Khảo Luận Về Miền Thuận Hóa
Lê Quang Thái
LỜI GIỚI THIỆU (Trần Đức Anh Sơn viết)
1. Sáng ngày 28.5.2020, nhà giáo Nguyễn Đôn Toàn, cựu giảng viên Khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Huế, báo tin: “Thầy Lê Quang Thái vừa tạ thế ở Sài Gòn, di hài của thấy sẽ được đưa về an táng tại Huế sau hai hôm nữa”. Thầy Thái là “người bạn lớn” của tôi, nên thầy Nguyễn Đôn Toàn vội vàng báo tin cho tôi ngay khi được hung tin.
Nhà giáo, nhà nghiên cứu Lê Quang Thái, sinh năm Nhâm Ngọ (1942), tại Cổ Thành, thị xã Quảng Trị. Ông theo học ngành Sư phạm, tốt nghiệp Cử nhân giáo khoa Việt văn, Cử nhân giáo khoa Triết học (Đại học Sư phạm Sài Gòn), tốt nghiệp Cao học Tâm lý giáo dục (Khóa 2: 1969 - 1971), từng giảng dạy tại Trường Trung học Nguyễn Hoàng (Quảng Trị), Trường PTTH Hai Bà Trưng (Huế). Ông là một nhà giáo mẫu mực, một nhà nghiên cứu uyên thâm, sống một cuộc đời thanh bạch, giản dị.
Sinh thời, thầy Lê Quang Thái đã viết và công bố rất nhiều khảo luận về lịch sử, văn hóa, thắng tích, danh nhân... ở miền đất Ô - Lý / Thuận - Hóa / Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế xưa và nay. Ông cũng là tác giả của nhiều bài khảo cứu, tiểu luận về: đạo Phật, danh lam, danh tăng, sự thấm đẫm của văn hóa Phật giáo trong đời sống - xã hội ở miền Thuận - Hóa.
Những khảo luận của thầy Lê Quang Thái được công bố trên nhiều tạp chí / website / blog ở trong nước và hải ngoại. Tuy nhiên, cho đến nay, thấy Lê Quang Thái mới xuất bản một cuốn sách duy nhất: Chú giải và phân tích Về Thất thủ Kinh đô (Nxb Đà Nẵng, 2010), nhân kỷ niệm 125 năm ngày Kinh đô Huế thất thủ (5.7.2010).
2. Khi về Huế tiễn đưa thấy Lê Quang Thái rời cõi tạm, tôi có gặp gỡ, chuyện trò với người thân và bằng hữu của thầy. Họ nói với tôi là rất mong có ai đó bỏ công tập hợp những bài viết của thầy (đã từng công bố hay đang là bản thảo), để in thành một tập sách. Đó sẽ là một tập khảo luận của một người có sở học uyên bác và một tinh thần khách quan, giàu tính phản biện trong nghiên cứu, học thuật, nên sẽ rất giá trị và hữu ích cho những ai quan tâm tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng tích, đạo Phật... ở vùng đất Thuận Hóa xưa và nay.
Tôi xung phong nhận lãnh việc đó.
Với sự hỗ trợ nhiệt tình của thầy giáo Nguyễn Đôn Toàn, thầy giáo Trần Nguyễn Khánh Phong, TS. Trần Văn Dũng, TS. Võ Vinh Quang, Thượng tọa Thích Không Nhiên (ở Huế); TS. Nguyễn Bình, nhà giáo Võ Văn Hoa (ở Quảng Trị), TS. Bùi Việt Thành (ở Sài Gòn)... tôi đã tập hợp được 64 bài viết của thầy Lê Quang Thái đã công bố trên các tạp chí: Cửa Việt, Văn hóa Quảng Trị, Sông Hương Huế Xưa và Nay,... nhiều nhất là trên Nội san Liễu Quán (do Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán - Huế ấn hành). Ngoài ra, còn có một số bài đã được tuyển in trong tập sách Huế. Chuyện mới, tích xưa (Nxb Thuận Hóa, Huế, 2012), những tham luận tại các hội thảo khoa học trong nước và một số bản thảo chưa từng công bố.
3. Những khảo luận của thầy Lê Quang Thái quan tâm đến nhiều lĩnh vực, bản luận rất nhiều chủ đề, với những kiến giải sâu sắc, độc đáo và rất thú vị. Vì thế, rất khó để sắp xếp những bài viết này vào một chuyên mục cụ thể, cũng như rất khó chọn một tựa sách đúng nội dung, đúng tầm mức và đúng với tinh thần “ham học hỏi” mà thầy Lê Quang Thái đã bày tỏ qua những trang viết của mình.
Sau khi thảo luận với Nhà giáo Lê Thị Tránh, phu nhân của thầy, và với Thượng tọa Thích Không Nhiên, người bạn tâm giao của thầy, chúng tôi thống nhất chọn tên tập sách này là KHẢO LUẬN VỀ MIỀN THUẬN HÓA.
THUẬN ở đây là THUẬN CHÂU; HÓA ở đây là HÓA CHÂU. THUẬN - HÓA trong tựa sách này là dải đất trải dài từ sông Gianh cho tới núi Hải Vân, bởi lẽ những biên khảo công phu và tâm huyết của thầy Lê Quang Thái trong mấy chục năm qua, gần như dành trọn cho đất - người - đạo ở xử THUẬN - HÓA này.
Dựa vào nội dung của các bài viết, tôi tạm sắp xếp theo 3 chủ để: Lịch sử - Văn hóa (28 bài); Di tích - Danh nhân (29 bài) và Đạo Phật - Văn hóa Phật giáo (7 bài) để độc giả tiện theo dõi.
Ngoài ra, theo gợi ý của Thượng tọa Thích Không Nhiên, tôi đã hiệu đính và bổ túc một số điểm trong bài khảo cứu “dài hơi” Chú giải và phân tích Về Thất thủ Kinh đô, đã được Nxb Đà Nẵng xuất bản thành một tập sách mỏng vào năm 2010, làm thành phần Phụ lục ở cuối sách.
Có thể việc sưu tầm những bài viết của thầy Lê Quang Thái để đưa vào tập sách là chưa đầy đủ; có thể việc sắp xếp những bài viết vào 3 chủ đề trên là chưa hoàn toàn hợp lý. Nhưng đây là bộ tập thành nhiều nhất “chữ nghĩa mà thấy Lê Quang Thái “để lại” cho những ai yêu quý mến mộ thấy, lại sẵn lòng yêu thích tìm hiểu lịch sử - văn hóa - danh nhân trên miền đất Thuận - Hóa suốt mấy trăm năm qua.
Xin trân trọng giới thiệu
TRẦN ĐỨC ANH SƠN
Chủ đề 1: LỊCH SỬ - VĂN HÓA
- Quảng Trị qua dòng lịch sử
- Quảng Trị ơi, đất sao đất lạ đất lùng
- Ái Tử qua các thời kỳ lịch sử
- Tản mạn về Cam Lộ
- Về Linh Thái, Tư Hiền
- Điểm thường gây tai nạn bất trắc ở phá Tam Giang
- Sơn hà xã tắc
- Quốc thái dân an
- Tìm về lời chúc phúc “Thiên hạ thái bình”
- Lệ đàn
- Lạy và lễ lạy ngày xưa
- Việc học hành thi cử dưới thời chúa Nguyễn
- Lan man hai chữ Ông Nghè
- Tiến sĩ võ
- 90 năm “học vị” phó bảng
- 90 năm sau ngày khoa cử Hán học cáo chung: Cái mất, cái được
- Việc làng nước ngày xưa
- Ba sinh hương lửa
- Nguyễn Du viết Truyện Kiều ở Phú Xuân
- Từ “Thập giới cô hồn quốc ngữ văn” đến “Văn tế thập loại chúng sinh”
- Tinh chất Quảng Trị thể hiện trong “Vè Thất thủ Kinh đô”
- Nguồn gốc câu ca dao “Gió đưa cành trúc la đà…”
- Nguồn gốc hình tượng rồng Việt trong kiến trúc mỹ thuật chùa tháp
- Năm mới Tân Mão: Thỏ hay Mèo?
- Nghiệp của con ngựa
- Phiếm luận về “dâm trường” và “hôn trường”
- Mấy suy nghĩ về việc xây dựng “nông thôn mới”
- Gia đình và họ tộc góp phần xây dựng “nông thôn mới”
Chủ đề 2: DI TÍCH - DANH NHÂN
- Mở thoáng tầm nhìn từ đỉnh Linh Thái
- Miền Hà Khê
- Tìm về tiền thân chùa Thiên Mụ
- Tên gọi chùa Linh Mụ
- Phải chăng quốc tự Linh Mụ còn có tên gọi “Thiên Mẫu”?
- Giác Hoàng phạm vũ
- Thánh Duyên quốc tự
- Linh Hựu quán
- Tên gọi chùa Từ Ân xưa nay
- Kỳ đài Huế
- Văn Miếu trồng thông
- Võ Miếu trồng bàng
- Ngó vô Xã Tắc hai hàng mù u
- Phủ đệ dưới thời nhà Nguyễn
- Ký Thưởng viên, nơi Nhất Đại Thi Ông tiếp sứ thần Lão Sùng Quang
- Đền thờ Đức Thánh Trần ở Huế khai sáng nguồn mạch tâm linh
- Hải Vân - Điểm du lịch cần được khai thác
- Nguồn gốc danh xưng Chúa Tiên
- Cội nguồn quê hương của Nguyễn Hoàng
- Lời thầm ước trước lăng Nguyễn Hoàng
- Quê hương Bạc Mã - Phú Yên và năm sinh (theo Tây lịch) của Tổ sư Liễu Quán
- Cố kinh Tràng An trong tâm thức người Việt
- Mối tâm giao giữa Tương An quận vương và Cao tăng Thích Nhất Định.
- Thử nhận định lại nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886)
- Đình nguyên Hoàng giáp Trần Dĩnh Sĩ (1858 - 1914)
- Thanh đàm về An Thường công chúa
- Họa sĩ Tô Bích Hải: Đọc và học theo tứ thơ của “Văn tế thập loại chúng sinh”
- Bể dâu mà không dâu bể đâu anh!
- Thơ Mặc Giang khơi dậy sóng tâm tư
Chủ đề 3: ĐẠO PHẬT - VĂN HÓA PHẬT GIÁO
- Phật hay Bụt?
- Bảo sát hay Bảo sái?
- Phật giáo Quảng Bình từ thời Lý - Trần đến nay
- Hương sắc chùa Huế
- Đài Thánh tử đạo bên bờ sông Hương
- Tượng Đức Quán Thế Âm tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán
- Thầy ơi! Sáng giá chùa làng
Sách Khai Minh trân trọng giới thiệu.
sachkhaiminh.com
No comments:
Post a Comment