Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, April 10, 2015

NƠM CÁ, NHỦI TÉP - Hoàng Kim Liên



Tác giả Hoàng Kim Liên


Hoàng Kim Liên

NƠM CÁ, NHỦI TÉP


            Quê tôi xưa nay chỉ có một nghề duy nhất đó là nghề nông. Khi rảnh rổi có thể đi đốn củi, chăn nuôi vịt. Chăn nuôi trâu bò cũng nhỏ hẹp, chỉ để cày kéo hoặc lấy phân.

            Có một nghề - nghề phụ mỗi khi nông nhàn – đó là nghề nơm cá. Những người có ít hoặc thậm chí không có đất đai, ruộng vườn để canh tác sản xuất, họ lấy nghề bắt cá làm mưu sinh nuôi sống gia đình. Chài lưới thì chỉ đánh bắt về mùa nước lũ, còn nơm cá là sau khi gặt vụ chiêm xuân xong kéo dài cả nửa năm, cá đang đọng lại giữa bàu, hói, ao, hồ trước đây trồng lúa; hay rào (sông nhỏ). Ở đây, tha hồ nơm bắt vì không của riêng ai. 

            Nơm cá nước ngọt như cá đô, cá tràu (cá lóc), cá hẻn (cá trê), cá rô. Những loại cá này sống dai, bắt lên cạn vài tiếng đồng hồ vẫn không chết. Người ta rộng lại cho thật nhiều rồi đem đi chợ bán. Còn cá trắng như cá gáy (cá chép), cá diếc, cá thát lát, cá mè thì ăn hoặc bán ngay trong ngày. Những người không phải nghề nghiệp, nơm cá về chủ yếu rộng lại để để ăn dần, khỏi mua.

         Vùng chúng tôi, người dân hoàn toàn làm nghề nông cho nên ai cũng có ít nhất là một cái nơm, còn nhà đông người thì hai ba cái. Bởi nơm cũng dễ làm, ai người lớn cũng đều có thể làm đươc cả. Hơn thua nhau ở chỗ đẹp và xấu mà thôi. Người khéo tay hay chuyên môn  làm để bán hay làm theo người khác đặt hàng. Có đủ cỡ nơm, có cái cao độ 80cm, đường kính rộng chừng 70cm, vừa đủ cánh tay thò vào đến nách, dùng để nơm nước sâu và để bắt cá to hơn; nhỏ nhất thì cao chừng 40cm, rộng 30cn để bắt cá nước cạn, cá nhỏ bằng vài ngón tay..

            Nơm làm bằng tre kết với mây rừng, chỉ cần mua mây về chẻ ra thành sợi, vót mỏng lấy “kịch” bên ngoài. Tre thì dễ, ra sau ranh vườn, chọn cây nào vừa làm, không già quá khi lên vành khó, dễ gãy; cây non thì yếu, dễ mục, mau hư. Đốn vài cây thì tha hồ làm. Nếu nhà nào không có tre thì đi xin, người có họ vẫn cho.

            Lấy khúc gốc khoảng trên 2 mét, chẻ lấy một thanh rộng chừng 2,5cm, ròng, không mắt, để làm vành. Chỗ khúc còn lại chẻ nhỏ ra vót bằng mút đũa xoắn làm đầu nơm, còn lại cưa thành khúc như dự định cao thấp để làm. Tre làm nơm chẻ to chừng 1cm vót lại là vừa, vót một đầu to, có vạt nhọn để khi chơm dễ lún xuống đất, cá không chui ra được. Đầu kia vót nhỏ dần lại bằng 1/3 đầu dưới. Một cái nơm làm độ hai ngày là hoàn tất. Làm xong là đem đi chơm được ngay. Có người kỹ càng hơn, mỗi lần nơm về rửa sạch gác lên gian khói để bảo quản dùng được lâu.
           
