Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, February 15, 2017

HOA XUÂN (3) - Chu Vương Miện














READ MORE - HOA XUÂN (3) - Chu Vương Miện

ĐÔI ĐIỀU VỀ "THƠ HAY" - Nguyễn Khôi





ĐÔI ĐIỀU VỀ "THƠ HAY"

(Viết để chia sẻ tấm lòng cùng bạn thơ Châu Thạch, Nguyễn Bàng, Phạm Đức Nhì.)
                                   
   Xưa nay trong các cuộc Thảo luận / tranh luận về Thơ... đều nhằm mục đích tìm (phát hiện) ra "Thơ hay" và loại bỏ "Thơ dở".

   Vậy Thơ chỉ có 1 tiêu chuẩn 1 chữ là chữ là HAY hoặc DỞ mà thôi.

  Thơ là tuyệt đỉnh của văn chương vì Thơ ít chữ nhưng nói được nhiều hơn văn xuôi. Thông qua tư duy, người ta đạt đến Nghệ thuật và khoa học; nhưng với Thi ca thì không như vậy, bởi vì Thơ là ngẫu hứng (là tài hoa mà Thi nhất phát tiết ra).

  Một tác phẩm Thi ca càng độc nhất vô nhị và khó nắm bắt đối với trí tuệ bao nhiêu thì lại càng hay đến bấy nhiêu. Ở Đức, Thơ là chốn ẩn mình của những Tác giả có tài và bất tài, song đều chung nhau ở một điểm là ít dính dáng đến trí tuệ (nói theo Thi hào Goethe). Còn theo Heine thì "Thơ ca là căn bệnh lạ kỳ, căn bệnh đẹp nhất của nhân loại"; chả thế mà Chế Lan Viên cũng nói "Thi sĩ không phải là người (bình thường), nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ"; còn nói văn vẻ như Tchékov (Nga) thì "các thiên tài của tất cả các thời đại và các nước nói bằng các thứ tiếng khác nhau, nhưng trong các thứ tiếng ấy có cùng một ngọn lửa cháy".

  Đổng Trọng Thư (đời Hán): "Thơ ca không thể giải thích được". Vương Sĩ Trinh (đời Minh): "Thơ khó ở chỗ nếu không giải thích được thì thơ vô vị, mà giải thích được thì hết thi vị."

   Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa " thơ hay là thơ gồm 6 chữ : giản dị, ám ảnh, không quên". Trần Đăng Khoa kêu gọi : "mỗi người chỉ làm 1 bài thơ thật chất lượng, 1 bài thơ "để đời".

   Tóm lại: 1 bài "thơ hay" phải hội đủ 3 yếu tố: lời hay, ý đẹp, truyền cảm.

Nói một các khác là: Thơ hay phải là Ý mới / Tứ lạ / có Hồn. Khi Thi nhân  cảm hứng, ý thơ tuôn trào, hồn thơ lai láng, đó là giây phút xuất thần thường cho "thơ hay".

 Một câu thơ hay thường phải đạt 4 yếu tố: Ý mới, tứ lạ / hình tượng thơ sống động / Ngôn ngữ thơ tinh luyện, nhạc điệu truyền cảm /có tính đột ngột tạo được ấn tượng.

  Tiêu chí 1 bài thơ hay: Ý mới, tứ lạ: biểu hiện ý tưởng bao quát của bài thơ / Từ ngữ tinh tế, kiệm lời, có sáng tạo "từ" như "chữ mắt - nhãn tự làm tỏa sáng.../có giọng điệu riêng (thi cách)/ Hình ảnh sống động, tươi mới / nhạc điệu cuốn hút, âm vang.

  Hoài Thanh: "Thơ hay vẫn là sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Một bài thơ hay là cánh cửa mở cho tôi đi vào một tâm hồn."

