Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, June 3, 2021

TÁC GIẢ TRẺ VĨNH THÔNG VỚI CHUYÊN KHẢO "ĐÌNH VÀ LÀNG BÌNH THỦY" - Thành Luận

 


Tác giả trẻ Vĩnh Thông với chuyên khảo 

“Đình và làng Bình Thủy”

 

THÀNH LUẬN

 

“Đình và làng Bình Thủy” là tác phẩm mới nhất của tác giả trẻ Vĩnh Thông, do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành tháng 4 năm 2021. Nội dung tác phẩm giới thiệu tổng quan về ngôi đình Bình Thủy (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cùng với lễ hội Kỳ yên và lịch sử làng Bình Thủy.


Nằm trên cù lao Năng Gù, làng cổ Bình Thủy là một trong những nơi được khai phá từ rất sớm ở tỉnh An Giang, đến nay còn bảo lưu nhiều di sản quý báu. Trong đó, đình thần Bình Thủy là di tích gắn liền với sự hình thành và phát triển của địa phương. Sau hơn hai thế kỷ, ngôi đình đã trở thành một công trình kiến trúc mang giá trị nghệ thuật cao và là niềm tự hào của nhân dân.


Hằng năm, cứ đến mùng 9 - 10 và 11 tháng 5 âm lịch, đại lễ Kỳ yên đình thần Bình Thủy lại chào đón hàng vạn người từ khắp nơi về dự. Đặc biệt, hội thi đua thuyền và hoạt động hóa trang đã thu hút sự chú ý của đông đảo du khách, khiến lễ Kỳ yên đình Bình Thủy ngày càng vang danh cả về quy mô lẫn chất lượng, sánh vào một trong những lễ hội lớn hàng đầu ở tỉnh An Giang.


Đọc qua tác phẩm, có thể nhận thấy những thông tin cần thiết đã được tác cung cấp một cách cô đọng và khách quan, giúp người đọc dễ tiếp cận. Đặc biệt, tác giả còn công bố nhiều phát hiện mới, có giá trị. Sách được chia thành 3 phần chính:


Phần 1 - Đình thần Bình Thủy: Giới thiệu lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật… của đình thần Bình Thủy. Ngôi đình được xây dựng lần đầu vào năm 1783, ngày nay trở nên khang trang sau nhiều lần trùng tu, có sắc phong dưới triều vua Bảo Đại. Tác giả đã giải thích nhiều vấn đề liên quan đến kiến trúc cổ, cách trang trí, các câu đối…


Phần 2 - Lễ hội Kỳ yên: Giới thiệu các nghi thức truyền thống trong lễ hội Kỳ yên hằng năm của đình. Qua đó, người đọc có thể hiểu thêm về các nghi lễ cổ truyền ở Nam Bộ. Lễ hội nơi đây còn có nhiều nét độc đáo với các cuộc thi tài hấp dẫn, sôi nổi nhất là hội thi đua thuyền truyền thống náo nhiệt trên sông và hoạt động hóa trang lạ mắt.


Phần 3 - Đất và người Bình Thủy: Giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của làng cổ Bình Thủy, từ buổi đầu khai khẩn vào năm 1783 đến cả một thời kỳ dài với những thăng trầm. Ngoài ra, phần này còn cung cấp cho người đọc những nét tổng quan về địa danh Năng Gù, địa lý tự nhiên, đời sống xã hội… của vùng đất này.


Nhà báo Lương Minh nhận xét: “Vĩnh Thông nghĩ là mình làm việc nhỏ, tức viết giới thiệu về một làng cổ xưa ở vùng đất Châu Phú, tỉnh An Giang. Nhưng tôi thấy đây là việc làm công phu, tư liệu tham khảo ít, có chăng là tham vấn các vị bô lão, cộng với một số sách viết về Nam Bộ trước đây của các học giả đi trước mà tác giả ghi chép tài liệu tham khảo một cách cẩn trọng. Theo tôi, đây là quyển sách nhỏ nhưng có những thông tin rộng rãi đến cả vùng Nam Bộ, cần đọc để biết.”


“Đình và làng Bình Thủy” là quyển sách thứ 9 của Vĩnh Thông và là quyển sách thứ 2 trong năm 2021, sau tập sách nghiên cứu “Dấu ấn thượng châu thổ” (Nxb Tổng hợp TP.HCM, 3/2021).

Qua tác phẩm này, tác giả đã đưa người đọc đi khắp ngôi cù lao Năng Gù - xã Bình Thủy, hiểu thêm về những di sản quý báu còn được gìn giữ đến ngày nay. Những làng cổ gắn với ngôi đình luôn là nét văn hóa đẹp khi chúng ta tìm đến. Có thể thấy, Đình và làng Bình Thủy là một nỗ lực đáng trân trọng của một tác giả trẻ.

