Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, April 1, 2014

ĐÔ LA - truyện ngắn Bùi Khắc Phúc




Các bạn ạ!

Trong những tháng ngày có thể nói là thê thảm nhất cuộc đời tôi, tôi càng không thể nào quên được quãng thời gian đẹp đẽ nhất đời mình.

Ngày đó, tôi đỗ đại học. Ngày nhập học, ba dùng xe con của gia đình đưa tôi đến một thành phố lớn - nơi tôi sẽ gắn bó những tháng năm học tập.

Không biết do vô tình hay hữu ý mà tôi ở cùng phòng với Kim. Chỉ thấy Kim nói rằng, ba tôi và ba Kim là bạn thân từ thuở bé. Nay mỗi người một công việc và ở xa nhưng thỉnh thoảng vẫn liên lạc với nhau. Ba tôi là chủ tịch một huyện miền núi, còn ba Kim là giám đốc một sở ở một tỉnh nọ. À, thì ra là thế. Tôi và Kim học cùng khóa, cùng trường, các cụ lại là bạn thân của nhau thì tôi và Kim ở cùng phòng trọ cũng không có gì là lạ.

Tôi và Kim hợp nhau. Các bạn đừng nghĩ vì gia thế chúng tôi tương đồng. Có lẽ do ngày sinh tháng đẻ của chúng tôi hợp theo các thuyết thiên can, địa chi, tứ trụ, ngũ hành tương khắc, tam hợp, tứ hành xung. Nhưng, phải thẳng thắn mà nói, cũng có những điểm khác biệt. Hai giọt nước đâu có giống nhau hoàn toàn.

Cuộc sống sinh viên của chúng tôi khiến nhiều người khát thèm. Trong khi bao bạn phải tằn tiện chi tiêu và rong ruổi kiếm việc làm thêm thì chúng tôi, hết nấu ăn lại học bài, hết đọc báo lại nghe nhạc, hết trùm chăn ngủ lại lang thang hè phố ngắm cảnh…, cả những ngày nghỉ học.

Tôi và Kim thỉnh thoảng lại tranh luận nhau về một điều gì đó. Chúng tôi chăm học và học tốt thì chuyện tranh luận về cái gì đó cũng là một cách học.

Một lần, tôi đọc báo còn Kim thì loay hoay nấu cơm. Khi nghe tôi đọc người giầu nhất thế giới là Bill Gates với khối tài sản khổng lồ lên đến hơn sáu mươi tỉ đô la thì Kim quăng vội trái mướp, chạy xồng xộc lại đòi tôi chỉ chỗ vừa đọc trên tờ báo. Rồi chúng tôi ngồi nói dóc về tiền bạc. Tôi hỏi:

- Nếu có số tiền như thế, cậu sẽ làm gì với nó?

Môi bặm, mắt liếc ngang liếc dọc một lát, Kim nói:

- Vậy là tương đương với khoảng hơn một triệu hai trăm ngàn tỉ Việt Nam đồng.

- Đương nhiên.

- Tớ đợi lúc vàng xuống mức thấp nhất sẽ mua vài tấn để dự trữ, chừng nào vàng có giá hòm hòm tớ sẽ tung ra bán lấy lời. Số tiền còn lại sẽ chọn lúc trái phiếu Chính phủ có lãi suất cao sẽ mua chục tỉ đô trái phiếu.

- Vậy thì chưa hết một nửa số tiền đâu - tôi nhắc.

- Vẫn còn cơ à - Kim ngạc nhiên - tớ sẽ tậu một hòn đảo nhỏ để mở một khu du lịch, mua đất xây một bệnh viện khổng lồ để kinh doanh - Kim trợn mắt chỉ tay về phía tôi - Này, ngày nay xây bệnh viện kinh doanh là hót nhất đấy, sẽ kiếm được bộn tiền.

- Vẫn còn rất nhiều đấy.

