Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, March 7, 2012

NỮ SĨ TƯƠNG PHỐ- MỘT TÂM HỒN THƠ TRÀN ĐẦY TÌNH NGHĨA - Nguyễn Hồng Trân


Nữ sĩ Tương phố tên thật là Đỗ Thị Đàm, con gái của một nhà nho nghèo, quê quán tại làng Bối Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, là con dâu của tỉnh Quảng Trị. Lúc nhỏ bà học ở trường tỉnh nhà, sau đó bà lên học trường Sư phạm nữ ở Hà nội. Hồi đó bà gặp anh chàng sinh viên Trường Y Hà Nội là Thái Văn Du người làng Quy Thiện, huyện Hại Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông Du là em ruột ông Thái Văn Toản- Thượng thư bộ Lại triều Nguyễn (cuối thời Khải Định và đầu thời Bảo Đại). 

Đỗ Thi Đàm và Thái Văn Du rất tâm đắc với nhau về văn thơ nên đã thương yêu nhau và trở thành vợ chồng. Tuy bà chỉ là vai trò người vợ hai thôi nhưng đôi vợ chồng sống rất hạnh phúc “Tâm đầu ý hợp” vô cùng. Nhưng tiếc thay duyên phận của bà quá ngắn ngủi! Tổ ấm gia đình của bà mới xây nên thì phải chịu cảnh mất chồng bị góa bụa lúc còn xuân xanh 25 tuổi đời.

Bài thơ “Khóc chồng” của bà là những tiếng lòng than vãn  đau thương làm xúc động bao người lúc bấy giờ  và cả đến sau này.

Ngoảnh lại trời Nam lệ  chứa chan
Lửa hương thôi đã lỗi muôn vàn
Thương chàng lỡ vỡ đường danh vong
Tủi thiếp bơ vơ  lỗi đoạn tràng
Chiếc bách dòng sâu e sóng cả
Nửa chăn bụi lấp lửa canh tàn
Từ đây non nước người xa vắng
Chi xiết lòng em nỗi dở  dang…

Nỗi buồn cô  đơn của bà đã kéo dài qua năm tháng trong cảnh mẹ góa, con côi. Thời gian ấy bà Đàm đã sáng tác nhiều bài thơ hay và một số chuyện ngắn khá ấn tượng. Không ít tác phẩm của bà đã được xuất bản trên các báo chí trong nước. Đặc biệt có tác phẩm”GIỌT LỆ THU” của bà (được đăng trong tạp chí Nam Phong số 131 tháng 7, năm 1928) đã làm rung động hàng vạn trái tim thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ và bà đã trở thành Nữ sĩ Tương Phố có tiếng tăm trong ngành văn chương Việt Nam.

Có thể nói rằng “Giọt lệ thu” như mạch nước ngầm tuôn trào dòng lệ từ tình yêu thương, chung thủy vợ chồng đã bị mất mát bất ngờ. Tác phẩm này của bà đã làm xúc động nhiều giai tầng trong xã hội bấy giờ. Riêng ở tỉnh Quảng Trị tôi đã biết có nhiều người đã nhớ và thuộc lòng từng đoạn của bài ấy như các cụ: Văn Dung, Trần Khanh, Văn Tùy, Trần Kim Hồ (ở làng Long Hưng); cụ Phan Giá, Lê Công Tôn (làng Thượng Xá); cụ Nguyễn Bân, Nguyễn Kiểm (làng Phú Long); cụ Lương An (làng Tài Lương) v.v…

“Giọt lệ thu” đã gieo vào lòng người một tình cảm sâu đậm, một sự xót xa da diết trong tâm hồn… Nó có một cài gì đó vừa chân thực, vừa tâm linh huyền ảo; vừa gần gũi lại vừa xa xôi; vừa tủi thân lại vừa trách phận vô bờ.

“Bao giờ quên được mối tình xưa
Sinh tử còn đâu mãi tới giờ!
Giấc mọng tìm đâu tìm chẳng thấy?
Mênh mông biển hận, hận không bờ!...”

Có đoạn bà tự sự một cách xót xa, đau buồn rồi mượn cảnh  đất trời, trăng gió để chia sẻ tâm tình:

“Duyên chẳng hẹn Em nghĩ trăm năm, tình còn ghi muôn kiếp. Anh chàng Thái văn Du mất ở Huế ngày 25 tháng 7 năm Canh Thân(1920). Đôi lứa trẻ trung kẻ Nam người Bắc. Khi sống đã xa nhau, lúc mất không gặp mặt. Lòng em thương xót bao giờ cho nguôi!”

“Trời thu ảm đạm một màu
Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em
Trăng thu bóng ngả bên thềm
Tình thu ai để duyên em bẽ bàng?”

Ta thấy trong “Giọt lệ thu” tiếng khóc than của bà râm rỉ đau thương quằn quại như người ngây dại mất hồn, cứ nhớ gì nói nấy, nghĩ gì thì tuôn ra cho thỏa lòng thương nhớ. Giọng văn và lời thơ cứ đan xen nhau, hòa quyện với nhau hiện ra như dòng lệ ứa tràn từ đôi mắt…

“Trời ơi! Ba sinh hương lửa đã có  duyên kiếp ái ân bạn đời. Vì đâu chẳng để trăm năm nữa, cũng cho xuân thu đắp đổi độ vài mươi năm cho cam lòng trẻ thời khăn túi. Nỡ nào chắt chiu em mới một xuân quân đã đem sinh ly tử biệt, chia phôi bước đường..."

