Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, June 3, 2013

BẾN CŨ ĐỀN XƯA - thơ xướng họa - Hạ Thái-Trần Quốc Phiệt và thi hữu


BẾN CŨ ĐỀN XƯA

Bài xướng Hạ Thái-Trần Quốc Phiệt

Ánh nắng chiều rơi bóng đổ nghiêng
Lao xao sóng bạc vỗ ven triền
Đôi bờ cách bến sông bồi lở
Một vũng chung dòng nước xoáy xiên
Nền cũ cây đa trơ trốc gốc
Đền hoang tượng đá vội sang biên
“Ngàn năm guơng cũ soi kim cổ” (*)
Ngẫm nghĩ mà đau cảnh nhãn tiền.

CaUSA:Mar 17-2012


(*) Thơ Bà Huyện Thanh Quan


Y ĐỀ

Bài họa Phùng Trần-Trần Quế Sơn

Đình làng mây khói bóng tà nghiêng
Lãng đãng sương lay động bãi triền
Bến nước sông chau hờn sắc lạnh
Đò chiều mái gỏ lách gành xiên
Đền xưa Nam, Nữ không còn Tượng
Nếp mới "quan, thầy" chẳng có biên
Cám cảnh đau lòng thương đất mẹ
Buồn cho thế thái buổi kim tiền.

(Illinois; Mar-18-2012)




NGẪM

Bài họa Hồ Trọng Trí

Thế tình chao đão giới đồ nghiêng
Đóng cọc bao nhiêu vững núi triền
Phía mạnh ưu phần  giành thế đứng
Bên non lép vế nhận phương xiên
Hiện tiền xu thế đang tăng tiến
Mai hậu vận hành ắt lấn biên
Dựng nước tiền nhân bao cống hiến
Hậu sinh tối mắt bởi kim tiền.




VỀ THĂM QUÊ CŨ

Bài họa Trương Văn Lũy

Cảnh vật bơ phờ, thấy ngửa nghiêng
Mỗi năm mưa lũ quét qua triền
Đời thường vất vả không gian xảo
Lối sống hiền hòa chẳng xỏ xiên
Hồn nước ngàn năm luôn sáng chói
Tình quê muôn thuở vẫn vô biên
Người trôi của mất còn mưa rét
Ngẫm lại mà thương túi cạn tiền.


CẢNH VẬT
(Nương vận bài Bến Cũ Đền Xưa của Hạ Thái-Trần Quốc Phiệt) 

Bài họa Thái Quốc Mưu

I.

Trời đổ về chiều bóng ngả nghiêng
Vực sâu thăm thẳm ở bên triền
Dưới vùng đất trũng cây chen chúc
Trên khoảnh gò cao cỏ xỏ xiên
Thẳng tắp một đường chia bốn mảnh
Ngoằn ngoèo lạch nước rẽ hai biên
Một sư hai tiểu trong đêm vắng
Gõ mõ gióng chuông trước điện tiền.

II.

Dưới chiều chiếc bóng ngả nghiêng nghiêng
Thăm thẳm vực sâu ở dưới triền
Cỏ mọc chen trên gò nổi nổi
Hoa cài ở dưới cánh xiên xiên
Con đường thẳng tắp chia đôi mảnh
Lạch nước ngoằn ngoèo lượn mé biên
Hai tiểu một sư nương cửa Phật
Công phu chuông mõ mái hiên tiền.

Atlanta, 31, 2012


CHẲNG MONG
(Theo vần bài Bến Cũ Đền Xưa của Hạ Thái-Trần Quốc Phiệt)

Bài họa Hà Trung Yên

Theo người thơ mãi bước say nghiêng
Dẫm nắng mà đi bóng lả triền
Rượu ngấm trong lời cơn gió giục
Gió ùa theo vận bước chân xiên
Bồi hồi ý nhớ vui bằng trắc
Thảng thốt tình thơ đẹp giới biên
Đi miết theo phương trời mộng tưởng
Trăm năm sáng tạo chẳng mong tiền


ĐẾN CŨ ĐỀN XƯA

Bài họa Duy Trà

Gốc đa chốn cũ đã nằm nghiêng
Vài cánh chim bay lạc dốc triền
Lác đác đầu ghềnh cây trụi lá
Lưa thưa cuối bãi đá mòn xiên
Sông buồn bến vắng đò đưa khách
Tượng mất đền mờ nét chữ biên
Cảnh ấy ai người không xót dạ
Tiếc cho công bộc bậc sinh tiền.

Oklahoma City
Apr.02.2012

Hạ Thái-Trần Quốc Phiệt biên tập và gởi đăng.



READ MORE - BẾN CŨ ĐỀN XƯA - thơ xướng họa - Hạ Thái-Trần Quốc Phiệt và thi hữu

CUỘC SỐNG VĂN HỌC TRONG TRẦM HƯƠNG CỦA GIÓ - Bội Nhiên

(Trầm hương của gió,
thơ Võ Văn Luyến,
nxb Thuận Hóa, 2003)
     
       Một cách tự nhiên, việc thụ cảm Trầm Hương của gió làm người đọc liên hệ mật thiết với những cảm xúc và trí tưởng tượng chân tình có được sắc màu lãng mạn từ cuộc sống đã được Võ Văn Luyến chọn lựa trong những khoảnh khắc thi vị của nó. Với tập thơ này, cơ sở tồn tại và những tình cảm của con người là cội nguồn sáng tác trong cảm quan nghệ thuật tinh tế của tác giả đã trở thành cuộc sống văn học khá đặc sắc.

     Trung tâm của những sức hút và sức đẩy về mặt cảm hứng nghệ thuật của Võ Văn Luyến trong hầu hết thời gian sáng tạo Trầm Hương của gió được xác định bằng chính những bài thơ về những con người và tâm trạng của họ trong đời sống. Cuộc sóng văn học trong Trầm hương của gió được hình thành từ đây và trở nên độc đáo bởi Võ Văn Luyến đã xác lập biên độ của cuộc sống đó là những gì ở hiện thực nhân sinh đã gợi cho anh sự chiêm nghiệm về cuộc sống của con người trong đời sống trần thế và tâm hồn. Bởi vậy, làm nên vần nên điệu và hình ảnh thơ trong Trầm hương của gió là những câu chuyện có niềm vui, nỗi buồn, suy tư và ước vọng của những người mà Võ Văn Luyến đã gặp hay chính bản thân anh đã trải qua. Đó là lời ru đọng giữa đêm khuya/trăng thì mờ tỏ như chia nỗi niềm của một người mẹ ở Ái Tử hát ru con, là cảm xúc rạo rực của một người rất yêu Hà Nội khi đi dạo dưới hàng cây sấu /nghe con chim lồng ngực hót vang trời, là tâm tưởng hối tiếc một thời rạn vỡ/ tình đây người đã xa mù trong một ngày ngẩn ngơ anh về thả gió/trầm hương ký ức ngút trời và những con chữ tình yêu tôi vớt được/mãi còn trên mặt nước, là người theo sự thôi thúc của ảo ảnh về nơi bắt đầu hồn nhiên: hồn nhiên tiếng khóc/hồn nhiên nụ cười/hồn nhiên vạt tóc không cần làm dáng/cơn mưa đêm qua rũ hết bụi trần, là câu thơ gầy guộc mỏng manh của người ngày đi dạy, đêm trang giáo án: chong thức với nghĩa đời quá lớn/vẫn biết cơn đau con không tròn giấc/thiếu nồm nam ba làm gió ru hời, là bước hành đạo của người về ngồi trên đỉnh núi/thu trí huệ trăm nơi.

