Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, July 9, 2021

HAI CÁI KHÙNG ĐẸP GẶP NHAU! - Tản mạn của Châu Thạch


Lê Thiên Minh Khoa và To Doan
 

Thơ là gì nhỉ? Có rất nhiều định nghĩa về thơ nhưng chưa có ai định nghĩa thật đúng về thơ. Châu Thạch cũng học đòi định nghĩa thơ theo ý riêng của mình. Thơ đối với tôi là cái đẹp. Những bài viết ra có vần có điệu thực chất nó không phải là thơ, nó chỉ diễn tả cái đẹp và chính cái đẹp mà nó diễn tả mới là thơ.  Như vậy thơ là bông hoa, là cánh bướm, là bầu trời, là tâm hồn con người, là tất cả cái gì trên thế gian nầy làm cho con người cảm động và khen ngợi, kể cả thứ tầm thường, nhỏ nhất như tấm ảnh của một ai kía, được chụp trong một cơ duyên nào đó.

Sáng hôm nay tôi đã thưởng thức thơ như vậy trong một tấm ảnh chụp hai người bạn tôi. Một người là nhà thơ đã có danh: Lê Thiên Minh Khoa. Người kia chưa phải nhà thơ và chưa có danh gì giữa cuộc đời: một phụ nữ có tên facebook To Doan. Họ chụp chung một tấm hình ngồi trên ghế đá ở một công viên nào đó tại thành phố Vũng Tàu. Nhìn hình tôi nghĩ, họ là hai bài thơ ngồi với nhau tạo nên một bài thơ khác. Bài thơ khác là tấm hình thật đẹp, đã khơi động thơ trong tâm hồn tôi cảm xúc. 
 
Lê Thiên Minh Khoa và To Doan


Tôi dùng cụm từ “Hai cái khùng” để nói về hai người ấy không biết có làm họ nổi giận không. Có lẽ tôi thêm chữ “đẹp” phía sau sẽ làm cho họ không nổi nóng được. Nhà thơ Bùi Giáng được đời gọi là điên. Chính cái điên của ông đã được đời tôn vinh ca tụng, biến ông thành thần tượng thi nhân. Vậy khùng có chi mà phải bất bình, vì khùng nhẹ hơn điên, vì khùng đây là khùng đẹp thì cũng là thơ, thì cũng được đời yêu mến. Những cặp tình nhân họ cũng thường gọi nhau là khùng đó vậy!  
 

Lê Thiên Minh Khoa 


Bây giờ nói về khùng của Lê Thiên Minh Khoa:
 
Trước đây Châu Thạch có viết bài “Thơ Ngắn Lạ Đời Của Lê Thiên Minh Khoa” đăng trên nhiều trang web. Trong bài viết đó tôi có viết về Khoa như sau: “Với tôi, Lê thiên Minh Khoa là nhà thơ lạ đời. Khoa lạ đời ở chổ có mái tóc bồng bềnh trên khuôn mặt toàn xương mà nhìn vào thấy ngay mình rất dễ làm thân, lại có giọng nói ngập ngừng… mà nghe thấy hay như những bài thơ”.  Bình bài thơ “Lên Cơn” của Lê Thiên Minh Khoa tôi đã viết: “Đọc bài thơ ta thấy chất nghệ sĩ khùng khùng thật đáng yêu, và trong ta biết bao xao xuyến trong lòng  khi liên tưởng cuốn phim quay cảnh đi, về của anh người rừng làm thi sĩ đang yêu”. Bài thơ ấy như sau:
                    
Từ trong góc núi lên cơn                     
Về góc phố hỏi em còn đó chăng                    
Ngó lên ngó xuống ngó quanh                      
Uống ly đen nóng lại băng về rừng                      
Hôm sau thèm được lên cơn                      
Về góc phố hỏi còn không cô nàng…
 
 Vậy ai muốn biết kỷ hơn cái khùng của Khoa thì tìm bài viết nói trên mà đọc.
Bây giờ xin bàn thêm về Khoa một chút:
Lê Thiên Minh Khoa bộc bạch cái khùng của mình:                   
 
Ta giờ nửa phật nửa ma                  
Đành xin hẹn để ta bà với em                   
Ru rồi, ru nữa, ru thêm                   
Ru thênh thang tóc ê hèm trắng phau                         
(Đùa với nhà thơ Quảng Trị)
 
Nửa Phật nửa ma thì đã nghi là khùng rồi, lại hẹn em ở cõi ta bà để ru nhiều như thế thì không khùng mới lạ, có thể là gọi là điên như Bùi Giáng nữa kia.                                    
 