Tuy trong lòng bà  buồn rầu vì cảnh cô đơn sớm mất chồng nhưng bà không ngã gục trước hoàn cảnh khó khăn con thơ, sức mình yếu, bà cố bình tâm nhìn cảnh vật thiên nhiên mùa thu để liên hệ tâm sự lòng mình cho khuây khỏa nỗi đau thương: 

“Anh ơi! Chung cảnh thu này, Đông Tây Nam Bắc biết bao người cảm thu nhưng long ai thu hẳn như em, mà mây chiều vấn dạ, gió mai lạnh lùng… Một lần lá rụng, một mảnh tình sầu; thu càng thảm, sầu càng tăng…

“Anh ơi! Em nghĩ đến về với anh  mùa thu; mất anh cũng lại mùa thu. Cho nên năm lại năm, cứ độ thu sang, em lại bồi hồi nhớ trước tưởng xưa mà thu một tâm ngây ngất sầu….

 “Anh ơi! Thu về như gợi mối thương tâm. Mỗi độ thu sang em lại vò lòng than khóc. Nghĩ năm có một lần thu, nhưng thu năm nay đi, năm sau còn trở lại. Hỏi ba sinh hương lửa, thời ái ân kia dễ mấy kiếp hẹn hò nhau? Chẳng hay cơ trời dâu bể vì đâu, xui nên chăn gối vừa êm, lửa hương mới bén… bỗng ai xô lộn tình tan, gương vỡ cho người lỡ duyên!”

“…Anh ơi! Giọt lệ khóc thu, em chỉ vì anh mà năm năm lai láng… Than ôi!, thu sang thu não lòng người biết bao!”

Sầu thu nặng, lệ thu đầy
Vi lau san sát, hơi may lạnh lùng
Ngổn ngang trăm mối bên lòng
Ai đem thu cảnh, họa cùng thu tâm!...”

Có những đoạn bà tâm sự nỗi lòng mình như đang thì thầm nói với chồng bên bàn thờ trong đêm vắng nghe thật cảm động:

“Anh ơi! Hờn xuân em lại hận trời. Trời đa đoan phủ phàng con trẻ. Nơi dở dang này em biết than thở với ai đây? Theo duyên những ước duyên may, em có ngờ đâu giữa đường đứt gánh chung tình. Anh đi để lại cho em những ngày mưa sầu gió thảm. Con anh măng sữa, em còn ngây thơ. Cuộc đời trăm đắng, ngàn cay. Trông vào ai? Cậy vào ai?...”

Có thể nói rằng trong tất cả những tác phẩm của bà Tương Phố thì “Giọt lệ thu” là nổi tiếng vang xa và thấm sâu lâu dài nhất trong lòng bạn đọc qua nhiều thế hệ, nhiều giai tầng trong xã hội. Mặc dù tác phẩm “Giọt lệ thu” không nổi bật gì lắm về lịch sử văn hóa nhưng nó có một giá trị về xã hội nhân văn rất ấn tượng và được nhiều người yêu quý vì họ tìm thấy sự đồng cảm của tâm hồn, tình nghĩa của con người nói chung và người phụ nữ Việt Nam nói riêng.

Xin trích một  đoạn trong cuốn “Từ điển văn học” (T2 NXB, KHXH, 1984, tg491) về nhận xét đánh giá chung văn thơ của nữ sĩ Tương Phố mà tiêu biểu là “Giọt lệ thu” như sau:

“Tương Phố đã góp vào bộ phân văn chương hợp pháp 30 năm đầu Thế kỷ XX một tiếng khóc ảo não. Ít nhiều bà có làm sống lại tâm trạng người chinh phụ trong văn học quá khứ…. Nhưng nỗi đau xót bất hạnh của bà có nhiều sầu thảm, vô vọng hơn, cũng nhuốm màu sắc hiện đại hơn, vì trong đó không chỉ có nỗi đau riêng mình mà còn gói cả “Trời sầu” của thế hệ thanh niên tiểu tư sản thành thị Việt Nam trong những năm sau Đại chiến I…”

***
Ghi chú: Hiện nay trên đồi Tương Sơn ở Đà Lạt có nhà lưu niệm nữ sĩ Tương Phố -Đỗ thị Đàm. Trên tấm bia lăng mộ bà có ghi năm sinh – năm mất là (1900-1973). Sau năm 1954, bà cùng con trai là Thái Văn Châu vào sống ở Nha Trang, sau đó lên Đà Lạt. Ông Châu là GS. Thủy lâm của Đại học Đà Lạt. Ông Thái Văn Châu có 10 người con (7 trai 3 gái). Người con trai đầu là Thái Văn Đăng là liệt sĩ CM, người con trai út là Thái Trường Chinh có gia đình riêng ở Đà Lạt, còn những người con khác đang sinh sống ở nước ngoài.

READ MORE - NỮ SĨ TƯƠNG PHỐ- MỘT TÂM HỒN THƠ TRÀN ĐẦY TÌNH NGHĨA - Nguyễn Hồng Trân