 
Nhà thơ Võ Văn Luyến
     Cuộc sống văn học trong Trầm hương của gió có sự lóe sáng của những tia nhìn của Võ Văn Luyến hướng vào thiên nhiên, ca dao và tâm sự của con người khi anh xây dựng bản chất thẫm mỹ cho thơ. Bài thơ thứ nhất của Trầm hương của gió là tiếng lòng vọng phu. Lời ru con à ơ của người phụ nữ sống cái cảnh ai ăn ở bạc cho hồn ai đau vẫn mang cái thương còn mặn, cái chờ còn mong cho thấy không gian, thời gian và hình tượng thơ trong Trầm hương của gió biểu hiện sự thâm nhập của Võ Văn Luyến vào chiều sâu thế giới bên trong con người.. Từ đó, trong cuộc sống văn học đang mở ra trước sự cảm thụ của người đọc có những tình cảm và khát vọng của con người. . Cuộc sống trong văn học nhờ đó mà có một sự vững chãi cho những câu thơ: Niềm đau chín trái còn lưa/bao giờ cho đến bây giờ riêng mang (Lời xưa); nhiều khi, có nhiều khi đổi gió/ Chẳng đâu hơn ngọn gió quê nhà/ Xin em giữ ngày xưa tôi dại ngộ/ Con đường về đất sẽ nở thành hoa (Không đề ở biển), nước vẫn chảy bèo vẫn trôi nhưng hình hài trái tim ở lại/đập nhịp rộn ràng (Đi bên dòng sông tình sử), dù sao anh vẫn giữ lửa trái tim/ngày mai, ngày kia em hồi quang tia nắng (Độc thoại)…Những thực tế như thế trong Trầm hương của gió cho thấy những gì có giá trị đối với con người đều nằm trong quỹ đạo chú ý của Võ Văn Luyến và có sức vang vọng giữa tâm hồn lẫn trang thơ của anh. Tinh thần chính của cuộc sống văn học mà Trầm hương của gió có được là cảm tình và yêu thương đối với mỗi con người, những câu chuyện tạo ra nỗi xốn xang, xao xuyến và cả trăn trở, ước mong, khao khát tinh thần tràn ngập tâm hồn. Cuộc sống văn học ấy với những nhân vật trữ tình có nhiều tâm trạng và hình ảnh thơ khác nhau mang đậm dấu ấn cảm thụ của cá nhân Võ Văn Luyến đối với hiện thực. Trong cuộc sống ấy, có những chi tiết hòa hợp mật thiết tâm hồn Võ Văn Luyến mà có thể nhận ra nơi cái cách anh phát hiện tâm sự của một người lỗi hẹn cùng xuân hoặc những người ngày ngày ra sông, tâm cảm đầy vơi của đôi tình nhân, nỗi buồn trong câu nam ai quyện tiếng đàn bầu trên mênh mông sông nước, niềm khắc khoải của người phụ nữ chung thủy, suy tưởng của một tu sĩ hướng đạo vào đời sống trần thế…Rõ ràng, trong những mối liên hệ của Võ Văn Luyến với đời sống tinh thần của con người đã đáp ứng nhu cầu thẫm mỹ của anh, làm lóe lên ánh sáng sáng tạo và sự bùng cháy nghệ thuật bên trong cách thụ cảm cuộc đời. Trên cở đó, từ cuộc sống văn học trong Trầm hương của gió vang lên những câu thơ có sức cuốn hút của sự tinh tế như: Nhớ hôm qua nụ cười còn biết tím/Cho nhau nghe dịu ngọt trái mơ hồng (Đầy vơi); vườn rộng roang chẳng nơi nào có cỏ/hoa mộc thơm dìu dịu tỏa làn riêng (Lỗi hẹn cùng xuân); xa xôi đén khát từng giọng nói/dễ đành lòng im lặng gửi vào cây (Tình yêu Hà Nội)…Trầm hương của gió với những câu thơ như thế bộc lộ việc nhận thức hiện thực về mặt thẫm mỹ của Võ Văn Luyến đã có cuộc sống văn học được cắt nghĩa bằng sự gia nhập hữu cơ giữa những tình cảnh đời thường với triết học và mỹ học. Cho nên, một số việc diễn ra trong thực tế đời sống hoặc ở nơi sâu thẳm của tâm lý xã hội và cá nhân vào những thời điểm được Võ Văn Luyến phát hiện đã tạo ra những khơi gợi, những hình tượng, những khung cảnh của thơ. Đây là đặc điểm sáng tạo cho phép cuộc sống văn học trong Trầm hương của gió có lúc đã đạt tới tính nhiều nghĩa trong những hình tượng thơ.

      Đích đến của Trầm hương của gió tựu trung cũng chính là hướng lòng tin của người đọc vào những khả năng tinh thần, đạo đức của con người trong đời sống. Với mức độ nhất định, cuộc sống văn học trong Trầm hương của gió giúp người đọc hiểu và cảm thấy phần nào khả năng con người nâng niu trong mình những suy tưởng và sức amnhj tinh thần, niềm tin đạo đức trên những bước đường đi tới nơi tràn đầy tình yêu thương và hương sắc của cuộc sống.


Bội Nhiên

Võ Văn Hoa gởi đăng


READ MORE - CUỘC SỐNG VĂN HỌC TRONG TRẦM HƯƠNG CỦA GIÓ - Bội Nhiên

THƠ GIỮA ĐỈNH TRỜI - thơ xướng họa - Lữ Thượng Thọ và Lê Văn Thanh


Lữ Thượng Thọ

 THƠ GIỮA ĐỈNH TRỜI

 Lên đỉnh cao ngồi gọi gió mây
 Tóc phơ bạc trắng suốt đêm ngày
 Sầu men chếch choáng hai hàng lệ
 Tiếc bút ơ hờ một cánh tay
 Vỗ đá hỏi tình trơ với đá?
 Uống say gạn nhớ lúc cuồng say!
 Thơ ta hóa mộng trong trời đất
 Thành bóng chim chiều vút cánh bay.

                               Lữ Thượng Thọ


Lê Văn Thanh


        THƠ CÀI ĐỈNH MÂY

        Hòa mộng cài thơ trên đỉnh mây
        Xanh trời tuyết nguyệt tóc em bay
        Mắt huyền dáng ngọc say say tỉnh
        Suối tóc hoa hương tỉnh tỉnh say
        Bút vẫy thanh âm lồng sóng nhạc
        Em dâng tình ái ấm lòng tay
        Hồn ta tỉnh giấc trơ thân đá
        Thể phách phiêu diêu uổng tháng ngày.

                                 Lê Văn Thanh

Lê Văn Thanh biên tập và gởi đăng.

