Tốt nghiệp Phổ thông, với bao hy vọng, ước mơ mãnh
liệt về một tương lai tươi sáng. Trong niềm phơi phới của tuổi trẻ; bạn thân
rủ tôi nộp đơn vào Trường Đại
học Ngoại Thương-Ngoại giao. Song le,
bạn được nhận, vì cha là giám đốc một cơ quan của ngành. Còn tôi, con một thi sĩ, đã nhận giấy báo của
Trường Đại học Nông nghiệp.
Cầm mảnh giấy nhỏ mà lòng tôi thì miên man nỗi buồn..! Nước mắt rưng trào! Tôi không hiểu tại sao ?! Xét về gia phả bốn đời, nhà tôi chưa có ai làm nông; dáng dấp thì bé nhỏ, còi cọc, chỉ nặng có 35 cân. Đặt biệt, tôi là con cán bộ Miền Nam tập kết, thuộc diện ưu tiên số 1 chọn ngành, nghề hợp với sức khỏe, năng lực, nguyện vọng mà Bác, Đảng đã chủ trương để sau này về phục vụ cho
quê hương miền Nam.
Lúc bấy
giờ, có câu “Nhất Y; nhì Dược; tạm được Bách khoa,
Nông nghiệp bỏ qua, Nông lâm cút thẳng”. Tôi đâu biết những nơi Nhất, Nhì đó, làm sao có chỗ dành cho đôi chân bé nhỏ con của một nhà thơ thời nhân văn giai phẩm chen vào!!!
Đưa thư cho ba tôi xem. Ý mách để ông tìm cách giải thoát cho. Nào ngờ, xem xong, ông trầm
tư, rồi khuyên: “Thôi con! được ngựa không nên mừng, mất ngựa không nên
tiếc, biết đâu ở lĩnh vực này con sẽ là Nhà phát minh, hay Anh Hùng Lao Động
thì sao?.” Tôi đâu biết
với ông sao giải
thoát được cho tôi! Ông chỉ là một cán bộ bình
thường, không chức sắc, họ hàng không ai làm lớn. Dẫu vậy, trong ông luôn tin, rằng các con cũng có một tương lai rạng rỡ để vươn tới!..
Đến hẹn, tay xách chiếc va-li nặng
trịch, to tướng lệch hẳn sang bên phải, tay trái cầm chiếc thau men Trung
Quốc, lẻ loi trên con đường vào Trâu Quì (huyện Gia Lâm) để tựu trường. Chân tôi bước mà nước mắt chảy dài trên má. Vừa đi tôi vừa oán giận số phận, oán cha: “giá
cha có chút địa vị trong xã hội thì con đâu phải thế này!” Song triết lý “được ngựa
không mừng, mất ngựa không tiếc” cứ lầm lủi đi vào trong tâm trí tôi. Nhưng càng dấn tới, tôi càng thấy như mình
đang bước vào chiếc sừng trâu khổng lồ không có lối ra.
Và rồi, cuộc
đời con của nhà thơ làm cô sinh viên Nông nghiệp bắt đầu từ đó! Tôi là một trong số 35 học sinh từ các Trường Đại học Dược, y Khoa, Xây dựng, Ngoại thương v.v.. thải
ra để bù vào chỉ tiêu còn thiếu của Trường Đại học Nông Nghiệp I - khóa 10 (từ 1965->1969). Khi không còn em nào đến, Nhà trường tiếp tục đưa chúng tôi sơ tán lên
một bản làng của dân tộc Mường, Nùng tên là Đổng Bán thuộc tỉnh Cao Bằng.
Từ Đổng Bán, đi hơn 10km nữa là đến chợ Trùng Khánh - Trung Quốc.
