Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, July 15, 2014

KÍNH ĐIẾU HƯƠNG LINH ANH NGUYỄN VĂN SỸ - Lê Đăng Mành


        
                       
 Chân dung anh Nguyễn Văn Sỹ



KÍNH ĐIẾU HƯƠNG LINH ANH NGUYỄN VĂN  SỸ     
                                     (Pháp Danh: Nguyên Bình)
                                                

Hỡi ôi !
Giọt ngoi nam* tươi mát- bất chợt mây về ảm đạm âu sầu !
Cơn nắng hạ yên lành-bỗng dưng gió tới đìu hiu lất phất

Văn Quỹ xa xót đớn đau
Đông Hà tủi buồn chất ngất…!

Nhớ linh xưa!

Nuôi Dưỡng trong nền nếp gia phong
Học tập từ mối giềng hạnh đức
Mười hai huynh đệ cảm càn khôn Trọn đạo hiếu trung
Chín chữ cù lao lay nhật nguyệt chu toàn thiện phước

Kính thay!

Thơ ấu Mẫu tâm học vỡ lòng tỏ tam cương
Thiếu niên kinh sử ươm làu thông tường vạn vật .

Trang hào kiệt nỏ hề bán tước mua danh,
Chí anh hùng nào cần thăng quan cầu chức.
Đem tài thao lược, yên non sông bốn phía an bình
Mở túi kinh luân, giúp bà con dưới trên chuẩn mực

Cao quý thay!

Hai mươi tám tuổi đẹp lương duyên,
chồng luôn dưỡng chữ tam cương ngũ thường,
Bao mấy năm đời vui Tần Tấn,
vợ mãi chăm câu tam tòng tứ đức .

Nam tử năm người đầy hiếu hạnh ,
đụng lúc trở trời cung phụng chăn chiếu thuốc thang ,
Dâu con các cháu đủ ngoan hiền,
gặp khi trái gió kính dâng trà sâm cơm nước .

Tuổi chưa già vẫn còn dựng nghiệp, lo cho đời vinh thăng bằng chị bằng em,
Đời còn trẻ sao vội quy tiên ,để xem con thành đạt nên mày nên mặt.
Trần gian lãng đãng liễu thân bất tịnh, Anh nguyện sống đời bác ái khiêm cung,
Cõi tạm chập chờn quán pháp vô thường người mong hành đạo từ bi chính trực.

Nhớ linh xưa!

Bao độ lên rừng nam Thạch Hãn mở thoáng lạch nguồn
Mấy phen bạt núi tây đường quan** khai thông con nước.
Những cầu hội ngộ cùng quê cũ tợ muôn xưa ,
Còn ước chan hòa với xóm làng như thuở trước.
Nối chí đệ huynh mãi đọng tiếng quê hương
Giao lời tôn, tử còn ngân vang cung bậc…!

Thương sao !

Nhìn mây vần vũ thương sắn khoai rều phủ còn ngâm,
Thấy nước dập dềnh nuối đồng lúa bùn chao chưa gặt.

Quê hương xót dạ ngậm ngùi
Cây cỏ phơi màu tang tóc !

Thương thay,ô hô!

Mãi mãi trống chiêng đồng vọng,
đâu lời cố lý qua Đình xưa ,rọi quê quán cội nguồn !?
Từ nay chuông mõ ngân rung,
vắng tiếng tha hương về chùa cũ, tìm bản lai diện mục…!
Nơi đó anh em chờ hồn phong độ -
một thời nghệ nhân ca xướng ngất ngây
Chốn kia bè bạn dỏi bóng tinh hoa-
muôn thuở thi đàn họa ngâm dìu dặt .

Văn Qũy cung thương nốt rã rời
Ô Lâu thi phú vần thao thức
…Li biệt … Nghiên cạn mực khô
…Cảm thương … Lệ đầy mắt ướt!

Nay đây!

Hoa khai tự tại đảnh lễ Phật ADI ĐÀ
Thần thức thong dong vãng sanh Trời AN DƯỠNG QUỐC
Tịnh độ sen chưng màu
Lạc bang chim phô sắc
Một chén cơm chay
Ba tuần rượu lạt
Cung kính dâng bào huynh
Toàn con cháu cúi đầu khấu bái
Ô hô !Vĩnh biệt …!