 Một vài câu thơ hay mà Nguyễn Khôi thích thú:
     * vài ba giọt rượu hoen tà áo
       Một chút trắng ngà vướng tóc râu
                  (Bàng Bá Lân)
     *Ai đem rắc bướm lên hoa
      rắc bèo xuống giếng, rắc ta vào nàng.
                   ( Nguyễn Bính)
      *Một mai rũ áo ra đi
       Chỉ là quay gót trở về cố hương
       Tạ ơn trăm nhớ ngàn thương
       Buông tay chỉ một vô thường thế thôi
                   (Dương Kiến)

  Trên đây là Nguyễn Khôi đã tổng hợp gói lại ý kiến của nhiều người để các bạn thơ tham khảo... và Nguyễn Khôi xin gút lại cuộc thảo luận / tranh luận bằng 2 câu thơ bỏ ngỏ Gửi nàng thơ Tuyên Quang là:
        Thôi, cứ để cho thời gian gió thổi
        Gieo vào lòng một chút sóng sông Lô...
                       
        Làng Mọc Quan Nhân, 15-2-2017.

                                   NGUYỄN KHÔI

READ MORE - ĐÔI ĐIỀU VỀ "THƠ HAY" - Nguyễn Khôi

KIM YÊU - Truyện ngắn của Đặng Xuân Xuyến

           

