CA NHẠC THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM ĐƯƠNG THỜI.
Kỳ 2: QUẢNG BÁ CA KHÚC THỊ TRƯỜNG HIỆN NAY.
LÊ THIÊN MINH KHOA
Phác thảo bìa cuốn sách “9 thập kỷ ca khúc tân nhạc Việt Nam”- Lê Thiên Minh Khoa.
Thực trạng:
NS trẻ Nguyễn Đức Cường.
Góp phần làm nên thị trường âm nhạc giải trí rối ren, hỗn độn, lợn cợn, chất lượng kém, thẩm mỹ lùn hiện nay có “công” lớn của các nhà sản xuất, tổ chức biểu diễn, quãng bá âm nhạc, trong đó có “công” không nhỏ của giới truyền hình, báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng khác. Đã qua rồi thời hoàng kim của chương trình Bài hát Việt, một sân chơi sáng tác âm nhạc hiếm hoi trên sóng truyền hình từng giới thiệu nhiều gương mặt trẻ tài năng và bước đầu có phong cách riêng như Nguyễn Đức Cường, Lê Cát Trọng Lý, Phạm Toàn Thắng, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Minh Sơn, Lưu Thiên Hương, Giáng Son, Đức Nghĩa… Và sự ra đi lặng lẽ của Bài hát Việt, có người bi quan cho rằng đó cũng là dấu chấm hết cho nỗ lực hiếm hoi trong việc tìm kiếm các hướng đi mới cho âm nhạc đương thời. Thế vào đó, là sự ồn ào của các trò chơi truyền hình (gameshow) về âm nhạc đình đám, như Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc, Nhân tố bí ẩn…
Trái ngược với sự vắng bóng của các cuộc thi sáng tác âm nhạc, sự nở rộ của nhiều gameshow, liveshow âm nhạc với xu hướng giải trí bình dân, có phần dễ dãi dường như đang chiếm lĩnh nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Một trong những trào lưu “đang lên”, gây nhiều tranh cãi trong dư luận thời gian qua là “Bolero trỗi dậy” với sự ra đời của hàng loạt các gameshow có tên gọi na ná nhau: Thần tượng Bolero, Song ca cùng Bolero, Solo cùng Bolero, Tình Bolero, Tình Bolero hoan ca, Kịch cùng Bolero…
Một số cuộc thi âm nhạc khác lại trà trộn, giả dạng, đánh tráo khái niệm được gọi bằng tên gọi khác thời sự hơn, “cao quý” hơn, và có vẻ hợp với chủ trương của nhà nước hơn kiểu như:
Ca khúc Quê hương, Quê hương Tình mẹ…, tuy không gắn “mác” bolero nhưng đội hình ban giám khảo ngồi trên “ghế nóng” và thường “uýnh giá” (đánh giá) diễn viên như “thánh phán” đều chủ yếu nổi lên từ dòng nhạc này, vì thế phần lớn thí sinh đã lựa chọn giải pháp an toàn bằng việc hát… bolero! Sự thái quá trong việc quảng bá như thế dẫn đến tình trạng: một dòng nhạc bình dân, ít được đánh giá cao tại chính mảnh đất từng sản sinh ra nó, bolero đã bất ngờ trở thành trào lưu được một bộ phận ca sĩ và khán, thính giả ở Việt Nam nhiệt tình hưởng ứng. Điều này sẽ không có gì đặc biệt nếu như bolero không phải là một dòng nhạc “giẫm chân tại chỗ”, vì dù đã có lịch sử hình thành hơn 60 năm mà số lượng sáng tác không nhiều, không có nhiều sáng tạo từ giai điệu, phối khí đến ca từ và phong cách biểu diễn. Và nội dung của hầu hết các bài hát bolero chỉ quẩn quanh những chuyện tình ngang trái, đẫm nước mắt. Vì vậy, nhận định của Tùng Dương, ca sĩ nổi tiếng với nhiều giải thưởng âm nhạc uy tín: “Bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với bolero thì đúng là một sự thụt lùi” tuy có làm mất lòng nhiều người trong giới giải trí nhưng đã đề cập một cách thẳng thắn tình trạng “nghèo nàn trong sáng tạo” trong đời sống âm nhạc Việt Nam đương đại.