Đi dọc rồi lại đi ngang                     
Đi lên đi xuống đi làng nhàng chơi                     
Bỗng người lạ mặt quàng vai                     
Thì ra tôi gặp thằng tôi ấy mà?                            
(ĐI…)
 
Không khùng nặng thì đi lang thang làm gì nhiều thế? Không khùng nặng mà lại thấy ảo tưởng mình ôm vai mình à?    
                
Ta ra giữa phố la làng                     
 
Từ trên hoang phế lạc đàng xuống đây…                      
Đi từ cõi giữa bao vây                       
Trở về như thể ngây ngây tà tà…
 
Thế thì hết chối rồi nhé! La làng giữa phố, ngây ngây tà tà chính là khùng chính hiệu. 
 

To Doan


Bây giờ nói về khùng của To Doan:
 
Trước đây tôi có viết bài “Đọc Truyện Đời Tôi của Nguyễn Thị Ngọc Diệp”. Nguyễn Thị Ngọc Diệp là tên thật của To Doan. Trong bài viết ấy có một đoạn như sau: “Bằng những lời văn không chuyên, lối văn chấm, phết, sắp xép câu từ không đúng cú pháp nhưng vẫn trôi chảy, mạch lạc, tác giả đã cuống hút người đọc say mê theo dõi câu chuyện, gây cảm xúc cho nhiều người phải rơi lệ. Nếu không nói quá thì một cách vô thức, Nguyễn Thị Ngọc Diệp đã tạo ra một phong cách viết độc đáo mà các nhà văn chuyên nghiệp cũng khó mà làm được như thế.”
 
Hồi ký “Chuyện Đời Tôi”của Nguyễn Thị Ngọc Diệp đã làm rơi nước mắt của không biết bao nhiêu bạn facebook. Ai đọc chắc cũng thấy cái khùng của một con bé rất nghèo, 1o tuổi còn ở truồng, với những trò chơi nghịch ngợm cùng chàng trai yêu bé đơn phương. Lớn lên cô bé ấy cũmg khùng nên mới không biết một chữ a,b tiếng Việt mà học được rành tiếng nước Đức, rồi trở thành một y tá đa tài của ngành y khoa nước họ. Thế nhưng cái khùng của Nguyễn Thị Ngọc Diệp là cái khùng của một tâm hồn vô tư chất phác, của bản năng vươn lên để sinh tồn. Nghịch cảnh của cuộc đời xảy ra cho một tâm hồn chơn chất đã tạo nên cái khùng đáng yêu và cao thượng. Vậy ai muốn biết cái khùng của cô bé nhà quê ấy nó đẹp ra sao xin mời vào dòng thời gian facebook có tên To Doan mà đọc.
 
To Doan tìm đến những người bạn như Lê Thiên Minh Khoa để những ngọn đèn sáng khác màu làm lung linh cuộc sống! Thế nhưng, tuy khác nhau về mọi mặt, chẳng phải To Doan không có gì giống Lê Thiên Minh Khoa. Họ ở xa ngàn dặm mà tìm đến nhau thì không tri kỷ cũng là tri âm. Nếu họ không có cái khùng tương ứng thì họ không gặp nhau rồi. Hãy đọc một vài câu cảm tác của To Doan, một phụ nữ chưa biết làm thơ. Đây chỉ là những cảm tác mà tác giả nói ra bất ngờ, chỉ để gởi đến bạn bè trên trang facebook:      
 
Khi đứng bên vách đá:                                                             
Chỉ cần gần đá                              
Đã thấy cứng như đá.                              
Hãy tin vào chính mình.                              
Không tin lời lẽ ngọt ngào.
 
Nhờ đá mới tin vào mình phải chăng là cái khùng ý vị?
 