        Nơm cá cũng là một thú vui đặc biệt. Khi nước sông cạn hay bàu hói đã gặt xong là hú nhau cả làng, cả xóm hè nhau vác nơm đi nơm. Nơm đầu mùa nhiều cá, dễ biết cá trong nơm nên ai cũng không bỏ lỡ dịp nầy.

            Trời ơi! Vui lắm, thích lắm!  Tôi còn nhớ lúc nhỏ chừng 10, 12 tuổi, lần đầu tiên trong đời được ba cho đi nơm cá. Trước đó một tuần, ba làm một cái nơm cỡ trung bình treo lên giàn khói, nơm rất đẹp vì ba rất khéo tay. Chiều hôm ấy, khi bàu trước làng đã gặt xong cũng chừng một tuần, dân làng rũ nhau đi nơm, ba gọi tôi vào, lấy nơm trên giàn bếp xuống đưa cho tôi và bảo: Người ta đi nơm, con đi nơm với họ. Tôi rất vui mừng được ba cho đi nơm cá với mọi người. Hồi hộp vác nơm xuống bàu khi mọi người đã nơm được một lúc. Đầu tiên, tôi chỉ nơm ở chỗ cạn và chỗ trống, nơi người ta đã nơm qua rồi. Chừng 20 phút sau, tôi cũng hòa nhập, tìm chỗ sâu hơn, chỗ có cỏ và gốc rạ rậm rạp úp úp, nơm nơm. Úp đến lát thứ tư, tôi nghe đụng rất mạnh trong nơm, nhìn quanh không có ai gần sát ở đó, tôi hồi hộp đè thật chặt nơm xuống đất, lúc này nước gần lút đầu nơm, còn khoảng 10 phân. Tôi ngồi lên đầu nơm giữ kỹ. Trong nơm cá vẫn còn đụng đụng, tôi hồi hộp mặt tái mét. Mọi người biết được quay qua nhìn tôi cười. Bởi vì lần đầu đi nơm cá, không biết cá “đóng” nơm ra sao. Rạo rực thò tay vào mò thử. Trời ơi! Một con cá gì to quá. Tôi la lên: Được cá to rồi! Mọi người xúm quanh tôi. Tôi thò tay vào mò một lần nữa và nghĩ chắc tôi không bắt được, sợ cá to quá, tay tôi không nắm hết, con cá vùng sẽ sẩy, nên nhờ một người lớn gần đó bắt giúp. Khi anh ta mò tay vào cũng la hoảng lên: Con cá gáy (cá chép) to quá bà con ơi! To quá. Rồi anh ta đưa cả hai tay vào mò, con cá vùng vẫy rất mạnh. Hai tay nắm chặt con cá, anh ta lôi cả nơm và cá đưa lên trời cho mọi người cùng xem. Ai cũng trầm trồ: Thằng này nhỏ mà may quá. Anh ta đưa con cá lên bờ cho tôi. Tôi quá mừng và sung sướng. Tôi tháo dây trên đầu nơm ra, xỏ mang, cột lại xách về, không nơm nữa. Con cá trên 2,5 kg, tôi vừa xách vừa chạy về nhà  một mạch.

Chạy vào nhà lấy cái rổ lớn ra bỏ con cá đang vùng vào rổ. Ba mẹ tôi và mấy người nhà lại xem, ai nầy đều cho tôi may. Mấy lần sau, tôi hồi hộp chờ mọi người rũ nhau là tôi có mặt liền, lần nào cũng nơm được nhiều cá nhưng cá nhỏ hơn, chưa có con nào to như con lần đầu tiên đi nơm cả. Cho đến bây giờ, khi nhắc đến chuyện nơm bắt cá, tôi không thể nào quên được kỷ niệm ngày hôm đó. Từ đó, tôi quen dần với công việc nơm và nhủi cá thiên nhiên. Ban đêm, tay trái xách cái đèn dầu lửa, tay phải cầm nơm, lưng mang giỏ đi ra đồng soi cá. Đi ra những đám ruộng nước trong, sâu lút nửa ống chân, cá đóng đèn nằm im, mình chỉ úp và mò bắt thôi.
         
