khuya đầu tiên năm mới qua nhanh.
Tiếng
chuông chào bình minh lại đổ.
Lại
ngỡ giao thừa đến muộn. Mùa xuân...
Xin chúc an lành cho cả nhân gian!
LTMK
LỜI BÌNH:
Nhà thơ Vũ
Xuân Hương (trích)
... Lê Thiên Minh Khoa cũng có nhiều tìm
tòi, thể nghiệm, từ việc áp dụng những lối thơ truyền thống như lục bát, ngũ
ngôn, thất ngôn… tới những lối thơ hiện đại, thơ nước ngoài như thơ haiku, thơ
siêu thực, thơ văn xuôi, lối thơ “đời thường” của Jacques Prévert… Trở lại với
“Lối xưa” để cảm nhận “Đất rì rầm chuyện cũ - Mây chiều xưa nổi trôi” viết
lên những vần thơ ước lệ mà đẹp trong “Nhói lặng một góc trời”:
"Nhìn ngọn Chứa Chan chan chứa nhớ
Trông dòng Thương Bạc bạc thương đau "
( Cảm hoài)
Trở lại với “lối xưa” cũng là dịp trở lại với chính mình một
thuở, từ việc nhớ lại em với “Những bức tường rêu phủ màu rêu phủ” mà thấy
mình nay “Chữ câu đi luống cuống đời người”…
Đại thi hào Nguyễn Du từng viết “Nỗi riêng lớp lớp sóng dồi”, trở
lại với những “nỗi riêng”, thấy ra “lớp lớp sóng dồi” của nó thật không đơn giản,
mà đó dường như lại là việc cần yếu của mỗi người trong việc nhận thực chính
mình, việc của thơ ca đích thực. Trở lại với “niềm riêng”, Lê Thiên Minh Khoa
đã viết được "Tự thú đêm ba mươi" – một trong những bài thơ có giá trị
nhất của tập thơ này(*). Như người “ngủ quên”, tỉnh lại thấy “như cuộc đời anh
nhiều lầm lỗi…thấy rõ cuộc đời như đếm”, bèn “thú tội trước em” một cách chân
thành:
"Anh là người nhiều đam mê và hay
chán nản.
Được gì cho em với người trí thức dở Tây, dở ta,
nửa Âu , nửa Á. Sống trong buổi giao thời quá độ.
Lại mang trong mình ba phần tư cái cũ. Và một
phần tư cái mới. Anh chỉ lo bảo vệ riêng mình.
Không thể lo được ngôi nhà che nắng che mưa.
Không kiếm được miếng đất trắng rau trồng
cà. Ngại ngùng không thể giúp em mua chiếc
chiếu từ chợ mang về (Bảo: anh chàng ngại
nhưng người ta chưa quen nhìn!). Biết bao nỗi
khổ em mang, hình như anh chưa hề một lần
an ủi. Và không hề ghé vai cùng em. Để bây
giờ anh thú tội trước em. …"
Được làm kiếp con người song ai dám bảo mình suốt đời không hề có
lỗi? Con người ta chỉ khác nhau ở chỗ lỗi nhiều ít, nặng nhẹ, đặc biệt ở chỗ có
thấy lỗi của mình và can đảm sám hối hay không. Khi con người biết hối lỗi, anh
ta đã vượt qua chính mình và tiến tới sự hoàn thiện nhân cách đạo đức.
Ở bài thơ trên, tác gỉả đã làm được điều đó và bài thơ đã
trở thành một nghi thức thiêng liêng trong đạo làm người với câu kết phát “Bồ Đề
tâm” dành cho cả tập:
"Xin chúc an lành cho cả nhân gian"
Tp. Hồ Chí Minh, ngày
Xuân.
VXH
(*)Thị Trấn Tôi - Thơ Lê Thiên Minh Khoa - NXB Thanh Niên, 2002.