“Tớ sẽ… tớ sẽ…”. Ngập ngừng giây lát, Kim hồ hởi : “À quên, có cái này hay lắm giờ mới nghĩ ra”. “Nói đi” - tôi sốt sắng. “Tớ sẽ thành lập một tập đoàn kinh doanh tất cả mọi lĩnh vực, sẽ thành lập một câu lạc bộ bóng đá mang tên tập đoàn, sẽ thuê một vài cầu thủ nổi tiếng về đầu quân. Đội bóng sẽ là kênh quảng cáo đắc địa cho hoạt động của tập đoàn. Lúc này, tớ sẽ là người giầu nhất nước ta. Ha ha ha…” - Kim khoái chí ngã lăn ra giường, chợt bật dậy ghé sát vào mặt tôi, trợn mắt, tròn môi:

- Thế còn cậu, cậu sẽ làm gì nếu là chủ nhân của món tiền đó. Nên nhớ là những gì cậu sắp nói sẽ không được trùng với tớ đó nghe.

Ngồi nghệt mặt và thở dài trong một phút, tôi khẳng khái đáp:

- Trước tiên tớ cảm thấy đau đầu về khoản tiền đó. Tớ sẽ dành ra một tháng để đếm và kiểm tra khoản tiền. Nếu theo tỉ giá ngày hôm nay mà quy ra tiền Việt thì sáu mươi tỉ đô sẽ tương đương với một triệu hai trăm ngàn ba trăm năm mươi hai tỉ đồng. Sẽ làm gì với con số kinh khủng này nhỉ. Lại không được trùng ý tưởng.

- Nói ngay, nói ngay - Kim bặm môi đấm thùm thụp vào lưng tôi.

- Đầu tiên, ba tỉ đô sẽ được xuất kho để xây ba bệnh viện ở ba miền Bắc, Trung, Nam.

- Này này, đã nói không được giống tớ cơ mà - Kim trừng trộ.

- Nghe đây, giống cậu để làm gì cơ chứ. Bệnh viện của mình không để kinh doanh. Mình sẽ đặt tên bệnh viện là “BỆNH VIỆN DÀNH CHO NGƯỜI NGHÈO”. Người nghèo ốm đau đi chữa bệnh khổ lắm, cậu ạ. Bệnh nhân và người nhà sẽ có xe đưa đi chở về. Nói tóm lại là không phải mất một đồng nào cả. Tất thảy mọi chi phí sẽ được bao trọn. Tiếp theo, tớ sẽ xây cho mỗi xã ở vùng ven biển, vùng sâu vùng xa, vùng thường xuyên chịu thiệt hại nặng bởi thiên tai một khu nhà đủ khả năng chống chọi với bão lũ. Bình thường, khu nhà này là trường học hoặc sinh hoạt công cộng.

- Trời đất, mấy giờ rồi mà ngồi tính tỉ tê như thế. Mình ngồi ba ngày nghe cậu tính toán như vậy mới hết sáu mươi tỉ đô chắc. Gì nữa gì nữa, nhanh lên.

- Cậu thấy không, rừng vàng biển bạc ông cha để lại mà con cháu phá tan tành. Thật tội cho các bác kiểm lâm, mất ăn mất ngủ bao nhiêu thì rừng càng ngày càng kiệt bấy nhiêu. Tớ sẽ tài trợ để trồng rừng ở những vùng đất trống đồi núi trọc. Sẽ đưa vào sử dụng thiết bị giám sát và đề xuất cơ chế quản lí rừng đặc biệt. Các bác kiểm lâm không còn phải lao tâm khổ tứ nữa, mà Nhà nước không phải mất khoản tiền lớn để quản lý rừng. Rừng này sẽ là tài sản chung, để ông cha nơi chín suối được thỏa lòng. Mười tỉ đô sẽ đài thọ cho giao thông nông thôn. Một dự án giáo dục vùng khó sẽ hình thành. Mình sẽ cho cậu làm Giám đốc Dự án với kinh phí ba tỉ đô, riêng tiền lương của cậu, tớ sẽ trả riêng.”