Nhân nhắc đến, nói thêm về điệu bolero và nhạc vàng. Nhạc vàng ở Miền Nam trước 1975 thường dùng các thể điệu boléro, rhumba, ballade, slow, slow rock, mà bolero là phổ biến hơn cả.
NS- Ca sĩ trẻ Lê Cát Trọng Lý.
Thể điệu bolero VN có nhịp rất chậm, khác bolero của Tây Ban Nha hay Nam Mỹ có nhịp nhanh hơn, gần như rhumba. Vì thế, người ta vẫn quen gọi ca khúc bolero VN là nhạc vàng, tức âm nhạc trữ tình hay lãng mạn, bởi giai điệu chậm buồn của nó... Bolero rất hợp dân ca Nam bộ và giới bình dân Nam bộ, những người hát dân ca Nam bộ từ nhỏ và thể loại nhạc này hợp với trình độ của họ, nên họ là những người chuộng nhạc vàng hơn cả. Ba đề tài chủ yếu phổ biến của nhạc vàng là: Tình - Lính và Quê hương. Nhưng, nhạc bolero xưa ở miền Nam có nhịp điệu chậm buồn, sắc thái tình cảm thường là yêu thương, tiếc nuối, da diết… chứ không phải quá sướt mướt, sến sẩm, uỷ mị, quằn quại, khổ đau, bi sầu, rên rỉ… mới ra chất bolero như các ca sĩ ngày nay thể hiện, khi bị khai thác “quá đà” và “biến dạng” thảm hại trên truyền hình, nhạc hội, sàn diễn và băng đĩa của các nhà sản xuất. Dòng nhạc nào cũng đều có những giá trị của nó, bolero cũng có lớp công chúng riêng và những giá trị riêng, nhất là những ca khúc có ca từ hay đẹp, mang tình văn học. Nhưng vì chạy theo lợi nhuận mà cách khai thác và thể hiện dòng nhạc bolero “biến thái” như hiện nay đã không truyền đạt cho công chúng những giá trị cốt lõi và đúng đắn của dòng nhạc này, dẫn đến cái nhìn sai lệch về bolero đầy tai hại: nhạc bolero bị đánh đồng với nhạc sến.
NS trẻ Nguyễn Vĩnh Tiến
Theo dõi trên bảng xếp hạng ca khúc mới của một số website âm nhạc nổi tiếng thời gian qua, vị trí “độc tôn” thường thuộc về một số bài hát không mấy xuất sắc, cho thấy “mảnh đất” này còn quá nghèo nàn và thiếu tính cạnh tranh. Điều đó trái ngược với các bảng xếp hạng âm nhạc nước ngoài, bởi ở đó sự thay đổi ngôi vị liên tục của nhiều ca khúc, giọng ca, nhóm nhạc cho thấy một đời sống âm nhạc thật sự sôi động và phát triển. Sự chiếm lĩnh của bolero cùng các trào lưu K-pop (nhạc pop Hàn Quốc), C-pop (nhạc pop tiếng Trung) trên thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay đang đặt ra câu hỏi về sự yếu kém của nhạc trẻ Việt hiện nay.
Rõ ràng là, khâu sản xuất, quảng bá và tổ chức biểu diễn âm nhạc đã thao túng thị trường âm nhạc đương thời. Năm 2004, nhạc ngoại lời Việt chiếm 30% số ca khúc phổ biến trong băng dĩa nhạc, theo thống kê của phòng ca múa nhạc Sở VHTT TPHCM. Trên sân khấu biểu diễn, số ca khúc nhạc ngoại lời Việt chiếm gần 50 %.
Ngoài ra, những giải thưởng âm nhạc cuối năm từ thượng vàng hạ cám, hàng trăm tác phẩm âm nhạc được xếp hàng tôn vinh lại khiến chúng ta có cảm giác đời sống âm nhạc lòe loẹt, sặc sỡ nhưng ít giá trị thực chất. Giải thưởng nhiều, khiến sự tôn vinh bị lạm phát và trở nên hình thức.
Trong nền kinh tế thị trường, âm nhạc trở thành hàng hóa nên mọi hoạt động của guồng quay Showbiz bao trùm lên đời sống âm nhạc. Vì vậy, một thời gian dài, đời sống âm nhạc rơi vào tình trạng sôi động bề mặt nhưng thiếu chiều sâu, thiếu những giá trị bền vững.
