Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, June 3, 2013

MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ THƠ ĐƯỜNG LUẬT HIỆN NAY - Nhóm bạn SAIGON yêu thơ




      ... Chúng tôi là một nhóm bạn yêu thơ, sống ở Sài Gòn, già có trẻ có, nhiều người sống qua hai chế độ như đa số các thi hữu hiện nay... 
   ... Đồng hành với nhiều diễn đàn khác, tạp chí Tiếng Quê Hương đã nhóm lên được phong trào sáng tác Đường thi và nhất là xướng họa rất sôi nổi nhắm phục hồi, phát triển một thể thơ truyền thống phương Đông. Riêng chúng tôi rất hoan nghênh và cám ơn chủ trương mở mục thơ Đường với sân vườn rất rộng rãi và phong phú (đến 3 trang bao quát toàn diện việc thưởng thức và tìm hiểu thơ Đường: sáng tác, xướng họa và lý luận - thông tin về thơ Đường) nhằm, như thư ngỏ của TQH, "để các thi hữu rộng sân chơi, thêm nơi phổ biến sáng tác và trao đổi tâm tình". Đó là điều rất đáng mừng mà như là tiền đề để thư mục nầy của tạp chí có hướng phát triển. Trong đó, có những bài thơ cổ về hình thức thể loại mà rất mới cả về câu chữ, cách diễn đạt lẫn ý tứ và tâm tình mà các tác giả gởi gắm trong đó. Nhiều bài thơ và tác giả gây cảm xúc, ấn tượng cho người đọc: Chân phương mà trau chuốt, đẹp ý nhị như của Lê Đình Lộng Chương ..., chân phương mà chân thực, gây "khoái cảm" thẩm mỹ như của Linh Đàn ... , cổ điển mà hiện đại, sâu sắc mà nhiệt huyết, bộc trực Nam bộ như của Kha Tiệm Ly, đúng chuẩn mực niêm luật thơ Đường mà từ ngữ mới lạ, không mòn sáo, tình cảm phóng khoáng, dạt dào, như của Mặc Phương Tử, Mặc Vị Nhân, Lê Giao Văn ... , vẫn theo luật khắt khe mà câu chữ mới mẻ, mà cảm xúc, rung động rất thi sĩ, có tứ thơ để phát triển tình, ý (chứ không phải là văn vần), như của Lê Thiên Minh Khoa v.v...    

       ... Bên cạnh đó, chúng tôi xin có những ý kiến thật tình, xây dựng mà ngắn gọn với các bạn đồng văn, mong chỉ ra một số tồn tại (hòng khắc phục), là "bệnh" chung của nhiều người làm thơ Đường hiện nay, phổ biến trên các trang thơ Đường luật trong và ngoài nước (của Việt kiều)...

      Thứ nhất là phạm vào những lỗi, bệnh trong thơ Đường luật như  điệp thanh, điệp điệu, điệp âm, thất đối..., mà 2 lỗi thường gặp nhất là "mạ đề" và "điệp từ" như một bài viết trên TQH (*) đã nhận xét.... Họa thơ thì phạm lỗi áp vận (khắc lục), xuất ý v.v... Khi được góp ý, thì thường giẩy nẩy, giở giọng "hàn lâm" dẫn thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Nguyễn Du... để chống chế, mà không biết rằng đó là phá cách có dụng ý nghệ thuật của các bậc thi thánh, thi tiên, thi hào, thi bá..., còn mình thì...  Có người đã nói: "Tôi muốn vượt ra ngoài khuôn khổ gò bó, luật lệ nghiêm khắc!". Thế thì cứ làm thơ tự do, thơ lục bát... đi! Cũng như người thạm gia giao thông phải nắm chắc luật giao thông, người sáng tác thơ Đường luật phải thông hiểu phép tắc Đường thi, nếu không thì...

      Thứ hai, cũng là ở tựa đề: Tựa đề của bài thơ hoặc là cả một câu văn dài lòng thòng, như giải thích nội dung bài thơ, hoặc là được đánh bóng bằng ngôn từ hoa mỹ, lộng lẫy, thành ra "kêu mà rỗng ", thành ra "sến" . Quan niệm thẩm mỹ cả cổ điển lẫn hiện đại đều không chấp nhận điểm nầy. Tựa của cổ điển thì ẩn, ý tại ngôn ngoại, tựa của hiện đại thì mở mà khép, là "phi giao tiếp" để hấp dẫn người đọc, nhưng không có nghĩa là tựa đề "kêu" như thế! Xin nói thật: Có một bài xướng rất hay trên nhiều trang web, được gần 30 người họa mà tựa đề vẫn bị nhiễm cái bệnh "hô khẩu hiệu", bệnh giải thích thơ nầy. Thật đáng tiếc, điều rất dễ tránh lại không tránh được!...

