Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, November 6, 2021

BOLERO TÍM, Thơ: Hồng Thúy_Nhạc: Phạm Mạnh Cương_Ca sĩ: Ngọc Mỹ,

 

 

 

BOLERO TÍM 

Thơ:Hồng Thúy 

Nhạc: Phạm Mạnh Cương 

Ca sĩ:Ngọc Mỹ 

Hòa âm:Đỗ Hải 

PPS: Hùng Đặng 

 

THƠ BOLERO TÍM

 

Xin nỗi buồn chỉ còn là mây khói 

Cho quên đi dư lệ của thời gian 

Bao yêu thương ước mơ tình mê đắm 

Bão giông nào mưa phủ xám trường giang 

Cà phê đắng như cuộc tình chợt vắng 

Nghe bồi hồi lá rụng úa trời xa 

Mộng tàn phai trái tim sầu đông giá 

Áo phố dài chờ ai giữa mùa hoa 

Mang tâm tư chơ vơ… từng bước về 

Chiều theo chiều sương lạnh ướt hoàng hôn 

Nửa vầng trăng tiễn đưa mù mịt gió 

Nửa u buồn soi mắt biển mầu khuya 

Sao không đến nắng vàng hong tay ấm 

Để bờ môi không tím giọt lời ru 

Chẳng còn nhau chuyện xưa giờ đã cũ 

Hẹn hò nhau… nên muôn kiếp nợ thiên thu… 

 

Hồng Thúy

 thuyban2001@yahoo.com

READ MORE - BOLERO TÍM, Thơ: Hồng Thúy_Nhạc: Phạm Mạnh Cương_Ca sĩ: Ngọc Mỹ,

GIẤC MƠ RƠM RẠ - Thơ Tịnh Bình





GIẤC MƠ RƠM RẠ
 
Trộm nghe lời cỏ sương thu
Đồng xa thưa tiếng chim gù nhặt khoan
Ạ ời cái ngủ cho ngoan
Giấc mơ rơm rạ chín vàng màu thu
 
Tao nôi cánh võng lời ru
Bướm vàng đậu nhánh mù u mất rồi
Cánh đồng sợi khói mồ côi
Chiều len lén nhớ bồi hồi thầm thương...
 
Hoa tim tím nở cuối đường
Mẹ còn gánh gió đội sương nao lòng
Bốn mùa thầm lặng trôi không
Cánh diều chở hạ bềnh bồng chân mây
 
Câu thơ khóc mướn thương vay
Mượn chiều ra ngõ tỏ bày tâm tư
Núi xa nhòa ảnh thực hư
Ngỡ như bóng núi trầm tư quê mình
 
Vén đêm choàng tỉnh bình minh
Giấc mơ rơm rạ vẽ hình quê thương...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)

READ MORE - GIẤC MƠ RƠM RẠ - Thơ Tịnh Bình

MỜI EM VỀ THĂM QUÊ TÔI - Nhạc: Mai Hoài Thu - Thơ: Phạm Bá Nhơn - Ca sĩ: Đông Nguyễn

 

 

Nhac sĩ Mai Hoài Thu

maihoaithu999@yahoo.com


READ MORE - MỜI EM VỀ THĂM QUÊ TÔI - Nhạc: Mai Hoài Thu - Thơ: Phạm Bá Nhơn - Ca sĩ: Đông Nguyễn

VÀI CHUYỆN VỀ COMMENT TRÊN FACEBOOK - Đặng Xuân Xuyến

 

Nhà thơ Đặng Xuân Xuyến



VÀI CHUYỆN VỀ

COMMENT TRÊN FACEBOOK


Đặng Xuân Xuyến

*

Mấy hôm trước, đọc comment của nhà thơ Đồng Thị Chúc: "Có nhiều nhà thơ muốn cách tân thơ, muốn "cải tiến" thơ, có người muốn cải tiến về nội dung, có người muốn cải tiến về sử dụng từ ngữ... Điều tiếc là người đọc chưa thích ứng được với sự "cải tiến" đó nên dần xa lánh thơ, họ không hào hứng khi nhìn những trang thơ trên báo hay sách thơ trên quầy.", tôi chợt nhớ có lần cháu tôi, Đặng Quang Hiệp, viết trên facebook thế này:

"Xác chữ rơi

Con mèo lười

Nhìn chuột ve vẩy đuôi bới chữ"