 

THÀNH LUẬN

 

 

READ MORE - TÁC GIẢ TRẺ VĨNH THÔNG VỚI CHUYÊN KHẢO "ĐÌNH VÀ LÀNG BÌNH THỦY" - Thành Luận

Sách mới: KHẢO LUẬN VỀ MIỀN THUẬN HÓA - Tác giả: Lê Quang Thái - Trần Đức Anh Sơn giới thiệu

 

Khảo Luận Về Miền Thuận Hóa

Lê Quang Thái

LỜI GIỚI THIỆU (Trần Đức Anh Sơn viết)

1. Sáng ngày 28.5.2020, nhà giáo Nguyễn Đôn Toàn, cựu giảng viên Khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Huế, báo tin: “Thầy Lê Quang Thái vừa tạ thế ở Sài Gòn, di hài của thấy sẽ được đưa về an táng tại Huế sau hai hôm nữa”. Thầy Thái là “người bạn lớn” của tôi, nên thầy Nguyễn Đôn Toàn vội vàng báo tin cho tôi ngay khi được hung tin.

Nhà giáo, nhà nghiên cứu Lê Quang Thái, sinh năm Nhâm Ngọ (1942), tại Cổ Thành, thị xã Quảng Trị. Ông theo học ngành Sư phạm, tốt nghiệp Cử nhân giáo khoa Việt văn, Cử nhân giáo khoa Triết học (Đại học Sư phạm Sài Gòn), tốt nghiệp Cao học Tâm lý giáo dục (Khóa 2: 1969 - 1971), từng giảng dạy tại Trường Trung học Nguyễn Hoàng (Quảng Trị), Trường PTTH Hai Bà Trưng (Huế). Ông là một nhà giáo mẫu mực, một nhà nghiên cứu uyên thâm, sống một cuộc đời thanh bạch, giản dị.

Sinh thời, thầy Lê Quang Thái đã viết và công bố rất nhiều khảo luận về lịch sử, văn hóa, thắng tích, danh nhân... ở miền đất Ô - Lý / Thuận - Hóa / Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế xưa và nay. Ông cũng là tác giả của nhiều bài khảo cứu, tiểu luận về: đạo Phật, danh lam, danh tăng, sự thấm đẫm của văn hóa Phật giáo trong đời sống - xã hội ở miền Thuận - Hóa.

Những khảo luận của thầy Lê Quang Thái được công bố trên nhiều tạp chí / website / blog ở trong nước và hải ngoại. Tuy nhiên, cho đến nay, thấy Lê Quang Thái mới xuất bản một cuốn sách duy nhất: Chú giải và phân tích Về Thất thủ Kinh đô (Nxb Đà Nẵng, 2010), nhân kỷ niệm 125 năm ngày Kinh đô Huế thất thủ (5.7.2010).

2. Khi về Huế tiễn đưa thấy Lê Quang Thái rời cõi tạm, tôi có gặp gỡ, chuyện trò với người thân và bằng hữu của thầy. Họ nói với tôi là rất mong có ai đó bỏ công tập hợp những bài viết của thầy (đã từng công bố hay đang là bản thảo), để in thành một tập sách. Đó sẽ là một tập khảo luận của một người có sở học uyên bác và một tinh thần khách quan, giàu tính phản biện trong nghiên cứu, học thuật, nên sẽ rất giá trị và hữu ích cho những ai quan tâm tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng tích, đạo Phật... ở vùng đất Thuận Hóa xưa và nay.

Tôi xung phong nhận lãnh việc đó.

Với sự hỗ trợ nhiệt tình của thầy giáo Nguyễn Đôn Toàn, thầy giáo Trần Nguyễn Khánh Phong, TS. Trần Văn Dũng, TS. Võ Vinh Quang, Thượng tọa Thích Không Nhiên (ở Huế); TS. Nguyễn Bình, nhà giáo Võ Văn Hoa (ở Quảng Trị), TS. Bùi Việt Thành (ở Sài Gòn)... tôi đã tập hợp được 64 bài viết của thầy Lê Quang Thái đã công bố trên các tạp chí: Cửa Việt, Văn hóa Quảng Trị, Sông Hương Huế Xưa và Nay,... nhiều nhất là trên Nội san Liễu Quán (do Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán - Huế ấn hành). Ngoài ra, còn có một số bài đã được tuyển in trong tập sách Huế. Chuyện mới, tích xưa (Nxb Thuận Hóa, Huế, 2012), những tham luận tại các hội thảo khoa học trong nước và một số bản thảo chưa từng công bố.

3. Những khảo luận của thầy Lê Quang Thái quan tâm đến nhiều lĩnh vực, bản luận rất nhiều chủ đề, với những kiến giải sâu sắc, độc đáo và rất thú vị. Vì thế, rất khó để sắp xếp những bài viết này vào một chuyên mục cụ thể, cũng như rất khó chọn một tựa sách đúng nội dung, đúng tầm mức và đúng với tinh thần “ham học hỏi” mà thầy Lê Quang Thái đã bày tỏ qua những trang viết của mình.

Sau khi thảo luận với Nhà giáo Lê Thị Tránh, phu nhân của thầy, và với Thượng tọa Thích Không Nhiên, người bạn tâm giao của thầy, chúng tôi thống nhất chọn tên tập sách này là KHẢO LUẬN VỀ MIỀN THUẬN HÓA.