Lê Đăng Mành phụng bút

READ MORE - KÍNH ĐIẾU HƯƠNG LINH ANH NGUYỄN VĂN SỸ - Lê Đăng Mành

Thơ Hải Thụy - TRANG ĐỜI THIẾU TEM, CHỈ MỘT KHOẢNG TRỜI, XA XÓT

Tác giả Hải Thụy


TRANG ĐỜI THIẾU TEM

Đếm buồn rót tháng -
ngày hao 
Từng đêm nâng chén - 
níu sao … chuyện cùng
Phận thông trót lậm
đất rừng
Vì cây mây vướng
giữa lưng núi đồi
Người giờ nước suối -
dòng xuôi
Sao lòng ta mãi… 
đầy - vơi nỗi chờ
Đã sông ắt - đủ 
đôi bờ
Đá sỏi chẳng nỡ - 
hững hờ nữa … em
Trang đời ta thiếu - 
con tem
Nên không gởi được … 
đành đem muối nhừ !


CHỈ MỘT KHOẢNG TRỜI

Chia cách chỉ một khoảng trời 
Trăm điều có thể … nhưng người không tin 
Một lời vỡ nát con tim 
Bỗng đâu bão lũ nhấn chìm ước mơ 
Tình yêu ! 
yêu … hóa -
ngu ngơ
Vì ghen … em quá –
nghi ngờ đấy thôi
Bao giờ mới chịu 
hiểu … tôi
Để cho cuộc sống …
tràn vui nụ cười
… Một mai lạc nẻo đôi nơi
Ai thay một nửa cùng người thăng hoa
Đêm nhàu tóc rối – lụa là
Buồn len – nuối tiếc đã xa nghìn trùng
     
Ta giờ sương khói  - mông lung 
Giấc phiêu mãi gọi suối – rừng có hay !

XA XÓT

Mưa dông buốt lạnh sông chiều
Sóng duềnh con nước liêu xiêu lục bình
Con đò cạnh bãi lau xanh
Tôi như bói cá đầu cành tìm em
Trăng lên đêm nhẹ buông rèm
Dấu xưa quãng vắng lòng thêm bùi ngùi
Tình ơi ! ngỡ tưởng… xa nguôi
Ba mươi năm lạc – bóng người không phai
Xót xa tháng rộng năm dài
Trăng nay nhớ lại – cái rằm ngày xưa
Tháng tư dạo ấy trời mưa
Tiễn nhau mây giận… gió lùa che trăng
   
Lòng mình bởi quá đa mang
Nên thơ tôi viết ngổn  ngang nỗi niềm
Cuốc khuya vẹt tiếng ven biền
Ăn năn dõi bóng trăng nghiêng – lặng thầm !

HẢI THỤY

READ MORE - Thơ Hải Thụy - TRANG ĐỜI THIẾU TEM, CHỈ MỘT KHOẢNG TRỜI, XA XÓT

THƠ LỤC BÁT - phiếm luận Chu Vương Miện

Hình từ trang phidongha.blogspot.com


Có nhiều vấn đề về thơ mà rất nhiều năm vẫn còn đó, không trôi qua một cách dễ dàng, tuổi càng ngày càng chồng chất nên đã gần 40 năm nay, bây giờ mới đủ chín để viết bài phiếm luận này.

   Thơ Tàu nói chung và thơ Đường đều có luật có lệ [và thường có cả ngoại lệ].Từ thơ bốn chữ [tứ tự], thơ năm chữ [ngũ ngôn], thơ sáu chữ [lục ngôn], thơ bẩy chữ [thất ngôn] (thơ Tàu không có thơ tám chữ [bát tự] nhưng lại có trong thơ Tây), đến thơ bốn câu [tứ tuyệt] tám câu [bát cú], nhiều câu hơn là trường thiên, nếu thơ  trừơng thiên mà chỉ có một vần thường được gọi là bài hành.

   Vào thập niên sáu mươi [60], thi sĩ Vũ Hoàng Chương chế ra một loại thơ [nhìn qua cũng là thơ của Tàu thôi], đặc biệt chỉ ròng bốn câu, mỗi câu bẩy chữ, ông đề xuất loại thơ này là Nhị Thập Bát Tú.