      Thứ ba, là thường lạm dụng mỹ từ pháp (bây giờ gọi là biện pháp tu từ) khi thực không cần thiết phải dùng, thành ra chỉ gây rối rắm, không gây được cảm xúc mà thành bệnh nói chữ, khoe chữ. Phổ biến nhất là hay lạm dụng  điệp ngữ không đúng chỗ, nghe kêu mà có khi thành ra thừa từ- lặp từ, trái với ý định thẩm mỹ ban đầu của tác giả . Có một bài thơ rất hay trên nhiều trang Web được nhiều người thích và bình luận, nhưng tác giả cứ lặp lại từ "tiếng" thành ra mất hay: danh từ "tiếng" có gì mà phải điệp từ!...

        Thứ tư, là việc lạm dụng từ ngữ địa phương trong bài thơ (do đó lại phải chú thích thơ), thiếu cân nhắc thận trọng. Tác dụng của từ ngữ địa phương là nêu bật hình tượng, cuộc sống, con người, sự kiện... tạo ra được sắc thái địa phương cho bài thơ. Có lẽ trong một bài thơ, nên cân nhắc, chọn lọc từ ngữ địa phương và chỉ sử dụng trong trường hợp cần thiết cũng như trong văn cảnh cho phép- văn cảnh làm cho người đọc có thể hiểu được từ địa phương đó (dĩ nhiên là sử dụng phương ngữ trên một tờ báo trang mạng địa phương thì không dám bàn đến). Nếu không, sẽ dể tạo ra những cản trở trong tâm lý tiếp nhận của người đọc, không những không giúp ích gì cho việc cảm thụ thẩm mỹ bài thơ mà ngược lại làm hạn chế phạm vi ảnh hưởng của nó... Có một thí dụ về việc dùng phương ngữ rất hay như sau. Trong bài thơ "Tấm ảnh", Tố Hữu viết: "O du kích nhỏ gương cao súng/ Thằng Mỹ lên khên bước cúi đầu".  Ý hai câu thơ đối lập tương phản nhau: nhỏ >< lên khênh, gương cao súng >< bước cúi đầu, thằng Mỹ >< o du kích. "Thằng " là ngôi thứ 3, số ít, giống đực là một người đàn ông nên trong văn cảnh nầy, người đọc tự nhiên hiểu ngay liền "o" là  gì, không cần phải đánh sao (*) , ghi chữ số (1...) chú thích làm phiền và mất cảm hứng, làm gián đoạn cảm xúc thưởng thức thơ của người đọc: "O" là một cô gái...

       Thứ năm, là thường dùng ép từ ngữ do áp lực của niêm, luật, vần... mà lại  thiếu vốn từ vựng. Chẳng hạn, không ít tác giả đã hoán vị các từ láy thuần Việt vốn không thể đổi vị trí, như vẻ vui, bã buồn!... Hoặc tĩnh lược rồi tự ghép các từ lại một cách gượng ép mà thông lệ ngôn ngữ chưa có như gian - bôi, rồi phải chú thích là: gian dối, đãi bôi!... Có người ghép tùy tiện một tiếng thuần Việt với một tiếng Hán Việt lại thành một từ ghép vô nghĩa v.v...