Tôi được phân vào Khoa Chăn nuôi - Thú y. Khoa có 2 lớp học chuyên ngành Chăn nuôi; 1
lớp chuyên ngành Thú Y. Tôi học về Chăn nuôi. Lớp có 34 nam và 13 nữ; chịu sự quản lý của 2 nam và 1 nữ đảng viên. Hai nam được cơ
quan cử đi học; gọi là Chuyên tu. Anh Nguyễn Qúynh - lớp Trưởng, kiêm Bí thư Chi bộ; quê Thái Bình, người tầm thước, nước da xạm, mặt bự, sần sùi đầy mụn trứng cá. Anh và anh Nguyễn Văn Thịnh - lớp phó, phụ trách tư tưởng, đạo đức.
Quê anh Thịnh ở Bắc Ninh nên hát quan họ nghe ngọt lịm. Anh
sở hữu trên khuôn mặt chưa hẳn chữ điền là đôi mắt lác, đôi môi mỏng dính, cái miệng nhỏ xíu như
con gái và chứa những chiếc răng cũng nhỏ
xíu như răng chuột. Còn nữ đảng viên độc nhất của khoa là Phạm Hoài Thu - Bí thư Chi Đoàn; miệng rộng, đôi mắt ướt, đen - người Nghệ An. Chính đôi mắt đen ấy đã làm hại đời cô, khiến cô có bầu trong thời gian thực tập; bị kỷ luật; hai năm sau mới được nhận Bằng Tốt nghiệp cùng khóa 12 với đàn em.
Ngoài ra, còn hai lớp phó không Đảng, anh người Thanh Hóa (em đồng hao với nhà văn Mai Ngọc Thanh) - phụ trách về lao động. Và anh Đỗ Văn Ninh, người Hà Nội – giáo viên cấp 2, chán nghề làm thầy, muốn làm kỹ sư Chăn nuôi nên tình nguyện nộp đơn vào
trường này. Anh, phụ trách học tập của lớp
Thời đó, Trưởng, Phó, Bí thư Chi
Bộ lớp quyền hành lớn lắm. Còn học lực thì bị các em phổ thông chê “Các bác chuyên tu vừa ngu vừa dốt”. Vì căm tức câu này mà hai vị rất
ghét các em sinh viên từ phổ thông lên. Với tôi, không hiểu vì sao, suốt khóa học bốn năm rưỡi, dù ở nơi sơ tán hay ở trường, đều “được” lãnh đạo lớp, nhất là anh phó lác “chăm sóc đặt
biệt từng
lời ăn tiếng nói”. Có vẻ như anh không muốn “rời xa”
tôi.
Tôi làm gì cũng bị chụp mũ là mang tư tưởng giai cấp Tiểu Tư Sản, quan hệ cục bộ không quần chúng chỉ chơi với
người
thành thị và những
bạn đẹp trai v.v…
Khổ nỗi, chính các bạn này khiến tôi bị hại. Này
nhé, ngay trong giờ học
họ ném thơ ca ngợi tôi. Ngày chủ nhật đi chợ Trùng Khánh tìm mua cho tôi nào túi xách, đèn pin, kim khâu, chỉ thêu, kẹo 4 màu v.v...
Mặc
dù những món quà này tôi đều chia sẻ với các bạn nữ nhưng vẫn bị chỉ trích.
Lúc
đầu mới lên, chúng tôi ở nhờ nhà dân. Vài
tháng sau, tự lên rừng
chặt cây, nứa,
cắt tranh làm lán ở. Việc này các bạn
hiểu và thông cảm tôi chân yếu tay mềm đã cán đáng dùm từ A đến Z. Vì vậy, dù không động tay tôi vẫn có thành quả và định mức chỉ tiêu lao động để
nộp... Tất cả những chi tiết ấy luôn đập
vào đôi mắt lác của anh Phó lớp.
Hồi đó, tóc tôi dài quá đầu gối, tết thành hai đuôi
sam. Biết tôi là con
thi sĩ, nên tôi trở thành nàng thơ của lớp “Mái tóc dài buông trên vai tròn trắng/Như dệt thêu nên ánh nắng của tình yêu...” Và khi đi thực tập xa, các bạn lo lắng sợ tôi khổ:
Em ơi dạ hương Lo em vất vả
Anh nhớ, anh thương Buồn
trong sớm chiều
Đôi vai nho nhỏ Chẳng được gần em
Tóc dài say hương Trăng sáng làm chi
Nắng ơi sao gắt Không lời hò hẹn
Mưa ơi sao nhiều Gió đưa làm gì…
Trong lớp bạn thì làm thơ, bạn thì viết truyện ngắn. Trong những câu
chuyện ngắn ấy, tôi là nhân vật
chính qua hình tượng của “Cô thiếu nữ Tờ-Ri-cô-za, hay Tô-nhi
A”- là những nhân vật trong các phim Liên Xô ở thập niên 60-70 thế kỷ XX.