Tuy nhan đề bài phiếm luận này là Thơ Lục Bát, nhưng ở phạm vi bài này, chúng tôi không dám lạm bàn chi nhiều về thơ mà lại bàn riêng về một vấn đề khác. Thơ Đường hay thơ Tàu thì loại tam ngôn, tứ ngôn, lục ngôn, thất ngôn thì đúng rồi. Còn thể thơ sáu tám [6-8] của nước ta tại sao không kêu là thơ sáu tám mà lại kêu là thơ luc bát? Chúng ta là người Việt Nam trăm phần trăm, tuy có bị nhà Đường đô hộ, nhưng đa số chúng ta không nói được tiếng Tàu và rất ít người thời bấy giờ làm được thơ Tàu. Vậy mà tiền nhân của chúng ta không kêu thơ của chúng ta là thơ 6-8 [mà lại là lục bát]. 
   
Xin tạm gác vấn đề thơ Lục Bát qua một bên, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này ở phần cuối bài.

Năm 1958, ở miền Nam Việt Nam xuất hiện một thi sĩ tên là Hà Liên Tử [mà theo nhà phê bình Lâm Vị Thủy lúc đó ở tờ Tạp chí Phổ Thông là một “văn nghệ sĩ thanh niên hiện đại”. Ống cho xuất bản thi phẩm Tiếng Bên Trời. Tôi không bình lụân cuốn thơ này [không khen và cũng không dám chê] chỉ ghi lại phong cách làm thơ và cách dùng chữ của thi sĩ mà thôi:

Thơ như vầy:

bỗng dưng
em khóc tôi cười
Chuyện mười năm cũ với người
hôm nay
                    [Bóng Chiều Xuân]

Men đời chuốc cạn đắng cay
Ưu  tư liệm chết hồn trai giang hồ
Những là hoa bướm ngày xưa
Người em thơ mộng
ngày xưa...
hết rồi
Bỗng dưng
em khóc 
tôi cười
chia tay
Chẳng biết ai người khổ đau
     [Trích từ cuốn Thi Nhân Hiện Đại tập 2, Phạm Thanh, tr. 607-608]

Riêng bài thơ dưới đây, thì chúng tôi chỉ chép lại theo trí nhớ:

mười năm xưa
mười năm sau
một hình bóng cũ
xóa mầu thời gian
cầm như 
đã lỗi nhịp đàn
cố nhân ơi
bấy ngỡ ngàng cố nhân

Mấy câu thơ của thi sĩ Hà Liên Tử cũng chả khác gì những câu thơ của Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh.

Nửa chừng xuân
thoắt
gẫy cành thiên hương

[Bản Kiều thi chép liền một câu “Nửa chùng xuân thoắt gẫy cành thiên hương”].

Thơ chỉ có thế thôi mà sinh to chuyện. Từ những tờ báo lá cải xoàng xoàng đến tờ báo thời danh Sáng tạo, báo nào cũng đua nhau nện cho thi sĩ Hà Liên Tử vài trận đòn bề hội đồng tơi bời hoa lá, ngườì thì nại lý do bây giờ là trao lưu thơ tự do từ một chữ đến mấy chục chữ, nào thơ xuôi [poeme en prose],  nào phá thể, nào là thi si Nguyễn Vỹ thời tiền chiến làm thơ con ngan con vịt [con thiên nga có hai chân thì có sao đâu].  Khi không mang thơ lục Bát chặt khúc ra, không giống con giáp nào cả, đập là phải thôi [mà đập rất là thiệt tình], sau này thì tôi mới nghiệm ra rằng: thiên hạ người ta quá đáng nếu không nói là quá lời khi bình luận về thơ.

Một thể chế [Mưa dân chủ gió cộng hòa] dưới thời tổng thống Ngô đình Diệm và gia đình trị anh minh như thế, tướng lãnh và các vị bộ trưởng tên tuổi sáng chói lừng lẫy như thế, nào Ông Vũ Văn Mẫu [mẫu mực của quan Văn quan Võ], nào ông Trần trung Dung, nào ông Đinh Trình Chính, nào tướng Lê Văn Nghiêm, Dương Văn Minh, Trần Văn Trung, Trần Thiện Khiêm …  một chế độ chính danh như thế, lừng lẫy như thế, ổn định và trật tự như thế  thì  người trên phải ra trên, người dưới phải ra dưới [thơ phải ra thơ, thẩn phải ra thẩn], thơ tự do phải là thơ tự do, thơ mới phải là thơ mới, và thơ lục bát đương nhiên phải là thơ lục bát chứ làm lộn xộn thi ca thì cũng có nghĩa là làm mất trật tự xã hội, làm mất thể thống của một chế độ.