ĐT: 01696 088 466
Email: vanthanh44@gmail.com
READ MORE - THƠ GIỮA ĐỈNH TRỜI - thơ xướng họa - Lữ Thượng Thọ và Lê Văn Thanh

CÁM ƠN EM - thơ Hoàng Yên Lynh


Em vẫn đẹp như ngày xưa vẫn đẹp
Anh đã già mòn mỏi bước tha phương
Cũng đành thôi khi đã cách đôi đường
Đời là thế có gì ta tiếc nuối.

Chẳng trách ai khi anh người ở lại
Bên bạn bè chia sẻ những niềm đau
Cám ơn em nghìn trùng em vẫn nhớ
Để cuối đời anh tập tễnh làm thơ.

Để cuối đời anh mới hiểu tình yêu
Đâu chỉ có bên nhau là trọn vẹn
Dẫu hai ta đã không cùng bến hẹn
Câu ân tình ta vẫn giữ cho nhau.

Cám ơn em cho anh biết ươm mơ
Ngày tháng cũ vẫn chất đầy thương nhớ
Tình yêu đó mình anh xin cất giữ
Như thuở nào anh nắn nót tình thư.


HOÀNG YÊN LYNH
hoangmylinh@live.com
READ MORE - CÁM ƠN EM - thơ Hoàng Yên Lynh

NÂNG TẦM - Tiểu phẩm của Ngọc Châu

Ngọc Châu

Cái trò làm thơ thế mà hay ra phết, các vị ạ!

Trước kia nghe loáng thoáng tới chuyện ai đó trong số người mình quen thích làm thơ, là cả tôi lẫn "basa" đều bỏ ngoài tai, mặc nhiên nghĩ đấy là chuyện của mấy ông "háp". Thậm chí có lần giở cuốn gia phả (vẫn đặt trang trọng trên bàn thờ nhà ông anh cả tôi) thấy viết rằng cụ nội chúng tôi trước đây là nhà nho rất giỏi văn thơ, tôi phải gấp lại đặt vào chỗ cũ lập tức, vội vàng đến mức không kịp phủi bụi cho cuốn gia sử vì sợ "basa" ngó đến. Hắn mà đọc thấy thì rồi mỗi khi có chuyện không vừa lòng, sẽ mát mẻ rằng cả nhà chỉ có tôi được mang "gien trội"!

Chính vì có basa nhà tôi cầm trịch như vậy nên chúng tôi sống yên ổn được đến hai mươi năm chẳng dính dáng gì tới các thứ thẩn thơ, thơ thẩn. Thật đội ơn Phật bà!

Vậy mà sự đời bỗng bất ngờ đổi thay, đổi thay cũng lại chính từ basa nhà này, khiến tôi phải trở thành triết nhân... bất đắc dĩ khi cố suy ngẫm để lí giải: "Con giun khi đang mải kiếm ăn hoặc buộc phải bò qua chỗ đất khô nóng, tránh chậu nước xà phòng ai đó vừa đổ toẹt, thì nó duỗi thẳng ra mà bò trối chết, nhưng lúc no đủ dưới trăng thanh gió mát chúng cũng tung tăng uốn khúc kém gì lân với rồng... giấy đang múa trong ngày Trung Thu, có lẽ là thế!"

Chả là hôm đó basa với dáng đi tung tẩy bước vào nhà (khiến thoạt tiên tôi nghĩ hắn lại bị tái phát chỗ viêm khớp gối!). Chưa kịp hỏi thì hắn dí tờ giấy vào mũi tôi:

- Trưởng... trưởng... à, Sếp Thơ Việt Nam Cờ Lờ Bờ khen bài này lắm nhá!

- Cái gì? Ai?... Cái gì cơ!?

Thề có con chó đá cụt một tai rất thiêng ngoài cổng chứng giám! Tôi mà hiểu được một phần tư những gì basa vừa nói thì phái viên giả mạo của đức... đức Ma... Ham Mít gì đấy có bắt tôi giấu bom vào bụng đi nổ cảm tử ở giữa bãi rác, tôi cũng chẳng dám cãi lại.

- Sao mặt nghệt ra thế? - Cái phì cười của basa làm tôi yên dạ, biết là mình không vướng "phốt" gì - Chả là em chưa kịp nói với anh - nàng hớn hở giải thích - Em tham gia cờ-lờ-bờ Thơ của các giáo chức nghỉ hưu từ tháng trước cơ. Đầu tiên là do nể cụ nguyên giám đốc Sở...

- Cái gì? Thơ! Sao lại dính dáng đến thơ?!

- Thì là thơ chứ còn cái gì. Bây giờ ai mà chẳng làm thơ, anh đến CLB mà xem, ối cụ ông cụ bà, móm hết răng mà vẫn làm thơ tình kia kìa.

Quả thực là tôi không thể nào tiêu hóa nổi những chuyện basa vừa nói. Hắn cũng nhận thấy thế nên xà đến bá vai tôi cười như nắc nẻ khiến tôi phải vội vàng ngó quanh, xem có ai nhìn thấy cặp U60 tình củm với nhau hay không, dẫu biết rằng ở nhà chỉ có hai vợ chồng già.

- Sao ngày xưa, ngày xưa...

Chưa hỏi hết câu thì basa đã ngắt lời:

- Ngày xưa khác, bây giờ khác. Bây giờ đến lúc mình cũng phải nâng tầm rồi. Tẩm thế không biết!!

- .......

- Ngày xưa có ai làm thơ không nào, tôi hỏi ông thế? - Thấy họng tôi vẫn đang tắc, basa hạ cố giải thích - Xưa ai làm thơ thì nghèo kiết xác, con cái nhếch nhác, vợ gom nhặt rác, khách đến phải chạy đi mượn bát... Nhưng bây giờ, bây giờ...Thôi ông cứ đi với tôi tới CLB một hôm rồi sẽ thấy ngay.

"Con mẹ này dở chứng thật rồi", tôi nghĩ bụng và chuẩn bị nổi cạu. Đàn ông bao giờ chả thế, dẫu luôn giữ chức tiểu đội phó như tôi, nhưng con giun xéo mãi cũng quằn! Thì ra hắn đi đến cái cờ-lờ-bờ-mù-mờ-thẫn-thờ gì đó được vài lần đã sắp sửa lên mặt, học cách nói ra vần ra điệu, về nhà định bắt nạt chồng... Đã thế, đã thế...

- Bây giờ làm thơ toàn là những người giàu có thôi, ông hiểu chưa. Đại gia, có chức có quyền mà không biết làm thơ cũng vứt - hắn tiếp tục giải thích nhưng đúng là đổ thêm dầu vào lửa trong khi tôi đã có đầy đủ lí lẽ để tung "chưởng" ra.

- Ra thế, Lượm ơi... Có nghĩa là bây giờ bà chê tôi không biết làm thơ, là đồ vứt đi chứ gì? Tôi nói cho bà biết nhá, không biết mèo nào vứt mỉu nào...

- Thôi thôi, ai nói thế, chưa chi đã... - basa dàn hòa, lập tức áp dụng sách lược "lạt mềm buộc chặt" như mỗi khi sắp có chuyện cãi nhau - Đấy là mấy cụ cựu giáo chức tham luận ngoài luồng với nhau như thế, ai nói đụng gì tới ông...