Những
ngày đầu năm học; Nhà trường phát động phong trào “Ôn nghèo, kể khổ; Bình công, Báo công”. Có lẽ đây là chỉ tiêu bắt buộc em nào cũng phải bình công
báo công. Sinh viên nông thôn thì ối chuyện. Với tôi có gì để mà ôn nghèo; chỉ ngồi im nghe..” nên anh phó lác không tha cho tôi. Anh dằn
từng tiếng: “Cố mà nghĩ ra ít nhất
một chuyện chứ.” Qua chuyện cô sẽ nhận thức được tội ác của giai cấp địa
chủ cường hào bóc lột gia đình cô, làm đời cô khổ v.v... Tôi cố lục lại trong ký ức ở tuổi thơ để
tìm ra tội ác mà địa chủ đã bóc lột gia đình tôi. Nhưng ở thị trấn An
Nhơn-Bình Định vừa nhỏ lại đìu hiu, tôi lại chưa nghe từ địa chủ bao giờ.
Hình như quê tôi không có địa chủ thì phải! Tôi nhớ có chi tiết như thế này:
Lúc còn ở miền Nam, gia
đình tôi thuộc dân nghèo thành thị; trong bữa ăn, má tôi thường gắp cho chị
em tôi, mỗi đứa một con tôm thẻ thật to, dặn phải ăn hết cả bữa chứ không
được ăn vả. Nhưng có tôm to để ăn dù cả bữa chỉ được một con, liệu có phải là
khổ không nhỉ? Khi bạn cùng tổ lần lượt
kể hết nỗi khổ do địa chủ gây ra cho gia đình, anh
phó dướn đôi mắt lác nhìn xoáy vào tôi - “Còn cô, sao mãi không phát biểu.
Tôi đành phân bua: “Anh ơi, thật
tình là nhà em không bị bóc lột. Còn em ra đi từ nhà cha mẹ mà cha
mẹ ai lại làm con khổ. Khi theo cha ra Bắc, em được Bác đưa vào trường Học Sinh miền Nam, sống và học ở Hải Phòng. Ở đó, Bác, Đảng nuôi, dạy em nên người và rồi bước thẳng vào trường Đại học này, thì làm gì có ai kịp làm đời
em khổ!” Vậy
mà anh vẫn chưa buông tha. Tôi biết được việc này là do một bạn
xem lén sổ ghi chép công tác hàng
ngày của anh, thấy tên họ đầy đủ của tôi với dấu (?) và hai chữ “chú ý” tô đậm!...”
Lúc này, chúng tôi đang sống cùng đồng bào Mường và Nùng. Nghĩa là phải thận trọng
trong mối quan hệ. Biết mình là đối tượng “được” quan tâm nên tôi luôn chú ý trong sinh hoạt, nhất là dân vận. Từ xa nhìn thấy bà con, tôi mỉm cười và cúi
đầu (chào). Tôi ngoan ngoãn nhận bất cứ việc gì, đi bất cứ nơi đâu lãnh đạo phân: cấy, gặt, đắp đường, đào mương, lên rừng chặt củi giúp dân v.v...Và âm thầm chịu đựng dã tâm độc địa của anh phó. Cụ thể nhất là anh biết tôi hay nổi mề đay phải kiên gió và nước. Nhưng anh lại chọn nơi nào có nước thì phân tôi làm, dù các bạn lớp phản ứng anh không mảy may động lòng.