“Đồ điên!” - Kim càu nhàu. “Chưa hết đâu. Thế này nữa thì sáu mươi tỉ đô chỉ là muối bỏ bể. Này nhé, già nửa số tiền sẽ được tài trợ cho chiến dịch tống tiễn rác nằm sâu trong mỗi con người, rác trên toàn lãnh địa lãnh hải lãnh thiên nước ta về nơi an nghỉ cuối cùng. Sẽ trả lương hằng tháng cho một trăm ngàn người ngày đêm tỏa đi bốn phương tám hướng thu gom, liệm táng rác thải.” - tôi hào hứng. “Thằng khùng! Đi nấu cơm thôi!” - Kim hét vào tai tôi.
*
*           *
Thời gian thấm thoát trôi đi. Học đến năm thứ ba thì nhân họa ập xuống đầu gia đình tôi. Bố tôi bị phạt tù chung thân vì những sai phạm của ông trong công việc. Và đương nhiên, tài sản cuối cùng là căn nhà để tá túc cũng gằm mặt lủi thủi bước theo chủ mới. Tất thảy những gì có được vẫn không đủ bồi thường. Mẹ tôi nuôi ba anh em chúng tôi bằng đồng lương còm cõi. Tôi gắng gượng học tiếp nhờ sự mủi lòng của gia đình Kim. Những đau đớn chán chường đã không thắng nổi nghị lực bản thân, nó không kéo nổi tôi ra khỏi giảng đường đại học. Rồi tôi cũng tốt nghiệp đại học. Ngày xách túi rời phòng trọ, Kim lặng người rồi dúi vào tay tôi tờ một trăm đô, đoạn hắn quay ngoắt người lại, dường như là để tôi không kịp nhìn thấy hai dòng nước mắt sắp tuôn ra.

Tôi lầm lũi bước như độc mã giữa thảo nguyên khô khát.

Tôi đầu quân cho một nhóm thợ xây. Công việc vất vả và nặng nhọc. Đã có lúc tưởng chừng phải dùng đến tờ tiền Kim đưa. Nhưng rất may, điều đó đã không xảy ra.

Một hôm, đi ngang qua một ngôi trường, tường rào đã không còn nồng mùi vôi vữa. “À, thì ra là trường này.” - tôi thoáng nghĩ rồi phóng cặp mắt về phía nó như muốn nuốt chửng toàn cảnh. Nghe đâu trường này được xây bởi một triệu đô la vốn ODA (Official Development Assistant - viện trợ không hoàn lại) của Nhật Bản. Vớ được cành cây khô, bẻ một đoạn, tôi ngồi xuống vạch lên khoảng đất trống. Với kinh nghiệm và nghe lỏm được cách tính toán của dân trong nghề, tôi lầm rầm : “Gạch này, xi măng này, đá chẻ này, sắt thép này, công thợ này,…”. Tôi sửng sốt bàng hoàng hốt hoảng đứng bật dậy, kêu khẽ : “Trời đất, đô la rớt giá thảm vậy sao? Chắc là do kinh tế Mĩ suy thoái!”.

Tôi ngửa mặt nhìn trời, trời cao vời vợi; cúi nhìn đất, đất rộng mênh mông. Tôi trơ trọi. Lần túi áo móc ra tờ tiền Kim tặng, tay run run, úp mặt vào tờ bạc, tôi nức nở : “Ba ơi…!”.

ĐHSP Thái Nguyên, năm 2003
Bùi Khắc Phúc
GV Trường PTDT Bán trú THCS Nguyễn Bá Ngọc - Phú Thiện - Gia Lai.
ĐT: 01632 038 647

READ MORE - ĐÔ LA - truyện ngắn Bùi Khắc Phúc

RU KHÚC TÌNH BUỒN. - thơ Hoàng Anh 79



Hoàng hôn chảy dài trên mái tóc
Thời gian mải miết dệt đường mây
Em ơi,  ngày tháng còn yêu dấu
Anh như chim trời soải cánh bay.

Qua cầu An Hạ về thị trấn
Củ Chi ngày trước, đất biết buồn
Giáo đường nắng rớt trên vai Chúa
Em đứng đợi anh dưới gác chuông.

Đò nhỏ xuôi dòng theo Bến Dược
Tháp cao ngả bóng với chiều rơi
Nhớ em áo trắng bờ vai lụa
Nụ hôn thề thốt ngọt đầu môi.

Hạ đỏ theo chân về góc phố
Phượng già lẻ bóng đứng bên sân
Em gom hương sắc thời con gái
Bỏ cả mùa thi để lấy chồng.

Từ đó anh đi đời viễn xứ
Ru khúc tình buồn cánh vạc đêm
Lạc mất tình em trong sương khói
Mấy mùa nhung nhớ chẳng về tim.