Nơi thâm sơn cùng cốc:   
                                          
Rất hạnh phúc nơi này.                                             
Nơi mà em đã tìm kiếm bấy lâu nay...                                            
Danh lam thắng cảnh là đây...                                             
Chỉ một mái tôn và vách ván                                               
Lổ đổ mục theo thời gian.
 
Cái khùng vì trốn phồn hoa để tìm kiếm mình nơi rừng rú.
 
Ca hát viễn vông:                             
 
Cô gái quê lê thê đếm bước.                           
Cô gái quê tha thiết mộng ban đầu.                            
Cô gái quê ngỡ ngàng khi vỡ mộng.                            
Cô gái quê trân trọng câu duyên thề.                            
Và từ đó cô gái quê chỉ muốn về quê.                             
Quên câu thề, quên người đã hứa.                             
Quên phổ phường quên hết giàu sang.                             
Mang tâm hồn quê mùa chất phác                             
Về quê ta hát ta hò đồng xanh gốc rạ con cò bay bay.
 
Hãy tưởng tượng một cô gái áo quần bạc thếch, tay cầm một nhánh cây vừa đi vừa hát, sẽ thấy ngay một hình ảnh khùng hiện ra trước mắt.
 
 Ở Guten Morgen:                                        
 
Bình minh quê em...                                       
Một sáng mùa thu..                                       
Không có sương mù                                       
Không có anh bên em..
 
Bài nầy có khùng không? Chưa biết làm thơ mà ghép vần một bài tứ tuyệt hay đến thế thì chắc chỉ khi khùng lên mới nói được.
 
Và đây là khùng thật sự, đem mình so với bò:                                                                               
Bò quê có vợ có chồng.                                       
Em đây còn mãi độc thân quớ trời.                                        
Bởi anh lỗi hẹn đó thôi...                                      
Hay em xấu xí nên anh không thèm...
 
Người viết bài nầy chỉ cảm xúc tấm ảnh bạn mình chụp với nhau mà nói lan man dài dòng. Tất nhiên hai người họ không khùng, vì nếu họ khùng thì tôi mới chính là người khùng trước, bởi có khùng mới đi tôn vinh người khùng thế ấy. Gọi họ là khùng vì tính chất của họ đẹp hơn người thường. Thật ra, tôi yêu mến họ vì thật sự họ là hai tâm hồn nghệ sĩ. Thơ văn của họ hay, hay dở thì tùy theo nhận xét của mỗi người, nhưng tánh lãng mạn, nghệ sĩ trong nếp sống của họ thì không chê trách được, như một bài thơ hay để đời thưởng thức.
 
Cuối cùng tôi thành thật xin lỗi những ai không đồng tình với bài viết của tôi. Đời không có cái gì như ý cho tất cả mọi người.
                                      
Châu Thạch

READ MORE - HAI CÁI KHÙNG ĐẸP GẶP NHAU! - Tản mạn của Châu Thạch

RU TÌNH, HƯƠNG SEN – Thơ Nhật Quang

 
 

     
RU TÌNH
 
Ru tình… tôi gửi hồn thơ
Về bên cánh võng êm mơ… giấc nồng
Dịu dàng áo lụa Hà đông
Môi cười, má lúm thêm hồng nét duyên
 
Ru tình… tôi với ước nguyền
Men đời ngọt, đắng vẫn nguyên ý lòng
Nồng nàn em - ấm tay hong
Lời yêu trong mắt đã đong đầy tình
 
Ru tình… tôi gửi chuyện mình
Giấu vào tim một bóng hình quen xưa
Nhớ thương rồi cũng như mưa
Tan theo bọt nước cho vừa… xót xa!
 