- Tham với chả lộn! Tôi còn lạ gì mấy lão ấy. Lúc còn đương chức đương quyền thì tham cả đến mấy con chó con nhà chị Dậu, không có vé nọ vé kia đố bà xin được cho cái Thi nhà mình vào trường điểm, chính bà phải lo méo mặt đi còn gì. Bây giờ phải nhường ghế cho người khác rồi thì lại lộn, có mà lộn hành ra tỏi...

- Thôi, thôi, đã bảo thôi thôi rồi mà. Em bảo này... - basa nhũn như con chi chi -  Anh mà làm thơ chắc chắn còn hay hơn mấy ông ấy nhiều. Ngày xưa em có xem cuốn nhật kí của anh, thấy có mấy bài thơ hay lắm, sau rồi vì bận làm ăn con cái nên mới không ngó ngàng gì nữa. Em nghĩ  nhà này chỉ có anh là mang được gien của ông nội thôi. Giờ chúng mình làm một tập thơ rồi gửi in đi...

Gien của ông nội! Thế mới biết một mụ đàn bà bằng ba con ma xó! Tôi lại cứ nghĩ hắn chẳng bao giờ sờ mó đến những thứ không phải nhiệm vụ của giống vịt nhà đẻ toàn ra vịt trời. Hắn vẫn đang say sưa với ý định in thơ thiếc gì đấy nên thấy tôi đã có phần hạ hỏa liền tiếp tục ỏn thót:

- Anh làm đi, đảm bảo thơ của nhà mình hay hơn của nhà họ...

- Nhà nào? Hay hơn thì làm sao, được cái gì mà làm?!

- Lão gia ơi, ngồi đây nghe phu nhân của lão gia nói đã, làm sao cứ sủi lên như bong bóng nồi cám lợn thế. Nghe xong đi đã rồi hãy phát biểu không được à?...

Đã thế thì tôi sẽ để im cho hắn nói. Đã có một vại sành kinh nghiệm từ ngày gánh vác chức phó trong nhà, rằng nhiều khi không cần phải giao ban làm gì, cứ im ỉm mà làm lại khiến cấp trưởng phải đặc biệt lưu ý, thậm chí phải thay đổi nghị quyết đã ban hành.

"Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu" là một sách lược cực kì quan trọng, chẳng thế mà cái công ty Pờ-nhô-đen-sờn-đen-xì gì đấy lập thành biểu trương ở khắp nơi trên thế giới. Chỉ kiên nhẫn lắng nghe một lát là thấu hiểu ráo mọi chuyện, tất tần tật. Tất nhiên là phải sắp xếp thông tin theo tư duy của mình, nếu chỉ ghi âm theo trình tự các các, cạc cạc của họ nhà vịt thì có mà... khà khà!

Nào là ở nước ta hiện giờ có cả triệu người làm thơ, nào bây giờ một chị Cầm...đồ, một anh Thi... Lúa cũng có thể in riêng cho mình một vài tập thơ, dễ dàng hơn in tiền âm phủ, khỏi nói việc muốn có một vài bài thơ trong một TUYỂN THI gồm hàng lô hàng lốc giả... tác, bập bập, phải gọi là "tác giả" cơ đấy. Chỉ cần bỏ ra vài ba trăm ngàn là có một bài của mình trong ấy ngay, sau đấy vào các ngày hội lễ còn nhận được thiếp in rất đẹp mời tác giả từ miệt vườn xa xôi tự bỏ tiền ra Miếu... Văn ở đất Thăng Long ngàn năm, nghe, đọc thơ và gấp thành diều giấy thả lên trời nữa cơ!

Ai muốn gấp bao nhiêu diều cứ tùy ý nhá, trưng mấy bảng quảng cáo "thơ nhà" vẽ rồng vẽ... phượng cũng được, sau đấy được phép thu lại đưa lên máy bay mang về cho em út trong nhà từ Ba cho đến Bảy-Tám-Chín Lúa dán vào cột từ đường lưu giữ muôn đời. Làm thơ bây giờ sướng hết chỗ nói!

Cũng thấy hay hay. Thì cũng phải nâng tầm tí chút chứ nhỉ?!

Tôi nghĩ đến chuyện giở mẹo vặt bằng cách moi các bài thơ tình ngày xưa ở các quyển nhật kí (ba quyển tất cả, ma xó mới biết có một cuốn thôi, hai cuốn kia đã khôn hồn gửi ở nhà thằng bạn từ lâu!) ra sửa lại rồi đem thi thố. Đúng lúc ấy thì ông cậu của basa, một nhà thơ thực thụ tuy chỉ ở cấp tỉnh, tính rất hài hước, bước vào cười khà khà, thì ra ông đã đến đứng nghe ngoài cửa từ lâu mà cả tôi và basa bị dính... keo thơ nên không hay biết.

- Hà hà! Chắc là tay Giáo Chủ đạo Thơ vừa đến thuyết pháp cho CLB các ngươi chứ gì?

- Giáo Chủ?! - Hai vợ chồng tôi cùng ngơ ngác, chưa hiểu ông nói gì.

- Hai ngươi thừa biết rằng bây giờ nhiều người mê mẩn với thơ như cô đồng mê cung văn, trọng TUYỂN THI như người Hồi giáo kính Kinh Co-ran, thăm Văn Miếu thì ngang bằng được hành hương về La-mếch! Vậy nên mới có kẻ đi khắp nơi truyền "ĐẠO THƠ" để được tôn xưng là "GIÁO CHỦ", hiểu chưa?

- Nhưng... nhưng để làm gì hả cậu? - Basa nhà tôi chưa hiểu.

- Sắp lên lão rồi mà còn ngốc! - Ông cậu vợ (chỉ hơn cháu ba tuổi) mắng thế - Tao đây này, thơ được bao nhiêu người biết đến mà muốn in một tập vẫn phải bỏ tiền túi ra, đứa chó nào ra hiệu sách mua thơ đâu! Nhưng tay "giáo chủ" của các ngươi năm nào cũng in hàng chục tuyển tập thơ dăm trăm bài, mỗi tập vài ngàn cuốn rồi bán hết veo với giá cắt cổ cho tín đồ được "giáo chủ" chọn thơ in. Thế thì để làm gì mà các ngươi còn phải hỏi à?

- Mỗi một lần in như vậy "Giáo chủ" đút túi ba bốn trăm triệu đấy - Ông cậu vợ nói thêm.

- Ra thế, Lượm ơi! - Đến lượt tôi gãi gáy trong khi basa mồm há ra như con cá bị vứt lên bãi cát khô.

Nhưng có lẽ vẫn phải tìm cách nào để NÂNG TẦM tí chút chứ nhỉ? Ai bây giờ mà chẳng phải cố để được NÂNG TẦM!!


Ngọc Châu
ngocchaunvhp@gmail.com
READ MORE - NÂNG TẦM - Tiểu phẩm của Ngọc Châu

Thơ Huy Uyên - VỀ LẠI IA DRANG - BẾN ĐÁ SÔNG CHIỀU


Lại về Ia Drang

Bỏ rừng Pleime chập chùng đồi núi
ngút ngàn giọt sương khuya
mặt trời đi đâu mà rừng đầy tối
chiều tan lặng ngủ chân đồi.