Thế rồi, kết thúc đợt sơ tán. Lớp tổ chức họp kiểm điểm rút kinh
nghiệm. Hôm ấy, trước lớp, anh phó lác nhìn
tôi, vẻ cay nghiệt: - Nhìn chung thời gian sống cùng đồng bào dân tộc, lớp ta làm tốt công tác dân vận, riêng cô Lâm, bà con phản ảnh với chúng tôi là cô rất khinh người, gặp dân không chào, mắt
cứ ngước lên trời”. Nghe anh nói, tôi sửng sốt; bởi việc này tôi luôn ý thức rõ nhất. Tôi uất ức mà không dám
cãi lại. Nhưng đã có nhiều bạn nữ phản đối thay tôi:
“Anh nói sao chứ nó bao giờ cũng chào bà con trước cả chúng em. Nó là con
mau miệng nhất lớp ta mà anh.”
Chính hôm đó, lần
đầu tiên, tôi cảm nhận được sự bực tức
của anh lên cực điểm; vì ý đồ bôi nhọ tôi không thành.
Trong ảnh:
Phạm Hoài Thu ở bên
trái hàng phía sau.
Bích Thủy bên trái ở
hàng ngồi phía trước.
Cuối 1966, chúng tôi sơ tán về huyện Khoái Châu-Ninh-Giang. Tại đây, sinh viên ở nhờ nhà dân. Mỗi nhà có 3 đến 4
em. Đời sống, sinh hoạt của lớp như một xã
hội thu nhỏ. Anh phó lác lúc này càng cậy quyền, cậy thế, ức hiếp bọn trẻ chúng tôi. Ai làm
anh giận, anh báo cô Chủ nhiệm Khoa. Mà Cô này thì vô cùng khắc
nghiệt. Khắc
nghiệt từ khuôn mặt xương xương, dài như hai
quả ngô chắp lại; từ ánh mắt nhìn làm ai cũng sợ. Anh phó lác lại được cô tin dùng, khiến uy quyền
của anh càng thêm mạnh. Các em không dám làm anh giận. Anh mà giận thì cô chủ nhiệm
biết ngay, cái thân khó bề yên !
Trong lớp, có cậu tên Cỏn, người Thái Bình, lùn, mắt ti hí. Nhìn cậu người ta thấy thương thương. Cậu đang phấn đấu để được kết nạp Đảng. Áo cậu mặc, cái nào ít nhất cũng vài miếng vá. Không biết sau miếng vá, áo có rách thật không? Bởi, áo còn mới, tệ lắm cũng chỉ giặt qua vài lần là cùng. Cậu mặc áo vá để chứng minh mình thuộc giai cấp bần hàn trong xã hội. Đi lao động qua đèo, lội suối, cậu chịu khó xách dép, vác túi, cuốc, xẻng cho
lãnh đạo. Nhưng! dù cậu có chìu chuộng các
anh cỡ nào cũng không đỡ nỗi thành phần Phú nông của gia đình. Ai dám kết nạp
vào đảng người ở giai
cấp chỉ đứng sau địa chủ một nấc. May cho cậu là được vào Đại học chứ hồi đó,
con nhà địa chủ thì không có cửa đâu nhé!
Rồi, bỗng một hôm, tin Khoa cử cán bộ
về điều tra anh phó lác với tội ức hiếp sinh viên. Hình như ai đó cả gan gặp thầy Hiệu trưởng phản
ảnh việc này. Khoa cử cán bộ tuyên huấn xuống “nằm
vùng” theo dõi. Nhưng, chú lại chọn “nằm” ngay nhà anh phó lác “nằm” để
“điều tra”. Vì thế, trong
cuộc họp kiểm
điểm lần đầu, sinh viên nêu toàn ưu điểm cho anh. Chú cán bộ tuyên huấn về báo lại, thầy Hiệu
trưởng không chấp nhận, bắt họp lại lần nữa.
Lần này, lúc đầu, mọi người ngồi im thin thít. Gần 15
phút trôi qua, không có cánh tay
nào dám
giơ lên. Thấy vậy, anh
lớp trưởng thiết tha yêu cầu
“Các bạn Đoàn viên thanh niên đừng sợ bị trù dập, hãy thẳng thắn góp ý, phê bình để Lãnh đạo thấy được khuyết điểm,
rút kinh nghiệm
lãnh đạo lớp tốt hơn”.