 
HƯƠNG SEN
 
Hương sen ngan ngát dịu dàng
Hồ xanh xanh biếc, nắng vàng lung linh
Sen hồng đơm nụ trắng trinh
Nở mùa hoa mộng thắm tình đôi ta
 
Anh về dệt khúc tình ca
Em về đan những thiết tha bên đời
Nhụy vàng ươm, lá xanh tươi
Cánh hồng hương thắm say lời tình thơ
 
Hồn anh ủ ấp mộng mơ…
Tim em réo rắt đường tơ thắm nồng
Tay nâng niu đoá sen hồng
Gần bùn vẫn ngát hương lòng thanh tao.
                                      
Nhật Quang

READ MORE - RU TÌNH, HƯƠNG SEN – Thơ Nhật Quang

TIẾNG DIỀU BAY, CÁNH THƯ CUỐI HẠ - Thơ Tịnh Bình

 
 
             Nhà thơ Tịnh Bình



TIẾNG DIỀU BAY
 
Thổn thức mùa gió cũ
Thổi qua miền tuổi thơ
Triền đê hoa cỏ dại
Thầm thương nhớ vô bờ
 
Nhặt ngày xưa xa lắc
Hồn nhiên cọng cỏ gà
Ngây thơ trò trận giả
Sáo diều còn ngân nga
 
Thương những chiều xa ngái
Mùa ấu thơ xanh ngời
Buông mình trên vạt cỏ
Ngắm cánh diều lặng trôi
 
Ngày về nghe man mác
Khoảng trời quê trong ngần
Kéo từng sợi gió mềm
Tiếng diều bay thinh lặng...
 
 
CÁNH THƯ CUỐI HẠ
 
Không thấy nữa loài hoa mơ mộng tím
Từng nhuộm đỏ khoảng trời
Màu phượng cháy về đâu ?
Bầy ve hạ rủ nhau đi biền biệt
Thinh lặng vòm xanh nỗi nhớ khúc nhạc sầu
 
Rồi hiu hắt nắng mưa qua lơ đãng
Mùa ve xưa chưa kịp bắc nhịp cầu
Cầm tay hạ mới hôm nào lưu luyến
Ngan ngát đỉnh trời vụng rắc giọt ngâu
 
Thì thôi vậy lỡ chuyến đò rời bến
Hạ sang sông mùa trăng cũ xuôi dòng
Lặng lẽ giấu cánh thư vào ngực áo
Không phải chiều sao khói sóng mênh mông...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)
 
READ MORE - TIẾNG DIỀU BAY, CÁNH THƯ CUỐI HẠ - Thơ Tịnh Bình

HOÀNG VĂN LỊCH, NGƯỜI ĐÓNG TÀU CHẠY BẰNG MÁY HƠI NƯỚC ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM - Lê Quang Thái

 

Tàu chạy hơi nước của Pháp cùng thời với tàu của VN,
Ảnh từ thanhnien.vn.

HOÀNG VĂN LỊCH, NGƯỜI ĐÓNG TÀU CHẠY BẰNG MÁY HƠI NƯỚC ĐẦU TIÊN Ở 

VIỆT NAM

  Lê Quang Thái

 

     Kể từ khi Denis Papin sáng chế ra chiếc tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên trên thế giới (năm 1707) , mãi cho đến 131 năm sau, nước Đại Nam mới mua được chiếc tàu chạy máy thay thế cho thuyền chèo bằng tay hoặc thuyền buồm nhờ sức gió đẩy.

     Trước mốc thời điểm ấy, vào đầu thế kỷ thứ 19 - kỹ thuật đóng thuyền chèo, thuyền buồm dưới thời Vua Gia Long đã được những du khách nước ngoài đến thăm Việt Nam như Cnau Furd phải nhìn nhận và đánh giá là tiến triển và đạt tới trình độ tương đối hoàn hão.

     Theo ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ, Cơ quan trung ương theo chỉ đạo việc đóng tàu thuyền là Vũ khố thuộc bộ Công, dưới quyền điêu khiển của một chức quan (Hàm Lang trung). Cơ quan trực tiếp thi công đóng tàu là Sở Vũ khố đốc công thuộc Vũ khố). Đứng đầu Sở Vũ khố đốc công có chức quan Giám đốc hay còn gọi là Đốc công ( ngang hàng viên ngoại Lang). Chức quan này do Bộ binh bổ nhiệm, nhưng thuộc quan và thợ thuyền do bộ Công quản lý. Ngoài ra, Sở Vũ khố đốc công còn làm nhiệm vụ chế tạo khí giới và đúc súng thần công. Năm 1838, Minh Mạng thứ 19, Nhà Vua sai Vũ khố dựa theo tàu Tây dương đóng thành tàu chạy bằng hơi nước Đại Nam.