Tôi lại về thung lũng Ia Drang
(xa xưa tử-thần đếm xác
bụi máu thẫm màu huyền hoặc
Pleime đỏ bầm dưới trăng).

Người luyến lưu một thời trẻ dại
tiếng ai dặm ngàn trong đêm
ngẫn ngơ chân theo em gái
giọng cười dưới suối
liếc mắt nhìn.

Mây tội tình vắt ngang
cuối ngày Ia Drang thầm lặng
sunset bên người đi xuống
cay đắng tấc lòng chất quanh.

Yêu em những hoàng hôn buồn
đem chôn tim người lên đỉnh Chu Prong
mờ sương ảo ảnh người trùng điệp
sao em biết vĩnh biệt
tưởng sầu xưa đã chết lạnh trong hồn.

Ngậm ngùi rồi ai để lại
em bỏ đi đến độ nao lòng
nắng rừng chiều buộc thêm màu tím tái
tôi một mình
trở lại Ia Drang.




Bến-Đá, sông chiều

Chiều sông xa nhớ đến não nùng
kể từ hai bờ chia tay mắt đỏ
thuyền đi từ dạo đó
đi mà có nhớ ai không?

Bến xưa khuya buồn thấm lạnh
thôi chắc người chẳng quay về
Bến-Đá sông chiều quạnh vắng
tình chiều ai gọi có nghe?

Qua sông người đi trăm lối
sỏi đá thêm buồn chuyện ngày xưa
ai níu mây trời mà gọi
hỏi người đi để đau nhớ mấy cho vừa?

Chiều một mình ngơ ngẩn
bên chiếc cầu tre
người đã đi qua mấy nhịp
chiều rồi e người không về kịp
hỏi có chờ có đợi có nghe?

Bến-Đá sông chiều sương ôm mái khói
khi đi người xót lệ cay
hỏi người có biết chiều nay
tội nghiệp ai hoài bóng dõi?

Nắng sớm mưa chiều người nói
xa nhau tình cháy trong lòng
tháng năm đi hoài đi mãi
nước mắt vây quanh
thôi chẳng về đâu?

Bến-Đá sông chiều còn lại nỗi sầu!

Huy Uyên

(Quảng-Trị 6-2013)
READ MORE - Thơ Huy Uyên - VỀ LẠI IA DRANG - BẾN ĐÁ SÔNG CHIỀU

MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ THƠ ĐƯỜNG LUẬT HIỆN NAY - Nhóm bạn SAIGON yêu thơ




      ... Chúng tôi là một nhóm bạn yêu thơ, sống ở Sài Gòn, già có trẻ có, nhiều người sống qua hai chế độ như đa số các thi hữu hiện nay... 
   ... Đồng hành với nhiều diễn đàn khác, tạp chí Tiếng Quê Hương đã nhóm lên được phong trào sáng tác Đường thi và nhất là xướng họa rất sôi nổi nhắm phục hồi, phát triển một thể thơ truyền thống phương Đông. Riêng chúng tôi rất hoan nghênh và cám ơn chủ trương mở mục thơ Đường với sân vườn rất rộng rãi và phong phú (đến 3 trang bao quát toàn diện việc thưởng thức và tìm hiểu thơ Đường: sáng tác, xướng họa và lý luận - thông tin về thơ Đường) nhằm, như thư ngỏ của TQH, "để các thi hữu rộng sân chơi, thêm nơi phổ biến sáng tác và trao đổi tâm tình". Đó là điều rất đáng mừng mà như là tiền đề để thư mục nầy của tạp chí có hướng phát triển. Trong đó, có những bài thơ cổ về hình thức thể loại mà rất mới cả về câu chữ, cách diễn đạt lẫn ý tứ và tâm tình mà các tác giả gởi gắm trong đó. Nhiều bài thơ và tác giả gây cảm xúc, ấn tượng cho người đọc: Chân phương mà trau chuốt, đẹp ý nhị như của Lê Đình Lộng Chương ..., chân phương mà chân thực, gây "khoái cảm" thẩm mỹ như của Linh Đàn ... , cổ điển mà hiện đại, sâu sắc mà nhiệt huyết, bộc trực Nam bộ như của Kha Tiệm Ly, đúng chuẩn mực niêm luật thơ Đường mà từ ngữ mới lạ, không mòn sáo, tình cảm phóng khoáng, dạt dào, như của Mặc Phương Tử, Mặc Vị Nhân, Lê Giao Văn ... , vẫn theo luật khắt khe mà câu chữ mới mẻ, mà cảm xúc, rung động rất thi sĩ, có tứ thơ để phát triển tình, ý (chứ không phải là văn vần), như của Lê Thiên Minh Khoa v.v...    

       ... Bên cạnh đó, chúng tôi xin có những ý kiến thật tình, xây dựng mà ngắn gọn với các bạn đồng văn, mong chỉ ra một số tồn tại (hòng khắc phục), là "bệnh" chung của nhiều người làm thơ Đường hiện nay, phổ biến trên các trang thơ Đường luật trong và ngoài nước (của Việt kiều)...

      Thứ nhất là phạm vào những lỗi, bệnh trong thơ Đường luật như  điệp thanh, điệp điệu, điệp âm, thất đối..., mà 2 lỗi thường gặp nhất là "mạ đề" và "điệp từ" như một bài viết trên TQH (*) đã nhận xét.... Họa thơ thì phạm lỗi áp vận (khắc lục), xuất ý v.v... Khi được góp ý, thì thường giẩy nẩy, giở giọng "hàn lâm" dẫn thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Nguyễn Du... để chống chế, mà không biết rằng đó là phá cách có dụng ý nghệ thuật của các bậc thi thánh, thi tiên, thi hào, thi bá..., còn mình thì...  Có người đã nói: "Tôi muốn vượt ra ngoài khuôn khổ gò bó, luật lệ nghiêm khắc!". Thế thì cứ làm thơ tự do, thơ lục bát... đi! Cũng như người thạm gia giao thông phải nắm chắc luật giao thông, người sáng tác thơ Đường luật phải thông hiểu phép tắc Đường thi, nếu không thì...

      Thứ hai, cũng là ở tựa đề: Tựa đề của bài thơ hoặc là cả một câu văn dài lòng thòng, như giải thích nội dung bài thơ, hoặc là được đánh bóng bằng ngôn từ hoa mỹ, lộng lẫy, thành ra "kêu mà rỗng ", thành ra "sến" . Quan niệm thẩm mỹ cả cổ điển lẫn hiện đại đều không chấp nhận điểm nầy. Tựa của cổ điển thì ẩn, ý tại ngôn ngoại, tựa của hiện đại thì mở mà khép, là "phi giao tiếp" để hấp dẫn người đọc, nhưng không có nghĩa là tựa đề "kêu" như thế! Xin nói thật: Có một bài xướng rất hay trên nhiều trang web, được gần 30 người họa mà tựa đề vẫn bị nhiễm cái bệnh "hô khẩu hiệu", bệnh giải thích thơ nầy. Thật đáng tiếc, điều rất dễ tránh lại không tránh được!...