THUẬN ở đây là THUẬN CHÂU; HÓA ở đây là HÓA CHÂU. THUẬN - HÓA trong tựa sách này là dải đất trải dài từ sông Gianh cho tới núi Hải Vân, bởi lẽ những biên khảo công phu và tâm huyết của thầy Lê Quang Thái trong mấy chục năm qua, gần như dành trọn cho đất - người - đạo ở xử THUẬN - HÓA này.

Dựa vào nội dung của các bài viết, tôi tạm sắp xếp theo 3 chủ để: Lịch sử - Văn hóa (28 bài); Di tích - Danh nhân (29 bài) và Đạo Phật - Văn hóa Phật giáo (7 bài) để độc giả tiện theo dõi.

Ngoài ra, theo gợi ý của Thượng tọa Thích Không Nhiên, tôi đã hiệu đính và bổ túc một số điểm trong bài khảo cứu “dài hơi” Chú giải và phân tích Về Thất thủ Kinh đô, đã được Nxb Đà Nẵng xuất bản thành một tập sách mỏng vào năm 2010, làm thành phần Phụ lục ở cuối sách.

Có thể việc sưu tầm những bài viết của thầy Lê Quang Thái để đưa vào tập sách là chưa đầy đủ; có thể việc sắp xếp những bài viết vào 3 chủ đề trên là chưa hoàn toàn hợp lý. Nhưng đây là bộ tập thành nhiều nhất “chữ nghĩa mà thấy Lê Quang Thái “để lại” cho những ai yêu quý mến mộ thấy, lại sẵn lòng yêu thích tìm hiểu lịch sử - văn hóa - danh nhân trên miền đất Thuận - Hóa suốt mấy trăm năm qua.

Xin trân trọng giới thiệu

TRẦN ĐỨC ANH SƠN

Chủ đề 1: LỊCH SỬ - VĂN HÓA

- Quảng Trị qua dòng lịch sử
- Quảng Trị ơi, đất sao đất lạ đất lùng
- Ái Tử qua các thời kỳ lịch sử
- Tản mạn về Cam Lộ
- Về Linh Thái, Tư Hiền
- Điểm thường gây tai nạn bất trắc ở phá Tam Giang
- Sơn hà xã tắc
- Quốc thái dân an
- Tìm về lời chúc phúc “Thiên hạ thái bình”
- Lệ đàn
- Lạy và lễ lạy ngày xưa
- Việc học hành thi cử dưới thời chúa Nguyễn
- Lan man hai chữ Ông Nghè
- Tiến sĩ võ
- 90 năm “học vị” phó bảng
- 90 năm sau ngày khoa cử Hán học cáo chung: Cái mất, cái được
- Việc làng nước ngày xưa
- Ba sinh hương lửa
- Nguyễn Du viết Truyện Kiều ở Phú Xuân
- Từ “Thập giới cô hồn quốc ngữ văn” đến “Văn tế thập loại chúng sinh”
- Tinh chất Quảng Trị thể hiện trong “Vè Thất thủ Kinh đô”
- Nguồn gốc câu ca dao “Gió đưa cành trúc la đà…”
- Nguồn gốc hình tượng rồng Việt trong kiến trúc mỹ thuật chùa tháp
- Năm mới Tân Mão: Thỏ hay Mèo?
- Nghiệp của con ngựa
- Phiếm luận về “dâm trường” và “hôn trường”
- Mấy suy nghĩ về việc xây dựng “nông thôn mới”
- Gia đình và họ tộc góp phần xây dựng “nông thôn mới”

Chủ đề 2: DI TÍCH - DANH NHÂN

- Mở thoáng tầm nhìn từ đỉnh Linh Thái
- Miền Hà Khê
- Tìm về tiền thân chùa Thiên Mụ
- Tên gọi chùa Linh Mụ
- Phải chăng quốc tự Linh Mụ còn có tên gọi “Thiên Mẫu”?
- Giác Hoàng phạm vũ
- Thánh Duyên quốc tự
- Linh Hựu quán
- Tên gọi chùa Từ Ân xưa nay
- Kỳ đài Huế
- Văn Miếu trồng thông
- Võ Miếu trồng bàng
- Ngó vô Xã Tắc hai hàng mù u
- Phủ đệ dưới thời nhà Nguyễn
- Ký Thưởng viên, nơi Nhất Đại Thi Ông tiếp sứ thần Lão Sùng Quang
- Đền thờ Đức Thánh Trần ở Huế khai sáng nguồn mạch tâm linh
- Hải Vân - Điểm du lịch cần được khai thác
- Nguồn gốc danh xưng Chúa Tiên
- Cội nguồn quê hương của Nguyễn Hoàng
- Lời thầm ước trước lăng Nguyễn Hoàng
- Quê hương Bạc Mã - Phú Yên và năm sinh (theo Tây lịch) của Tổ sư Liễu Quán
- Cố kinh Tràng An trong tâm thức người Việt
- Mối tâm giao giữa Tương An quận vương và Cao tăng Thích Nhất Định.
- Thử nhận định lại nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886)
- Đình nguyên Hoàng giáp Trần Dĩnh Sĩ (1858 - 1914)
- Thanh đàm về An Thường công chúa
- Họa sĩ Tô Bích Hải: Đọc và học theo tứ thơ của “Văn tế thập loại chúng sinh”
- Bể dâu mà không dâu bể đâu anh!
- Thơ Mặc Giang khơi dậy sóng tâm tư