 

     Trước khi bắt tay vào công việc, triều đình Huế tặng thưởng cho Sở Đốc công Vũ khố 100 quan tiền, tạo niềm hưng phấn tinh thần cho đội ngũ thợ thuyền...

     Một năm sau, vào mùa xuân 1839, bộ công dâng trình Vua Minh Mạng cho chạy thử chiếc tàu chạy máy hơi nước mới đóng được trên dòng sông Hương.

     Vua chuẩn y. Khâm thiên giám chọn ngày lành tháng tốt cho lễ hạ thủy, được tổ chức long trng5. Tháng tư năm ấy, Vua Minh Mạng ngự ra xem với lòng đầy tin tưởng vào cuộc thử nghiệm sẽ thành công. nào ngờ, nồi hơi bị vỡ, tàu không tài nào chạy được ! Vua nổi giận lôi đình, cách chức quan bộ Công, tống ngục Ban Đốc công và chuyên viên chờ đình thần xem xét mà luận tội !

 

     Cuộc thử nghiệm thất bại. Nhưng chỉ vào tháng sau, Tân Giám đốc Hoàng Văn Lịch cùng với những cộng sự của mình tại Sở Đốc công vũ khố _ ngày đêm nghiên cứu tìm tòi, mới sửa chữa được hỏng hóc kỹ thuật. Bộ Binh cùng Bộ Công đốc suất Sở Vũ khố đốc công cho thử nghiệm vận hành chiếc tàu chạy bằng hơi nước ở dòng sông An Cựu. Kết quả đã thành công như ý muốn. Đánh dấu một sự kiện lịch sử trong việc áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật và ngành đóng tàu của Việt Nam.

     Sự kiện lịch sử ấy được ghi lại như sau : "Ngài (Vua Minh Mạng) ngự chơi cầu Bến Ngự, xem thí nghiệm tàu chạy bằng hơi nước - Khi trước Sở Vũ khố chế tạo tàu ấy, đem chở ra sông, giữa đàng vỡ nồi nước, máy không chạy được người Đốc công bị xiềng, quan bộ Công là Nguyễn Trung Mậu, Ngô Kim Lân, vì cớ tâu không thiệt đều bị bỏ ngục. Bây giờ chế tạo lại, các máy móc vận động lanh, thả xuống nước chạy mau. Ngài ban thưởng cho Chánh Giám đốc Hoàng Văn Lịch cùng người phụ tá Vũ Huy Trinh mỗi người một nhẫn pha lê độ vàng, một đồng tiền vàng Phi long hạng lớn. Đốc công và binh tượng được thưởng chung 1.000 quan tiền. Ngài truyền rằng "Tàu này mua bên Tây cũng được, nhưng muốn cho công tượng nước ta tập quen máy móc cho khéo, vậy nên chẳng kể hao phí gì". (Quốc triều chính biên).

 

     Nhà vua quan niệm rằng, thưởng hay phạt đều có căn cơ, phải dựa vào lẽ, kỹ cương, phép nước được đặt lên hàng đầu, khiến ai cũng phải tôn trọng. Phương châm quyết định việc thưởng phạt là "có công thì thưởng, có tội thì răn". Cách đây trên 150 năm, ví muốn cho đất nước tiến bộ, Vua Minh Mạng thưởng phạt công minh, không quản ngại tốn kém ngân sách quốc gia để thực thi những công cuộc duy tân xứ sở, mà việc sáng chế máy móc, thuốc súng, khai mõ và đóng tàu thuyền chạy bằng hơi nước là những bằng cớ tiêu biểu.