      Thứ ba, là thường lạm dụng mỹ từ pháp (bây giờ gọi là biện pháp tu từ) khi thực không cần thiết phải dùng, thành ra chỉ gây rối rắm, không gây được cảm xúc mà thành bệnh nói chữ, khoe chữ. Phổ biến nhất là hay lạm dụng  điệp ngữ không đúng chỗ, nghe kêu mà có khi thành ra thừa từ- lặp từ, trái với ý định thẩm mỹ ban đầu của tác giả . Có một bài thơ rất hay trên nhiều trang Web được nhiều người thích và bình luận, nhưng tác giả cứ lặp lại từ "tiếng" thành ra mất hay: danh từ "tiếng" có gì mà phải điệp từ!...

        Thứ tư, là việc lạm dụng từ ngữ địa phương trong bài thơ (do đó lại phải chú thích thơ), thiếu cân nhắc thận trọng. Tác dụng của từ ngữ địa phương là nêu bật hình tượng, cuộc sống, con người, sự kiện... tạo ra được sắc thái địa phương cho bài thơ. Có lẽ trong một bài thơ, nên cân nhắc, chọn lọc từ ngữ địa phương và chỉ sử dụng trong trường hợp cần thiết cũng như trong văn cảnh cho phép- văn cảnh làm cho người đọc có thể hiểu được từ địa phương đó (dĩ nhiên là sử dụng phương ngữ trên một tờ báo trang mạng địa phương thì không dám bàn đến). Nếu không, sẽ dể tạo ra những cản trở trong tâm lý tiếp nhận của người đọc, không những không giúp ích gì cho việc cảm thụ thẩm mỹ bài thơ mà ngược lại làm hạn chế phạm vi ảnh hưởng của nó... Có một thí dụ về việc dùng phương ngữ rất hay như sau. Trong bài thơ "Tấm ảnh", Tố Hữu viết: "O du kích nhỏ gương cao súng/ Thằng Mỹ lên khên bước cúi đầu".  Ý hai câu thơ đối lập tương phản nhau: nhỏ >< lên khênh, gương cao súng >< bước cúi đầu, thằng Mỹ >< o du kích. "Thằng " là ngôi thứ 3, số ít, giống đực là một người đàn ông nên trong văn cảnh nầy, người đọc tự nhiên hiểu ngay liền "o" là  gì, không cần phải đánh sao (*) , ghi chữ số (1...) chú thích làm phiền và mất cảm hứng, làm gián đoạn cảm xúc thưởng thức thơ của người đọc: "O" là một cô gái...

       Thứ năm, là thường dùng ép từ ngữ do áp lực của niêm, luật, vần... mà lại  thiếu vốn từ vựng. Chẳng hạn, không ít tác giả đã hoán vị các từ láy thuần Việt vốn không thể đổi vị trí, như vẻ vui, bã buồn!... Hoặc tĩnh lược rồi tự ghép các từ lại một cách gượng ép mà thông lệ ngôn ngữ chưa có như gian - bôi, rồi phải chú thích là: gian dối, đãi bôi!... Có người ghép tùy tiện một tiếng thuần Việt với một tiếng Hán Việt lại thành một từ ghép vô nghĩa v.v...

    Thứ sáu, là bệnh giải thích thơ, vì sợ người ta không hiểu thơ mình . Thơ gì mà cứ gạch ngang, mở ngoặc đơn, ngoặc kép ... liên tục để giải thích, rồi đánh nhiều dấu sao, chữ số ... để chú thích bên dưới bài thơ, như một bài nghiên cứu! Người đọc bị ngắt quảng cảm xúc, cứ để tâm trí vào những chú giải thì còn đâu rung động thơ để đồng cảm với tác giả !?... Hoặc lạm dụng dấu câu bừa bãi như sợ người đọc không biết đọc thơ (!). Như cứ cuối mỗi câu thơ là một dấu chấm (mà người biên tập cũng cứ để nguyên!) mà không biết rằng mỗi câu thơ là một dòng thơ, chứ không phải là câu trong cú pháp! Hoặc cứ sau 4 chữ của câu thơ là một dấu phẩy (mà người biên tập vẫn  cứ để vậy!) mà không biết rằng tiết tấu thơ thất ngôn là 4/3, người đọc tự ngắt nhịp khi tiếp nhận văn bản thơ, không cần... Hoặc là dùng loạn xạ các dấu chấm lững (...), dấu chấm hỏi (?), dấu cảm(!), ngoặc kép ("..."), dấu nối (-)..., viết hoa, viết thường, viết sai chính tả, sai lỗi hỏi, ngã ...  tùy tiện, vô tôi vạ (mà người biên tập cũng vẫn cứ để y chang vậy!) như trẻ con mới biết tiếng Việt viết chữ vậy! Vấn đề là trách nhiệm và năng lực của người biên tập trang thơ Đường luật đó (là người chịu trách nhiệm cuối cùng trước khi xuất bản, phổ biến đến công chúng văn học). Hình như họ không có nghiệp vụ biên tập thơ và thiếu khả năng chuyên môn về văn học!...   
  
       Thứ bảy là tâm tư của nhân vật trữ tình, mà ở đây thường là của tác giả, lại quá riêng tư, quá hạn hẹp. Đồng ý thơ là tiếng nói tâm tình của người làm thơ, nhưng không phải là nhật ký để chỉ một mình ta đọc, nên tâm tình ấy khi đưa ra công chúng rồi, thì cũng phải có sức khái quát (chưa dám đòi hỏi điển hình ) ở một mức nào đó, thể hiện nỗi niềm chung và phù hợp với tâm tình của nhiều người chứ! Có thế, công chúng mới đồng cảm được với tác giả chứ! Có nhiều bài thơ, trái lại, cứ nói những chuyện quá riêng tư, chi tiết, tỉ mỉ về một chuyện nhỏ giữa hai người bạn (rồi lại  chú giải vì sợ người ta không hiểu) thì còn gì là thơ!... Có bài thơ còn ghi cả tên tuổi bạn bè, tên của từng đứa con vào thơ, thậm chí lên cả tựa đề (rồi lại phải chú thích thơ!) mà có BBT vẫn cho đăng. Điều nầy không ai cấm nhưng nếu làm loại thơ đó để ghi vào gia phả, sổ lưu niệm gia đình, thân hữu hoặc để thù tạc giữa 2 người hoặc một nhóm người với nhau thì được, đằng nầy đưa lên cho cả một công chúng văn học thì...! ... 