    Thứ sáu, là bệnh giải thích thơ, vì sợ người ta không hiểu thơ mình . Thơ gì mà cứ gạch ngang, mở ngoặc đơn, ngoặc kép ... liên tục để giải thích, rồi đánh nhiều dấu sao, chữ số ... để chú thích bên dưới bài thơ, như một bài nghiên cứu! Người đọc bị ngắt quảng cảm xúc, cứ để tâm trí vào những chú giải thì còn đâu rung động thơ để đồng cảm với tác giả !?... Hoặc lạm dụng dấu câu bừa bãi như sợ người đọc không biết đọc thơ (!). Như cứ cuối mỗi câu thơ là một dấu chấm (mà người biên tập cũng cứ để nguyên!) mà không biết rằng mỗi câu thơ là một dòng thơ, chứ không phải là câu trong cú pháp! Hoặc cứ sau 4 chữ của câu thơ là một dấu phẩy (mà người biên tập vẫn  cứ để vậy!) mà không biết rằng tiết tấu thơ thất ngôn là 4/3, người đọc tự ngắt nhịp khi tiếp nhận văn bản thơ, không cần... Hoặc là dùng loạn xạ các dấu chấm lững (...), dấu chấm hỏi (?), dấu cảm(!), ngoặc kép ("..."), dấu nối (-)..., viết hoa, viết thường, viết sai chính tả, sai lỗi hỏi, ngã ...  tùy tiện, vô tôi vạ (mà người biên tập cũng vẫn cứ để y chang vậy!) như trẻ con mới biết tiếng Việt viết chữ vậy! Vấn đề là trách nhiệm và năng lực của người biên tập trang thơ Đường luật đó (là người chịu trách nhiệm cuối cùng trước khi xuất bản, phổ biến đến công chúng văn học). Hình như họ không có nghiệp vụ biên tập thơ và thiếu khả năng chuyên môn về văn học!...   
  
       Thứ bảy là tâm tư của nhân vật trữ tình, mà ở đây thường là của tác giả, lại quá riêng tư, quá hạn hẹp. Đồng ý thơ là tiếng nói tâm tình của người làm thơ, nhưng không phải là nhật ký để chỉ một mình ta đọc, nên tâm tình ấy khi đưa ra công chúng rồi, thì cũng phải có sức khái quát (chưa dám đòi hỏi điển hình ) ở một mức nào đó, thể hiện nỗi niềm chung và phù hợp với tâm tình của nhiều người chứ! Có thế, công chúng mới đồng cảm được với tác giả chứ! Có nhiều bài thơ, trái lại, cứ nói những chuyện quá riêng tư, chi tiết, tỉ mỉ về một chuyện nhỏ giữa hai người bạn (rồi lại  chú giải vì sợ người ta không hiểu) thì còn gì là thơ!... Có bài thơ còn ghi cả tên tuổi bạn bè, tên của từng đứa con vào thơ, thậm chí lên cả tựa đề (rồi lại phải chú thích thơ!) mà có BBT vẫn cho đăng. Điều nầy không ai cấm nhưng nếu làm loại thơ đó để ghi vào gia phả, sổ lưu niệm gia đình, thân hữu hoặc để thù tạc giữa 2 người hoặc một nhóm người với nhau thì được, đằng nầy đưa lên cho cả một công chúng văn học thì...! ... 

        Thứ tám, là việc lạm dụng thể thơ Đường luật để viết về những chuyện không phải là đối tượng của thơ ca thành ra bệnh "chơi thơ".  Thể thơ Đường luật là tinh hoa của văn hóa, văn học Phương Đông bị đưa ra làm phương tiện để giỡn chơi, đùa vui, làm mất đi vẻ đẹp cao quí, sang trọng, tính thẩm mỹ trang nhã vốn có của nó. Nhiều bài thơ Đường luật hiện nay, đọc lên người ta thấy đằng sau nó là một nụ cười khả ố, một khuôn mặt nhăn nhúm, thô lỗ... của tác giả. Dĩ nhiên vấn đề không phải là đề tài, viết về cái gì mà là viết thế nào, thể hiện như thế nào, biểu hiện tâm tình thế nào, trong chừng mực nào để tránh được bện dung tục hóa thơ ca! Viết đến đây, chúng tôi nhớ đến câu ngạn ngữ Pháp: "Văn tức là người"- văn nào người nấy! Hơn nữa, thơ ca là thể loại trữ tình (bộc lộ tâm tình) cao quí và khó tính nhất trong 4  thể loại văn học (thơ, truyện, ký, kịch), không nhất thiết sự kiện, sự việc, tình tiết... gì cũng có thể phản ánh bằng thơ và cũng không thể nâng lên thành hình tượng thơ bởi có những nội dung hiện thực chỉ phù hợp với 1 trong 3 thể loại văn học kia! Nhiều nhà thơ hiện nay đã trách một số thi hữu bây giờ làm "hư thơ" Đường luật, làm thông tục hóa  một thể tài thơ vốn cao nhã. Có người như  nhà thơ LC, MK v.v... vì vậy thôi không làm thơ Đường luật nữa dù rằng họ vẫn là người tổ chức hội thơ Đường, biên tập thơ Đường...    

