Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, May 27, 2019

CON THỎ Ở VÙNG XANH - Truyện ngắn của Hassan Blasim (Iraq) - Người dịch: Nguyễn Khắc Phước



VÀI DÒNG VỀ TÁC GIẢ:
Hassan Blasim là nhà làm phim, nhà thơ, nhà văn viết truyện ngắn sinh tại Iraq năm 1973. Ông tốt nghiệp trường Nghệ thuật Điện ảnh tại Baghdad.

Năm 1998, dưới thời Sadam Husein, ông rời Baghdad để sang sinh sống ở vùng do người Kurd tự trị. Ở đó ông làm phim The Wounded Camera (Máy ảnh Bị thương) và cũng vì phim này mà năm 1999 ông phải rời bỏ Iraq để để được an toàn. Ông nhập cư bất hợp pháp qua nhiều nước và cuối cùng định cư ở Phần Lan năm 2004.

Tập truyện đầu tay của ông viết bằng tiếng Ả Rập, Jonathan Wright dịch sang tiếng Anh dưới tên The Madman of Freedom Square (Người điên ở Quảng trường Tự do) xuất bản ở Anh năm 2009, giành được giải  English PEN Writers. Tập truyện thứ hai: The Iraqi Christ (Chúa Kitô của Người Iraq, Jonathan Wright dịch), xuất bản tại Anh 2013 và dành được giải Independent Foreign Fiction Prize, 2014. Cả hai tập truyện trên được dịch ra nhiều thứ tiếng khác. Tập truyện thứ ba: The Corpse Exhibition (Triển lãm Xác chết) xuất bản tại Hoa Kỳ, 2014.

Báo The Guardian (Người Bảo vệ) đánh giá “trong số những nhà văn Ả Rập hiện còn sáng tác, có lẽ Hassan là nhà văn vĩ đại nhất.”

***
 Con Thỏ ở vùng Xanh
 Hassan Blasim (Iraq)
Người dịch: Nguyễn Khắc Phước

Trước khi cái trứng xuất hiện, hằng đêm, tôi thường đọc sách luật hoặc tôn giáo trước khi ngủ. Giống như con thỏ của tôi, tôi thường hoạt động vào lúc sáng sớm hoặc hoàng hôn. Salsal, trái lại, thường thức khuya và dậy vào giữa trưa. Trước khi bước ra khỏi giường, hắn thường mở máy tính xách tay, đăng nhập Facebook để kiểm tra những bình luận gần nhất về cuộc thảo luận tối hôm qua, rốt cuộc hắn đi tắm. Sau đó, hắn vào nhà bếp, mở radio để nghe tin tức trong khi chiên trứng và pha cà phê. Hắn thường mang đồ ăn sáng ra vườn, ngồi ở cái bàn dưới cái ô, vừa ăn uống, vừa hút, vừa theo dõi tôi.

“Chào Hajjar. Mấy cây hoa đó sao rồi?”

“Năm này nóng nên nó không chịu lớn.” Tôi trả lời hắn khi đang tỉa bụi hoa hồng.

Salsal đốt thêm một điếu thuốc nữa và mỉa mai cười con thỏ. Tôi không hiểu sao con thỏ lại làm hắn bực mình. Bà Umm Dala mang nó về. Bà nói tìm thấy nó trong công viên. Chúng tôi quyết định nuôi nó trong khi bà Umm Dala tìm chủ của nó. Con thỏ đã ở với chúng tôi một tháng rồi và tôi đã ở với Salsal hai  tháng trong cái biệt thự xinh đẹp này ở phía bắc của Vùng Xanh. Biệt thự nằm riêng biệt, có tường cao bao quanh và cái cổng được lắp đặt một một hệ thống an ninh điện tử tinh vi. Tôi không biết khi nào giờ G sẽ đến. Salsal là tay chuyên nghiệp, trái lại, người ta gọi tôi là tay mơ vì đây là chiến dịch đầu tiên của tôi.

Ông Salman thường đến thăm chúng tôi mỗi tuần một lần để kiểm tra xem chúng tôi ra sao và trấn an chúng tôi về đủ thứ chuyện. Ông Salman thường mang vài chai rượu và ít nhựa cần sa. Ông thường kể những chuyện chính trị hài hước và nhắc nhở chúng tôi về sự bí mật và quan trọng của chiến dịch. Ông Salman này cùng liên minh với Salsal nên không tiết lộ nhiều bí mật với tôi. Cả hai đều nhấn mạnh cái yếu kém và thiếu kinh nghiệm của tôi. Tôi không để ý đến họ nhiều lắm. Tôi bị dìm trong nỗi cay đắng của cuộc đời và tôi muốn cả thế giới này bị hủy diệt cùng một lúc.

Umm Dala thường đến mỗi tuần hai ngày. Bà mang cho chúng tôi thuốc lá và lau nhà. Có lần Salsal làm bà ta bực mình. Nó chạm vào mông của bà khi bà đang làm món cải cuốn thịt. Bà ta đập muỗng vào mũi nó và làm nó chảy máu. Salsal cho bà nghỉ việc và sau đó không nói gì với bà nữa. Bà là một phụ nữ ở tuổi năm mươi, có năm con và rất tháo vát. Bà tuyên bố rất ghét đàn ông, cho rằng họ là một lũ ích kỷ đáng khinh. Chồng bà từng  làm việc cho công ty điện lực nhà nước, nhưng bị ngả từ trên cột đèn xuống và chết. Ông ta là kẻ say sưa và bà thường gọi ông là con sâu rượu.