Ngày 31/3/2014
Hoàng Anh 79

Họ và tên: Hồ Mạnh Phi Hùng
Bút Danh: Hoàng Anh 79
Sinh ngày 14/09/1973
Mail: homanhphihung.mt@gmail.com
Blog: http://hoanganh79.blogspot.com/
Điện thoại: 0918.974.522
Địa chỉ:  Long Xuyên, An Giang.
READ MORE - RU KHÚC TÌNH BUỒN. - thơ Hoàng Anh 79

CÒN KHÔNG MỘT CHÚT TÌNH PHAI - thơ Trần Hữu Khả




Năm năm..mười năm... hai mươi năm
bóng thời gian cứ trôi qua lịm dần theo phôi pha quên lãng
Ta có còn nhớ nhau
giữa những cơn sóng đời áo cơm dồn đuổi
Ta có còn hồn nhiên ngồi hát
những lời ca một thời đôi mươi nông nổi
khi từng ngày giông gió vẫn lồng lộn qua đây
những sớm mai mệt nhoài thức dậy
Ta có còn vội vàng soi gương chải tóc
đón một niềm vui bồng bột vụt đến bất ngờ
Ta có còn nao nao chờ đợi
những đám hội hè đông vui mời gọi xiêm y phấn sáp
để được cùng bao người háo hức ngắm nhau...
Những năm tháng đã qua
những phút hạnh phúc đặt cược mong manh
những nỗi muộn phiền lặng thầm ngày ngày gặm nhấm
những toan tính một đời bao lần buông xuôi ra về lầm lủi
Cuộc đời
chiếc lồng kín vô biên quay đều nhào nặn
Em.  Anh
đã từ lâu không còn là Ta nữa
và Ta
đã từ lâu không được là Em. Anh nữa...
Một ngày nào đó
trong vòng xoáy vô thường run rủi
gặp nhau
Ta có còn bồi hồi được thấy
một thoáng nét Em. Anh. Si Mê. Ngày xưa phảng phất
từng cho Ta một thời nhớ thương ngây dại
sót lại trong nhau.


Tác giả: Trần Hữu Khả
Sinh năm: 1961
Địa chỉ: K95/10 Bà Huyện Thanh Quan- Đà Nẵng
Nghề nghiệp: Tự do
Số ĐT: 0903507075


READ MORE - CÒN KHÔNG MỘT CHÚT TÌNH PHAI - thơ Trần Hữu Khả

ĐỌC “MÙA XOAN NỞ”, THƠ NGUYỄN GIA KHANH - Châu Thạch


       
    

                 
MÙA XOAN NỞ 

 Ai hẹn mà xoan đã nở đầy
Ngày Xưa...ào ạt bủa về đây !
Vẫn màu hoa nhuộm vườn xuân thắm
Và sắc trời buông sợi nắng gầy
Đau đáu một chiều bông tím rụng
Xót xa đôi bóng bướm vàng bay
Bồi hồi mộng cũ loang đường vắng
Ngóng bước người đi, chạnh nỗi này
                                  Nguyễn Gia Khanh


Lời bình: Châu Thạch

Nhiều người nói thơ Đường vì phải tuân theo luật lệ gò bó nên khô khan. Đọc “Mùa Xoan nở” của Nguyễn Gia Khanh tôi thấy quan niệm trên chỉ đúng cho những bài thơ chưa đạt. Thơ Đường mà hay thì cũng giống như viên kim cương lóng lánh, tuy nhỏ nhưng thâu cả tinh hoa, phản chiếu bầu trời trong cái hạt bé tí kia. Đọc “Mùa Xoan nỡ” của Nguyễn Gia Khanh, cảm nhận của tôi  có thể thiếu sót nhưng chắc không sai: đây là một viên kim cương thơ lóng lánh.
  
Chỉ hai câu thơ mở đầu tác giả đã cho ta hưởng trọn niềm vui ập đến trong mắt xen lẫn nỗi buồn ập đến trong lòng ngay trong cùng một điểm của thời gian:
       Ai hẹn mà xoan đã nở đầy
       Ngày Xưa…ào ạt bủa về đây!

Mắt nhìn thấy hoa xoan nở đầy là vẻ đẹp ào ạt đến trong hiện tại nhưng lòng thấy kỷ niệm ngày xưa cũng ào ạt đến thì chắc sẽ buồn. Thời gian của bây giờ và thời gian của quá khứ được đồng hóa trong hai câu mở đề, làm cho cái màu sắc đang thưởng thức có chút mơ hồ như đang mơ, và từ đó tranh được vẽ ra trong thơ như rộng giữa không gian, như dài giữa thời gian, thênh thang và vời vợi.