  
KIM YÊU 
     
Bạn có đẹp trai? Chắc cũng chỉ như tôi là cùng. Thề có bàn phím tôi đang gõ, không ít người ngợi khen tôiđẹp trai, còn gọi tôi là Vinh hoàng tử nữa đấy. Thực ra, tôi cũng ý thức được mình đâu có đẹp, chỉ bình thường thôi, cỡ điểm 5 là cùng. Thế nhưng ở xóm, ở làng, ở xã mọi người cứ tấm tắc khen tôi đẹp, tôi tuyệt vời. Ban đầu tôi cũng đâu dại mà tin, cũng tức giận khi nghĩ tới đôi chân vòng kiềng, cái mũi hếch và đôi môi cong tớn của mình nhưng thằng Chủ cứ một hai bảo cả xã chẳng có ai chân thẳng như tôi, con Kim còn quả quyết mũi tôi thực ra đâu có hếch, môi tôi đâu có cong, nhìn còn đẹp là đằng khác… Nếu xã mình mà tổ chức thi nam thanh nữ tú, thế nào đằng ấy cũng đoạt giải nhất. Như thế không tin sao được. Tôi rộn ràng niềm tin mình đẹp trai nhất xã từ đó, từ hồi mới 13, 14 tuổi.
Thường lệ, tối nào tôi cũng rủ Kim ra đầu làng ngóng trăng. Tôi nghĩ, thế nào lớn lên tôi cũng cưới Kim làm vợ.
Một bận, anh họ tôi ở Hải Phòng về quê chơi. Tôi vốn không thích người thành thị, thấy bảo người thành thị sống không tình cảm như người thôn quê nên tôi cũng không thích anh cho lắm.
Tối đó, ăn cơm xong, thấy tôi loanh quanh ở nhà, anh hỏi không đi chơi với bạn gái à. Tôi ậm ừ cho qua chuyện. Anh bảo thế thì đi chơi với anh nhé. Ừ thì đi. Ở nhà cũng vậy. Hơn nữa anh ấy là anh con bác, lâu rồi mới về quê.
Đến nhà con Kim, thằng Chủ. Đứa nào cũng thẫn người ra nhìn anh ấy, nói chuyện cứ như ngậm hột thị. Bực nhất là con Kim, toàn nhìn trộm anh ấy. Ngồi nói chuyện, chẳng có gì cũng hay đỏ mặt, tay cứ vân vê vạt áo. Bố khỉ. Cứ như lần đầu gặp con trai không bằng. Lúc tiễn anh ấy ra ngõ mắt lại còn lúng liếng, dưới ánh trăng trông càng ghét.
Bá vai tôi, Hoạt - anh họ - hỏi: - Vinh thích Kim à? Tôi gắt: - Vớ vẩn. Mới tý tuổi đầu, yêu đương cái gì? Hoạt cười: - Mười tám tuổi sao còn gọi trẻ con. Yêu đi chứ. Đừng để phí tuổi xuân. Tôi ngẩn người: - Ừ nhỉ. Mình đâu còn trẻ con. Giờ chưa yêu? Có muộn lắm chăng?
Khuya đó, Hoạt kể những ba mối tình của Hoạt. Nghe hệt truyện đêm khuya đọc trên đài Hà Nội. Trai thành thị có khác. Đến nói chuyện cũng duyên, cũng hơn người khác. Tôi như uống từng lời Hoạt kể.
Thấy hay. Thấy lạ. Thấy thích.
Tôi bảo Hoạt truyền kinh nghiệm. Hoạt cười: - Thích rồi à? Tôi ngượng: -Ừ. Yêu cũng hay đấy chứ.
Đêm đó, Hoạt dạy tôi cách làm quen, tỏ tình. Tôi nhắm mắt. Mơ hôn Kim dưới ánh trăng sóng sánh.
Hoạt ở chơi vài ngày, rồi đi. Tôi bớt ác cảm với người thành thị.
*      *
*
Kim đến lạ. Sau bận ấy năng ghé nhà tôi hơn. Vẫn bồ lô bồ la như trước. Chỉ khác, nhiều lúc cứ mơ mơ màng màng, lại hay hỏi dò về Hoạt khiến tôi tức chết. Chặp trước, Kim đâu có vậy!
Bữa đó, chưa phải trăng ngày rằm nhưng trăng sáng đẹp. Tôi rủ Kim đến nhà Chủ chơi. Thấy tôi có vẻ khác lạ, Kim hỏi: - Vinh hôm nay làm sao thế? Tôi ấp úng: - Đâu có gì. Kim véo tay tôi rõ đau, bảo: - Chối à? Chắc tơ tưởng tới cô nào hả? Chợt nhớ lời Hoạt: - Nếu thích ai thì phải thể hiện ngay cho đối phương biết. Chần chừ, sẽ bị kẻ khác nẫng mất. Tôi hít thật sâu, dứt khoát: - Kim à, còn nhớ truyện Matcơva tình yêu của tôi không? Kim tròn mắt: - Matcơva tình yêu nào? Tôi vội vã: - Tình cảm của Vinh giống chàng họa sỹ người Nhật với cô gái người Nga... Sờ trán tôi, Kim lẩm bẩm: - Vinh đâu có bị sốt. Nhớ lời dặn của Hoạt, tôi thiểu não: - Kim nhìn vào mắt Vinh đi. Chưa kịp thể hiện ánh mắt đắm đuối, dài dại như cách làm của Hoạt, tôi đã bị Kim tát cho nảy đom đóm mắt.
*      *
*
Bữa khác, vẫn chưa phải trăng ngày rằm. Nhưng trăng cũng đẹp tựa trăng bữa trước. Tôi lại rủ Kim ra đầu làng hóng trăng. Kim vẫn vậy. Vẫn cười. Vẫn nói. Nhưng sao mà buồn, mà ngơ ngác đến vậy, hở Kim? Cả tối, tôi nhìn trăng uể oải rắc sáng. Cả tối, tôi im lặng bên Kim.
*      *
*
Bận nữa, Hoạt lại về thăm quê. Lại rủ tôi lang thang ngõ xóm. Lại kể tiếp chuyện tình của Hoạt. Giọng vẫn hay, điệu vẫn đẹp, sao tôi thấy vô duyên, khó chịu. Chợt nhớ tới Kim, tôi bảo: - Kim thích Hoạt thì phải. Hình như Kim có chuyện, buồn, buồn lắm. Hoạt cau mày: - Dớ dẩn. Rồi vùng dậy đốt thuốc. Rồi ngồi nói những chuyện chẳng đâu vào đâu, nghe tào lao, lạ hoắc. Tôi quát: - Ngủ đi. Tôi không nghe. Tôi không hiểu. Tôi chỉ thấythương Kim rõ khổ. Hoạt bối rối, thở dài: - Nhóc chỉ to thân xác.
Sớm sau, Hoạt vội về thành phố. Tôi nhớn nhác tìm Kim. Mãi tối khuya Kim ở đâu mới về. Vẫn là Kim ngồi đó, sao so gầy, thảm thương đến vậy.
Tôi lập cập hỏi chuyện. Tôi luýnh quýnh lo lắng. Vậy mà Kim cười buồn: Vinh đừng tốt với Kim như thế. Rồi ho khan. Rồi bảo tôi về. Ơ hay. Người ta lo mới vậy. Sao lại bảo về? Đã thế thì về. Khỏi phải lo. Khỏi phải rầu rĩ. Lủi thủi ra ngõ. Lầm lũi về nhà. Ngước nhìn trăng. Trăng cữ rằm mà sao héo úa.
*      *
*
Tối sau nữa, cỡ gần tuần trăng. Tôi nhận được lá thư của Kim. Thư không dài, chỉ ngắn gọn: - “Vinh ơi. Kim phải xa Vinh. Kim không xứng với tình yêu của chàng Hoàng Tử. Kim phải tìm kẻ quất ngựa truy phong. Hắn là ai? Thế nào? Kim không còn quan tâm! Nhưng con của Kim vẫn cần có bố.”
Nhìn bàn tay, tôi chợt nhớ, bận đó, đến hai ngày Hoạt về ngủ quá khuya.
Lại trăng.
Trăng qua rằm. Sáng vằng vặc.
*.
Làng Đá, tháng 05 năm 2002
ĐẶNG XUÂN XUYẾN


