(Nhân đọc tập
thơ "Người câu bóng mình" của Võ Văn Luyến , NXB Hội Nhà văn, 2011)
Trong
lần chuyện trò gần đây với một họa sĩ người Quảng Trị yêu thích văn chương,
anh có nhắc đến nhà thơ Võ Văn Luyến, tôi kể rằng nghe thi sĩ sắp ra tập thơ
"Người câu bóng mình ", tôi đùa: "Chắc nhà thơ định học Khương Tử
Nha đây." Đùa vậy thôi, tôi nhận thấy Võ Văn Luyến chăm chút đặt tên cho Mỗi
-Đứa - Con - Thơ. Tên gọi các tập thơ của anh rất gợi và mang nhiều ẩn dụ, như
"Trầm hương của gió", "Sự trinh bạch của ngọn nến" và giờ
đây là "Người câu bóng mình".
Người câu bóng
mình - tên gọi nên thơ mang một ẩn dụ triết học vươn tới một "nhiệm vụ bất
khả thi" theo cách hiểu thông tục. Nhưng, theo tôi như vậy mới Thơ và mới Luyến. Dường như thi sĩ đã mạo hiểm mặc định
hồn mình trong một lập trình thơ mới không ít chông gai nhưng cũng đầy thú vị
mà chỉ có những người táo bạo mới dám dấn thân trên hành trình sáng tạo. Người
đọc hồi hộp theo dõi cuộc chơi tao nhã và nhọc nhằn rồi reo mừng khi thi sĩ đã
về đến đích dù xiêm áo tả tơi.
Với "Người
câu bóng mình", thơ Luyến nhiều bài đã bắt đầu chín tới. Những bài thơ như
"Mẹ ơi, xuân đến rồi kia", "Mẹ lũ vùng quê", "Lời chào
tháng giêng"...khá hay. Ta đọc thấy lời quê khi tác giả hóa thân vào khoai
lúa, vào hồn vía quê hương và vạt áo mẹ già. Tất cả hiện ra hây đỏ và thơm nồng
như gò má em gái Kim Long một chiều rượu gạo.
Khi tưởng vọng
trước vong linh lương y - đạo sĩ Võ Thìn, một kẻ sĩ đáng kính, một nhân cách
đáng trọng, một tấm lòng đáng quý được văn nghệ sĩ, trí thức Quảng Trị và bạn hữu
gần xa nhớ tiếc, thi sĩ Võ Văn Luyến đã có bài thơ xúc động:
Người đi rồi!
Sông thơ nấc
nghẹn núi đồi thắt tim
Bàng hoàng gió ngác ngơ tìm
Cau đau rụng
vỡ chân chim câu thề
Đường xưa
mây trắng mải mê
Bùa yêu trổ
ngọn bồ đề người qua
Áo sương
nguyệt bạch đôi tà
Lở bồi mấy
bến phù hoa...thôi đành
Tiễn người
về cõi cao xanh
Một chung
ta uống tàn canh hồng trần.
( Thơ
viết cho người đi xa)
Nếu những bài thơ
kể trên là con đẻ của làng quê thứ thiệt thì với "Vần tháng giêng",
nhịp phách thơ đã có nhiều biến hóa, một chân vẫn đứng vững trên phù sa luống
cày truyền thống còn chân kia đã tự tin bước vào hiện đại :
Tháng giêng
vào ta, gió lộng trăng ngà
đồng xanh sương trắng.
Cúc áo nở
bông bèo vẫn trên sông
mẹ ta lưng còng gậy cong tay nải;
này người
em gái mà mắt thị thành
mà áo
phong phanh ngó sen ngơ ngác.
... Tháng
giêng vào ta, có mẹ có cha có ông có bà có con cá bống.
có vườn ươm
nắng nhả ngọc bầu trời
có cả chuỗi cười kết thành tràng hạt;
câu kinh
lạc mất ở phía niết bàn, người gánh đa đoan
chất miền trần thế.
(Vần tháng giêng)
Nhiều bài thơ
hiện đại của Luyến - tôi nghĩ vậy- đã định hình cho thi pháp của anh. Đó là ''
Đêm nghe hàng rào điện tử McNaMara kể chuyện", " Lan man đêm mất ngủ",
"Những gương mặt", " Thơ nhặt dọc đường" 1 và 2, '' Đà nẵng
ký sự 1972 (trích)"...Ở những bài hay, ý hay, câu hay, tính hiện đại trong
thơ Luyến hiện ra thuyết phục từ máu thịt thi ca, từ cách cảm, cách nghĩ, cách
thể hiện chứ không phải hiện đại lấy được, hiện đại quàng xiên đánh đố hay hậu
hiện đại thời thượng giả cầy...
Viết về đề tài chiến tranh, bài thơ" Đêm
nghe Hàng rào điện tử McNaMara kể chuyện " là một tìm tòi khám phá của nhà
thơ khi tác giả để cho sắt thép vô tri "tự sự":
vượt nghìn dặm trùng dương
mang cái tên
chung về đây thấm mệt
chúng tôi
những linh hồn
chết
những phận đời
rỉ sắt
ngày đêm rình
rập con người
như thú hoang chờ mồi
say giấc mê
tàn độc...
hay "Thơ nhặt
dọc đường" bài (1):
Đẩy xuống Tiền
Đường
Những câu thơ
bạc mệnh
Ném vào lồng
chim
Những dòng
văn gãy cánh
Mũi chông mồ
côi
Ngọn bút mồ
côi
Tôi.
Bài thơ như một
công án về hoạt động sáng tạo coi đó là một khổ sai tự nguyện vừa cám dỗ lại vừa
bất trắc, như thể một định mệnh thơ không thể chối từ.
và bài (2):
Những con chữ
quẫy đạp giãy giụa
trong vũng mực đỏ
Bởi chúng khước
từ gấm vóc lụa là
chúng lãng
quên bổn phận nâng khăn sửa túi
chúng báng bổ
thánh thần
và
không chịu làm con rối
Những con chữ
mang dáng kẻ hát rong đường phố
không cúi đầu,ngửa
tay
coi trái đất
là hòn bi lăn vào phận số
coi bóng đêm
là giấc mơ sinh nở
coi con chuồn
chuồn là vĩ nhân lim dim bên lá cỏ
coi hạt cát
làm nên báu vật của đời.
Bài thơ là một Phúc Âm vinh danh sứ mệnh thi ca và giống
nòi thi sĩ.
"Người câu
bóng mình" đã chạm tới những vần thơ đốn ngộ trong tâm thế của một thiền sư
ở chợ:
người đàn
ông giết mình bằng thời gian
bằng những hạt
hồng cầu mê ngủ
bằng những
con chữ U chạy nhanh như gió
up ngược chiều
trái tim
người đàn ông ngửa cổ cầu bình yên
một ngìn năm
sau, một nghìn năm trước
hạnh phúc nát
nhàu, tình yêu mất được
tiếng mõ,câu
kinh cạn đêm linh hồn
người đàn ông
bỏ quên nụ hôn
bỏ quên bông
hồng bông hồng bông hồng
ngoài cửa sổ
bỏ mái chèo khuya,bỏ ồn ào phố
ngồi câu bóng
mình...
Gặp lại Luyến Thơ
như gặp lại một người bạn cũ. Vừa quen vừa lạ, vừa thân thuộc lại vừa tươi mới,
vừa mê đắm, nồng nàn lại vừa ánh lên trí tuệ, tỉnh táo, vừa cảm hết lại vừa
không hiểu hết. Thú vị thay cho những ai hết mình với nghiệm sinh thơ qua những
mệt nhoài...
Phạm Xuân Dũng