Qua hai câu trạng, cả bầu trời  phản chiếu trên rừng hoa đẹp đến vô cùng, được diễn tả bằng hai câu thơ bay bướm:

       Vẫn màu hoa nhuôm vườn xuân thắm
       Và sắc trời buông sợi nắng gầy

 Chỉ một chữ “Vẫn” tác giả dựng nên hai bức tranh giống nhau hoàn toàn về phong cảnh nhưng lại gây tác động khác nhau trong tâm trạng người đang nhìn nó. Mắt thì nhìn thấy cảnh bây giờ nhưng lòng thì lại nhớ đến cảnh ngày xưa. Đây là một bức tranh vô cùng thắm tươi. Bức tranh thắm tươi quá sẽ không làm cho người xem mơ màng nhưng nhờ chữ “Vẫn” mà tác giả đưa cả tâm hồn hoài vọng của mình vào đó, khiến cho bức tranh trước mắt trở nên xa vời trong mộng tưởng.

  Bước qua hai câu luận, tác giả đổi ngay phương pháp miêu tả. Bắng một vế đối thanh nhã, không dùng cái phương pháp đồng hóa quá khứ và hiện tại vào nhau nữa, tác giả dùng phương pháp ước lệ vẽ hai bức tranh của hiện tại và quá khứ riêng biệt nhưng lại để kề cận nhau, đối xứng nhau, phản chiếu nhau làm cho hình ảnh trong tranh nổi bật thêm lên:

     Đau đáu một chiều bông tím rụng
     Xót xa đôi bóng bướm vàng bay

Chữ “Đau đáu” là hướng về quá khứ và chữ “bông tím rụng”phản chiếu nỗi buồn biền biệt hoang liêu trong trí nhớ. Chữ “Xót xa” thể hiện tâm trạng bây giờ và chữ “bướn vàng bay” phản chiếu khung cảnh nên thơ và thi vị bây giờ. Cách dùng từ đặt vào trong vế đối của tác giả không thể khen là điêu luyện và chính xác mà phải khen là tài hoa và bay bướm. TRong hai câu luận, “Đau đáu” và “Xót xa”, “bông tím rụng” và “bướm vàng bay”là hai tâm trạng, hai hình ảnh khác biết cách nhau nhiều năm được đưa vào trong hai câu thơ đối nhau nhưng lại kết nối  tâm tư của tác giả giữa hai thời gian, giữa vẽ đẹp của hiện thân mùa xuân quá khứ trong mùa xuân hiện tại một cách hài hòa, êm ái như tiếng thời gian không nghe được mà có, không nhìn được mà biết nó đang trôi.

Qua vế kết của bài thơ, phương pháp miêu tả thành công ở vế luận được dùng lại nơi đây, nhưng hai bức tranh được vẽ ra trở nên mơ hồ và cô liêu, thể hiện cho nỗi buồn chùng xuống, u trầm:

        Bồi hồi mộng cũ loang đường vắng
        Ngóng bước người đi, chạnh nỗi này.

“Mộng cũ” mà “Loang đường vắng” là một bức tranh rất mờ. “Bước người đi” mà “chạnh nỗi này”thì nên tưởng tượng chĩ có duy bóng một người đi ở xa xa mới hay. Vế kết của bài thơ cũng là hai bức tranh của hai thời điểm đem đặt bên nhau, nhưng là hai bức tranh buồn và rất buồn, có tác dụng lũy thừa nỗi buồn lên bậc hai, bậc ba hay bậc mười còn tùy thuộc vào sự nhạy cảm của tâm hồn người đọc.

Đọc bài thơ “Mùa Xoan nở”như xem một đoạn phim mở ra một rừng hoa, rồi thu nhỏ lại thấy từng bông hoa rơi rụng, từng cánh bướm vàng bay, rồi sau đó mở ra cả không gian rộng lớn. Từ cảnh trong phim, tiếng lòng như tiếng nhạc giao hưởng diễn đạt vui buồn, liên kết tâm trạng, hoài vọng, hưng phấn từ quá khứ đến thực tại, chất chứa trong lòng sự đau đáu, sự xót xa và sự bồi hồi, tạo nên rất nhiều cảm xúc cho kẻ yêu thơ đọc thơ ./.
                                                   Châu Thạch





READ MORE - ĐỌC “MÙA XOAN NỞ”, THƠ NGUYỄN GIA KHANH - Châu Thạch

BÀY TỎ VỚI YÊU THƯƠNG - thơ Trúc Thanh Tâm




Anh về gom lại thời thơ ấu
Kỷ niệm học trò nhắc nhở nhau
Nam hùng, nữ kiệt còn danh sử
Nam tiến nghìn xưa vẫn tự hào !