Lần đấy, định comment trêu Đặng Quang Hiệp: - "Cháu bị như thế này lâu chưa? Bác sĩ kê đơn thuốc thế nào?" vì biết vốn chữ nghĩa của cháu cũng chỉ đủ để dùng trong giao tiếp mưu sinh nhưng đọc những bình luận của mấy nhà thơ có nhiều thơ đăng báo Trung ương, báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn (có nhà thơ tên Nguyễn L. ở xứ Huế, còn tranh thủ vồn vã khoe: “Với 7 tập thơ của tôi đã in có 9 giải thưởng trong nước, 30 bài thơ được các nhạc sỹ nổi tiếng phổ nhạc như cố nhạc sỹ bộ trưởng Văn hóa Thông tin Trần Hoàn... và các nghệ sỹ nổi danh qua nhiều thế hệ từ năm 1979 đến nay hát như Thu Hiền, Kiều Hưng, Trung Đức, Trọng Tấn... và có 7 bài báo đã viết về các tập thơ của tôi - cũng đủ chứng minh thơ tôi thế nào rồi - chỉ vậy không cần ai phải khen thêm nữa.”) ... hết lời khen ngợi: "Hay quá Đặng Quang Hiệp ơi!" "Đặng Quang Hiệp đúng là phù thủy của con chữ!". "Đặng Quang Hiệp độc nha! Tuyệt đỉnh tài sử dụng câu chữ!" "Tứ mới, lạ và độc lắm thi sĩ ạ!"... khiến tôi bối rối... rồi rụt rè e ngại nhắn tin hỏi Hiệp: - "Cháu viết: "Xác chữ rơi / Con mèo lười / Nhìn chuột ve vẩy đuôi bới chữ" có nghĩa gì thế?".

Hiệp điện thoại cho tôi, hô hố cười: - "Chú lại trêu cháu. Chú thừa biết cháu viết linh tinh chứ có biết gì thơ văn đâu mà ý với chả nghĩa... ".

Nghe Hiệp nói vậy tôi thở phào vì may quá tôi chưa comment khen hay chê mấy câu “thơ” được phong là "Tuyệt đỉnh tài sử dụng câu chữ!" của cháu. Bất giác tôi nhớ một “trạng thái” khác cũng khá “đặc biệt” của Đặng Quang Hiệp: "Người đọc không hiểu tác giả viết gì. Tác giả cũng không biết mình viết gì. Nhưng mọi người cứ khen nhau ngậu xị.". Ở statuts này, Đặng Quang Hiệp cũng nhận được vô số lời ngợi khen của mấy nhà thơ nhà văn có tên trong hội nhà văn Việt Nam là: "thấm lắm", "Đặng Quang Hiệp thâm thúy kinh khủng", "Nhà thơ sống ở thủ đô có khác, câu chữ sang trọng và bao hàm những triết lý sống cao siêu"... Có lẽ văn sĩ Thái Quốc Mưu đã đúng khi ông viết: “Hiện nay có nhiều người làm thơ cố tạo ra một vẻ mới lạ để gây sự chú ý của người khác và họ gọi đó là thơ cách tân, thơ hậu hiện đại. Còn người khen thơ, họ khen cũng để cho người khác nghĩ họ là kẻ biết thưởng thức thơ. Thực tế họ chẳng biết gì cả.”.