Chủ đề 3: ĐẠO PHẬT - VĂN HÓA PHẬT GIÁO

- Phật hay Bụt?
- Bảo sát hay Bảo sái?
- Phật giáo Quảng Bình từ thời Lý - Trần đến nay
- Hương sắc chùa Huế
- Đài Thánh tử đạo bên bờ sông Hương
- Tượng Đức Quán Thế Âm tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán
- Thầy ơi! Sáng giá chùa làng

Sách Khai Minh trân trọng giới thiệu. 

sachkhaiminh.com

READ MORE - Sách mới: KHẢO LUẬN VỀ MIỀN THUẬN HÓA - Tác giả: Lê Quang Thái - Trần Đức Anh Sơn giới thiệu

EM VỀ CHO AI CHƠI VƠI | ÁO TRẮNG BÊN TRỜI | BÓNG CHIỀU RƠI - Chùm thơ Nguyễn Văn Trình

 

Nhà thơ Nguyễn Văn Trình


Em về cho ai chơi vơi

                       Nguyễn Văn Trình

                       (Bd: Văn Nguyễn)


Em
chiều nay không mưa đâu
sao em về vội thế
giận hờn ư, hay em từ chối tôi  ?!
thật tội nghiệp, cái thằng tôi hay rứa
mắc mớ chi em lại bỏ ra về...


Em
chuyện mưa nắng cuộc đời, vẫn thế !
buồn vui chớp nhoáng đời người
khi em vẫn là nỗi nhớ
giày vò ai, cái thuở xa thương

Ôi, sáng nay sân trường rộng thế
vắng em rồi, cây cỏ hết thôi xanh
anh không nỡ nhìn cành xanh trút lá
khi thu vàng là dĩ vãng
phải không em ?!
em về cho ai chơi vơi
và linh cảm, gọi anh nhìn
từ gác ba, thấp thoáng một dáng hình
ngày lên gió tím
em về, cả đất trời tim tím
màu áo em, hay mực tím học trò
không biết nữa, chỉ biết màu nhung nhớ
em về cho ai chơi vơi ...

Em
này em hỡi, giận hờn chi mãi rứa ?!
ngày mưa ướt hết tình rồi
xa em nỗi buồn trút lá
chiều tàn buông tím cuộc chia phôi

em về cho ai chơi vơi
em về, cả đất trời diệu tím
tà áo em bay, chiều tím cổng trường
ôi dĩ vãng, nhuộm tím màu lưu luyến
em về cho ai chơi vơi... !


                        NVT

Áo trắng bên trời

              Nguyễn Văn Trình

              (Bd: Văn Nguyễn)

 

Áo trắng

em giờ xa xôi rứa…?!
để ai về, ngồi đếm giọt mưa rơi
hỏi còn không,
ai thắp lửa bên trời
mong sưởi ấm,
những chiều buồn cô quạnh…


Ai ngu ngơ
ảnh hình trong ký ức
vu vơ nhìn,
lạc lối chiều buông
áo trắng phôi pha, áo thành dĩ vãng
để một đời, nặng nợ đa mang...!

 

                         NVT


Bóng chiều rơi

         Nguyễn Văn Trình

         (BD: Văn Nguyễn)

 

Ai thả bóng chiều rơi xuống phố

Con đường riêng một bước cô đơn

 

Mấy gió về kia nào ai biết

sợi buồn còn lại nối tim đau

 

Nắng phủ bờ vai em gầy guộc

vô tình lạc bước phía xa xôi

 

Anh ở nơi này đau nỗi đau

yêu em trong cõi mộng mơ hồ

 

Cố rót vào nhau tình nồng cháy

bờ môi khát bỏng nụ hôn đầu

 

Nguyện cùng bão táp với mưa sa

Tình anh thề hẹn chẳng phai nhòa

 

Mấy lời vàng đá trong tim ấy

Trọn mãi ân tình một thủy chung

 

                            NVT

 

READ MORE - EM VỀ CHO AI CHƠI VƠI | ÁO TRẮNG BÊN TRỜI | BÓNG CHIỀU RƠI - Chùm thơ Nguyễn Văn Trình

THƠ MẶC GIÀNG KHƠI DẬY SONG TÂM TƯ - Lê Quang Thái

 


Mỗi độc giả đọc thơ Mặc Giang đều có những cảm nhận riêng lẻ và sai khác, điều ấy là thường tình. Tùy hỷ - Điểm gặp gỡ chung cùng của số đông độc giả là thơ Mặc Giang như khơi dậy nguồn sóng tâm tư phận người về hai mặt Đời và Đạo. Đạo là con đường đi tới theo nhịp bước đăng trình giữa thời đại và chất sống tâm linh, văn hóa tâm linh đã trở thành như một nhu cầu thiết yếu và thiết thân, thiết thực của thân phận làm người. Cho dù ai đó mênh mang những định kiến cũng đã trãi lòng ra để đón nhận luồng gió mát làm phong phú cho thần thức sẵn sàng hóa giải những bất đồng, phân biệt vu vơ và cố cớ mà đeo đẳng làm khổ lụy kiếp người mà thôi: 

Lửa tàn còn chút sắt son

Đừng tan tro bụi tâm hồn Việt Nam

(Tàn lụi tâm hồn – Mặc Giang)

 

Và người đọc còn cảm thấy “như ngạc nhiên”, nhà thơ Trường Giang Mặc Tử sáng tác và sáng tạo nhiều bài thơ đến thế với mọi thể tài cổ điển, hiện đại; với mọi chủ đề bình dị, thâm uyên, thâm áo; với tính cách nhân văn, nhân bản thâm hậu khơi sáng đến tận những ngóc ngách, ngõ hẽm của tinh thần và tâm linh của con người.

 

Cõi nhân gian muốn lưu lại chút gì,

Không vẽ nổi chân dung vô danh thể.

(Không vẽ nổi chân dung – Mặc Giang)

 

Hoặc sâu lắng hơn về cùng một đề tài ấy:

 

Bước lên đầu vô thỉ

Quay tận đáy vô chung

Vẽ thử một chân dung

Càn khôn vờn vũ trụ

Bóng hư vô hiện hữu

Bao tinh thể trùng trùng

Không vẽ nổi chân dung

Hạt bụi chưa biến mất.

 

Trong số lượng hơn 1400 bài thơ của thi nhân Mặc Giang, độc giả tính đếm sẽ có hơn 100 bài viết về cảm quan, lối nhìn, đường về cõi “hình nhi thượng” vượt tới cảnh giới siêu hình. Xin hiểu “siêu hình” theo nghĩa đẹp, nghĩa tốt – không có siêu hình theo nghĩa “ảo tưởng” đâu.

 

Ngay cả với đề tài bình thường “vịnh cơ đồ” nước Việt, Mặc Giang vượt qua và vượt xa Tản Đà một khi lên bút:

 

Tình tự chan hòa cao tiếng hát

Thiên thai vang khúc nhạc thần tiên 

(Vịnh cơ đồ - Mặc Giang)

 

Hoặc nói bí quyết làm thơ, Mặc Giang nói rất để hiểu, dễ chịu là thâm hậu lại vô cùng:

 

Thơ là tinh luyện ý lời

Nhân sinh vũ trụ cuộc đời mà ra

 

Con người có cuộc đời, sao cây cối lại là không? Cũng vậy mà thôi. Đố ai nhìn ngắm cây đào ngày tết mà viết thơ thành – thành thơ như dậy sóng. Đọc lên có dựng đứng tóc trán:

 

Mộng đâu mà hỏi chiêm bao

Phong sương tuế nguyệt cây đào trổ bông

 

Thì ra, cần mẫn nếu không nói “cần cù” đọc đi, đọc lại từng câu thơ tinh chọn từ thơ của Mặc Giang thì chắc rằng sẽ dễ dàng tự nhận ra “bản lai diện mục” của chính mình mà thức tỉnh sau cơn mê dài của một đời người hiện hữu – có oan uổng và tiếc nuối chăng?

 

Một mai quẳng gánh ra nhà gió

Cát bụi mù bay sương trắng pha

 

Thế cho nên tôi đặt tựa đề cho viết “thơ Mặc Giang khơi dậy sóng tâm tư” để tỏ lòng tri ân thi nhân Trường Giang Mặc Tử ở chân trời xa mà lại như rất gần gũi và thân thương đối với tôi, với những độc giả thân quen thích đọc thơ Mặc Giang ở cố đô Huế.

 

Cho thương gợi nhớ Huế tôi ơi

Răn rứa mô tê muốn nghẽn lời

Rũ bóng sông Hương tràn cổ kính

Trường Tiền sóng vỗ ngập đầy vơi.

 

Thầy Mặc Giang ơi, cho chúng con gọi theo lối làm văn; Huế của thầy và Huế là của chung mọi người. Thơ của thầy đã dậy sóng Thần kinh.

 

Huế, chiều 24-7-2010.

Lê Quang Thái

Nguồn: daophatngaynay.com


READ MORE - THƠ MẶC GIÀNG KHƠI DẬY SONG TÂM TƯ - Lê Quang Thái

MÙA HẠ TRÔI XA – Thơ Tịnh Bình

 
 
          Nhà thơ Tịnh Bình

                                                                                            
MÙA HẠ TRÔI XA
 
Ta về tìm lại dư âm cũ
Đường phượng bay đâu thấy người xưa
Trống tan trường mơ hồ quá đỗi
Mùa hạ ơi xin vọng chút âm thừa
 
Sao tiếc mãi một thời vụng dại
Áo học trò đàn bướm tinh khôi
Trang vở trắng hồn nhiên dòng mực tím
Lá thuộc bài... ngơ ngẩn nhớ đâu đâu...
 