Thế là một chút thí nghiệm [và bước đầu sự nghiệp của thi sĩ Hà Liên Tử] đến đó thi tạm ngừng lại, và ngay từ lúc đó cái lọai thơ lục bát cắt vụn ra tạm thời phải [bị] nối liền vào như cũ.

Tưởng thế là mồ yên mả đẹp [chuyện thơ lục bát tạm ngừng ở nơi đây], nhưng không vẫn chưa yên. Vào năm 1960, tạp chí Bách Khoa thời đại ra một số dầy gấp đôi, số này đặc biệt kỷ niệm 200 năm thi hào Nguyễn Du [đáng để ý nhất hai bài, một bài là của tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê [là Kiều Chơi Cây Đàn Gì?] và bài Đĩa Trà Mai Hạc của Nguyễn Du [xin lỗi lâu quá quên mất tên tác gỉả].  Điều đáng đưa vào bài này [là bài tôi đang viết] bài Đĩa Trà Mai Hạc đại để nói quan Đông Các Đại Học Sĩ Nguyễn Du đi sứ qua nhà Thanh mấy lần, mà lần nào cũng đến tận lò gốm để đặt một lúc mấy bộ ly trà và chén đĩa, trên đồ gốm đồ sứ có vẽ cây hoa mai và có mấy con chim  hạc. Nhưng phần lý luận về trà Tàu [ly tách chỉ là phụ] mà ý chính của bài viết là dậy cho những ngươi làm thơ, lúc bây giờ biết cách làm thơ, nhất là thơ lục bát. Đại khái là tranh Tàu thì nhiều và rất nhiều, có nhiều bức của những họa gia nổi danh [thời danh] và cũng có bức của những họa gia chưa nổi danh, tuy nhiên bức tranh nào mà có nhiều thi gia [thi bá] nổi tiếng như cồn đề thơ lên bức tranh thì giá trị búc tranh càng lên cao và giá trị thương mại lại còn theo đó mà cao hơn nữa, những thi gia đề thơ trước, đa số tranh còn khoảng trống, nên dễ đề thơ, các thi gia đề thơ về sau, thì vướng phải mỏm núi, ngọn cây, thành ra có câu dài câu ngắn, vi dụ:

nghêu ngao
vui 
thú yên

mai là bạn
cũ hạc
là người 
quen.

Hai câu lục bát này là của cụ NguyễnDu:

Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ hạc là người quen.

Nếu đề thơ sau những ngườì khác thì không còn chỗ quang đãng, đành phải thụt ra thụt vào, nâng lên kéo xuống, đếm chữ chia câu, mới biết thơ thuộc loại thơ gì. Hai câu thơ lục bát của Nguyễn Du đựcc viết trên chén [đĩa trà Mai Hạc] là bị chặt khúc ra [vì vướng vào cành trúc].

Đến năm 1975, bây giờ là năm 2001, tức là đã 26 năm trôi qua, chuyện về thơ lục bát tôi mới dần dần vỡ lẽ. Bài viết này tôi trích dẫn phần sau của bài toàn là thơ của thi sĩ Trần Vấn Lệ làm điển hình để minh họa.

Tôi rất sợ trích dẫn thơ luc bát của các thi sĩ khác dễ gây ngộ nhận đáng tiếc, sinh ra xích mích không tốt, tôi cũng đã phôn và xin phép thi sĩ Trần Vấn Lệ thì được ông cho phép và không có một trở ngại gì cả, trích dẫn sao cũng được.

