|
Tác giả Vĩnh Thông |
THẢ NEO KÝ ỨC
Tùy bút của Vĩnh Thông
Có những lúc tự hỏi liệu có phải
mình đã neo một phần ký ức vào quán cà phê nhỏ bên ngã ba sông? Rồi hồ như nhận
ra… ừ, thì có! Cũng không biết tự bao giờ? Đó là nơi đã gắn với một thời vụng dại,
ngô nghê, và gắn với cả những con người ngày cũ. Nên những lần có dịp về quê lại
thường ghé quán, đôi khi chỉ một mình. Phải chăng tôi đang mong tìm nhặt lại
chút xanh xưa?
Về lại nơi cũ, ngồi ở chỗ quen, nhận
ra quán vẫn không thay đổi mấy so với ngày ra đi. May mắn là không có thêm những
màu sơn sặc sỡ vô hồn trên tường hay những ánh đèn đỏ xanh chớp nhoáng trên trần.
Vẫn con đường ngoằn ngoèo hẹp te, dài hơn nỗi nhớ. Vẫn từng khóm cây, hàng ghế,
mái lá. Vẫn mặt hậu hướng ra ngã ba sông lồng lộng mây trời. Nó làm người đang
ngồi bên ly đắng nhận ra mình cũng từng là người cũ, cũng từng có một góc ký ức
cũ càng neo lại nơi đây.
Nhận ra mình là một trong số vô vàn
gương mặt mà quán từng chào đón. Ngày ấy, dẫu đến hồ hởi hay ủ rũ, tụm năm tụm
bảy hay chỉ hai người, nói cười tíu tít hay chỉ nhìn nhau… quán đều thấy hết.
Nhưng quán cũng đều chia sẻ hết, không than phiền hay chán nản. Không gian vốn
có giới hạn, nhưng quán vẫn cố mở thiệt rộng lòng - chừng như vô tận, để dung
chứa những cảm xúc mà khách mang đến, bất chấp mảng màu ấy tối sầm hay sáng
trong.
Vậy đó rồi đi xa, không lời từ biệt…
Rời trường, bắt đầu học xa, làm xa,
ít có thời gian ngồi trầm ngâm ở quán như trước nữa. Thỉnh thoảng ghé lại chốc
lát trong những dịp về quê, rất vội.
Đi rồi về, thì vẫn quán xưa, nhưng
những con người của ngày cũ không còn gặp nữa, kẻ ở người đi như bóng chim tăm
cá. Không gian quen thuộc lắm, chỉ khác chăng là chiếc ghế đối diện vắng người
ngồi. Có lẽ vì thế nên đôi lúc tự nhủ lòng thầm cảm ơn chủ quán đã giữ lại hình
ảnh của quán ngày trước. Không phải vì bất kỳ người nào, mà là giữ giùm một góc
hoài niệm nhỏ nhoi cho những ai từng ghé quán, giữ cho những người đi xa trở về
có dịp nhặt lại vài mảnh ký ức nào đó mình từng đánh rơi.
“Ta vẫn về
Dưới mái hiên xưa
Rượu đã cạn tăm
Ly đã đổ
Trăng của trăm năm
Về đây lồ lộ
Người của hôm qua
Hư ảo phương nào”
(Thơ Trịnh Bửu Hoài)
Quán nào phải là nơi trú ngụ lâu
dài của riêng ai, như đúng cách mà người ta gọi nó: quán - chỉ là một điểm dọc
đường để khách ghé lại rồi ra đi, họa hoằn lắm cũng chỉ níu kéo chân người
chùng lại đôi chút. Hợp rồi tan nào phải quy luật của riêng con người, chẳng phải
quán vô tri mà cũng chịu cảnh tan hợp đó sao. Nhưng quán không vồn vã mời chào,
cũng chẳng bịn rịn tiễn chân, người cứ đến cứ đi, quán cứ ung dung cùng lăn tăn
sóng và xạc xào gió.
Quán, đơn giản là quán thôi, để đôi
lúc chồn chân giữa những chặng dài mê mỏi, ta lại tìm về. Con người “xa mặt
cách lòng”, quán thì không. Không chờ ai mà cũng chẳng hẹn ai, nhưng quán luôn
mở vòng tay đón những gương mặt dẫu thân quen hay lạ lẫm. Đón cả những niềm vui
hay nỗi buồn mà họ đem đến. Có lẽ, cuối cùng cũng chỉ có quán là người bạn chân
thành, luôn sẵn sàng san sẻ, ủi an, dẫu không bằng lời.
Quán vẫn thủy chung với bao lớp người
trước lớp người sau từng đặt chân đến.
Chỉ là quán thôi mà sao bao dung đến
vậy!
VĨNH THÔNG