READ MORE - KIM YÊU - Truyện ngắn của Đặng Xuân Xuyến

THƠ 6-8 TRĂNG TÀ, CUỐI NĂM - Chu Vương Miện



   Nhà thơ Chu Vương Miện




THƠ 6-8 TRĂNG TÀ

Chưa lên khỏi núi trăng tà
Tình yêu cà chớn tầm xa xa rồi
nếp người hong đã thành xôi
chè người đã nấu tràn nồi tràn vung
điếm canh nổi trống thùng thùng
canh ba giờ tý giường không mặn mòi
tìm em theo đám ốc nhồi
còn con chó ngủ mép xùi bọt ra
một mình giữa chốn tha ma
Ngó em ngó mãi bụi cà bụi lau
Sờ đầu còn có chi đâu ?
Còn chăng một mớ dây câu không chì
Ưa thì trà uống dăm ly
Cơm ăn dăm bát đồ mi khối tình
Tình ơi tình quá lình xình
Em đi để lại bãi mìn cho anh



CUỐI  NĂM

đọạn tháng
mưa vẫn rơi
nước vẫn lụt
đêm vẫn lạnh
trời tối thiu
vườn cậy không cỏ
than cậy không hoa
xa xa nơi đầu núi
toàn tuyết phủ

Quê người thì như vậy
Còn bạn hữu nơi nhà
nước tràn trên đồng ruộng
lóp ngóp nơi vỉa hè
hỡi nước ơi là nước
đâu còn Sải, Bích La
đến làng chài Mỵ Thuỷ
trôi dạt theo ông bà
hàng thuỳ dương đứng khóc
bốn phía sóng la đà
Quảng Trị ơi QuảngTrị
Giờ tụ lại Đông Hà
Nhìn cát ngoài Ái Tử
Mà chợt nhớ Hạnh Hoa
Mơi mốt về Ba Bến
Con kinh đào quá già
Nhà thơ xưa đã khuất
Còn ta và mỗi ta?

Chu Vương Miện

READ MORE - THƠ 6-8 TRĂNG TÀ, CUỐI NĂM - Chu Vương Miện

TRƯƠNG CÔNG TƯỞNG và GIẤC MƠ CỦA THỜI THIẾU NỮ - Phan Nam


  Tác giả Trương Công Tưởng

GIẤC MƠ CỦA THỜI THIẾU NỮ

Nửa đêm chị tôi ra giếng
Khua chiếc gàu múc một nỗi đau
Đàn bà nằm nghiêng trăn trở
Thương cho giường chiếu bạc nhàu

Nửa đêm chị tôi ra giếng
Khua chiếc gàu múc một giấc mơ
Giấc mơ của thời thiếu nữ
Xa xôi đến tận bây giờ

Nửa đêm chị tôi ra giếng
Khua chiếc gàu múc một khát khao
Tưới lên mảnh hồn cằn cỗi
Nỗi đau cứ chực tuôn trào

Chị tìm gì trong tiếng hát
Chị tìm gì trong lời ru
Cỏ dại mọc tràn mặt đất
Tim người vẫn cứ âm u

Nửa đêm bàng hoàng thức giấc
Thương cho giường chiếu bạc nhàu
Giấc mơ của thời thiếu nữ
Bây giờ vẫn cứ nằm đau.
           Trương Công Tưởng