 

     Vào thời bấy giờ, Chánh Giám đốc Sở Vũ khố đốc công là Hoàng Văn Lịch, người làng Hiền Lương, huyện Phong Điền, Phủ Thừa Thiên. Một làng văn hiến, nổi tiếng về nghề rèn và cơ khí. Ông đã cùng với thuộc viên và thợ thuyền trong binh xưởng chế tạo thành công tàu chạy bằng máy hơi nước đâu tiên của nước ta. Là người trực tiếp đứng mũi chịu sào , Giám đốc Hoàng Văn Lịch được nhà Vua thọ phong tước Lương _ Sơn _ Hầu và nhiều bỗng lộc khác nữa. Thành công này do Hoàng Văn Lịch đã khéo tập hợp và lựa chọn những người thực sự có tay nghề cơ khí cao, có tinh thần yêu chuộng khoa học kỹ thuật tiến bộ. Phần lớn những cộng sự của ông và thợ thuyền ở Công binh xưởng đều là người làng Hiền Lương và những tay thợ cơ khí giỏi trong nước được điều động về làm việc ở Sở Vũ khố đốc công tại Kinh đô (Nay là Khu vực Phường Thuận Hòa thành phố Huế). Sức đóng góp của những nghệ nhân và thợ thuyền của dân gốc làng Hiền Lương là đáng ghi công trong những thành tựu về chế tạo vũ khí, chế thuốc súng và đóng tàu thuyền của Việt Nam thế kỷ thứ mười chín.

 

     Trước thành tựu đạt được về khoa học kỹ thuật bước đầu, khiến nhà Vua vui mừng lao theo việc đóng thêm một chiếc tàu lớn, phí tổn lên tới 11.000 quan tiền vào tháng 10 năm Kỷ Hợi 1839. Với đà  tiến ấy, vào mùa mùa hạ năm Canh Tý - 1840, triều đình Huế lại quyết định đóng thêm chiếc tàu hạng trung kiểu mới. Vua Minh Mạng ủy quyền cho Sở Vũ khố đốc công; dựa vào chiếc tàu chạy bằng hơi nước hạng lớn mới mua về để định lại mực thước, thiết kế bản vẽ kỹ thuật mà chế tạo tàu mới.

     Chánh Giám đốc Sở Vũ khố đốc công Hoàng Văn Lịch, cùng thuộc viên, binh tượng, thợ thuyền lại có điều kiện phát triển tài năng. Sách ĐẠI NAM THỰC LỤC CHÍNH BIÊN cho biết những đặc điểm cụ thể của chiếc tàu hàng trung kiểu mới như sau : "Thân tàu dài 5 trượng, 4 thước, ngang 9 thước, sâu 4 thước 3 tấc 6 phân. Nồi chứa nước dài 6 thước 5 tấc, ngang 5 tấc, cao 4 thước 1 tấc, trục bánh xe guồng hai bên làm dài thêm 2 thước. Tay guồng 12 cái vẫn làm bằng sắt duy ván tay lái làm bằng gỗ lim dài 3 thước 3 tấc, mặt 9 tấc, hai trục bánh xe guồng làm thêm mỗi bên một cái tổ trục bằng đồng, tùy tiện mà làm, ván thân tàu bằng gỗ tử, gỗ đỗ cũng được, ván chỉ dày 8 phân... "

     Kể từ lúc khởi sự đóng tàu chạy bằng máy hơi nước cho đến tháng 4 năm Canh Tý 1840, Minh Mạng thứ 21 dưới sự chỉ huy của Giám đốc Hoàng Văn Lịch, Sở Vũ khố đốc công đã đóng được 3 chiếc tàu chạy bằng hơi nước :

     - Khởi công 1838 (Minh Mạng 19) đóng tàu nhỏ và hoàn thiện vào đầu mùa hạ năm 1839.

     - Mùa Hạ năm Canh Tý 1840 đóng thêm tàu hạng trung kiểu mới.

     Đây là thành tựu rực rỡ của ngành công nghiệp đóng tàu chạy bằng máy hơi nước đầu tiên của Việt Nam. nên vào tháng 7 cùng năm (1840), Vua Minh Mạng đích thân đặt tên cho 3 chiếc tàu : Tàu lớn gọi là Yên Phi, tàu hạng trung gọi là Vân Phi, tàu nhỏ gọi là Vụ Phi. tên tàu nào cũng đẹp và đều có ý nghĩa. Danh hiệu của tàu đều được khắc chữ vàng ở đằng sau bánh lái. Thành tựu vinh quang của nước Đại Nam vào giữa thế kỷ 19 trong đó có sự cống hiến lớn lao của một công trình sư, Hoàng Văn Lịch, và những bàn tay khéo léo của binh tượng, thợ thuyền của Sở Đốc công vũ khố.