Ta về tìm lại... xa xưa lắm...
Má lúm đồng tiền khóe môi duyên
Nghe sau vành nón lời thưa thốt
Tóc dài tha thướt nụ cười hiền
 
Ta về... chẳng thấy ta xưa nữa...
Khoảng trời thơ mộng tuổi hoa niên
Trách chi mùa hạ trôi xa lắc
Giọt mưa gầy ướt tiếng ve nghiêng...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)
 
READ MORE - MÙA HẠ TRÔI XA – Thơ Tịnh Bình

DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI, ĐOẢN KHÚC 31 -35 (TRONG 100 ĐOẢN KHÚC) – Thơ Khaly Chàm

 

             Nhà thơ Khaly Chàm

 
trích đoản khúc: dọc đường gió bụi
 
31.
nghiệp duyên, bĩ cực, luân hồi
kinh thư tẩm rượu, giấy bồi lận lưng
bẩm sinh một kiếp lừng khừng
cuộc chơi thoát xác vui mừng hò reo
 
32.
nhân danh chữ nghĩa ngoằn ngoèo
xé toang thể phách gửi theo hồn kiều
nhoài lên níu giữ tín điều
ô hay, sắc tướng mỹ miều thật sao
 
33.
buồn, bao giờ đủ mà chào
hãy mang mặt nạ nhìn nhau cả cười
trần truồng khốn nạn cuộc chơi
ngứa rần tư tưởng kiếp đười ươi câm
 
34.
mù lòa tính chuyện trăm năm
đút tay vào túi lương tâm gật gù
ngày đêm bất biến thiên thu
khi nào mửa máu mà ru căn phần
 
35.
vòng đời lẩn quẩn cuồng chân
chỉ tìm nhát búa… âm tần đóng đinh
nhẹ bay sương khói ảo hình
cuối cùng nhận diện chính mình, trời ơi!
 
khaly chàm
 
READ MORE - DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI, ĐOẢN KHÚC 31 -35 (TRONG 100 ĐOẢN KHÚC) – Thơ Khaly Chàm

GIỚI THIỆU TẬP TRUYỆN THƠ “DIỆU TÂM CA” CỦA NHÀ THƠ TÂM NHIÊN – Châu Thạch


  
           Tâm Nhiên qua nét vẽ của Trịnh Tài

 
“DIỆU TÂM CA”, một tác phẩm của nhà thơ Tâm Nhiên mà với trí tuệ thô thiển của mình tôi tạm hiểu là một “khúc ca về Chân Tâm Vi Diệu”. Tôi thường tự nhận văn thơ của mình chỉ như tiếng gáy của con Dế tầm thường dưới cỏ, vậy cho nên với Diệu Tâm Ca, một tác phẩm thơ đồ sộ với 648 trang sách, chứa đựng triết thuyết huyền vi thâm thúy của đạo Phật, tôi không dám nhận xét gì, chỉ xin giới thiệu về sách, như tường thuật vô tư những gì mình đọc.
 
Trước tiên phải giới thiệu nhà thơ Tâm Nhiên. Tâm Nhiên là ai xin đọc dưới đây lời nhà thơ viết về mình:
 
“Tâm Nhiên, sinh năm 1952 bên dòng sông Cẩm Lệ, quê nhà Đà Nẵng. trước 1975, học Phật khoa đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn. Hồn thơ lãng đãng, phiêu diêu suốt muôn chiều vi vu vi vút… Sau 1975 cuộc lữ khởi sự băng qua những sa mạc đời hư vô khô khốc, những địa ngục sục sôi, cháy đầy lửa bỏng, những hố thẳm âm u, mịt mù tăm tối.
 
Rồi cuộc lữ mở ra một con đường phong quang sáng tạo, ngút ngàn mây trắng với những phương trời bát ngát, bao la… Để cho lang thang sỹ chợt thấy mình không là chi cả: Không tên tuổi, không gia đình, không sự nghiệp, không mục đích, không chổ trú cư trong thời gian và không gian…
 
Không chỗ trú vào bất cứ đâu nên thênh thang vô sự, theo cách điệu tiêu dao du ngay cái Đang là, luôn luôn mới lạ và mới lạ giữa như thị, như nhiên, phiêu bồng, không chấp. Chẳng hữu tâm chẳng vô tâm. Nhập cùng tất cả bước trầm nhiện qua…”
 
Cuộc đời tác giả vốn sống vô trú am nghĩa là nay đâu ghềnh mai cuối biển như cơn gió, như làn mây, cởi con ngựa sắt ngắm đời, để vần thơ bay cùng với trời mây non nước. Con đường của Vô Trú Am Tâm Nhiên là con đường thi sỹ cho nên nhà thơ có tiểu luận “Sáng Tạo Con Đường Thi Sỹ” cũng là một bài thơ. Bài thơ dài trên 5000 từ có văn xuôi, có vần điệu đưa con người vào “nguồn trong trẻo vô biên với muôn dây quyến luyến, làm bằng thanh bai làm bằng êm diệu”.
 