Đôi lời cảm nhận của Phan Nam:

Cùng với sự bùng nổ mạnh mẽ của mạng xã hội, người làm thơ ngày càng nhiều và dĩ nhiên tác phẩm được xuất bản ngay lập tức khiến lòng người náo nức. Trong bức tranh nhiều màu sắc của thi ca ngày nay, sự kết nối rộng rãi làm cho tác phẩm đến với công chúng dễ dàng hơn. Và trong rất nhiều những tác phẩm mới được các tác giả trẻ vun vén, tôi thật sự ấn tượng với bài thơ “giấc mơ thời thiếu nữ” của tác giả Trương Công Tưởng, một tác giả trẻ hiện đang sống và làm việc tại Bình Định. Bài thơ với cấu tứ chặt chẽ đã tạo nên ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc. Thật sự tôi không biết như thế nào là một bài thơ hay, nhưng tôi thích điều giản dị nhưng sâu sắc. Và “giấc mơ của thời thiếu nữ” với những hình ảnh quen thuộc nhưng sức gợi mạnh mẽ tác động vào lòng người sự khắc khoải, một chút buồn. Trong tim mỗi người Việt, dường như lời ru của mẹ đã ăn sâu vào tìm thức, nuôi dưỡng tâm hồn đẹp đẽ, tránh sa tất cả cát bụi hồng trần. Và người thiếu nữ trong thơ của Tưởng gắn liền với hai hình ảnh quen thuộc là cái giếng và chiếc giường. Hai hình ảnh là mạch ngầm xuyên suốt bài thơ chuyển tải đến người đọc lòng bao dung, vị tha mà cuộc đời ban tặng.

Ba khổ thơ đầu lặp lại câu thơ “nửa đêm chị tôi ra giếng” đã tạo nên sức ám ảnh kỳ lạ cho bài thơ. Chị tôi có thể là nhân vật thật hoặc là nhân vật trữ tình giúp ý tưởng của tác giả tạo thành tác phẩm hoàn chỉnh. Nói gì đi chăng nữa thì đây là một câu thơ có sức gợi với một cách đặt vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng lại mở ra một không gian bất tận trong thơ. Và tiếp theo chị làm gì? “Khua chiếc gàu” như để tìm nỗi ám ảnh mông lung từ ký ức xa xăm vọng về. “Khua chiếc gàu” như để trải nỗi lòng đến với sự vô cùng của không gian và thời gian. “Khua chiếc gàu” như muốn thét lên trong sâu thẳm tâm can để trút bỏ đau thương của thân phận người con gái “mười hai bến nước”, không biết con sáo sổ lồng rồi sẽ đến đâu về đâu. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của Thanh Thảo: “giọt nước mắt vầng trăng/ long lanh trong đáy giếng” miêu tả sự bất lực của người nghệ sỹ trong khi tiếng đàn đứt đoạn giữa trần gian. Hình ảnh cái giếng của thời thiếu nữ trong thơ Trương Công Tưởng ta cũng nhận ra sự sâu sắc như vậy, mượn ảnh để gợi tình, bởi vì khát khao yêu thương có thể bùng cháy bất cứ lúc nào nhưng cũng có thể bị dập tắt bởi muôn ngàn lo sợ chưa được hóa giải. Ở khổ thơ đầu, tác giả viết:

Nửa đêm chị tôi ra giếng
Khua chiếc gàu múc một nỗi đau
Đàn bà nằm nghiêng trăn trở
Thương cho giường chiếu bạc nhàu

Đấy là sự thương xót cho một số phận hay hàng ngàn số phận đang “nằm nghiêng trăn trở”, hình ảnh “giường chiếu” đi suốt quãng đời người đàn bà cũng phải “bạc nhàu” theo thời gian. Hay tại vì nỗi đau đã đi qua xa trong nghĩ suy của con người, khiến thi sỹ của phải cuối người chua xót. Bài thơ tác giả công bố trên trang văn học bongtram.com vào tháng 7/2013 có tựa đề là “nhức nhối”, nhưng sau này được đổi lại là “giấc mơ của thời thiếu nữ”, tôi nghĩ đây là sự thay đổi rất hay và hợp lý, nhức nhối thì chỉ một thời, những giấc mơ thì đi suốt cả một đời. Khổ thơ thứ 2 và 3 tiếp nối tâm trạng của người thiếu nữ, cũng là người “chị” của tác giả, với những câu thơ đau đớn dâng trào:

- Giấc mơ của thời thiếu nữ
Xa xôi đến tận bây giờ
- Tưới lên mảnh hồn cằn cỗi
Nỗi đau cứ chực tuôn trào.