Tôi rất ít comment dưới status của bạn facebook vì ngại lỡ hiểu sai rồi comment sai hoặc “bộc bạch” thẳng quá sẽ mất lòng bạn facebook. Đã mất khá nhiều bạn (cả trên facebook và ngoài đời) vì tính thẳng ruột ngựa của mình nên tôi ý thức hạn chế comment dưới status của bạn facebook nhưng không hiểu sao nhiều lúc cứ comment thẳng tuột những suy nghĩ trong đầu. Ví dụ như khi đọc bài thơ "Bà Van Ga" của nhà thơ, nhà báo Phạm Đức Mạnh, thấy mọi người khen bài thơ những lời chất ngất: “Bài thơ viết về nhà tiên tri Vanga thật tuyệt với ngôn ngữ thơ xuất thần”, “Nhà thơ Phạm Đức Mạnh hội đủ Tâm - Đức - Tầm”, “Đọc bài thơ thăng hoa tri thức!”,... Tôi ngạc nhiên: Sao người ta comment dễ dãi thế? Khen như vậy khác gì là dối mình, dối bạn? Có khen xã giao, khen lấy lòng bạn facebook thì cũng nên nghĩ tới phản ứng khi đọc của người khác chứ? Định lướt sang bài khác thì đập vào mắt tôi dòng bình luận của nhà thơ Nguyễn Vũ S.: - “Thơ hay, đầy ẩn dụ về "những cái chết đã được báo trước". Như mất nước, khô hạn thiếu nước đồng bằng sông Cửu Long...” thế là tôi comment phản hồi rất thật: - “Thôi thì thơ hay hay không không bàn vì còn phụ thuộc vào “cảm nhận” của mỗi người hoặc khen hay vì xã giao, vì “áo thụng vái nhau” nhưng chỉ vì bài thơ có 2 chữ “thiên tai” mà còm lấy được là “đầy ẩn dụ về "những cái chết đã được báo trước". Như mất nước, khô hạn thiếu nước đồng bằng sông Cửu Long...” thì thật không nên chút nào.”. Sau bình luận đó, trên trang blog cá nhân của tôi (Trang Đặng Xuân Xuyến) “được đón nhận” lời “góp ý” rất “đã tai” của “bạn đọc” ẩn danh (đừng thích thể hiện): “Kinh nhỉ. Thích thể hiện thế nhỉ. Nhận xét cứ như đúng rồi ý: "Thôi thì thơ hay hay không không bàn vì còn phụ thuộc vào “cảm nhận” của mỗi người hoặc khen hay vì xã giao, vì “áo thụng vái nhau” nhưng chỉ vì bài thơ có 2 chữ “thiên tai” mà còm lấy được là “đầy ẩn dụ về "những cái chết đã được báo trước". Như mất nước, khô hạn thiếu nước đồng bằng sông Cửu Long...” thì thật không nên chút nào." Biết thì hãy nói còn không biết thì dựa cột mà nghe đừng đã ngu còn cố tỏ ra nguy hiểm.”. Cũng sau bình luận đó, danh sách bạn facebook của tôi hao hụt thêm mấy "bạn" tưởng như đã là chí cốt.

Lại như lần tình cờ đọc một status của nhà văn nọ từng làm Giám đốc một Nhà xuất bản, thông báo một truyện ngắn của ông lọt vào danh sách 10 truyện ngắn được bạn đọc yêu thích nhất năm.... trên trang web văn nghệ X, tôi đã vô tư comment: -“Chúc mừng anh! Nhờ statuts của anh, hôm nay em mới biết tới trang web này.”. Thế là nhà văn nọ hủy kết bạn rồi “chặn” nick facebook của tôi dù trước đó anh nhiều lần vồn vã trao đổi messenger với tôi "những lời gan ruột" về chuyện văn, chuyện đời.

Hay khi đọc bài "Trải qua một cuộc bể dâu... Đọc Huyết Ngọc, tiểu thuyết của Tống Ngọc Hân, Nhà xuất bản Phụ Nữ 2015" trên facebook Tống Ngọc Hân của tác giả Bùi Việt Thắng (Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Hội Nhà văn Việt Nam) có những câu viết rất vội, kiểu: "Nhân vật là cốt lõi của tiểu thuyết, thiếu nó tác phẩm sẽ trở nên chống chếnh thậm chí hụt hơi.". Tôi đã thẳng ruột ngựa comment: Trời! Không có nhân vật thì sao gọi là tiểu thuyết, là tác phẩm văn học mà nhận định "thiếu nó tác phẩm sẽ trở nên chống chếnh thậm chí hụt hơi"?! mà quên nghĩ tới phản ứng của nhà văn Tống Ngọc Hân vì tác giả Bùi Việt Thắng là nhà phê bình văn học tên tuổi, đã "ưu ái" viết giới thiệu tác phẩm của chị với bạn đọc. Có lẽ Tống Ngọc Hân đã gỡ bỏ status đó hoặc xóa bình luận của tôi để tránh sự khó xử của chị với bạn đọc, nhất là với tác giả Bùi Việt Thắng.

Thật hiếm người như văn sĩ Trần Thị Hồng Châu lại tiếp nhận vui vẻ comment thẳng đến khó nghe của tôi dưới status chị cảm nhận bài thơ “Gởi buồn cuối năm” của nhà thơ Kha Tiệm Ly: “Tôi mới có duyên đọc thơ của Kha Tiệm Ly được mấy bài và mấy bài đó tôi đều thích chất ngông mà không nghênh, bi mà hùng tráng, đau mà hào sảng trong thơ của ông. Bài thơ này cũng vậy, cũng những nét rất riêng của thơ Kha Tiệm Ly. Đọc bài viết của văn sĩ Hong Tran, tôi thích cách cảm thơ văn mới lạ của chị nhưng có lẽ vì chị quá yêu mến tài thơ của nhà thơ Kha Tiệm Ly nên chị múa bút đẹp quá. Bài thơ là tâm trạng nhức nhối, đau đớn và tuyệt vọng của một đấng nam nhi trước hiện trạng đau thương của đất nước. Chỉ vậy thôi, không là những dự cảm, tiên tri như văn sĩ Hong Tran đã phóng bút. Vì yêu những trang viết của chị nên chia sẻ đôi dòng trái ý, mong chị đừng giận.”. Sau bình luận đó, hình như mến tính thẳng ruột ngựa của tôi nên chị năng ghé thăm trang facebook của tôi hơn và thường để lại những comment cũng rất thẳng.

*.

Hà Nội, 01 tháng 11-2021

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

.

 

 


READ MORE - VÀI CHUYỆN VỀ COMMENT TRÊN FACEBOOK - Đặng Xuân Xuyến

TÂN LIÊU TRAI - Nguyễn Đức Tùng




Hoan vốn người miền Trung, trôi nổi vào Sài Gòn làm nghề buôn bán lặt vặt, trơ trọi một thân, không vợ con, chẳng điền sản gì ráo ngoài các căn nhà nhỏ. Nhưng đó không phải là nhà của chàng. Rằm tháng giêng Hoan vào vườn Tao Đàn. Người đi lễ bái đền Hùng rất đông. Trên loa phóng thanh đọc đi đọc lại rền rĩ bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, trước cửa đền Hùng vô số con đồng hát, mỗi người đem theo hàng chục đệ tử, quỳ lạy lung tung trước một bàn thờ. Hoan không hiểu sao trong đền Hùng có ba bàn thờ, một thờ vua Hùng ở chính giữa, một thờ mẹ Âu Cơ ở một bên, một thờ một bậc bô lão râu dài ở bên kia, mà chàng không biết là ai, đoán là vị hoàng tử nhỏ nhất của vua Hùng, chỉ lấy làm lạ là nhiều người thắp nhang khấn bái ở đó, rút tiền ra không ngớt cho vào cái khe hẹp ở bụng của tượng, dưới rốn.
 
Hoan thấy trong bọn đi lễ có một cô gái vừa tuổi cập kê, sắc đẹp mĩ miều, lấy làm khoan khoái, mon men đến gần. Chàng giả đò cúi lại rồi sờ tay vào bàn chân nàng, vì những người đến tế lễ đều tháo giày để ở cửa. Cô nàng quay lại, giận dữ, rụt chân lại. Hoan chờ cơ hội lại xích người đến gần đưa tay sờ chân nàng như trước. Tan lễ, cô gái ra về, mặt vẫn còn sắc giận.
 
Trời mùa xuân, hoa đào cùng với mưa xuân rơi lắc rắc, không biết thứ nào nhiều hơn, nhưng việc không thành, Hoan buồn bã, thấy mưa rơi nhiều hơn hoa đào.
 
Dần rồi tháng này qua tháng khác, ngày mùng một ngày rằm Hoan đều đi lễ đền, đều gặp hai mẹ con, trước lạ sau quen, cuối cùng rồi cũng xuôi. Hoan bán nhà, dành dụm đủ tiền để cưới vợ, vì biết vợ đẹp lại giỏi giang thế nào cũng giúp chồng làm nên. Hoan sinh tật cờ bạc, rượu chè ăn chơi lêu lổng. Vợ hết lời khuyên bảo, nặng nhẹ, khi đọc sách dưới đèn, khi thì thầm bên gối, nhưng chàng chẳng nghe cho, ngày càng hư hỏng.
 
Được mấy năm hai người không có con, nhưng tình nghĩa vẫn đậm đà. Vợ dành dụm mua cho Hoan một chức vụ cao, thứ trưởng bộ Phá rừng, nhờ đó làm ăn khấm khá, tiền bạc lẻng xẻng. Nhưng càng nhiều tiền Hoan càng ăn chơi, ham mê cờ bạc, gian díu cả với bọn nghiện ngập đường phố. Thân làm quan lớn mà tụ họp với bọn đầu đường xó chợ, ở nơi riêng tư thì ăn nói tục tĩu. Gia sản phải hết. Một hôm tụi bạn lêu lổng đến nhà chơi, nhìn thấy mặt vợ thảy đều kinh ngạc.
 
Chúng kéo Hoan ra ngoài hiên bảo thầm rằng nếu đem vợ mà bán đi, vào chỗ ăn chơi thì sẽ được một món tiền lớn. Hoan nghe nói động lòng. Một hôm chàng đánh tiếng, người chủ quán một chốn ăn chơi nổi tiếng ở Sài thành đến nhà coi mắt, mới nhìn qua như bị điện giật, rút tiền trả ngay, đòi làm giấy tờ bằng mặt, sợ Hoan đổi ý.
 
Hoan bán được vợ rồi, mừng lắm, hí hửng đem một cọc tiền cất trong nhà, ngày ngày rút tiền mang đi đánh bạc, ăn chơi, lòng đôi khi hối hận, nhớ lại người vợ cũ vừa xinh đẹp vừa nết na thùy mị, nhưng tính ham chơi trác táng lại nổi lên, bèn quên phắt.
 
Ngày qua ngày, tiền bạc lần hồi cũng hết, Hoan dùng chức vụ trong chính quyền xoay xở. Nghề gì chứ nghề này thì dễ, lúc nào cũng có kẻ sẵn sàng mua quan bán tước. Chẳng bao lâu chuyện bị lộ, Hoan bị cho vào lò củi của Chánh vương cháy hừng hực. Năm năm sau ra tù, bạn chẳng còn, nhà cửa trống hoang, đồ vật bàn ghế mất sạch, trơ mỗi cái sàn đất lạnh. Chàng đói khát lần mò kiếm ăn, đưa đẩy vào làm nhân viên rửa bát cho hiệu ăn Lạc thú viên. Thật ra hiệu ăn là nơi trá hình của thần rắc muối, bên ngoài là quán bán thịt nướng, bên trong là nơi đàn hát vui chơi, lầu xanh kỹ nữ. Hoan vốn người đọc sách, trông thấy hai chữ Lạc thú viên mà không hiểu nghĩa thật đáng trách. Một hôm được lệnh dọn dẹp mấy căn phòng để đón khách quý. Nhiều người lục tục kéo vào cả chục người, bọn bảo vệ tấp nập dáo dác. Gã khách quý và đàn em gọi chủ quán vào, đòi gặp ca nữ danh tiếng nhất Sài thành. Cô gái được vời tới mặt hoa da phấn, ngồi trong lòng đại gia mà hát. Chẳng bao lâu bọn khách say sưa, vốn có tính cuồng dâm, lột hết áo quần kỹ nữ, trói vào ghế xô pha, chuẩn bị hãm hiếp tập thể. Lúc ấy Hoan tình cờ bước vào, nhìn thấy như bị sét đánh, kêu rú lên. Thì ra kiều nữ không ai khác chính là vợ cũ. Vốn hèn nhát, Hoan bỗng đâu lại lấy được can đảm, không biết sợ gì nữa, xông lại, dùng vỏ bia đập vào đầu khách, máu chảy lênh láng, ôm xốc nàng lên nhảy qua cửa sổ. Chẳng may bọn bảo vệ đến kịp, đè Hoan xuống, chặt đứt hai chân, ném ra đường. Chàng sống sót, trở nên người tàn tật sống cũng như chết, nhiều lúc chán nản vô cùng, nhưng người Việt vốn thà nhục chứ không có máu tự tử, nên Hoan sống lay lất qua ngày, ăn xin chỗ này chỗ nọ.
 