Em hãy ngủ trong bình yên thương nhớ
Dù chiến tranh khốn khổ, gian lao
Anh luôn thấy hồn em xanh màu lá
Mắt thanh bình đẹp mãi giấc chiêm bao !

Em đừng khóc cho lòng anh chua xót
Khi yêu nhau cùng chia sẻ mặn nồng
Em phải biết làm vợ hiền mong đợi
Khi có chồng đi bảo vệ non sông !

Em những sáng đưa con vào trường học
Đời con là đời anh của xa xưa
Nên cần học nhiều điều lễ nghĩa
Dù chung quanh cám dỗ, lọc lừa !

Khi xã hội ngày càng thêm phức tạp
Không thể con mình dốt tiếng quê hương
Hiểu thấu đáo cội nguồn và tranh đấu
Khi đủ lớn khôn rời ghế nhà trường !

Em thấy không, gia đình là tổ ấm
Cha-mẹ-anh-em, hạnh phúc sum vầy
Thương những người góp công vào sông núi
Sống-chết nơi nào, đôi lúc chẳng ai hay !

Cần Thơ, 1972
TRÚC THANH TÂM  
READ MORE - BÀY TỎ VỚI YÊU THƯƠNG - thơ Trúc Thanh Tâm

BỨC THƯ VIẾT TRONG NƯỚC MẮT - BS Thái Lê Phương, chị ruột cô Sao Mai

     Nguyễn Hồng Trân sưu tầm và giới thiệu



Em đã đi xa thật rồi Mai ơi! Em ra đi không một lời từ biệt. Ôi đau đớn quá em ơi! Nỗi đau quặn thắt. Làm sao chị tin đây là sự thật! Chỉ mới mới hôm qua chị em mình mới chuyện trò tâm sự. Chuyện xây nhà thờ Chi đã bắt đầu ổn định; chuyện bà con quê hương. Chị em nói cười vui vẻ và chỉ qua một đêm thôi, mà tử biệt, phân ly-âm dương cách trở, vì cơn bệnh đột quỵ tai ác đã cướp mất đời em.

Ôi, cuộc đời sao nghiệt ngã vậy em? Cũng chỉ mới đây thôi, mỗi lần về quê bao giờ cũng có em mong đợi, dõi theo mỗi bước chị đi về quê. Em cứ hỏi: “Chị về đến đâu rồi?, Mỹ Chánh hay Diên Sanh?” Rồi khi bước xuống tàu đã có em đứng đón chị đó rồi. Chị mừng quá rồi hai chị em tươi cười vui vẻ. Chị em mình lại bên nhau ra chợ Quảng Trị mua mấy thứ đồ ẩm thực ưa thích rồi uống nước giải khát ở quán bờ sông Thạch Hãn. Chiều chiều, hai chị em cùng đi viếng lăng mộ ông bà, má ba… 

Những ngày đi xa, chị luôn nhớ về quê mình da diết. Quê hương chính là cái nôi của chị em đó, là nỗi nhớ mong, là những ngày sum họp; là lúc vui buồn có nhau… Là những ngày chị em mình gần gũi với ba má và quây quần bên những bữa cơm có rau sâm, rau má, rau khoai trong vườn nhà. Má cười đôn hậu với bao câu chuyên kể về cuộc đời và những khó khăn mà ba má đã vượt qua. Tất cả, tất cả đã theo chúng ta mà nuôi chúng ta khôn lớn. Giờ đây em đã bỏ chị mà đi rồi. Mỗi lần về, có ai mong đợi chị nữa đây? Có ai để sẻ chia nỗi buồn vui, thông cảm sâu sắc như hai chị em mình đối với gia đình, con cháu…

Em nói: “Cứ thương chị ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, không biết sẽ còn về quê được bao nhiêu lần nữa; không biết chị em mình có được bao nhiêu lần đón đưa nhau nữa?”- Em nói vậy mà hóa thành sự thật. Em đã bỏ chị mà đi, đi xa mãi mãi không về. Sao lại vô lý vậy em? Trước mắt em còn cả một khoảng trời rộng mở, với bao dự định cho cuộc sống gia đình trong tương lai. Mừng cho con cái đã trưởng thành. Bạn bè em đang hẹn ngày gặp mặt… Vậy mà em đã bỏ lại tất cả không đợi chờ ai!...