Nỗi đau chuyển tiếp qua hàng loạt những động từ và như muốn nhấn chìm người đọc trong sự ngậm ngùi, bị thương. “Tưới” một động từ có sức ám ảnh kỳ lạ trong một không gian huyền ảo và u buồn. Đến bây giờ thì nỗi đau đã không thể kìm lại được nữa mà “tuôn trào” vào trong sâu thẳm tâm hồn người con gái. Ở khổ thơ tiếp theo, tác giả viết:

Chị tìm gì trong tiếng hát
Chị tìm gì trong lời ru
Cỏ dại mọc tràn mặt đất
Tim người vẫn cứ âm u

Sau hàng loạt động tác “khua gàu”, tác giả mới dẫn dắt người đọc đến hành động mà có thể chúng ta đã mường tượng trước đó: chị tìm gì. Thực ra đây chỉ là hành động ẩn dụ để nói lên tâm trạng của người con gái, trong “tiếng hát” và trong “lời ru” thì “cỏ dại mọc tràn mặt đất” mà lòng người “vẫn cứ âm u”. Đây là khổ thơ nói lên toàn bộ mạch nội dung của bài thơ, ra giếng là để đi tìm lại giấc mơ đã chôn sâu trong tiếng hát, lời ru. Sự đồng cảm của tác giả và độc giả được hòa nhập làm một trong bốn câu cuối của bài thơ:

Nửa đêm bàng hoàng thức giấc
Thương cho giường chiếu bạc nhàu
Giấc mơ của thời thiếu nữ
Bây giờ vẫn cứ nằm đau.

Giấc mơ của thời thiếu nữ cứ ngỡ đã lùi sâu vào dĩ vàng, nhưng không, nó vẫn âm ỉ đau qua bao gian truân cuộc đời. Hỏi mấy ai mà không ngậm ngùi cho được khi tình duyên dang dở, nó lấy đi giấc mộng và cả sự trắng trong của người thiếu nữ. Hỏi mấy ai không rơi giọt nước mắt tiếc thương thân phận của người con gái một đời phải đi theo người đàn ông mà mình trót thương, trót mến. Sự đồng cảm của người thi sĩ được nhấn mạnh khi hình ảnh “giường chiếu bạc nhàu” một lần nữa được lặp lại, thật chua xót làm sao! Dẫu biết “anh đàn ông rồi/ vẫn lớn thêm/ em đàn bà rồi/ vẫn đẹp thêm...” (thơ Trần Duy Trung) nhưng sao cuộc đời lắm phong ba bão táp kéo tình yêu bạc màu như ngọn sóng, muôn đời “gió dập sóng dồi”. Qua bài thơ ta thấy tình yêu muôn ngàn đời nay vẫn đẹp và long lanh như ánh trăng vàng. Đừng để những gợn sóng kéo tình yêu ra xa, mãi mãi không thể níu giữ.

Tiên Phước, đầu xuân 2017
PHAN NAM

-------------------------------------------------------
Tác giả: Phan Văn Nam, bút danh: Phan Nam.
Phone: 01686 642 109
Blog cá nhân: phannamlangtu.blogspot.com
Địa chỉ: Tổ 29, thôn Thanh Bôi, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, Quảng Nam


READ MORE - TRƯƠNG CÔNG TƯỞNG và GIẤC MƠ CỦA THỜI THIẾU NỮ - Phan Nam

ĐI ĐI EM! - Thơ Nguyễn Lâm Cẩn


            Tác giả Nguyễn Lâm Cẩn



ĐI ĐI EM!