Tôi làm cho con thỏ một cái chuồng ở góc vườn và chăm sóc nó rất kỹ. Tôi biết thỏ là loài nhạy cảm, cần phải giữ sạch sẽ và cho ăn no. Tôi đọc được điều này hồi còn học cấp hai. Tôi bắt đầu ham đọc sách từ hồi mười ba tuổi. Thoạt đầu, tôi đọc thơ Ả Rập cổ điển và nhiều truyện dịch từ tiếng Nga. Nhưng chẳng bao lâu tôi lại chán. Ông hàng xóm của tôi làm trong Bộ Nông nghiệp và một hôm tôi đang chơi với Salam - con trai của ông - trên sân thượng nhà họ, tôi tình cờ thấy một cái hòm gỗ, trên phủ nhiều thứ rác. Salam cho tôi biết bí mật trong đó. Hòm gỗ đựng đầy sách về cây trồng và phương pháp canh tác và vô số bách khoa từ điển về thực vật và côn trùng. Bên dưới loại sách đó là những tạp chí tình dục có hình các cô đào Thổ Nhĩ Kỳ. Salam cho tôi một cuốn tạp chí nhưng tôi cũng lấy một cuốn về những loài cọ trồng ở nước tôi. Sau đó tôi không cần chơi với Salam nữa. Tôi thường lẻn từ nhà tôi sang sân thượng nhà họ để thăm cái thư viện trong hòm gỗ. Tôi thường lấy một cuốn sách và một tạp chí và trả lại những thứ tôi đã mượn. Sau đó, tôi mê đọc sách về động và thực vật và thường đến các tiệm sách để tìm sách mới, cho đến khi tôi bị bắt buộc phải gia nhập quân đội.

Tuy nhiên, cái thú đọc sách của tôi cũng khá kỳ cục. Tôi hăm hở khi bắt gặp một thông tin mới. Tôi bám vào chi tiết đặc biệt và bắt đầu tìm những thông tin liên quan và những phiên bản khác trong những sách khác. Tôi nhớ có lần tôi dò tìm theo chuyện hôn hít. Tôi càng đọc càng hoa mắt với chủ đề này. Nhiều thí nghiệm chứng tỏ rằng loài tinh tinh nhờ hôn mà giảm được căng thẳng, mệt mỏi và lo sợ. Người ta chứng minh rằng khi có con vật lạ xuất hiện trong lãnh thổ của đàn, tinh tinh cái thường vội vã đến ôm và hôn bạn tình của mình. Sau một thời gian nghiên cứu, tôi tình cờ phát hiện một kiểu hôn khác, kiểu hôn dài lâu xứ nhiệt đới. Một loài cá nhiệt đới hôn nhau khoảng nửa giờ hoặc lâu hơn nữa mà không ngừng nghỉ. Trong những năm đen tối dưới thời cấm vận, tôi chẳng nhớ gì ngoài việc ngốn sách. Điện thường bị cắt hai mươi giờ mỗi ngày, đặc biệt là sau loạt không kích của Mỹ vào dinh thự của tổng thống. Vào lúc nửa đêm, tôi vào giường nằm thoải mái, và nhờ ánh sáng đèn cầy, tôi tình cờ khám phá một kiểu hôn khác của một loài côn trùng gọi là reduvius, dù thực ra chúng chẳng hôn nhau. Loài côn trùng này chỉ thích miệng người đang ngủ. Chúng bò ngang qua mặt và tìm đến khóe miệng, ngừng lại và bắt đầu hôn. Khi hôn, chúng tiết ra chất độc dưới dạng những giọt vô cùng nhỏ. Nếu một người khỏe mạnh đang ngủ bình thường, anh ta sẽ thức dậy và thấy miệng mình nhận cái hôn bằng chất độc cỡ chừng bốn hạt mưa.

Tôi trốn khỏi quân đội. Tôi không thể chịu đựng cái hệ thống nhục nhã đó. Ban đêm tôi làm việc ở một tiệm bánh. Tôi phải trợ cấp cho mẹ và năm đứa em. Tôi mất hứng thú đọc sách. Đối với tôi thế giới trở thành con vật thần thoại không thể hiểu nổi. Một năm sau tôi bỏ trốn, chế độ đã bị lật đổ và tôi không còn sợ bị trừng phạt vì đào ngũ. Chính phủ mới bỏ chế độ quân dịch. Khi vòng xoáy bạo lực và thủ tiêu giữa các phái tôn giáo bắt đầu, tôi dự định bỏ nước và trốn sang Châu Âu, nhưng vào thời gian đó họ giết hai người em của tôi khi đang đi làm về từ xưởng đóng giày phụ nữ. Một tài xế taxi đã chở hai đứa đến một điểm kiểm soát giả. Những dân quân thuộc nhóm Allahu Akbar đưa chúng tới một bãi đất trống và dùng khoan điện để khoan nhiều lổ trên thân thể chúng, rồi sau đó chặt đầu chúng. Chúng tôi tìm thấy thi thể hai em trong một đống rác ở rìa thành phố.

Tôi hoàn toàn suy sụp tinh thần và bỏ nhà ra đi. Tôi không thể chịu đựng vẻ sợ hãi trên mặt mẹ và các em tôi. Tôi mất hết phương hướng và không biết mình phải làm gì trên cõi đời này. Tôi thuê một phòng trong một khách sạn tồi tàn cho đến khi bác tôi đến thăm và đề nghị tôi hợp tác với giáo phái của ông. Để báo thù.

Những ngày hè dài và buồn tẻ. Biệt thự hết sức đầy đủ tiện nghi, có bể bơi và phòng tắm hơi. Nhưng đối với tôi hình như nó là một ảo ảnh tráng lệ. Salsal chiếm một phòng trên tầng hai, còn tôi bằng lòng với cái mền, cái gối trên cái trường kỷ ở giữa phòng khách rộng thênh thang nơi có cái tủ sách. Tôi muốn canh chừng khu vườn và cổng ngoài của biệt thự phòng chuyện bất trắc có thể xảy ra. Trên những kệ sách, những con vật bằng gỗ tếch sắp đặt theo kiểu dáng gợi lại những vật tổ của Châu Phi. Những con vật cũng nằm ở giữa nhóm sách tôn giáo và sách luật. Ngay khi trời vừa tối, tôi thường kiếm chút gì ăn rồi nằm lỳ trên cái trường kỷ, hồi tưởng về những sự kiện trong đời, rồi lấy một cuốn sách và đọc một cách lơ đễnh, tâm hồn để đâu đâu.  Cái thế giới ở trong đầu tôi giống như cái lưới nhện phát ra tiếng âm u, cái âm u của một cuộc đời sắp chấm dứt. Đôi cánh mỏng manh hốt hoảng vỗ lần sau cùng.