Đây là một số bài thơ [trích đoạn] lục bát của thi sĩ Trần Vấn Lệ trông thật ngộ và lạ mắt:

gửi em
một đóa hoa hồng
chiều xuân sang hạ
em bồng đi chơi
bồng hoa
có tưởng bồng người
bồng theo với nhé
một thời tương tư
                     [Trích thi tập Gửi Em Một Đóa Hoa Hồng, trang 9].

sáng nay trời lạnh quá chừng
lạnh như thể chưa từng lạnh hơn
lạnh và buồn
lạnh cô đơn
lạnh không gió quyện
lạnh sương không mù
                   [Một Chữ Lạnh]

hai tay em
lướt phiếm đàn
hai tay em
đuổi trăng vàng đi đâu?
phải chi nước đứng
chân cầu
hai tay em giữ
hoài câu thơ tình
                   [Bàn Tay Kỷ iệm]

sáng sương mù sáng mù sương
los angeles ôi buồn quá em
sáng rồi mà tưởng còn đêm, hết nghe 
tiếng dế bên thềm gọi khuya
mùa đông đã đến không dè. mới thu
phơ phất, mới hè đó thôi!
         [Một Sáng Sương Mù ở Los Angeles]

lâu rồi
về lại đường hill
đẹp ơi trời vẫn còn
chiều mưa bay
em cầm áo
khoác hờ vai
làm tôi cứ ngỡ
mình ngoài thế gian
con sông los
chẩy mơ màng
đồi hollywood
cỏ vàng như thu
mới là tôi nói
là lâu
hay trăm năm
thế kỷ sầu đã qua
em cầm áo khoác
kiêu sa
tôi không là cỏ
mà hoa mặt trời
trăm phương nghìn huong
một đời
về đây với los
tìm người nagỳ xưa
          [Về Đây Với Los]

Đại thể thơ của thi sĩ Trần Vấn Lệ là như vậy, muốn ngắn cứ ngắn, muốn dài cứ dài, tuy nhiên câu sáu chữ và câu tám chữ tổng cộng là mười bốn chữ. Cắt [chặt khúc ra] cũng ở trong 14 chữ mà thôi, chứ cắt lung tung [thêm thừa thì không còn là thơ lục bát nữa] mà là thơ không lục bát.

Nhân tâm tùy mạng mỡ, bá nhân bá tánh ... Cái hình thức không quan trọng, cần là cần cái lõi. Không riêng gì ở ngoài nước, mà thơ trong nội địa sau 1975 cũng được chặt khúc ra, có khúc ngắn khúc dài và so le.

Theo thiển nghĩ của người viết bài phiếm luận này, hai từ lục bát là chữ Việt Mường, sau là chữ Việt Nôm, hoàn toàn không phải từ Hán Nôm, và hoàn toàn cãng không phải chữ Hán mà thuần chữ Việt.

Lục bát ở đây được hiểu là như thế nầy: Lục có nghĩa là lục lọi [tìm kiếm] Bát là cái bát để ăn cơm, ăn bún bò, ăn phở...,  chúng tôi liền có ý nghĩ tới triết gia Phạm Công Thiện khi phê phán một câu thơ của thi hào Tản Đà: "Cái hạc bay lên vút tận trời", ông phán: Cái tinh thần đã bay mất, chỉ còn trơ lại cái xác phàm mà thôi. Cái bát, từ năm 1958 [thời Hà Liên Tử] thời điểm là thi phẩm Tiếng Bên Trời, ra đời tại Sài Gòn, đã bắt đầu bể, sau bốn mươi năm cái bát bể thêm tan tành, đủ thứ đủ kiểu. Sau năm 1975 ăn khoai, sắn, bắp, ngô, củ từ, củ mài [đâu cần bát] và bây giờ thì phài cần cái bát. Rồi bao nhiêu cái bát được hình thành, nhưng cái bát mới ra sao? hinh dạng như thế nào? hỡi các thi sĩ đang sống và đang chờ chết kể cả trong và ngoài nước.