Em đứa con út của gia đình là điểm tựa, là nỗi nhớ niềm thương của anh, chị khi nghĩ về gia đình, quê hương là nơi đong đầy những kỷ niệm về ba má, bà con, thôn xóm; là sợi dây tình cảm gắn kết gia đình các anh, các chị với quê hương, xứ sở. Vậy mà em lại bỏ đi nhanh như vậy!... Vẫn biết là trong cuộc đời có nhiều cuộc chia ly, nhưng chia ly có hẹn ngày gặp lại, còn em ra đi lần này là mãi mãi biệt tăm… Còn mong đâu ngày gặp lại em tôi. Chị không thể tin, dù đó là sự thật. Sự thật buồn đau tận cùng gan ruột. Chị cứ muốn gọi vào số điện thoại cho em như những lần trước, nhưng tất cả đã rơi vào im lặng. Làm sao còn nói được với em đây, và làm sao còn nghe giọng nói của em nữa!.. 

Giờ đây em đã nằm yên trong lòng đất mẹ một mình. Ngày đêm    lạnh lẽo, vắng vẻ đìu hiu. Chị hiểu bây giờ quê hương ta trong lòng đất, có một phần xương cốt của ông bà, ba má chúng mình và của cả em  đó. Cầu mong sao đất quê hương luôn ấm áp, ấp ủ cho em, cho hương hồn em luôn thanh thản, siêu thoát về miền cực lạc. Chị hy vọng rằng, chết chưa phải là hết, phải không em? Em luôn hiện hữu mãi mãi trong tâm trí các anh, các chị, bà con, bạn bè và mọi người quen thuộc …

Gửi đến em muôn vàn nhớ thương. 

Vĩnh biệt đứa em gái út của chị. 

Chị Thái Lê Phương.

READ MORE - BỨC THƯ VIẾT TRONG NƯỚC MẮT - BS Thái Lê Phương, chị ruột cô Sao Mai

GẶP NGƯỜI TÌNH CŨ - thơ Vĩnh Hoàng




Tôi đã yêu em một thời trong dạo ấy
Dù cuộc tình vẫn vậy, nhưng hai đứa xa nhau
Nàng đã lấy chồng sau những lần đau khổ
Rồi từ đó tôi cũng lập gia đình
Vì cuộc sống mưu sinh, tôi ở xa nàng hơn cả ngàn cây số
Núi sông cách trở, tình đã chia xa
Bụi thời gian đã che lấp xóa nhòa
Hình bóng ấy đã chôn vào trong  kí ức
Mười lăm năm xa cách, tình ngỡ lãng quên
Hôm nay tôi trở về thăm quê sau bao ngày nhung nhớ
Tình cờ gặp gỡ người em gái năm xưa
Nàng đã ôm chặt lấy tôi, nói không nên lời, hai hàng lệ ứa
Như đứa trẻ nũng nịu đòi quà
Tôi bồi hồi xúc động sâu xa
Bao kỷ niệm như cuốn phim chiếu lại
Tôi không ngờ tình yêu tôi sống mãi, vượt quá thời gian
Sau ít phút gặp nhau chúng tôi  tù giả
Hai người hai ngả, lòng vẫn bồi hồi
Nhưng; tôi tự bảo tôi:
Vì thương nàng,  phải giữ gìn hạnh phúc
Cho nàng và cho tôi
Nghĩ đến vợ tôi, người vợ đáng kính đáng yêu
Đang từng giờ từng phút hướng theo tôi trong những ngày xa cách
Tôi cúi đầu đạp xe một mạch
Sợ hình bóng đuổi theo
Sợ lòng mình mềm yếu
Ôi; tình yêu; Tình yêu tuyệt diệu
Có mảnh lực phi thường
Mạnh hơn cả đạn bom
Vượt lên trên tất cả
Tình yêu muôn vẻ; 
Tình yêu muôn màu
Tình lắm thương đau
Tình nhiều đau khổ
Hãy giữ tình trong sạch
Hỡi những kẻ đa tình … 

                            Vĩnh Hoàng
READ MORE - GẶP NGƯỜI TÌNH CŨ - thơ Vĩnh Hoàng