Tình trạng bát nháo trong thị trường âm nhạc tác động đến tất cả đối tượng, từ nhạc sĩ, ca sĩ, đến công chúng và dần làm thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ trở nên lệch chuẩn..
Nguyên nhân:
NS trẻ Giáng Son.
Tác giả Cao Minh trong bài viết “Vùng trũng” của âm nhạc Việt Nam đăng trên Thế giới và Việt Nam ngày 03/08/2014 có đưa ra mấy nguyên nhân của thực trạng nầy. Xin bổ sung vài nguyên nhân nữa và phân tích thêm.
Nguyên nhân của thực trạng nầy thì nhiều, ngoài sự “vô tư” của một số nhạc sĩ và ca sĩ. Nhưng trước hết, là thiếu sâu sát, thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật; đã lơi lỏng, không đủ khả năng để đưa hoạt động âm nhạc đi đúng chiều hướng tích cực, nhất là sự “thiếu tầm” của một số người lảnh đạo, quản lý ngành văn hóa ở các điạ phương.
Biểu hiện đầu tiên sự “thiếu tầm” nầy là ngắn về tầm nhìn xa chiến lược của ngành, thường chỉ "chạy theo giải quyết sự cố” sau khi báo chí và dư luận lên tiếng. Biểu hiện kế tiếp là quản lý văn hóa mà hẹp về bề rộng văn hóa, lùn về chiều cao nghiệp vụ và cạn về chiều sâu cảm thụ nghệ thuật. Đơn cử: Lảnh đạo một Sở VH-TT tỉnh phát biểu trước hội nghị khi là chủ tri: “Tỉnh mình có kinh tế cao, mà chưa tổ chức được một đêm nhạc bolero như các tỉnh Miền Tây là hạn chế lớn”. Hoặc một người có trách nhiệm ngành VH-TT của tỉnh lại phát biểu: “VNS tỉnh nhà, có người viết lòng vòng khắp nơi, nổi tiếng toàn quốc, mà không có một chữ, một nốt viết về tỉnh mình là không thể chấp nhận được”. Trong khi vì có tầm nhìn và am hiểu về văn học- nghệ thuật, trong buổi Gặp gỡ thường niên giữa Bí thư tỉnh ủy tỉnh nầy với văn nghệ sĩ toàn tỉnh vào cuối năm 2017, có lảnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan tham dự, ông có câu nói “để đời” mà VSN trong tỉnh thường nhắc tới: “VNS là vốn quý của quốc gia. Tác phẩm của họ có thể viết về nhân loại, đật nước, các vùng miền khác, miễn là nhân văn và có giá trị. Là vốn quý của quốc gia, nhưng đã sống trên địa bàn tỉnh ta, thì các cấp Đảng, chính quyền và các sở, ban, ngành hữu quan phải chăm sóc đời sống vật chất, tình thần và tạo điều kiện thuận lợi cho VNS sáng tác”.
NS trẻ Lê Minh Sơn
Thứ hai, là do sự vụ lợi (hay lợi nhuận) của những người sản xuất, tổ chức chương trình ca nhạc tạo ra sân chơi, sàn diễn công khai cho các ca khúc loại kém chất lượng này được quảng bá tràn lan trong xã hội. Chính nhạc sĩ Dương Cầm, cũng là một nhà sản xuất âm nhạc (nhận cúp “Nhà sản xuất của năm” vào đầu năm 2018) cũng công nhận vai trò tối quan trọng của người sản xuất âm nhạc:“Đấy là những người có sự định hướng cho ca sĩ, tác phẩm và cả chính tác giả. Thị trường âm nhạc nằm trong tay của các nhà sản xuất âm nhạc”.
NS trẻ Lưu Thiên Hương.
Thứ ba, là Hội Nhạc sĩ Việt Nam là hội chuyên nghiệp, mang tính chuyên sâu và chính thống về âm nhạc, nhưng những hoạt động cùng tầm ảnh hưởng tới đời sống âm nhạc cả nước khá mờ nhạt. Mặc dù Hội có chủ trương “giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ, để mọi đối tượng có thể thưởng thức các sản phẩm âm nhạc trong môi trường nghệ thuật trong sáng, lành mạnh…, kiên quyết chống xu hướng nghiệp dư hóa trong nghệ thuật, loại trừ thói lai căng, bắt chước tùy tiện, dễ dãi trong việc sáng tác, biểu diễn và hưởng thụ âm nhạc. Coi trọng và đề cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác, biểu diễn, phê bình lý luận và đào tạo.” (NS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN- Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhạc sĩ VN, 17.12.2017 tại Hà Nội).