Chu Vương Miện

READ MORE - THƠ LỤC BÁT - phiếm luận Chu Vương Miện

BRAXIN-NỖI ĐAU THƯƠNG VÀ TỦI NHỤC KHÔNG THỂ NẢO QUÊN! - Phan Kỷ Sửu




Chẳng một ai, thật vậy
Cả những người yêu và không yêu đội bóng vàng xanh
Tin vào cái tỷ số cuối cuối cùng và vô cùng khủng khiếp ấy!
Braxin-Đức 1-7
Trận bán kết đầu tiên!
Ngày 8 tháng 7 lạnh lùng như một định mệnh trớ trêu, khắc nghiệt
Mành lưới ấy phải rung lên
Dưới những bánh sắt xe tăng ầm ào, quyết liệt
Một trận cầu hủy diệt
Cả hành tinh ngơ ngẫn, bàng hoàng
Và lịch sử cũng ngỡ ngàng
Với những gì trước mặt
Hào quang của 5 lần trên đỉnh cao World Cup
Bây giờ lụi tắt rồi sao!?
Sân nhà Belo Horizonte, một thiên đường, một "chân trời tươi đẹp" (*)
Như biết bao ước mơ, khát vọng ngọt ngào
Trong phút chốc đã biến thành địa ngục
Đâu rồi điệu nhảy Samba háo hức
Khi những ngọn lửa từ bao trái tim cuồng nhiệt cháy bừng
Bỗng tắt lịm nửa chừng vì những thùng nước lạnh tạt vào, liên tục không dừng!
Ôi! Brasin bây giờ sao thế được?
Nhưng đôi chân thần tốc hôm nào bổng rục rè, bạc nhược!
Một đội hình  thép gang  sao rời rạc,không hồn ?!
Không có Neymar và Thiaga Silva, dẫu là một mất mát đáng buồn
Sao những ngôi sao Neymar, Osca, David Luiz, Silva... không hề tỏa sáng?
Và cái gì sẽ đến, đã vụt đến kia rồi không thể nào ngăn cản
Khi bao dòng nước mắt tuôn tràn
Từ những gương mặt thất thần, nức nở!
Từ hiệp một, tất cả đều tan vở
Tất cả đều tuyệt vọng, biết sao hơn?
Khắp thành phố Braxin náo loạn, quay cuồng!
15 xe bus làm mồi cho lửa đỏ
Từ những nỗi nhục nhả và tận cùng phẩn nộ
Đã biến thành những trận đánh nhau, những đám biều tình cùng gậy gộc hung hăng
Từ khu ổ chuột Madalena đến Salvador, SaoMateus.. . sự hỗn loạn đã vươn lên đỉnh điểm rồi chăng?
Người đàn ông ở khu Fan Fest đâm đầu vào xe tải!
Và những lời xin lỗi chán chường
Chỉ xoáy sâu hơn vào vết thương người hâm mộ!
Ơi em bé hồn nhiên và những nàng tiên Braxin dễ thương đang nức nở...
Cùng cả dân tộc mình hãy lao khô nước mắt là hơn
Dù vị đắng hôm nay là quá đắng và nỗi buồn này ở trên mọi nỗi buồn
Hãy can đảm nhìn thắng vào sự thật...
Phải làm lại từ đầu, phải ươm lại niềm tin từ đổ nát
Phải sống lại một Braxin vô địch của hành tinh
Một quá khứ hào hùng không thể mất
Một tương lai tươi sáng sẽ về mình
Tôi, một fan Việt Nam cũng không khỏi ngậm ngùi khi thảng thốt gọi Braxin!
Đội bóng tôi yêu rất thực lòng mình.

                                                    PHAN KỶ SỬU
                                                (Thành phố Tây Ninh)

(*) Beno Horizonte:
Có nghĩa là "chân trời tươi đẹp" trong tiếng Bồ-đào-nha.