Nghe lớp
trưởng thành khẩn, anh
em phấn khởi
ra mặt; thi nhau bộc bạch nỗi
bức xúc bị dồn nén bấy
lâu. Dẫn đầu là lớp Phó lao động, anh nói:
-
Nếu các
đồng chí Lãnh đạo yêu cầu như
thế, tôi xin góp ý một
cách chân tình,
trước hết
xin
góp ý cho lớp
phó Thịnh
- anh là Đảng viên, nhưng việc
anh đã làm không xứng đáng là đảng viên
mà xứng đáng ở tù.-
Xong anh dẫn chứng loạt tội đáng ở tù của anh phó lác qua hai năm học, từ Đổng Bán đến
Khoái Châu...
- Thừa thắng xốc tới, như một loạt đạn súng trường tiếp vô.
Hôm
ấy, nhiều em góp ý cho anh phó một cách sôi nổi và rất chân thành. Lúc ấy,
tôi liếc nhìn anh, thấy đôi mắt lác long lên vẻ hằn học. Các bạn sinh viên trẻ thì phấn khởi vô
cùng, vì đã trút hết nỗi uất ức trong lòng .
Nhưng, nào ngờ! Đó
là buổi họp được chuẩn bị sẵn; bố trí người theo dõi, ghi chép tất
cả ý kiến không trừ một ai. Hôm
ấy, ai tỏ ra bạo dạn kểt
tội anh phó bao
nhiêu thì “cái mồm làm hại cái thân”
bấy nhiêu! Sau buổi họp, không khí trong lớp nặng
nề như có mây đen che
phủ
bầu trời.
Tin
lộ ra, lãnh đạo đã phân loại việc kiểm điểm như sau:
- Ai nêu toàn ưu điểm cho lãnh đạo thì
ghi ở cột “phe ta”.
Ai phê có ưu, khuyết ở cột –
phe “trung lập”, còn ai phê toàn khuyết điểm thì ở
cột “phe địch”. Tôi nhút nhát, sợ đủ thứ, cả nể, an
phận, không dám phát
biểu phật lòng ai; thế mà tôi lại
bị đưa vào cột
- phe địch!
Công việc tiếp theo của lãnh đạo là hoán vị; nhà nào có nhiều người phe địch sẽ bị chuyển
sang nhà phe ta. Phe ta theo dõi, ghi chép xem hàng ngày ai đến chơi nhà, nói những gì, thái độ như thế nào v.v...Ôi! thật đáng sợ; bạn
này nhìn bạn kia xa lạ, không dám hỏi chuyện nhau như trước nữa. Cả lớp ai cũng tỏ vẻ bí mật như đang
hoạt động trong lòng
địch.
Rồi tin động trời từ trên
Khoa đưa xuống.
Anh phó lác
thông báo “Nhà
trường chỉ thị cho các khoa cần phải gột sạch tư tưởng phản động của bọn “Nhân văn giai phẩm” mà
sinh viên đang
chịu ảnh hưởng”. Đứng đầu danh sách được Khoa gột
sạch là bạn Đỗ Hữu Th,
kế là anh Lớp Phó phụ trách
Lao động - Lê Xuân D (em đồng hao chú nhà
văn Mai Ngọc Thanh), tiếp
là Nguyễn T - bạn tôi - Với tội danh, làm thơ nhuốm màu “phản động do ảnh hưởng tư tưởng NVGP”.
Còn với tôi, lạ
lắm! Mỗi lần lớp cử đến Đại hội hát “Chào mừng”; tôi hát toàn bài Cách Mạng như: Ngọn đèn đứng gác; Bài ca hy vọng, Tiếng đàn Ta lư
v.v... Nhưng lần nào cũng thấy anh phó lác ghé tai cô Chủ nhiệm làm cô nghếch đôi mắt ánh thép lên nhìn tôi.
Tôi nghe được nguyên vẹn câu hỏi :-“Đó là cô Lâm… à?” Anh gật đầu, và kê miệng sát tai cô thì thầm tiếp điều gì nữa khiến đầu cô gật lia lịa...!
Không biết họ
nói gì về tôi và sẽ làm gì? Linh tính báo cho tôi rằng, đời sinh viên của tôi sẽ khó thoát khỏi vòng kìm kẹp của
hai
người -
một với mắt thép,
hai với đôi mắt lác rồi!!
Năm thứ ba; vào một ngày đông giá lạnh; tôi ngồi bên bếp lửa nhà dân học
bài. Anh Phó lác ngang qua, vào ngồi cạnh. Hình như hôm ấy, anh chủ tâm gặp để
làm công tác tư tưởng cho tôi chứ không phải vô tình như anh nói.
Ở
thế hệ chúng tôi,
việc tu dưởng để được đứng vào hàng ngũ của đảng là lý tưởng mà thanh niên nào cũng coi trọng, để khi ra
trường thành cán bộ vừa hồng vừa chuyên phục vụ đất nước.
Mấy
năm học, qua nhiều
thử thách;
rất khó khăn, nhưng
từng bước tôi nhích đến
Cảm tình Đảng. Tôi chỉ dám nghĩ làm sao được
công nhận Đối tượng đảng trước
khi tốt nghiệp. Nhân
bữa đó, tôi thắc
mắc: “Anh,
việc tu dưỡng của em còn thiếu
sót gì mà Chi Bộ chưa chấp nhận. Qua các cuộc họp, lần nào em cũng được
nhiều phiếu hơn bạn Vĩnh 10-15 phiếu, bạn ấy được, còn em thì không, vì sao? Anh
phó im lặng một lúc, dằn
từng tiếng:
- Cô muốn vào Đảng? Tôi có một yêu cầu; làm được cô mới nói đến chuyện vào Đảng,
còn không thì đừng bao giờ nói tới. Nghe lời đe của anh tôi hẩng hụt, cảm thấy
như mình đang bị đẩy lên mây. Tôi kìm nén sự khinh bỉ để bình tỉnh, nhỏ nhẹ hỏi
lại anh:
- Làm việc gì anh nói em thấy được hay không thì
mới trả lời anh chứ.
- tôi hỏi
- Tôi yêu cầu cô nộp quyển thơ cậu Th đã tặng. Nghĩ một tí, anh
như
ra lệnh
- Thực ra đây không phải là yêu cầu của cá nhân tôi
mà chính là yêu cầu của Đảng. Cô nộp hay không tùy cô.
Tôi bàng hoàng về lời yêu cầu mà anh bảo là của Đảng giao cho tôi!
Thực tình, Th không tặng, chỉ đưa xem những bài thơ viết thời còn học Phổ thông và một vài bài làm
ở lớp. Đọc
thơ Th,
thấy sự ngây thơ của tuổi học trò và cái hay cái đẹp của làng quan họ Bắc
Ninh quê cậu chứ có nói xấu ai đâu mà Chi Bộ Đảng quan tâm đến vậy!.
Anh phó lác
đã đưa tôi vào thế kẹt!... Tôi
ức lắm. Giả thử
Th có tặng thơ cho tôi đi nữa, thì chắc chắn tôi không làm cái việc thất đức là tiếp tay anh để hại bạn mình. Ác nỗi, Th là đồng hương của anh vì theo phe địch; phê phán anh kịch liệt, nên anh quyết không tha. Nếu tôi nộp thơ của Th cho anh, tức
là tôi đạp lên xác bạn
mà đi
lên. Không đời nào. Cha tôi từng dạy: “Đừng bao giờ làm đau bạn hữu”.
Thế nên, việc
vào Đảng của tôi không
bao giờ thành,
Đến năm thứ tư, sinh
viên về
các HTX để làm đề tài báo
cáo tốt nghiệp.
