(Nhân đọc tập thơ Phù sa tình của Võ Văn Hoa, NXB Hội nhà
văn-2012)
Theo tôi,trong thiên hạ người làm thơ tử tế được chia thành
ba loại: có người làm thơ mà thành thi sĩ, có người làm thơ mà thành thi nhân, lại
có người làm thơ mà thành thi hữu. Riêng với nhà thơ Võ Văn Hoa, trong một chừng
mực nào đó, anh đã hội tụ được cả ba con người ấy. Chính vì vậy mà khi tình đã kết tinh, đã lắng đọng sắc đỏ phù sa lại hóa thành thơ lúc nào không
biết dành tặng bè bạn gần xa.
Nhà thơ Võ Văn Hoa |
Trong bài thơ Khúc ca sông Hồng,nhà thơ đắm mình trong xúc
cảm sử thi khi nói về những điều thiêng liêng nhất bằng giọng thơ trữ tình hào
sảng:
Tôi mang sông Hồng từ ký ức tuổi thơ
Từ những giờ lịch sử
“Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan”
“Núi Nùng sông Nhị hiên ngang
Ngàn năm dựng nghiệp lũy vàng sắt son”
...Tôi mê say
Nón thúng quai thao,áo tứ thân giã bạn
“Người ơi,người ở đừng về”
Khi xa rồi bên nớ bên tê
Giọng miền Trung,em hiểu rồi anh đừng phiên dịch.
Quê hương hiện ra qua thơ Võ Văn Hoa có thể vừa gần gụi, thân thương lại vừa êm đềm, xa vắng đến nao lòng qua Mùa gặt:
Quê hương hiện ra qua thơ Võ Văn Hoa có thể vừa gần gụi, thân thương lại vừa êm đềm, xa vắng đến nao lòng qua Mùa gặt:
Ta gặt sợi tơ hồng
Chớm thu in khói đồng
Mặc khải người cuối phố
Dấu chiều bên bến sông?...
hay tiếc thương thắt ruột về người mẹ hiền trọn một đời tần
tảo, hy sinh cho chồng con nay đã ở lại thẳm sâu trong miền tưởng niệm với những
câu thơ nén chặt nỗi niềm:
Mỗi lần qua chợ Diên Sanh
Dừng chân
Mua quà cho mẹ
Nước
mắt
tràn!
Người bán hàng:
Mẹ thầy khỏe không?
!
!
!
(Mỗi lần qua chợ Diên Sanh)
hoặc nụ cười hóm hỉnh khi nói về Đàn bà Hội Yên:
Nghe phụ nữ Hội Yên ghê lắm
Chẳng thua gì sư tử Hà Đông
Tôi bươn chải ghé về cho biết
Hóa ra là sắc sắc không không!
Thơ Võ Văn Hoa là nhật ký của một tâm hồn đa cảm, là biên bản
ngôn từ của những lần hội ngộ, là nhật trình của những chuyến đi. Dễ thấy điều
này qua nhan đề của những bài thơ: (Kính tặng thầy Trần Ngọc Cư, Minh triết Võ
Thị Hồng, Lai rai cùng chú em Võ Văn Luyến, Một chiều trước sân Võ Gia, Về “Xứ
trầm hương...) Chiếm khá nhiều trong tập này là những bài thơ nặng chất thù tạc
bạn bè khi men nồng cảm xúc đã kết tinh lại trong những hạt phù sa lóng lánh
tình người: (Âm sắc,Thăm bạn ở Ngô Xá, Khuya viếng mộ Hàn, Cái khăn đóng, Bờ sông
phía Lương Điền, Hai ngày với Tây Gio Linh...)
Trong số những bài thơ ấy thì đoản thi viết về bạn hữu như
Võ Thìn gây nên nhiều xúc động cho người đọc, nhất là những ai đã từng quen
biết,giao du với một hiền nhân Thành Cổ. Có lẽ đây là một trong những bài thơ cô
đọng và đắng đót nhất. Nó đã vượt qua những thù tạc thường ngày và thơ chạm tới
một cảnh giới tâm linh:
Đang trưa nắng đổ. Tìm về
Rượu ngon mời bạn bên lề cỏ may!
Sống khôn ta đã từng say
Thác thiêng nào dễ chia tay hồng trần?
Vây quanh nấm mộ tần ngần
Khói hương quyện giữa phù vân kiếp người...
(Viếng mộ Đạo sĩ Võ Thìn)
Nhờ biết yêu thơ và làm thơ mà Võ Văn Hoa đã thành một thi
hữu được bạn bè gần xa biết đến và yêu mến. Có thể có người mong muốn thơ anh
tiết chế hơn, chắt lọc hơn để thăng hoa, bay bổng thêm. Nhưng thơ cũng như
người, mỗi người mỗi tính. Hơn thế nếu làm vậy (và tôi nghĩ chính anh chắc cũng quá
rõ điều này) thì biết đâu sẽ không còn một Võ Văn Hoa như hiện tại.Vả lại, anh
cũng không tham vọng lưu danh bằng những bài thơ dù anh đã là thi sĩ.Vậy thì cứ
thuận theo lẽ tự nhiên mà sống, gượng ép mà làm gì cho khổ. Qua thơ, Võ Văn Hoa đã
có thêm nhiều người bạn tốt, chân thành, trong đó có người như Võ Thìn sống đẹp
như thơ và hơn cả thơ. Đó quả thực là điều vô cùng đáng quý và hệ trọng, thậm chí còn cần thiết hơn chuyện cố
tâm trở thành thi sĩ xứng danh. Làm thơ mà được như Võ Văn Hoa cũng đã là hạnh
phúc và không phải ai cũng được vậy. Nên dẫu chỉ mới đọc thơ anh mà chưa được
gặp người cũng đã là hạnh ngộ./.
Tác giả Phạm Xuân Dũng |
PXD