Tôi thấy cái trứng ba ngày trước khi ông Salman thăm chúng tôi lần cuối. Hôm ấy tôi thức dậy lúc sáng sớm như thường lệ. Tôi lấy nước sạch và thức ăn và đi kiểm tra anh bạn thỏ của tôi. Tôi mở chuồng và nó nhảy ra vườn. Có một cái trứng trong chuồng. Tôi nhặt cái trứng lên và xem xét. Không thể là trứng gà bởi nó nhỏ hơn nhiều. Cảm thấy lo lắng nên tôi đến ngay phòng của Salsal. Tôi thức hắn dậy và kể cho hắn nghe. Salsal cầm cái trứng, nhìn nó một chặp rồi cười tỏ vẻ xem thường.

“Hajjar, mầy đừng làm trò giỡn với tao đấy nhé.” Hắn nói và chỉ ngón tay trỏ vào mặt tôi.

“Mầy nói sao? Tao đâu có đẻ cái trứng này!” Tôi nói quả quyết.

Salsal dụi mắt, đột ngột nhảy ra khỏi giường rồi chửi tôi một trận. Hai chúng tôi cùng đi về phía cổng và kiểm tra hệ thống an ninh. Chúng tôi kiểm tra các bức tường và tìm kiếm khắp vườn và tất cả các phòng. Không có dấu hiệu gì bất thường. Nhưng sao lại có một cái trứng trong chuồng thỏ! Chỉ có thể ai đó đã chơi xỏ chúng tôi, lẻn vào biệt thự và bỏ một cái trứng bên cạnh con thỏ.

 “Có lẽ đó là trò bịp do con mụ Umm Dala bày ra. Quỷ tha ma bắt mầy và con thỏ của mầy đi”. Salsal nói, và rồi im lặng.

Cả hai chúng tôi đều biết rằng Umm Dala bị ốm và đã không đến thăm chúng tôi suốt tuần qua. Chúng tôi sợ gấp đôi bởi vì chẳng có súng ống gì trong nhà. Chúng tôi không được cấp súng cho đến ngày thi hành nhiệm vụ. Thỉnh thoảng có những cuộc lục soát bất thường khiến mọi người lo ngại bởi Vùng Xanh là khu vực của chính phủ và hầu hết những nhà chính trị ở trong đó. Chúng tôi sống trong biệt thự này và giả vờ là bảo vệ của một nghị sĩ. Salsal nổi nóng và đòi tôi giết chết con thỏ nhưng tôi từ chối và bảo hắn rằng con thỏ chẳng có liên quan gì với chuyện này.

“Thế không phải con thỏ của mầy đẻ cái trứng đó sao?” Hắn tức giận nói khi đi lên lầu về phòng mình.

Tôi pha cà phê và xem con thỏ ăn phân của chính nó. Người ta nói phân thỏ có nhiều sinh tố B được tạo ra bởi những bộ phận bé tý trong ruột của nó. Một lúc sau, Salsal trở lại, mang theo cái máy tính xách tay của nó. Nó lầm bầm một mình, thỉnh thoảng chửi ông Salman. Hắn đề nghị tôi cùng ngủ trên tầng hai với hắn vì ở đó dễ theo dõi cổng và các bức tường hơn.

Chúng tôi tắt hết đèn và ngồi trong phòng của Salsal, chốc chốc thay phiên nhau đi kiểm tra quanh biệt thự.

Hai đêm trôi qua không có gì đáng ngờ. Biệt thự chìm trong vắng vẻ, yên lặng. Khi ở trong phòng với Salsal, tôi biết được rằng hắn đăng ký Facebook dưới tên Chiến tranh và Hòa bình và dùng hình Tolstoy vẽ bằng than làm hình đại diện. Hắn có hơn một ngàn bạn Facebook, hầu hết là nhà văn, nhà báo và nhà trí thức. Hắn thường thảo luận với họ và giả vờ làm  một người hâm mộ thông minh. Hắn bày tỏ ý kiến và phân tích những vụ bạo lực trong nước một cách từ tốn và khôn ngoan. Ngay cả nó cùng tôi tìm kiếm tính cách của Quyền Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Hắn nói ông này có văn hóa, nhân đạo và đặc biệt rất thông minh. Vào thời gian đó, tôi không thích nói về Quyền Bộ trưởng. Tôi bảo nó rằng những người làm công việc như chúng tôi không nên chát chít gì trên mạng. Nó tỏ ra chuyên nghiệp, nhìn tôi vẻ xem thường và nói. “Mày cứ lo chăm con thỏ đẻ trứng của mày đi, Hajjar.”

Khi ông Salman thăm chúng tôi lần cuối, Salsal bộc lộ hết giận dữ trước mặt ông, kể cho ông ấy nghe về chuyện cái trứng thỏ. Ông Salman chế nhạo câu chuyện của chúng tôi và loại bỏ mọi nghi ngờ về Umm Dala. Ông bảo đảm rằng bà ấy rất thật thà và làm việc với ông nhiều năm. Nhưng Salsal buộc tội ông phản bội và bắt đầu đấu khẩu với ông, còn tôi khi đó chỉ ngồi theo dõi họ. Sau cuộc cãi lộn, tôi rút ra kết luận rằng trong thế giới thủ tiêu vì chính trị và bè phái tôn giáo này người ta thường bị lừa vì những lợi ích lớn hơn. Trong nhiều trường hợp, các nhóm phái thường cho nhau mướn những kẻ giết thuê mà không đòi hỏi gì cả như là một phần của những thỏa thuận rộng hơn về địa vị chính trị hoặc để che đậy một vụ tham nhũng cỡ lớn nào đó. Nhưng ông Salman từ chối tất cả cáo buộc của Salsal. Ông ta yêu cầu chúng tôi bình tĩnh vì vụ ám sát mục tiêu sẽ xảy ra trong hai ngày nữa. Chúng tôi vào ngồi trong nhà bếp và ông Salsan giải thích kế hoạch đến từng chi tiết. Ông lôi trong xách ra hai khẩu súng ngắn có bộ phận hãm thanh và nói chúng tôi sẽ được trả tiền ngay sau chiến dịch và sẽ được đưa đến một nơi ở rìa thủ đô.

“Cái trứng thỏ. Hừm, này tay mơ. Bây giờ mầy trở thành tay nói đùa giỏi lắm” Salman nói nhỏ với tôi trước khi ông ra về.

Vào đêm cuối cùng, tôi cùng Salsal thức khuya. Tôi lo cho con thỏ vì có vẻ như Umm Dala còn nghỉ phép lâu lắm. Con thỏ sẽ chết vì đói khát. Salsal vẫn bận rộn với Facebook như thường lệ. Tôi đứng gần cửa sổ để nhìn ra vườn. Hắn nói hắn đang thảo luận với Quyền Bộ Trưởng Bộ Văn hóa về bạo lực giáo phái và những nguyên nhân của nó. Từ Salsal, tôi biết rằng ông bộ trưởng này là một nhà văn dưới thời Saddam Hussein, đã viết ba cuốn tiểu thuyết về đạo Sufi. Một hôm ông và vợ ông dự tiệc tại một ngôi nhà nhìn ra sông Tigris của một kiến trúc sư giàu có. Vợ ông đẹp, hấp dẫn và thông minh như ông. Bà quan tâm tìm hiểu về các bản viết tay cổ của Đạo Hồi. Giám đốc An ninh, một người bà con của tổng thống, cũng là khách mời của buổi tiệc.

Sau buổi tiệc, Giám đốc An ninh ra lệnh cho bộ phận giám sát đọc những tiểu thuyết của ông nhà văn này. Sau vài ngày họ ném ông này vào tù vì tội kích động chống Nhà nước. Giám đốc An ninh mặc cả với vợ của nhà văn để đổi lấy tự do cho chồng bà. Khi bị bà từ chối, Giám đốc An ninh cho người của ông ta hãm hiếp bà vợ ngay trước mặt nhà văn. Sau đó bà ấy sang Pháp và biến mất. Họ thả nhà văn vào giữa thập niên 1990 và ông ta sang Pháp để tìm vợ nhưng không tìm thấy tông tích của bà. Khi chế độ độc tài sụp đổ, ông về nước và được mời làm Quyền Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Câu chuyện về cuộc đời của nhà văn giống như một phim truyện của Bollywood nhưng tôi không hiểu sao Salsal lại biết quá nhiều về ông ta như vậy. Tôi cảm thấy hắn khâm phục nhân cách và sự uyên bác của ông này. Tôi hỏi hắn ông ấy thuộc giáo phái nào. Hắn không chú ý đến câu hỏi của tôi. Rồi tôi cố kéo hắn về chuyện làm sao để nhận ra mục tiêu nhưng Salsal đáp rằng tôi là thứ tân binh tay mơ, chỉ việc lái xe còn chính Salsal mới là người bắn bằng khẩu súng hãm thanh.

Sáng hôm sau, chúng tôi đợi trước bãi đậu xe ở trung tâm thành phố. Mục tiêu được dự tính sẽ đến bằng xe Toyota Crown màu đỏ và ngay khi chiếc xe ấy vào trong bãi, Salsal sẽ ra khỏi xe, đi bộ theo hắn vào bên trong và bắn hắn. Rồi chúng tôi sẽ lái xe đến một nơi mới ở vùng ven thủ đô. Vì thế nên tôi mang theo con thỏ và nhốt nó trong thùng xe.

Salsal nhận một tin nhắn bằng điện thoại di động của hắn và mặt hắn trắng bệch. Đáng ra chúng tôi không nên đợi mục tiêu hơn mười phút. Tôi hỏi hắn mọi việc có ổn không. Hắn chửi thề và vỗ đùi. Tôi lo lắng. Sau một chút do dự, hắn đưa điện thoại hắn cho tôi xem hình một con thỏ ngồi trên cái trứng. Đó là một tấm hình tào lao dùng photoshop. “Mầy biết ai gởi hình này không?” Hắn hỏi.

Tôi lắc đầu.

“Quyền Bộ trưởng Văn hóa”. Hắn nói.

“Cái gì!!?”

“Quyền Bộ trưởng là mục tiêu”.

Tôi ra khỏi xe, sôi máu vì sự ngu xuẩn của Salsal và sự điên cuồng của chiến dịch bẩn thỉu này. Hơn mười lăm phút trôi qua và mục tiêu không xuất hiện. Nó cũng ra khỏi xe và bảo tôi kiên nhẫn đợi thêm chút nữa, bởi vì cả hai chúng tôi đang bị nguy hiểm. Nó vào lại trong xe và cố gắng liên lạc với Salman. Tôi đi bộ đến một cửa hàng gần đó để mua một gói thuốc lá. Tim tôi đập thình thịch như đang giận đến muốn phát điên. Ngay khi tôi vừa đến cửa hàng, chiếc ô tô nổ bùng sau lưng tôi và bốc cháy, thiêu con thỏ và Salsal thành than.

H.B

READ MORE - CON THỎ Ở VÙNG XANH - Truyện ngắn của Hassan Blasim (Iraq) - Người dịch: Nguyễn Khắc Phước

ĐÊM VŨNG TÀU - Thơ Phạm Hòa Việt




ĐÊM VŨNG TÀU

Hai đứa chung nhau điếu thuốc
Rì rào tiếng hát biển dâng
Gió đưa hương đời phía trước
Sóng tràn kỷ niệm sau lưng

Uống ly cà phê đậm đặc
Giấc ngủ chưa đầy một canh
Chuyện xưa vấn vương dằng dặc
Chợt nghe gió sớm buông mành...

PHẠM HÒA VIỆT

READ MORE - ĐÊM VŨNG TÀU - Thơ Phạm Hòa Việt

KHÔNG TÊN - Thơ Quang Tuyết


                     Nhà thơ Quang Tuyết



KHÔNG TÊN

Mưa buồn làm nhớ nắng xuân
Lẻ loi nên nhớ những lần bên nhau
Cafe vị đắng thấm sầu
Cũng thơm từng giọt nhưng nao nao lòng

Mưa buồn uớt lệ tuôn dòng
Bên song ai lặng chờ mong ai về
Cỏ hoa như vuớng lời thề
Ngã nghiêng cùng gió bộn bề cùng mưa

Lòng buồn nên cảnh rối bời
Cô đơn nên giữa đông người vắng tênh.
Nhìn mưa xa mắt ướt mềm
Hoài mong con nắng về bên hiên nhà

Chuyện xưa giờ ngả bóng tà
Biển đời sóng vỗ trăng già cuối non

                                   Quang Tuyết

READ MORE - KHÔNG TÊN - Thơ Quang Tuyết

Chùm ảnh HOA THƯỢC DƯỢC của Chu Vương Miện và thơ Trần Vấn Lệ



Bạn gửi cho mình hoa quá đẹp
Thấy như mình trẻ cả ngàn năm!
Thuở nào Đất Nước như hoa sớm
Lóng dạ con người mãi mãi Xuân!
thơ TRẦN VẤN LỆ









READ MORE - Chùm ảnh HOA THƯỢC DƯỢC của Chu Vương Miện và thơ Trần Vấn Lệ

HOANG TƯỞNG! - Thơ Phong Nguyễn


Tác giả Phong Nguyễn


Hoang tưởng!
Phong Nguyễn

Răng!!!
Chưa tàn
Cuộc rượu
Hắn lại bỏ cuộc chơi
Men chưa tê
Đáy cốc
Hắn dửng dưng môi cười
Đời lăn lóc khói thuốc
Hư ảo bóng trầm nan
Ừ!....
Thì nhếch
Nửa miệng
Cho bớt chút vơi tàn
Đêm qua trời dị mộng
Lòng hắn bỗng băn khoăn
Tóc vừa rơi mấy sợi
Hóa ra đã trắng ngần
Dấu chân tình đã lỡ
Bao vết rạn thời gian
Cớ chi!
Mà lưu luyến
Bóng nguyệt xế đêm tàn
Ừ... chưa vơi cuộc rượu
Hắn... vội bỏ cuộc chơi...

28-2-2019.
PN



READ MORE - HOANG TƯỞNG! - Thơ Phong Nguyễn

KHÚC VỌNG CỔ VỚI TÌNH U MINH - Hoàng Yên Linh




Khúc Vọng Cổ Với Tình U Minh
                                         Hoàng Yên Linh

                      Tết năm 1978 tôi trở về sau tháng năm "học làm người mớI". Gia đình tôi vốn ở miền Trung sau cuộc bể dâu lưu lạc vào tận vùng đất phương Nam sông nước.Tôi trở về với đời thường, hành trang chỉ có tấm giấy ra trại với thân phận thầy chẳng ra thầy, thợ chẳng ra thợ và đối mặt với cuộc sống gian nan tràn đầy nghi kỵ.

                    Tôi chỉ mới ngoài 20 tuổi, thời gian chưa đủ để thích nghi với cuộc sống mới.Tôi không thể tìm được bất cứ một công việc gì với bản lý lịch tối thui như giàn bếp của mình... Cuối cùng rồi tôi cũng có được một việc làm nơi vùng U Minh Thượng, nơi Miệt Thứ vốn chỉ có những cánh đồng trải dài ngút mắt, những cánh rừng tràm xanh bất tận và nước chua phèn quanh năm. Tôi làm cái nghề chăn vịt thuê. Một mình trên căn chòi lá cô quạnh giữa chốn đồng không mông quạnh chỉ làm bạn với đàn vịt, với cảnh mây trời sông nước nhưng dẫu sao vẫn còn một chút an ủi đó là yên tĩnh, không một ai biết đến, không ai gây phiền toái cho cuộc sống. Chỉ đôi lúc người chủ ra thăm đàn vịt và những lần cạn ly bên trời chiều loang ánh nắng rừng tràm. Có một lần cô con gái con ông chủ mang lương thực ra, giữa chốn hoang vu, cô hồn nhiên ca những bài ca vọng cổ. Tôi vốn không phải là người ưa thích vọng cổ nhưng không hiểu sao buổi chiều đó có lẽ vì cảnh đời, vì khung cảnh buồn hiu hắt và cũng có lẽ với giọng ca vọng cổ ngọt ngào của cô gái trẻ, tôi lại thấy câu vọng cổ rất dịu dàng và  trở nên rất hay nên tôi đã khen thật lòng. Cô gái nói với tôi "vậy là anh Tư nợ tui đó nghe, tui ca cho anh Tư nghe rồi đó..." Và bỗng dưng cô hỏi tôi:  "Nghe ba nói anh Tư hồi xưa là thiếu úy phải không?" Tôi gật đầu, cô gái nói tiếp: "Thì bữa ni cứ gọi là anh Tư thiếu úy để phân biệt với các anh Tư khác..."  "Đừng gọi thế... Cô mà gọi vậy là người ta bắt tui đi nữa làm sao mà còn nghe cô ca vọng cổ." Tiếng cười cô vang vọng giữa khoảng không mênh mông theo chiếc xuồng khuất dần trong nắng chiều mờ dần sau cánh rừng tràm...

                    Đã hơn 30 năm... Tôi chưa một lần trở lại vùng đất đã một thời cưu mang đời tôi. Và món nợ ngày xưa với cô gái U Minh Miệt Thứ tôi vẫn chưa trả được. Hình ảnh ngày xưa vẫn còn sống động trong tôi. Bây giờ ở một nơi chốn xa xôi nào đó, cô gái đưa cơm ngày nào có còn nhớ đến anh chàng chăn vịt ngày xưa và món nợ cô có còn nhớ. Với riêng tôi, dù cuộc sống có đổi thay, tuổi đời có mòn gót bôn ba, tôi vẫn luôn tưởng tiếc tháng ngày xưa cũ, của một thời tuy lắm gian nan nhưng cũng tràn đầy tình người phương Nam... Và mong cô còn giữ món nợ đó để còn nhớ đến nơi vùng U Minh bát ngát hương tràm có anh chàng người miền Trung phiêu bạt và những câu vọng cổ tràn đầy ân tình tha thiết.

                     Bài thơ này xin gởi đến người xưa như là trang trải món nợ năm nào.

Qua Miệt Thứ lạc vườn cau
Đong đưa cánh võng, qua cầu gió bay
Ngỡ mình lạc giữa cơn say
Câu ca thắm đượm tình ai - thuở nào
Không em tình cũng lao đao
Bến xưa đò gọi, nôn nao tình buồn
Sông chiều đã ngã hoàng hôn
Mà sao câu lý như hờn trách ai?
Tình đành thôi đã chia hai...
Theo người tận xứ Cà Mau có buồn
Có chàng chăn vịt lang thang
Nhớ câu vọng cổ, nhớ hàng cau xanh
Lời xưa... thôi đành dở dang...

Hoàng Yên Linh

READ MORE - KHÚC VỌNG CỔ VỚI TÌNH U MINH - Hoàng Yên Linh

GIẬN HỜN... - Thơ Hiệp Kim Áo Tím



         Nhà thơ Hiệp Kim Áo Tím


GIẬN HỜN...

Bỗng nhiên đi giận người dưng
Bi chừ lại thấy lòng rưng rưng buồn
Ông trời cho trận mưa tuôn
Giội đi cho hết muộn phiền trong tôi

Bềnh bồng giòng nước cuốn trôi
Gửi vào chiếc lá cho vơi nỗi sầu
Lá rơi từng chiếc rơi mau
Cho thời gian xóa những câu giận hờn

Lang thang nhìn chú bướm vờn
Trên cành hoa nhỏ bên vườn nhà ai
Bỗng ai ngắt cánh hoa lài
Cài lên mái tóc nhớ hoài hương xưa

Giận hờn theo những hạt mưa
Cánh hồng người gửi cho vừa lòng em
Nụ cười vừa nở môi mềm
Nắng chiều rực sáng bên thềm rộn vui...

                              Hiệp Kim Áo Tím
                              Đà Lạt, 27/5/2019

READ MORE - GIẬN HỜN... - Thơ Hiệp Kim Áo Tím

TRẢ LỜI BÌNH LUẬN CỦA ANH NGHIÊM ANH CHU - Phạm Đức Nhì


           
                       Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì




TRẢ LỜI BÌNH LUẬN CỦA ANH NGHIÊM ANH CHU

 Bình Luận Của Anh Nghiêm Anh Chu

Trong bài viết Bàn Về Chữ “Buông” Của Trịnh Công Sơn Trong “Để Gió Cuốn Đi” của tôi anh Nghiêm Anh Chu có bình luận như sau:
Nhạc, nhất là nhạc VN, nó cũng như tình yêu. Ta chỉ có thể cảm nhận được mà ko thể lí giải được.

Trên trời có đám mây xanh
Có con ngựa bạch chạy quanh gầm trời
Đôi ta muốn lấy nhau chơi
Cái duyên ko buộc thì trời chẳng xe
Mà cái duyên đã buộc thì trời xe ngay vào...

Quan họ Bắc Ninh hay chèo Bắc Bộ, Lí Nam Trung Bộ là một thứ nước Cam Lồ, một thứ rượu thần tiên mê hoặc say đắm lòng người biết bao thế hệ.
Nhạc Trịnh Công Sơn là một cái gì đó thật khó lí giải. Nó mê hoặc lòng người, nhất là giới trẻ đến kì lạ.
Bài bình của giáo sư Phạm Anh Nhì rất hay, nhưng sẽ gây tự ái cho cả triệu người ngưỡng mộ Trịnh Công Sơn. Thôi thì cứ để gió cuốn đi thôi thầy ạ
Cám ơn anh Nghiêm Anh Chu đã có một bình luận “biết người biết ta” cho bài Bàn Về Chữ “Buông” Của Trịnh Công Sơn Trong “Để Gió Cuốn Đi” của tôi.
Trước hết, xin được cải chính. Tôi chẳng phải giáo sư, giáo xiếc gì cả. Chỉ là người có học chút đỉnh về thơ, về nhạc. Nhưng sau này nghĩ rằng “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” nên đã bỏ nhạc để chỉ chuyên về thơ. Và tôi là Phạm Đức Nhì – không phải Phạm Anh Nhì.

Nhạc Và Sự “Tiêu Hóa” Của Người Thưởng Thức

Đúng như anh Nghiêm Anh Chu nói, nhạc đi thẳng vào tâm hồn, không qua “gạn đục khơi trong” của lý trí. Nhưng đó là loại nhạc không lời.
Ca khúc là một cuộc hôn nhân giữa Nhạc và Lời. Dòng nhạc chảy cuốn lời theo dòng chảy của nó. Người thưởng thức ca khúc nghe nhạc và lời cùng một lúc, nhưng nhạc thì đi thẳng vào tâm hồn, còn lời thì vẫn bị lý trí kiểm soát. Có điều nó chạy nhanh chứ không lững lờ như lời thơ nên lý trí kiểm soát không kịp, đôi khi bị sót. Nếu có những “bất ổn” nho nhỏ ở phần lời thì thường được cho “qua phà”. Người nghe ca khúc thường dễ dãi với những “tiểu tiết” trong lời nhạc.
Tuy nhiên nếu là lỗi nặng, làm cấu trúc của phần lời xộc xệch, cản dòng chảy của cảm xúc thì dễ bị những người tinh ý phát hiện. Dĩ nhiên, khi nghe ca sĩ hát tôi cũng thả hồn vào lời ca tiếng nhạc để “sướng” chung cái sướng của mọi người. Nhưng khi về nhà, ngôi phân tích giá trị nghệ thuật – cái hay cái dở - của bản nhạc tôi bắt buộc phải giở trò “chẻ sợi tóc làm tư”.

“Ca Khúc Và Thơ” Của Nguyễn Hưng Quốc

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc trong bài Ca Khúc Và Thơ đã viết:
“Trong bài “Cái chết của một nghệ sĩ”, tôi có viết là tôi không thích nghe nhạc, nhất là ca khúc. Tại sao?”
Và sau khi kể lể một hồi, ông giải thích: 
“Lý do chính, tôi nghĩ, nằm ở chỗ này: Nghe ca khúc, vì dốt về nhạc học, tôi không chú ý nhiều đến khía cạnh âm nhạc, tôi chỉ tập trung nghe lời. Mà lời trong các ca khúc thì theo tôi, thường… dở.”
https://www.voatiengviet.com/a/ca-khuc-va-tho/1593263.html
Có nhiều điều có thể bàn luận về nhận xét trên của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc. Trong bài viết ngắn này tôi chỉ chú trọng một điểm: Nghe nhạc, không chú ý đến nhạc mà chỉ tập trung nghe lời.
Khi cao hứng, cả lời và nhạc tuôn ra cùng một lúc hoặc khi đặt lời cho “dòng nhạc” nghĩ ra từ trước, nhạc sĩ không cần quan tâm đến tính nhạc vì đã có “dòng nhạc” làm con kênh để lời theo đó mà trôi. Do đó, nếu không chú ý đến khía cạnh âm nhạc mà chỉ tập trung nghe lời thì lời của ca khúc tự nó thường thiếu tính nhạc, thiếu “vị ngọt của thơ”, thiếu thứ “thuốc dẫn” để nối những hình tượng, ý tưởng, tạo dòng chảy cho tứ thơ.
Cũng may là không phải ai cũng nghe nhạc (ca khúc) như ông Nguyễn Hưng Quốc chứ nghe nhạc kiểu đó chẳng sớm thì muộn các nhạc sĩ cũng sẽ đập đàn, bỏ sáng tác để tìm nghề khác.

Anh Nghiêm Anh Chu Thì Khác

Trường hợp của anh Nghiêm Anh Chu thì ngược lại. Có lẽ anh đã thấy được và đem lòng yêu thích cái cao sang, đài các, sự ảo diệu của ca từ trong Để Gió Cuốn Đi nói riêng và của nhạc Trịnh Công Sơn nói chung. Theo tôi, anh cũng “bắt” được phần nào cái sâu sắc, tính nhân bản trong ý tứ của bản nhạc. Có điều anh chưa thấy được cái xộc xệch của thế trận chữ nghĩa. Anh cũng không để ý đến sự hiện diện khá rõ ràng của lý trí trong phần lời của bản nhạc. Đối với những người thưởng thức nhạc bình thường thì như thế cũng là … đủ.
Nhưng khi đã bước vào cuộc tranh luận về cái hay, cái dở, khi đã bàn đến giá trị nghệ thuật của tác phẩm (như bài viết Bàn Về Chữ “Buông” …) thì không thể hời hợt, dễ dãi, “chín bỏ làm mười” như thế được.
Anh Nghiêm Anh Chu cho rằng viết như tôi (Phạm Đức Nhì) thì “rất hay, nhưng sẽ gây tự ái cho cả triệu người ngưỡng mộ Trịnh Công Sơn.”
Tôi không nghĩ như vậy. Khi yêu thì cái gì của người yêu cũng đẹp. Nhưng thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật thì không nên như thế.

Đem Bản Nhạc “Chờ Đông” Làm Thí Dụ

Chờ Đông của nhạc sĩ Ngân Giang được sáng tác năm 1969 ở Miền Nam. Đây là bản nhạc được rất nhiều ca sĩ hát trong các chương trình văn nghệ - đặc biệt là đám cưới. Nó không phải là Nhạc Sến nhưng cũng chưa tới mức Cao Sang như một số ca khúc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Cung Tiến …

CHỜ ĐÔNG

Em ơi! có phải ngoài trời đang mưa ??
Em ơi! có phải trời đã sang đông ??
Mùa đông giá băng anh đang chờ
Mùa đông ái ân anh đang tìm
Tìm màu áo cưới cho em....

Ô hay, mắt ngọc lại buồn hay sao??
Khi anh đã nguyện một đời yêu em
Dù cho nét son môi phai mờ
Dù cho mắt xanh kia hững hờ
Và dù năm tháng phôi pha.

ĐK:
Ta quen biết nhau ... Khi tàn xuân
Ta yêu thiết tha ... Khi hè sang
Và khi thu đến anh gom ánh sao
Cho đêm đêm kết thành vương miện
Để mùa đông đám cưới đôi mình

Em ơi! xích lại thật gần bên anh..
Cho anh xiết chặt nụ cười xinh xinh
Từ đây những đêm trăng thanh đầy
Mình không lẻ loi không u sầu
Nguyện cầu ta mãi bên nhau

(lyric.tkaraoke.com)

Theo tôi, đây là một ca khúc trên trung bình. Nhạc hay, lời bình dị, nhiều tình cảm, rất có duyên, bố cục lạ mà hợp lý. Và đặc biệt, lời và nhạc hòa quyện với nhau như đôi vợ chồng gắn bó yêu thương.