     Chúng tôi rất đồng cảm và thông hiểu được nỗi bức xúc của một bạn thơ trong một ý kiến liên quan đến thực trạng làm thơ hiện nay được một số trang mạng đăng tải, trong đó có TQH :"Thơ... là thơ dấn thân nhọc nhằn. Nhà thơ trăn trở- bức xúc, "đổ mồ hôi sôi nước mắt” để đẻ ra những tứ thơ - bài thơ khơi gợi đa dạng... Không “chơi thơ” như một số… "nhà thơ”  khác. Chúng tôi  “dị ứng” với ngữ  “chơi thơ” mà một số người dùng hiện nay. Thơ không phải để chơi. Mà (vì) thơ là máu thịt- là tim óc – là gan ruột …của nhà thơ; là mồ hôi nước mắt và đôi khi là nụ cười “hiếm hoi” của thi nhân."...(***)

     Thứ chín, là nhiều bài thơ làm không có tứ nên thành ra văn vần, vè, diễn ca, "ráp vần chơi chữ" thôi, chứ chưa phải là thơ được! Thơ xưa nay, cổ điển cũng như hiện đại, đều cần có tứ thơ để thành là thơ. Nếu không có tứ thơ để kết nối tình cảm, cảm xúc với ngôn ngữ trong tổng thể một bài thơ thì làm sao thành thơ được? Đã vậy, lại không biết tranh thủ tứ thơ có sẵn "trời cho" khi không tuân thủ triển khai ý thơ làm theo kết cấu truyền thống gồm 4 phần: đề, thực, luận, kết của thơ Đường luật bát cú, mà diễn ý lung tung, tưởng như học cách phá thể của các bậc thi tiên, thi thánh, thi hào... như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Nguyễn Du...! Về điều này (tứ thơ), chúng tôi không dám nói nhiều vì biết rằng ông chủ biên LTMK có một bài tiểu luận (THƠ CA và BIA RƯỢU )(**) mà chúng tôi được đọc kỷ rồi, bàn rất cặn kẽ về đặc trưng của thơ ca, trong đó nói thấu đáo về tứ thơ,  được đọc nhiều  khi đăng trên các trang Web nổi tiếng hiện nay như: nguyentrongtao, triamcac, gacvan, bichkhe.net, lucbat.com, vannghequangtri, datdung  v.v...

         ...   Nhóm chúng tôi có nhiều người có thơ đăng trên các trang thơ Đường của TQH, nhưng vì yêu thơ nên chân thành có những ý kiến nầy. Chắc là do mạch cảm xúc nên có những lời quá trớn, quí vị thông cảm cho. Chúng tôi cũng biết rằng đa số các thi hữu là người làm thơ không chuyên, vì yêu văn chương và có tâm sự nên dùng thơ ca để biểu đạt tâm tư thôi. Nhưng như đã nói ở trên, những tồn tại nầy là "bệnh" chung của nhiều người làm thơ Đường hiện nay, phổ biến trên các trang thơ luật trong và ngoài nước, nên coi như TQH cho phép chúng tôi mượn diễn đàn nầy để gởi gắm những điều bức xúc và ao ước của chúng tôi...
   
     ... Công tâm mà nói, thì so với các trang mạng khác, các trang thơ Đường của tạp chi TQH ít mắc các lỗi trên, nhất là 2 lỗi mạ đề và điệp từ. 

    ...  Nhưng các trang thơ Đường của TQH vẫn có những bài chưa thật "hoàn hảo", có lẽ do "cả nể", sợ mất lòng (vì "văn mình vợ người" mà !) mà có khi không quyết đoán lúc biên tập các trang thơ nầy. Thấy BBT hay ghi thêm cuối mỗi bài thơ hoặc chùm thơ họa những câu như thế nầy: "Tựa đề do chúng tôi đặt lai, nguyên tựa của tác giả là ..." hoặc : "Chú thích trang nầy là của  tác giả " v.v... thì chúng tôi cũng hiểu cái khó của BBT...

        ...  Do đó, chúng tôi dù không cầu toàn, nhưng mong mỏi quí vị hãy vì cái chung mà hạnh tấn, giúp sức, đóng góp nhiều hơn nữa cho thơ truyền thống và bỏ qua những điều góp ý có khi chưa chỉnh lắm của chúng tôi ...
...    


NHÓM BẠN SG YÊU THƠ
Nguồn: Tạp chí Tiếng Quê Hương (tapchitiengquehuong.blogspot.com)

No comments: