GƯƠNG HIẾU HỌC VÀ VƯỢT KHÓ
CỦA ÔNG NGUYỄN VĂN BỔN
Nguyễn Khắc Phước
Ông Nguyễn Văn Bổn là nhà thơ nổi tiếng với bút danh Tần
Hoài Dạ Vũ, sinh năm 1946 tại Giao Thuỷ, Quảng Huế, Đại Lộc, Quảng Nam.
Theo trang web Thi Viện (thivien.net): “Năm 1969 ông là phó
chủ tịch Hội đồng Sinh viên liên khoa Huế, rồi chủ tịch Ban đại diện sinh viên
Đại học Sư phạm Huế. Thời gian này ông tham gia tích cực phong trào đấu tranh của
sinh viên – học sinh nội thành Huế, đồng thời có thơ văn in trên nhiều tạp chí
và hợp tuyển thơ. Tên ông thường được nhắc đến trong các công trình về dòng văn
thơ yêu nước tại các đô thị miền Nam trước năm 1975 cùng với những tên tuổi như
Ngô Kha, Võ Quê, Trần Quang Long...”
“Ông có thời gian dạy học tại Trường Trung học Trần Cao Vân
– Tam Kỳ, rồi là Giám học Trường Trung học Quảng Điền – Thừa Thiên- Huế. Từ
1-4-1975 ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Quốc học Huế. Năm 1978 ông về
công tác tại Sở Văn hoá – Thông tin tỉnh Quảng Nam, phụ trách nghiên cứu văn học
dân gian. Hiện nay ông đang công tác tại tạp chí Kiến thức Ngày nay.”
Những thông tin trên đây đều không lạ gì đối với giới trí thức
và những người yêu thơ Tần Hoài Dạ Vũ. Tuy nhiên, những năm ông học tại trường
Quốc Học Huế như thế nào thì ít người biết đến.
Gần đây, nhà giáo – họa sĩ Lê Duy Đoàn tặng tôi cuốn “QUỐC
HỌC HUẾ - Tình Yêu – Giai phẩm Xuân 2018” dày hơn 400 trang với nhiều bài
nghiên cứu có giá trị cao về lịch sữ và văn học rất đáng đọc. Trong phần II. NHỮNG
GIÁ TRỊ VIỆT - HUẾ - QUỐC HỌC đáng chú ý có bài tự truyện của tác giả Nguyễn
Văn Bổn với đầu đề: “Nhớ những năm tháng Quốc học”, viết về ba năm Đệ nhị cấp học
tại trường Quốc Học của chính ông. Với giọng văn hết sức nhẹ nhàng, giản dị,
ông đã kể về những khó khăn vất vả của một cậu học trò nghèo phải bươn chải thế
nào để có thể sống và học hành ở một thành phố xa quê, không hề được gia đình
trợ cấp.
Ông kể: “Không có lấy một người quen, chưa hề đặt chân tới
Huế, tôi rời gia đình ở Hội An để ra đi với một chiếc xe đạp và một chiếc va ly
nhỏ. Mẹ tôi thì chỉ có thể cho tôi đúng 700 đồng. Với số tiền ấy, tôi chỉ có thể
trả tiền cơm hơn một tháng, nếu hoàn toàn không mua sắm, tiêu pha vào một khoản
nào khác.”
Nếu ăn ở quán cơm xã hội ở chợ Đông Ba mỗi bữa 10 đồng, mỗi
ngày hết 20 đồng, rõ ràng ông đã tính đúng.
Việc ăn là như vậy, còn việc ở thì sao? Ông kể: “Ở tạm nhà một
bà cụ người Trung Hoa tại đường Chi Lăng (Gia Hội), vốn là chỗ quen biết với
gia đình tôi từ trước.” Khi tạm thời có chỗ ở rồi, ông phải kiếm việc làm để lo
cái ăn tiếp theo. Như bao học sinh từ tỉnh khác, ông nghĩ đến việc đi dạy kèm.
Thật may, người lớp trưởng lớp Đệ Tam C của ông đã kiếm một chỗ nhận ông làm
gia sư. Để có tiền mua sách vở, ông xin vở cũ của các bạn mang ra chợ bán, sau
đó, dán thành bao giấy để bỏ cho các bà bán hàng trong chợ Đông Ba. Ngay trong
năm Đệ Tam C, ông đã có thơ được đăng trên nhiều tạp chí, cũng là một nguồn thu
nhập khiến ông sống và học được và cũng chứng tỏ ông là người có năng khiếu về
thi ca, nỗi trội hơn nhiều bạn cũng thời.
Thế nhưng, ông phải đổi chỗ làm gia sư và có lần phải bỏ dạy
vì bị nhà chủ đối xử không tốt, có ngày ông chỉ còn một đồng đủ mua hai trái
chuối và uống nước máy cho đầy bụng để cầm hơi. Túng quá, ông đánh liều mượn
200 đồng từ cô giáo cũ để sống qua ngày trong khi chờ đợi kiếm chỗ dạy kèm mới.
Ông tổng kết thời học sinh Quốc Học của ông như sau: “Những
năm tháng học ở bậc Trung học Đệ nhị cấp của tôi ở Trường Quốc Học đã là những
năm tháng nổ lực hết mình để không chỉ học giỏi, thì đổ, mà còn để kiếm miếng
cơm sinh sống và tự lập thân. Và tôi thực sự đã trưởng thành trong những năm
tháng gay go ấy, đã bước vào sự nghiệp văn chương, có thơ đăng trên hầu hết các
tờ báo, tạp chí xuất bản ở Sài Gòn, đã có thể sống được một phần nhờ tiền nhuận
bút (khá cao so với thời giá lúc bấy giờ!)"
Ông Nguyễn Văn Bổn rõ ràng là tấm
gương chịu thương chịu khó, tự thân vận động, tự lập tự quyết, tin tưởng vào
chính bản thân, nổ lực học tập không mệt mỏi. Qua việc tập trung học tập mà tài
năng nở rộ sớm, được giới văn nghệ, báo chí và xã hội công nhận và đánh giá
cao.
Ông còn là một người con có hiếu,
không bám vào mẹ khi gia đình đang gặp khó khăn. Sự nghiệp văn chương của ông
đã làm rạng danh gia đình.
Mặc dù hiện nay đời sống người dân
đã cao nhưng không cứ ở nông thôn, miền núi mà ngay cả giữa chốn thị thành
không phải không còn những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, không thể cho con học
hết bậc trung học. Nếu các cháu noi gương ông Nguyễn Văn Bổn, có ý chí vững
vàng, tìm mọi cách để vượt ra khỏi khó khăn thì có thể tự học thành tài, trở lại
giúp đở cha mẹ thoát khỏi nghèo khó.
Các cháu trong gia đình khá giả,
giàu có, nếu theo gương ông, không ham chơi, đua đòi, hư thân mất nết, mà chỉ tập
trung vào việc học hành thì cũng không phí đồng tiền của cha mẹ, không những
làm cho gia sản ngày một thịnh vượng mà còn giúp đỡ bà con, giòng họ và xã hội
có có cơ hội học tập và sinh sống tốt hơn.
NKP