Hai Lỗi Nặng

Tôi xin bỏ qua một vài “tiểu tiết” để chỉ nói đến 2 lỗi nặng, ảnh hưởng đến dòng cảm xúc của lời ca, tiếng nhạc.

1/ Hai chữ “hững hờ” trong đoạn

Ô hay, mắt ngọc lại buồn hay sao??
Khi anh đã nguyện một đời yêu em
Dù cho nét son môi phai mờ
Dù cho mắt xanh kia hững hờ
Và dù năm tháng phôi pha.

     a/
Khi chồng của TTKh. biết chị vẫn ôm ấp bóng hình của người tình xưa thì với ông, đời sống vợ chồng của hai người đã đi vào ngõ cụt, chỉ tồn tại để giữ thể diện trên mặt lễ giáo, xã hội, còn tình cảm thì coi như đã chết. Ông đã lạnh nhạt đến mức bà phải “bóp tim” trào ra mấy câu thơ:

Từ đó thu rồi thu lại thu,
Lòng tôi còn giá đến bao giờ?
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy cho nên vẫn hững hờ!

“Hững hờ” ở đây có nghĩa là tình yêu đã hết.

     b/
Sau đây là tâm sự của một người có gia đình, vợ con đàng hoàng nhưng bà vợ, không biết vì lý do gì, đã không còn tình yêu. Anh ta, giống ông chồng của TTKh. ở chỗ vẫn để cuộc hôn nhân tồn tại nhưng đã đem hai chữ “hững hờ” vào sinh hoạt vợ chồng.

KHI KHÔNG CÒN TÌNH YÊU

Vợ con đàng hoàng
chẳng lẽ cặp kè bồ bịch linh tinh
lỡ đổ bể
người đời chửi “Đồ ngoại tình!”
mang tai tiếng
Mấy chục năm

Là “công dân tốt” trên đất Mỹ
chẳng lẽ bây giờ
vác “đồ nghề” đi kiếm đĩ
vừa sợ cảnh sát vồ
vừa nơm nớp bệnh Si Đa

Cho nên thỉnh thoảng cũng đè ra
Máy mó đâm chọc cho qua
cơn động cỡn.

                         (Dấu Tên)

Nhạc sĩ Ngân Giang đã không lường hết được sức mạnh của hai chữ “hững hờ” nên đã làm hỏng đoạn nhạc.

2/
Hai câu áp chót của đoạn cuối:

“Từ đây những đêm trăng thanh đầy
Mình không lẻ loi không u sầu”

Người ta sẽ hỏi “Thế còn những đêm trăng không đầy hoặc không có trăng thì sao?” Chẳng lẽ vói đôi tình nhân sắp đến ngày cưới mà “từ đây” (từ nay về sau) cả tháng chỉ “không lẻ loi, không u sầu” có hai đêm “trăng thanh đầy”, những đêm còn lại thì mỗi đứa một nơi? Tác giả viết không kín kẽ, không thấy được lỗ hổng to tướng trong câu nhạc của mình.
Uy lực của nhạc rất lớn. Nó có khả năng cuốn lời ca vào thẳng tâm hồn không qua sự kiểm soát (chặt chẽ) của lý trí. Bởi vậy, nó là con dao 2 lưỡi. Người nghe dễ xúc động, đồng cảm với ca sĩ, nhạc sĩ nhưng cũng thường để lọt vào đầu mình những cặn bẩn của văn chương. Ca khúc Chờ Đông được hát ở hải ngoại và trong nước nhiều năm nay nhưng 2 lỗi nặng như trên vẫn bị lờ đi.
Người thưởng thức nhạc nếu không cẩn thận lựa lọc, nghe mỗi bản nhạc lại đưa vào chỗ sâu kín nhất trong tâm hồn mình một vài cộng rác. Lâu ngày sẽ thành một đống rác lớn.

Kết Luận

Để kết luận tôi xin mượn một đoạn văn đã viết từ khá lâu trong một bài bình thơ:

“Một lần tôi tình cờ ngồi gần một bà cụ trong lúc ăn bánh xèo ở chợ An Đông. Bà cụ trải một lá rau xà lách xuống đĩa; trên lá rau nằm chình ình một con sâu to bằng nửa ngón tay út. Tôi chưa kịp phản ứng thì bà cụ đã thản nhiên xé một miếng bánh xèo đặt lên lá rau rồi cuộn lại, chấm nước mắm cắn ăn ngon lành, vừa nhồm nhoàm nhai vừa gật gù ra vẻ khoái trá.
Trên đường về tôi cứ áy náy mãi vì sự thiếu quyết đoán và tính cả nể của mình. Tôi sợ nếu lên tiếng đánh động sự có mặt của con sâu sẽ làm hỏng bữa ăn ngon của bà cụ và…mất lòng chủ quán. Nhưng nếu cứ ngồi yên để mặc bà cụ vừa nhai con sâu vừa khen ngon thì có vẻ …hiểm ác quá. Hơn nữa, việc chỉ cho bà cụ (và mọi người) thấy con sâu sẽ khiến chủ quán cẩn thận hơn trong những lần rửa rau sau đó, và khách ăn hàng, nếu còn quyến luyến, sẽ để ý đến lá rau kỹ hơn trước khi cuốn bánh xèo.”

                                                   Phạm Đức Nhì
                                              nhidpham@gmail.com

READ MORE - TRẢ LỜI BÌNH LUẬN CỦA ANH NGHIÊM ANH CHU - Phạm Đức Nhì