        Thứ tám, là việc lạm dụng thể thơ Đường luật để viết về những chuyện không phải là đối tượng của thơ ca thành ra bệnh "chơi thơ".  Thể thơ Đường luật là tinh hoa của văn hóa, văn học Phương Đông bị đưa ra làm phương tiện để giỡn chơi, đùa vui, làm mất đi vẻ đẹp cao quí, sang trọng, tính thẩm mỹ trang nhã vốn có của nó. Nhiều bài thơ Đường luật hiện nay, đọc lên người ta thấy đằng sau nó là một nụ cười khả ố, một khuôn mặt nhăn nhúm, thô lỗ... của tác giả. Dĩ nhiên vấn đề không phải là đề tài, viết về cái gì mà là viết thế nào, thể hiện như thế nào, biểu hiện tâm tình thế nào, trong chừng mực nào để tránh được bện dung tục hóa thơ ca! Viết đến đây, chúng tôi nhớ đến câu ngạn ngữ Pháp: "Văn tức là người"- văn nào người nấy! Hơn nữa, thơ ca là thể loại trữ tình (bộc lộ tâm tình) cao quí và khó tính nhất trong 4  thể loại văn học (thơ, truyện, ký, kịch), không nhất thiết sự kiện, sự việc, tình tiết... gì cũng có thể phản ánh bằng thơ và cũng không thể nâng lên thành hình tượng thơ bởi có những nội dung hiện thực chỉ phù hợp với 1 trong 3 thể loại văn học kia! Nhiều nhà thơ hiện nay đã trách một số thi hữu bây giờ làm "hư thơ" Đường luật, làm thông tục hóa  một thể tài thơ vốn cao nhã. Có người như  nhà thơ LC, MK v.v... vì vậy thôi không làm thơ Đường luật nữa dù rằng họ vẫn là người tổ chức hội thơ Đường, biên tập thơ Đường...    

     Chúng tôi rất đồng cảm và thông hiểu được nỗi bức xúc của một bạn thơ trong một ý kiến liên quan đến thực trạng làm thơ hiện nay được một số trang mạng đăng tải, trong đó có TQH :"Thơ... là thơ dấn thân nhọc nhằn. Nhà thơ trăn trở- bức xúc, "đổ mồ hôi sôi nước mắt” để đẻ ra những tứ thơ - bài thơ khơi gợi đa dạng... Không “chơi thơ” như một số… "nhà thơ”  khác. Chúng tôi  “dị ứng” với ngữ  “chơi thơ” mà một số người dùng hiện nay. Thơ không phải để chơi. Mà (vì) thơ là máu thịt- là tim óc – là gan ruột …của nhà thơ; là mồ hôi nước mắt và đôi khi là nụ cười “hiếm hoi” của thi nhân."...(***)

     Thứ chín, là nhiều bài thơ làm không có tứ nên thành ra văn vần, vè, diễn ca, "ráp vần chơi chữ" thôi, chứ chưa phải là thơ được! Thơ xưa nay, cổ điển cũng như hiện đại, đều cần có tứ thơ để thành là thơ. Nếu không có tứ thơ để kết nối tình cảm, cảm xúc với ngôn ngữ trong tổng thể một bài thơ thì làm sao thành thơ được? Đã vậy, lại không biết tranh thủ tứ thơ có sẵn "trời cho" khi không tuân thủ triển khai ý thơ làm theo kết cấu truyền thống gồm 4 phần: đề, thực, luận, kết của thơ Đường luật bát cú, mà diễn ý lung tung, tưởng như học cách phá thể của các bậc thi tiên, thi thánh, thi hào... như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Nguyễn Du...! Về điều này (tứ thơ), chúng tôi không dám nói nhiều vì biết rằng ông chủ biên LTMK có một bài tiểu luận (THƠ CA và BIA RƯỢU )(**) mà chúng tôi được đọc kỷ rồi, bàn rất cặn kẽ về đặc trưng của thơ ca, trong đó nói thấu đáo về tứ thơ,  được đọc nhiều  khi đăng trên các trang Web nổi tiếng hiện nay như: nguyentrongtao, triamcac, gacvan, bichkhe.net, lucbat.com, vannghequangtri, datdung  v.v...

         ...   Nhóm chúng tôi có nhiều người có thơ đăng trên các trang thơ Đường của TQH, nhưng vì yêu thơ nên chân thành có những ý kiến nầy. Chắc là do mạch cảm xúc nên có những lời quá trớn, quí vị thông cảm cho. Chúng tôi cũng biết rằng đa số các thi hữu là người làm thơ không chuyên, vì yêu văn chương và có tâm sự nên dùng thơ ca để biểu đạt tâm tư thôi. Nhưng như đã nói ở trên, những tồn tại nầy là "bệnh" chung của nhiều người làm thơ Đường hiện nay, phổ biến trên các trang thơ luật trong và ngoài nước, nên coi như TQH cho phép chúng tôi mượn diễn đàn nầy để gởi gắm những điều bức xúc và ao ước của chúng tôi...
   
     ... Công tâm mà nói, thì so với các trang mạng khác, các trang thơ Đường của tạp chi TQH ít mắc các lỗi trên, nhất là 2 lỗi mạ đề và điệp từ. 

    ...  Nhưng các trang thơ Đường của TQH vẫn có những bài chưa thật "hoàn hảo", có lẽ do "cả nể", sợ mất lòng (vì "văn mình vợ người" mà !) mà có khi không quyết đoán lúc biên tập các trang thơ nầy. Thấy BBT hay ghi thêm cuối mỗi bài thơ hoặc chùm thơ họa những câu như thế nầy: "Tựa đề do chúng tôi đặt lai, nguyên tựa của tác giả là ..." hoặc : "Chú thích trang nầy là của  tác giả " v.v... thì chúng tôi cũng hiểu cái khó của BBT...

        ...  Do đó, chúng tôi dù không cầu toàn, nhưng mong mỏi quí vị hãy vì cái chung mà hạnh tấn, giúp sức, đóng góp nhiều hơn nữa cho thơ truyền thống và bỏ qua những điều góp ý có khi chưa chỉnh lắm của chúng tôi ...
...    


NHÓM BẠN SG YÊU THƠ
Nguồn: Tạp chí Tiếng Quê Hương (tapchitiengquehuong.blogspot.com)
READ MORE - MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ THƠ ĐƯỜNG LUẬT HIỆN NAY - Nhóm bạn SAIGON yêu thơ

LẼ ĐỜI - thơ xướng họa - Lê Viên Ngọc và 14 thi hữu


LẼ ĐỜI
(Bài xướng)

Một viên ngọc quý giữa trần ai!
Đã bấy lâu nay chẳng giũa mài
Khiến kẻ vô tình coi rẻ rúng
Mà người hữu ý cũng phôi phai
Của phàm nỡ hỏi chàng mờ mắt
Kiếp tục chẳng buồn khách lãng tai
Duyên phận trăm năm là mối chỉ
Hiên khuya bóng nhạn cảm thông hoài!

                                    Lê Viên Ngọc

Lê Viên Ngọc quê ở Phước Thị, Gio Linh, Quảng Trị.
Hiện sống ở Di-Linh, Lâm Đồng.
                
                    
Các bài họa:

Họa 1:
VIÊN NGỌC QUÝ
          
Ngó sau coi trước chẳng còn ai!
Ngọc quý lâu nay chửa chịu mài
Có phải đồ cao nên kén chọn
Hay là hàng dõm mặc tàn phai
Văn chương lắt léo cần cho biết
Bút nghĩa chân thành muốn rỉ tai
Chán kẻ ăn chay còn nếm mặn
Lẽ nào heo đói  cám treo hoài!  
                   