Một hôm đang ngồi góc đường, chợt thấy mấy bông hoa hải đường đỏ rực phô sắc đầu cành như những nét chấm phá cho quãng đời vàng son thuở trước, chàng chạnh lòng mang thân về chốn cũ. Đền Hùng nay cũng khác, sơn son thếp vàng diêm dúa, sau làn mưa xuân lất phất, người đi lễ tấp nập hơn xưa. Vào đền càng ngạc nhiên, ba bức tượng thờ vẫn còn đó nhưng thay đổi vị trí, bức tượng vua Hùng được dời qua bên trái, tượng Âu cơ qua bên phải, tượng ông lão râu dài mà chàng nghi là con út của vua Hùng đặt chễm chệ chính giữa, kê cao hơn, sắc mặt trắng hơn xưa không ra vẻ giận không ra vẻ vui, không ra vẻ bằng lòng cũng không ra vẻ không bằng lòng, bụng lớn như Phật Di Lặc vì phải hứng quá nhiều tiền cúng bái. Hoan ngồi lì suốt ngày ở đó, tai nghe bài thơ Đất nước phát đi phát lại như khóc như than, như oán như hờn, thơ hay thành thơ dở, chữ đẹp thành chữ xấu, đến bữa qua xóm ăn cơm bụi, kỳ dư ngẩn mặt nhìn đời. Có người quen biết thân thế chàng ghé hỏi bỡn, Hoan ngậm miệng không trả lời. Một hôm đang ngồi trước cửa đền thì gáy chàng chợt lạnh, một luồng gió mát thổi qua, tà áo phấp phới, xiêm lụa loạc xoạc, phu nhân của bậc quyền quý từ Hà nội đổ xịch xe trước cửa, trên xe bước xuống. Hoan ngẩng mặt, chết điếng: chính là vợ cũ của chàng. Lòng rối tơ vò, Hoan ráng lết qua cửa, chờ khi nàng quỳ xuống trước bức tượng lâm râm cầu khấn trong ánh đèn mờ tỏ, chàng liền giở trò cũ, đưa tay sờ vào gót chân son.
Nàng quay phắt lại, quắc mắt la mắng:
– Đồ khốn kiếp. Ngày trước mày bơ vơ như kẻ không nhà, người chua như giấm, mồ hôi nồng nặc, tóc tai bờm xờm. Khi ta về làm dâu nhà mày, sớm hôm quét tước, chăm lo buôn bán, làm cho nhà cửa khang trang, đầy tớ đông đúc, khách quý vãng lai, ta hỏi mày sung sướng như thế sao nỡ ăn chơi đến nỗi mất hết nhân cách?
Mọi người bu lại đứng coi. Nàng nói tiếp:
– Trong bao năm ăn ở ta chẳng làm điều chi xấu, mày ham chơi cờ bạc đành một nhẽ, lại nhẫn tâm bán vợ vào chốn lầu xanh bia ôm karaokê, thật là không có tình nghĩa. Quân ăn ở bạc bẽo.
 
Bọn con ở nghe nàng hạch tội xúm lại kẻ nhéo tai người nhổ nước miếng, kẻ túm tóc, làm cho Hoan khổ sở vô cùng, giọt châu lả tả. N àng đưa tay ngăn chúng lại.
– May trời có mắt, bây giờ tàn tật thế này. Nghĩ ngươi cũng có công cứu ta ở Lạc thú viên ngày nọ, thôi cũng tha cho. Hoan cố lết người theo ôm lấy chân nhưng nàng đã co chân đạp rồi bước lên xe rồ máy. Chàng bắt được một chiếc giày trong tay.
Nghĩ sao, nàng cúi xuống dặn nhỏ:
– Ta để lại chiếc giày cho ngươi. Khi nào nhớ thì úp mặt vào nó, sẽ được thấy. Nói xong, sập cửa lại, xe số xanh Hà Nội chạy mất.
 
Hoan mang chiếc giày về nhà, quý hơn kim cương, đêm ngày ôm ấp, ngủ để đầu giường, được vài năm thì tình cờ một hôm trong chiếc giày có giọng hát vang ra. Chính là giọng hát của người cũ. Từ đó về sau hễ khi nào Hoan nghĩ tới nàng, đâm nhớ nhung mà hôn khẽ chiếc giày thì nghe giọng hát. Những khi thèm muốn xác thịt mà ôm lấy, thì nhìn thấy mặt nàng. Nhưng không bao giờ chàng có được cả hai cùng một lúc.
 
Nguyễn Đức Tùng
 
READ MORE - TÂN LIÊU TRAI - Nguyễn Đức Tùng