READ MORE - BRAXIN-NỖI ĐAU THƯƠNG VÀ TỦI NHỤC KHÔNG THỂ NẢO QUÊN! - Phan Kỷ Sửu

MINH TÂM KIẾN TÁNH - Giáng Ngọc


Tác giả Giáng Ngọc


Thường khi nhìn hình Quán Thế Ấm Bồ Tát có nhiều người cho rằng đó là “Mẹ” Quán Thế Âm. Thậm chí có những giai thoại tranh luận xa xưa nói rằng “Đức Mẹ” hiện ra ở Thánh Địa La Vang  cũng chính là Quán Thế Âm Bồ Tát. Khi những quan niệm sùng bái nghiêng về một tôn giáo thì người ta thường hay suy luận như thế.
Cho dù nói thế nào đi nữa, Đức Mẹ hay Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đều là hình tượng của sự tôn kính của lòng người đối với “Mẹ”.
Nhân đây, tôi muốn nói đến điều gọi là “Minh Tâm Kiến Tánh” trong Phật Giáo.
Bản tính của chúng sinh thì thích khoái lạc, ghét thống khổ. Do vô minh che đậy nên chúng sinh không biết cách để đạt tới sự khoái lạc sung sướng, thoát ra sự thống khổ. Do đó, tuy rằng miệng luôn nói là truy cầu sự khoái lạc, nhưng bất hạnh thay, hể càng tìm kiếm thì càng thêm thống khổ.
Bồ Tát là người có lòng từ bi quãng đại, đã giác ngộ, biết được làm thế nào để ly khổ, đáng thương xót, ngài phát tâm nguyện đại bi rộng lớn tâm thanh cứu khổ. Cho nên, chúng sinh mình không phải là hoàn toàn tuyệt vọng.
Chỉ cần mình có lòng thành khẩn, niệm tụng “Quán Thế Âm Bồ Tát” thì Ngài sẽ dùng pháp lực vô biên để độ thoát, giúp mình ly khổ, đắc lạc.
Sự khoái lạc này là sự khoái lạc cứu cánh, là sự khoái lạc ở Tây Phương Cực Lạc. Do vậy, nói rằng niệm tên Bồ Tát thì không những được thoát ly khỏi sự thống khổ của thế gian nầy, mà mình còn được sinh về thế giới Cực Lạc, hoa khai kiến Phật, tới được chỗ khoái lạc thanh tịnh cứu cánh nhất.
Niệm Bồ Tát có thể ly khổ, có thể làm cho mình liễu ngộ tâm tánh.
Phải chăng có một việc quá dễ dàng như vậy sao? Nhiều chúng sinh còn u tối đặt ra câu hỏi như thế. Bồ Tát quả phát tâm muốn làm chuyện tiện nghi cho chúng sinh nên ngài mới nói ra cái pháp môn, phương tiện như vậy.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều chúng sinh, dầu với cái sự dễ dàng tuyệt đỉnh kia cũng không nhận thức được. Thật là đáng tiếc.
Có người lại nói rằng niệm tên Bồ Tát thì có thể tiêu trừ được tội khổ.  Đó là điều tôi tin tưởng. Nhưng làm sao niệm Bồ Tát lại có thể làm cho tôi được MINH TÂM  KIẾN TÁNH được? Và, có lúc tôi nói tới cái đạo lý  khác đơn giản như: Có một người bịt mắt, chỉ thấy bốn bề tối đen. Người đó đi tới đâu, nếu không đụng phải vào tường thì cũng đụng vào vật gì làm cho sứt đầu mẻ trán, khổ không thể nói được. Nhưng, tự ý lại không biết thế nào để thoát ra cái khăn bịt mặt. May thay anh ta gặp được một người có lòng từ bi, thấy anh ta đau khổ, liền mở chiếc khăn bịt mặt ra cho y, nhờ vậy anh ta mới thấy được mọi điều mà không thấy còn khổ nữa.  
Đạo lý niệm “Bồ Tát” để được minh tâm kiến tánh cũng tương tự như vậy. Chúng sinh y hệt như người bị bịt mắt, tuy có mắt, nhưng bị che kín mà thôi. Cái tâm tánh của chúng sinh, xưa nay vẫn không mất, luôn luôn quang minh lỗi lạc. Chẳng qua là vì tạm thời bị tội chướng vọng niệm, làm cho lu mờ đi thôi. Bồ Tát cũng như người có lòng từ bi kia. Ngài thay cho mình để giải trừ cái nghiệp chướng đã che đậy cái bản tánh quang minh trong tâm mình, để cho mình có thể phản bổn hoàn nguyên, khôi phục lại cái bản lai diện mục. Cho nên, mình không thể không niệm cái danh hiệu Bồ Tát được. Bởi vì giống như người bịt mắt, nếu không cầu kẻ khác thi đừng có nói là  vẫn đi đụng tường mà còn có khi đi lạc lối rơi  xuống hố sâu vực thẵm nữa. 
Ở đời, số người mang tội ác thì nhiều, nếu không cẩn thận, lỡ một mai lạc bước rơi xuống vực sâu tội lỗi, tội ác,  mất đi cái thân người, thì muôn vạn kiếp khó mà tìm lại được, thiên cổ di hận.  
Chúng ta hãy mau mau tiếp thọ sự khuyến dụ của đức Bồ Tát  mà thường xuyên niệm tụng tên ngài, để được cứu độ ra khỏi chốn biển khổ tử này. 

Giáng Ngọc
CHLB Đức
giangngochn29@gmail.com


READ MORE - MINH TÂM KIẾN TÁNH - Giáng Ngọc