                        Trương Văn Lũy



Họa 2:
NGỌC THẦM
 
Tình tự đêm dài ai hỡi ai
Ngọc sao cất đó vẫn chưa mài
Trăng thâu bóng lẻ đôi vành khuyết
Nắng sớm mây mờ một dáng phai
Điều ước tháng ngày chờ trước mắt
Nỗi buồn khuya sớm vẳng bên tai
Chạnh niềm thao thức vì sao lạc
Dạo bước thềm xuân có ái hoài

                                 Linh Đàn



Họa 3:
GIÁ NGỌC

“Nhạn tại khuê trung” biết hỏi ai,
 Ẩn danh quí ngọc, khéo trau mài.
Trăng soi mành phượng im lìm rủ,
Nắng chiếu rèm loan vàng võ phai
Nhắn gởi mấy tầng mây cõi biếc,
Thăm chừng bao lớp gió ù tai.
Nay mừng tuyệt diệu gieo liền vận,
Chừng ấy thi nhân ngóng đợi hoài.

               Hạ Thái-Trần Quốc Phiệt



Họa 4:
NGỌC HIỆN TRONG MƠ

Đèn khuya heo hắt chạnh thương ai,
Nhí nhảnh vần thơ đọc miệt mài.
Mặc khách tao nhân càng thắm thiết,
Giang hồ lãng tử chẳng mờ phai.
Nhẹ nhàng giỡn cợt nhìn phồng mũi,
Thoang thoảng giận hờn cảm nặng tai.
Ngọc hiện trong mơ nằm tưởng tượng,
Vầng trăng chênh chếch nhớ nhung hoài.

                               Lê Ngọc Kha



Họa 5:
NGỌC THÔ

Trần gian lắm hỉ, nộ, bi, ai!
Ngọc để ban sơ xin chớ mài.
Nét đẹp trời cho thường vĩnh cữu,
Dung nhan nhân tạo sớm tàn phai!
Ngu ngơ đôi lúc là duyên phúc,
Rành rõi lắm khi hóa nạn tai.
Tâm tịnh ngộ ra nhiều ý lạ,
Hư vô sao dạ cứ ai hoài ?!    

      Tâm Giao-Nguyễn Văn Tương


Họa 6:
VIÊN NGỌC

Viên đá qúy kia thuộc của ai?
Cớ sao không giũa lại không mài?
E chừng nhọn cạnh trầy tay ... nắm?
Hay bởi tươi màu sợ sắc ... phai?
Hãy cứ đem chưng xem ... ngọt mắt?
Thôi cho cầm gõ  có ... ngon tai?
Ngọc mà thành khí cần nên trác (1)
Hòm kín cất đi  kể cũng hoài!

                          Hoàng Đằng

(1) Lấy từ câu trong sách Luận Ngữ: "Ngọc bất trác bất thành khí" (ngọc mà không mài giũa thì không dùng được việc gì ...)



Họa 7:
ĐỢI AI?
  
Cảnh đẹp trời xanh Ngọc đợi ai ?
Văn chương chữ nghĩa khéo dùi mài.
Thanh xuân mấy thuở hoa chưa nở,
Tuổi tác bao nhiêu sắc dễ phai.
Chẳng lẽ đường tình không lọt mắt
Hay là cửa ái khó vừa tai.
Pha phôi cánh liễu vươn trong gió
Có muộn gì đâu để  tiếc hoài.                                           

                         Pine-HillNJ, USA 
                         Lê Bá Lộc



Họa 8:
BÊN QUẦY NGỌC QUÝ

Đợi xem ngọc quý sẽ về ai?
Lắm khách tìm mua ngắm miệt mài.
Khung cảnh đổi thay không vẩn đục
Thời gian dịch chuyển chẳng mòn phai.
Dửng dưng nọ mấy người hư mắt,
Dáo dác kìa đông kẻ lảng tai.
Có khách sang kia nhìn bảng giá,
Bước đi tiếc ngẩn tiếc ngơ hoài.

                            Nguyễn Tường
           

Họa 9:
LẼ ĐỜI

Viên Lê bạn hỡi tại vì ai,
Bảo ngọc bao năm vẫn chữa mài?
Đợi bóng thi nhân chiều nắng nhạt,
Hay hồn tráng sĩ buổi thu phai?
Buồn chi duyên phận mà cay mắt,
Trách mãi tình người cũng chán tai.
Ngươi ở phương nao đời lẻ mộng,
Thềm trăng quạnh quẽ nhớ mong hoài.

                                      Lê Ngọc Phái


Họa 10:
TIẾC THẦM

Đọc dòng thơ xướng xót cùng ai!
Ngọc quý vội chi gọt đẽo mài…
Để phó thân ngà phiên chợ hỗi!
Lại trơ phận liễu bến chiều phai…
Xót công con tạo gầy duyên nghiệp
Giờ vướng luân hồi lụy thiện tai
Danh tiếng trâm anh ngời khắp chốn,
Qua vòng nhật nguyệt lé loi hoài…

                          Văn Thiên Tùng


                       
              Họa 11:
              ĐỪNG KÉN

              Viên Ngọc lâu nay lẩn tránh ai
              Mà nay tỉnh mộng mới đem mài?
              Xuân thì hồ dễ buông tàn tạ
              Hương sắc sao đành để nhạt phai
              Đừng trách tri âm không hiểu ý
              Mà khuyên thục nữ chớ bùi tai.
              Cảm thương một thuở phòng loan quạnh
              Liệu sớm xe duyên, kẻo muộn hoài!

                                              HỒ TRỌNG TRÍ
                                              Kim Long, BRVT


Họa 12:
NHỚ HOÀI 

Vốn ngọc thì ai cũng giống ai
Muốn cho bóng nhoáng phải lau mài
Mong đừng sắc nọ mau tàn tạ
Chớ để hoa này chóng nhạt phai
Cõi thế thiếu chi người tỏ mắt
Trần gian còn chán kẻ tinh tai
Cứ mời thiên hạ cùng chiêm ngưỡng
Trăm họ gần xa sẽ nhớ hoài  
                      
                         TRẦN NGỘ
                         LÂM ĐỒNG




Họa 13:
THI  ĐÀN VÀ NỮ  SĨ

Nữ sĩ thi đàn chẳng mấy ai
Lâu nay đóng cửa lại dùi mài
Hoa xuân phơi phới hương còn đậm
Cỏ hạ đong đưa sắc chửa phai
Có phải tình lang đang dấu mặt
Hay là sáo khách đã quen tai
Thu đông khoảnh khắc qua mau lắm
Lửa tắt  không khơi để rứa hoài!

                                     Lê Bá Lộc



Họa 14:
TÂM SỰ

Tâm sự đôi vần gởi đến ai
Lư lân muốn sáng phải siêng mài
Ẩn mình đừng trách người khinh rẻ
Giấu phận chớ hờn kẻ nhạt phai
Ngọc nát phàm nhân xem nửa mắt
Ngói lành tục tử tán bùi tai
Cổ kim trần thế thường ngang trái
Đen trắng đồng thau lẫn lộn hoài

                         TRƯƠNG ĐÌNH ĐĂNG
                         ĐÀ NẴNG



Lê Viên Ngọc biên tập và gởi đăng
levienngoc@gmail.com


READ MORE - LẼ ĐỜI - thơ xướng họa - Lê Viên Ngọc và 14 thi hữu