- Đoàn lên Cao Bằng
có cô Bí thư Chi Đoàn, vì tội chửa hoang do anh chàng người Hải phòng mặt
rổ, quá mê đôi mắt ướt của cô nàng gây ra.
- Đoàn về Thanh Hóa xa xôi, gần tuyến đầu Tổ quốc, có anh Lớp Phó-người
đã phê anh tội “Không xứng đáng là đảng viên, chỉ xứng đáng ở tù ..”
- Còn tôi, về Ngô Thôn Thạch Bàn, cách Hà Nội 7 cây, cách Trường chỉ 2-3 cây thôi.
Nghe tên HTX mình sẽ thực tập tôi không vui, trái lại
rất buồn. Có bạn cho rằng anh phó lác ưu tiên để tôi không phải đi xa. Không phải như vậy đâu! Đó là cái bẫy mà anh phó lác muốn
tôi sập vào. Này nhé, trước khi lên đường, cô Chủ nhiệm phổ biến nội qui
xong anh còn bổ
sung thêm một điều:
- “Trong thời gian
thực tập, người ở HTX này không được qua chơi ở HTX kia, ai vi phạm nội qui sẽ
bị
trật tốt nghiệp”. Anh tuyên bố: Thực tập không ai được qua lại thăm
nhau, nhưng anh lại bố trí tôi và bạn trai ở
hai hợp tác xã chỉ cách nhau một bức tường gạch.
Ngồi hàng ghế đầu, thấy cô Chủ nhiệm và anh cứ nhìn tôi thì thầm. Tôi đọc
được trong ánh mắt của anh vẻ đắc chí khi đưa ra nội qui này. Nước mắt tôi dàn dụa, tôi khóc vì
nghĩ “suốt bốn năm mình không ngóc đầu lên được, giờ chỉ trông cậy
vào những ngày thực tập cuối cùng mà cũng không thoát khỏi sự kìm
hãm của anh”. Thấy tôi lau
nước mắt, anh đi từ trên xuống, không phải để an ủi mà là ghép thêm tội :
- Đi thực tập mà khóc cái nỗi gì để cô
Chủ nhiệm cho là cô chọn lựa
nơi dễ để đến”.
|
Với tôi qua bốn
năm học,
trong hoàn cảnh mà bạn thấy; làm sao tôi dám đòi hỏi gì
ở
đây? Anh ta ghép tội tôi rồi đổ cho cô Chủ nhiệm
Tôi đọc được ác ý của anh. Anh thật độc địa. Chỉ
còn nửa năm nữa là chia tay; vậy mà anh không tha cho tôi. Anh hiểm độc, cố tình làm cái bẫy hòng hại tôi. Anh luôn cho người theo dõi tình bạn của tôi và T, vì trong sổ anh ghi: (Lâm + T = tình bạn hơi quá mà tình yêu chưa thấy gì? cần theo dõi.) Ý
anh ở đây là muốn tôi
vác cái bụng bầu như
bí thư chi đoàn Phạm Hoài Thu!
Nhưng, “vỏ
quýt dày đã có móng tay nhọn”. Biết ý đồ của anh, tôi quyết không sập bẫy anh giăng sẵn. Dù
thương và ở gần trong tấc gang, nhưng tôi và T kiên quyết không thăm nhau. Cả hai đều chấp hành nội qui quỷ quái đó một cách nghiêm túc không thể nào nghiêm túc hơn.
Và, khi kết thúc đợt thực tập,
thầy giáo hướng dẫn làm Đề tài từng nghe anh báo cáo về tôi, đã đến tận nhà tôi
ở để thẩm tra - là nhà của bà Phó Chủ Nhiệm HTX: Không ngờ thầy chỉ nghe bà ca ngợi tinh thần làm việc, dân vận của
tôi và kết luận một câu khiến
thầy không ngờ đến:
- Tôi quí cô ấy như một nén hương.
Cuối cùng, anh phó lác đành chấp
nhận trước khi chia tay tôi mãi mãi bằng câu nhận
xét:
“Cô Lâm tuổi đời nhỏ nhưng tuổi xã hội thì cao” ./.
Lâm Bích Thủy
|