Thứ tư, hệ thống truyền thông (truyền hình, phát thanh, báo chí, mạng...) trong thời đại thông tin toàn cầu và kinh tế thị trường đã vì lợi ích cục bộ, thông tin một chiều hoặc lệch về một số vấn đề trong đời sống âm nhạc. Một số tờ báo cũng cổ xúy xu hướng âm nhạc có giá trị thẩm mỹ thấp khi ngày ngày đăng tải tin tức vô bổ về đời tư của ca sĩ trẻ, về các scandal, về mấy chuyện tình ái đáng giấu đi hơn là khoe ra... để thu hút đông độc giả. Còn hệ thống truyền hình vì mục tiêu thương mại, quảng cáo, nhiều ca khúc, chương trình biểu diễn âm nhạc thiếu thẩm mỹ, chất lượng nghệ thuật kém vẫn được giới thiệu, lăng xê trên các kênh truyền hình nhà nước (do các nhạc sĩ có văn hóa và tay nghề cao phụ trách!) ở các khung giờ vàng, hoặc ngày càng có nhiều hơn các cuộc chơi ca nhạc, biến âm nhạc thành những trò chơi, vô hình chung hạ thấp tính giáo dục, tính nhận thức, tính thẩm mỹ, mà chỉ nghiêng hẳn sang lĩnh vực giải trí đơn thuần. Rổi thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm kiếm tài năng ca nhạc mà các chương trình này được tài trợ nên chất lượng phải chiều theo thị hiếu bình dân của doanh nghiệp tài trợ.
NS trẻ Đức Nghĩa.
Thứ năm, là do ý thức và trách nhiệm của người có trách nhiệm đối với đời sống âm nhạc hiện nay. Một ví dụ nhỏ mà điển hình: các cuộc thi Sao Mai của truyền hình quốc gia bao nhiêu năm nay vẫn gọi là: "phong cách Nhạc nhẹ", "phong cách Thính phòng" và "phong cách Dân ca" mà các nhạc sĩ, thậm chí cả giáo sư, tiến sĩ âm nhạc ngồi trong Hội đồng giám khảo vẫn cứ điềm nhiên như không hề biết có gì đó sai của nhà đài phát động: Trong văn học nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, phong cách là khái niệm chỉ đặc điểm nổi trội, ổn định và có chất lương trong sáng tác của tác giả hoặc trong cách thể hiện của cá nhân hoặc nhóm nghệ sĩ, riêng trong âm nhạc, 3 loại nhạc trên chỉ được gọi là “dòng”: “dòng nhạc Thính phòng", "dòng nhạc nhẹ", "dòng nhạc mang âm hưởng Dân ca". Rồi, truyền thông, báo chí vẫn vô cảm, điềm nhiên tuyên truyền cái sai đó. Đây thực sự là điều nguy hại bởi nó góp một phần định hướng, hướng dẫn thị hiếu thưởng thức của người dân.
NS trẻ Phan Long.
Cuối cùng, là thiếu một sự giáo dục thẩm mỹ nói chung và thẩm mỹ âm nhạc nói riêng mang tính hệ thống đối với học sinh, sinh viên và đối với toàn xã hội (nằm trong chiến lược phát triển con người, đất nước của những nhà hoạch định) trong một nền giáo dục lạc hậu. Vì thế, tình trạng xuống cấp của ca khúc hiện nay khó có thể giải quyết rốt ráo, triệt để. Và cứ như vậy, vấn đề càng trở nên nguy hại hơn, vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị hiếu thẩm mỹ nói chung, thị hiếu âm nhạc nói riêng của vài thế hệ.
(Kỳ tới: CA SĨ THỊ TRƯỜNG NGÀY NAY).
LÊ THIÊN MINH KHOA
(Trích trong cuốn sách “9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC VIỆT NAM”-
nghiên cứu, nhận định- Lê Thiên Minh Khoa- trang 116-143, sắp xuất bản, 2018).
-----------------
Nguồn ảnh: Internet và các nhạc sĩ cung cấp.