Thì em cứ đi đi
Đừng bao giờ ngoái lại
Dù cam không ra trái
Dù cải không lên ngồng
Dù lúa chẳng kết bông
Dù sông kiệt dòng chảy…

Cứ thủng thẳng mà đi
Đừng chạy
Vấp ngã sõng soài ai đỡ lúc không anh!
Thắp hương trầm khấn vái trời xanh
Cầu em luôn xinh đẹp
Cầu cho em có người tình “khuôn phép”
Biết đặt em lên bệ thờ
Khấn lời yêu thần chú bằng thơ!

Anh sẽ làm kẻ hành khất bơ vơ
Lang thang nơi trần thế
Xin Người một nét vẽ
Đôi mắt em đen huyền
Xin Người ngọn lửa đèn
Từ tim em thắp sáng
Xin Người chút chạng vạng
Cất đêm giọt rượu nồng
Xin Người chút môi hồng
Từ nơi em viễn xứ…

Bước đi đi em
Đừng do dự
Tự do anh rải đá làm đường
Đích cuối cùng em đến
Ngôi chùa tình thờ Phật tổ… ngàn thương.

                          Hà Nội, 14-2-2017
                      NGUYỄN LÂM CẨN

READ MORE - ĐI ĐI EM! - Thơ Nguyễn Lâm Cẩn

BẾN TAOR TRONG LỜI EM DẶN - Chùm thơ Lê Thanh Hùng



Ảnh tác giả.


Bến Taor trong lời em dặn
Tặng anh Mang Ngọc Văn

Em ngồi đếm, nắng reo trên đường vắng
Lá mùa thu còn bịn rịn trên cành
Im ắng quá, trong không gian tĩnh lặng
Treo bên đường, một sợi nhớ mong manh ...
                        *
Bóng thác Thah Pô (1) mờ xa gôn đá
Tiếng Saraken (2) quấn quýt trong chiều
Em trao nỗi nhớ, cho người xa lạ
Ngày Hội xuống đồng, không ai hát Alâu (3)
                        *
Nên tiếng Mã la lạc kèn Ahoát (4)
Cho điệu Sangơi (5) ngắt lịm giữa chừng
Ơ ... kèn Radih (6) như vang lên đồng loạt
Điệu Xúri (7) sao thương nhớ người dưng ?
                        *
Xanh mướt Taor (8) , chim rừng say hót
Em như Hareh (9), giăng rợp đỉnh Samai (10)
Bằng những lời thương, chờ nhau ... bén ngọt
Quên tháng, quên ngày bên ché Tapai (11)
                        *
Người em hẹn và những lời em dặn
Sẽ thơm nồng qua suốt tháng Wup Wơr (12)
Má ửng hồng, em tung tăng trong nắng
Rạng ngời say hội Băng akok naja (13)...
Lê Thanh Hùng
____________
(1) Thah Pô: Thác Ông Bà (Cái xa bắt cá của ngài)
(2) Saraken: Kèn Bầu
(3) Alâu: Nói lí, hát đối đáp
(4), (6) Ahoát, Radih:  Kèn môi
(5) Sangơi: Hát tỏ tình
(7) Xúri: hát than thân
(8) Taor: Vùng đất gần nguồn nước
(9) Hareh: Các loại dây rừng (Núi dây)
(10) Samai: Cây chùm ruột rừng (Đỉnh núi Sao Mai)
(11) Tapai: Rượu Cần
(12) Wup Wơr: Tháng 12, tháng lãng quên, tháng lễ hội
(13) Băng akok naja: Lễ ăn lúa mới
Muộn
Chồng hoa, xếp trái quanh hiên
Đắn đo đứng đợi, chờ điên đảo chờ
Đường xa, nắng nhảy dật dờ
Bến xưa, mộng tưởng, đâu ngờ em quên
Lê Thanh Hùng

Tiếng vọng
Đêm cuống quýt
Ru tình
Bên cánh võng
Sao cứ sẻn so
Mờ mịt
Dốc đời.
Gió nam non
Gọi mời đêm
Lồng lộng
Nghe hao mòn
Rơi
Tiếng vọng
Người ơi!
Lê Thanh Hùng
huyện Bắc Bình, Bình Thuận.

READ MORE - BẾN TAOR TRONG LỜI EM DẶN - Chùm thơ Lê Thanh Hùng