 

     Sách ĐẠI NAM THỰC LỤC CHÍNH BIÊN, ghi lại nhiều chi tiết về nguồn gốc và cách chế tạo của binh xưởng như sau :

     "Tàu Yên Phi khi mới mua ở Tây Dương về, máy móc nhiều chỗ han rỉ, nồi sắt cũng rò nước, chạy thử chưa được nhanh nhẹ, đã sai đốc công, sức thợ tháo ra xem xét, mài dũa từng cái, sửa chữa chỉnh đốn, lại ráp vào như cũ cho cùng với thuyền hiệu Bình Hải ra biển chạy  thử từ cửa Thuận An đến đồn Đà Nẵng, đi về hai lần tàu chạy máy hơi nước được chạy nhanh hơn (thuyền Bình Hải vẫn có tiếng là lanh lẹ), Vua ban thưởng Chánh giám đốc Hoàng Văn Lịch và cộng sự Vũ Huy Trinh, đều gia một cấp, áo quần đều mỗi người hai cái. Còn các thợ thì thưởng 300 quan tiền".

     Tiếc thay, chính sử của triều Nguyễn không ghi lại rõ về sức tải cùng vận tốc đạt được, với những ổ súng đại bác đặt trên đó và có thể chở được bao nhiêu thủy thủ, cùng binh lính trên chiếc tàu Yên Phi?

     Tuy vậy, những cuộc thử nghiệm chế tạo tàu chạy bằng máy hơi nước đầu tiên đã thành công vẻ vang, vượt ra ngoài dự tính cả về năng lực, lẫn thời gian. Trên đường sông cũng như đường biển, tàu máy rẽ sóng lao đi. Châu bản triều Minh Mạng 19 đã khẳng định "Tàu chạy rất mau, không kể gió, nước ngược xuôi, không cần người chèo".

     Thành công lớn ấy chính là do quyết tâm cách tân và ý chí tự cường của Vua Minh Mạng. Một cống hiến vượt bậc của Tổng công trình sư Hoàng Văn Lịch _ người thực thi một trong những chương trình duy tân, đã dám gắn liền cả sinh mạng của chính mình cùng cộng sự, binh tượng, thợ thuyền dân làng Hiền Lương vào sự phát triển ngành cơ giới trong việc vận tải bằng đường thủy.

 

     Than ôi ! Khi Vua Minh Mạng qua đời , các vị vua kế vị đã không làm nỗi một chương trình nào cách tân để phát huy thành quả huy hoàng kế thừa những gì mà ông để lại, nhằm đưa đất nước vươn lên !!!

     Mấy chục năm sau, vào đầu thế kỷ 20 - một vị quan triều Nguyễn đã miêu tả, còn ca tụng cảnh tàu biển thần kỳ vượt sóng nước, qua bài thơ nôm "Ngồi tàu thủy qua biển".

     " Đầu rồng lướt sóng phun bông bạc,

       Chân vịt quay chèo trổ cánh sen ... "

 

     Thật là tuyệt, dưới triều Minh Mạng - chỉ trong vòng ba năm (1838 - 1840) dồn đẩy nhiều cải cách duy tân tiến bộ. Sở đốc công vũ khố dưới sự chỉ huy của "Lương - Sơn - Hầu  Hoàng Văn Lịch" đã dựa vào khuôn mẫu tàu chạy bằng hơi nước mới mua được của Tây Dương, phỏng theo rồi chế tạo đóng mới thành công ba chiếc tàu chạy bằng máy hơi nước "Yên Phi, Vân Phi, Vụ Phi". Tất cả ghi dấu ấn cái mốc Lịch sử về giao thông vận tải và sự phát triển không ngừng của nền chế tạo máy của nước Việt Nam.

 

Huế 1991

Nguồn:

Trang web của Làng Hiền Lương

 - https://sites.google.com/site/langhienluong/hien-luong-chi-luoc/phan-phu-luc

READ MORE - HOÀNG VĂN LỊCH, NGƯỜI ĐÓNG TÀU CHẠY BẰNG MÁY HƠI NƯỚC ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM - Lê Quang Thái