Những ngày nắng tháng tư, khi bàu, hói đầm đã bị nơm tan hoang không còn cỏ hay gốc rạ là lúc dùng nhủi – dụng cụ bắt cá nhỏ - để đi nhủi cá mủ (loại cá bống mủ nhỏ bằng mút đũa, que tăm), tép đem về nấu canh. Chỉ cần thời gian nửa tiếng đồng hồ là có chừng ba lạng đến nửa ký đem về nấu canh bầu, canh cải ngon lựng rồi. Dụng cụ đánh bắt này cũng làn bằng tre, bện với mây, dài khoảng 2 mét, phía trước có gắn cái lưỡi bằng gỗ rộng chừng một mét đỗ lại, được chuốt láng trơn để dễ đẩy đi dưới nước. Nhủi chỉ nhủi ở nước cạn, chừng lút đầu gối là cùng. Nước cạn hơn thì có thể cặp nhau năm sáu người xếp thành hàng, đặt phía trước nhủi xuống nước rồi đẩy chạy lên phía trước, chạy được chừng 25, 30 mét thì cất nhủi lên đưa dựng lên trời, tì vào đầu gối hơi nghiêng một chút, cá sẽ lần lượt rơi xuống phía dưới, ở đó đã có cột một cái giỏ (kêu bằng cái oi) có hom. Nhủi chạy như thế này có thể có cá lớn. Nước ngang đầu gối thì nhủi đi từ từ, một đoạn rồi cất lên ngang mặt nước, vơ rũ hết rác bên trong, còn lại cá mủ, tép  cất thẳng lên cho cá tép vào oi.
           
Buông câu, thả lưới, vãi chài, cất rớ, đơm lờ, đơm dẹp, đắp trễ, nơm, soi, đối với đa số dân làm nông, chỉ là nghề phụ có tính cách thời vụ, cốt để cải thiện bữa ăn tăng thu nhập cho gia đình.


Công việc nhà nông thì không có việc gì mà tôi không làm vì tôi sinh ra, lớn lên từ nhà nông. Hai mươi lăm năm, tuổi thơ, học hành, tình yêu đều phát xuất từ đó. Một phần tư cuộc đời gắn bó với quê hương nên dù tha hương kiếm sống, khi về già, tôi hay nhớ về những gì ngày xưa mình từng trải qua ở đó.

            Chuyện những sinh hoạt hàng ngày ở nông thôn ngày trước thì còn nhiều, chưa nói hết được. Đừng nghĩ rằng ngày nay khoa học phát triển đã giúp cho cuộc sống con người được sung sướng hơn thì hãy quên đi quá khứ. Chúng ta cũng không nên sống với quá khứ mà chỉ ghi lại những hình ảnh cũ để nhớ một thời ông cha kham khổ để  tồn tại mới có chúng ta hôm nay.

            Bạn nào đã từng sinh ra, lớn lên ở nông thôn cũng có thể đồng cảm với người viết. Xin Cảm ơn.

                                                       Hoàng Kim Liên
READ MORE - NƠM CÁ, NHỦI TÉP - Hoàng Kim Liên

KHAO KHÁT - thơ Đan Thụy





KHAO KHÁT
Đan Thụy

Em hồn nhiên
vô tình như ngọn gió
Nhặt bình minh
dệt những ước mơ yêu

***
Anh rực hồng
như vầng dương tỏa sáng
Cút bắt bình minh
sưởi ấm tình thơ

***
Em thầm thì
trong mênh mông vô tận
Gửi về anh
những vạt nắng thu vàng

***
Nơi xa xăm
tình anh là bất tận
Mỉm cười
em
khao khát những yêu thương


ĐT
READ MORE - KHAO KHÁT - thơ Đan Thụy