Tâm Nhiên viết về người thơ: “Thiền sư, thi sĩ, họa sỹ, văn nghệ sỹ, lang thang sỹ…”. Tất cả họ đều là người thơ “tự thuở nào đi về thấp thoáng, nhấp nhô trong sương mờ vạn cổ. Từ buổi mới khai thiên lập địa lúc ban sơ, nguyên thủy đến bây giờ, họ đã đi và đi mãi trên con đường mây trắng, con đường thênh thang sáng tạo”, họ “vượt qua đôi bờ sinh tử, một cách tự do“Hướng về uyên nguyên, khơi mở suối nguồn thơm linh diệu”
 
 Châu Thạch có bài thơ vịnh ảnh chụp chung với Tâm Nhiên như sau: 
 
 NGỒI VỚI TÂM NHIÊN
 
Được ngồi với bạn Tâm Nhiên
Cái tâm ta thấy bình yên rất nhiều
Thế nhưng cũng chẳng dám liều
Cởi con ngựa sắt sớm chiều ngao du
 
Bốn mùa xuân hạ đông thu
Tấm thân Vô Trú vi vu gió đời
Nắng mưa đọ sức giữa trời
Bước chân du sĩ dạo chơi sông hồ.
 
Châu Thạch
 
 


Bây giờ đi vào tác phẩm “Diệu Tâm Ca”, xin đọc trích một phần bài tựa của thiền sư Tuệ Sĩ:
 
“Diệu Tâm Ca, tập truyện thơ kể về cuộc đời của Đức Phật, nội dung ngụ ý một bản trường ca về Một Cõi hay Một Nhân Cách thị hiện Chân Tâm Vi Diệu.
 
Dù là Một Cõi hay Một Nhân Cách, Một Thể Tính, Vẫn là cách nói vượt vừa tầm với của thế tục trí, bởi đó là Cõi mà ngôn ngữ đạo đoạn. tâm hành xứ diệt: Đường đi của ngôn ngữ bị cắt đứt, dấu chân của tâm hành bị xóa sạch, như hư không, không dấu chân chim.
 
Vậy, Diệu Tâm Ca là sự tích của một Vĩ nhân hay Thánh nhân trong lịch sử nhân loại, hay huyền sử của Chân Tâm thị hiện? Nhưng thơ là thơ, như thị như như, đó là tinh thể tồn sinh tự khai thị trong tồn sinh mộng ảo…
 
Dàu vậy, ấy vẫn là vang bóng của đấng Chí Tôn trong ba cõi, không ngoài kia hay đâu đó mà chính từ khát vọng sâu thẳm của một thức lang thang đi tìm cõi hằng trụ trong vũ trụ. Vậy thì những lời thơ dông dài trong đây đọng lại thành một bài thơ cực ngắn:
 
Bài thơ chỉ một chữ tâm…
Bài thơ chỉ một chữ không…
Bài thơ chỉ một chữ tình…
 
(Tuệ Sĩ)
 
Tập truyện thơ Diệu Tâm Ca có tất cả 12.336 câu thơ, xin trích một ít vần thơ để người đọc có cái nhìn rất khái quát mà thôi.
 
- Trích trong tựa đề “Người Đến Như Thế”:
 
441
Cuối xuân đầu hạ thầm thì
Đến ngày trọng đại hồi quy quê nhà
Nắng cười dọc bến sông ca
Bướm vờn chim hót bay mà mượt hương
Vịn tay cây lá ven đường
Ma Da thong thả ghé phương thảo ngồi
Ô! Vô ưu trổ tinh khôi
Bàng hoàng nâng cánh hoa ngời sáng xanh
Lạ lùng như gặp phúc lành
Nghìn năm mới ngát hương thanh ly kỳ
 
451
Thì vừa sinh một hài nhi
Đất trời rúng động nghe kỳ diệu ghê
 
- Trích trong tựa đề “Cuộc Lữ Vô Sở Trú”:
 
A No Ma vượt giang hà
Ngựa dừng chân cuối bờ xa thẳm rừng
Người cận vệ chợt rưng rưng
Quay về lệ đẫm ướt từng lá rơi
-------------------------------------
Đơn hành mở lối cội nguồn
Sơ nguyên đầu núi cuối truông dốc đèo
Diệu vời trên mắt trong veo
Nhìn sâu thẳm vượt bao nghèo ngoặt qua
Thâm sơn cùng cốc dần dà
Đã quen nắng quái mưa sa gió vù
 
1551
Thiên sơn vạn thủy vi vu
Tỏa đầy mây khói ngợp phù hư sương
 
- Trích trong tựa đề “Chứng Thực Tại Diệu Tâm”:
 
2401
Nếp duyên tuyệt hảo vô ngần
Đất trời như cũng rung ngân khắp cùng
Mắt ngời thấu cảm hàm dung
Thấy rồi xuyên suốt muôn trùng dặm xa
Bình minh lộng lẫy sáng lòa
Tỏa ngời rực rỡ ngàn hoa cỏ bừng
Rực hồng sông núi vào xuân
Thong dong rong dạo trên từng bước đi
 
-Trích trong tựa đề “Diệu Tâm Ca”:
 
“Lâm Tì Ni vườn hoa thanh thoát lạ
Đóa vô ưu bừng trổ ngát hương lòng
Đại sự nhân duyên về thị hiện
Gót sen hồn qua bảy bước dung thông
 
Dù tuyệt đỉnh vinh quang xem như rác
Sáu năm đi khổ hạnh thấu ngọn ngành
Một hôm vũ trụ nghe bùng vỡ
Tuệ giác ngời chứng ngộ lý Vô sanh
 
Là biết được lẽ Không sinh không diệt
Vạn hữu này vốn chẳng đến chẳng đi
Mỉm cười bước xuống cùng nhân loại
Mà tùy duyên chuyển đại pháp diệu kỳ
 
Ngay bây giờ sẵn đầy đủ hết
Cả ba nghìn thế giới nở nơi tâm
Tâm nguyên tự tánh thanh tịnh đó
Thầm nhận thôi hòa điệu khúc cung cầm”
 
Cuối cùng người viết bài nầy xin trích một phần lời Bạt của tác giả Tâm Nhiên:
 
“Vào đầu thế kỷ thứ I, ở xứ sở u huyền Ấn Độ, xuất hiện Mã Minh với tập thơ Phật Sở Hành Tán, dài 9 ngàn câu thơ ngũ ngôn, tán thán, ca ngợi cuộc đời và tư tưởng phi thường của Đức Phật.
 
Rồi gần đây, Nhất Hạnh viết Đường Xưa Mây Trắng, Minh Đức Triều Tâm Ảnh viết Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt bằng văn xuôi dài mấy ngàn trang, miêu tả cuộc hành trình vĩ đại của Thế Tôn, thật vô cùng hùng tráng, ngợi ca nụ cười bất tuyệt, vô tiền khoáng hậu của một con người tự do, tự tại trong lịch sử nhân loại.
 
Cảm hứng bừng lên trên tinh thần sáng tạo bát ngát đó, nên du sĩ với khúc Diệu Tâm Ca cũng rung hồn, xuất cốt nhập diệu cùng hòa âm thâm thiết một tiêng lòng ngưỡng mộ vào muôn thuở thiên thu…”
 
Trân trọng cảm ơn tất cả quý vị đã đọc và ước mong sách sẽ có cơ hội đến tay quý vị. Xin cảm ơn nhà thơ Tâm Nhiên đã ưu ái gởi tặng Châu Thạch tôi tập truyện thơ “DIỆU TÂM CA”, sách quý giá vô cùng nầy.
 
Châu Thạch

READ MORE - GIỚI THIỆU TẬP TRUYỆN THƠ “DIỆU TÂM CA” CỦA NHÀ THƠ TÂM NHIÊN – Châu Thạch

CHÚT TƠ LÒNG | CHÚT MEN TÌNH | EM VỀ BÊN ẤY - Chùm thơ Nguyễn Văn Trình

            

Nhà thơ Nguyễn Văn Trình


Chút tơ lòng

         Nguyễn Văn Trình

         (Bd: Trinh Huyền)

 

Anh ngại ngùng cái nhìn đắm đuối

bởi duyên ngầm mái tóc, bờ môi

 

Em xa xôi mộng rớt đêm dài

anh thẫn thờ cõi lặng đơn côi

 

Và ao ước một lần hẹn gặp

trong tim anh mãi có em rồi

 

Hoang hoải chiều đứng ngắm mây trôi

giọt nhớ nhung đường về lẽ bóng

 

Chút tơ lòng dài thêm mộng ước

màu yêu thương thắp lửa phượng hồng

 

Anh đâu biết mỏi mòn sợi nhớ

dấu tàn phai từ phía xa xôi

 

Thôi em về sửa soạn buổi sang sông

để mộng vàng day dứt, nửa đau thương …!

 

                                  NVT

 

 

 

Chút men tình

             Nguyễn Văn Trình

             (Bd: Văn Nguyễn)

 

Chếnh choáng hơi men, chếnh choáng tình

giọt rượu nồng vơi cạn chén ta say

 

Lối về sương phủ mờ chân dốc

một bóng đơn côi điệu nhạc buồn

 

Mơ màng mắt biếc thuở uyên ương

Còn đâu hình bóng người xưa cũ

 

Chiều buồn gió cuốn lệ tàn thương

Sầu ta đơn lẽ còn vương sợi tình …!

 

                                 NVT

 

Em về bên ấy

           Nguyễn Văn Trình

            (Bd: Trinh Huyền )

 

Em về bên ấy chiều nay
một trời thương nhớ, heo may một trời
câu ca mái nặng chơi vơi
dòng sông như cũng rã rời, buồn tênh


Em về bên ấy nắng hanh
hay mưa nhòa nhạt, chân thành ngày xưa
em về buốt tím hoa mua
đường côi mấy nẻo, gió lùa hồn anh…

 

                             NVT

                   nguyenvantrinh58@gmail.com

 

 

                     

                                



READ MORE - CHÚT TƠ LÒNG | CHÚT MEN TÌNH | EM VỀ BÊN ẤY - Chùm thơ Nguyễn Văn Trình